Et toi, la lummiere
Qui a vendu la mèche?
(Thơ của J. Prévert, Pháp) phỏng dịch ý:
Anh là cây đèn
Em là ánh sáng
Ai đem bán mất tim đèn?
Đứng trước gương, thắt lại quai mũ sắt, Đắc khe khẽ đọc thơ J. Prê-ve. Chính bảo: đừng trách cô ấy. Anh cũng nghĩ vậy, chỉ thoáng buồn. Và nỗi buồn chỉ thật thấy trong cặp mắt rất đẹp của anh, khi anh đứng trước gương, sửa sang lại từng chi tiết trang phục, chuẩn bị ra trận.
Đắc đẹp rắn rỏi với một gương mặt ngăm ngăm nâu, hai con mắt thâm trầm dưới hàng mày rậm và đen nhánh. Hàng ria mép mới cạo, xanh đen những chấm chân râu, phù hợp với cái gò mũi cao và đôi môi anh thoáng vẻ ngạo nghễ.
Nắng vừa loe một góc sân. Cái sân ồn ồn. Gần chục cán bộ sẽ đi chuyến này. Một anh bên giáo dục. Hai anh công an. Hai anh bên thương nghiệp. Y tế có hai anh và Dung. Cán bộ hành chính có Khả. Cán bộ có năng lực bao giờ cũng là đồ trân bảo. Lúc này, rút ra được từng ấy người đi tăng cường cho Pa Kha là một sự cố gắng lớn rồi. Giờ là lúc người đi kẻ ở chia tay. Đắc bước xuống sân. Không có ai tiễn biệt, chia tay anh cả. Lâu nay anh giữ một cá tính hơi lạnh lùng và bí ẩn. Anh ít bạn gần. Chỉ có Chính. Thì đêm qua hai người đã trò chuyện kỹ lưỡng. Còn nhắn nhủ, nhớ nhung? Không có. Ngoài Chính ra, chưa ai biết mối tình buồn của anh. Cũng chẳng cần an ủi. Một cuộc sống chiến sĩ, đó là niềm hãnh diện của anh.
- Thế nào, gọn gàng chưa, các đồng chí?
Đắc hỏi, đi một vòng kiểm tra lại đồ đoàn của những người ra đi. Gọn nhẹ cả. Dung địu con, khoác một cái túi xanh như tay nải. Lôi thôi lếch thếch chỉ có Khả. Lưng đã kềnh kệnh một cái ba lô hướng đạo sinh, hai vai hai túi dết, tay lại còn bung bênh mấy cái bánh chưng. Vợ Khả bế con, cùng đứa con trai lên hai đang đứng cạnh chồng, mặt thẫn thờ lo âu. Đắc cúi xuống chú bé:
- Nào, bắt tay cháu Thái Niên nào? - Rồi anh ngẩng lên, nhìn Khả - Ông Khả kềnh càng thế phỉ nó đuổi thì chạy thế nào!
Câu nói đùa không ngờ làm vợ Khả tái mét mặt mày. Khả cười hề hề, ra vẻ cứng cỏi:
- Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử. Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Con người từ xưa ai chả chết. Lưu lại lòng son với sử xanh). Sợ gì, anh Đắc! - Rồi anh quài tay ra sau ba lô nắn nắn - Cứ phải đàng hoàng, anh Đắc ạ. Ơ, nhưng cái gì nữa thế này? A, thuốc lá sừng bò! Lọ gì đây? A, ruốc! Sữa Con chim. Cái gì nữa thế này? À, đường hoá học. Bôồng! Bôồng! (Tốt! Tốt). Cô Tuyết Minh này chu đáo hết chỗ nói đấy.
Mắt Tuyết Minh láng nước. Nhìn Đắc, chị nhi nhí:
- Nhà em cứ như trẻ con ấy, nhờ anh có gì bảo ban hộ.
Đắc vỗ má đứa bé trên tay vợ Khả, cười:
- Chị đừng lo, anh ấy tinh khôn bằng mấy tôi ấy chứ! Khả quay lại nhìn vợ, cau mặt:
- Cô này chỉ vớ vẩn.
- Chứ lại không à - Vợ Khả nguýt chồng.
