Tất cả nói lên tài năng của Đặng Tiểu Bình. Nhưng công bằng mà nói, con người hùng này phải đợi đến lúc Mao Trạch Đông qua đời, rồi hai năm sau mới “bình được thiên hạ”. Đã có người ví quyền lực Trung Quốc như hình kim tự tháp và chỉ có một người hùng ngự trên đó mà thôi. Đặng Tiểu Bình có cách ngự của ông, ngự bằng cái uy hơn là cái chức, ông chủ trương “trẻ hóa” Trung Nam Hải, ông đề xướng thông qua nghị quyết xóa bỏ chế độ lãnh đạo suốt đời và tự mình rút dần, rút dần ra khỏi chính trường công khai, trao quyền cho các thế hệ sau như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân, chỉ còn mỗi một vị trí - Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hình ảnh một “nguyên soái không có hàm” duyệt binh ngày 1 tháng 10 năm 1984, kỷ niệm 35 năm ngày lập nên chế độ cộng hòa nhân dân.
Năm 1984, Đặng Tiểu Bình 80 tuổi, những học sinh, sinh viên của thời kỳ mới đã không tung hô ông “vạn tuế” như các vị tiền nhiệm khác mà từ trên lễ đài Thiên An Môn, ông nhìn thấy bốn chữ vô cùng thân thiết “Tiểu Bình nín hảo” (Chào đồng chí Tiểu Bình) của đoàn Đại học Bắc Kinh. Nhớ lại năm nào 3 chữ Đặng Tiểu Bình bị viết ngược, chân lên trời đầu xuống đất, bị gạch chéo bởi nhiều sọc đen đỏ, mà giờ đây trở thành câu chào kính trọng của cả một dân tộc, phần thưởng đó cao quý biết chừng nào.
Năm 1989, Bộ Chính trị thảo luận và nhất trí chấp nhận đơn xin từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đặng Tiểu Bình. Ngày 9 tháng mười một, mọi thủ tục hoàn tất, lần thứ ba Đặng Tiểu Bình “rời” Trung Nam Hải về nghỉ hưu, làm một người dân bình thường, năm ấy ông 85 tuổi.
Từ bình thường bước vào không bình thường, và từ không bình thường trở về bình thường, việc thứ nhất đã là chuyện của người phi phàm mới làm được, còn việc thứ hai lại càng không dễ dàng. Đặng Tiểu Bình là con người của cả hai.