Ngày 18-9 - Phỉ nổi dậy, bắt chủ tịch, thư ký Uỷ ban Lũng Phìn và 20 du kích làng.
Ngày 20-9 - Địch thả 100 dù vũ khí và 2 điện đài xuống Sa Pả. 170 lính dõng cũ theo Vàng Pao Pầu nổi dậy cướp kho thóc huyện.
Ngày 2-10 - Bang tá Lương Văn Phàng hô hào dõng đánh chiếm Mường Vi, Bát Xát.
Ngày 5-10 - Trấn Mường Cang bị Xếp Chẩu chiếm. Chúng kiểm soát đường ra tỉnh và bắt đầu tiến ra thị xã…
Chưa bao giờ thời gian phải chứa nhiều biến cố hãi hùng, nhiều sự kiện căng thẳng đến như thế. Vùng Hmông đã nổi loạn. Rẻo giữa, nơi cư trú của người Dao, có nhiều triệu chứng không lành. Cái vòng khống chế những tế bào ung thư đã bị phá vỡ, những độc tố đã tràn lan ra cả những làng Tày, Nùng, Giáy, Pa Dí, Tu Dí. Quá khứ đang trên đà chiến thắng cuộc sống mới còn non trẻ.
Đang họp ở Trung ương, bí thư tỉnh uỷ Lê Chính vội vã báo cáo tình hình với cấp trên rồi bỏ dở cuộc họp, cấp tốc trở về tỉnh. "Thế là thằng địch đã tranh thủ hành động ngay lúc lực lượng ta chưa được củng cố…”
Chính nghĩ đau đớn khi ngồi trên chiếc xi-đơ-ca của Khu uỷ Việt Bắc, ngược đường lên Lao Cai. Anh chưa có thể hình dung được toàn bộ tình hình, mặc dù đã dự cảm, phỏng đoán và tính toán được trên những nét đại cương ngay từ khi mới giải phóng tỉnh nhà. Mấy ai đã có thể tiên tri được tất cả khi bản thân sự vật chưa chín muồi! Bây giờ đây, khi sự kiện đã qua, dựng lại bộ mặt lịch sử chân thực lúc bấy giờ, chúng ta có thể nói như thế. Chúng ta có thể nói rằng bí thư tỉnh uỷ Lê Chính chưa có thể biết được một kế hoạch phản công cuả địch vào vùng rừng núi mới giải phóng đã được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, tỉ mỉ và những việc đã xảy ra chỉ mới là sự khởi động của màn thứ nhất. Mưu kế đã được tính toán và có một tiến trình khá tuần tự.
Bắt đầu, có thể kể từ DGER - Cục tình báo phản gián nước Pháp. DGER với cơ cấu tổ chức gồm nhiều phân khoa từ lâu đã chú trọng đặc biệt tới phân khoa 49, tức khoa huấn luyện và phá hoại và đến những năm gần đây đã tách phân khoa này thành một tổ chức gọi tắt là GCMA (Groupements Commandos Mixles Aeroportes: Độ biệt kích hỗn hợp nhảy dù).
GCMA chuyên lo việc phá hoại, gây bạo loạn ở hậu cứ đối phương, chuẩn bị cho sự trở về của quân đội Pháp. GCMA được Bộ tổng tham mưu Pháp cấp kinh phí, có hệ thống tổ chức khá đầy đủ, một trường huấn luyện tại Cáp Xanh-giắc, một đội biệt kích thuỷ quân và một tiểu đoàn dù là lực lượng dự bị. Tổ chức bí mật này có người đứng đầu là đại tướng Xa-lăng. Xa-lăng, năm 1924, khi đeo lon trung uý đã lần lượt chỉ huy, đồn trú ở những đồn biên phòng miền núi suốt từ Móng Cái đến Cao Bằng, năm 1936 trở về Pháp với hàm trung tá và năm 1945, trở lại Việt Nam với cấp bậc thiếu tướng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương…
Dưới trướng vị tướng dày dạn kinh nghiệm chiến trường miền núi này là tướng Đờ-li-na-rét, tướng Đuy-pra, người của Phòng Nhì. Dưới nữa là các thiếu tá, đại uý Pháp phụ trách từng tiểu vùng như các viên quan tư Phơ-rô-pông, Cúc, Ác-nu, Cóc-li-đô, Sô-mít… Có mặt ở đây, những ngày này mới được bổ sung, còn có Mã Vĩ Dân, Đường Không Chiêu, Tào Tung Khải, Vương Đình Chúng… các tướng lĩnh trong quân đội của Tưởng thống chế, hoặc các đại địa chủ, các viên quan lại có thần thế ở các tỉnh dọc biên giới Việt - Trung.