Khả xốc quai ba lô, mắt nhay nháy:
- Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu. Anh chỉ lo cho mấy mẹ con cô ở nhà thôi - Rồi toét miệng cười dàn hoà, Khả cúi xuống với con trai - Nào, chia tay con trai, con gái của ba nào. Thái Niên thơm ba đi. Chút kêu to cơ. Con gái Lục Yên ở nhà với mợ, bú tí ngọt, ngủ khì nhé. Cô nhớ ban đêm phải quấn tã chặt chịa bụng con, đừng có để nó tơ hơ toai hoải đấy. Hàng ngày phải vuốt mũi, xoa tai con cho nó khỏi hăm. Con nó hẹ hẹ là buồn đi tè, phải xi ngay…
Đắc tủm tỉm, đi lên phía Dung. Dung hỏi anh, vẻ sốt ruột:
- Ta đi chứ, anh?
- Đi thôi!
Vợ Khả ngẩng lên nhìn chồng, nước mắt nhoèn vành mi, rồi cúi xuống, kéo tay con trai:
- Anh đi mạnh khoẻ. Nhớ viết thư đều cho em với các con. Chào ba đi, con!
Ngày thứ ba, đoàn cán bộ đi bổ sung cho Pa Kha vượt sông Chảy, đặt chân lên một vùng đất hoang vắng, trơ trụi. Bên đường họ đi, hoa tục đoạn như quả bông tròn xốp nở, khe suối nhỏ rí rách vang khe đá. Gió hây hẩy mang mùi hương ngải cứu thơm nồng. Và núi tiếp núi, ngờm ngợp màu vàng xuộm của gianh già.
Khả là người vui vẻ nhất trong đoàn cán bộ đi Pa Kha chuyến này. Anh chàng huýt sáo vang vang, ngâm thơ luôn miệng, và trò chuyện huyên thuyên suốt dọc đường. Miền đất này quyến rũ tâm hồn anh, hay vùng đất mới này hứa hẹn những điều tốt đẹp cho tương lai của anh? Quả thật là, suốt mấy năm kháng chiến gian khổ, Khả chưa bao giờ đi mặt trận. Anh chàng thư ký quèn thuộc lớp công chức thấp kém nhất trong xã hội cũ, năm 1945 đi với Cách mạng, thuỷ chung vẫn là anh chàng tính tình bô lô ba la, ranh mãnh và khôn ngoan. Ba bốn năm kháng chiến, Khả đều lẩn tránh khỏi phải đi vào những nơi đầu sóng ngọn gió, giáp mặt với quân thù, khi thì vì lý do sức khoẻ, khi thì vì bíu ríu vợ con, gia đình.
Tuy vậy, cũng chẳng ai trách anh, vì anh biết làm vừa lòng mọi người, vả anh cũng rất hăng hái và tỏ ra có kinh nghiệm trong công tác hành chính ở văn phòng. Anh thường đắc ý với lối sống ni anges ni bêtes (không là thánh thần, không là con vật), không thái cực, thật đúng đạo trung dung khôn khéo của mình. Nhưng, khi tỉnh nhà giải phóng và cuộc kháng chiến đã thấy ngày thắng lợi cuối cùng, Khả bỗng thấy giật mình. Chết thôi! Ngồi buồn nghĩ tới công danh. Khi vui muốn khóc, buồn tênh muốn cười. Chao ôi! Tam thập nhi lập. Đến cả cái thằng Vận võ sĩ cũng đã công thành danh định cả rồi. Còn Khả, sắp ba chục cái lá vàng rơi rồi mà vẫn chỉ là anh chàng phó phòng hành chính, là anh chàng đắc-ti-lô (người đánh máy chữ) lèm nhèm thế a?
Khả sốt ruột sốt gan. Phần khác trong lòng cũng nổi dậy chút tự ái và lòng tự trọng. Chả lẽ mình không có đóng góp, mình không dám xông pha!
- Úi chà chà! Cảnh đẹp như tranh cổ nước Tàu kìa!
Khả gò lưng leo dốc, chốc chốc lại dừng lại, reo to, cố tỏ ra mình còn dư sức và thư thái, đáng mặt làm anh phó đoàn, vị trí chỉ ở sau có Đắc.
- Cô Dung, trông cảnh tuyệt không kìa!
Lần này, đứng ở lưng dốc, chống gậy, ra vẻ thưởng thức cảnh đẹp, nhưng thật ra là Khả đứng nghỉ, đợi Dung đi ở cuối đoàn. Dung địu con, chỉ có cái túi quần áo trên vai, trán đầm đìa mồ hôi, ngẩng lên. Trước mắt họ, giữa những đỉnh núi nhọn như mũi đinh ba, mây từng sợi vắt qua mỏng manh như những sợi tơ tằm.
