5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ

Chương 10 GIÚP TRẺ VƯỢT QUA CƠN GIẬN DỮ

Chương 10

GIÚP TRẺ VƯỢT QUA CƠN GIẬN DỮ

Tom tiến đến gần tôi sau khi tôi thuyết trình xong chủ đề về sự giận dữ. Với đôi mắt ngân ngấn lệ và giọng nghẹn ngào, anh nói: “Tôi đã thất bại. Tối nay, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình đã khiến con gái phải rút lui trong im lặng. Trước đó, mỗi khi con bé nổi giận với tôi, tôi đều nói với nó rằng nó thật ngốc nghếch và quá nhạy cảm. Giờ thì tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Tôi đã đẩy nó rời xa tôi. Suốt sáu tháng qua, hầu như con bé không chia sẻ với tôi điều gì cả”.

Làm thế nào để giúp trẻ vị thành niên đang trong cơn giận dữ cởi mở lòng mình? Những điều tôi trình bày dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những bước tiếp theo trong việc giúp trẻ hình thành những kỹ năng kiểm soát cơn giận một cách tích cực.

Lắng nghe cơn bùng nổ của trẻ

Đây là nhiệm vụ rất khó khăn đối với cha me trong quá trình tìm ra cách thích hợp để giúp con kiểm soát sự giận dữ.

Chúng ta hãy bắt đầu với việc lắng nghe những cơn giận bùng nổ ra ngoài. Đây là loại mà tôi có nhiều kinh nghiệm cá nhân nhất, vì con trai tôi thường bộc lộ cơn giận theo kiểu này.

 Lắng nghe những từ ngữ thô tục

Tôi là một cố vấn tình yêu, hôn nhân - gia đình, và đã được trang bị kỹ năng để biết cách lắng nghe. Nhưng việc lắng nghe những cảm xúc giận dữ của con trai lại là điều không hề dễ dàng. Tuy rất khó khăn, nhưng tôi biết đây là cách duy nhất để tôi tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với thằng bé, dù nó cộc cằn như thế nào đi nữa. Tôi tin là bạn sẽ đồng ý với tôi sau khi đọc được bài thơ ở cuối chương do con trai tôi viết cách đây nhiều năm.

Tại sao việc lắng nghe những cảm xúc giận dữ của con em chúng ta lại quan trọng đến như vậy? Lý do là vì cơn giận không thể được giải quyết đến chừng nào những nguyên nhân kích thích nó chưa được xác định cụ thể. Các bậc phụ huynh chỉ hiểu được những nguyên nhân này khi họ biết cách lắng nghe trẻ. Hãy bắt đầu từ việc tìm hiểu tại sao trẻ lại nổi giận. Trẻ thường nổi giận khi cho rằng có việc gì đó không công bằng, ngốc nghếch hay độc ác. Có thể cái nhìn của trẻ không chính xác, nhưng lúc ấy tâm trí trẻ tin rằng có một điều gì đó sai lầm đã xảy ra. (Lý do khiến trẻ vị thành niên nổi giận cũng tương tự như điều khiến người lớn nổi giận: Nhận thức thấy một điều sai trái). Do vậy, khi trẻ thể hiện cơn giận của mình bằng từ ngữ - ngay cả khi bằng những từ ngữ khó nghe - thì các bậc phụ huynh cũng nên cảm thấy biết ơn vì điều đó. Bởi nếu biết lắng nghe, họ sẽ có cơ hội rất lớn để biết được điều gì đang diễn ra trong tâm trí và tinh thần của con em mình, nhằm tìm ra được cách giải quyết hợp lý nhất.

