Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt

Chương 20

Buổi sáng thứ Sáu, tòa nhà không một bóng ngưòi. Ngày thứ Bảy mọi người sẽ trở lại làm việc, những hành lang bóng loáng sẽ lại đầy ắp tiếng nói cười, tiếng tay của Daher đập vào đầu cậu sĩ quan trẻ nào đó. Giờ thì âm thanh duy nhất phá vỡ không gian tĩnh lặng là tiếng lích kích của hệ thống điều hòa trung tâm bắt đầu chạy, và, trong suốt vài giờ liền, là tiếng gọi cho lễ cầu nguyện. Nó luôn oang oang trên loa phóng thanh của các nhà thờ địa phương khiến người ta giật bắn mình.

Ibrahim bước vào tòa nhà, tay nắm chặt cốc cà phê và cảm thấy tê liệt. Ông đã dành cả phần còn lại của ngày thứ Năm để thu xếp việc có được bản chụp những hồ sơ hành quyết cũng như hồ sơ những vụ trộm cắp bị chặt tay có hình ảnh chặt đứt tay và chân. Daher đã nhận sáng nay sẽ mang những hồ sơ đó đến, mặc dù hôm nay là ngày nghỉ, mặc dù mức lương của anh ta không đủ để khuyến khích sự tận tụy đến như thế. Ibrahim tự hỏi vu vơ liệu cuộc sống gia đình của Daher có khốn khổ như mình không.

Farrah vẫn đang ở nhà ông, chờ chồng cô về. Sự có mặt của cô là ân huệ vì cô và cặp sinh đôi khiến Jamila luôn bận rộn, và nhờ đó mà sự đay nghiến của bà ta cũng giảm đến mức tối thiểu. Vấn đề hiện giờ là họ đang trong một tâm trạng lẫn lộn. Chán nản, khi không còn vấn đề y tế để tranh cãi nữa, họ dần trở thành những tác nhân gây ra sự hư hỏng của ai đó. Kể từ khi Farrah đến gặp thầy trừ tà, ngôi nhà luôn mang hơi hưởng của những hành động điên rồ.

Ở phòng làm việc, ông nhận thấy Daher đã mang đến một nửa số hồ sơ, có lẽ là từ đêm trước. Anh ta đã sắp xếp những chiếc hộp theo hàng lối ngay ngắn trên bàn. Ibrahim đặt cốc cà phê lên bàn làm việc, kéo ghế và mở hồ sơ đầu tiên.

Ông không biết mình đang tìm kiếm gì, nhưng dù sao đi nữa ông vẫn xem qua những hồ sơ đó, cố tránh đọc quá chi tiết. Một người đàn ông bị buộc tội giết vợ con. Một phụ nữ bị buộc tội giết mẹ. Thêm một người đàn ông nữa: một vụ án mạng của một người lạ tại một cửa hàng tiện ích. Ông xem một lượt phần lớn những hồ sơ của năm 2003 và không tìm thấy gì ngoài những vụ án mạng. Điều đó quả có hơi bất ngờ.

Ông chuyển sang những hồ sơ của năm 2007. Những hồ sơ này có đa dạng hơn một chút. Hầu hết các vụ hành quyết đều vì tội giết người, nhưng thường không liên quan đến vấn đề phạm tội hàng loạt. Một tên ở Chad đã bị xử tử vì tội bắt cóc trẻ em, hãm hiếp, trộm cắp, và sử dụng ma túy. Hắn mới hai mươi mốt tuổi. Còn nhiều tội nữa bị hành quyết là buôn bán ma túy, và thậm chí là tình dục đồng giới.

Ông nghe thấy tiếng sập cửa ở phía cuối hành lang, tiếng bước chân cọ vào tấm vải sơn lót sàn nhà. Daher bước vào mang trên tay hai hộp hồ sơ nữa. Mồ hôi nhỏ giọt trên má anh ta.

“Salaam aleỉkum (1).” Anh ta vừa lầm rầm nói vừa đặt hai chiếc hộp xuống sàn nhà phía cạnh bàn. “Đấy là mấy cái cuổi cùng.”

(1) Lời chào theo phong tục Hồi giáo.

“Tốt lắm. Cảm ơn anh đã mang chúng đến.”

Daher đứng cạnh cửa, đắn đo cân nhắc. Rồi anh ta kéo một chiếc ghế ra.

“Anh không phải ở lại đâu.” Ibrahim nói.

