Chương 8
KHÁM PHÁ NGÔN NGỮ YÊU THƯƠNG CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
“Tôi không biết làm thế nào để xác định được ngôn ngữ yêu thương chính của con mình.” - Muriel nói về Kayla, đứa con gái 14 tuổi của cô. - “Tôi thấy hình như ngôn ngữ của nó thay đổi mỗi ngày. Hôm nay nó thích thứ này, ngày mai nó lại thích thứ khác. Tính khí thất thường của con bé làm tôi chẳng biết đâu mà lần."
Khám phá ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên không đơn giản như đối với trẻ nhỏ. Trẻ vị thành niên đang trong thời kỳ có nhiều biến chuyển, cả trong tâm lý và tính cách. Trong giai đoạn này, tất yếu con người ta sẽ có nhiều phản ứng khác nhau trước các vấn đề của cuộc sống.
Thách thức
Sự thất thường trong tính khí trẻ vị thành niên
Thông thường, trẻ vị thành niên sẽ trải qua trạng thái mất cân bằng này trong vài năm. Đôi khi, trạng thái này diễn ra rất mãnh liệt nên nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc đoán ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ. Phản ứng của trẻ vị thành niên thường phụ thuộc vào tâm trạng, trong khi tâm trạng này lại thường xuyên thay đổi trong ngày. Do đó, có nhiều biểu hiện tình cảm trẻ chấp nhận vào lúc sáng nhưng lại từ chối vào buổi tối. Chẳng hạn, ngày hôm qua, con bạn khăng khăng đòi bạn phải mua cho nó đôi giày bóng rổ hàng hiệu. Thế rồi hai ngày sau, nó lại đi thi đấu bóng rổ với đôi giày cũ mòn. Hẳn lúc đó, bạn sẽ lắc đầu tự hỏi: “Không thể hiểu nổi thằng bé này!”. Nhận xét của một người mẹ như Muriel phản ánh sự thất vọng điển hình về việc tìm hiểu tính khí trẻ vị thành niên.
Trẻ vị thành niên độc lập
Ngoài sự thay đổi về tính khí, sự phát triển của tính độc lập cũng là một lý do khiến cha mẹ khó xác định ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên. Quá trình trưởng thành của trẻ thường bắt đầu bằng việc tách khỏi cha mẹ để xây dựng tính cách riêng. Kayla không còn muốn được mọi người nhắc đến với tư cách là con gái của Muriel nữa. Cô bé đang cố gắng xây dựng cá tính riêng. Tìm kiếm sự độc lập là bước khẳng định bản thân đầu tiên của trẻ.
Từ những lý do này, Kayla đang cố gắng quyết định xem bản thân mình muốn được biết đến như một “Kayla ngôi sao bóng rổ”, “Kayla học sinh gương mẫu”, “Kayla người bạn biết quan tâm”, “Kayla cô gái tóc ngắn vàng”, “Kayla vũ công”... hay không. Vì Kayla vẫn chưa xác định được cá tính nào mình mong muốn có được nên cô bé thường xuyên bị dao động giữa những cá tính đó. Khi xem mình là ngôi sao bóng rổ, Kayla không muốn chia sẻ thời gian với mẹ. Nhưng khi xem mình là người bạn biết quan tâm đến người khác thì cô bé sẽ rất hưởng ứng khoảng thời gian này. Chính vì thế, việc xác định ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên thường là rất khó khăn.
Trẻ vị thành niên né tránh hoặc giận dữ
Đôi lúc, con bạn sẽ né tránh tất cả những biểu hiện tình cảm của bạn. Dù bạn đã thử cả 5 ngôn ngữ yêu thương nhưng đều bị nó từ chối. Nhiều khi trẻ vị thành niên né tránh tình cảm của cha mẹ vì chúng đang tức giận điều gì đó mà chưa tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Tuy vậy, việc trẻ né tránh tất cả những biểu hiện tình thương của cha mẹ thường là biểu hiện của sự dao động tâm trạng, suy nghĩ, sự phát triển của tính độc lập và muốn tự khẳng định.
Điều đáng mừng là không phải lúc nào trẻ vị thành niên cũng né tránh hoặc phản ứng thái quá trước những biểu hiện tình cảm của cha mẹ. Và bạn vẫn có thể xác định được ngôn ngữ yêu thương chính của con mình nếu để tâm quan sát.
Ngôn ngữ yêu thương của trẻ em có thay đổi?
