Bách Khoa Thư Lịch Sử

Chiến Tranh Ở Trung Đông (Từ 1956 Đến Nay)

CHIẾN TRANH Ở TRUNG ĐÔNG (từ 1956 đến nay)

Nhiều cuộc xung đột đã nổ ra ở Trung Đông, giữa người Israel, người Palestine và người A rập, nhất là từ năm 1948. Một số vùng lãnh thổ hiện vẫn đang trong tình trạng tranh chấp.

Sau khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948, căng thẳng nảy sinh ở Trung Đông dẫn tới các cuộc tranh chấp ác liệt và thậm chí cả chiến tranh.

Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái vẫn cho rằng các vùng đất quanh Jerusalem chính là quê hương xưa kia của dân tộc Do Thái. Sau Chiến tranh thế giới II, nhiều người tị nạn Do Thái đến định cư ở Palestine mặc dù đã có người A rập cư ngụ ở khu vực này. Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948 khiến chiến sự nổ ra giữa Israel và các nước A rập láng giềng, tiếp diễn dai dẳng trong nhiều năm, lúc căng thẳng khi tạm lắng.

Chiến tranh Sáu ngày diễn ra từ ngày 5 đến 10- 6-1967. Trong một cuộc tấn công bất ngờ, các máy bay ném bom của Israel đã phá hủy các máy bay Ai Cập, sau đó quân Israel bắt sống binh lính Ai Cập ở Sinai.

Năm 1956, Ai Cập nắm quyền kiểm soát kênh đào Suez vốn do Anh và Pháp sở hữu. Cảm thấy bị đe dọa, Israel xâm chiếm Sinai thuộc lãnh thổ Ai Cập, còn Anh và Pháp thì tấn công vào khu vực kênh đào. Dư luận quốc tế không tán thành các hành động này, và cả Mỹ và Liên Xô đều kêu gọi ngừng bắn. Quân đội Liên Hợp Quốc (LHQ) được triển khai để duy trì hòa bình sau khi Israel, Anh và Pháp rút quân.

Trong thập niên 1960, căng thẳng giữa một bên là Israel và một bên là các nước A rập như Ai Cập, Jordan và Syria vẫn tiếp tục gia tăng. Các nước A rập này được sự hỗ trợ của các nước A-rập khác trong khu vực gồm Iraq, Kuwait, A rập Xê Út, Algeria và Sudan. Hai bên đều có thái độ thù địch với nhau và không bên nào chịu ngồi lại thương lượng để giải quyết bất đồng. Cả hai bên đều bận rộn chuẩn bị quân đội để đối phó với một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra. Tháng 5-1967, Ai Cập ngăn không cho tàu Israel đi qua vịnh Aqaba.

Năm 1980, Iraq xâm lược Iran. Hai nước tiến hành chiến tranh dai dẳng và khốc liệt đến tháng 8-1988 mới chấm dứt, khiến hơn một triệu lính của cả hai bên thiệt mạng và gần hai triệu người bị thương.
Saddam Hussein (1937–2006) là người đứng đầu nhà nước Iraq từ 1979 đến 2003. Ông ta đã tiến hành cuộc chiến tranh hao tổn với Iran (1980–1988) và xâm chiếm Kuwait tháng 8-1990. Năm 2003, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự lật đổ Saddam. Sau đó, Saddam Hussein đã bị tuyên án tử hình và bị treo cổ ngày 30-12-2006.

CHIẾN TRANH SÁU NGÀY

Tháng 6-1967, không quân Israel bất ngờ không kích các căn cứ không quân của người A rập, khiến không quân các nước A rập bị tê liệt. Trong vòng sáu ngày, Israel đưa quân vào chiếm Dải Gaza và một số khu vực thuộc Sinai. Quân Israel cũng đẩy biên giới lùi về phía Jordan và chiếm cao nguyên Golan của Syria.

CUỘC XÂM LƯỢC CỦA NGƯỜI IRAQ

Năm 1979, vua Iran bị phế truất và những người Hồi giáo dòng Shi’ite chính thống do Giáo chủ Khomeini lãnh đạo lên nắm quyền. Căng thẳng giữa Iran và Iraq đã dẫn tới hậu quả là Iraq xâm chiếm vùng lãnh thổ Khuzistan giàu dầu mỏ của Iran vào năm 1980. Iraq sợ sức mạnh của chính phủ mới ở Iran do Giáo chủ Khomeini thành lập. Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1988, không nước nào được lợi gì thêm; mà trái lại, ước tính tổng cộng cả hai bên có hơn một triệu người chết và gần hai triệu người bị thương.

Quân đội Mỹ phát động một chiến dịch quân sự quốc tế hùng hậu để giải phóng đồng minh Kuwait khi nước này bị Iraq xâm chiếm năm 1990. Công việc chuẩn bị cho chiến tranh rất quy mô, nhưng chiến sự chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Sự kình địch trong thế giới A rập thường có nguyên nhân là dầu mỏ của khu vực này. Năm 1990, Iraq xâm chiếm Kuwait với ý đồ cải thiện tuyến đường thông ra biển của mình. Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một số nghị quyết yêu cầu Iraq rút quân lập tức. Khi tổng thống Iraq Saddam Hussein từ chối thi hành nghị quyết, lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã buộc Iraq phải rút quân. Thành phố Kuwait được giải phóng trong vòng năm ngày và hàng nghìn lính Iraq bị bắt. Khi phải thoái lui, binh lính Iraq đã gây tổn hại nặng nề cho môi trường sinh thái vì họ đã đốt hầu hết các giếng dầu của Kuwait.

Lo ngại Iraq có thể phát triển vũ khí hóa học có khả năng hủy diệt hàng loạt, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã xâm chiếm Iraq năm 2003 và lật đổ chế độ quân sự của Saddam Hussein.


CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1948 Nhà nước độc lập Israel tuyên bố thành lập; giao tranh với các nước A rập láng giềng bùng phát

1956 Khủng hoảng kênh đào Suez

1964 Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập tại Li Băng

1967 Chiến tranh Sáu ngày giữa Israel và Ai Cập

1973 Chiến tranh Yom Kippur tại Israel

1979 Vua Iran bị phế truất

1980 Iraq xâm chiếm Iran

1988 Chiến tranh Iran-Iraq chấm dứt

1990 Iraq xâm chiếm Kuwait

1991 Quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait

2003 Saddam Hussein bị lật đổ tại Iraq