“Dĩ nhiên là tôi ở lại chứ!” Daher nói. “Tất cả chúng ta nên làm việc ngoài giờ. Đây là một vụ quan trọng.” Anh ta có phần lúng túng ngồi xuống cạnh sếp mình rồi kéo mở một tập hồ sơ. “Chúng ta sẽ tìm gì đây?”

Ibrahim giải thích điều mà Katya đã nói với ông qua điện thoại và thận trọng khi nhắc đến cả Tiến sĩ Becker nữa để tránh làm cho Daher đố kỵ cho rằng ông chỉ tập trung vào Katya. Bất ngờ thay, Daher rất biết công việc. Anh ta thậm chí còn nói chen ngang: “Và tất nhiên đó là lý do tại sao hắn ta chôn mười chín thi thể. Hắn mơ mộng rằng mình là thiên sứ của đấng Allah.”

“Chuyện có vẻ là vậy.”

“Vậy chính xác chúng ta tìm kiếm điều gì?” Daher hỏi lại.

“Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể tìm được kẻ nào bị trừng phạt vì tội trộm cắp và hắn có người thân bị xử tử, nhưng có vẻ như điều này là không thể có...” Ibrahim nhún vai. “Cứ cho tôi biết nếu có gì đáng chú ý nhé.”

Daher có vẻ nhận thấy tính chất phù phiếm của công việc này, nhưng dù sao anh ta vẫn dấn thân vào làm. Bọn họ im lặng đọc một hồi.

“Ông nghĩ sao về cái thứ mười chín đó?” Daher hỏi. “Ông có nghĩ là có quy luật bí ẩn ẩn chứa trong kinh Koran không?”

Anh ta đang có ý nhắc đến cảnh tượng các học giả Hồi giáo lao mình vào những thuyết âm mưu về các con số và kinh Koran. Thí dụ như, ai cũng biết từ cầu nguyện xuất hiện trong kinh Koran năm lần (gắn với thực tế rằng người Hồi giáo có năm lễ cầu nguyện bắt buộc trong một ngày), từ tháng xuất hiện chính xác là mười hai lần, và từ ngày xuất hiện chính xác là ba trăm sáu mươi lăm lần. Nhưng điều đó không có nghĩa mọi thứ đều là một phần của quy luật bí ẩn nào đó.

Dường như những học thuyết về tầm quan trọng của con số mười chín đã thống trị tư duy âm mưu. Mười chín chính là số câu thơ mà tổng lãnh thiên sứ Gabriel đã trao lại cho nhà tiên tri Mohammed trong hai chuyến viếng thăm đầu tiên tới hang đá. Mười chín cũng chính là số ký tự của câu thơ đầu tiên trong chương một của kinh Koran, một câu thơ đã được nhắc lại năm mươi tư lần trong toàn bộ cuốn kinh. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ chương duy nhất mà từ mười chín được nhắc đến lại là chương có tên “Bí mật ẩn giấu.”

“Tôi cho rằng con số mười chín không có gì đặc biệt cả.” Ibrahim đáp. “Ngoại trừ đối với tên sát nhân của chúng ta, có lẽ vậy.”

Họ tiếp tục đọc. Daher trở nên nghiêm túc và im tiếng hơn theo cách mà Ibrahim trước đây chưa bao giờ thấy. Trong giây lát, Ibrahim hình dung một ngày nào đó mình trở thành chánh thanh tra.

“Có lẽ ý kiến của Tiến sĩ Becker rất hợp lý.” Daher nói. “Ai đã từng chặt tay chứ? Một đao phủ, phải vậy không nào? Có ai đã nghĩ đến việc hắn có thể là người của chúng ta chưa?”

“Theo những gì tôi biết, thì anh đã vừa khởi nguyên giả thuyết đó.”

“Dù hắn có là ai đi nữa, thì hắn có cảm giác phiêu lưu khi làm việc này. Ít nhất thì đó chính là từ đã được Thiên thần Charlie nhắc đến.”

“Tôi thấy lẫn lộn khi Tiến sĩ Becker vô tình bị đặt biệt hiệu là Thiên thần, giống như tên giết người tâm thần của chúng ta vậy.”

“Thực ra,” Daher đáp lời, “hắn không phải thiên thần, hắn là sát thủ thiên sứ.”

“À.”

“Và cả hai đều là người Mỹ.” Daher nói thêm.

“Anh sắp sửa phải gạt bỏ cái ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí mình rồi đấy. Tôi đã đọc hồ sơ hành quyết của năm năm rồi, và anh có biết tôi thấy gì không? Cả một bầy sát nhân người Ả Rập Xê-Út. Nếu giết ngtrời là một loại vi-rút thì chúng ta đã chậm chuyển đổi mất rồi.”