CGMA có mạng lưới ở khắp Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, Miên và Lào. Mỗi miền như thế lại chia ra nhiều chiến trường, mỗi chiến trường, theo tiếng gọi nhà nghề là một ăng-ten.
Lao Cai là một ăng-ten nhỏ thuộc ăng-ten Tây Bắc. Dưới ăng-ten nhỏ là các khu vực. Mỗi khu vực có một căn cứ chính, căn cứ này, chẳng hạn như Pha Linh, có vô tuyến điện liên lạc thẳng với bộ chỉ huy GCMA đặt tại Hà Nội.
° ° °
Chưa ai, kể cả Chính, lúc này có thể hiểu được cặn kẽ mọi tính toán của kẻ thù. Chưa ai có thể làm chủ được những sự vật quá kích thước và tiên liệu được đầy đủ về những biến động đau thương sẽ diễn ra trên đất này. Sau nữa, một thời kỳ mới lại vừa mở ra với Chính. Ở đây, lúc này, Đảng bộ đã trở thành một đảng bộ cầm quyền vừa phải tham gia cuộc kháng chiến, vừa phải đảm nhiệm công việc xây dựng, cải tạo và quản lý một xã hội vừa thoát ra khỏi thể chế cũ khi khói súng vừa tan.
Giờ đây, sẽ là một thời kỳ thử thách của Đảng bộ. Đảng bộ của Chính liệu đã thực sự có đủ bản lĩnh, đủ những thuộc tính Cách mạng, hiểu biết và vận dụng được những quy luật khoa học để cải tạo và xây dựng cuộc sống mới chưa? Không còn đường cho xe xi-đờ-ca chạy, từ Phố Lu lên, Chính phải đạp xe men theo con đường sắt đã bỏ hoang trong mấy năm chiến tranh.
Sáng hôm ấy, ngoặt qua một quả đồi, nhìn thấy toàn cảnh thị trấn, Chính đã nhận ra vẻ khác thường của nó. Người đang nườm nượp kéo qua cầu Cốc Lếu; họ đang tản cư về miền Tây của tỉnh.
Thị trấn đã dậy. Buổi sáng mùa đông xao xác hơi sương lạnh. Phần lớn nhà dân đã đóng kín cửa. Nhà nào mở cửa là nhà ấy đang chuyển đồ đạc ra xe bò, xe ngựa. Lại tản cư! Lại nhao nhác!
Dậy lên trong lòng Chính chút ngậm ngùi xa lạ, khi liên tưởng chợt đến, anh tách mình ra xa đứng nhìn cái thị trấn biên giới này trong những bước thăng trầm lịch sử của nó.
Mùa đông năm 1946, Chính đã ở đây, sau cuộc vận động các thổ ty hiệp lực với Việt Minh đánh tan lực lượng cuối cùng của bọn Quốc dân đảng, lập chính quyền nhân dân. Nhớ mãi năm 1947 cực kỳ gian nan ấy, khi giặc Pháp - lũ tàn quân chạy Nhật sau đảo chính 9-3 sang Vân Nam - trở về xâm lược lần thức hai, và tất cả các thổ ty: La Văn Đờ, Hoàng Văn Chao, Nông Vĩnh Yêng cùng các thủ túc của họ như Châu Quán Lồ, Lý Kiêu Đương đã trở mặt phản bội Cách mạng và cuộc toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ. Chính là người cuối cùng ở lại thị trấn những ngày đau thương đó. Anh buồn da diết khi nhận ra rằng: quy luật lịch sử là bất diệt, nhưng thực hiện quy luật ấy lại phụ thuộc vào chủ quan con người, vào so sánh lực lượng, và con người dẫu thế nào cũng không thể đứng trên, vượt qua hoàn cảnh được.
