Đến thời gian này, đế quốc Áo đã qua thời kỳ đỉnh cao và xứ Brandenburg–Phổ đang lớn mạnh hơn. Cả hai đế quốc cùng muốn thống trị các bang khác của Đức.
Năm 1711, Đại Công tước Áo Karl (Charles) VI trở thành hoàng đế La Mã Thần thánh. Việc này dẫn tới sự sáp nhập các vùng đất của đế quốc La Mã Thần thánh vào lãnh thổ Áo và đưa Karl VI thành người quyền lực nhất châu Âu. Sau khi ông mất vào năm 1740, có ba người cùng tuyên bố chính họ chứ không phải Maria Theresa, con gái Karl, mới là người được nối ngôi. Đó là Karl xứ Bavaria, Philip V của Tây Ban Nha và Augustus của vương quốc Saxony.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi các nước châu Âu khác can thiệp vào chuyện này. Cuộc chiến tranh giành ngôi kế vị ở Áo (1740–1748) bắt đầu khi quân Phổ xâm lược tỉnh Silesia của Áo. Phổ được Pháp, xứ Bavaria, xứ Saxony, xứ Sardinia và Tây Ban Nha ủng hộ. Nhưng Anh, Hungary và Hà Lan ủng hộ Maria Theresa. Kết cục của cuộc chiến tranh này là Maria Theresa vẫn giữ ngai vàng, Áo bị suy yếu và Phổ chiếm giữ Silesia. Cán cân quyền lực ở Đức nghiêng về Phổ và đế quốc La Mã Thần thánh suy yếu. Áo là đế quốc rộng lớn nhưng đang để mất quyền lực. Hơn một thế kỷ sau, vào năm 1870, chính Phổ đã thống nhất Đức, và Áo bị gạt ra ngoài.
Năm 1618, triều đại Hohenzollern lâu đời ở Brandenburg đã thừa kế nước Phổ. Đến năm 1700, Brandenburg–Phổ trở thành một cường quốc Tân giáo hàng đầu với thủ đô là Berlin. Các vua Phổ xây dựng một chính quyền hiệu quả và đã giúp các ngành nghề ở nước này phát triển. Nước Phổ trở nên hùng mạnh dưới thời trị vì của Frederick William I (cai trị trong thời gian 1713–1740), người đã xây dựng quân đội của Phổ. Năm 1740, người kế vị ông là Frederick Đại đế đã dùng đội quân này thách thức Áo, Pháp và Nga. Trong thời cai trị của mình, ông đã mở rộng gấp đôi diện tích nước Phổ, cải thiện hoạt động kinh doanh và công nghiệp, đưa nước này thành một trung tâm văn hóa của thời Khai sáng. Trong 100 năm tiếp theo, Phổ chiếm thêm nhiều vùng đất, ngày càng chi phối Ba Lan và miền Bắc nước Đức.