Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt

Chương 22

Văn phòng làm việc của Sở cảnh sát Jeddah giống phòng spa hơn là phòng tổng đài. Những chậu cấy cọ cảnh lớn, những tấm thảm nhung, cách bài trí trung tính và mức độ yên tĩnh của một khách sạn năm sao. Tất cả như phá tan cái suy nghĩ đó là một phòng tổng đài. Không có một lời ồn ào hay lớn tiếng, chỉ có các nhân viên điềm đạm với giọng nói ân cần. Họ quyết tâm giữ gìn quy tắc bảy-phút: không lâu hơn khoảng thời gian đó, cảnh sát đáp lại bất cứ cuộc gọi nào. Họ thậm chí còn hỗ trợ những người có yêu cầu cuộc gọi báo thức, do số điện thoại khẩn 999 lại không may giống với số điện thoại lễ tân 99 của hầu hết các khách sạn.

Sở trưởng Hamid lúc nào cũng có vẻ giống hướng dẫn viên du lịch hơn là lãnh đạo Sở. Ông dẫn Ibrahim đến một dãy máy vi tính ở một bên căn phòng và xin phép ra ngoài một lát. Khi quay trở lại - Ibrahim đã bấm giờ đúng sáu phút rưỡi - ông mang theo băng ghi âm cuộc gọi của người đàn ông đã thông báo về việc Sabria mất tích. Ibrahim ngồi xuống bên quầy và nghe đoạn hội thoại bằng tai nghe.

“Vâng.” Giọng người đàn ông đó nói. “Tôi muốn thông báo về việc mất tích của người hàng xóm.”

“Rất tốt, thưa ông, tôi sẽ nối máy cho ông tới bộ phận Người mất tích.”

“Không, tôi không có thời gian đâu. Tôi chỉ muốn để lại tên cô ấy và địa chỉ nhà thôi.” Anh ta đưa ra thông tin như thể đọc từ một tấm danh thiếp, làm nhân viên văn thư không kịp phản ứng gì. “Cô ấy đã không ra vào căn hộ của mình mười bảy ngày rồi.”

“Được rồi, thưa ông.” Nhân viên văn thư nói. “Cảm ơn...”

Người đàn ông đó gác máy trước khi nhân viên nói hết câu.

Ibrahim nghe đi nghe lại. Ông không nhận ra giọng nói đó. Lúc đầu, nó nghe có vẻ như vội vàng và cáu kỉnh, nhưng càng nghe ông càng nhận ra nó không hề diễn cảm. Ông không thấy sự nôn nóng; anh ta chỉ làm bộ như vậy. Tôi không có thời gian đâu. Nhưng giọng nói lại đều đều và điềm tĩnh.

Người đó là ai được nhỉ? Tôi không có thời gian đâu. Anh ta chỉ nói như vậy vì không muốn nói chuyện với bộ phận Người mất tích. Anh ta không muốn trả lời câu hỏi của bất cứ ai. (Anh là ai? Tại sao anh lại để mắt đến căn hộ của một phụ nữ chứ? Cô ấy có sống một mình không? Người tình của cô ấy đâu?). Những cuộc gọi ẩn danh là chuyện khá bình thường, nhưng Ibrahim e rằng ông đang được nghe giọng của chính kẻ bắt cóc.


Katya đã rời khỏi căn hộ của Sabria khi ông đến đó, và như vậy là đã quá muộn. Ngay lập tức ông gọi cho cô. Cô nói rằng cô không chắc liệu mình đã thu thập tất cả bằng chứng hay chưa. Có thể họ đã gửi một số bằng chứng cho Đội Điệp vụ. Đội Trọng án đã nói rằng đang quá tải với việc xử lý các bằng chứng của vụ Thiên sứ rồi.

Suốt một giờ đồng hồ sau đấy ông cố gạt bỏ nỗi hoảng hốt, tâm trí ông như quay cuồng bạt tử trên một chiếc đu nhào lộn. Liệu họ sẽ phát hiện ra ông chính là người tình của cô không? Hay họ chỉ đơn giản cho rằng đó là DNA của chồng cô ấy? Liệu cuộc gọi có phải của Omar không? (Hẳn là anh đã chắp nối các chi tiết lại với nhau - còn lý do gì khác mà Ibrahim lại đề nghị mượn các hồ sơ đó chứ?) Hay Omar đã tự nhủ đó chỉ là công việc và không bao giờ đề cập đến vấn đề này nữa?

