5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 9 LÀM SAO VƯỢT QUA CƠN GIẬN ĐỐI VỚI CON TRẺ?

Chương 9

LÀM SAO VƯỢT QUA CƠN GIẬN ĐỐI VỚI CON TRẺ?

Khi nổi giận, con người ta có thể nói những lời làm tổn thương sâu sắc đến người khác. Ambrose Bierce từng nói: “Nói trong lúc giận dữ là bạn đã có một bài phát biểu khiến bản thân phải hối hận cả đời”.

Đa số các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên chắc hẳn đều đã từng có một “bài phát biểu” như Bierce nhắc đến ở trên. Khi đó, chúng ta đều ước gì mình có thể rút lại lời vừa nói hay hành động mình vừa làm. Những cơn giận dữ không kiểm soát được là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt trong vô số các mối quan hệ, trong đó có quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Nhưng việc này có liên quan gì đến sự yêu thương? Nhiều người cho rằng yêu thương và giận dữ là hai khái niệm hoàn toàn trái ngược nhau và không thể đi chung với nhau được. Thế nhưng nếu xét kỹ, bạn sẽ thấy hai khái niệm này như hai mặt của một đồng xu. Yêu thương là tìm kiếm những điểm tốt đẹp của người khác và nó trực tiếp dẫn con người ta đến sự giận dữ. Chúng ta nổi giận khi cho rằng hành động của người kia là sai trái, phụ lòng yêu thương của ta. Cha mẹ nổi giận với con cái khi cho rằng chúng đã nói hoặc làm một điều gì đó thiếu trách nhiệm. Trẻ vị thành niên nổi giận với cha mẹ khi cho rằng hành vi của cha mẹ là thiếu công bằng hoặc chỉ vì lợi ích bản thân…

Vì lẽ đó, tôi viết chương này là để giúp các bậc phụ huynh kiểm soát cơn giận dữ của bản thân theo hướng tích cực cũng như biết cách giúp con mình kiểm soát được cơn giận dữ.

Sự cần thiết phải kiểm soát cơn giận dữ

Chúng ta không thể dạy cho con những điều mà chính bản thân mình cũng chưa học được.Marvin, một phụ huynh ở Idaho, đã từng nói với tôi: “Tôi chưa bao giờ tức giận như vậy cho tới khi tôi kết hôn. Và tôi chưa bao giờ tức giận một cách khủng khiếp như vậy cho tới khi con tôi bắt đầu lớn”. Đây cũng là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang gặp phải. Một điều mà chúng ta cần nhận thấy là chúng ta thường nổi giận nhiều nhất với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với đứa con mới lớn của mình. Tại sao vậy?

Tại sao trẻ vị thành niên thường làm bố mẹ tức giận?

Tại sao các bậc phụ huynh lại thường nổi giận nhiều hơn khi con cái của họ bắt đầu lớn? Nguyên nhân chính là do những thay đổi bên trong trẻ khiến chúng có những thái độ, hành xử rất khác biệt so với khi chúng còn bé. Điều này chúng ta đã bàn ở những chương trước. Ngoài ra, khả năng suy luận và phán xét của trẻ vị thành niên tăng lên nên chúng bắt đầu đặt câu hỏi về những quyết định của cha mẹ chứ không giống như khi chúng còn bé.

Sự trưởng thành về mặt trí tuệ này thường đi cùng với tính độc lập và mong muốn tự khẳng định bản thân. Khi đó, trẻ không chỉ xét đoán quyết định của cha mẹ mà còn có quyền lựa chọn có nên nghe theo hay không. Chúng không chỉ tự suy nghĩ mà còn tự quyết định. Việc này thường khiến chúng đi ngược lại ý của cha mẹ và khơi lên sự giận dữ ở cha mẹ.

Khi kết luận những hành vi của con mình là ngang bướng, nổi loạn, hoặc thiếu trách nhiệm, các bậc phụ huynh thường đưa ra lý do: Việc này không tốt cho chúng. Cơn giận dữ thúc đẩy họ hành động. Nếu không nhận thức được sự thay đổi tất yếu của con ở độ tuổi vị thành niên, họ có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tại sao các bậc phụ huynh phải tránh phản ứng tiêu cực với những cơn giận dữ?

