Bách Khoa Thư Lịch Sử

Cách Mạng Khoa Học (Từ 1950 Đến Nay)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

CÁCH MẠNG KHOA HỌC (từ 1950 đến nay)

Nửa sau của thế kỷ XX là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Thời đại máy tính điện tử đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của con người.

Từ khi tia laser được phát minh vào đầu thập niên 1960, đến nay nó đã được ứng dụng vào nhiều mục đích, chẳng hạn phẫu thuật mắt, công trình xây dựng, vẽ bản đồ và hệ thống điều khiển vũ khí.

Các nhà khoa học cùng các doanh nhân đã biết kế tục và phát triển những phát minh có từ nửa đầu thế kỷ XX để đưa vào ứng dụng trong thực tế. Giới kinh doanh và sản xuất hiểu rằng sẽ có những lợi ích tài chính to lớn nếu hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu, vì vậy hoạt động nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng được tiến hành thông qua quan hệ đối tác giữa hai bên.

Cấu trúc xoắn kép (hai chuỗi bện xoắn vào nhau) của ADN được Francis Crick và James Watson phát hiện năm 1953. Cấu trúc này mang tham số “bản thiết kế” của sự sống. Khám phá đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân của nhiều căn bệnh.

NGÀNH ĐIỆN TỬ

Một trong những phát minh có tính đột phá là chip silic, một linh kiện nhỏ có thể sản xuất với số lượng lớn và chi phí thấp. Chip silic thay thế những linh kiện cũ cồng kềnh và dễ hỏng, giúp làm ra những máy điện tử nhỏ hơn nhiều so với trước đây nhưng tính năng lại mạnh hơn nhiều. Các bộ vi xử lý, các mạch điện tử phức tạp thu gọn chỉ trong một con chip được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử, từ máy tính cho tới tên lửa vũ trụ, robot hay điện thoại. Chip silic đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hầu như tất cả mọi người vào cuối thế kỷ XX.

Bộ vi xử lý bằng chip silic được chế tạo tại Mỹ năm 1971 và dẫn tới một cuộc cách mạng công nghệ. Những con chip này được “in khắc” những mạng điện rất nhỏ cho phép máy tính có thể xử lý và lưu giữ thông tin.
Đến năm 1990, những phần việc lặp đi lặp lại như dây chuyền lắp ráp xe hơi đã được các robot thực hiện dưới sự điều khiển của máy tính. Điều đó có nghĩa là năng suất công nghiệp cao hơn, đồng thời giảm bớt nhân công lao động.

THỜI ĐẠI MÁY TÍNH ĐIỆN TỬ

Sự phát triển lĩnh vực điện tử cũng dẫn tới một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin liên lạc. Các máy photocopy và máy fax giúp nhân viên văn phòng có thể xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ nhanh hơn nhiều so với trước. Họ cũng có thể liên lạc nhanh chóng với các văn phòng khác trên toàn thế giới. Nhờ truyền thông điện tử lan rộng toàn thế giới, người ta ngày càng tìm được thông tin dễ dàng hơn. Đến cuối thế kỷ XX, bất kỳ ai có máy tính cá nhân và kết nối Internet đều có thể liên hệ với hàng triệu người khác trên toàn thế giới trong chốc lát.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành điện tử cũng dẫn tới một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Đến những năm 1990, hầu hết mọi khía cạnh của tiến trình sản xuất trong tất cả các ngành đều được kiểm soát bằng máy tính. Những công việc lặp đi lặp lại trong các dây chuyền lắp ráp đều do máy móc điện tử – gọi là robot – thực hiện. Việc kiểm soát kho, phân phối hàng cũng như hệ thống quản lý cũng chịu sự kiểm soát của công nghệ tin học.

Kính viễn vọng không gian Hubble được tàu vũ trụ con thoi Discovery của Mỹ phóng lên quỹ đạo vào tháng 4-1990. Kính này giúp các nhà khoa học có được hình ảnh về các vật thể trong vũ trụ cách xa Trái đất hàng tỉ năm ánh sáng.

NHỮNG ĐỘT PHÁ VỀ Y HỌC

Được phát minh vào thập niên 1960, tia laser được sử dụng vào việc phẫu thuật để loại bỏ những mô mắc bệnh và những ca phẫu thuật mắt tinh vi.

Trong thập niên 1950, các nhà khoa học Anh và Mỹ đã phát hiện ra cấu trúc ADN, những thành phần cơ bản mà từ đó các tế bào sống được sản sinh. Phát hiện này dẫn tới việc sản xuất bằng công nghệ gen nhiều loại thuốc mới nhằm chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo. Nhờ phát hiện ra ADN, đến một ngày nào đó con người có thể sẽ chữa khỏi được nhiều bệnh di truyền, những bệnh truyền từ người này qua người khác trong cùng một gia đình.

Vệ tinh thông tin liên lạc đầu tiên được phóng lên vào năm 1960. Được đưa vào sử dụng năm 1964, các vệ tinh địa tĩnh là những vệ tinh luôn ở cố định một chỗ phía trên Trái đất, nhờ đó mà bất kỳ hai điểm nào trên Trái đất cũng có thể liên hệ với nhau gần như ngay lập tức.

Công nghệ gen cũng có nghĩa là người ta có thể tạo ra một chủng thực vật hoặc động vật mới hoặc được cải biến có khả năng kháng bệnh trong phòng thí nghiệm. Công nghệ này hiện đã giúp tạo ra thực phẩm cho con người trong những nước nghèo. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng thực phẩm biến đổi gen có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, mọi loại thực phẩm biến đổi gen cần phải được kiểm nghiệm kỹ lưỡng.

MẠNG TOÀN CẦU: Mạng toàn cầu World Wide Web (www) được phát minh năm 1990, giúp những người sử dụng có thể “lướt mạng” nhanh chóng. Chỉ cần nhấp chuột vào các điểm có kết nối truy cập trên màn hình, người sử dụng có thể vào các trang thông tin bao gồm văn bản và hình ảnh chứa đựng trong nhiều máy tính trên khắp thế giới. Mỗi trang thông tin này lại có riêng những điểm kết nối truy cập dẫn tới các trang khác.