Khi cha mẹ mất bình tĩnh

Đáng buồn là hầu hết các bậc phụ huynh đều phản ứng một cách tiêu cực trước những từ ngữ bùng nổ trong cơn tức giận của con em mình. Chúng ta nổi giận vì cách nói chuyện của chúng và thường quát mắng chúng vì điều đó. Nhiều phụ huynh nói: “Hãy im lặng và quay về phòng của con đi. Con không được phép nói chuyện với cha/mẹ như thế”. Với cách phản ứng này, họ đã khiến dòng chảy giao tiếp ngừng lại và làm mất đi cơ hội khám phá ra nguồn gốc cơn giận của con em mình. Nhà cửa có thể trở nên yên ắng, nhưng cơn giận dữ thì vẫn âm ỉ cả trong lòng trẻ vị thành niên lẫn cha mẹ. Cơn giận ấy sẽ không biến mất cho đến khi nó được tìm hiểu và giải quyết một cách tường tận.

Tôi gọi cách xử sự này là “đóng nút” cơn giận của trẻ vị thành niên. Nó cũng giống như việc đóng nút cái chai giận dữ đã đầy bên trong trẻ. Khi đó, trẻ sẽ tỏ ra giận dữ gấp đôi. Không những giận về việc các mối bận tâm của mình đã không được quan tâm đúng mức mà còn về cách đối xử của các bậc phụ huynh. Thay vì dạy con em mình cách kiểm soát, đối phó với cơn giận dữ một cách tích cực, các bậc phụ huynh đã làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Nếu quan tâm đến con em mình, các bậc phụ huynh sẽ tập trung vào điều trẻ đang nói đến chứ không phải là cách trẻ thể hiện điều đó. Điều quan trọng lúc ấy là khám phá ra nguồn gốc cơn giận của trẻ, và trẻ là người duy nhất có thể cung cấp cho bạn thông tin này. Nếu trẻ la hét với bạn, nghĩa là lúc ấy trẻ đang cố gắng nói với bạn một điều gì đó. Các bậc phụ huynh thông minh sẽ chuyển ngay sang trạng thái lắng nghe. Nếu có thể, hãy dùng giấy bút ghi chép lại điều con bạn đang nói. Điều này sẽ giúp bạn hướng sự chú ý đến thông điệp đang được truyền tải thay vì cách nó được truyền tải. Hãy xem trẻ đang nghĩ là đã có sự bất công nào. Tuy nhiên, bạn đừng biện hộ hay thanh minh gì cả. Đây không phải là lúc để tranh cãi. Đây là lúc bạn cần phải lắng nghe để thu thập những thông tin “bí mật” - điều cần thiết để đạt được một thỏa thuận hòa bình với trẻ.

Chuyển sang giai đoạn thứ hai của việc lắng nghe

Khi con em bạn chấm dứt việc bùng nổ, hãy chia sẻ với trẻ điều mà bạn đã nghe thấy và để trẻ xác nhận lại. Bạn có thể hỏi: “Điều mà cha/mẹ nghĩ là đã nghe con nói đó là con tức giận vì cha/mẹ đã… Đó có phải là điều con muốn nói không?”. Những câu nói như thế này sẽ khiến trẻ hiểu rằng bạn đang lắng nghe chúng và bạn muốn lắng nghe nhiều hơn nữa. Chắc chắn con bạn sẽ đồng thuận và sẽ cung cấp thêm cho bạn một số thông tin cần thiết.

Hãy tiếp tục viết lại những điều mà bạn vừa nghe thấy. Hãy cố gắng chối bỏ sự cám dỗ của việc biện minh cho những hành động của mình. Hãy tự nhắc nhở rằng bạn đang ở giai đoạn hai của việc lắng nghe.

Khi con bạn đã nguôi cơn giận, hãy lặp lại lần nữa điều mà bạn nghĩ là trẻ đang muốn tỏ bày và cho trẻ thêm một cơ hội để xác nhận lại chúng. Sau giai đoạn thứ hai của việc lắng nghe, con của bạn sẽ hiểu rằng bạn đang nhìn nhận vấn đề của nó một cách hoàn toàn nghiêm túc. Lúc đó, bạn mới nên chuyển sang bước thứ ba.