Lạ thay, không có gì xảy ra cả. Mọi người trong tòa nhà đã đi ăn trưa. Vụ Thiên sứ đã chiếm hết thời gian của họ. Vài người không làm việc ở hiện trường thì đang xem lại các hổ sơ vụ án. Ibrahim đã đến gặp đội pháp y và đã nói chuyện về vụ Thiên sứ với Majdi, người hiện đã quá căng thẳng. Khi ông thử tìm hiểu xem liệu họ có đang xử lý những bằng chứng nào khác không, thí dụ như bằng chứng thu thập được ở căn hộ của Sabria chẳng hạn, Majdi chỉ gạt đi. Họ quá bận rộn để bận tâm đến thứ gì khác ngoài vụ Thiên sứ.

Ông mở lại cuộn băng. Cô ấy đã không ra vào căn hộ của mình mười bảy ngày rồi. Điều này chính xác quá mức. Tên bắt cóc biết chính xác hắn bắt giữ cô được bao lâu. Nhưng trời ạ, tại sao hắn lại muốn cảnh sát tìm hiểu chứ?

“Đây là dấu vết.” Sở trưởng Hamid đưa cho ông một mẩu giấy. “Nó là thẻ điện thoại dùng một lần. Có vẻ cuộc gọi là từ vùng phụ cận của Trung tâm thương mại Biển Đỏ.”

“Nó có phải một trung tâm thương mại rất lớn không?” Ibrahim hỏi.

“Đúng vậy, mười tám lối vào và bốn nghìn chỗ đỗ xe. Ông phải dùng xe điện để đi quanh đó. Nhưng chúng tôi dò được anh ta ở gần lối vào Danube khi thực hiện cuộc gọi.”

“Đó có lẽ là lối vào đông nhất.” Ibrahim nói.

“Đúng vậy. Tôi lấy làm tiếc.”

“Chúng ta có thể xác định được nơi anh ta mua thẻ điện thoại không?”

“Có, nhưng việc đó sẽ phải mất một tuần.” Trong cái thế giới của tiêu chuẩn bảy phút, thì bảy ngày quả là không đáng để cân nhắc.

“Hãy cho tôi biết những gì các anh tìm được.” Ibrahim nói. Ông cảm ơn Sở trưởng rồi đi khỏi.

Nhà không có ai. Mọi người đã dự đi đám cưới của gia đình hàng xóm và ông cũng phải có mặt ở đó. Nhưng chú rể, con trai của một gã không bao giờ nói được lời tử tế nào về Ibrahim, Omar hay bất cứ ai thuộc dòng họ Zahrani trong vòng bán kính của hai mươi tòa nhà, chỉ là một đứa không hơn một con lừa như bố nó. Ibrahim tự thấy chẳng có gì phải áy náy khi quyết định ở nhà.

Ibrahim đứng trong bếp pha trà và chờ cho than đá bén lửa trong chiếc điếu ống. Gian bếp là một căn phòng vuông vức lúc nào cũng có cảm giác tối tăm và quá rộng. Phụ nữ trong gia đình ông chẳng bao giờ thấy vui vẻ ở đấy cả. Họ chặt thái và gọt vỏ các loại củ quả ngoài phòng khách, ngay phía trước cửa bếp. Một chậu cây bạc hà héo úa đặt trên bậu cửa sổ, những chiếc lá quăn lại vì hơi nóng.

Ông lững thững bước sang phòng khách. Qua cánh cửa phòng tắm ông thấy mấy con búp-bê Barbie của cháu gái đang ngồi trong bồn rửa. Phòng tắm đầy ngập quần áo bẩn.