Daher đưa ra một cách lý giải lịch thiệp cho vấn đề này. “Thực lòng, tôi nghĩ nó phù hợp vì chúng ta có hai thiên sứ trong vụ này. Một tốt, một xấu.”

“Rất tốt.” Ibrahim nói. “Và anh nói đúng, người hành hình sẽ có những công cụ cho công việc của mình, và có lẽ cả sự thích thú khi thực hiện công việc đó nữa.”

“Nhưng ông đã chứng kiến những cuộc hành quyết rồi đấy.” Daher nói. “Ông có thấy cái lúc chặt đầu người, cảnh sát phải lôi đao phủ ra ngoài. Họ đứng đó chờ đợi để lôi anh ta đi bởi họ lo ngại anh ta sẽ nổi cơn khát máu và gây hại cho những người khác. Ngay tại quảng trường! Trước mắt hàng trăm con người! Nhưng sự khát máu là có thật. Họ luôn phải lôi anh ta ra ngoài.”

Ibrahim đã từng chứng kiến những vụ hành quyết khi còn là một sĩ quan, cùng gần như vậy. “Điều đó đúng, nhưng cũng là truyền thông nữa. Trông anh ta có vẻ gì cần phải kéo đi không?”

“Thinh thoảng, có chứ!”

Ibrahim cố sắp xếp những hình ảnh đang dựng lên trong tâm trí ông về tên giết người hàng loạt với cảm tưởng của chính ông đối với một đao phủ từng gặp. Daher đã đúng về nhiều mặt, nhưng trong tâm can Ibrahim lại muốn phản bác.

“Tôi đã một lần trò chuyện với một đao phủ.” Ibrahim nói. “Anh biết anh ta nói gì về công việc của mình không? Anh ta đang nâng cao nhận thức.”

Daher phá lên cười.

“Đó chính là cách anh ta mô tả về công việc đó.” Ibrahim nói tiếp. “Nâng cao nhận thức về sự ghê rợn của việc giết người và cố gắng để khuyến khích mọi người không phạm phải những sai lầm trong giây phút cuồng dại mà hủy hoại cả cuộc đời mình.”

Daher cưòi toét miệng. “Điều đó thật buồn cười. Tôi đoán chắc anh ta nghĩ hầu hết những tên sát nhân đều không có tự chủ. Phải vậy không?”

Ibrahim nhún vai. “Phần lớn những ai giết người đều mất tự chủ, có khi chỉ trong giây lát.”

“Nhưng không phải tên giết người Thiên sứ đó.” Daher nói. “Hắn ta lập kế hoạch cho việc đó.”

Lại có tiếng bước chân ngoài hành lang và Daher bật dậy khỏi ghế. Trong một phần giây trước khi lao về phía cửa, cánh tay phải của anh ta vung sang bên hông. Anh ta tìm khẩu súng ngắn không mang theo khi vào trụ sở trống không vào thứ Sáu. Ibrahim giật mình.

Daher quay vào với vẻ khinh ghét. “Cô Hijazi đang ở đây.” Anh ta nói.

Katya đứng trước cửa văn phòng. Cô đang ôm hai tập hồ sơ.

“Xin chào.” Ibrahim chào và đứng dậy. “Quả là một bất ngờ thú vị, cô Hijazi. Mời cô vào.”

“Chào ông.” Cô đáp. “Tôi chỉ đến lấy một số hồ sơ thôi.”

“Tại sao cô lại làm việc?” Daher hỏi với thái độ không đồng tình thấy rõ. “Hôm nay là thứ Sáu đấy!”

“Thế không phải cũng là thứ Sáu với anh sao?” Katya vừa hỏi lại vừa đi qua anh ta để vào văn phòng. Cô nói với Ibrahim: “Tôi đã ra ngoài sa mạc hôm qua. Tôi đến hiện trường.”

“Cô tự đi một mình đến đó sao?” Daher hỏi.

“Không, tôi đi cùng nhóm Murrah. Talib al-Shafi và các cháu của ông ấy đi cùng tôi và chồng tôi.”

“Cô đã được phép làm việc đó đấy chứ?” Daher vừa hỏi vừa nhìn Ibrahim. “Tôi chẳng biết gì về việc này cả.”