Đương đầu với sự im lặng của trẻ

Vậy chúng ta nên làm gì với những trẻ có cơn giận ngấm ngầm, âm ỉ? Theo tôi, trẻ vị thành niên giận dữ trong im lặng thường khó giúp đỡ hơn những trẻ để cơn giận bùng nổ. Việc trẻ từ chối chia sẻ những điều chúng bận tâm sẽ khiến các bậc phụ huynh cảm thấy bất lực. Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không có cách giải quyết nào thỏa đáng trong trường hợp này cho đến khi biết được suy nghĩ và cảm xúc của trẻ.

Dưới đây là một số lý do khiến trẻ vị thành niên chọn biện pháp im lặng.

Im lặng và quyền lực

Khi phụ huynh khắt khe kiểm soát cuộc sống của con em họ và quyết định mọi việc thay trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy bất lực, không thể hình thành được tính tự lập. Hiểu được điều đó, trẻ sẽ cho rằng im lặng là cách duy nhất để có được quyền ưu tiên trong mắt phụ huynh. Với sự im lặng, trẻ sẽ nắm được quyền kiểm soát, ít nhất là trong hiện tại.

Khi phụ huynh cảm thấy hoang mang và than thở với một người trưởng thành nào đó về việc con em mình không chịu trò chuyện, hay khi họ lớn tiếng với trẻ rằng: “Cha/ mẹ không thể giúp con nếu con không chịu nói có chuyện gì đang xảy ra” nghĩa là khi ấy, trẻ vị thành niên đã thắng thế. Đó chính là điều mà trẻ mong muốn: được sống ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.

Do đó, các bậc cha mẹ có con hành xử theo kiểu im lặng cần phải đặt ra một câu hỏi rất khó trả lời: Liệu tôi có đang kiểm soát con mình quá khắt khe không? Liệu tôi có cho con đủ không gian tự do để suy nghĩ và tự đưa ra quyết định không? Liệu tôi có cho phép con được làm một trẻ vị thành niên hay tôi đang đối xử với nó như một đứa trẻ con? Với những bậc phụ huynh kiểm soát con mình quá gắt gao, bước tiếp cận vấn đề tốt nhất là truyền đạt cho con em họ thông điệp sau: “Cha/mẹ biết rằng đôi khi cha/ mẹ đã xen vào cuộc sống của con quá nhiều. Cha/mẹ biết giờ đây con đã là người sắp trưởng thành và có thể không muốn chia sẻ tất cả suy nghĩ và cảm xúc với cha/mẹ. Tất nhiên, việc ấy không có vấn đề gì cả. Nhưng khi con muốn nói chuyện, cha/mẹ muốn con biết rằng lúc nào cha/mẹ cũng ở đây và sẵn sàng lắng nghe con”. Tiếp theo, hãy cho con bạn thấy biểu hiện của tình yêu thương bằng cách tạo ra bầu không khí mà trong đó trẻ cảm nhận được một thái độ công nhận nào đó. Nếu các bậc phụ huynh duy trì được điều này, tôi chắc chắn rằng con em bạn sẽ bắt đầu cởi mở.

Một lý do khác khiến trẻ vị thành niên chọn cách im lặng khi chúng nổi giận là do chúng đã rút được kinh nghiệm từ những lần trước khi chia sẻ cơn giận ấy với phụ huynh. Khi các bậc phụ huynh bùng nổ trước điều đó, trẻ sẽ chọn cách im lặng. Lúc này, các bậc phụ huynh sẽ không thể khiến trẻ nói bất cứ điều gì. Đôi khi, những nỗ lực của họ sẽ phản tác dụng và sẽ đẩy trẻ sâu hơn vào cõi riêng của chúng. Điều mà các bậc phụ huynh này phải làm là thừa nhận những sai lầm trong quá khứ của mình. Đây là bước đầu tiên trong việc tạo ra bầu không khí tích cực để trẻ chia sẻ cơn giận dữ của mình.

