Bách Khoa Thư Lịch Sử

Cách Mạng Và Độc Lập (1708 - 1835)

Hai tướng Rochambeau và Washington ra lệnh tấn công Yorktown trong thời gian Chiến tranh Cách mạng Mỹ năm 1781.

CÁCH MẠNG VÀ ĐỘC LẬP (1708 - 1835)

Thế kỷ XVIII thường được gọi là “thế kỷ của các cuộc cách mạng”. Từ năm 1708 đến năm 1835 đã nổ ra các cuộc cách mạng chống chính phủ và chính quyền thuộc địa ở nhiều nơi trên thế giới; một số thành công nhưng một số lại thất bại. Các cuộc cách mạng chính trị nổ ra do người dân không hài lòng với cách thức điều hành đất nước của họ. Ngoài ra còn có những cuộc cách mạng khác, trong các lĩnh vực như kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, trong khoa học, công nghệ và y học, giao thông vận tải và trong nghệ thuật, đặc biệt là văn chương.

Cuộc nổi dậy của người Jacobite (người ủng hộ vua James II của dòng họ Stuart lên ngai vàng Anh) chống ách cai trị của gia tộc Hanover ở Anh đã kết thúc bằng trận Culloden năm 1746, khi đó quân Jacobite bị thua quân Anh do hoàng tử William, Công tước xứ Cumberland, con trai vua Anh George II, chỉ huy.

SƠ LƯỢC TOÀN CẢNH THẾ GIỚI (1708–1835)

Bắc Mỹ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ giành được độc lập, thoát khỏi ách cai trị của Anh nhưng điều đó dẫn tới nhiều khó khăn cho người bản xứ châu Mỹ. Nhiều người di cư từ châu Âu tới đây chiếm thêm rất nhiều đất đai. Tại Nam Mỹ và Trung Mỹ, các thuộc địa đấu tranh đòi tự do khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đã giành thắng lợi.

Ở châu Âu, Phổ (Prussia) và Nga nổi lên thành những cường quốc, trong khi Cách mạng Pháp năm 1789 đã đặt dấu chấm hết cho nền quân chủ tại nước này.

Tại châu Phi, các tộc người Fulani Zulu và Buganda thành lập các vương quốc mới. Các quốc gia ở miền Bắc châu Phi thoát khỏi ách thống trị của người Ottoman. Đế quốc Moghul ở Ấn Độ sụp đổ và Anh cùng với Pháp tranh nhau kiểm soát các vùng đất của nước này. Trung Quốc chiếm Tây Tạng nhưng cũng phải đương đầu với những vấn đề trong nước. Nhật Bản cấm người dân quan hệ với phương Tây. Trong vùng Thái Bình Dương, sự xuất hiện của người châu Âu đã đe dọa lối sống truyền thống của khu vực này.


BẮC MỸ

Thế kỷ XVIII chứng kiến sự khai sinh nước Mỹ (Hoa Kỳ) và Canada. Cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ vào những năm 80 của thế kỷ XVIII nổ ra do sự cai trị tồi tệ của chính quyền thực dân Anh. Mỹ trở thành một quốc gia dân chủ thực sự đầu tiên trên thế giới, được cai trị bằng hiến pháp, với tuyên ngôn về các quyền dành cho tất cả mọi người (trừ người bản xứ, tức thổ dân, và nô lệ). Một tuyên ngôn độc lập được soạn thảo, và sau một thời gian, nước cộng hòa mới bắt đầu mở rộng về phía Tây, vươn tới Thái Bình Dương. Với hy vọng tìm kiếm một tương lai mới, nhiều người đã di cư từ châu Âu bị chiến tranh tàn phá tới Bắc Mỹ, làm dân số tại đây tăng vọt. Các thành phố, hoạt động buôn bán và văn hóa Mỹ đã hình thành và phát triển mạnh hơn, phong phú hơn. Người Anh vẫn cố bám giữ Canada, nhưng thuộc địa này cuối cùng cũng giành được quyền tự quản nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều người bản xứ (thổ dân) ở miền Đông bị đuổi khỏi mảnh đất của họ nên phải di cư về phía Tây. Ở miền Nam, nô lệ làm việc trong các đồn điền trồng bông và thuốc lá, phục vụ cho nhu cầu của châu Âu và làm giàu cho chủ.