“Chúng tôi không dành nhiều thời gian ở khu vực hiện trường.” Katya vẫn tiếp tục nói chuyện với Ibrahim. “Chúng tôi đi về phía tây và đã tìm được địa điểm mà chúng tôi cho rằng tên sát nhân đã trở lại. Tôi đoán hắn ta đã quay lại đó, nếu không thì làm thế nào hắn biết chúng ta đã phát hiện ra những cái xác ấy? Và chúng tôi cho rằng hắn biết điều này, bởi bàn tay của Amina”

“Suy luận tốt lắm.” Ibrahim nói và cảm thấy bối rối. “Vậy là cô cho rằng đã tìm được địa điểm hắn trở lại?”

“Đúng vậy. Talib nói rằng một người đàn ông đã đến đó bằng chiếc xe tải hiệu GMC và đi bộ để tìm một địa điểm có thể quan sát khu mộ chôn. Ông ấy cũng nói các dấu chân cho thấy hắn tức giận.”

“Nhưng cô đâu biết chắc đó là hung thủ thực sự.” Daher nói.

“Talib chắc chắn các dấu chân tại điểm quan sát phù hợp với dấu chân ở khu mộ chôn.”

“Tôi tưởng những dấu chân ở khu mộ chôn không rõ lắm chứ.” Daher nói.

“Chúng đủ rõ để điều tra.”

“Vậy thì để tôi nói thẳng nhé: một ông già mù tìm dấu vết người Bedouin định nói với chúng ta rằng đấy là hung thủ của chúng ta sao? Những dấu chân đó có thể là của bất cứ ai!”

Ibrahim nhận thấy nét mặt của Katya cau lại. “Đó là một nơi rất hẻo lánh.” Cô nói. “Không có dấu chân nào khác ngoài đấy cả.”

“Điểu ấy không có nghĩa rằng không có ai khác ở đó.”

“Cái chính là Talib tin rằng các dấu chân trùng khớp.” Katya nói. “Chính vì vậy nếu thực sự tên giết người đã xuất hiện ở khu mộ chôn, thì sự có mặt của hắn là vào khoảng năm hoặc sáu ngày trước.”

“Lần tới ấy,” Daher nói, “những gì tương tự phải được làm rõ bởi thanh tra phụ trách vụ án - ông Zahrani - và nó cần được làm rõ với cả Chánh Riyadh nữa. Cô có thể đã làm rối tung cả hiện trường vụ án rồi!

“Tôi làm việc trong đội pháp y.”

“Đúng, nhưng cô làm những công việc pháp y trong phòng thí nghiệm, không phải trên hiện trường. Cô đã tới một hiện trường vụ án thực sự được bao nhiêu lần rồi? Một lần? Hai lần? Có những nguyên tắc, và việc cô đã đến hiện trường vụ án không có nghĩa là cô biết cách để xử lý hiện trường. Về mặt chuyên môn mà nói, việc cô có mặt ở đó một mình có nghĩa là chúng ta không thể sử dụng các bằng chứng đó trước tòa được!”

“Tôi không ở đó một mình.”

“Được thôi, nhóm Murrah ở đó, và điều này có thể được chấp nhận ở tòa, nhưng nó có thể phá hủy mọi thứ.”

Ibrahim, một lần nữa, bất động trước cả hai người bọn họ. Nếu ông đứng về phía Katya, ông sẽ mạo hiểm với việc khiến nhân viên tốt nhất của mình lánh xa, nếu ông không bảo vệ cô, ông sẽ mạo hiểm đánh mất một người mà ông hoàn toàn tin tưởng trong vụ Sabria - và là người đang tiếp cận vụ án Thiên sứ sáng tạo nhất.

“Còn ngày thứ Năm của anh thì thế nào hả?” Katya hỏi Daher.

Anh ta giật mình, tỏ vẻ khó chịu. “Chúng tôi đã nhận diện được một nạn nhân khác.”

Katya quay ra cửa.

“Cô có người đưa tới đây không?” Ibrahim hỏi.

“Tôi có.”

“Tốt. Để tôi đưa cô xuống bãi xe.”

“Không cần thiết đâu ạ.” Katya nói.

“Không ai nên ở đấy một mình, nhất là khi tòa nhà lại trống vắng như thế này. Nếu hung thủ biết việc ở khu mộ chôn thì hắn biết chúng ta.”

Katya lưỡng lự gật đầu.

Khi họ khuất khỏi tầm nghe, Katya nói. “Thực ra tôi đã mong sẽ gặp được ông ở đấy. Tôi đã có kết quả mẫu máu tìm được trên tâm thảm ngoài cửa căn hộ của Sabria.”

