Con trai của bố:
Theo trình tự phát dục của tuổi dậy thì, hôm nay chúng ta nên nói đến chủ đề lông mao rồi nhỉ.
Thông thường, khi con trai tầm 13 tuổi thì ở phần dưới, phía hai bên dương vật sẽ mọc lên những sợ lông tơ nhỏ và có màu nhạt – đó gọi là âm mao. Âm mao này sẽ ngày càng mọc rậm lên và lan ra xung quanh của vùng hạ bộ, khoảng mọc đó có hình thoi, và màu sắc của nó sẽ càng ngày càng đậm dần lên, những sợi lông sẽ ngày càng trở nên thô cứng và cong queo. Có lẽ, lần sau, khi con đi tắm tráng sau khi bơi bể bơi, con có thể quan sát một chút phần dưới của những người lớn.
Những sợi lông trên cơ thể sinh trưởng phần lớn phụ thuộc vào nội tiết tố Androgen. Chúng ta cũng đã từng nói, sau khi bước vào thời kỳ phát dục, tinh hoàn của con trai sẽ to lên và bắt đầu tiết ra một lượng lớn nội tiết tố Androgen. Dưới tác dụng của một lượng lớn nội tiết tố Androgen, âm mao, lông nách, râu của con trai sẽ lần lượt xuất hiện, và lông ở một số bộ phận khác trên cơ thể (như tay, chân, ngực, bụng) cũng sẽ càng ngày càng rậm hơn. Nếu con chú ý quan sát, con sẽ thấy phần da ở phía hạ bộ sẽ có màu sậm hơn những vùng da khác trên cơ thể, đó là kết quả tác động của các hormone. Màu da phụ thuộc rất nhiều vào sắc tố, mà nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới sắc tố chính là hormone. Hạ bộ là khu vực cơ quan sinh dục, mà nồng độ hormone của cơ quan sinh dục lại cao hơn, vùng da phía xung quanh bị ảnh hưởng của hormone một thời gian dài dẫn đến màu sắc tự nhiên bị thay đổi, trở nên đậm hơn, đặc biệt khi dương vật co dãn quan sát càng rõ.
Điều cần nhắc nhở, đó là trước khi âm mao chuẩn bị mọc, phía hạ bộ sẽ xuất hiện một số mụn nhỏ, sờ vào sẽ cảm thấy lợn cợn và hơi ngứa, đó chính là dấu hiệu âm mao ẩn dưới da chuẩn bị “xé da chui ra”. Lúc này nhất định không được dùng tay để nhổ, càng không được dùng dao cạo mà cạo lông đi, dùng nhíp hay dùng nhiều biện pháp khác động đến những chùm lông tơ đó, nếu không sẽ rất có thể dẫn đến viêm nang lông hoặc viêm da. Lúc này điều mà con cần phải làm chính là chờ đợi, đợi cho những sợi lông ẩn dưới da ấy mọc lên một cách thuận lợi, sau đó cơn ngứa sẽ tự nhiên mất đi. Quá trình này ai cũng phải trải qua, sốt ruột cũng không giải quyết được gì.
Còn một chuyện nữa bố muốn nói. Trong tivi, chúng ta thường thấy những anh chàng trông oai phong, dũng mãnh, lông nách, lông tay, lông chân và cả lông ở ngực, bụng đều mọc dày chi chít và đen mướt, chính vì thế đã khiến cho người ta có một sự hiểu lầm – cơ thể càng rậm lông thì càng đàn ông.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ, mật độ và màu sắc lông trên cơ thể của mỗi người không giống nhau, thậm chí có sự khác biệt rất lớn, điều đó chịu sự ảnh hưởng khá lớn từ yếu tố di truyền. Lông mọc ra phụ thuộc khá nhiều vào số lượng nang lông, còn màu sắc của lông lại phụ thuộc vào tế bào sắc tố của những nang cơ sở, mà nang lông là thuộc hệ bẩm sinh, không có cách nào có thể thay đổi được. Sắc tộc, khí hậu, khu vực, giới tính, dinh dưỡng và cảm xúc khác nhau cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của lông và tóc. Cho dù là người có cùng chủng tộc thì lông, tóc cũng có người mọc sớm, người mọc muộn, có người mọc nhanh, người mọc chậm, có người mọc nhiều, người mọc ít, có người mọc ngắn, người mọc dài, có người lông, tóc tơ, người lông tóc lại thô, cứng, có người màu lông, tóc đậm, có người màu lông, tóc lại nhạt… Tất cả đều là hiện tượng bình thường. Chính vì thế, việc lông và tóc mọc nhiều hay ít trên cơ thể không phụ thuộc vào mong muốn, nguyện vọng của chủ quan mình, và cũng không hề có chút liên quan đến vấn đề nam tính hơn hay không.
Với người trưởng thành, để đánh giá một người có đàn ông, có nam tính hay không còn phải xét xem người đó có tinh thần trách nhiệm, có chính nghĩa, có năng lực, có tình yêu thương và có những cống hiến gì cho xã hội. Nếu không, chỉ dựa vào những sợi lông, tóc mọc nhiều hay ít thì những con khỉ, con tinh tinh kia chắc chắn sẽ vượt xa con người, liệu có ai tình nguyện làm "đàn ông đích thực" như thế không?
Chào con, hẹn gặp lại con trong lá thư tới!
Bố của con.