Có thể khi trẻ còn nhỏ, bạn đã xác định được ngôn ngữ yêu thương của con và sử dụng nhuần nhuyễn chúng. Và bây giờ, bạn đang băn khoăn: “Ngôn ngữ yêu thương của con mình liệu có thay đổi?”. Đáng mừng là ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian chúng bắt đầu lớn.
Khi ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên đã có biểu hiện thay đổi
Có rất nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh kết luận rằng ngôn ngữ yêu thương chính của con mình đã thay đổi. Đầu tiên, trẻ vị thành niên né tránh loại ngôn ngữ yêu thương mà trước đó chúng vẫn thường sử dụng. Sự né tránh này có thể giải thích bằng những lý do mà chúng ta đã kể ở trên. Thực tế, nhiều trẻ vị thành niên không chỉ né tránh ngôn ngữ yêu thương chính mà còn né tránh tất cả những biểu hiện tình thương khác.
Lý do thứ hai khiến cho ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ có những biểu hiện thay đổi so với khi chúng còn nhỏ, đó là khi một người đã nhận được đủ ngôn ngữ yêu thương chính thì ngôn ngữ yêu thương thứ hai của họ sẽ trở nên quan trọng hơn. Jared, 15 tuổi, rất thích nhận được tình cảm yêu thương qua những cử chỉ âu yếm. Cha mẹ Jared đã biết được ngôn ngữ yêu thương chính của con mình và họ thường xuyên sử dụng. Sau một thời gian, Jared than phiền rằng: “Con làm đủ thứ việc nhưng chẳng ai khen bao giờ hết”. Rõ ràng, nhu cầu của Jared lúc này chính là những lời khen ngợi. Khi biết được điều này, cha mẹ cậu bé thắc mắc không biết ngôn ngữ yêu thương chính của con mình có thay đổi hay không. Thực ra, đối với Jared, lời khen ngợi là
ngôn ngữ yêu thương thứ hai. Vì thế, nếu cha mẹ cậu muốn đáp ứng được những nhu cầu tình cảm của con mình thì họ cần dùng những lời khen ngợi nhiều hơn, đồng thời vẫn phải tiếp tục sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính là cử chỉ âu yếm.
Lý do thứ ba là ngay từ đầu, cha mẹ đã xác định sai ngôn ngữ yêu thương chính của con. Điều này không có gì lạ bởi vì cha mẹ thường có khuynh hướng nhìn trẻ qua suy nghĩ chủ quan của mình. Vì thế, họ dễ cho rằng ngôn ngữ yêu thương của trẻ cũng giống như bản thân mình.
Thời điểm để người làm cha mẹ học hỏi
Có nhiều bậc cha mẹ hỏi tôi rằng: “Nhưng tại sao tôi cũng làm như hồi xưa mà trẻ lại không hề phản ứng?”. Patsy tâm sự với tôi: “Trước đây, tôi đã biết ngôn ngữ yêu thương chính của Teddy là lời khen ngợi. Tôi thường nói những lời đó với nó nhưng gần đây, khi đã 14 tuổi, thằng bé lại nói với tôi: 'Mẹ, đừng có nói thế. Con không muốn nghe hoài những lời đó đâu’. Tôi cảm thấy rất hoang mang trước thái độ của thằng bé”.
“Chị thử nói vài lời khen ngợi mà chị thường nói với Teddy cho tôi nghe nào!” - Tôi yêu cầu Patsy.
“Tôi thường nói với thằng bé những câu như: 'Con tuyệt nhất!', 'Mẹ rất tự hào về con!', 'Con thật thông minh!'…”
Vấn đề đã rõ: Lúc nào Patsy cũng nói những lời này trong khi hiếm trẻ vị thành niên nào lại muốn nghe mãi những lời mà mình đã nghe từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, chúng đang muốn độc lập và không thích bị đối xử như trẻ con.
Lần đó, tôi đề nghị Patsy hãy bỏ tất cả những lời chị đã nói suốt những năm qua và nghĩ ra cách thể hiện tình thương bằng những lời nói mới mẻ và chín chắn hơn, chẳng hạn như: “Mẹ thật sự khâm phục lập trường cứng rắn của con trong việc giải quyết những vấn đề lớn!”, “Mẹ cám ơn con đã cắt cỏ chiều nay!”, “Mẹ tin con vì mẹ biết con sẽ tôn trọng quyền lợi của người khác”… Tôi còn đề nghị chị hãy bắt đầu gọi con là Ted thay vì Teddy. Patsy tỏ ra hết sức ngạc nhiên và nói với tôi: “Ông biết không, Teddy cũng nói với tôi như vậy. Nhưng thật khó để gọi thằng bé là Ted bởi tôi đã gọi nó là Teddy từ lúc nó mới sinh”. Những yêu cầu của tôi sẽ khiến Patsy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin chị sẽ làm được.