Cuộc sống là thế, nó là các mối liên hệ. Vậy, giờ đây, các mối liên hệ là thế nào?
Văn phòng tỉnh uỷ đặt trên lưng một quả đồi có nhiều cây to. Trước cổng, hơn chục con ngựa đã buộc sẵn nạng thồ rậm rịch cuồng cẳng. Ngoài sân ngổn ngang hòm xiểng, bao tải, ba lô, máy chữ, máy điện thoại. Cạnh đống xoong nồi, bát đĩa, một con cún đen bị xích vào một cái tai chảo to, đang nhanh nhách sủa vào những người đang hối hả đi lại, khiêng vác, dọn dẹp.
Người nhận ra Chính đầu tiên là Khả, phó phòng hành chính. Anh chàng cao gầy, mặt dài, răng vổ, áo vét ca-rô, quàng phu-la len rằn, tóc ấp hai bên như hai cái cánh gà đang thúc các nhân viên nhanh tay buộc, bó, khiêng, vác đồ đoàn, thấy bí thư tỉnh uỷ, liền nhảy bổ xuống sân, reo to:
- A! Anh Chính! Hèn nào máy mắt suốt sáng nay. Anh để tôi dắt xe cho. Ở nhà đang búi xùi xùi, anh ạ.
Chính nhìn đống đồ đạc, hơi ngạc nhiên:
- Định chuyển cơ quan đi đâu thế này?
- Ơ! - Khả há hốc miệng - Anh không biết gì ạ? Nó chiếm được Pa Kha thì chỉ có một lèo là nó tới đây thôi.
- Không dễ thế đâu.
- Anh bảo sao ạ?
Chính nghiêm mặt:
- Đình tất cả lại. Dù có sợ cũng phải biết kiềm chế chứ!
- Báo cáo anh, không phải là tự ý tôi - Khả phát hoảng, lắp bắp.
- Tôi hiểu - Nhìn Khả, thấy Khả chớp chớp mắt rất tội nghiệp, Chính liễn vỗ vai anh chàng - Cứ bình tĩnh! Ở đây có mấy cái hầm tốt là yên trí rồi. Ông Khả này, mình là cơ quan đầu não, nhất cử nhất động người ta nhìn vào, nên cần phải thận trọng.
Khả gãi đầu:
- Dạ, nhưng còn tài liệu mật thì phải cho xuống hầm chứ ạ.
- Được.
Đổi mặt hớn hở, Khả nhảy xuống sân, gọi to:
- Các đồng chí ơi, tập trung nghe lệnh mới đây!
Chính lắc đầu, quay đi. Sao lại có thể hoang mang hoảng hốt như thế được? Anh định vào buồng thì lại nghe tiếng Khả gọi. Quay ra, anh thấy Khả đang bê cái máy chữ Rơ-manh-tông lên bờ hè, giọng oang oang:
- Anh Chính, tôi gọi điện cho chị Châu nhé. Gớm, chị mong anh lắm.
Đưa tay đỡ giúp anh phó văn phòng đưa cái máy chữ vào buồng, Chính lắc đầu:
- Ông cứ mặc mình. Anh Đắc giờ ở đâu? Bên tỉnh đội à? Ông gọi điện mời anh ấy về họp hộ mình nhé. Ừ, cứ thế đã.
- Anh Chính! Đang mong anh về quá. Thường vụ họp sáng qua rồi phân nhau xuống các vùng phỉ nổi cả rồi. Tôi ở nhà, ruột cứ cháy lên. Anh đi đường có vất vả không?
Rời cái bắt tay rất chặt của bí thư tỉnh uỷ, Đắc kéo ghế ngồi, vẻ bứt rứt, nóng nảy. Anh uỷ viên thường trực nguyên là tỉnh đội trưởng, mới chuyển sang công tác Đảng, vẫn gương mặt rắn rỏi và trang phục, cốt cách con nhà lính.
