Bách Khoa Thư Lịch Sử

Chấm Dứt Chế Độ Nô Lệ (1792–1888)

Ebook miễn phí tại : www.docsach24.com

CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ NÔ LỆ (1792–1888)

Trước khi chế độ chiếm hữu nô lệ bị thủ tiêu, các tàu buôn nô lệ đi theo một hành trình hình tam giác trên Đại Tây Dương: đưa hàng hóa tới châu Phi, rồi mang nô lệ sang châu Mỹ và chở các sản phẩm như đường ăn về châu Âu.

Các thuộc địa của người Âu ở châu Mỹ phụ thuộc nhiều vào sức lao động của nô lệ. Nhưng đến giữa thế kỷ XVIII, nhiều người hoài nghi về tính đạo đức của điều này.

Trong suốt thế kỷ XVIII, Anh, Pháp và Tây Ban Nha trở nên giàu có nhờ tiền thuế và lợi nhuận thu được từ các thuộc địa của họ. Phần lớn của cải này đều do sức lao động của nô lệ làm ra. Đan Mạch, Thụy Điển, Phổ, Hà Lan và Genoa (Piedmont) cũng buôn bán nô lệ. Người Phi bị bán cho người Âu từ tay những kẻ buôn nô lệ và các nhà cai trị địa phương, những kẻ coi việc bán làm nô lệ là cách để trừng phạt tội phạm, loại bỏ kẻ thù, tống khứ tù binh, đồng thời là cách để làm giàu. Không ai biết có tất cả bao nhiêu nô lệ đã bị bán, nhưng các sử gia ước tính khoảng 45 triệu nô lệ đã được đưa ra khỏi châu Phi trong thời gian 1450–1870, và chỉ 15 triệu người trong số đó sống sót. Nhiều người châu Âu không ưa việc buôn nô lệ, nhưng vào thời kỳ ấy, họ tin rằng đó là cách thức duy nhất để cung cấp nguồn lao động cho các đồn điền ở thuộc địa.

William Wilberforce (1759–1833) là nghị sĩ đại diện cho Hull, một hải cảng buôn bán nô lệ tấp nập ở Anh. Ông ghê tởm hoạt động buôn bán này và đã cùng các tín đồ Ki-tô giáo có tấm lòng nhân ái tiến hành chiến dịch bài trừ hoạt động buôn nô lệ từ năm 1784. Buôn nô lệ bị cấm trên toàn đế quốc Anh vào năm 1807.

May thay, một số người đã quyết định phản đối hoạt động buôn nô lệ, cho rằng việc đó trái với luật lệ của Chúa và phẩm giá của con người. Nhà triết học người Pháp Rousseau trong cuốn Khế ước xã hội (1764) đã viết: “Con người sinh ra vốn tự do nhưng lại bị xiềng xích ở khắp nơi nơi”. Các tác phẩm của ông cổ vũ cho các cuộc cách mạng ở Pháp và Mỹ, và tự do cá nhân được coi là một quyền xã hội, chứ không phải là quà tặng được vua chúa ban phát. Những tư tưởng của Rousseau cũng cổ vũ mọi người đấu tranh thay mặt những ai không thể tự cứu giúp bản thân. Các chính trị gia, tu sĩ và những người bình thường bắt đầu nghĩ cách cứu giúp các nô lệ. Tuy vậy, những lý lẽ đạo đức lúc này vẫn chưa có sức mạnh bằng lợi nhuận mà chế độ chiếm hữu nô lệ mang lại.

Một số nô lệ trốn khỏi đồn điền và thành lập làng mạc riêng của họ ở những vùng xa. Năm 1739, một nhóm nô lệ người Jamaica chạy trốn, gọi là “Maroon”, đã nổi dậy chống lại người Anh.