Roger cũng là một ví dụ điển hình cho việc các bậc cha mẹ cần học một cách nói mới theo nhu cầu của con. Anh kể cho tôi về phản ứng của con trai anh khi cậu bé bắt đầu lớn. “Từ lâu tôi đã biết ngôn ngữ yêu thương chính của Brad là hành động thể hiện sự quan tâm.” - Roger nói. “Khi còn nhỏ, thằng bé thường đem đồ chơi lại nhờ tôi sửa. Có lẽ khi đó, trong suy nghĩ của mình, thằng bé tin thứ gì tôi cũng làm được. Tôi nhìn thấy ánh mắt ngập tràn hạnh phúc của thằng bé khi nó cầm trên tay món đồ chơi đã được sửa hay tìm thấy lời giải cho những bài tập về nhà. Nhưng từ khi bắt đầu lớn, tôi để ý thấy thằng bé không còn nhờ tôi như trước nữa. Hôm bữa, khi thấy nó đang loay hoay với chiếc xe đạp, tôi đã đề nghị giúp và thằng bé đáp rằng: 'Cám ơn cha nhưng mà con tự làm được rồi’. Thằng bé cũng ít khi nhờ tôi giảng bài tập về nhà nữa. Tôi cảm thấy không còn thân thiết với con như trước và tôi đang lo lắng không biết liệu nó có còn cảm thấy gần gũi với tôi không.”
Nếu ngôn ngữ yêu thương chính của Brad là hành động thể hiện sự quan tâm thì có lẽ cậu đã không còn cảm nhận được tình thương của cha nhiều như khi còn bé. Cậu đã học được cách tự giải quyết vấn đề đồng thời nuôi dưỡng tính độc lập của cậu.
Điều Roger cần làm bây giờ là học cách hành động thể hiện sự quan tâm theo nhu cầu hiện tại của con. Tôi đề nghị anh nên tìm những điều Brad chưa biết để dạy cho thằng bé, chẳng hạn như cách rửa xe, đóng giá sách… Tôi tin rằng thằng bé sẽ hào hứng đón nhận những bài học này. Khi đó, sự gắn bó và cảm giác gần gũi giữa hai cha con sẽ được củng cố đồng thời Brad sẽ cảm thấy an toàn trong tình thương của cha.
Tất nhiên, việc phải thay đổi và học hỏi những cách thức mới bao giờ cũng thật khó khăn bởi chúng ta vẫn thường sống theo thói quen. Nhưng nếu muốn đứa con ở tuổi vị thành niên cảm nhận được tình cảm của mình, bạn phải sẵn sàng hy sinh.
Tìm ra ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên
Nếu lần đầu tiên bạn biết đến khái niệm ngôn ngữ yêu thương này và không biết ngôn ngữ yêu thương của con mình hiện nay, thì hãy để tôi gợi ý cho bạn 3 bước xác định ngôn ngữ yêu thương của trẻ. Đầu tiên: đặt câu hỏi; thứ hai: quan sát; thứ ba: thử nghiệm. Đây là cách thực hiện từng bước.
1. Đặt câu hỏi
Nếu muốn biết con đang nghĩ gì, cách tốt nhất là bạn hãy hỏi thẳng chúng. Thế nhưng, một người cha đã tâm sự với tôi: “Cho dù tôi hỏi gì thì câu trả lời của thằng bé cũng gói gọn trong ba dạng: 'Con không biết'; 'Được thôi’ và 'Sao cũng được'. Ba câu trả lời đó được thằng bé sử dụng để trả lời mọi vấn đề của tôi mà thực chất là chẳng có câu trả lời nào cả”. Tôi hiểu sự thất vọng của người cha này vì đúng là có nhiều trẻ vị thành niên chỉ cằn nhằn chứ không thích nói chuyện.Tuy vậy, trong trường hợp con bạn chịu đối thoại thì đây chính là cách duy nhất để biết chắc chắn suy nghĩ và cảm nhận của trẻ.