Khi trẻ vị thành niên không sẵn sàng làm theo lời mình, các bậc cha mẹ thường phản ứng bằng cách ra những “mệnh lệnh” lạnh lùng và khó nghe như “Con có làm hay không thì bảo?”. Khi trẻ vị thành niên chọn cách trả lời: “Không!”, nghĩa là chúng đang mở màn một cuộc chiến với cha mẹ. Và trận chiến thường chỉ kết thúc khi cả cha mẹ và con cái đã ném vào nhau nhiều lời gây tổn thương. Sau đó, cả hai bên đều rời khỏi cuộc chiến với những vết thương lòng cùng cảm giác bị chối bỏ và không được thương yêu.

Trong 30 năm làm tư vấn hôn nhân gia đình, đã không ít lần tôi rơi nước mắt khi nghe trẻ vị thành niên kể về những lời cay nghiệt cùng những hành vi tàn nhẫn của cha mẹ chúng trong cơn giận dữ không kiểm soát được. Bi kịch hơn, nhiều trẻ vị thành niên sau khi trở thành cha mẹ đã có những hành vi bạo hành với con cái của chúng. Khuôn mẫu những cơn giận thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phá vỡ khuôn mẫu đó. Với vai trò của mình, các bậc phụ huynh cần kìm nén cơn giận dữ và học cách kiểm soát nó một cách có trách nhiệm và tích cực. Sau khi bị bạo hành, trẻ vị thành niên sẽ không còn nhớ đến những hành động thể hiện sự quan tâm, lời khen ngợi, thời gian chia sẻ, quà tặng hay những cử chỉ âu yếm mà mình đã nhận được. Tất cả những gì chúng nhớ chỉ còn là những lời mắng nhiếc và chỉ trích của cha mẹ. Chúng không còn cảm nhận được tình yêu thương mà chỉ còn cảm thấy đau đớn khi bị chối bỏ.

Những khuôn mẫu tiêu cực trong quá khứ có thể bị phá vỡ. Chúng ta không cần phải làm nô lệ suốt đời cho những cơn giận dữ của mình. Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể chuyển những khuôn mẫu phá hoại thành hành động yêu thương.

Phá vỡ khuôn mẫu phá hoại

Dưới đây, tôi xin gợi ý một số bước có thể giúp bạn xóa bỏ những khuôn mẫu tiêu cực và hình thành nên những khuôn mẫu tích cực chan chứa tình yêu thương thông qua việc kiểm soát cơn giận dữ.

1. Thừa nhận sự thật

Đầu tiên, các bậc phụ huynh cần phải biết thừa nhận sự thật. Chúng ta sẽ không thể đi đúng hướng nếu không chịu thừa nhận mình đang đi sai đường. Hãy tự thừa nhận và thừa nhận với các thành viên khác trong gia đình. “Tôi đã không kiềm chế được cơn giận dữ của mình. Tôi thường mất kiểm soát bản thân. Tôi đã nói sai. Những câu nói của tôi không thể hiện thông điệp yêu thương. Chúng chỉ phá hoại mọi thứ và làm người khác tổn thương. Và tôi muốn thay đổi”. Hãy viết những lời trên vào một tờ giấy và tự nhắc nhở mình, cũng như thể hiện thái độ hối lỗi với những người đã bị bạn làm tổn thương. Hãy nói với họ về mong muốn thay đổi của bạn. Khi bạn đã nói được điều này trước mặt mọi người, bạn đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn rồi đấy.

2. Lập kế hoạch

Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang bước hai: Lập kế hoạch để xóa bỏ những khuôn mẫu phá hoại. Vậy làm thế nào để phá vỡ những khuôn mẫu tiêu cực đó? Thực ra bạn đã hình thành một kế hoạch cho mình khi nói với vợ/chồng, con cái là hãy bước ra khỏi phòng khi bạn bắt đầu nổi nóng. Tuy nhiên, điều này sẽ nhắc nhở bạn nhớ đến thất bại của mình. Thú nhận mình thất bại là một việc rất xấu hổ, và nó sẽ thúc đẩy bạn phải thay đổi hành vi vào lần sau. Nhưng làm thế nào để dập tắt cơn giận trước khi nó bùng nổ?