- Chậc chậc… huyền ảo, mỹ lệ vô cùng! Cái hồi năm 1946, anh Chính đi thuyết phục thổ ty về, tả cảnh vùng cao đẹp tuyệt trần, mình cứ không tin. Hừ, đời người dễ đâu được thưởng thức cảnh đẹp như thế này. Thật không đi lần này cũng phí cả đời người, cô Dung nhỉ.
Dung dấn bước. Con dốc hun hút. Ngước lên chỉ thấy mờ mờ. Một xứ sở Dung chưa hề biết, nhưng lại giục giã chị biết bao nhiêu. Chị đang đến với Quang Ngọc. Yêu anh, chị chỉ muốn chia sẻ mọi gian lao với anh.
- Cô Dung đã thấy mặt thằng thổ ty nào chưa? - Đi cạnh Dung, tiếng Khả lúc này đã lẫn với hơi thở.
- Em chưa thấy.
- Thế thì kể cũng tiếc thật. Hồi năm 1946, tôi là chánh văn phòng uỷ ban quân quản, tôi giáp mặt suốt lượt. La Văn Đờ như cây thịt, ba anh em Nông Vĩnh Yêng đặc con nhà đại phú gia. Du côn thì là Hoàng Văn Tường. Còn Châu Quán Lồ thì hung tợn đệ nhất… Hừ, hồi đó chúng liên hiệp với mình được gần năm rồi mới quay ra phản bội mình, đón tụi Pháp về… Hừ hừ… cái dốc quái gì mà dài thế nhỉ?
Khả xốc lại quai ba lô, phì phò thở:
- Cô phải hiểu rằng chính bọn thổ ty là chủ mưu cuộc gây phỉ lần này đấy. Hừ, đời cũng hay, chọi nhau với chúng hết hiệp này đến hiệp khác. Lại vẫn là ông Chính, ông Đắc, tôi bên này… còn bên kia lại là La Văn Đờ, Châu Quán Lồ… Anh Chính quả thật là tay cự phách. Còn ông Đắc cô chưa biết đâu. Hơi nóng. Nhưng đi với ông này yên trí vô cùng. Trông ông ấy cô có thấy quý tướng hiển hiện lên không? Vững chắc như đồi núi, khó hiểu như âm dương, dũng mãnh như chúa sơn lâm.
Dung bật cười:
- Thế còn anh?
- Tôi ấy à… Thường thôi, nhưng cũng không đến nỗi là cái bã mía đâu - Hổn hển Khả đưa khăn lau cái cổ mướt mồ hôi - Hừ, đường với xá đến buồn cười. Mãi không hết dốc. Mấy cái anh Mán, Mèo này lạ thật! Ở đâu không ở lại kéo nhau lên trú ngụ ở tít tịt lưng giời thế này.
Khả đã bắt đầu thấm mệt. Đường xa, cái kim cũng thành nặng. Huống hồ anh lỉnh kỉnh túi nọ túi kia, lại thêm khẩu súng trường và hai mươi viên đạn. Sức anh đã xổi, anh lại không quen dãi dầu. Vùng núi cao lúc này đã hiện lên với tất cả sự khắc nghiệt của nó. Đường ghập ghềnh, khi cheo leo bên bờ vực, lúc lửng lơ giữa mây trời. Có chõ phải bám vách đá mà lần từng bước. Có chỗ đã đá tai mèo lại chênh vênh, phải bò mới qua được và vắng, vắng rợn người. Và dốc, dốc đến nản lòng. Đến trưa, tới đỉnh một con dốc, vì cái ba lô kéo ngửa ra phía sau, Khả dộng đánh ịch xuống đất.
- Anh Khả, anh uống ít nước nhé!
Nhận cái bi đông Dung đưa, Khả tu một hơi ừng ực rồi vừa duỗi chân, duỗi tay nằm thiêm thiếp thì Đắc đã hạ lệnh lên đường. Gắng gượng, Khả nhổm lên cố theo đoàn, nhưng chỉ lát sau anh đã tụt dần lại phía sau rốt đoàn người. Sợ Khả lạc, Dung đi chậm để chờ anh.
- Anh Khả, để em mang đỡ cái túi dết cho.
- Vậy cô mang hộ tôi khẩu súng nhé.
- Ối, em chịu thôi.
- Thế phỉ nó úp thì cô làm thế nào?
- Thì em kêu.
- Hứ, gì mà nhát thế. Cô phải hiểu rằng cái chết là đồng hành của kẻ theo đuổi nghiệp võ.