Thông thường, đa số trẻ vị thành niên sẽ nói ra những cảm nhận của chúng nếu bạn chịu khó hỏi. Rất ít trẻ muốn mở đầu câu chuyện bằng lời đề nghị: “Để con nói cha/mẹ biết con đang nghĩ gì/cảm thấy gì”, nhưng chúng lại thường thích nói: “Để con nói cho cha/mẹ biết con muốn gì”. Trẻ vị thành niên thường thể hiện mong muốn nhiều hơn suy nghĩ và cảm xúc. Trẻ thường cất giấu những điều này cho mình cho đến khi cha mẹ hỏi đúng câu cần hỏi.
Những câu hỏi là đồng minh tốt nhất của bạn trong quá trình khám phá ngôn ngữ yêu thương chính của con. Margo nói với Kerstin, đứa con gái 15 tuổi của mình: “Mẹ đang đọc sách hướng dẫn làm cha mẹ. Mẹ nhận ra rằng mình không phải là một người mẹ hoàn hảo. Ý định của mẹ thì tốt nhưng đôi khi mẹ lại nói hoặc làm những điều khiến con bị tổn thương. Mặt khác, mẹ cũng không chắc con có cảm nhận được rằng mẹ luôn ở bên khi con cần hay không. Mẹ muốn hỏi con một câu nghiêm túc: Theo con thì làm thế nào để mối quan hệ giữa hai mẹ con ta tốt hơn?”.
Margo không bao giờ quên được câu trả lời của Kerstin: “Mẹ! Nếu mẹ thật muốn biết thì con sẽ nói cho mẹ nghe, nhưng mẹ đừng nổi giận nhé. Có nhiều lúc con muốn nói chuyện với mẹ nhưng con cảm thấy mẹ không hề chú ý đến con. Lúc nào mẹ cũng cùng lúc làm rất nhiều việc như đan len, đọc sách, xem tivi, tính hóa đơn hay làm gì đó. Lúc nào mẹ cũng làm việc và con cảm thấy con đang làm phiền mẹ mỗi khi con muốn nói chuyện với mẹ. Con ước gì có một lúc nào đó mẹ sẽ ngồi xuống nói chuyện với con mà không làm gì khác”.
Margo hỏi và chị đã có câu trả lời. Câu trả lời cũng đã tiết lộ ngôn ngữ yêu thương chính của Kerstin - cô bé đang khao khát có được thời gian chia sẻ, sự toàn tâm chú ý của mẹ.
Có những câu khác mà cha mẹ có thể hỏi để trẻ vị thành niên tiết lộ đâu là ngôn ngữ yêu thương của mình, chẳng hạn như: “Con nói ai là bạn thân nhất của con?”, “Tại sao con coi cậu bạn ấy/cô bạn ấy là bạn thân nhất?”. Câu trả lời của con bạn sẽ tiết lộ ngôn ngữ yêu thương của nó.
Tuy vậy, bạn không nên hỏi con bạn những câu hỏi như: “Ngôn ngữ yêu thương chính của con là gì?” bởi vì những câu hỏi này thường khiến con hiểu đây là một trò chơi. Hãy nhớ rằng con bạn đang tìm kiếm sự chân thành và chúng không có hứng thú với việc chơi đùa. Bên cạnh đó, nếu con bạn hiểu được khái niệm ngôn ngữ yêu thương, chúng có thể lợi dụng điều này để thao túng bạn. Rất nhiều cha mẹ đã phải đối mặt với những câu nói như: “Nếu mẹ yêu con thì mẹ sẽ...”. Đôi khi, con bạn sẽ chủ động thể hiện ngôn ngữ yêu thương chính của nó, nhưng thông thường, những đòi hỏi này chỉ là để thỏa mãn một mong muốn nhất thời nào đó mà thôi.
2. Quan sát
Hãy quan sát hành vi của trẻ vị thành niên một cách tỉ mỉ. Hãy quan sát cách con bạn thể hiện tình cảm của mình. Nếu con bạn thường tặng quà cho người khác thì rất có thể ngôn ngữ yêu thương chính của nó là quà tặng. Con người ta thường mong muốn được nhận lại những điều họ đã cho đi. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng đúng. Chẳng hạn, cậu con trai thể hiện tình cảm bằng cách tặng quà chỉ vì một người thân nào đó của cậu đã nhấn mạnh việc này với cậu. Vì thế, ở đây, ngôn ngữ yêu thương chính của cậu bé này không phải là quà tặng.