Thời điểm để thú nhận

Thú nhận sai lầm là điều mà Tom quyết định sẽ làm trong thời gian sắp tới. Ngồi ở văn phòng tôi, anh đã bật khóc khi kể về những sai lầm của mình. Anh cho biết: “Tôi đã thất bại!” - Anh kể cho tôi nghe kế hoạch của anh. - “Tối nay khi về nhà, tôi sẽ thú nhận những thất bại của mình với con. Hy vọng con bé sẽ cho tôi một cơ hội khác”. Và hôm đó, anh đã đề nghị tôi hướng dẫn anh luyện tập cách thú nhận, giúp anh không bị tình cảm chi phối làm cho chệch hướng.

Sau đây là những gì mà chúng tôi đã cùng nhau soạn ra. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo nội dung này để áp dụng cho mình trong những trường hợp tương tự.

“Tracy! Liệu con có thể dành thời gian nói chuyện với cha được không? Cha muốn chia sẻ với con một điều rất quan trọng với cha. Nhưng nếu con thấy đây không phải là thời điểm thích hợp thì cha sẵn sàng đợi”. Một khi Tracy đồng ý, Tom sẽ nói tiếp: “Hôm trước, cha đã tham dự một buổi hội thảo về sự nóng giận. Và cha nhận ra rằng trước đây, cha đã cư xử rất không phải với con. Khi con chia sẻ với cha những nỗi bận tâm của mình thì cha lại thiếu nhạy cảm và thường xen ngang lời con nói. Cha nhớ rất nhiều lần cha đã khuyên con cần phải trưởng thành hơn và đừng tỏ ra quá nhạy cảm như vậy. Nhưng giờ thì cha nhận ra rằng chính cha mới là người cần phải trưởng thành hơn. Cha xin lỗi vì đã khiến con cảm thấy không vui như vậy.

Cha muốn con biết rằng nếu con còn muốn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình thì cha muốn là người được lắng nghe tất cả. Cha sẽ cố gắng lắng nghe và đáp lại con theo cách tích cực nhất. Cha biết rằng đôi khi con không thích cách đối xử của cha và điều này có lẽ sẽ còn xảy ra trong tương lai. Nhưng nếu con nói với cha những điều khiến con buồn bực và lo nghĩ, cha sẽ tôn trọng cảm xúc của con và chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề. Con nghĩ sao?”.

Tôi bảo Tom rằng có thể con gái anh sẽ không nói với anh bất kỳ lời nào khi nghe anh nói như vậy. Tôi khuyến khích anh đừng gây áp lực để ép cháu phải mở miệng mà hãy thể hiện tình yêu thương, dùng những từ ngữ nhẹ nhàng ân cần với cháu. Đây sẽ là bước đầu tiên mà Tom phải thực hiện để phục hồi lại niềm tin và khả năng chia sẻ cơn giận dữ của con gái mình.

Khi có được cảm giác an toàn, trẻ vị thành niên sẽ chia sẻ cơn giận dữ với cha mẹ. Ngược lại, khi cảm thấy bị đe dọa hoặc xem thường thì nhiều trẻ sẽ chọn cách rút lui và im lặng. Mục tiêu của các bậc cha mẹ là hãy tạo ra một bầu không khí ấm áp, tràn đầy tình yêu thương để trẻ vị thành niên có thể thoải mái chia sẻ cơn giận dữ của chúng. Khi trẻ bắt đầu chia sẻ, phụ huynh hãy thực hiện công việc lắng nghe đầy khó khăn mà chúng ta đã thảo luận ở trên.

Khẳng định rằng những cảm xúc giận dữ của trẻ là đúng đắn

Bước thứ ba trong việc dạy cho con em bạn cách phản ứng tích cực với sự giận dữ là khẳng định sự đúng đắn cùng giá trị của cơn giận của cháu. Tôi biết có nhiều bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng: “Tôi không nghĩ rằng cơn giận của con mình là đúng. Thông thường, chúng đã hiểu lầm những hành động của tôi. Đôi khi, chúng còn không hiểu rõ vấn đề nữa kia. Làm sao tôi có thể khẳng định được cơn giận của nó là đúng đắn khi tôi không đồng ý với quan điểm của cháu chứ?”.