“Cô nói đi.”

Katya chần chừ. “Kết quả DNA không phải là của ông, nhưng của ai đó liên quan tới ông.”

“Sao cơ?” Ông dừng bước.

“Đúng vậy.” Cô nói. “Và nó là của nam giới.”

Một cơn hoảng loạn, giận dữ, và hoài nghi tột độ. “Cô có chắc về điều này không?”

“Có, tôi đã kiểm tra rất kỹ. Tôi đã mất rất nhiều thời gian với việc đó.”

“Thôi được rồi.” Ông nhận ra mình đang thở gấp gáp. “Thôi được rồi, tôi sẽ đế ý đến vấn đề này.”

“Vậy ông biết người đó là ai?”

“Tôi nghĩ vậy.” Ông nói.

“Ông có muốn thử kiểm tra DNA của người đó không?” Cô vừa hỏi vừa lấy ra một tâm gạc trong túi áo.

Ông lắc đầu. “Không. Tôi sẽ đề nghị khi cần.”

“Thôi được.” Cô có vẻ lưỡng lự. “Tôi tưởng ông nói rằng không ai trong gia đình ông biết về cô ấy.”

“Rõ ràng là tôi đã sai.”

Jamila đón ông ở cửa nhà với vẻ mừng rỡ ra mặt. Hình như họ đã dựng lên một vở kịch. Khi ông đi qua bà ta để vào phòng khách, thì té ra bà ta đã làm một việc ngớ ngẩn, mà chắc trong vòng mười năm nữa sẽ không lặp lại: bà ta đã sắp đặt một người chồng cho Hanan, cô chị của cặp song sinh.

“Con bé mới có mười tuổi.” Ibrahim nói. Ông liếc nhìn vào phòng ngủ, không có ai ở đó. Ông đang tìm đứa con trai cả, Aqmar. Vợ của Aqmar, Constance, đã mở cửa căn hộ tầng dưới và nói là anh đang ở trên này.

“Mười tuổi thì đã làm sao!” Jamila hét lên. Farrah ngồi nép sang bên, trông lúng ta lúng túng. “Dù sao thì con bé sẽ không cưới xin gì cho đến khi đủ mười sáu tuổi. Nhưng tôi đã sắp đặt mọi chuyện rồi! Chỉ cần sự đồng ý của ông nữa thôi.”

“Cậu ta là ai?” Ông đi qua bà ta để vào phòng khách của nữ giới. Căn phòng cũng trống không nốt. “Aqmar đâu?”

“Tên cậu ta là Taha al-Brehm; cậu ta là con trai của anh họ tôi Abdullatif, người sống ở Riyadh ấy.”

“Bà đã gặp cậu ta chưa?”

“Cậu ta có cả một nhà máy dệt và ba cửa hàng điện thoại di động, còn bố cậu ta thì nhiều tiền hơn bất cứ người nào trong dòng họ “ Jamila vỗ tay.

“Bà đã nói chuyện với Hanan chưa?”

“Vẩn chưa.”

“Aqmar đâu rồi?” Ông hỏi lại.

“Tôi không biết. Ông nghĩ sao? Cậu ta quá xứng với con bé. Cậu ta là người rất truyền thống. Thích cưỡi ngựa và huấn luyện chim ưng, hãy nghĩ mà xem!”

Ông quay sang phía Farrah. “Con có thấy anh con đâu không?”

“Anh ấy ở trên tầng thượng ạ.” Cô vừa đáp vừa lấm lét nhìn mẹ mình.

“Nó không ở trên tầng thượng đâu.” Jamila vừa giận dữ nói vừa chắn ngang lối ra cửa của ông. “Nào, thế ông nghĩ thế nào?”

“Tôi nghĩ hẳn là bà điên mất rồi nên mới cho rằng tôi sẽ để ai đó cưới Hanan mà không có sự đồng ý của con bé. Tôi không quan tâm dù cậu ta có nhiều tiền hơn cả nhà vua.” Ông xô bà ta để đi qua rồi tiến về phía cửa trước khi bà ta kịp phản ứng gì. Nhưng kỳ thực thì tiếng om sòm còn theo ông lên tận tầng trên.

Ông không thể tin được bà ta lại làm cái việc đó. Ông chỉ đồng ý đám cưới của Zaki bởi vì Zaki đã đồng ý - và người ta phải biết nghĩ sau cuộc hôn nhân thất bại đó chứ, đáng lẽ bà ta phải tỏ ra chừng mực hơn.