Hãy nghe Rueul kể về kinh nghiệm thành công của anh. Cách đây hai năm, chúng tôi gặp nhau trong một buổi hội thảo về hôn nhân ở Spokane. Anh thừa nhận: “Tôi thường xuyên giận dữ và nói những lời nói làm tổn thương vợ con”. Thế rồi khi gặp lại nhau trong một buổi hội thảo khác, anh đã kể cho tôi nghe quá trình đấu tranh với những cơn giận dữ của mình: “Ông còn nhớ ý tưởng đếm đến 100 trước khi nói ra điều gì đó không? Tôi đã thực hiện theo lời khuyên của ông. Khi sắp nổi giận, tôi vừa đếm vừa đi tới đi lui. Việc làm này có vẻ kỳ cục nhưng đó là một trong những điều sáng suốt nhất mà tôi từng làm. Việc đi lại và đếm đã khiến tôi bình tĩnh và có cái nhìn tích cực hơn trước những cơn giận dữ”.

Rueul đã tìm thấy phương pháp để thay đổi cách ứng xử của mình trước những cơn giận dữ. Nhiều người cũng sử dụng cách này để đối phó với những cơn giận của mình. Brenda kể với tôi: “Hai vợ chồng tôi đã thỏa thuận rằng khi nào nổi giận, một trong hai người sẽ xin một khoản thời gian 'tạm dừng' và bước ra khỏi phòng. Chúng tôi đã thỏa thuận sẽ quay trở lại bàn bạc vấn đề sau 5 tiếng. Nếu tiếp tục nổi giận, chúng tôi lại 'tạm nghỉ' lần hai. Chúng tôi đều đồng ý rằng thà tạm nghỉ còn hơn là nói những lời khó nghe với nhau”.

Rõ ràng, họ đã tìm được phương pháp thay thế hành vi phá hoại bằng một hoạt động khác để trở nên bình tĩnh hơn.

3. Phân tích cơn giận dữ và nhìn nhận lại ý kiến của mình

Bước thứ ba đó là phân tích cơn giận dữ và nhìn nhận lại ý kiến của bạn. Dù có thể bạn vẫn còn giận dữ khi đã đếm đến 100, thậm chí 500, nhưng bạn đã đủ bình tĩnh để đặt ra những câu hỏi về cơn giận của mình. Tại sao mình lại giận dữ? Đối phương đã làm sai chuyện gì? Liệu mình có đánh giá thái độ của họ mà không có bằng chứng? Mình có hiểu được động cơ của họ? Mình có yêu cầu quá cao so mới mức độ chín chắn của con? (Đôi lúc, các bậc cha mẹ nổi giận chỉ vì đứa con mới lớn của họ hành xử như một đứa trẻ vị thành niên bình thường).

Một khi đã có thời gian nghĩ lại vấn đề, bạn có thể đưa ra quyết định cần thiết xem đâu là hành động mang tính xây dựng trong hoàn cảnh ấy. Bạn có hai sự lựa chọn để đưa ra phản ứng tích cực đối với cơn giận: Một là thoát khỏi cơn giận, và hai là thừa nhận đó là vấn đề của bạn chứ không phải của con. Vấn đề của bạn có thể là do một trong những điều sau: “Sáng nay mình có tâm trạng không tốt”, “Mình đang bị stress”, “Tối qua mình ngủ không đủ”, “Mình thiếu kiên nhẫn”...

Cho dù có là lý do gì chăng nữa thì bạn cũng phải nhận ra vấn đề nằm ở bản thân minh và cố gắng thoát khỏi nó.

Tuy nhiên, cũng có thể cơn giận dữ của bạn là đúng. Những thành viên trong gia đình bạn đã sai. Bạn có “quyền” được nổi giận. Bạn đã đếm đến 500, đã ra ngoài tản bộ, đã phân tích cơn giận của mình, và cuối cùng bạn biết mình cần phải bàn bạc lại vấn đề này với người thân. Người ta đã làm sai, bạn đã bị tổn thương và vấn đề cần được giải quyết. Tuy nhiên, trước khi đề cập đến vấn đề với con, bạn nên suy nghĩ kỹ xem cần bắt đầu như thế nào.

