Đừng gõ cửa, cũng đừng viết thư
William Burroughs
Có tiếng gõ cửa, trong máy quay đĩa đang réo rắt ca khúc “Người đẹp ngủ trong rừng” của Tchaikovsky.
Âm thanh rất lớn, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng gõ cửa. Thiên Thiên nhìn tôi, “Ai vậy?”. “Không phải là Madona chứ?”, tôi nói. Chúng tôi không có nhiều bạn bè. Đây là nhược điểm chết người của chúng tôi. Nhưng cũng là ưu điểm đáng yêu.
Tôi tới bên cạnh, nhìn qua lỗ mắt mèo, quả nhiên là một người lạ. Tôi he hé cửa, hỏi anh cần tìm ai. “Nếu chị có hứng thú, tôi xin phép giới thiệu sản phẩm máy hút bụi mới của công ty chúng tôi”. Gương mặt anh ta nở nụ cười tươi rói, chỉnh lại cái cavát dưới yết hầu, như thể chỉ cần tôi nhận lời sẽ lập tức diễn thuyết một tràng dài không làm tôi phải thất vọng.
“Điều này...”, tôi không biết phải làm thế nào. Muốn đẩy một anh chàng không đến nỗi xấu trai, cũng không đến nỗi nguy hiểm có thể cần phải mặt dạn mày dày. Anh ta có thể mặc một bộ veston rẻ tiền nhưng trông vẫn sạch sẽ, có thể chứng minh nhân cách khỏe mạnh của người đàn ông này. Không nên thô bạo phá vỡ lòng tự trọng đó. Vả lại, tôi cũng không bận gì.
Thiên Thiên thất kinh nhìn tôi đưa chàng trai lạ vào phòng. Chàng trai phóng khoáng rút một tấm danh thiếp ra đưa anh, rồi mở chiếc túi to mang theo, lôi ra một chiếc máy hút bụi sáng loáng. “Anh ta muốn làm gì?”, Thiên Thiên hỏi nhỏ tôi.
“Cứ để anh ấy thử đi, em không nỡ từ chối”, tôi đáp khẽ.
“Nếu thử xong không mua thì sao? Càng ngại hơn”.
“Nhưng anh ta đã mang ra rồi”, tôi ngại ngùng nói.
Đó là tình huống đầu tiên chúng tôi vấp phải khi về ở đây. Sau một thời kỳ thịnh hành trào lưu bán hàng tận nhà đầu thập niên 90, giờ đây đã lắng xuống. Chuyện hôm nay hoàn toàn ngẫu nhiên.
Chàng trai lạ ra sức gập người xuống, chà đi chà lại chiếc máy hút bụi trên tấm thảm nhà hết lần này tới lần khác. Chiếc máy phát ra tiếng khá ồn. Thiên Thiên trốn sang phòng khác. “Công năng của chiếc máy này rất mạnh, thậm chí có thể hút cả được các loại bọ sống kí sinh trên thảm”, chàng trai dõng dạc giảng giải.
Tôi giật mình, “Cả sâu bọ ư?”
Chàng trai hút bụi xong, đổ hết các vật bẩn lên một tờ báo. Tôi không dám nhìn kĩ, sợ phát hiện thấy các con bọ đang ngọ nguậy. “Bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi.
“3500”, anh ta đáp.
Giá mắc hơn cả tôi dự tính. Tôi thừa nhận mình không có chút khái niệm gì về giá cả thị trường. “Nó rất có giá trị, đợi sau khi anh chị thêm cháu bé, càng thấy rõ tác dụng của nó. Nó sẽ giúp duy trì vệ sinh gia đình”. Tôi sa sầm mặt, anh ta lại nhắc tới chuyện “con cái”. “Xin lỗi, chúng tôi không muốn mua”.
“Có thể giảm giá hai mươi phần trăm”, anh ta vẫn kiên trì thuyết phục, “Một năm bảo hành, chúng tôi là công ty lớn làm ăn nghiêm chỉnh”.
“Cám ơn, làm mất thời gian của anh quá”, tôi mở cửa. Anh ta thu dọn đồ, mặt vẫn không biến sắc, thong thả đi ra ngoài cửa, quay đầu lại nói tiếp, “Chị có điện thoại của tôi rồi đấy. Nếu thay đổi ý định, xin cứ liên hệ với tôi”.
“Coco, cái gì em cũng muốn thử, luôn chuốc lấy cho mình rắc rối”, Thiên Thiên nói.
