80 Lời Bố Gửi Con Trai

Bức Thư Thứ 45: Thay Đổi Tâm Lý Khi Dậy Thì

AI NÓI CON TRAI KHÔNG CÓ TÂM SỰ

Tuy rằng con trai không tình cảm, cũng không dễ ưu tư, trầm mặc như con gái, nhưng bước vào tuổi dậy thì, con trai cũng có những khúc mắc, căng thẳng, lo lắng, bất an, cũng có những tâm sự cần phải giải tỏa, và nhu cầu được chia sẻ. Ngoài bạn học, bạn bè cùng trang lứa, một người bố giống như người bạn có lẽ sẽ là đối tượng tâm sự tốt nhất của con trai.

Con trai của bố:

Hôm nọ con cùng anh họ đi xem phim về, con liên tục kêu rằng: “Không xong rồi, không xong rồi, anh họ dạo này tự kiêu quá đáng! Có cái gương nào để anh ấy soi lại mình không nhỉ? Người đâu mà ai nhìn anh ấy nhiều một tí liền tự huênh hoang là người ta thấy anh đẹp nên mới nhìn… Trước đây anh ấy có thế đâu”. Ha ha, đó chính là chủ đề hôm nay bố muốn nói với con – sự thay đổi tâm lý trong tuổi dậy thì.

Trong đời mỗi người có hai lần tự ý thức được sự nhảy vọt của mình. Lần đầu tiên chính là khi chúng ta tầm 1 – 3 tuổi, cũng chính là lúc đứa trẻ biết cách dùng cái “tôi” để thể hiện mình, điều đó chứng tỏ chúng đã ý thức được sự thay đổi nhảy vọt về “chất” của bản thân, đã hiểu được khái niệm “tôi” là như thế nào. Đó chính là lần nhảy vọt thứ nhất.

Sau khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể lại có sự phát triển đại nhảy vọt, nhanh chóng xuất hiện những đặc trưng riêng về tướng mạo. Sự thay đổi quá đột ngột về sinh lý này khiến cho các con vừa cảm thấy mơ hồ, bất an song song với đó tư tưởng các con một lần nữa lại hướng về cái tôi – cái tôi có ý thức trước đây sống lại và phát triển mạnh mẽ hơn. Đó chính là bước nhảy vọt lần thứ hai của cái “tôi” trong tuổi dậy thì, cũng chính là tiêu chí để đánh giá sự phát triển tâm lý của các con.

Vậy những thay đổi tâm lý này bộc lộ trên những phương diện nào?

Bắt đầu biết tự nhận thức về bản thân và xung quanh, ví dụ như tự nhận biết, tự thể nghiệm, tự khống chế... Tự nhận thức là tính năng quan trọng nhất trong ý thức con người bởi vì nếu biết tự nhận thức con người mới có lý tính, có chủ kiến, biết phải làm gì và không được làm gì.

Suy nghĩ mình là trung tâm của con người ngay từ nhỏ đã từng xuất hiện. Chẳng hạn, đứa trẻ đã có thể hiểu được tay phải, tay trái của mình, nhưng lại chưa lý giải được sự tương phản của bên trái bên phải người đối điện với bên trái và bên phải của mình. Chúng có thể trải nghiệm được những cảm xúc, tình cảm của mình nhưng không thể trải nghiệm được cảm xúc, tình cảm của người khác.

Nhưng khi bước vào tuổi dậy thì tư duy lấy bản thân làm trung tâm lại có cơ hội xuất hiện, tuy nhiên về bản chất nó có sự khác biệt so với thời thơ ấu. Đến giai đoạn này, các con đã thực sự ý thức một cách chính xác về thế giới khách quan, đã có thể hiểu được đâu là ý tưởng của mình, đâu là cách nghĩ của mình. Mặt khác cũng đã có thể hiểu và suy xét đến cảm xúc, ý tưởng, suy nghĩ của người khác, nhưng các con vẫn chưa thể phân biệt được sự tập trung chú ý của mình liệu có phải là sự tập trung chú ý của người khác. Chính vì thế, trong phương thức tư duy tôi là trung tâm, những thanh thiếu niên đang trong tuổi dậy thì thường xuất hiện những hiện tượng như: rất chú ý đến vẻ ngoài của mình và luôn luôn cho rằng người khác cũng đang rất quan tâm chú ý đến mọi cử chỉ, hoạt động, lời nói của mình. Trong tâm lý ấy, họ đã tự xây dựng nên nhiều khán giả tưởng tượng, luôn cảm giác mình hàng ngày đều như đang sống trên một sân khấu lớn, mỗi giây mỗi phút đều có hàng chục con mắt dõi theo, nhất cử nhất động đều bị người ta xì xào đánh giá, hoặc là tán thưởng, hoặc là phê bình, hoặc là hâm mộ, hoặc là chế giễu…

Giống như anh họ con vậy, thật ra có thể người ta cũng chỉ vô tình đưa mắt nhìn anh ấy một cái, thậm chí có khi không phải nhìn anh ấy nhưng anh ấy lại cho rằng người ta đang nhìn mình, đang chú ý đến mình nên cảm thấy mình rất đẹp trai nên mới có nhiều người để ý đến vậy. Nhưng điều quan trọng chính là, từ trong sâu thẳm trái tim của mình thì họ - những thanh thiếu niên đang trong tuổi dậy thì ấy - lúc nào cũng mong muốn và hy vọng nhận được sự quan tâm, chú ý của mọi người, cũng vô cùng coi trọng những lời phê bình của người khác vì vậy mới thường xuyên tưởng tượng ra nhiều khán giả ảo đến vậy.

Từ đó có thể thấy, anh họ con “tự kiêu” là chuyện hết sức bình thường, chính là một phản ứng về thay đổi tâm lý của tuổi dậy thì. Nói không chừng một ngày nào đó, con cũng trở nên “tự kiêu” như vậy ấy chứ…

Bố của con.