4. Nói chuyện với trẻ

Tiếp theo, hãy nói chuyện với trẻ. Hãy chọn thời điểm thích hợp để bàn bạc với trẻ về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu trẻ đang xem ti-vi hay mải làm một viêc gì khác thì đó không phải là lúc thích hợp để nói chuyện. Nên chọn thời điểm chỉ có hai người bên nhau. Nếu bạn cứ khăng khăng: “Chúng ta phải nói chuyện ngay bây giờ” thì bạn đã phá hỏng cuộc đối thoại trước cả khi nó bắt đầu.

Khi đã tìm được thời gian và địa điểm thích hợp, bạn nên nói điều gì đó có ý nghĩa khẳng định, chẳng hạn như: “Mẹ muốn chia sẻ cảm xúc của mẹ với con. Mẹ biết có thể mẹ đã hiểu lầm nhưng mẹ muốn nói cho con biết suy nghĩ và cảm xúc của mẹ. Sau đó, mẹ muốn con nói cho mẹ nghe quan điểm của con. Có lẽ mẹ đã bỏ qua điều gì đó và mẹ cần con giúp mẹ hiểu ra”.

Khi diễn tả những điều bạn đang quan tâm, hãy cố gắng cụ thể hết mức. Hãy giới hạn đề tài của bạn và đừng gợi lại những chuyện cũ có liên quan. Nếu không, con cái sẽ có cảm giác như bạn đang chỉ trích chúng. Rất có thể chúng sẽ chống đối lại để bảo vệ bản thân, và cuộc nói chuyện sẽ trở thành cuộc cãi vã. Con người ta có thể kìm nén bản thân trước một vụ việc nhưng sẽ là quá sức chịu đựng của họ nếu bạn liên tục gợi nhắc tất cả những thất bại mà họ đã gặp trong quá khứ.

Sau khi đã trình bày quan điểm của mình, bạn hãy đề nghị trẻ nói về những cảm nhận của chúng. Khi trẻ đang nói, cố gắng đừng xen ngang. Hãy thường xuyên dùng những câu hỏi lặp lại để hiểu rõ hơn những điều trẻ đã nói, chẳng hạn như: “Có phải con nói rằng...?” hay “Mẹ nghe con nói rằng...”. Những câu hỏi này sẽ khiến trẻ chia sẻ nhiều hơn, và bạn sẽ hiểu được những cảm xúc cũng như suy nghĩ của chúng.

Nếu cả hai thật sự bất đồng quan điểm với nhau thì bạn có thể nói: “Có vẻ như chúng ta nhìn nhận vấn đề khác nhau. Có lẽ do chúng ta là hai người khác biệt. Nhưng mẹ nghĩ chúng ta có thể học được một điều gì đó từ việc này để khiến mọi việc trong tương lai được tốt đẹp hơn”. Những câu nói này thường dẫn đến một kết luận tích cực. Tuy nhiên, nếu bạn khăng khăng mình đúng còn con bạn sai thì sự việc vẫn chẳng có gì tiến triển và khoảng cách giữa đôi bên vẫn xa như trước. Ngược lại, nếu bạn thật sự muốn có cách giải quyết vấn đề và rút ra được kinh nghiệm tích cực nào đó thì cả hai đều là người chiến thắng. Cơn giận của bạn được giải quyết và kết quả sẽ rất khả quan. Đây chính là dạng kiểm soát cơn giận dữ tích cực mà bạn cần dạy cho con em mình.

Dạy con cách kiểm soát cơn giận

Yêu thương và giận dữ: hai kỹ năng quan trọng cho các mối quan hệ

Rõ ràng là chúng ta không thể chờ đến khi mình biết cách kiểm soát cơn giận một cách hoàn hảo rồi mới dạy cho con. Thật ra, có nhiều bậc phụ huynh còn không biết mình có vấn đề với những cơn giận dữ cho tới khi họ thấy những hành vi của mình được tái hiện lại qua đứa con mới lớn. Chính suy nghĩ đáng sợ: “Con mình sẽ giống như mình” đã thúc đẩy họ phải thay đổi cách kiểm soát cơn giận. Thường thì chúng ta phải cùng học cách kiềm chế cơn giận dữ với con.