- Mình cũng cháy ruột cháy gan, dọc đường không còn nghĩ đến cái gì khác nữa: tình hình quả thật là tồi tệ. Nhưng… nhưng anh ra lệnh… tản cư đấy à?
Hơi ngước lên, Chính giấu một nụ cười châm biếm nhưng đầy vẻ cảm thông. Đắc lúng túng:
- Thường vụ có bàn, có tính đến khả năng…
- Mình hiểu! Mình hiểu! - Chính gật đầu - Tất nhiên mình không bao giờ nghĩ các anh hoang mang, hoảng hốt! Chúng ta đều hiểu con đường vận động có tính quy luật của lịch sử là phức tạp, quanh co, thời đại cũ đã qua nhưng chưa qua hẳn, thời đại mới đã kiến lập, nhưng chưa vững vàng. Chúng mình đều hiểu như thế. Nhưng lại phải hiểu thật sâu hơn nữa hoàn cảnh lịch sử cụ thể của tỉnh ta, của chúng ta. Chúng ta hiện là một đảng bộ cầm quyền, chúng ta không còn là một đảng bộ lưu vong. Chúng ta có dân, có đất đai để quản lý, có quyền lực, có các phương tiện…
Đắc cắn môi. Hai con mắt sâu thâm trầm, rất đẹp của anh im phắc trang nghiêm. Làm việc với Chính từ những năm đầu Cách mạng ở tỉnh này Đắc nhận ra bao giờ bí thư tỉnh uỷ cũng hấp dẫn anh. Toả sáng và chiếu rọi khúc chiết và vững vàng, Chính là thế. Chính còn là sự nhạy bén và tinh tế. Không! Còn hơn nữa, bí thư tỉnh uỷ - còn là linh hồn của đảng bộ ở năng lực thấu suốt, ở nhiệt tình sôi bỏng mãnh liệt và bây giờ đây, giữa cái bối rối của bao người, Chính là niềm tin thật tự nhiên và sắt đá.
- Nghe anh phân tích, tôi hiểu - Đắc thú nhận, mắt nhìn Chính kính trọng thành tâm - Tôi đang làm cái phương án trấn áp bọn phỉ. Nhưng, tôi sẽ làm lại, với những ý kiến chỉ đạo, định hướng vừa rồi của anh.
- Chúng ta sẽ bàn tập thể, Đắc ạ.
- Đúng là phải thấy hết cái thế của ta hiện nay…
Mắt đăm đăm nhìn bí thư tỉnh uỷ, Đắc nghĩ: con người trẻ tuổi kia, tài giấu cái uy của mình ở chỗ nào? Dong dỏng cao, mảnh dẻ, má hoáy một lúm đồng tiền, hai con mắt dài vút trẻ trung, hơn nữa còn có vẻ mảnh dẻ và yếu đuối nữa. Vậy mà năm 1946, chính anh ấy được Pao dẫn đường một mình một ngựa đi thuyết phục các thổ ty hội quân đánh Quốc dân đảng. Hai mươi mốt tuổi, anh ấy đã là trụ cột của chính quyền tỉnh năm 1947. Ôi, cái năm 1947 sau chiến thắng Quốc dân đảng, Đắc đã suýt sa ngã vì kiêu ngạo và mơ hồ, nếu không có Chính cảnh tỉnh. Chính là niềm tin của cán bộ. Chính là sấm sét với quân thù. Và những năm 1948, 1949 bị địch chiếm mất đất, nhưng những mũi thọc sâu vào lòng địch, lập khu võ trang tranh đấu ngay trong lòng địch do bí thư tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo, đã là bước chuyển tiếp hào hùng để lịch sử có ngày hôm nay.
- Anh nghĩ gì thế, anh Đắc?
- Tôi nghĩ đến năm 1946, 1947.
- Mình cũng nghĩ về năm ấy. Có sự trùng hợp gì chăng? Hồi ấy chúng mình đối mặt với bọn thổ ty, đăng sau bọn này là Mission 5 (Phái đoàn quân sự 5 của Pháp). Còn bây giờ, có lẽ cũng tương tự như vậy thôi.
- Tôi cũng nghĩ thế.
