Vùng Biên Ải

Phần II - 3 -

- Các cậu ơi, ra mà xem kìa. Chàng và nàng cùng đang tít cả mắt.

- Cô mặc áo đen đang vục nước ấy à?

- Nàng trông tình cảm quá. Ông Vận nhà ta dùi dục chấm mắm cáy làm sao mà chinh phục được nàng!

- Cũng tốt mã đấy chứ! Nhạc sĩ Quang Ngọc ơi, đem cây sáo ra đây làm một bản tình ca biên giới thật du dương đi.

Các anh bộ đội vui tính, tếu táo đứng ở cái hiên trên gác trụ sở ban cán sự châu inh ỏi tán chuyện. Trung đội trưởng Tích ngồi trong nhà gắt: "Các đồng chí ơi, khẽ chứ không dân người ta cười cho”. Mặc, câu chuyện xoay xung quanh cảnh anh Vận, quyền trưởng ban cán sự đang đứng tán tỉnh cô Nguyệt, giai nhân trấn biên thuỳ gánh nước ở bể nước giữa phố vẫn cứ ồn ồn ào ào. Trung đội trưởng Tích lại gắt lần nữa: “Các ông ơi, khe khẽ chứ, để nhạc sĩ còn sáng tác chứ". Cái hiên vẫn cứ ồ ồ à à… cười đùa. Ngồi trong nhà, Quang Ngọc đang ngắm cây sáo mới mua được. Cạnh anh, một chiến sĩ nằm đắp cái khăn tay trên mặt.

- Ra đây ngắm cảnh ông nhạc sĩ ơi!

- Trung đội trưởng ta đang tương tư, các cậu ạ.

- Bậy! Chàng đang làm thơ tặng nàng đấy.

- A! Cái cửa sổ mở rồi! E hèm! Chào cô Nguyệt nhé! Cô mới gánh nước về, đã lại ngồi thêu à? Chúng tôi nói chuyện thế này có ảnh hưởng gì đến cô không đấy?

Tích đậy nắp bút máy, bồi hồi. Hai cánh cửa sổ xanh nhà bên mở thật. Vắt sang một giọng con gái nhẹ và ấm: "Em chào các anh! Các anh cứ nói chuyện đi, em thích nghe các anh nói chuyện lắm ạ!”

- Lòng ta chiến sĩ khô khan lắm, cô Nguyệt ơi!

- Chả phải thế đâu, các anh ạ.

- Này, cô Nguyệt, cô thấy Trung đội trưởng của chúng tôi thế nào?

- Trung đội trưởng nào, hả anh?

- Cô không thành thật nhé.

- Tích ơi! Tích ơi, ra đây!

- Cô Nguyệt ơi! Cô lên trên này lâu chưa?

Tích đỏ bừng mặt. Chịu các bố thật. Tán sát sàn sạt thế này chỉ có cách là độn thổ. Thôi các cậu ơi, đi lấy củi tối còn liên hoan lửa trại chứ.

Tích ngượng. Ngượng nhưng mà cũng thích. Thành ra không nói. Và cái hiên nhìn sang ô cửa sổ xanh nhà người đẹp thị trấn biên cương cứ láo nháo ồn ào.

Cái hiên cứ láo nháo, ồn ào.

Cho tới lúc, thật là bất ngờ, ngay trong nhà, cạnh nơi Tích ngồi, bật lên một tiếng quát thật to:

- Im lặng! Các đồng chí!

Người chiến sĩ nằm ngủ cạnh Quang Ngọc vừa chồm dậy. Anh ta là chủ nhân của tiếng quát. Tích ngẩng lên. Chiến sĩ nọ đứng, đầu nghênh nghênh. Cái hiên im phăng phắc. Và trong yên tĩnh, một tiếng sáo vừa thoát ống trúc, đang rụt rè thử giọng. Quang Ngọc đã đứng lên từ lúc nào, đầu nghiêng về phía vai phải, hai cánh tay nâng trang trọng một cây sáo trúc óng vàng.