Hai kỹ năng cần thiết nhất mà trẻ vị thành niên nên học là cách thể hiện tình cảm và xử lý những cơn nóng giận. Hai điều này có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu trẻ vị thành niên cảm thấy được yêu thương, chúng sẽ có động lực để học cách kiểm soát giận dữ tích cực. Nhưng khi tình cảm của trẻ không được đong đầy, trẻ sẽ ít có khả năng kiềm chế cơn giận dữ của mình. Vì thế, việc cha mẹ học và sử dụng thành thạo ngôn ngữ yêu thương của con là điều rất quan trọng.

Điều đáng nói là việc được đong đầy tình cảm chưa hẳn đã khiến trẻ vị thành niên tự động biết cách kiềm chế cơn giận dữ của chúng. Kiểm soát cơn giận tích cực là một kỹ năng cần phải học. Nhưng những yếu tố nào chi phối quá trình dạy dỗ con cái của các bậc phụ huynh?

Cơn giận dữ của con bạn: Âm ỉ hay bùng phát?

Điều đầu tiên và cũng là điều cơ bản nhất chính là việc cha mẹ cần phải bắt đầu từ vị trí của con. Khi con cái của bạn bắt đầu lớn, nó đã có khả năng phản ứng với những cơn giận dữ. Một bà mẹ đã nói với tôi: “Thưa Tiến sĩ Chapman! Làm sao ông có thể khiến bọn trẻ chịu nói về những cơn giận dữ của chúng được? Khi đứa con gái 15 tuổi của tôi giận, nó im lặng cho dù tôi có gặng hỏi như thế nào chăng nữa. Tôi không biết làm thế nào để giúp đỡ nó nếu nó không chịu nói tiếng nào”. Một người mẹ khác lại cho biết: “Vấn đề của tôi thì lại ngược lại. Khi tức giận, con gái tôi la hét ầm ĩ, nhiều lúc còn chạy nhảy, đập phá nữa”. Hai bà mẹ này đã chứng kiến hai kiểu cơ bản của cơn giận dữ: âm ỉ hoặc bùng phát.

Tôi dùng từ âm ỉ cho cơn giận ở những đứa trẻ chỉ giữ cảm xúc giận dữ trong lòng, và sự giận dữ thầm lặng đó sẽ dần ăn mòn tâm hồn trẻ. Trẻ vị thành niên sẽ tức giận khi bị người nào đó cho là mình đã làm sai. Cảm giác “bị cho là sai” này nếu không được thể hiện ra sẽ trở thành cảm giác chán ghét, cô đơn và suy nhược. Những cơn giận dữ âm ỉ có thể dẫn đến những hành vi hung hãn thụ động. Những trẻ bên ngoài thụ động, từ chối không chịu đối diện với cơn giận dữ, sẽ thể hiện cảm giác căm ghét của mình qua những hành động gây tổn thương người đã khiến chúng giận. Sau một thời gian dài, những cơn giận dữ bị giữ kín trong lòng này sẽ bùng phát thành hành vi bạo lực.

Ngược lại, rất nhiều trẻ lại có xu hướng bùng phát khi giận dữ. Khi cha mẹ nói hay làm điều gì đó mà trẻ cho là sai thì chúng sẽ phản ứng bằng cách la lối, cãi nhau với cha mẹ hoặc đập phá những vật dụng xung quanh. Nếu hành vi này không được sửa, trong tương lai, trẻ sẽ trở thành người vợ/chồng, cha/mẹ bạo hành.

Không phải trẻ nào cũng rơi vào hai trạng thái trên nhưng thông thường, chúng sẽ thiên về một trong hai loại. Ít có đứa trẻ nào học được cách kiểm soát cơn giận theo hướng tích cực như chúng ta đã bàn ở trên. Đối với một số bậc phụ huynh, việc dạy con biết cách kiềm chế cơn giận là một nhiệm vụ rất khó khăn. Bước đầu tiên, bạn phải xác định được xu hướng giận dữ của con mình. Hãy quan sát con bạn mỗi khi chúng giận dữ và xem nó phản ứng thế nào với bạn và những người khác. Sau hai tháng quan sát, bạn sẽ biết con mình đang ở mức độ nào trong quá trình kiểm soát cơn giận tích cực.

Đây là bước đầu tiên để cha mẹ có thể thay đổi con mình theo hướng tích cực hơn. Ba bước tiếp theo trong chương sau sẽ hỗ trợ bạn trong việc tìm ra cách thích hợp để giúp con em mình kiểm soát cơn giận dữ.