Bách Khoa Thư Lịch Sử

Các Nhà Thám Hiểm Thời Trung Đại (1270–1490)

CÁC NHÀ THÁM HIỂM THỜI TRUNG ĐẠI (1270–1490)

Vào thời Trung đại, nhiều người dũng cảm đã thực hiện các cuộc hành trình dài và thường là nguy hiểm tới những miền đất xa xôi. Các cuộc thám hiểm này đã tăng cường hoạt động buôn bán và truyền bá ảnh hưởng chính trị.

Hoàng tử Henry Đi Biển (1394–1460) chịu trách nhiệm về thành phố Ceuta ở Morocco (Marốc). Trọng trách này khiến ông ngày càng say mê tàu thuyền. Ông bảo trợ cho các chuyến thám hiểm và cả việc đóng một thuyền buồm kiểu mới, loại thuyền caravel. Ông khuyến khích việc vẽ bản đồ chính xác cũng như sáng chế thêm công cụ đi biển. Những thủy thủ được ông đào tạo là những người châu Âu đầu tiên thực hiện hành trình dài bằng đường biển.

Người Viking là những nhà thám hiểm đầu tiên của thời Trung đại; họ tới tận châu Mỹ, Morocco và Baghdad. Tác giả của câu chuyện đầu tiên tường thuật về vùng Trung Á là John xứ Pian del Carpine, một thầy tu thuộc dòng Franciscan, đại diện cho Giáo hoàng Innocent IV tới thăm vị khan Mông Cổ tại đó vào năm 1245. Nhà thám hiểm châu Âu nổi tiếng nhất là Marco Polo, một thanh niên Venice, đã đến Trung Quốc diện kiến Hốt Tất Liệt và làm việc tại đó trong nhiều năm. Khi trở về vào năm 1295, ông đã viết một cuốn sách sinh động về những chuyến đi của mình.

Các đoàn lạc đà đã đưa lữ khách và thương gia Hồi giáo vượt qua các sa mạc ở châu Phi và châu Á, một vài người trong số họ trở thành những nhà lữ hành đi nhiều nơi nhất thời Trung đại.

Những năm 1325–1350, Ibn Battuta một luật sư Morocco, đã tới Nga, Trung Á, Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và châu Phi, và mô tả lại chi tiết hành trình của mình. Đô đốc Trịnh Hòa thực hiện bảy chuyến thám hiểm bằng đường biển từ năm 1405 đến năm 1433 theo lệnh của Hoàng đế Vĩnh Lạc triều Minh. Đoàn thuyền của ông đã tới Indonesia, Ấn Độ, Ba Tư, Mecca và Đông Phi, thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc với các nước châu Á ven biển. Ông đã mang về nhiều lễ vật dâng lên hoàng đế Trung Hoa, trong đó có gia vị và những con thú lạ.

Hốt Tất Liệt đã cử Marco Polo thực hiện nhiều cuộc hành trình, trong đó có chuyến đi tới vùng biên giới của Trung Quốc với Tây Tạng. Marco Polo đã kể lại việc đốt tre khi hạ trại nghỉ chân, gây ra những tiếng nổ tanh tách làm lũ ngựa hoảng sợ. Nhưng tiếng nổ đó cũng có tác dụng xua đuổi thú dữ.
Các nhà thám hiểm thời Trung đại thực hiện những hành trình khó tin vượt hàng nghìn km. Vĩ đại nhất trong số này là Marco Polo, Ibn Battuta và Trịnh Hòa.
Marco Polo xa thành Venice trong 25 năm. Ông mất bốn năm cho chuyến đi tới Trung Quốc bằng đường bộ và ba năm cho chuyến trở về từ Trung Quốc đến Ba Tư bằng đường biển, tiếp đó theo đường bộ về Venice. Trong thời gian ở Trung Quốc, ông được phong chức quan cai trị Dương Châu và là sứ thần của nhà vua. Nhà vua chào đón nhiều người nước ngoài và nhận thấy người châu Âu là những vị khách rất khác thường.
Marco Polo tới Trung Quốc lần đầu tiên cùng cha, một thương gia Venice. Ông ở lại Trung Quốc lâu hơn, làm quan trong triều đình của Hốt Tất Liệt và được cử làm sứ giả cho nhà vua đi khắp Trung Quốc và tới cả Pagan ở Miến Điện (nay là Myanmar).

HOÀNG TỬ HENRY ĐI BIỂN

Henry là con trai của vua Bồ Đào Nha. Năm 21 tuổi, ông phát hiện thấy các kho báu ở Morocco, được chuyển từ Songhai và Senegal (Tây Phi) tới qua đường bộ. Ông tò mò muốn biết liệu có thể tới những nước này bằng đường biển hay không. Vì vậy, những năm 1424–1434, Henry bỏ tiền thuê các thủy thủ đi thám hiểm bờ biển châu Phi. Được những phát hiện của họ cổ vũ, ông đã cho xây một trường hàng hải ở Sagres (Bồ Đào Nha) để đào tạo thủy thủ cho các cuộc thám hiểm sau này.

Ibn Battuta (1304–1368) xuất thân từ Bắc Phi. Ông đã dành cả đời cho các chuyến thám hiểm và viết sách thuật lại các chuyến đi của mình. Ông đã tới châu Phi, Nga, Morocco và Ấn Độ, và đi đường biển tới miền Nam Trung Quốc. Các câu chuyện ông viết có độ chính xác cao và hữu ích nhất trong tất cả câu chuyện của các nhà thám hiểm thời Trung đại.

Khi hoàng tử Henry mất vào năm 1460, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã tới được nơi mà nay là Sierra Leone. Những việc làm của Henry đã khích lệ các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đi xa hơn dọc theo bờ biển Tây Phi, tìm một tuyến đường biển sang Ấn Độ và Viễn Đông. Thế giới lúc này sắp bước vào thời kỳ mở rộng mạnh mẽ các cuộc tiếp xúc quốc tế. Người Trung Hoa lẽ ra đã có thể trở thành những nhà thám hiểm quốc tế đầu tiên, nhưng các hoàng đế Trung Hoa chủ trương cô lập với thế giới bên ngoài nên các thương gia bị ngăn cản không cho thám hiểm. Người Hồi giáo cũng đi thám hiểm khắp nơi, nhưng đến năm 1500 họ không còn tham vọng bành trướng lãnh thổ mạnh hơn nữa. Trong khi đó, người châu Âu lại chuẩn bị thay đổi chính sách hướng nội, chuyển sang tìm kiếm những chân trời mới.

Đoàn thuyền của đô đốc Trịnh Hòa gồm các thuyền mành lớn vượt đại dương, được đóng dành riêng cho cuộc thám hiểm. Trong chuyến đi đầu tiên, ông chỉ huy 62 con thuyền như thế này.