Bách Khoa Thư Lịch Sử

Châu Mỹ (500 TCN–500 CN)

CHÂU MỸ (500 TCN–500 CN)

Châu Mỹ có nhiều nền văn hóa khác nhau, tất cả đều hội ngộ ở thành Teotihuacán. Ngoài các nền văn minh đô thị, cũng có nhiều nền văn minh đơn giản hơn nằm rải rác trong khu vực.

Trong giai đoạn này, ở châu Mỹ phát triển nhiều nền văn hóa khác nhau. Vào khoảng năm 100 CN, thị quốc Teotihuacán đã lớn mạnh và thống trị Mexico.

Ngoại trừ các chuyến ghé chân của cư dân quần đảo Polynesia ở Thái Bình Dương tới Peru vào thế kỷ IV, châu Mỹ hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới. Mặc dù vậy, Teotihuacán, nổi tiếng với Kim tự tháp Mặt trời khổng lồ, là thành phố lớn thứ năm trên thế giới với 200.000 dân.

Bộ vuốt chim đại bàng này được người da đỏ Hopewell ở Ohio cắt từ tấm mica (một loại khoáng chất phẳng và trong suốt như thủy tinh) vào khoảng năm 200 CN.

BẮC MỸ

Một vài cộng đồng văn hóa đã từng tồn tại nơi đây. Các thổ dân da đỏ vùng Đồng bằng, có cuộc sống du mục và săn bò rừng bison, sống ở vùng Trung Tây, còn các bộ lạc miền rừng sống ở khu vực Đông Bắc. Ở lưu vực sông Mississippi, nền văn hóa Hopewell với nghề chế tạo đồ đồng và buôn bán đã suy tàn vào khoảng năm 500 CN. Còn ở vùng Tây Nam, các cộng đồng người Mogollon và Hobokam sống thành làng và có nghề trồng ngô phát triển mạnh. Ven biển miền Tây và ở miền Bắc, các cộng đồng săn bắn, đánh cá và hái lượm đơn sơ hơn như những người Makah và Inuit cũng phát triển.

TRUNG MỸ

Các nền văn minh sơ khai nhất ở Mexico là của người Olmec (1200-300 TCN) và người Zapotec (1400-400 TCN). Người Zapotec nổi tiếng về kiến thức và là những người châu Mỹ đầu tiên phát minh ra chữ viết (800 TCN). Họ có hệ lịch chính xác mà sau này họ dạy cho người Maya và người dân ở Teotihuacán.

GÒ RẮN LỚN: Người ta không biết đích xác ai đã đắp Gò Rắn Lớn. Có thể đây là công trình của người da đỏ Adena - tiền bối của nền văn hóa Hopewell. Gò được đắp ở nơi nay thuộc bang Ohio (Mỹ), đâu đó trong quãng từ năm 1000 TCN đến năm 700 CN. Với chiều dài 400 m, nó có thể từng là một trung tâm phục vụ nghi lễ, mô phỏng hình con rắn vũ trụ - biểu tượng của sức sống trong thiên nhiên - đang nuốt quả trứng vũ trụ. Có lẽ hình ảnh này tượng trưng cho chu kỳ bất diệt của cái chết và sự tái sinh, hoặc là hiện thân của sức sống.
Bức điêu khắc đá này được tìm thấy trong đống phế tích của Teotihuacán. Một điều lạ là tuy không hề tác động bằng vũ lực, nhưng thành phố vẫn có ảnh hưởng lớn đến tất cả các nền văn hóa láng giềng, nhất là thông qua các mặt hàng thủ công và nhiều hàng hóa khác.

THÀNH TEOTIHUACÁN

Khi nền văn minh của người Olmec và người Zapotec suy tàn, thị quốc Teotihuacán, thành lập vào khoảng năm 200 TCN, đã lớn mạnh và thống trị Mexico năm 100 TCN. Ở đỉnh cao vào 600 năm sau đó, thành Teotihuacán rộng lớn hơn cả thành Rome cổ đại. Thành phố được xây dựng theo một hệ thống mạng lưới có quy hoạch với quần thể đền thờ và kim tự tháp rất ấn tượng, nhiều xưởng thủ công, các khu chợ buôn bán và cả những khu sinh sống dành cho người nước ngoài. Đây là trung tâm thương mại lớn nhất ở châu Mỹ, kết nối và cung cấp hàng hóa cho cả Bắc Mỹ lẫn Nam Mỹ. Teotihuacán có ảnh hưởng đến các nền văn hóa khác của Mexico, chẳng hạn như nền văn hóa Maya. Teotihuacán nhập khẩu nguyên liệu cả từ những nơi xa như vùng Ngũ Đại Hồ và Colombia. Có các thành phố khác vây quanh nhưng thành Teotihuacán yên bình một cách lạ thường. Khoảng năm 600 CN, nó suy tàn một cách bí hiểm, tuy nhiên người Aztecs sau này có kế tục di sản của Teotihuacán.

Vỏ sò có chạm hình thầy tế hoặc quan chức tại Palenque, một trong những trung tâm nghi lễ quan trọng của nền văn minh Maya.

NAM MỸ

Ở Equador, nhà nước Moche, lúc đỉnh cao phát triển vào khoảng năm 300 CN, người ta đã làm được đồ gốm, hàng dệt và ngũ kim tinh xảo. Xa hơn về phía Nam, thành phố Tiahuanaco nằm ở độ cao 3.660 mét so với mặt nước biển, cạnh hồ Titicaca trong rặng núi Andes, có nhiều ngôi đền, cung điện bằng đá khổng lồ với khoảng 40.000 dân sinh sống. Được thành lập khoảng năm 300 TCN, thành phố này đạt tới thời kỳ hoàng kim vào khoảng năm 500 CN.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

350 TCN Các thị quốc đầu tiên của người Maya xuất hiện

300 TCN Tiahuanaco, Peru, được thành lập (đỉnh cao khoảng năm 500 CN, suy tàn khoảng năm 1000)

200 TCN Teotihuacán được thành lập (đỉnh cao khoảng năm 500)

200 TCN Văn hóa Moche, bờ biển Peru (đỉnh cao khoảng năm 300, bị xâm chiếm năm 700)

100 TCN Văn hóa Hopewell (đỉnh cao khoảng năm 300, chấm dứt khoảng năm 800)

300 CN Bắt đầu thời kỳ Cổ đại của nền văn minh Maya (kéo dài đến năm 800)

300 CN Văn hóa Mogollon (Bắc Mỹ)

400 CN Văn hóa Hohokam ở Bắc Mỹ (kéo dài đến năm 1450)