28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 17

Docsach24.com
uối năm 1975, giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp đạt 450, 4 tỷ nguyên, tăng 11, 9%, lương thực đạt 284, 5 triệu tấn, dầu thô 77, 06 triệu tấn, đầu tư xây dựng cơ bản 40, 93 tỷ nguyên, tổng thu nhập tài chính Quốc gia 81, 56 tỷ nguyên, tổng chi tiêu 82, 09 tỷ nguyên, chỉ bội chi có 530 triệu nguyên. Những con số thống kê như muốn dự báo tình hình kinh tế của nước nhà cơ hồ sẽ chuyển biến.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Đặng Tiểu Bình bị đình chỉ công tác ở Bộ Chính trị, cuộc vận động “phê Đặng” đã công khai ra phạm vi toàn quốc, lúc bấy giờ người ta gọi cuộc vận động đó bằng một đại từ rất mỹ miều “thảo luận về cách diễn - đạt”.

Một năm 1976 u buồn bắt đầu khi Đài phát thanh nhân dân trung ương phát đi bản tin đau lòng: “9 giờ 57 phút ngày 8 tháng giêng năm 1976, Thủ tướng Chu Ân Lai tạ thế, hưởng thọ 78 tuổi”. 3 giờ chiều ngày 15, lễ truy điệu được cử hành tại Đại lễ đường nhân dân với trên 5000 người tham dự. Trong niềm thương tiếc vô hạn Thủ tướng Chu Ân Lai - người con của đất nước, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của nhân dân. Đặng Tiểu Bình đọc bản điếu văn lịch sử.

Khi Chu Ân Lai vừa nằm xuống, “ngôi báu” làm cho “nhóm bốn người” mờ mắt và họ bày mưu tính kế để chiếm đoạt cho kỳ được. Người ta tranh cãi về việc cử ai đọc điếu văn. Giang Thanh chủ trương là Vương Hồng Văn hoặc Trương Xuân Kiều, quá lắm mới đến Diệp Kiếm Anh, song thực tế vẫn là thực tế, còn ai xứng đáng hơn Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ - Phó chủ tịch Đảng, Phó thủ tướng thứ nhất thay Thủ tướng trong những ngày lâm bệnh, Phó chủ tịch Quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng. Và cuối cùng trên màn ảnh nhỏ của hàng triệu máy thu hình, Đặng Tiểu Bình đã xuất hiện với âm thanh bi hùng, vĩnh biệt Chu Ân Lai, cũng là vĩnh biệt một chiến hữu thân thiết ngay từ hồi còn du học ở Pháp và hoạt động bí mật ở Thượng Hải. Hình ảnh của ông trên vô tuyến đã làm cho nỗi bực dọc “phê Đặng” của bao người bỗng chốc tan biến, nhưng liền sau đó ông chỉ còn là một đảng viên thường mà thôi.

Vì “ngôi báu”, người ta dựng lên những trò lừa bịp, cho xuất bản hoặc tuyên truyền những ấn phẩm hoang đường nào là “Tư tưởng Trương Xuân Kiều”, “Phát hiện mới”, “Quan điểm mới”, “vượt cả Lênin, là cột mốc thứ tư sau Mao Trạch Đông”, nào là “Tư tưởng văn nghệ Giang Thanh”, “Con đường Diêu Văn Nguyên”, “Vương Hồng Văn đại sự ký” v.v... Rồi tổ chức sinh viên Thượng Hải xuống đường hô hào, cổ vũ yêu cầu Trương Xuân Kiều làm thủ tướng. Lại ngập đường ngập phố là biểu ngữ như thuở nào tạo phản, “Kiên quyết yêu cầu Trương Xuân Kiều làm thủ tướng”, cũng có nơi bị kẻ ngộ chơi xỏ, cắt ba chữ Trương Xuân Kiều đặt lên đầu câu thành ra “Trương Xuân Kiều kiên quyết yêu cầu làm thủ tướng”.

Thế là một cái gai không cần nhổ mà đã bị hủy, cái gai thứ hai cũng sắp lung lay, chỉ còn mỗi lão súy họ Diệp nữa thôi, “nhóm bốn người” với “liên lạc viên” Viễn Tân đang cố sức giành phần thắng...

- Anh thấy tình hình hiện nay như thế nào? - Diệp Kiếm Anh hỏi Đặng.

- Không có gì phải sợ, tôi đã chuẩn bị tư tưởng rồi, quá lắm là bị đánh đổ lần thứ hai, chỉ tiếc là công việc còn dở dang, kinh tế chưa chuyển biến, nhiều đồng chí lão thành chưa được giải phóng.

