Bách Khoa Thư Lịch Sử

Môi Trường (Từ 1950 Đến Nay)

MÔI TRƯỜNG (từ 1950 đến nay)

Không giống bất kỳ một sinh vật nào khác trên Trái đất, con người có khả năng phá hủy toàn bộ thế giới này. Chỉ tới gần đây, con người mới hiểu rằng môi trường sống của mình đang bị đe dọa.

Đêm 24-3-1989, tàu chở dầu Exxon Valdez dài 300 mét bị mắc cạn tại eo biển Prince William, bang Alaska (Mỹ). Trong vòng hai ngày sau đó, hơn 35.000 tấn dầu đã rò rỉ từ con tàu này ra ngoài. Đây là sự cố tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, phá hủy hệ sinh thái và sau đó buộc phải có một chiến dịch dọn dẹp rất quy mô.

Nào nửa cuối thế kỷ XX, con người mới bắt đầu hiểu rằng Trái đất đang lâm nguy vì bị ô nhiễm và khai thác quá mức do sự thiếu hiểu biết và lòng tham của con người. Lúc đầu chỉ có một số nhà tự nhiên học, chẳng hạn như Rachel Carson, dám lên tiếng về điều này. Cuốn sách Mùa xuân câm lặng (Silent Spring) của bà đã gây chấn động khi được xuất bản vào thập niên 1950. Nó chỉ rõ mức độ hủy hoại của thuốc trừ sâu, và nhờ cuốn sách mà đến năm 1973, thuốc trừ sâu DDT bị cấm sử dụng tại Mỹ cũng như nhiều nước khác. Sau đó, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường khác cũng bắt đầu hoạt động tích cực, trong đó có Những Người bạn của Trái đất (Friends of the Earth) và Hòa bình Xanh (Greenpeace). Dần dần con người thấy rõ rằng môi trường đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

Hàng trăm giếng dầu đã bị đốt khi quân đội Iraq rút khỏi Kuwait năm 1991, gây nên tình trạng ô nhiễm trên sa mạc. Phải mất một năm mới có thể dập tắt tất cả các đám cháy này.

Nhiều vùng biển trên thế giới bị đánh bắt hải sản quá mức, và ở nhiều nơi, các nhà khoa học cho rằng để trữ lượng hải sản trở về mức vốn có trước đây thì con người phải ngưng hoàn toàn việc đánh bắt trong vòng từ năm đến mười năm. Xe hơi thải khí xả và các nhà máy thải khói vào không khí. Một số loại khí thải kết hợp với các đám mây tạo ra mưa axít làm chết cây cối. Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Los Angeles (Mỹ), không khí bị ô nhiễm tới mức hình thành những đám sương mù trên bầu trời thành phố. Sống liên tục trong bầu không khí ô nhiễm như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề về hô hấp và bị giảm tuổi thọ.

Các thành phố như Sao Paulo ở Brazil bị ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm vì các loại xe và các nhà máy công nghiệp.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Trong thập niên 1970, các nhà khoa học Anh làm việc ở Nam Cực phát hiện thấy tầng ozon ở đó trở nên mỏng hơn. Tầng ozon có ý nghĩa sống còn đối với toàn bộ sự sống trên Trái đất vì nó ngăn cản phần lớn bức xạ tia cực tím có hại từ Mặt trời. Ngay sau đó, người ta khám phá ra rằng hàng rào bảo vệ sự sống trên Trái đất này đã bị hư hại nghiêm trọng vì những hóa chất thải ra có tên gọi tắt là CFC, Chất CFC được sử dụng trong công nghệ làm lạnh và làm chất xịt khí dung (sol khí). Những hóa chất này hiện nay đã bị cấm tại nhiều nước.

Vào thập niên 1980, một số chính phủ đã ra các đạo luật bảo vệ môi trường, nhưng một số nhà khoa học cho rằng để có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta thì những việc làm này quá ít và quá muộn. Thay đổi diễn ra chậm chạp vì lúc đầu con người không tin rằng Trái đất thực sự đang bị nguy hiểm. Những thông tin mới do các nhà khoa học thu thập được sau đó đã chứng minh rằng nguy cơ là có thật. Các sản phẩm sạch (không gây ô nhiễm) bắt đầu xuất hiện nhưng giá thành rất đắt và nếu sản xuất thì ít lợi nhuận hơn so với sản phẩm thông thường.

Nông dân Nam Mỹ phá hủy những khu rừng mưa nhiệt đới rộng lớn để lấy chỗ chăn thả gia súc.
Năm 1900, dân số thế giới lvào khoảng một tỉ người. Đến năm 2003, dân số thế giới đã lên tới 6,3 tỉ người. Ước tính đến năm 2015, trên Trái đất này sẽ có hơn 7 tỉ người.

Phải tới khi xảy ra các thảm họa môi trường như tai nạn tại các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ và Liên Xô, các vụ nổ tại những nhà máy hóa chất ở Italia và Ấn Độ, các sự cố tràn dầu ở biển, con người mới nhận thức được rằng công nghệ mới cũng có thể gây chết chóc.

Dư luận công chúng dần dần buộc chính phủ ở nhiều nước phải có hành động để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau đó xuất hiện các đạo luật bảo vệ môi trường, khuyến khích bảo tồn và tái chế.

Tuy nhiên, tại những nước nghèo, nguồn thu nhập duy nhất của người dân là từ nông nghiệp và lâm nghiệp, những ngành nghề thường làm hư hại đất. Chính phủ ở những nước này không thích bị các nước phát triển rao giảng rằng nên làm chậm lại quá trình tăng trưởng và giảm mức độ ô nhiễm.

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm, được khai thác từ ánh nắng Mặt trời.

NGUỒN NĂNG LƯỢNG CÓ THỂ TÁI TẠO

Hầu hết lượng điện tiêu dùng trên thế giới được sản xuất bằng phương pháp đốt than, dầu hoặc khí đốt. Những loại nhiên liệu này gọi là nhiên liệu hóa thạch (hình thành từ xác động vật bị phân hủy từ thời xa xưa), nguồn nhiên liệu này có hạn vì được khai thác từ lòng đất. Nhiều nước đang phát triển các công nghệ sử dụng năng lượng có thể tái tạo, nghĩa là năng lượng từ nước chảy, từ Mặt trời và gió. Đây là những nguồn năng lượng không gây ô nhiễm và không bao giờ cạn kiệt.

Các tua-bin chạy bằng sức gió được xây dựng tại những nơi thông thoáng để sử dụng sức gió sản xuất ra điện.