Ông đi vào phòng may vá, căn phòng cấm. Jamila đã tuyên bố như vậy cũng như việc ông tuyên bố tương tự với phòng khách nam giới. Ở đây có chiếc máy may - một con quái vật đen sì với chiếc bàn đạp - và tủ quần áo chất ngất của bà ta. Bên trong đầy ứ những bộ đồ nhìn đã phát ngán, bộ nào bộ nấy vừa vặn với thân hình ngoại cỡ của bà ta. Bà ta thường xuyên chăm chút ăn diện; những bộ đồ đó được chưng theo kiểu cách của những phụ nữ mà bà ta không bao giờ trở thành được mặc dù rất muốn: văn nghệ sĩ, rồi doanh nhân, hay lữ khách. Bà ta có thể ngồi hàng giờ bên chiếc máy may để hoàn thiện từng đường kim mũi chỉ, nhưng rốt cuộc thì lúc nào cũng khoác lên mình bộ váy khỉ đột đó.

Tòa nhà khiến ông thấy ngột ngạt. Không gian tối tăm và oi nồng, cát từ ngoài sa mạc thổi tung vào ngay dưới chân cửa, cái nắng len qua những khe hở trên tường. Đã nhiều năm rồi ông nghĩ đến việc chuyển đên một nơi ở mới, nhưng Omar ở ngay tòa nhà bên cạnh, anh họ Essam của ông lại ở ngay dưới tòa nhà, và chuyện có vẻ không đến mức phải chuyển tất cả đi nơi khác chỉ vì có phòng ốc tốt hơn, có cảnh đẹp hơn.

Ông mang trà và than đá lên tầng thượng, nhưng ở đó cũng không thoát được hình ảnh của Jamila. Suốt hơn hai mươi tư năm qua, hình ảnh bà ta như in hằn trên mỗi vết rạn nứt của những bức tường bê-tông này. Họ cưới nhau từ năm mười tám tuổi, một cuộc hôn nhân sắp đặt nhờ cha mẹ, giống như Zaki. Cuối những năm cấp hai, ông đã yêu một người khác: Maidan. Đó là một cô gái người Philippines mà ông gặp trên phố khi cùng đi bộ từ trường về nhà.

Ông chưa bao giờ nhớ chuyện đã xảy ra thế nào, nhưng sau một thời gian ông đã mượn ô-tô của Omar để đón cô ở trường. Cho tới giờ ông cũng không hiểu làm thế nào ông lại tự xưng là anh trai của cô nữa. Chuyện của họ có thể đã khác đi rất nhiều. Ông có gương mặt mang những nét đặc trưng của một dòng họ Bedouin cổ điển - mũi dài, da ngăm đen, và đôi mắt hạnh nhân màu nâu sâu thẳm - được thừa hưởng từ họ ngoại. Maidan người thấp, nước da sáng, dáng tròn với những đường cong mềm mại. Họ dành những buổi chiều ở bên nhau trên bãi biển, ở những hội chợ, hay đơn giản chỉ lái xe qua sa mạc. Ông rất muốn hôn cô nhưng chưa bao giờ có can đảm để chủ động cả. Một lần cô phải đề nghị ông hôn mình, và ông làm theo, nhưng nó khiến họ sợ đến mức không bao giờ làm vậy nữa. Họ đã lên kế hoạch kết hôn.

Trong suốt sáu tháng, họ hầu như gặp nhau hằng ngày ngoại trừ cuối tuần, khi ông phải ở nhà theo yêu cầu của gia đình. Và rồi một hôm khi ông đến trường đón cô thì cô giáo chủ nhiệm đến nói chuyện với ông. Bà ta đứng bên chiếc cổng sắt ngay lối vào trường và nói với ra phía ô-tô của ông. “Maidan đã rời Ả Rập Xê-út rồi. Tôi tưởng là anh trai cô bé thì anh biết chuyện rồi chứ.” Thậm chí bà ta còn lườm ông một cái trước khi quay trở vào trường nữ sinh. Cổng đã đóng và ông không bao giờ gặp lại Maidan nữa.

Ông chưa bao giờ gặp gỡ gia đình cô. Ông thậm chí còn không biết cô sống ở căn hộ nào, chỉ biết là ở một tòa nhà. Ông đến đó, tuyệt vọng, và một người hàng xóm ở tầng dưới đã xác nhận gia đình người Philippines đó đã chuyển đi rồi.