Khả bê phích nước mới tới, đặt lên bàn, nghe thấy câu nói của Đắc, cười to:
- Les grands esprits se rencontrent (Những tư tưởng lớn gặp nhau).
Chính ngả người:
- Tôn nhau lên là "tư tưởng lớn" cơ à, ông Khả!
- Đúng là một tư tưởng lớn, anh Chính ạ - Đắc đứng dậy, sôi nổi - Đảng bộ cầm quyền! Ta đã là một đảng bộ cầm quyền. Mấy từ đó đặt ra nhiều vấn đề lớn lắm chứ!
Chính đứng dậy theo Đắc:
- Đúng thế! Chúng ta đang ở tư thế người có chính quyền. Thế đó tạo nên lực. Thằng địch dù có thế nào cũng ở thế bất hợp pháp, thế thua. Từ đó mà xem xét các vấn đề khác nữa, Đắc ạ. Ví dụ vấn đề cán bộ nắm chính quyền, quyển lý hàng chục vạn dân, cán bộ, giờ phải thế nào chứ? Như cậu Vận ở Pa Kha, mặc dầu có ông đảm bảo, mình vẫn không yên tâm một chút nào…
Mặt Đắc thoáng đỏ. Nhưng ngay lúc đó có tiếng kẻng giật ngũ liên và tiếng Khả ngó vào gọi hai người xuống hầm. Chính khoác vai Đắc. Đi tới giữa sân, Chính chợt dừng lại:
- Xuống hầm ta sẽ bàn tiếp công việc nhé. À, này, vừa rồi qua Vũ Yển, mình có gặp… Thúy. Thúy buồn… Có lẽ sắp dinh tê… Đừng trách cô ấy… Tội nghiệp!
Khuôn mặt đẹp rắn rỏi của Đắc chợt trầm lặng. Chuyện riêng sao được chen vào giữa lúc này? Phía nam thị xã ầm ầm một dây bom nổ trong tiếng máy bay rền rền.
Máy bay giặc oanh tạc thị xã suốt buổi chiều.
Ngồi trong căn hầm rung từng đợt bom nổ. Chính hiểu rằng: thế là bọn Pháp đã chính thức, công khai thúc giục bọn phản động khắp nơi trong tỉnh nổi dậy và cuộc chiến tranh đã chuyển sang một hiệp mới vô cùng quyết liệt và đẫm máu.
Dư vang của mối tình buồn khiến Đắc ngẩn ngơ. Nhưng, tiếng bom giặc lập tức xua tan ngay chút uỷ mị riêng tư. Hai người ngồi cạnh nhau bàn bạc, phác thảo kế hoặc công tác và quyết định Đắc dẫn một đoàn cán bộ đi bổ sung cho Pa Kha, nơi phỉ đang nổi lên dữ dội nhất tỉnh. Xẩm tối, nghe báo cáo về trận oanh tạc của giặc xong, Chính mới về đến nhà.
Khu gia đình cán bộ, một nét mới của cuộc sống kháng chiến ở dệ sông, nguyên là những căn nhà của thổ ti Nông Vĩnh Yêng, quần tụ xung quanh cơ quan tỉnh hội phụ nữ. Bước vào khu gia đình, Chính hơi ngỡ ngàng vì cái không khí rất riêng biệt ở đây.
- Chị trông kìa, chị Châu! Úi úi…
- Cô Dung… đừng, đừng đỡ.
- Cố lên! Cố lên, bé ơi!
- Úi kìa, cu cậu nhổm mông.
- Hoan hô cu Duy! Ái chà, nghênh ngáo như gáo múc dầu chưa kìa!
Dừng lại ở khuôn cửa sổ nhà mình, Chính nghe rõ ràng tiếng các cô phụ nữ reo vui và những tiếng vỗ tay. Lúc này ở nhà anh, Châu vợ anh và các cô đang xem thằng bé Quang Duy, con trai nhạc sĩ Quang Ngọc và cô Dung y tá, tập lẫy. Thằng bé đang nằm sấp, mặt đỏ bừng, hai cái tay đập đập xuống chiếu, nghe các cô vỗ tay, bỗng đưa đẩy cặp mắt láo liên, rồi ẹ ẹ và mếu xệch miệng. Mẹ nó vội sà xuống.
