Trong khi khôi phục trật tự sau cuộc Cách mạng Pháp, Napoleon còn muốn thay đổi toàn bộ châu Âu. Nhưng nước Anh chống lại ông và kết cục Napoleon bị lưu đày.
Napoleon sinh ở đảo Corsica (tiếng Pháp: Corse), là con trai thứ hai của một luật sư người Italia. Khi còn trẻ, ông đã gia nhập quân đội Pháp và được thăng chức nhanh nhờ sự can đảm và khả năng phán đoán nhanh. Mới 26 tuổi, Napoleon đã được phong tướng. Ông chỉ huy một loạt chiến dịch thành công và chiếm miền Bắc Italia vào năm 1797. Lo ngại trước tiếng tăm và quyền lực quá lớn của Napoleon, Hội đồng Đốc chính bèn trao cho ông nhiệm vụ xâm lược nước Anh. Napoleon đề nghị tấn công Ai Cập để phá vỡ tuyến đường buôn bán của Anh sang Ấn Độ. Ông tấn công Ai Cập, nhưng kế hoạch xâm lược của ông thất bại sau khi hạm đội của ông bị đô đốc hải quân Anh Nelson đánh tan vào năm 1798. Năm 1799, Napoleon trở về Pháp và lên nắm quyền. Ông giải tán chính phủ, bổ nhiệm ba người làm quan chấp chính, gọi là tổng tài (consul) điều hành đất nước. Napoleon tự phong mình là Tổng tài Thứ nhất và cai trị nước Pháp trong vòng 15 năm sau đó. Năm 1804, ông tự xưng là hoàng đế.
Napoleone đã ban hành nhiều biện pháp cải cách lâu dài, xây dựng các bộ luật mới, áp dụng hệ thống giáo dục tốt hơn, tổ chức lại cơ cấu chính quyền và thành lập một ngân hàng quốc gia mới.
Ông là một vị tướng xuất sắc, có khả năng chuyển quân rất nhanh và sử dụng các chiến thuật mới. Quân đội của ông cũng rất đông vì Robespierre trước đó đã ban hành chế độ bắt lính buộc mọi thanh niên trai tráng phải phục vụ quân đội. Năm 1799, quân đội Pháp có 750.000 người, và trong thời gian 1803–1815 có thêm hai triệu người gia nhập. Napoleon đã dùng lực lượng khổng lồ này để chinh phục châu Âu.
Napoleon đánh bại Áo và Nga ở Austerlitz năm 1805, đánh bại Phổ tại Jena năm 1806 và đánh bại Nga lần thứ hai ở Friedland năm 1807. Napoleon thành lập các nước cộng hòa mới liên minh với Pháp và cai trị các nước này bằng cách đưa những nguời thân thuộc vào nắm giữ các vị trí quyền lực ở đó. Ông cũng thiết lập các chính quyền và luật pháp trên khắp châu Âu – được gọi là Hệ thống Đại lục phong tỏa nước Anh.
Năm 1805, Anh thắng Pháp trong một trận hải chiến quan trọng ở Trafalgar. Đô đốc hải quân Anh là Horatio Nelson (1758–1805) tử trận, nhưng chiến thắng của ông đã cứu nước Anh khỏi bị Pháp xâm lược. Năm 1808, Napoleon xâm lược Tây Ban Nha, mở màn chiến tranh bán đảo Iberia mà trong đó nước Anh ủng hộ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Người Anh điều sang Tây Ban Nha một đạo quân do công tước xứ Wellington chỉ huy. Tại đây, ông đã giành thắng lợi trong các trận Salamanca (1812), Vittoria (1813) và đánh bật quân Pháp ra khỏi Tây Ban Nha.
Cuộc xâm lược nước Nga của Napoleon năm 1812 thảm bại, làm hơn 500.000 quân Pháp chết vì đói, rét hoặc tử trận. Năm 1813, ông cũng bị thất bại tan tành ở Leipzig trước liên quân châu Âu do tướng Phổ von Blücher chỉ huy. Cuối cùng, vào năm 1814, Pháp bị xâm lược và Napoleon bị đưa đi đày. Ông trốn thoát nhưng cuối cùng bị công tước Wellington và tướng von Blücher đánh bại trong trận Waterloo ở Bỉ năm 1815. Năm 1821, Napoleon mất khi đang bị lưu đày ở St Helena, một hòn đảo xa xôi ở phía Nam Đại Tây Dương.
1796-1797 Napoleon xâm lược Italia
1798 Chiến dịch Ai Cập
1799 Napoleon tiếp quản chính phủ Pháp
1804 Napoleon tự phong là hoàng đế
1805 Trận Austerlitz đánh Áo và Nga
1805 Trận Trafalgar – Anh giành chiến thắng
1807 Hiệp ước hòa bình Tilsit với Nga và Phổ
1812 Chiến dịch xâm lược Nga
1813 Napoleon thua trận ở Leipzig
1813 Tây Ban Nha được giải phóng sau trận Vittoria
1814 Pháp bị xâm lược, Napoleon bị đày ra đảo Elba
1815 Trận đánh cuối cùng của Napoleon ở Waterloo