Người Parthia là dân du mục châu Á đã di chuyển xuống phương Nam tới Ba Tư vào khoảng năm 1000 TCN. Vào khoảng năm 300 TCN, bộ lạc Parni sống lẫn với người Parthia và sau này trở thành những kẻ cai trị họ.
Người Parthia và Parni sống ở miền bắc Iran dưới ách cai trị của Ba Tư và sau đó là triều đại Seleucid của Hy Lạp. Thủ lĩnh của người Parni đã trở thành tổng trấn xứ Parthia triều Seleucid. Sau đó, vào năm 238 TCN, ông tuyên bố độc lập và xưng vương trước một loạt thủ lĩnh địa phương trong vùng. Người Parthia tiếp nhận tập quán địa phương (của người Hy Lạp, Ba Tư và Babylon) hơn là tạo ra tập quán của riêng mình, nhưng cuối cùng họ tiếp nhận ngày càng nhiều phong tục của người Ba Tư. Parthia phát triển phồn thịnh nhờ buôn bán trên Con đường Tơ lụa khởi nguồn từ Trung Quốc.
Các thủ lĩnh vĩ đại nhất của người Parthia là hai anh em cùng tên Mithradate. Người ta không biết nhiều về xứ Parthia, chỉ biết rằng người Parthia đã xâm lược xứ Babylon và Bactria (Afghanistan), và có quan hệ hòa hảo với Trung Quốc thời nhà Hán. Họ thường chiến đấu với quân La Mã để ngăn sự bành trướng của La Mã về phía Đông. Quân đội của họ hùng mạnh, được tổ chức tốt. Nổi tiếng về khả năng giao chiến trên lưng ngựa, họ xung trận như vũ bão và có thể nhanh chóng áp đảo đối phương có khí giới.
Các cuộc chiến tranh của người Parthia với La Mã rất tốn kém, khiến dân chúng bất bình. Sau 450 năm chiếm ưu thế ở Ba Tư, họ trở nên suy yếu. Tình hình này tạo thời cơ cho một lãnh chúa địa phương tên là Ardashir lật đổ vương triều của người Parthia vào năm 225 CN. Vua Ardashir cai trị Ba Tư và lập nên triều đại Sassanid. Ông biến tín ngưỡng của người Parsee là Bái hỏa giáo (Zoroastrianism) thành quốc đạo của Ba Tư. Đây là một ý tưởng mới mà về sau hoàng đế La Mã Constantine lặp lại. Vua Ardashir đưa Ba Tư vào một thời kỳ vĩ đại mới.
Các vị vua Ba Tư (shah) triều Sassanid rất tích cực duy trì những truyền thống lâu đời của Ba Tư cổ và cũng muốn giành lại các vùng đất từng do vua Darius cai trị trước khi bị Alexander Đại đế thôn tính. Cung điện của họ ở Ctesiphon (gần Babylon) trở thành trung tâm của một nền văn hóa rực rỡ, và đế quốc Ba Tư giàu có trở thành đối thủ đáng gờm nhất của La Mã. Shapur I là một bậc trị vì lỗi lạc của triều đại Sassanid. Ông chiến đấu với quân La Mã, thậm chí còn bắt và ra lệnh giết chết hoàng đế La Mã Valerian. Shapur chinh phục Armenia, Syria, Bactria và Sogdiana (Afghanistan), lưu vực sông Ấn (Pakistan). Ở trong nước, ông bảo trợ cho nền văn hóa Ba Tư phát triển rực rỡ, với nền tảng là những tư tưởng tín ngưỡng Bái hỏa giáo. Năm 480 CN, Ba Tư phải đương đầu với một cuộc nổi loạn tôn giáo và cuộc xâm lược của các bộ lạc du mục Hung Nô từ Mông Cổ. Sau khi giải quyết xong các rắc rối này, vua Khosru II chinh phục Ai Cập và đế quốc Byzantine. Tuy nhiên, sau đó ông bị giết, một cuộc nội chiến bùng nổ và Ba Tư suy yếu dần. Xứ Ba Tư của triều Sassanid sụp đổ khi bị những người Arập mới được truyền giảng Hồi giáo xâm chiếm vào năm 673 CN. Cuối cùng người Ba Tư bị cải sang đạo Hồi.
238 TCN Vua Arsaces I của người Parthia tuyên bố độc lập, tách khỏi triều Seleucid
141 TCN Hai anh em Mithradate xâm lược Lưỡng Hà
53 TCN Người Parthia đánh tan quân La Mã ở Syria
225 CN Nhà Sassanid lật đổ người Parthia
240-272 Nước Ba Tư thời Sassanid phát triển rực rỡ nhất dưới triều vua Shapur I
Những năm 480 Quân Hung Nô xâm chiếm miền Đông Ba Tư
616 Khosru II xâm chiếm Ai Cập
637 Ba Tư rơi vào tay người Arập Hồi giáo