史Nam Kinh, mùng bốn tháng Tư năm 1937, Lễ Thanh Minh
Mẹ tôi giờ hẳn đang cười vào mũi tôi, cười vào sự e dè và lãnh đạm trước đây của tôi đối với cuộc hôn nhân này. Bởi vì tôi và Thu Kim đang chờ đón một đứa con. Một đứa con! Hãy tưởng tượng xem. Sử Trùng Minh, con cóc nhỏ bé xấu xí này mà lại làm cha! Cuối cùng, cũng có cái để ăn mừng. Một đứa con để mang lại trật tự cho định luật vật lý và tình yêu, một đứa con để khám phá nguyên nhân sâu xa của những chuẩn mực xã hội nhạy cảm. Một đứa con để giúp tôi toàn tâm toàn ý nắm lấy tương lai.
Thu Kim ngay lập tức bị cuốn vào một cơn sốt tín ngưỡng. Phải tính đến rất nhiều vấn đề quan trọng. Tôi chỉ còn biết quan sát cô ấy, cố gắng chấp nhận và tôn trọng những gì cô ấy làm. Sáng nay chẳng hạn, cô ấy đưa ra một danh sách dài những thức ăn phải tránh như mực, bạch tuộc, dứa và hàng ngày tôi phải đi chợ mua những thứ như xương gà đen, gan, mận, hạt sen và tiết canh. Từ nay tôi cũng sẽ phải tự tay làm gà vì Thu Kim không được sát sinh, thậm chí là để nấu ăn, nếu không con chúng tôi sẽ bị dị dạng hoặc Thu Kim sẽ sinh ra một con gà hay con vịt.
Quan trọng nhất là không được gọi con trai của chúng tôi (Thu Kim chắc chắn đây sẽ là một bé trai) là “con trai” hay “bé con” vì ma quỷ sẽ nghe thấy và sẽ tìm cách đánh cắp khi bé chào đời. Thay vào đó, cô ấy sẽ gọi con bằng một cái tên khác, một “nhũ danh” theo cách nói của cô ấy, để đánh lừa ma quỷ. Thế là chúng tôi gọi cháu là “mặt trăng”. “Mình không thể tưởng tượng được bọn ma quỷ chuyên bắt trẻ sơ sinh ác độc thế nào đâu. Linh hồn của ‘mặt trăng’ sẽ là thứ quý giá nhất mà chúng mơ ước.” Cô ấy giơ tay lên, không để cho tôi được phản đối: “Mình phải nhớ rằng mặt trăng của chúng ta rất yếu đuối nên đừng bao giờ quát tháo hay tranh cãi bên cạnh em. Chúng ta không được làm nó sợ.”
“Tôi biết rồi,” tôi mỉm cười vì thấy cô ấy đang nói với một vẻ hết sức nghiêm túc. “Thôi thì gọi là mặt trăng cũng được. Và từ giờ trở đi, trong nhà này chỉ có hai chữ bình an.”