Quan sát cả những lời than phiền của trẻ vị thành niên. Quả thật, những lời than phiền thường tiết lộ ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ thường cố chống chế trước những lời than phiền của trẻ. Chẳng hạn, khi trẻ nói: “Cha mẹ không được tự ý di chuyển đồ đạc trong phòng con. Giờ thì con chẳng tìm thấy được thứ gì cả. Cha mẹ không tôn trọng đồ dùng riêng tư của con!”. Nhiều người đã phản ứng lại rằng: “Nếu con chịu dọn dẹp phòng của mình thì cha mẹ đâu cần phải làm điều đó. Nhưng vì con không chịu dọn nên cha mẹ mới phải làm”. Cuộc nói chuyện trở thành cuộc cãi vã hoặc ngừng lại mà chẳng mang lại ích lợi gì cho cả đôi bên.
Nếu chịu khó để tâm đến những lời phàn nàn của con thì bạn sẽ nhận ra điểm chung giữa chúng. Nếu đây không phải lần đầu con bạn than phiền về việc người khác “di chuyển đồ đạc” của mình. Có thể ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn là quà tặng. Có thể trong phòng của con bạn có rất nhiều quà tặng và đối với nó, mỗi món quà đều có một vị trí đặc biệt. Khi ai đó di chuyển món quà trong phòng, trẻ cảm thấy điều đó đồng nghĩa với việc di chuyển một mối quan hệ tình cảm của chúng.
Việc nhìn ra những kiểu mẫu than phiền rất quan trọng. Khi những lời than phiền này cùng rơi vào một loại, chúng có thể hé lộ ngôn ngữ yêu thương chính của con bạn.
Quan sát những yêu cầu của con. Lời yêu cầu là biểu hiện rõ ràng nhất ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ. Renee nói với mẹ: “Mẹ, chiều nay mẹ đi dạo với con được không? Con muốn chỉ cho mẹ xem mấy bông hoa con vừa phát hiện bên bờ hồ”. Rõ ràng, Renee vừa yêu cầu có được thời gian đi dạo với riêng mẹ và ngôn ngữ yêu thương của cô bé là thời gian chia sẻ.
3. Thử nghiệm
Một cách khác có thể dùng để xác định ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên là thử nghiệm và quan sát phản ứng của chúng với từng loại ngôn ngữ tình cảm.
Chẳng hạn, bạn hãy dành ra cả tuần để bộc lộ nhiều cử chỉ âu yếm với con hơn bình thường. Tuần sau, hãy dành cho chúng nhiều lời khen ngợi. Tuần sau đó hãy tập trung vào những hành động thể hiện sự quan tâm đối với con. Tuần tiếp theo, hãy dành nhiều thời gian chia sẻ với con, cùng con đi dạo hay chơi bóng… Bạn cũng có thể dành thời gian để đối thoại có chiều sâu cùng con. Tuần cuối cùng, hãy tập trung vào quà tặng. Hãy mua cho con bạn những món quà mà chúng đã xin, gói thật đẹp và tặng cho con với sự xuất hiện của các thành viên khác trong gia đình.
Khi sử dụng đúng ngôn ngữ yêu thương chính của con, bạn sẽ thấy thái độ con bạn khác hẳn. Khi tình cảm được đong đầy, trẻ vị thành niên sẽ trở nên thân thiết với cha mẹ hơn. Có thể con bạn cũng đang ngạc nhiên trước sự đổi khác của bạn nhưng bạn cũng không cần phải giải thích gì nhiều. Bạn chỉ cần nói với con về mục tiêu trở thành một người cha/mẹ tốt hơn là được.
Một thử nghiệm nữa là bạn hãy cho con hai lựa chọn và ghi nhớ sự lựa chọn của con. Chẳng hạn, một người cha nói với đứa con trai 13 tuổi của mình: “Chiều nay cha rảnh hai tiếng đồng hồ và cha sẽ dành nó cho con. Vậy con muốn cùng cha đi thả diều hay là đến trung tâm thương mại mua pin cho cái máy chụp ảnh mới của con?”. Đó là lựa chọn giữa thời gian chia sẻ và quà tặng.
Khi ghi nhớ những lựa chọn của con, theo thời gian, bạn sẽ thấy những lựa chọn ấy có một mẫu số chung nào đó. Và đấy chính là ngôn ngữ yêu thương cơ bản của con bạn.
