Con trai của bố:
Hôm nay, mẹ hỏi nhỏ bố, bố có thấy con trai đang vỡ giọng? Có lẽ là bố đã quá vô tâm mất rồi… Cho nên lúc này phải nói đến chuyện bảo vệ họng thôi.
Mới sinh ra, thanh đới của con người dài khoảng 9 – 10 mm. Sự khác biệt giữa con trai và con gái không lớn lắm, vì thế mà giọng của con trai và con gái lúc nhỏ na ná nhau. Nhưng sau khi bước vào tuổi dậy thì, tuyến giáp sụn chỗ yết hầu bắt đầu phát triển to lên, cục yết hầu của con trai lồi hẳn lên, nhìn thấy được. Lúc này thanh đới dài khoảng 13 – 14 mm. Trên thực tế, bất luận là con trai hay con gái, sau khi bước vào thời kỳ dậy thì, giọng nói đều thay đổi, chỉ có điều giọng nói của con trai thay đổi rõ rệt hơn của con gái mà thôi.
Tại sao bước vào tuổi dậy thì giọng lại thay đổi? Tiếng nói chủ yếu do cơ quan phát thanh bên trong – thanh đới rung động mà thành, mà sự rung động của thanh đới lại liên quan lớn đến sự phát dục của yết hầu. Sau khi bước vào tuổi dậy thì, dưới sự tác động của hormone, yết hầu của con trai to lên nhanh chóng, nổi hẳn lên, từ đó trở thành cục yết hầu đặc trưng của nam giới. Đồng thời lúc này dây thanh đới ở chỗ yết hầu cũng dài theo, to và dầy lên, phát ra những âm thanh ồ ồ, trầm đục, khiến cho giọng nói vốn cao, trong và mảnh trước kia của con trai bỗng trở nên trầm xuống. Đó chính là thời kỳ mà mọi người nói đến - thời kỳ vỡ giọng.
Con người ta phải dựa vào sự rung động của dây thanh đới để phát ra âm thanh. Vì thế, sự dài ngắn dày hay mỏng, có lực hay không của dây thanh đới có ảnh hưởng rất lớn đến âm thanh phát ra. Giọng nói "hay", ngoài những yếu tố bẩm sinh, thì việc chăm sóc vòm họng khi dậy thì cũng giúp cải thiện ít nhiều. Vì thế nếu không muốn thành “giọng vịt đực” thì từ lúc này con đã phải có ý thức bảo vệ họng.
Đầu tiên, con nên chú ý phát âm vừa phải, cố gắng tránh việc cất cao giọng hét, gào hoặc hát to, tránh cho dây thanh quản bị mệt, chùng rão và sưng đỏ.
Một khi vòm họng bị tổn thương, thì phải nói nhỏ hoặc hạn chế nói để dây thanh quản được nghỉ ngơi, hồi phục.
Hai là, sau khi nói chuyện, không được uống nước lạnh mà phải uống nước ấm. Bởi vì lúc này các tổ chức ở vòm họng đang ở trạng thái được cung cấp máu nhiều, uống nước lạnh vào sẽ khiến các mạch máu ở yết hầu bị co lại đột ngột, làm cho việc lưu thông máu ở yết hầu bị chậm lại, công năng sinh lý của yết hầu bị rối loạn, hệ thống miễn dịch giảm, rất dễ dẫn đến viêm họng cấp tính, gây nên những chứng bệnh như mất tiếng, viêm họng, họng sưng đỏ….
Thứ ba, ăn ít hoặc không ăn những thức ăn cay nóng và thức ăn có chất kích thích, nên ăn nhiều thức ăn thanh đạm, thanh nhiệt chẳng hạn như hoa quả, rau cỏ.
Thứ tư, nhất định không được uống rượu, hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc. Con trai nên đặc biệt chú ý điều này.
Thứ năm, cần phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ăn ngủ nghỉ đúng giờ, ngủ đủ giấc và có những hoạt động rèn luyện thân thể, luyện tập thể dục thể thao hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng, phòng và tránh những loại bệnh như cảm, phong hàn… những bệnh gây viêm họng, đau dây thanh quản.
Cuối cùng, cho dù họng sưng đỏ, đau rát một thời gian dài vì bất cứ lý do gì, nhất định phải đến bệnh viện khám và chữa trị.
Các con đừng coi thường thời kỳ vỡ giọng này nhé. Bởi vì một giọng nói có âm vực rộng, trầm ổn, đầy nội lực cũng là một yếu tố thể hiện nam tính, các con nhất thiết phải để ý kẻo sau này lại ân hận.
Chào con, hẹn gặp lại con trong lá thư tới!
Bố của con.