28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 18

Docsach24.com
ao Trạch Đông qua đời và chẳng bao lâu sau “bè lũ bốn tên” cũng bị đập tan, Trung Quốc đối mặt với tình hình kinh tế trên đường suy thoái, đời sống của nhân dân vô cùng khốn khổ. Trong hoàn cảnh như vậy, có lẽ Đảng cộng sản Trung Quốc phải lo dẹp loạn và phục hồi, bắt tay vào công việc dẹp loạn và phục hồi, bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước nhằm thoát khỏi nguy cơ suy thoái, dần dần hướng lên hiện đại hóa, nhưng Hoa Quốc Phong - Chủ tịch Đảng, Thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ tịch quân ủy trung ương và Uông Đông Hưng - Phó chủ tịch Đảng kiêm thêm 14 chức vụ khác nữa lại vẫn kiên trì đường lối sai lầm tả khuynh của “đại Cách mạng văn hóa”, đề ra phương châm “hai loại phàm là” - “Phàm là quyết sách mà Mao Chủ tịch đề ra, chúng ta đều kiên trì giữ vững. Phàm là chỉ thị mà Mao Chủ tịch hạ lệnh, chúng ta đều nghiêm túc thi hành”. Ngày 26 tháng mười năm 1976, Hoa Quốc Phong đề ra 4 điểm: tập trung phê phán “bè lũ bốn tên”, kể cả phê Đặng, phàm là những điều Mao Chủ tịch đã nói, đã gật đầu đồng ý đều không được phê bình, tránh không đả động đến sự kiện Thiên An Môn (5/4/1976).

Những ngày đầu năm 1977, trên đại lộ Trường An Bắc Kinh đã xuất hiện các biểu ngữ yêu cầu khôi phục Đặng Tiểu Bình, yêu cầu minh oan cho sự kiện Thiên An Môn. Hoa Quốc Phong đã ra lệnh bắt tất cả những ai dán biểu ngữ. Tháng ba năm đó, tại hội nghị công tác của Trung ương, Trần Vân đề xuất khôi phục công tác lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình và thay đổi nhận định về sự kiện Thiên An Môn. Chủ trì phiên họp, Hoa Quốc Phong giải thích: “Theo những kết quả điều tra, hiện nay đã hình thành một nhóm phản cách mạng, sách lược của chúng là giương cao ngọn cờ yêu cầu phục hồi cho Đặng Tiểu Bình, ép buộc Trung ương tỏ thái độ, sau đó sẽ công kích Trung ương phản bội di chúc của Mao Chủ tịch, lật đổ Trung ương, đưa Vương Hồng Văn trở lại vũ đài chính trị, nếu chúng ta vội vàng phục hồi Đặng là mắc âm mưu của địch”. Tất cả ý tứ của Hoa đều xuất phát từ phương châm “phàm là”, phê Đặng, chống hữu do Mao đề ra, là cứ phải phê, phải chống và đồng thời cũng ngăn chặn những lời nói, việc làm có tính phương hại đến hình tượng Mao Trạch Đông.

Tranh thủ thời gian bị giam lỏng ở Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nghiên cứu lý luận tập trung phê phán phương châm “hai loại phàm là”. Tháng tư năm 1977 ông viết thư cho Trung ương, chỉ ra sự sai lầm của cái gọi là “phàm là”. Uông Đông Hưng, Hoa Quốc Phong gặp ông để trao đổi, ông đều trả lời: “Tất cả những điều Mao Chủ tịch đã nói, không phải đều đúng cả, vẫn có cái sai, cũng như các bản sơ thảo của Mác, Ăng ghen, Lê nin, Stalin phải qua sửa chữa nhiều lần, ban đầu chưa hẳn đã đúng, về hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông, tôi đã nghiên cứu nên học tập và vận dụng như thế nào và do đó tôi không tán thành “hai loại phàm là” của các đồng chí, làm như thế liệu có còn là duy vật biện chứng nữa hay không? Còn tôi, có trở lại làm việc hay không, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng chính là ở chỗ phải khẳng định sự kiện Thiên An Môn là một hành động cách mạng”.

Tháng 7 năm 1977, tại hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 3 khóa 10 đã nhất trí thông qua nghị quyết khôi phục tất cả các chức vụ của Đặng Tiểu Bình, trở lại là ủy viên Trung ương, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch đảng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng Quốc vụ viện, Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng. Trong lời phát biểu của mình, Đặng Tiểu Bình đã trình bày cách học tập và vận dụng tư tưởng Mao Trạch Đông.