“Rắc rối cái gì? Ít nhất anh ta dọn sạch thảm”, tôi thở dài, ngồi xuống bàn làm việc. Thiên Thiên nói tôi “cái gì cũng muốn thử”, không biết muốn ám chỉ điều gì.
Tiếng gõ cửa lại vang lên. Tôi vừa mở cửa, bà hàng xóm béo kế vách xuất hiện, tay cầm một tệp hóa đơn tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện lưu trữ trong thùng thư, ngoài ra còn hai bức thư nữa. Tôi nhớ ra chưa đi kiểm tra thùng thư mấy tháng nay, cũng không hề khóa lại. Tôi cám ơn bà hàng xóm, bà cười ra về.
Hàng xóm trên dãy phố này đều có chất cực kỳ nhiệt tình của người Thượng Hải cũ. Họ đều nghèo, các bà nội trợ thất nghiệp chăm sóc gia đình rất kĩ lưỡng. Bên ngoài cửa sổ phòng bếp luôn treo sẵn cá cơm phơi khô và củ cải, chốc chốc, lò nướng bánh lại tỏa khói. Các cụ già vây quanh một góc trong công viên chơi cờ, đánh kiểu “con đường đại quái”. Chòm râu bạc của họ thỉnh thoảng khẽ rung rung bởi gió. Ánh sáng giao thoa giữa đêm và ngày lặng lẽ trượt xuống con đường gập ghềnh và trên những mái nhà xấu xí. Đối với phần lớn người Thượng Hải có tuổi, khu phố này là hơi thở hoài niệm mà họ quen thuộc nhất. Nhưng đối với giới trẻ, chúng có phần bài trừ, cuối cùng sẽ trở thành một khu vực bị thay thế, một cái góc không còn chút hi vọng. Sống ở đây lâu có thể cảm nhận được một bầu không khí chất phác, một sức sống âm thầm trôi.
Một trong hai bức thư được gửi từ Tây Ban Nha tới. Tôi đưa thư cho Thiên Thiên, “Thư của mẹ anh này”. Anh đang nằm trên giường, tôi đặt thư xuống tay anh. Anh bóc ra xem, đọc được vài dòng, nói, “Mẹ anh sắp lấy chồng... Và cũng nhắc tới em”.
Tôi tò mò chạy tới, “Cho em đọc với”. Anh gật đầu. Tôi nhảy lên giường, anh ôm choàng phía sau lưng tôi, hai tay giơ lá thư ra trước mặt tôi.
“Gần đây con trai mẹ sống ra sao? Lá thư trước con kể đang sống chung với bạn gái, nhưng lại quên không kể rõ về cô ta. (Thư của con bao giờ cũng vắn tắt, làm mẹ rất thất vọng). Nhưng mẹ đoán con rất yêu cô gái đó. Mẹ hiểu con, từ trước tới nay, con chưa bao giờ tùy tiện tiếp cận ai. Như vậy rất tốt, cuối cùng con đã có người bầu bạn”.
... Mùng 1 tháng tới, mẹ sẽ kết hôn. Tất nhiên là Juan, mẹ đã sống chung với ông ấy lâu rồi. Mẹ tin hai người có thể gắn bó bên nhau mãi mãi. Tiệm ăn Trung Hoa bên này vẫn ăn khách như vậy, thật không ngờ. Tụi mẹ định tới Thượng Hải mở một tiệm ăn Tây Ban Nha chính thống. Mẹ mong chờ ngày được gặp con. Mặc dù mẹ vẫn không hiểu tại sao con không muốn tới Tây Ban Nha, con hầu như không tin mẹ, có thứ gì đó thật tồi tệ luôn cản trở hai ta, nhưng thời gian trôi thật nhanh, đã mười năm rồi, con đã trưởng thành. Dù sao đi nữa, con vẫn là con trai cưng của mẹ”.
“Nói như vậy, anh và mẹ anh có thể gặp nhau rồi”. Tôi đặt lá thư xuống, “Trong mười năm đó, mẹ anh vẫn không tới Thượng Hải thăm anh, anh cũng không sang bên đó thăm bà. Thật kỳ lạ”. Tôi nhìn anh, sắc mặt anh không vui. “Vì vậy em không thể tưởng tượng nổi cảnh hai mẹ con anh gặp nhau sẽ ra sao”.