Đây cũng chính là thắc mắc của đa số phụ huynh và từ thắc mắc này, họ đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng là lẫn lộn giữa sự việc với cảm xúc. Kết quả là các bậc phụ huynh đã tranh cãi với con em họ về sự việc và bỏ qua cảm xúc của cháu. Cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt thì càng nhiều cảm xúc bị bỏ qua.

Tất nhiên, những cảm xúc bị bỏ qua không thể giúp các bậc phụ huynh và con em họ xây dựng một mối quan hệ tích cực, lành mạnh.

Khi nổi giận, bạn tin rằng có một điều sai trái nào đó đã xảy ra. Cứ cho quan điểm của bạn trong tình huống đó là không chính xác, nhưng nếu tôi không khẳng định quyền nổi giận của bạn là đúng đắn, bạn sẽ không cởi mở đối với quan điểm của tôi về vấn đề này.

Thông cảm là một trong những cách hữu hiệu nhất giúp chúng ta thừa nhận tính đúng đắn của người khác. Thông cảm là khi bạn đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng nhìn nhận sự việc theo quan điểm của họ. Đối với các bậc phụ huynh, điều này có nghĩa là họ phải nhớ lại những gì mình đã trải qua trước đây, những nỗi bất an, sự thay đổi trong tâm trạng, mong muốn tự lập và khám phá bản thân, tầm quan trọng của việc được bạn bè chấp nhận và nhu cầu được cha mẹ thấu hiểu, yêu thương. Nếu bậc phụ huynh nào không thông cảm với con em của mình thì sẽ gặp khó khăn trong việc công nhận những cảm xúc giận dữ của cháu là đúng đắn.

Curtis đã thể hiện sức mạnh của sự thông cảm khi anh kể với tôi: “Từ khi tôi biết thông cảm với người khác, cuộc sống của tôi diễn ra thật kỳ diệu. Trước đó, con gái tôi đã nổi giận với tôi vì tôi đã cấm cháu không được lái xe trong vòng một tuần. Cháu bảo tôi đã đối xử bất công với cháu và cháu sẽ xấu hổ với bạn bè về việc này. Nếu là trước đây, tôi sẽ cãi nhau với cháu và sẽ bảo cháu nên biết ơn tôi về điều này. Tất nhiên, điều đó sẽ khiến cháu càng tức giận hơn và cuộc chiến giữa hai cha con tôi sẽ càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, sau khi học cách thông cảm, tôi đã đặt mình vào vị trí của cháu và nhớ ra rằng việc không được lái xe trong vòng một tuần sẽ khó khăn thế nào.

Lúc bằng tuổi cháu bây giờ, tôi không có xe riêng. Nhưng tôi nhớ đến lần cha tôi đã giữ bằng lái xe của tôi trong vòng hai tuần và không cho phép tôi đụng đến chiếc xe của gia đình. Tôi nhớ rõ cảm giác của mình khi ấy. Thế rồi, tôi đã thử nhìn nhận sự việc qua quan điểm của cháu, và tôi có thể hiểu được cảm xúc của cháu lúc bấy giờ”.

Curtis nói tiếp: “Sau đó, tôi đã nói với cháu: ‘Con yêu! Cha hiểu lý do vì sao con nổi giận với cha. Và cha có thể hiểu là con sẽ cảm thấy khó xử thế nào khi không thể cho các bạn đi nhờ xe tới trường. Trong trường hợp con, cha cũng sẽ cảm thấy giận dữ và bối rối như con vậy. Nhưng bây giờ, con hãy lắng nghe quan điểm của cha, với tư cách là cha của con, về vấn đề này.