Aqmar đang ngồi trên một tấm thảm ỏ tầng thượng trông như một chiến binh tử vì đạo kiên định. Anh mặc chiếc quần đùi ka-ki và áo phông màu xanh quân đội cũ đã mặc từ bao năm nay. Ibrahim vẫn nghĩ nếu ông không quyết liệt và khước từ việc để con trai mình đi Iraq chiến đấu trong cuộc thánh chiến chống lại Tây phương, thì hẳn Aqmar giờ này đã chết rổi. Thời kỳ mong muốn được trở thành anh hùng đã trôi qua nhanh như khi nó đến, nhưng trong trái tim của một người cha, những điều như thế không bao giờ nguôi ngoai. Những viên than đá trên chiếc điếu ống phía sau anh sắp tàn, và mùi thuốc lá thơm còn vương vất giữa những bức tường.

Một buổi tối Ibrahim và Sabria đang trên đường trở về từ một bãi biển tư nhân thì cô muốn dừng lại ở một cửa hàng rau quả. Bọn họ đã dừng xe. Khi ra khỏi ô-tô, Ibrahim phát hiện ra Aqmar và Constance đang lững thững đi trên hè phố ngắm nghía các cửa hàng. Ibrahim vội vàng né người vào trong xe và ngăn không cho Sabria bước ra. Ông đã lái xe đi ngay lập tức. Ông không chắc chắn, nhưng có cảm giác là con trai mình đã trông thấy. Họ không bao giờ nhắc đến chuyện đó cả. Cách cư xử của Aqmar đối với ông không hề thay đổi gì, nên Ibrahim tự nhủ mình chỉ mường tượng đến tình huống xấu nhất.

Lúc này, Aqmar đang ngồi trên nóc mái, nhìn thấy bố và giơ tay đang cầm chiếc điện thoại di động lên.

“Zaki vừa gọi để nói cuối tuần nó sẽ cắm trại với mấy người bạn ở sa mạc. Nó muốn con đảm bảo cho Saffanah có tất cả những gì con bé muốn. Bố có tin được tên nhãi này không bố?”

Ibrahim ngồi xuống cạnh anh, tựa lưng vào tường và cố tỏ ra thoải mái. “Còn ít thuốc lá thơm nào không con?”

“Không ạ.” Aqmar tỏ vẻ ái ngại và định đứng dậy. “Để con chuẩn bị thêm một ít nữa.”

“Không cần đâu con, cứ ngồi đi.”

Aqmar ngả ra sau và liệng chiếc điện thoại lên tấm thảm. “Con không hiểu tại sao nó cưới con bé đó nữa. Nó biết đó là một quyết định dở hơi. Và giờ thì nó muốn đẩy hết mọi rắc rối lên chúng ta.” Với từ chúng ta, anh muốn ám chỉ đến hai bố con họ.

“Em có kể với con về phiên tòa ly hôn không?”

“Bố có đùa con không đấy? Nó không thể nín miệng về chuyện đó.”

Ibrahim tựa thẳng lưng vào tường và cố gắng thở ra. Ông muôn dành một chút thời gian, lựa chuyện như một võ sĩ không có ý tung cú đấm, không muốn bị trúng đòn nhưng lại bị kẹt trên võ đài. Nhưng Jamila có thể lên tầng thượng bất cứ lúc nào, hoặc là một trong những đứa cháu của ông.

“Ta đến nhà thờ đi con.” Cuối cùng ông lên tiếng. Aqmar trông có vẻ không muốn, nên ông nói tiếp. “Hôm nay là thứ Sáu mà.”

Họ bước đi trong không khí trời đêm mát mẻ dễ chịu. Họ không nói gì nhiều nhưng quyết định sẽ đi bộ cả quãng đường đến một nhà thờ lớn trên phố Makkah, thay vì nhà thờ nhỏ thường đến. Nhà thờ lớn là một công trình hiện đại, vuông vắn và không có đỉnh nhọn, điểm nhấn duy nhất là chiếc tháp được trang trí lộng lẫy với kiến trúc bằng đá. Bên trong nhà thờ chật cứng đến mức họ phải len ra phía sau mới có vừa đủ chỗ để mỏi cổ rướn lên nhìn. Sau lễ cầu nguyện, họ rời nhà thờ trước khi bị cuốn vào những cuộc đàm luận. Họ dừng chân ở một quán café để ăn kem. Đó là một cái quán nhỏ xíu liền sảnh với hai chiếc ghế nhựa màu trắng để bên cạnh cửa vào. Có hai người đàn ông đang ngồi ở đó, một người vừa nhấp trà vừa đọc báo, người kia đang ăn thứ gì đó có vẻ giống bánh kẹp Sambooli. Mãi đến khi họ về nhà Ibrahim mới đánh bạo mở lời.