“Anh không hy vọng bà ấy tới Thượng Hải”, Thiên Thiên nói, người hơi ngả ra sau, đè lên chiếc gối dày. Mở to mắt nhìn trần nhà. Trần nhà một màu trắng toát vô hồn, có thể dẫn người ta rơi vào sự trống trải tới vô tận. Tiếng gọi “mẹ” mà Thiên Thiên thường nhắc tới khó nhọc trong câu chuyện kể cho tôi, rõ ràng còn mang cái bóng ma của người cha chết bất đắc kỳ tử.
“Mẹ anh trước đây đẹp như tiên nữ, tóc dài, nói năng dịu dàng, khắp người tỏa hương thơm, các ngón tay rất mềm mại và trắng muốt, biết đan rất nhiều loại áo đẹp... Đó là hình ảnh của bà mười năm về trước. Sau này, bà gửi cho anh một số hình, nhưng anh đều vứt hết”, Thiên Thiên vừa nói vừa ngó trân trân lên trần nhà.
“Mẹ anh giờ đây trông ra sao nhỉ?”, tôi rất háo hức về người phụ nữ đang sống ở Tây Ban Nha xa xôi.
“Anh không quen với người trong hình”, anh lật người, xoay lưng về phía tôi. Tâm trạng buồn phiền lại tác động tới anh. Anh thà liên lạc với mẹ mình bằng thư từ, bưu ảnh, chứ không thể tưởng tượng nổi có một ngày bà sẽ đứng trước mặt anh bằng xương bằng thịt. Như vậy không được. Nếu như vậy, sợi dây thần kinh khống chế của anh sẽ đứt phựt. Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn cặp vợ chồng, nhưng người giống họ không nhiều. Có một lớp ngăn cách giữa họ, tình ruột thịt, huyết thống bản năng và hơi ấm không thể khắc phục nổi những ngờ vực và đố kị đó. Cuộc chiến giữa yêu và hận đan xen mãi tiếp tục cho tới lời kết của câu chuyện không bao giờ đoán trước được này.
Một lá thư khác do Mark gửi cho tôi. Trong thư là hai tấm thiệp mời và mấy dòng vắn tắt, “Cô đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu đậm trong bữa tiệc trước, hy vọng có thể được gặp lại”.
Tôi chuyển thiệp mời cho Thiên Thiên, “Đi xem triển lãm tranh đi. Cái anh Mark người Đức đó quả biết giữ lời”.
“Anh không đi đâu, em đi một mình nhé”, Thiên Thiên nhắm nghiền mắt, trông không vui.
“Sao thế, anh vẫn rất thích xem triển lãm cơ mà?”, tôi ngờ vực. Rõ ràng anh vẫn thường vác theo máy ảnh tới khắp các triển lãm nghệ thuật đủ loại, từ triển lãm tranh, ảnh, sách, điêu khắc, đồ gia dụng, thư pháp, hoa, xe hơi và cả triển lãm đồ cơ khí công nghiệp. Trong một đống tác phẩm khiến người ta thất kinh và dễ quên kia, anh lại là một kẻ mê tham gia triển lãm tới điên cuồng. Đó là một cánh cửa sổ giúp anh thấy rõ bộ mặt thật của thế giới bên ngoài. Theo cách nói của nhà phân tích thần kinh Ngô Đại Duy, một kẻ mắc bệnh u uất lại luôn là kẻ yêu thích nhìn trộm.
“Anh không muốn đi”, Thiên Thiên đột nhiên nhìn tôi chằm chằm và nói bằng một giọng khiêu khích không che giấu, “Cái gã người Đức đó luôn quan tâm quá mức tới bạn gái của người khác phải không?”
“Cái gì? Anh nghĩ vậy sao?”, tôi bật lại với giọng khiêu khích không kém. Tình huống này thật hiếm hoi. Vừa nghi ngờ, mắt Thiên Thiên đã trở nên lạnh băng như con sên, khiến người ta ngại ngùng, thấy rõ lòng trắng nhiều, lòng đen ít. Nhưng tôi cho rằng thái độ thô lỗ đó có thể xuất phát từ sự yếu đuối nội tâm. Như thể một vết đen nào đó trên cơ thể cũng đủ khiến Thiên Thiên vốn nhạy cảm thoắt một cái đã ngã nhào.
Thiên Thiên im bặt, lặng lẽ đi sang phòng khác. Cái bóng của anh như muốn nói, “Đừng coi tôi như thằng ngốc, các người nhảy nhót với nhau suốt đêm, cái gã đó còn theo chúng ta về nhà nữa”. Tôi cũng im lặng.