Khả lê từng bước, tiếng nói lào thào qua cả hai lỗ tai. Càng lúc anh càng tụt xa đoàn. Lát sau, đang đi bỗng Dung quay lại sau vội gọi to, vì thấy Khả đang rúc vào bụi cây tìm ăn những mâm xôi đỏ mọng như dâu chín. Nghe tiếng Dung gọi, Khả vội chui ra khỏi bụi cây. Cái ba lô làm anh loạng choạng.
Đắc khoác khẩu các-bin từ phía đầu đoàn đang quay trở lại. Không lộ một chút mệt nhọc, anh dừng lại, ngắt mấy quả mâm xôi, đút miệng, rồi nhìn về triền núi bên kia đường. Bóng núi nghiêng, đổ một vùng tối âm âm. Lác đác bên sườn núi bóng những căn nhà lấp ló sau lùm cây, chốc chốc lại bị xoá nhoà vì một đám sương nặng bay qua. Cảnh ẩn giấu sự bất trắc mơ hồ. Con đường độc đạo bên này, nơi họ đang đi, như phơi ra trong tầm nhìn của triền núi bên kia.
- Dồn cự ly lên, cô Dung. Chỗ này có thể nguy hiểm đấy! - Đắc nói, quay về phía Khả - Cho mình xin điếu thuốc.
- Có ngay.
Đắc đón điếu thuốc Cô-táp, bật lửa, bập môi rít, mắt nheo sau làn khói, vẫn không rời mục tiêu triền núi bên kia. Có cái gì đáng nghi ngại quá. Đúng là đáng nghi ngại quá kia. Vừa nghĩ vậy, Đắc đã vứt điếu thuốc, nhảy ngay đến cái rãnh bên đường, thét một tiếng, rồi lia một băng đạn ngắn, sang triền núi bên.
- Các đồng chí, chuẩn bị chiến đấu!
Dự cảm của Đắc đã được xác nhận là hết sức chính xác. Súng từ triền núi bên kia vừa nổ lóp bóp và sau những bụi cây đã hiện ra những bóng áo đen. Họ đã rơi vào ổ phục kích của bọn phỉ Khả tụt quai ba lô, cuống quýt bò vào bụi mâm xôi.
- Anh Khả! Đưa súng cho em.
Dung kéo khẩu súng của Khả để lại ở cạnh cái ba lô, chạy ra đường. Đoàn trưởng Đắc đã dàn đội hình. Toàn đoàn nằm trong vệt rãnh, chõ súng vang bên kia triền núi. Tiếng súng nổ đối đáp nhau vang âm một vùng trời nhỏ. Đắc rê ngọn súng, ngón tay trỏ co mạnh, dứt khoát.
- Một thằng về chầu ông vải rồi.
- Hoan hô anh Đắc!
Tằng tằng tằng…
Bên kia núi, bọn phỉ vãi đạn sang. Lố nhố những bóng đen tụm lại rồi ùa xuống khe núi để ngược lên bên này.
- Nấp cho kín! Nó bắn đại liên đấy. Đợi nó đến gần mới bắn. - Đắc thét.
Khẩu các-bin của anh vẫn săn đuổi mục tiêu, chốc chốc lại nổ một phát chắc lẳn. Luồng đạn bay vun vút qua đầu mọi người. Nhưng, lát sau tiếng súng thưa dần rồi bặt im. Đắc nhổm dậy, phủi bụi quần áo, khoá chốt an toàn khẩu súng, đeo lên vai, quay lại. Cả đoàn quây lại anh đoàn trưởng. Khả lóp ngóp từ bụi cây bò ra, chân tay còn run lẩy bẩy, miệng đã oang oang:
- Tôi nhìn rõ mười lăm thằng tất cả. Mẹ nó chứ, nó xuất kỳ bất ý đánh kẻ không phòng bị. Nhưng mà nó a-la-xô (xung phong) thì nó chết… Hừ, chơi nhau một trận thật ra trò!
Đắc mỉm cười:
- Nào, có ai sợ phỉ không? Biết thế nào là đánh phỉ rồi chứ? Bây giờ, có gì nặng bỏ bớt lại đi. Gọn nhẹ thôi. Tất cả xung quanh ta có địch cả rồi. Ta vừa đi vừa đánh mở đường vào Pa Kha. Nào, súng đạn sẵn sàng đi!
Đắc đoán đúng. Quanh Pa Kha hai chục cây số đã là vùng phỉ hoạt động, khống chế. Có điều Đắc chưa thể biết: cuộc phục kích của lũ phỉ vừa rồi là do Lử chỉ huy. Lử mọc nanh vuốt, đang muốn mở rộng địa bàn chiếm giữ để tranh giành thanh thế với Châu Quán Lồ.