TRUNG VÀ NAM MỸ

Các cuộc chiến tranh do Napoleon tiến hành ở châu Âu buộc người châu Mỹ La-tinh suy nghĩ về mình, và vào đầu thế kỷ XIX xuất hiện những phong trào giành độc lập mới, chống lại người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại các thuộc địa của họ. Của cải từ các hầm mỏ và đồn điền sử dụng nô lệ không còn quan trọng như trước nữa, và người châu Mỹ La-tinh lúc này phải đấu tranh giành chỗ đứng trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, các phong trào đòi độc lập đều do giới chủ đồn điền lãnh đạo nên dân thường không được lợi bao nhiêu. Người bản xứ chịu nhiều mất mát dưới ách cai trị của người Âu gốc Latinh (Latino) đến định cư.


CHÂU ÂU

Trong phần lớn thế kỷ XVIII, một khoảng cách hình thành và ngày càng phát triển giữa các tầng lớp trong xã hội châu Âu. Những nhà cai trị giàu có và độc đoán sống trong cung điện nguy nga, trong khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh bằng những đồng tiền họ kiếm được theo cách mới so với trước thì có tầm nhìn khác, tiến bộ hơn. Xã hội châu Âu thay đổi mạnh mẽ. Các thành phố phát triển, các chủ ngân hàng và nhà sáng chế luôn bận rộn, hàng hóa và tư tưởng từ bên ngoài xâm nhập vào. Nhờ các phát minh mới, các nhà máy bắt đầu sản xuất hàng hóa với số lượng lớn. Trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh do Napoleon khởi xướng, trật tự cũ bị phá bỏ ở phần lớn châu Âu, vai trò của luật pháp và hoạt động kinh doanh trở nên quan trọng hơn. Nga mở rộng sang Viễn Đông, gõ cửa Trung Quốc. Châu Âu lúc này đã thống trị thế giới, chủ yếu nhờ hoạt động buôn bán, công nghiệp, nhờ sự táo bạo và súng ống, và ảnh hưởng của châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng.


CHÂU Á

Trong thời kỳ này, Ấn Độ dần bị người Anh chiếm lĩnh. Trung Quốc trở nên bảo thủ, cưỡng lại sự thay đổi của thời thế, không chịu tiếp nhận những tư tưởng mới và khước từ quan hệ với nước ngoài. Nhật Bản vẫn bị cô lập nhưng hiện đại hóa nhanh hơn Trung Quốc. Còn đối với các nước châu Á khác, người châu Âu vừa là những người bạn mới vừa là kẻ thù mới; người châu Âu can thiệp vào công việc của các nước này và thường giành lợi thế cho mình. Sự kình địch giữa Nga, Trung Quốc và Anh trong việc giành quyền kiểm soát khu vực Trung Á trở nên gay gắt hơn. Phong tục truyền thống và sự ổn định ở châu Á bị suy yếu dần; và nếu những nhà cai trị châu Á cưỡng lại thì người châu Âu lại xâm nhập một cách bí mật, theo lối “cửa sau”.


ÚC - Á

Sau các cuộc thám hiểm của thuyền trưởng Cook, Australia và New Zealand trở thành mục tiêu lập thuộc địa của Anh. Những người định cư bắt đầu tới đây vào đầu thế kỷ XIX. Người Maori vốn thiện chiến thì đánh trả, nhưng thổ dân ở Australia có lối sống đơn giản hơn nên không đủ sức kháng cự và bị đàn áp dễ dàng.


TRUNG ĐÔNG

Đến thời điểm này, Trung Đông đã suy yếu do đế quốc Ottoman suy tàn. Đế quốc Ottoman để mất quyền kiểm soát ở Bắc Phi và Ai Cập. Ba Tư vẫn ổn định, hầu như không chịu tác động của bên ngoài.


CHÂU PHI

Mặc dù người châu Âu và người A rập kiểm soát một số thuộc địa ở vùng ven biển, nhiều quốc gia châu Phi lúc này đã trở nên khá mạnh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số đó phát triển mạnh chính là nhờ buôn bán với người châu Âu. Một số bộ lạc ở đây thống trị các bộ lạc khác, và một số bộ lạc như Zulu và Asante gây hấn với các bộ lạc láng giềng. Sự chia rẽ giữa người châu Phi tạo thuận lợi cho người châu Âu trong việc khiến các quốc gia châu Phi chống lại nhau.