Chúng ta đã thỏa thuận với nhau rằng nếu con bị phạt vì chạy xe quá tốc độ, thì con sẽ không được phép lái xe trong vòng một tuần trong lần thứ nhất, và không được lái xe trong vòng hai tuần nếu vi phạm lần hai trong năm đó. Cả hai cha con ta đều đã thống nhất với nhau như vậy, phải không nào? Con biết đấy, cuộc sống luôn rất công bằng. Nó yêu cầu chúng ta phải trả giá cho những sai phạm của mình. Vì thế, nếu bây giờ cha không cảnh báo cho con biết những hậu quả đó, cha sẽ là một người cha tồi. Cha rất yêu con, và đó là lý do mà cha phải duy trì luật lệ dù cha vô cùng thông cảm với con lúc này’”.

“Tôi đã ôm nó một cái thật chặt và đi ra khỏi phòng.” - Curtis nói với giọng nghẹn ngào. - “Nhưng lần đầu tiên, tôi thấy mình đã đối mặt với cơn giận dữ của con gái một cách tích cực”.

Có thể những câu nói đầy thông cảm này sẽ không làm cho con bạn hết bối rối nhưng nó sẽ làm cho trẻ nguôi giận. Khi xác định được cơn giận dữ của con em mình và công nhận nó đúng đắn, chúng ta sẽ khiến cho cơn giận của trẻ được xoa dịu. Rõ ràng, bước hai - lắng nghe cảm xúc và cách bày tỏ của con, là một tiền đề quan trọng dẫn đến bước thứ ba - chấp nhận cơn giận của trẻ.

 Giải thích quan điểm của bạn và tìm giải pháp

Khi con em bạn đã được lắng nghe trọn vẹn, đó là lúc bạn sẵn sàng để thực hiện bước cuối cùng trong việc xử lý cơn giận dữ của trẻ: giải thích quan điểm của bạn và tìm giải pháp.

Chỉ đến lúc này các bậc phụ huynh mới nên chia sẻ quan điểm của mình với con. Bậc cha mẹ nào thực hiện bước này trước ba bước trên thì kết quả mà họ nhận được có thể sẽ tồi tệ hơn những gì họ trông đợi và sẽ khiến họ phải hối tiếc. Khi bạn đã lắng nghe trẻ một cách cẩn thận, chấp nhận cơn giận dữ của chúng thì chúng sẽ chịu lắng nghe quan điểm của bạn. Có thể trẻ sẽ không đồng tình, nhưng việc lắng nghe này sẽ giúp bạn tìm được cách giải quyết vấn đề.

Khi con em của bạn đúng (điều này có thể xảy ra)

Đôi lúc, sau khi đã lắng nghe những mối bận tâm của con em mình, các bậc phụ huynh chợt nhận ra rằng trẻ đã đúng. Mary Beth tâm sự với tôi: “Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày con gái Christy của tôi nổi giận với tôi vì tôi đã vào phòng và dọn dẹp bàn học của cháu. Cháu nói với tôi một cách rành mạch rằng cháu giận tôi vì tôi đã xâm phạm không gian riêng của cháu, rằng tôi không có quyền vào phòng cháu và làm mọi thứ lộn xộn lên như vậy, rằng tôi đã vứt đi một số thứ rất quan trọng đối với cháu. Cháu còn nói rằng nếu tôi làm việc này lần nữa, cháu sẽ ra khỏi nhà. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình đã làm cháu tổn thương đến thế nào và cháu cảm thấy vấn đề này nghiêm trọng ra sao. Tôi đã có thể tranh cãi rằng tôi có quyền vào phòng cháu và làm bất cứ việc gì mà tôi muốn, rằng nếu cháu dọn dẹp bàn mình gọn gàng, thì tôi đã không phải làm việc đó. Nhưng thay vào đó tôi đã chọn cách lắng nghe lời cháu nói.

Tôi cho rằng đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng đứa con gái mười bảy tuổi của mình đã trở thành một người lớn thật sự, rằng tôi không thể đối xử với cháu như trẻ con. Thế là tôi nói với cháu: ‘Mẹ xin lỗi. Mẹ đã nhận ra việc làm sai trái của mình dù ý định của mẹ chỉ là dọn dẹp bàn của con cho gọn gàng hơn mà thôi. Nhưng giờ thì mẹ hiểu là con đang nói gì và mẹ nhận thấy rằng mình không có quyền vứt những món đồ của con đi. Thật sự là mẹ không có quyền dọn dẹp phòng của con. Nếu con tha lỗi cho mẹ, mẹ hứa sẽ không làm điều này nữa’. Tôi cho rằng ngày hôm đó đã đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ của hai mẹ con tôi. Nó đánh dấu ngày tôi đối xử với con gái mình như một người trưởng thành”.