- Ôi! Con tôi tức bụng đây mà. Thôi, mẹ xin, mẹ xin…
- Chà! Không đâu vui bằng tỉnh hội. Cứ tưởng các cô tản cư hết cả rồi!
- Ôi! anh Chính!
Thấy Chính bước vào, ba bốn cô đang xúm quanh cái giường cùng quay cả lại, reo to. Tuyết Minh, vợ Khả, bé lõn chõn, tóc cặp đuôi gà, lưng địu một đứa bé ba tháng, tay dắt thằng bé bốn tuổi giục con chào bác Chính. Châu, mặt ửng hồng mừng rỡ, kéo ghế, súc ấm chè. Dung bế thằng bé đang nằm trên giường lên lòng.
- Cứ để cháu đấy, cô Dung!
- Cháu sắp tè rồi ạ!
- Kệ! Tè để lấy khước cho anh chị - Vợ Khả kéo dài giọng, ra điều từng trải. Chính đón thằng bé, nâng nó lên cao rồi đặt nó nằm ngửa xuống giường:
- Nào, lẫy lại cho bác xem với nào!
Vây quanh chiếc giường đôi kê sát vách là những tiếng cười, nói hoan hỉ. Thằng bé mở to hai con mắt ngơ ngác, có vẻ sợ hãi, khóc ẹ ẹ rồi mím mím môi.
- Cố lên! Cố lên nào! Duy của mẹ.
- Em ơi, em lẫy cho bác xem nào!
- Hoan hô chú nhạc sĩ tí hon. Được khích lệ, thằng bé đã thôi khóc. Và sau lời động viên của Chính, Chính nhận ra, một cách chủ động và có ý thức, nó bắt đầu thực hiện thao tác đầu tiên: nghiêng mình, ngoặt mẩu chân phải lên chân trái. Tiếp đó, cu cậu quặt cánh tay sang bên đối xứng, rồi thuận đà vặn người theo. Chà, trông nó nín hơi, mặt đỏ ửng, cố lật sấp người lại mà thương quá! Tiếc là sắp ập bụng được xuống chiếu, thì cu cậu kiệt sức. Không nhấc nổi được cái đầu to của mình lên, bị lật ngửa tênh hênh, tức tưởi vì thất bại, nó bật khóc. Nhưng, cũng lại thật sự là chủ động và đầy ý thức, chỉ he he vài ba tiếng nó nín ngay. Và lần này rút kinh nghiệm, nó tạo được đà, nhấc được cái đầu đúng lúc bụng sắp áp chiếu, và thế là cu cậu đã hoàn thành một kỳ công lớn lao. Thao láo hai con mắt nó nhìn cái thế giới mới vừa xuất hiện từ tư thế mới, giữa tiếng reo vui mừng của những người lớn vây quanh.
"Con người là thế, không bao giờ ngừng tiến lên. Cuộc sống cũng vậy. Cứ thế mà đi lên mãi, tới hoàn thiện". Chính nghĩ, vui vui. Mắt long lanh sung sướng, như chính mình lập công, Dung bế đứa con trai lên, hít hít vào cái má phính của nó. Líu ríu với hai đứa trẻ, vợ Khả quay lui, vui vẻ:
- Cháu chào bác Chính, bác Châu ạ.
Châu hoạt bát, tự nhiên trở lại khi căn buồng chỉ còn lại hai vợ chồng:
- Anh về lúc nào?
- Đạp xe từ Phố Lu, sáng nay anh tới cơ quan.
- Để em nấu ít cơm nếp anh ăn nhé.
- Thôi, anh ăn ở bên cơ quan rồi.
- Chiều nay nó ném bom lâu quá, đã nấu nướng gì đâu.
Chính ngồi xuống ghế, nhìn căn buồng, tự dưng thấy lóng ngóng thế nào. Họ đã sống, công tác với nhau rồi hiểu nhau, yêu nhau. Đám cưới tổ chức hồi giữa năm, khi sắp vào chiến dịch giải phóng tỉnh nhà. Sắp cưới, Chính mới từ hậu địch ra. Đám cưới giản đơn mà vui. Khả đọc thơ tếu: "Yêu nhau phải có lập trường. Phải có sức khoẻ tương đương mới là…". Tuy vậy, cuộc sống lứa đôi vẫn quá ư ngỡ ngàng, xa lạ với Chính; đôi lúc anh còn cảm thấy đời sống vợ chồng riêng tư như là điều không hợp lý; nhất là ở những ngày còn đang hết sức bận rộn, căng thẳng này.