Tú ú ú, tù ù ù…

Yên lặng. Chỉ có tiếng sáo Quang Ngọc vừa cất tiếng. Tiếng sáo run rẩy, non tơ. Nó như bước chân em nhỏ, chập chững, dò tìm. Yên lặng. Như những lần Ngọc đàn bản Ca-pri-xơ ét-xpa-nhon, bản Ma-la-ga-no, bản Vũ khúc Tây Ban Nha trứ danh và cái phố sâu thăm thẳm, thiêm thiếp nghe đàn Ngọc. Yên lặng. Trời thật xanh trong và không khí được hong khô, chờ đón thân mật. Tiếng sáo vẫn dò dẫm. Mắt Ngọc chớp chớp. Trán Ngọc nhăn nhăn. Giai điệu Hmông mà Ngọc muốn kết thân trốn đâu rồi nhỉ? Ôi, những quãng liền luôn gãy khúc, nhấp nhô hình tượng núi non, chứa ẩn cái đẹp nguyên thuỷ của hồn người. Cái kiểu mở đầu của thể hò, những nét nhạc đệm lót không lời, trên âm giai năm cung, giống như một bảng màu nguyên sơ, đang chuyển động thành những mảng màu ẩn hiện lớp lớp, tầng tầng, diễn tả tâm hồn, dáng mạo, phong thái Hmông, cuộc sống đầy thi vị cùng những nỗi đau và niềm vui sống? Sao tiếng sáo Ngọc nắn nót đấy mà không dạt cái bay bổng khởi thuỷ của tiếng dáo Hmông mà Ngọc đã từng nghe?

- Cái sáo anh Ngọc nói chuyện không tốt rồi.

Ngọc lắc đầu, buồn buồn:

- Khó quá! Đồng chí Tếnh biết thổi sáo dạy tôi với.

- Tôi chỉ biết nghe thôi. Tiếng sáo anh nghe nó gai gai thế nào ấy, anh Ngọc à.

Tích đứng dậy, xốc quần:

- Thế là tuyệt rồi! Tối nay ra mắt bà con nhé - Rồi quay ra hiên, huơ cao tay - Các đồng chí ơi, đi lấy củi đi. Không ông Vận lại kỳ kèo bây giờ.

Đúng là Vận. Cái giọng ồm ồm ở nhà dưới nghe rất hách: "Các anh lơ mơ nó vừa vừa chứ. Hừ, lại còn đàn hát. Thò cái đuôi tiểu tư sản tạch tạch sè ra hả?". Rồi tiếp đó cộp cộp cộp tiếng giày đi lên gác và tiếp đó nữa, tiếng gắt giật:

- Đồng chí Tích, sao hôm nay đồng chí không cho chiến sĩ tập luyện?

Tích quay lại. Vận đang đứng sau anh, hai tay chống háng, điệu bộ quan cách.

- Báo cáo đồng chí, hôm nay anh em nghỉ, lấy củi tối liên hoan lửa trại.

- Nghỉ? - Gằn giọng, Vận dấn lên mấy bước, đánh mắt về phía khung cửa sổ nhà bên - Đồng chí cứ liệu đấy, tôi đã ra lệnh rồi, không nhớ hả!

Ra lệnh! Lệnh gì? Nào anh ta đã ra cái lệnh gì! Chụp mũ lên đầu, Tích quay lưng đi. Anh không ưa ông Vận. Con người này, hình như anh gặp ở đâu rồi, nhang nhác nét quen và rất khó chịu khi tiếp xúc. Quang Ngọc gài cây sáo sau túi quần, vào nhà, nhấc cây đàn ghi-ta định đi xuống tầng dưới. Nhưng, khi Ngọc đi qua trước mặt Vận thì Vận như vồ lấy anh, reo lên một cách rất bất ngờ, đầy tình thân thiện:

- A! Hay quá, gặp nghệ sĩ đây rồi. Ta ra hiên tri kỷ với nhau một tí đi, nghệ sĩ ơi!

Kéo bằng được Ngọc ra hiên, Vận ngả người vào hàng lan can. Bàn tay có cái nhẫn mặt ngọc huơ huơ, vẫy vẫy. Điếu thuốc Mê-li-a vàng bay những sợi khói thơm lừng. Ngửa mặt, con mắt Vận lim dim, kéo đuôi về ô cửa sổ nhà bên, ở đó tiếng máy khâu vừa rền lên một vệt dài.