Suốt bao nhiêu ngày ông hồi tưởng lại mối quan hệ của họ. Từng lời nói, từng cử chỉ, những lời ngợi khen đều mang nghĩa mới khi ông đào xới lớp bề mặt mỏng manh để tìm bản chất. Sao cô không hề nói với ông rằng cô sẽ ra đi chứ? Có phải cô đã định rời bỏ ông ngay từ đầu rồi không? Cô đã nói dối, giờ thì ông đã hiểu, nhưng nói dối đến mức nào? Và từ khi nào?

Và trên hết sau tất cả mọi chuyện: liệu cô có thực sự yêu ông không?

Cuối cùng thì ông đành chấp nhận rằng cô là một kẻ hèn nhát, và điều ông mong muốn ở một người phụ nữ là sự mạnh mẽ, đặc điểm mà những người phụ nữ tuyệt vời nhất luôn có, khả năng để nói với ông rằng khi nào thì chấm dứt mối quan hệ. Đó chính là điều ông nói với mẹ khi bà đưa ra ý tưởng về cuộc hôn nhân sắp đặt cho ông.

“Con muốn một người phụ nữ có thể đứng về phía con.”


Ông không hề hiểu lúc đó ông đang nói gì. Ông chỉ biết đến sự đau khổ của những lời đó: con muốn một người phụ nữ sẽ không bao giờ rời bỏ con mà không một lời giải thích.

Một phần trên gương mặt mẹ ông thấp thoáng nụ cười tinh quái; một phần lại nhìn ông đầy nghi hoặc. “Chỉ một người đàn ông mạnh mẽ mới phát ngôn như vậy.” Bà đã nói với niềm hãnh diện nhất định. “Nhưng thật lòng mẹ sẽ nói với con điều này, Jamila là người phụ nữ mạnh mẽ nhất mà mẹ biết.”

Sau khi suy nghĩ, ông phải thừa nhận rằng bà nói đúng. Jamila là người mạnh mẽ, nhưng chỉ là bề ngoài.

Lúc đó ông đã bật dậy khỏi ghế sô-pha và ào vào phòng khách hét ầm lên. “Con nói lần cuối và sau chót, con sẽ không lấy Jamila al- Brehm. Thật điên khùng!” Ông sục chân vào đôi xăng-đan rồi ra khỏi nhà, đóng sập cửa sau lưng mình.

Hai tháng sau, họ làm đám cưới.

Vấn đề thực sự nằm ở chỗ họ đã được hứa gả cho nhau từ khi sinh ra. Hai bà mẹ là bạn thân. Có hơi lạ thường một chút khi lời giao ước như vậy lại là giữa những người bạn chứ không phải giữa các gia đình, nhưng hai bà mẹ đã có mối giao kết gắn bó. Trong suốt mười tám năm, họ luôn giữ lời hứa. Cuộc hôn nhân giữa hai đứa trẻ sẽ giúp hợp pháp hóa mối quan hệ giữa hai gia đình của hai người phụ nữ, như thể cái mối giao kết phóng đại của họ cần phải được gắn chặt thêm vậy.

Và, giống như Zaki, ông mất ba tháng để nhận ra mình đã phạm sai lầm kinh khủng. Nhưng khi đó, Jamila đã có thai Aqmar, và chẳng thể làm được gì nữa.

Ông đặt chiếc ống điếu xuống. Làn khói cô đơn khiến ông cảm thấy đau khổ. Ông mong ở nhà một mình sẽ khiến ông không day dứt về Sabria, nhưng ông chỉ chìm sâu hơn vào những kỷ niệm xưa cũ. Tất cả đưa đến một ý nghĩ, không hẳn là đặc biệt, rằng Sabria chính là người phụ nữ tuyệt vời nhất ông từng biết. Không phải Jamila, không phải Maidan. Cô là người đàn bà ông đã lựa chọn, và không chỉ đơn thuần là biến mất.

Ông đổ hết phần nước chè còn lại vào chỗ than và rời khỏi nhà.