- Vấn để lớn nhất hiện nay là Chủ tịch không nghe được ý kiến của chúng ta, Giang Thanh và bọn họ đã xúi Viễn Tân làm điều bậy bạ, án ngữ tất cả.

- Cũng có phần đúng, nhưng không hẳn thế, vì cuối năm ngoái mấy lần tôi đến chỗ Chủ tịch trao đổi công việc, có hôm tôi hỏi chính sách, phương châm lúc này nên ra sao, Chủ tịch vẫn khẳng định như thế, không có gì thay đổi. Sau đó Chủ tịch sai Viễn Tân gọi tôi đến, bảo tôi nghiên cứu xem lại Cách mạng văn hóa, tôi trình bày quan điểm của mình, giải thích năm lần bảy lượt mà vẫn không xuôi.

Mới đó thôi, chính Diệp Kiếm Anh vừa nghe Mao Trạch Đông nói: Đặng là “nhân tài hiếm có”, là “tư tưởng chính trị mạnh”, và thực tế Mao đã giao cho Đặng bao nhiêu là trọng trách, bản thân Đặng làm việc gì cũng thỉnh thị Mao trước khi thực hiện, thành tích xuất sắc, được lòng mọi người, ai cũng phải thừa nhận. Thế mà giờ đây quay ngược 180°, có lẽ vấn đề chính là cách đánh giá cách mạng văn hóa. Diệp Kiếm Anh suy nghĩ như vậy và hỏi lại Đặng:

- Hay để tôi đi gặp Chủ tịch lần nữa?

- Không cần, lão súy biết tính tôi, không khoan nhượng về nguyên tắc, còn một chút hy vọng là còn đấu tranh. Bộ Chính trị đã đình chỉ công tác của tôi, vậy là Chủ tịch quyết tâm “thay ngựa”.

Diệp Kiếm Anh thất vọng, những tưởng trách nhiệm của Chu Ân Lai sẽ được giao cho Đặng, nào ngờ mọi chuyện bỗng chốc lại đảo điên đến thế.

- Tôi không tại vị không thành vấn đề, chỉ mong lão súy còn là được.

- Xem tình thế, tôi cũng không còn lâu nữa, nhưng thôi, hễ còn hơi thở là còn đấu tranh.

Quả nhiên, nhổ xong Đặng là đến Diệp với một thông cáo “dưỡng bệnh” và quyền bính giao cho Trần Tích Liên, lão súy bị xuống ngựa một cách nhẹ nhàng.

Ngày 21 tháng giêng năm ấy, Mao Trạch Đông nói với Viễn Tân: “Mời Hoa Quốc Phong làm trưởng, anh ta cũng tự nhận mình trình độ chính trị không cao, nên Tiểu Bình sẽ lo phần ngoại vụ”. Ngày 2 tháng hai, Bộ Chính trị thông qua “văn kiện số 1”: Hoa Quốc Phong đảm nhiệm chức vụ quyền thủ tướng.

Tin bất ngờ này làm cho “nhóm bốn người” và cả Viễn Tân đều ngơ ngác và chứng tỏ Mao Trạch Đông còn cao tay ấn, con bài này ông đã bí mật chuẩn bị từ lâu, từ bí thư huyện Tương Đàm (quê của Mao), nâng dần, nâng dần cho đến chức phó thủ tướng để hôm nay bật lên thành quyền thủ tướng, và sau đó không lâu, vào tháng tư, chính thức là thủ tướng kiêm phó chủ tịch thứ nhất của Trung ương Đảng. Cùng một lúc Hoa Quốc Phong thăng quan thì Đặng Tiểu Bình bị giáng tất cả chức vụ Đảng và chính quyền, còn lại mỗi danh hiệu đảng viên và hộ khẩu Bắc Kinh, nguyên văn của quyết nghị là “bảo lưu đảng tịch, dĩ quan hậu hiệu” (để xem sau này ra sao).

Nhưng Mao Trạch Đông cũng không sống được bao lâu nữa để mà “yên tâm khi giao việc cho chú Hoa Quốc Phong”. Vào lúc 0 giờ 10 phút ngày 9 tháng chín năm 1976 ông qua đời. 1976, đó là năm Bính Thìn, năm con rồng với câu ca của dân chúng “nhị nguyệt nhị long đại đầu”. Đầu rồng chưa thấy ngẩng mà tai họa đã giáng xuống liên miên.

Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Chu Đức, Mao Trạch Đông lần lượt ra đi, rồi máu đổ trên quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng tư mà người ta đã nhân đó gán thêm tội cho Đặng Tiểu Bình, rồi mưa đá ở Cát Lâm, rồi động đất ở Trường Sơn. Thật là một năm hạn của lịch sử Trung Quốc, và Đặng Tiểu Bình lần thứ hai lại ra khỏi Trung Nam Hải.