Châu thì nhanh chóng hoà hợp với cảnh sống chung. Tỉnh uỷ viên, hội trưởng Hội phụ nữ, nhưng trước sau, chị vẫn là một phụ nữ đảm đang và đôn hậu. Sống chung với anh ít lâu, chị còn nhận ra một điều sâu xa: anh thuộc về một số ít người phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề gay gắt sinh tử của cuộc sống, anh cần được chăm sóc, cần được sống trong tình thương mến dịu dàng của chính chị.
Châu thích nghi với đời sống gia đình, nhập vào chức năng người vợ thật hoàn toàn, nhất là khi trở về căn buồng riêng này với Chính. Chính anh cũng nhận thấy như thế. Lúc này khi đêm đã khuya, nằm bên nhau, chị quàng tay qua anh và úp mặt vào ngực anh, thủ thỉ chị nói về thằng bé Duy, hỏi anh có thích trẻ con không và báo cho anh biết chị đã có mang.
Gần sáng, thấy anh trở mình, chị liền thức giấc.
- Anh có ngủ được không? Anh nghĩ gì thế?
- Vừa rồi, qua Vũ Yển anh có gặp Thuý.
- Thuý ngày ở Lục Yên mở hàng cà phê, yêu anh Đắc ấy à, anh?
- Ừ. Cô ấy… tội nghiệp… lấy một cậu cán bộ bị sa thải nay làm nghề chữa đồng hồ ở đó.
- Sao lại như thế được, anh?
- Chuyện dài lắm. May, Đắc là người giàu nghị lực. Anh, ấy đề nghị được dẫn một đoàn cán bộ đi viện trợ và chỉ đạo Pa Kha chống phỉ.
- Còn em?
- Em?
- Vâng anh cứ giao công tác cho em. Đừng lo cho em. Có con, em sẽ địu con đi công tác. Địu như đồng bào thiểu số ấy, anh ạ.
- Anh định cử em phụ trách việc chi viện cho mặt trận miền Tây.
- Vâng!
- Lúc này, tỉnh một mặt phải coi việc trấn áp bọn phản loạn là công tác trung tâm đột xuất, mặt khác phải tham gia vào cuộc kháng chiến của cả nước.
- Anh cứ giao việc cho em. Chị ngồi dậy, búi lại tóc, vui vẻ và quả quyết.
Sáng hẳn, hai người đang ăn cơm nếp thì nghe thấy tiếng phụ nữ gọi. Chính mở cửa, vồn vã:
- Cô Dung đấy à? Vào đây, vào đây!
Vợ Quang Ngọc địu thằng bé Duy đang ngủ, tóc tết đuôi sam, lấp láy hai con mắt to rụt rè e ngại.
- Anh Chính ạ, em muốn hỏi anh…
- Vào đây, ăn cơm nếp với anh chị đã - Châu kéo tay Dung.
- Chị để mặc em - Dung ngước nhìn Chính - Anh Chính ạ, em nghe nói tỉnh sắp tổ chức một đoàn cán bộ đi Pa Kha. Anh Khả nói thế, anh ấy bảo, anh ấy cũng xung phong đi… Và cũng cần y tá đi với đoàn. Em muốn đề nghị…
- Cô ăn sáng với anh đã, rồi nói gì thì nói.
- Dạ, em ăn rồi ạ. Em đề nghị…
- Được, nhưng cô đừng lo. Nhạc sĩ Quang Ngọc của cô không phải là con người tầm thường đâu đấy.
Mắt người phụ nữ trẻ sáng lên. Thằng bé trong địu thức giấc, cu cậu vươn vai ngáp, thò hai tay trắng mịn mũm mĩm ra ngoài cái địu chàm thêu hoa thổ cẩm.