Với sai lầm của mình, các bậc phụ huynh đã làm bùng nổ cơn giận dữ của trẻ. Nếu biết lắng nghe và cư xử với trẻ một cách chân thành thì ta sẽ nhận ra lỗi lầm của bản thân mình. Việc thừa nhận sai lầm và mong được tha thứ luôn tạo nên cách tiếp cận tích cực. Hầu hết trẻ vị thành niên sẽ tha thứ nếu các bậc phụ huynh biết đưa ra một lời xin lỗi chân thành.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh lại thường có quan điểm sống khác biệt so với con em họ. Quan điểm này cần được chia sẻ một cách cởi mở nhưng chặt chẽ. John đã chăm chú lắng nghe những lời giận dữ của Jacob, con trai anh, trong một lần cháu nổi giận. Lần đó, Jacob tức giận vì John đã không cho nó mượn tiền để trả tiền bảo hiểm xe hơi. Một năm rưỡi trước, khi Jacob được mười sáu tuổi, John đã mua cho cậu một chiếc xe hơi với thỏa thuận rằng Jacob sẽ trả tiền xăng và bảo hiểm. Jacob đã đóng đủ tiền bảo hiểm trong hai lần đầu tiên. Nhưng đến lần thứ ba, cậu không đủ tiền nên đã mượn tiền của cha để tiếp tục được sử dụng xe. Jacob biết rằng John không thiếu tiền và việc cho mượn số tiền ấy hoàn toàn nằm trong khả năng của ông.

John lắng nghe Jacob một cách cẩn thận, ghi chép lại những điều con nói. Sau đó ông đáp: “Vậy con cho rằng cha nên cho con mượn tiền vì cha không thiếu tiền và không gặp vấn đề gì khi làm thế, phải không?”.

“Đúng vậy!” - Jacob đáp. - “Đây chỉ là việc vặt đối với cha, nhưng lại rất hệ trong đối với con.

Nếu cha không cho con mượn tiền, thì con không thể đụng đến chiếc xe ít nhất là hai tuần lễ”.

John vẫn lắng nghe khi Jacob giãi bày những suy nghĩ của mình. Sau đó ông nói: “Cha có thể hiểu được lý do vì sao con lại muốn cha làm điều này. Cha biết con sẽ cảm thấy vô cùng bất tiện khi không được sử dụng xe trong hai tuần lễ. Nhưng hãy để cha nói những suy nghĩ của cha. Với vai trò của mình, cha phải có trách nhiệm giúp con hiểu và kiểm soát được việc chi tiêu. Ngay từ đầu, chúng ta đã thỏa thuận với nhau là con sẽ trả tiền xăng dầu và bảo hiểm cho chiếc xe của con. Thế nhưng, thay vì để dành tiền, con lại tiêu mất nó. Đó là lựa chọn của con. Tất nhiên, cha không can thiệp việc con tiêu tiền của con. Nhưng vì con đã lựa chọn cách tiêu tiền ấy, vậy nên con không có đủ tiền để trả tiền bảo hiểm xe”.

“Cha nghĩ có thể cha sẽ làm hỏng con nếu cho con mượn số tiền này.” - John tiếp tục. - “Cha cho rằng đây là một bài học để con biết cách kiểm soát tiền bạc. Trong hai tuần tiếp theo, cha sẵn lòng cho con mượn xe của cha khi có thể. Cha sẽ chở con đến những nơi con muốn đến nếu cha không thể cho con mượn xe. Nhưng bây giờ, cha sẽ không cho con mượn tiền đóng bảo hiểm xe. Con có hiểu ý cha không?”.

