Năm 1789, những người Pháp bất mãn lật đổ nhà vua của họ, đòi tự do và bình đẳng. Cuộc cách mạng nổ ra sau đó đã làm thay đổi vĩnh viễn nước Pháp.
Cuộc cách mạng Pháp đã được nung nấu âm ỉ trong nhiều năm. Nguyên nhân dẫn tới cuộc cách mạng là sự kém cỏi của bộ máy cai trị, cách biệt giàu nghèo quá lớn, sự khích lệ từ tư tưởng Khai sáng về quyền con người và ảnh hưởng của Cách mạng Mỹ.
Vào thế kỷ XVIII, nước Pháp đang trong tình trạng khủng hoảng. Lương thực khan hiếm, giá cả tăng cao và chính phủ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để có thêm tiền, vua Louis có thể vay tiền hoặc tăng thuế nhà nước. Nhưng trước hết, ông cần được sự tán thành và ủng hộ của một hội đồng đại biểu truyền thống, gọi là Hội đồng của mọi đẳng cấp (Estates-Général), một hội đồng đã không hề nhóm họp trong suốt 175 năm.
Khi hội đồng nhóm họp trở lại, các đại biểu của những tầng lớp lao động đã nổi dậy chống giới quý tộc và tăng lữ. Họ tuyên bố thành lập một Quốc hội mới và đưa ra yêu cầu đòi cải cách. Họ soạn thảo hiến pháp mới, bãi bỏ chế độ cũ, quốc hữu hóa đất của Giáo hội và tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương. Vua Louis đưa quân đội tới giải tán Quốc hội.
Khi hay tin này, người dân Paris nổi dậy. Ngày 14-7-1789, một đám đông dân chúng tấn công ngục Bastille – nhà tù của vua ở Paris – mở đầu một cuộc cách mạng đẫm máu mà trong đó những người nổi dậy đòi “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Vua Louis XVI bỏ trốn nhưng bị bắt và bị tống giam. Năm 1792, chế độ quân chủ bị thủ tiêu, và vào năm sau, vua Louis cùng hoàng hậu Marie Antoinette bị đưa ra xét xử và lĩnh án tử hình. Tới lúc đó, chính quyền cách mạng Pháp ở trong tình trạng chiến tranh với hầu hết các nước châu Âu khác, bởi những nước này lo sợ phong trào cách mạng sẽ lan sang nước họ.
Như thường thấy trong các cuộc cách mạng, ở nước Pháp lúc này cũng xảy ra tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực. Chính quyền cách mạng mới bắt đầu vây bắt những người kình địch, cả những người ủng hộ chế độ quân chủ lẫn những người bình dân, và gọi họ là “kẻ thù của cách mạng”. Một cuộc chiến chính trị nổ ra giữa hai phe là phe Jacobin và phe Girondin, trong đó phe Jacobin giành thắng lợi. Sau đó phe Jacobin chi phối một cơ quan cai quản mới gọi là Ủy ban Cứu quốc. Ủy ban này huy động đông đảo quân Pháp đánh trả các cuộc xâm lược, và từ tháng 9 năm 1793 đến tháng 7 năm 1794 họ xử tử bất kỳ ai chống đối, nên thời kỳ này được gọi là thời Cai trị bằng Khủng bố (Règne de Terreur).
Trong thời Cai trị bằng Khủng bố này, khoảng 18.000 người đã bị chém đầu. Sau đó, Robespierre lãnh đạo đã thực thi quyền lực độc tài. Nhưng ngay cả ông cũng không được an toàn. Năm 1794, ông bị kết tội phản bội và bị xử tử.
Một hiến pháp mới được soạn thảo năm 1795, và một chính quyền yếu, gọi là Hội đồng Đốc chính, được thành lập. Chiến tranh nổ ra từ trước đó và quân đội cách mạng Pháp đã xâm chiếm Hà Lan và miền nam nước Đức. Một viên tướng trẻ là Napoleon Bonaparte đã thâu tóm quân đội và xâm lược Italia, Thụy Sĩ, Ai Cập. Hội đồng Đốc chính dựa vào Napoleon. Napoleon trở nên nổi tiếng, đầy quyền lực, và vào năm 1799 ông bãi bỏ Hội đồng Đốc chính, giành lấy quyền kiểm soát.
1788 Hội đồng của mọi đẳng cấp họp
1789 Quốc hội được thành lập và ngục Bastille bị tấn công
1789 Tuyên ngôn về Quyền Con Người
1791 Hiến pháp mới và Hội đồng Lập pháp ra đời
1792 Các cuộc chiến tranh cách mạng và Cộng hòa Pháp ra đời
1793-1794 Thời Cai trị bằng Khủng bố
1794 Nền độc tài của Robespierre; xâm lược Hà Lan
1795-1799 Hội đồng Đốc chính điều hành nước Pháp
1796 Napoleon trở thành tổng tư lệnh quân đội
1799 Napoleon nắm quyền lực