Bách Khoa Thư Lịch Sử

Hậu Quả Của Chiến Tranh Thế Giới I (1918–1923)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

HẬU QUẢ CỦA CHIẾN TRANH THẾ GIỚI I (1918–1923)

Không phải đối phó với Nga, Đức đã mở một cuộc tấn công ở mặt trận phía Tây năm 1918. Quân đội Mỹ mới nhập cuộc đã giúp chấm dứt cuộc tấn công này và Đức phải cầu hòa.

Chiến tranh Thế giới I lôi kéo tất cả người dân tại các nước tham chiến. Phụ nữ phải đi làm để sản xuất vũ khí và duy trì hoạt động của các ngành kinh tế trong khi nam giới chiến đấu ngoài chiến trường.

Năm 1917, quân Mỹ tới châu Âu, nên quân Đồng minh có thể mở các cuộc tấn công mới trên mặt trận phía Tây. Năm 1918, Nga rút khỏi cuộc chiến, và quân Đức được rảnh tay ở mặt trận phía Đông. Đến năm 1918, có hơn 3,5 triệu binh lính Đức chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Tháng 3-1918, quân Đức vượt qua các chiến tuyến và tiến về Paris. Pháp phản công vào tháng 7 và đến tháng 8, xe tăng của Anh vượt qua phòng tuyến của quân Đức tại Amiens. Vì Mỹ cũng đổ quân vào Pháp nên quân Đức phải rút lui.

Tàu ngầm của Đức tấn công tàu thuyền nổi trên mặt nước bằng ngư lôi phóng từ phía dưới. Những tàu ngầm này tấn công quân Đồng minh hiệu quả tới mức khiến nước Anh suýt thất bại vào năm 1917.

Đến tháng 10, chiến sự diễn ra gần biên giới nước Đức và việc phong tỏa đường thủy đã gây nên nạn đói tại Đức. Sáng sớm ngày 11-11, Đức ký hiệp định đình chiến. Vua Wilhelm II thoái vị, và vào lúc 11 giờ trưa, chiến sự của cuộc Chiến tranh Thế giới I chấm dứt. Gần 10 triệu người đã chết, hơn 20 triệu người bị thương, mà đa số là thanh niên. Tổn thất này đã làm thay đổi cả cấu trúc xã hội của một số nước tham chiến. Hệ quả là phụ nữ được hưởng sự bình đẳng và tự do nhiều hơn so với thời gian trước chiến tranh. Ở nhiều nơi, phụ nữ bắt đầu có quyền bầu cử.

Các trận đánh trong Chiến tranh Thế giới I khiến nhiều vùng ở Bỉ và Đông Bắc nước Pháp bị tàn phá. Các thành phố như Ypres ở Tây Bắc nước Bỉ chỉ còn lại những đống đổ nát.
Hiệp ước Versailles ký ngày 28-6-1919 đã định đoạt số phận nước Đức, vì trong đó tuyên bố rằng chỉ những người cai trị nước Đức phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát của cuộc chiến.

HIỆP ƯỚC VERSAILLES

Chiến tranh Thế giới I chính thức chấm dứt tại Hội nghị hòa bình Paris, nhưng các cuộc tranh luận của hội nghị còn tiếp diễn trong những năm 1919–1923. Tất cả các nước tham chiến (trừ Đức) đã nhóm họp để soạn thảo một hiệp ước hòa bình, nhưng Mỹ, Anh, Pháp và Italia là những quốc gia đóng vai trò chi phối. Năm bản hiệp ước riêng rẽ đã được soạn thảo.

Sau Hội nghị hòa bình Paris (1919), Đức trả lại đất cho Pháp và Bỉ. Triều đại Habsburg chấm dứt sự tồn tại, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư đều trở thành các quốc gia mới.

Quan trọng hơn cả là Hiệp ước Versailles – hiệp ước trừng phạt Đức vì hành động của họ trong Chiến tranh Thế giới I. Các nước phe Đồng minh được hưởng những khoản bồi thường lớn. Diện tích của nước Đức bị thu hẹp lại, và có đến bảy triệu người không còn thuộc quyền cai quản của Đức nữa. Đức phải từ bỏ tất cả thuộc địa của họ ở nước ngoài, và giảm quân đội xuống còn 100.000 người. Kinh tế Đức suy sụp dẫn tới nạn siêu lạm phát. Các nước khác cũng gặp khó khăn vì phải thanh toán các món nợ vay mượn trong thời gian tham chiến. Điều đó đã dẫn đến những biến động về chính trị và kinh tế.

Tranh chấp tiếp diễn quanh việc vạch lại đường biên giới tại châu Âu sau khi các đế quốc Đức, Áo-Hung, Nga và Ottoman sụp đổ.

SIÊU LẠM PHÁT: Nền công nghiệp của Đức bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh và nước này không thể trả nổi các khoản bồi thường mà các nước Đồng minh đòi hỏi như trong Hiệp ước Versailles. Người Đức coi hiệp ước này là không công bằng và phi lý. Một trong những hậu quả là kinh tế Đức mắc phải nạn siêu lạm phát vào thập niên 1920. Siêu lạm phát là tình trạng lạm phát rất cao, làm đồng tiền mất giá liên tục. Muốn mua một cái bánh mì cũng cần rất nhiều tiền.

HỘI QUỐC LIÊN

Hội nghị hòa bình Paris cũng thành lập Hội Quốc Liên, với mục đích duy trì hòa bình trên thế giới bằng cách giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và thỏa thuận, nhưng cuối cùng đã thất bại. Vấn đề là Hội này không có nhiều quyền vì Mỹ từ chối tham gia, và vẫn còn tình trạng kình địch giữa một vài nước trong tổng số 53 thành viên. Điều đó làm suy yếu và giảm sức mạnh của Hội, và đến cuối thập niên 1930, chỉ còn một vài quốc gia để ý tới Hội Quốc Liên.

Vì nạn siêu lạm phát mà tờ một triệu mark do Đức phát hành vào thập niên 1920 cũng gần như không có giá trị gì.