- Moa đây cũng là một lãng tử rất có duyên với âm nhạc đấy, Quang Ngọc ạ. Chiến tranh đã bó buộc moa theo nghiệp binh đao, chứ không thì moa đây đã là một thi nhân của chốn kinh kỳ đó, Ngọc à! Tiếng đàn của toa thoát lắm. Chỉ tiếc là xung quanh toa toàn những cái tai trâu. Nhưng, nghệ sĩ chớ nên coi thường moa nhé. Nếu toa là Bá Nha thì moa đây ít ra cũng là Tử Kỳ đấy. Hố hố hố…

Bốp! Vai Ngọc bị đập một cái thật mạnh. Lại một cái đập nữa ở bên vai kia. Rồi sườn Ngọc bị hích, bắp tay Ngọc bị cấu, véo. Kiểu nói chuyện kèm theo những động tác nọ đã kỳ cục lại kèm theo cái cười hố hố như bị ai cù inh tai nhức óc của Vận khiến Ngọc khó chịu.

- Moa rất đồng ý với toa, nghệ thuật trước hết phải đẹp. Cũng như đàn bà, không đẹp thì như chim không có cánh, hố hố hố… có đúng không, nhạc sĩ?

Không đáp, Ngọc né ra xa Vận. Sao Vận vô duyên thế! Nào Ngọc đã nói gì đâu mà anh ta đồng ý? Lại còn ghé sát mặt vào Ngọc, mắt thả đuôi về phía khung cửa sổ và hạ giọng nhờn nhợn: "Nghệ thuật phải có chất mái, toa ạ. Mà nghệ sĩ thì phải lang bạt kỳ hồ… Thế thế… cho nên toa cứ đi với moa”. Quyền trưởng ban cán sự Đảng mà ăn nói như thế! Mà nào đã hết đâu. Lại còn nghệ sĩ phải có rượu và ái tình. Ấy thế, ái tình và rượu là ngọn nguồn của cảm hứng. Vũ Hoàng Chương mê mẩn, say khướt. Hàn Mạc Tử thơ điên loạn đệ nhất, rượu đẫm người. Thi hào, thi bá… phải nghiện, đều nghiện! Há! Rim-bô, Véc-len say bét be tối ngày. Tản Đà… chuếnh choáng. Tế Xương kiết cú nhưng vẫn tài tử phong tình đấy, nhạc sĩ ơi…

Chao ôi! Lại những đại ngôn rỗng tuếch về bổn phận của nghệ thuật, nghệ sĩ, những là phụng sự cái đẹp, cái vĩnh hằng, cái muôn thuở, những thân phận, những ái, ố, hỉ, nộ… một mớ hổ lốn, toàn là những điều ngay từ thời Ngọc vì đồng tiền, miếng cơm phải đi đàn thuê cho các cao lâu, tửu quán Ngọc cũng đã thấy vô cùng lạc lõng và chán ngán rồi.

Đã thế lại còn giằng cây ghi-ta từ tay Ngọc. Rồi ngồi lên lan can, hai chân vắt vẻo, tay bập bùng sáu dây kim loại, và cất giọng khàn rè.

 

Cô láng giềng ơi…

Không biết cô còn nhớ tới tôi…

Cô lái đò ơi!

Ngọc quay mặt đi. Bài nọ Vận xọ sang bài kia. Chỗ không thuộc lời, hắn gõ đàn ầm ĩ và thay bằng những tiếng ti tỉ tì ti… Rất may, lát sau cây đàn thôi bị hành hạ. Ngọc quay lại. Vận vừa tụt xuống, làm một cử chỉ rất lố bịch: anh ta hôn đánh chụt vào ngón tay mình và ném cái hôn về phía cửa sổ, ở đó vừa ló ra một khuôn mặt thiếu nữ.

"Hình như mình đã thấy ông ta ở đâu đó rồi?” Cử chỉ nọ của Vận khiến Ngọc như sực nhớ. Nhưng Ngọc lại bị đấm vào vai, mạnh đến nỗi thân hình mảnh khảnh của Ngọc nghiêng vẹo đi, khi Ngọc cầm lấy cây đàn.

- Hố hố hố… Toa xem, moa cũng không đến nỗi xoàng chứ. Theo nghiệp võ thì phải làm nên đấng phi thường. Sau đó thì dưỡng nhân hưởng thụ cho đủ mùi đời chứ! Có phải không, nghệ sĩ?

Vận cười đến thủng màng nhĩ tai Ngọc.