“Tuần trước một cộng tác viên của bố ở Đội Điệp vụ đã mất tích.”

Aqmar có vẻ lúng túng, hiển nhiên là đang tự hỏi chuyện đó thì có liên quan gì đến mình.

“Tên cô ấy là Sabria Gampon.”

Gương mặt con trai ông, vốn không quen với việc làm bộ, thể hiện sự choáng váng rồi xấu hổ và bất an. Theo đúng kiểu phản ứng đó, Ibrahim hiểu rằng thực tế Aqmar biết người đó là ai và anh đang ngượng ngùng vì điều này.


“Chuyện gì đã xảy ra vậy ạ?” Aqmar hỏi.

“Bọn bố không chắc nữa, nhưng họ đã tìm được DNA ai đó để lại trên chiếc đinh trong tấm thảm ngay ngoài cửa căn hộ của cô ấy. Có người đã bị chảy máu chân ở đó.”

Aqmar bối rối khổ sở. “Có một hôm con đến chỗ làm của bố và thấy bố rời khỏi tòa nhà. Con nghĩ sẽ đuổi kịp bố trên đường nhưng không thể, và rồi con thấy bố đỗ xe...”

Một sự thật hiển nhiên là sự phán đoán của cảnh sát - khả nắng nhận ra những kẻ nói dối, nắm bắt được cảm xúc chỉ bằng một cái liếc nhìn, khơi gợi những điểm yếu và đến cả những bí mật được chôn giấu kỹ nhất - đã biến mất khi đối tượng là người yêu quý. Ông thấy hốt hoảng khi nhận ra ông không thể xác định được con trai mình có nói dối hay không.

“Vậy con đã ở đó?” Ibrahim hỏi,

Aqmar gật đầu. Anh vạch chiếc quai dép để lộ vết cắt bởi chiếc đinh. Nó đã liền da những vẫn còn đỏ lằn.

“Con nhận ra bố đang đi thăm một người bạn.” Giọng Aqmar chùn đi. Con đã nghĩ mình bắt quả tang bố ngoại tình. Hãy nói cô ấy chỉ là bạn đi bố..

Ibrahim nhìn cả cuộc đời làm cha của mình đang mở ra trước một vấn đề vô cùng khó khăn, và ông đứng đó hoàn toàn bình tĩnh giữa sự hối thúc nói ra toàn bộ sự thật và việc nhận thức được rằng sự thật cũng có thể trở thành sức mạnh hủy diệt dối với bất cứ mối quan hệ nào.

“Bọn bố đang hoàn thành nốt nhiệm vụ cuối cùng.” Ông nói. “Con có bất ngờ vì việc Đội Điệp vụ có phụ nữ không?”

Ông thấy ghét chính bản thân mình.

“Không ạ. Bố đã nói trước chuyện đó rồi.” Aqmar trông có vẻ vẫn còn bối rối. “Có lần bố đã nói hầu hết những vụ trộm cắp ở Jeddah có liên quan đến phụ nữ.”

“Hoặc đàn ông cải trang giống phụ nữ.”

Một tá những câu hỏi đang xoáy vào tâm trí ông. Con có gõ cửa không? Cô ấy có mở cửa không? Bố có đang tắm không? Con có đứng đó nghe ngóng gì không? Ông cố gắng nhớ xem liệu Sabria có vẻ gì khác không. Liệu cô có biết Aqmar đã đến, liệu cô có mở cửa hay không.

“Con có nhớ con đã ở đâu cách đây hai tuần vào thứ Tư không?”

Aqmar khẽ mỉm cười với ông. “Con đang bị thẩm vấn ạ?” Khi Ibrahim không đáp lại, thì anh nói. “Con làm việc vào tất cả các tối thứ Tư cho đến tận mười giờ. Bố biết mà. Đó là ca làm mười bốn tiếng của con. Bố có thể gọi cho sếp con.”

“Con đã đến căn hộ đó khi nào?” Ibrahim hỏi.

“Khoảng ba tuần trước.”

“Con có nhớ chính xác đó là hôm nào không?”

“Ừm, vâng... đó là Chủ nhật. Hôm đấy con không đi làm.” Aqmar khoan chưa qua đường. “Đáng lẽ con đã gõ cửa, nhưng con nhận ra là bố đang làm việc và con không muốn làm phiền.”