Jacob gật đầu và trả lời bằng giọng lí nhí: “Con nghĩ là mình hiểu rồi ạ!”. Tất nhiên là Jacob không vui, nhưng cậu đã hiểu những gì cha nói. Cậu sẵn lòng chấp nhận điều này vì cha cậu đã lắng nghe cậu cẩn thận, chấp nhận những mối bận tâm của cậu và đã thật sự thấu hiểu.

Mục tiêu của các bậc phụ huynh là giúp con em mình biết cách đối phó với những cơn giận dữ và tìm ra một giải pháp thích đáng để giải quyết nó. Những cơn giận không được giải quyết là một trong những điều tệ hại nhất đối với trẻ vị thành niên. Chúng là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc cay đắng và oán giận. Trẻ vị thành niên sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ và không được yêu thương. Nó cũng khiến cho việc tiếp nhận những hành động biểu lộ tình yêu thương từ phía phụ huynh của trẻ gần như là không thể. Rất nhiều phụ huynh cảm thấy hết sức phiền muộn khi bị trẻ từ chối tình cảm yêu thương của mình. Nếu muốn truyền đạt thành công tình cảm đến trẻ, các bậc phụ huynh phải tìm cách giải quyết những cơn giận dữ của con. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một môi trường thích hợp để trẻ có thể thoải mái chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình.

Việc nhận thức được những thất bại trong quá khứ có thể giúp bạn tạo ra môi trường thuận lợi này. Chẳng hạn, bạn có thể nói với con: “Trước đây, không phải lúc nào cha cũng lắng nghe con khi con giận dỗi với cha. Đôi khi, cha đã nói những điều làm con tổn thương và cha rất lấy làm tiếc về điều đó. Cha biết rằng mình đã không phải là một người cha hoàn hảo, và cha rất muốn khắc phục những sai lầm của mình. Nếu con sẵn lòng, cha muốn hai cha con ta sẽ có một cuộc trò chuyện thân mật để con có thể chân thành chia sẻ với cha những điều cha đã làm con tổn thương. Cha biết rằng những cuộc đối thoại này sẽ rất khó khăn cho cả hai, nhưng cha muốn con biết rằng cha luôn sẵn lòng lắng nghe”.

Những câu nói như thế sẽ tạo ra động lực để con bạn giải tỏa những cơn giận bị chất chứa lâu ngày và mang đến cho các bậc phụ huynh cơ hội để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp trẻ thậm chí không đáp lại những cố gắng này của bạn thì đó là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của một chuyên gia tư vấn.

Việc dạy cho trẻ biết chấp nhận và giải quyết sự giận dữ theo cách tích cực là một trong những bài học vĩ đại nhất mà bạn có thể làm cho đời sống tình cảm, tinh thần của con. Con bạn sẽ học cách xử lý cơn giận bằng những trải nghiệm riêng tư của mình. Bài thơ dưới đây được con trai tôi viết tặng tôi khi cháu đang ở độ tuổi hai mươi. Nó đã củng cố niềm tin của tôi vào sức mạnh chữa lành của việc lắng nghe cơn giận của trẻ.

CHA

Cha đã lắng nghe trong đêm tối 

Đây là điều tuyệt vời cha đã cho con.

Cha lắng nghe bản giao hưởng sục sôi giận dữ của con

Những từ ngữ sắc như dao, những âm thanh bén như kéo đang luồn lách không khí

Những người khác đã bỏ đi Riêng cha vẫn ở lại

Và lắng nghe.

Khi đôi cánh thiên thần trong con đã rách

Cha đã chờ đợi

Để vá lành đôi cánh ấy

Và chúng ta vẫn tiếp tục Đến ngày hôm sau

Đến bữa ăn kế tiếp Đến trận bom kế tiếp.

Và khi mọi người đều đã trốn chạy Cha vẫn ở bên con.

Cha đã mạo hiểm để lắng nghe Trong đêm tối.

- Derek Chapman