Tháng 8 năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử hành Đại hội khoá 11, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn bị ám ảnh, bồi hồi trong dư âm của cách mạng văn hóa và do  đó Đặng Tiểu Bình phải tập trung đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận.

Theo tinh thần lời phát biểu của Đặng Tiểu Bình, ngày 11 tháng năm năm 1978, Quang Minh nhật báo đã cho đăng bài “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Bài báo nhấn mạnh, một loại lý luận nào đó có phản ánh chính xác thực tế khách quan hay không, có phải là chân lý hay không, chỉ có thể dựa vào thực tiễn để kiểm nghiệm, trả lời. Thời đại mới đối mặt với nhiều vấn đề mới, phải có tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm của người cộng sản mà nghiên cứu tiếp cận.

Một hòn đá gây nên vạn trùng sóng, cuộc tranh luận “tiêu chuẩn chân lý” chẳng bao lâu đã dấy lên trong phạm vi cả nước, có người vui mừng ủng hộ, nhưng cũng có người thơ ơ, chống đối. Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng đã ngầm chỉ thị cho các địa phương im lặng, không tỏ thái độ, nhưng cuối cùng Hồ Nam, nơi Hoa thao túng, cũng phải lên tiếng hưởng ứng.

Ngày 13 tháng chạp năm đó, Đặng Tiểu Bình lại tiếp tục phát biểu ở hội nghị trung ương vấn đề giải phóng tư tưởng, dân chủ hóa, giao quyền tự chủ cho cơ sở, cải cách cơ chế kinh tế, cơ chế chính trị. Lần đầu tiên ở Trung Quốc người ta nghe một khái niệm kinh tế xã hội mới, đó là: “chấp nhận, cho phép một số địa phương, xí nghiệp, công nhân, nông dân qua lao động chân clúnh của mình mà thu nhập nhiều hơn, đời sống khá hơn so với các nơi khác, so với những người khác, các tấm gương làm giàu như vậy sẽ kích thích xóm giềng lân cận, bầu bạn xa gần cùng ra sức tranh đua mà giàu lên, khá lên”.

Và điểm ngoặt của lịch sử đã đến - bức màn cải cách mở cửa đã được kéo lên, đó là Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 3 khóa 11 cử hành tại Bắc Kinh từ ngày 18 đến ngày 22 tháng chạp năm 1978. Hội nghị chấm dứt sự bồi hồi trong hai năm sau khi đập tan “bè lũ bốn tên”, thực tiễn một lần nữa lại chứng minh là những sai lầm của chúng đã gây ra không biết bao nhiêu tai hại cho dân, cho Đảng. Hội nghị đình chỉ sử dụng thuật ngữ “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” mà chuyển sang “đường lối chính trị của chúng ta là xây dựng hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội”.

Hội nghị thảo luận đánh giá những thiệt hại to lớn do “Cách mạng văn hóa” gây ra, những vấn đề lịch sử mà “Cách mạng văn hóa” còn để lại, tiến hành tổng kết kinh nghiệm, rút ra bài học. Chương trình nghị sự của hội nghị đã bàn đến những phác thảo cho cải cách mở cửa, đầu tiên là thay đổi phương thức quản lý, phương thức hành động, phương thức tư tưởng, không thể “đảng và chính quyền là một, lấy đảng thay chính quyền, lấy chính quyền thay xí nghiệp”, không thể không tôn trọng các quy luật kinh tế, nhất là quy luật giá trị, không thể tập trung quyền lực một cách cực đoan ở trung ương với nhiều tầng nấc trung gian và bó tay bó chân cơ sở, phải phân cấp, phân công, phân trách nhiệm, phải thi cử, thưởng phạt, thăng giáng một cách nghiêm chỉnh, và vấn đề nông nghiệp, vấn đề 900 trriệu nông dân là một trong những mục tiêu quan trọng cải cách. Đó là những phác thảo, nhưng thực chất là một cuộc cách mạng. Từ hội nghị này, từ điểm ngoặt này, vai trò của Đặng Tiểu Bình được xác lập như một kiến trúc sư trưởng xã hội. Hội nghị chọn thêm Trần Vân và Hồ Diệu Bang vào hàng ngũ lãnh đạo trung ương, minh oan cho Bành Đức Hoài và Đào Chú, còn Hoa Quốc Phong vẫn yên vị cho tới tháng chạp năm 1980, tại hội nghị mở rộng Bộ Chính trị thì mới chính thức thông qua việc hủy bỏ mọi vụ quân, chính, đảng của ông, kết thúc một “bước đệm” lịch sử.