Và đây, sự trừng phạt thực sự đối với sự dối lừa của ông: con trai ông có thể đang nói dối chính ông. Có lẽ điều mà Aqmar muốn nói là Con cho rằng bố có nhân tình và hốt hoảng bỏ chạy rồi đạp chân lên đinh.

Ibrahim nhìn Aqmar đang phải đay dứt với những điều còn sâu kín hơn nữa: sự tức giận thay cho mẹ anh; sự thất vọng trước những lời dối trá của bố mình; khao khát có được niềm hạnh phúc của bố và hiểu được tại sao ông chọn con đường này đế có được hạnh phúc đó; cảm giác xấu hổ đối với tất cả mọi chuyện đã xảy ra.

“Đội Trọng án cũng có phụ nữ.” Ibrahim nói. “Nhưng bọn bố hiếm khi thấy họ.”

Aqmar gật đầu. “Con mong là bạn bố sẽ ổn.”

Họ bước đi trong im lặng trên suốt quãng đường còn lại trở về nhà.

Về đến nhà, Aqmar chúc ông ngủ ngon rồi bước vào căn hộ của mình, nơi mà người vợ nhẫn nhịn của anh đã phải chờ đợi suất ba giờ đồng hồ. Ibrahim nghe tiếng Jamila đang nói chuyện điện thoại trên gác, lớn tiếng than vãn với một người bạn về cách hành xử phát bực mình của ông: không cho Hanan được đính hôn với một ông anh họ giàu có! Nó khiến ông nghĩ đên việc gõ cửa căn hộ của Zaki, đối diện căn hộ của Aqmar qua hành lang.

Saffanah mở cửa chỉ để lộ một con mắt. Nó đỏ ngầu và giận dữ. Cô ta lùi lại và để ông vào. Ông bước vào sảnh mà cô ta đang đứng ôm lấy eo, trông khổ sở.

“Con thế nào?”

Cô ta nhún vai.

“Chuyện với Zaki sao rồi?”

Cô ta lắc đầu. “Anh ấy sẽ không làm việc đó đâu ạ.” Cô ta vừa nói vừa ôm mình chặt hơn. Ông có thể nhận ra qua đôi vai run rẩy của cô ta rằng cô ta đang cố giữ không khóc. Đó là trận đánh mà ngay tức thì cô ta đã thua.

“Ra ngoài đi.” Ông nói. Ông không thể chịu được khi nhìn cô ta khóc. “Con có cần rau quả gì không?”

Cô ta gật đẩu.

Họ ra một khu chợ cỡ trung. Cô ta để ông đợi ở lối vào cho đến khi người khách duy nhất - một người đàn ông - mua hàng xong và rời khỏi đó. Cửa hàng chuẩn bị đóng cửa nhưng người chủ chờ đợi một cách nhã nhặn trong khi Saffanah dạo qua các quầy hàng với chiếc giỏ xách trên tay, luôn cảnh giác nhìn ra cửa đề phòng có người vào và cắt ngang việc mua sắm của cô ta. Cô ta vẫn không vén khăn che mặt lên và lần này thì ông đoán là do hai mắt cô ta đã sưng đỏ. Có thể ngay từ đầu đã thế.

Khi cô ta ra quầy thu ngân, Ibrahim trả tiền và giúp người chủ cửa hàng cho đồ vào túi. Ngay khi họ trở vào xe, ông nói: “Cuối tuần này Zaki sẽ ra ngoài thành phố, và bố biết là con không muốn dành thời gian buổi tối với mẹ, vậy thì sao chúng ta không sang ngồi với Aqmar và Constance rồi nướng bánh sô-cô-la hạnh nhân nhỉ?”

Cô ta cúi nhìn chiếc túi mua hàng rồi lắc đầu.

Khi mang túi rau quả vào nhà xong, ông rón rén bước lên gác để về phòng. Jamila vẫn đang nói chuyện điện thoại nhưng may thay cửa ngoài đã đóng, nên những lời phàn nàn của bà ta chỉ lí nhí. Ông lẻn vào phòng khách nam, túm lấy mấy cái gối rồi mang lên tầng thượng. Ở đó ông đã kê cho mình một chiếc giường nhỏ bên chiếc điếu ống và chìm vào giấc ngủ khi đang ngắm những vì sao lấp lánh, tâm trí băn khoăn không hiểu con trai ông nghĩ gì về bố mình.