Một khi đã khám phá được ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ, bạn sẽ muốn học thêm nhiều cách biểu hiện khác của loại ngôn ngữ đó, đồng thời sẽ muốn sử dụng nó thường xuyên. Tuy nhiên, như phần trên tôi đã giải thích, đôi khi trẻ vị thành niên sẽ né tránh loại ngôn ngữ mà chúng vốn yêu thích. Bạn nên tôn trọng ý muốn của con và đừng áp đặt chúng. Chẳng hạn, cho dù bạn biết ngôn ngữ yêu thương chính của con là cử chỉ âu yếm, nhưng nếu khi bạn đặt tay lên lưng con mà nó vùng ra thì chắc chắn đó không phải là lúc con bạn muốn được ôm. Khi đó, bạn nên quay đi và chấp nhận sự thật là lúc này con cần ở một mình.
Bạn có thể thử chạm vào con một kiểu khác vào ngày hôm sau. Khi bạn sử dụng tối đa ngôn ngữ yêu thương chính của con, tình cảm của trẻ sẽ được đong đầy. Nhưng nếu bạn tránh không sử dụng ngôn ngữ đó chỉ vì sợ bị cự tuyệt thì tình cảm của trẻ sẽ trống rỗng và chúng sẽ trở nên xa cách với cha mẹ. Để thể hiện tình cảm yêu thương con một cách hiệu quả, cha mẹ cần sử dụng ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ một cách thường xuyên và với cách thức mà trẻ thích nhất.
Sử dụng cả 5 ngôn ngữ yêu thương
Lợi ích đối với trẻ vị thành niên
Tôi không khuyên bạn chỉ sử dụng duy nhất một ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên bởi trẻ cần được nhận tình thương thông qua cả 5 loại ngôn ngữ, và bạn cần học cách sử dụng cả 5 loại ngôn ngữ ấy. Trẻ sẽ học hiệu quả nhất thông qua tấm gương của cha mẹ. Khi cha mẹ sử dụng cả 5 loại ngôn ngữ, trẻ sẽ học được cách sử dụng chúng với những người khác. Điều này rất cần thiết cho những mối quan hệ xã hội sau này của trẻ. Trẻ sẽ biết cách bày tỏ tình cảm và sự biết ơn đối với những người xung quanh. Nếu trẻ sử dụng thành thạo cả 5 ngôn ngữ yêu thương thì mối quan hệ giữa trẻ và những người chung quanh sẽ luôn được củng cố và bền chặt, trẻ sẽ có thêm nhiều lợi thế trong tương lai.
Đây thật sự là một thách thức lớn đối với những bậc phụ huynh chưa được học cách sử dụng 5 loại ngôn ngữ yêu thương. Vì thế, bạn hãy đọc lại tất cả những chương giải thích về 5 loại ngôn ngữ và ghi chú những ý tưởng sử dụng chúng. Hãy luyện tập sử dụng chúng không chỉ với con mà còn với tất cả những thành viên khác trong gia đình. Một khi đã học được cách sử dụng các loại ngôn ngữ yêu thương này, bạn sẽ nhận thấy lợi ích thiết thực mà chúng mang lại.
Lợi ích trong hôn nhân
Trong quá trình tìm cách thương yêu con hiệu quả, nhiều cặp vợ chồng nhận thấy hôn nhân của mình như được tái sinh. Họ nhận ra rằng suốt nhiều năm trời, họ đã quên sử dụng ngôn ngữ yêu thương của người bạn đời. Sự học chẳng bao giờ là quá muộn. Vì thế, những cặp vợ chồng nào học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của đối phương có thể làm thay đổi cuộc hôn nhân của mình chỉ trong thời gian ngắn.
Một người chồng tâm sự với tôi: “Chúng tôi đã kết hôn 33 năm nhưng 25 năm gần đây thật khủng khiếp. Sau khi được ông tư vấn, tôi đã sáng tỏ được nhiều điều. Tôi nhận ra rằng mình đã không sử dụng ngôn ngữ yêu thương của vợ và bà ấy cũng không sử dụng ngôn ngữ của tôi suốt nhiều năm qua. Tôi trao đổi với vợ và chúng tôi đã quyết định kể từ bây giờ sẽ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau. Trước đây, ông từng nói cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể thay đổi trong vòng hai tháng nhưng tôi đã không tin. Giờ đây, đúng là chỉ trong hai tháng, chúng tôi lại có cảm giác ấm áp đối với nhau. Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi rất mong có thể chia sẻ điều này với những đứa con đã kết hôn của chúng tôi”.
Tình yêu là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Khi nhu cầu đó được đáp ứng, chúng ta sẽ có cảm giác ấm áp đối với người đã mang lại điều đó cho ta. Tình cảm gia đình ngày càng được thắt chặt hơn nếu tất cả các thành viên trong gia đình đều học được cách sử dụng ngôn ngữ yêu thương của nhau.