CHẤM DỨT NẠN BUÔN NÔ LỆ

Trong những năm 1777–1804, việc chiếm hữu nô lệ đã bị coi là bất hợp pháp ở miền Bắc nước Mỹ. Đan Mạch rút khỏi hoạt động buôn nô lệ năm 1792, và Anh cũng có hành động tương tự vào năm 1807. Nhưng tình trạng buôn nô lệ trái phép vẫn tiếp diễn. Từ năm 1815 trở đi, hải quân Anh tăng cường truy quét hoạt động buôn nô lệ, tuy nhiên chế độ chiếm hữu nô lệ vẫn được coi là hợp pháp ở một số nơi khác. Một cuộc nổi dậy của người nô lệ ở thuộc địa Santo Domingo của Pháp trong thời gian 1791–1793 đã khiến Pháp phải bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ, nhưng đến năm 1803, Pháp lại tái hợp pháp hóa tình trạng này. Năm 1831, cuộc nổi loạn của nô lệ ở Virginia do Nat Turner lãnh đạo đã dẫn đến việc chính phủ đề ra các bộ luật mới hà khắc và làm gia tăng sự ủng hộ của người da trắng ở miền Nam đối với chế độ chiếm hữu nô lệ.

Điều kiện trên các tàu chở nô lệ hết sức khủng khiếp và tồi tệ nên nhiều người đã chết. Nô lệ bị nhồi nhét vào các ngăn tối tăm và ngay trên sàn trong các khoang tàu, hầu như không thể đi lại được.
Nat Turner (1800–1831), thủ lĩnh cuộc nổi loạn năm 1831 của nô lệ bang Virginia, đã giết ông chủ của mình và 57 người da trắng, và cổ vũ 60 nô lệ khác nổi loạn. Cuộc nổi loạn của họ kéo dài vài tháng. Cuối cùng, Nat Turner và những người nổi loạn theo ông bị bắt và treo cổ.

NHỮNG HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI

Tại nước Anh, Thomas Clarkson (1760–1864) và William Wilberforce đã lãnh đạo một phong trào chống chế độ chiếm hữu nô lệ, và năm 1807, hoạt động buôn bán nô lệ của người Anh bị bãi bỏ. Tuy nhiên, trong thời gian sau đó, những người nô lệ vẫn chưa được tự do. Wilberforce qua đời ngay trước khi tất cả nô lệ trong tay người Anh được trả lại tự do. Đến lúc này, người châu Âu đã trở nên ghê tởm chế độ chiếm hữu nô lệ, và hải quân Anh đã ra sức ngăn chặn các tàu thuyền chở nô lệ đem đi bán.

Chế độ chiếm hữu nô lệ tiếp tục tồn tại ở Cuba, Costa Rica, Brazil và miền Nam nước Mỹ. Các đồn điền lớn được xây dựng bằng công sức của nô lệ, và chủ đồn điền không muốn có sự thay đổi. Ngoài ra, châu Âu cũng được mua bông và thuốc lá với giá rẻ do nô lệ trồng ở các bang miền Nam nước Mỹ.

Kinh tế của các bang miền Nam nước Mỹ dựa vào sức lao động của nô lệ da đen. Hái bông là một trong những công việc chính của nô lệ. Bông được xuất khẩu để cung cấp cho xưởng bông ở các thành phố công nghiệp châu Âu. Hoạt động xuất khẩu này mang lại nhiều lợi nhuận.

Ở Mỹ, người miền Bắc ủng hộ việc giải phóng nô lệ, trong khi người miền Nam vẫn muốn giữ nô lệ. Cuộc nổi loạn năm 1831 của nô lệ thuộc bang Virginia đã dẫn tới việc ban hành các đạo luật hà khắc nhằm kiểm soát nô lệ ở các bang miền Nam. Chế độ chiếm hữu nô lệ cuối cùng cũng bị cấm tại Mỹ năm năm 1863, tại Cuba năm 1886 và tại Brazil năm 1888. Hoạt động buôn nô lệ của người A rập ở châu Phi chấm dứt vào năm 1873.

CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1517 Tây Ban Nha bắt đầu thường xuyên buôn nô lệ

1592 Người Anh bắt đầu buôn nô lệ

1739 Cuộc nổi loạn của nô lệ bỏ trốn ở Jamaica

Những năm 1760 Hoạt động buôn nô lệ lên tới đỉnh điểm

1791-1801 Nô lệ ở Santo Domingo nổi dậy

1792 Đan Mạch bãi bỏ hoạt động buôn nô lệ

1807 Anh bãi bỏ hoạt động buôn nô lệ

1834 Chế độ chiếm hữu nô lệ ở các thuộc địa của Anh bị thủ tiêu

1865 Điều luật sửa đổi Hiến pháp thứ 13 thủ tiêu chế độ chiếm hữu nô lệ

1888 Thủ tiêu chế độ chiếm hữu nô lệ ở Brazil