Vùng Biên Ải

Phần II - 1 -

Thiên nhiên chẳng chia lo âu với con người. Tháng hai, tháng ba, thoát khỏi những trận mưa đá, những nương thuốc phiện hướng về phía mặt trời mọc, nhởn nhơ hoa nở quyến rũ mong manh. Trên những mảnh nương sau nhà. Ngô đỏ đã gieo xen đậu cô ve, đậu vàng, đậu hoà lan. Lúa ba giăng đã lên xanh um cạnh bí ngô, rau cải. Lại sửa soạn thu đậu răng ngựa, mạch ba góc. Trên cao, viền quanh các nương lúa, khóm ý dĩ rườm rà phun hoa xám trắng.

Trong làng, đàn bà con gái đi gieo chàm, cắt lanh vội vã như chim én. Đám con trai đi chơi tết ở những làng xa trở về, bên bếp lửa ồn ĩ câu chuyện gọi gái bị chó đuổi, bị cắt cụt hoa roi. Lão Sếnh nghiện lang thang các nhà, kiếm ăn độ nhật với các câu chuyện làm quà táp nham và hổ lốn về hổ báo, ma quỷ về na nủ Lồ, thực hư, hư thực.

 

Hố pẩu thì lòng dạ lửng lơ. Thằng Pùa chăm đi bẫy chim mi đem xuống chợ bán. A Sinh rỗi rãi là đi rừng, kiếm trúc về khoét sáo, làm khèn. Phố châu dạo này bộ đội, cán bộ về nườm nượp, nhiều anh thích chơi chim mi, thích thổi sáo.

Chợ châu vẫn sáu ngày một phiên mở.

Bộ đội đuổi giặc ở Pa Kha, ở Pha Linh xong, dựng hẳn một căn nhà dài mười ba gian cao ráo, sạch sẽ, dưới chân đồn Tây Phơ-rô-pông cho dân hai mươi tám xã họp chợ. Lại chia các khu vực bán hàng, cử người quản lý, người quét chợ. Chẳng phiên chợ nào A Sinh vắng mặt. Hôm nay, đến phố châu từ sớm, anh đeo cái túi lanh đựng hơn chục cây sáo đến hàng lèng phân của chị Nhương ở giữa phố.

Chị Nhương là người Kinh ở tận Hải Hậu tỉnh Nam Định, lưu lạc lên đây từ trước Cách mạng tháng Tám. Tính tình hiền hậu, buôn bán không tham lời, hay giúp đỡ người hoạn nạn, chị được bà con dân tộc Hmông trong các làng quý mến lắm. Chồng chị là anh cai khố đỏ biệt hiệu Min-tờ-roa (biệt hiệu lính khố đỏ: một nghìn không không ba) người Cao Bằng, hồi Nhật đảo chính, phải theo Tây chạy sang Vân Nam, rồi biệt tích từ đấy. Chị vẫn ở lại phố châu này, tần tảo nuôi bà mẹ già và chờ đợi chồng về. Chị Nhương trạc ba mươi, mặt trái xoan, mắt hai mí, quàng cái khăn đen, vừa đặt bát nước chè tươi nóng hổi trước mặt một anh bộ đội, quay lại thấy Sinh liền vồn vã:

- Chú Sinh, uống nước hút thuốc đi. Chú ra chợ sớm thế?

Như không nghe thấy lời mời của chị Nhương, Sinh vừa rụt rè ngồi xuống đã nhìn anh bộ đội, khe khẽ gọi:

- Đồng chí Na!

Anh bộ đội hất cặn nước chè tươi, quay lại:

- A Sinh! Vẫn còn nhớ tôi hả? - Ngồi dịch lại đầu ghế, anh bộ đội tên Na vui vẻ - Thế nào, có bị chủ tịch Pao phê bình không? Phải rút kinh nghiệm, Sinh nhé. Cô Nhương biết thằng Lử không?

Người phụ nữ với tay lật vỉ buồm đậy mẹt bánh đúc ngô vàng ngậy, tặc lưỡi:

- Phố xá này còn lạ gì ông một Lử. Có phiên chợ nào mà vắng mặt ông ấy. Không ăn quỵt thì cướp phá, gây gổ. Còn cái ngày Tây rút ông ấy với ông Seo Cấu dẫn một lũ trai tráng đến phố! Ôi giời, em và bà cụ với con cháu phải chui dưới gầm giường trốn. Họ đào bới nhà ông Châu. Họ cướp cửa hàng nhà ông Thọ kia kìa. Anh Na có biết không? Nhà cô Nguyệt ấy. Bọn họ còn đi lùng cô ấy, anh ạ.

Anh bộ đội gãi gáy:

- Còn vất vả với bọn này đây, cô Nhương, chú Sinh ạ.

Mặt Sinh đỏ nhừ. Sinh hút xọc xọc ba điếu thuốc liền. Mặt càng đỏ. Sinh có lỗi to quá. May mà Sinh nhanh như báo, tránh đạn tài chứ không thì bỏ xác bên bờ suối hôm ấy rồi. Cái thằng vờ vĩnh tài thật. Nó nhảy lên tảng đá, chĩa súng hét: “Giơ tay lên, thằng Kinh đen kia”, Sinh cứ tưởng nó đùa. Tằng! Nó nổ một phát, Sinh nép vào lèn đá. Nó nổ phát nữa, đạn thối. Sinh gào: "Tao biết mặt mày rồi nhé". Nó vác súng chạy.

Chị Nhương chép miệng:

- Anh Na ạ, có nhẽ mẹ con bà cháu em phải xin về dưới xuôi ta thôi, chứ ở trên này… Giờ phải xin giấy của ai, anh Na nhỉ?

- À, xin ông Vận, quyền trưởng ban cán sự - Na đáp, mắt lướt nhẹ qua mặt người phụ nữ còn nhiều nét tươi trẻ, ngần ngừ rồi quay đi - Dưng mà cô phải nghĩ cho kỹ, cô Nhương ạ. Trăm năm trong cõi người ta. Dững khi hoạn nạn mới là biết nhau. Đang lúc này, mình bỏ đi… Cứ như tôi…

Anh bộ đội ngắc ngứ. Nhưng Sinh hiểu ý anh. Chợt Sinh ngẩng phắt đầu. Hai mắt Sinh như hai ngọn đèn. Ai như lão Giàng Súng đang đi vào chợ? Quên cả chào chị Nhương, anh Na, Sinh đeo túi sáo chạy vụt đi. Chợ đã bắt đầu đông. Các bếp thắng cố bốc khói. Tiếng dê kêu be be sợ hãi. Sinh len lách. Hàng rau tươi. Hàng song mây. Thuốc phiện từng nắm bọc giấy bản bày trên nón sơn để ngửa. Bánh giầy trắng to bằng ông trăng chất trong địu. Chè búp tuyết trắng mốc đầy có ngọn trên mẹt. Quái, lão Giàng Súng đâu rồi? Sinh vòng ra nơi bán trâu, ngựa. Không thấy lão. Sinh thần mặt. Lão này có phép tàng hình à? Sinh đã rình, lão ấy ra chợ, ắt là có chuyện, có khi dò xét được tung tích Lử cũng nên. Lử không chạy xa đâu. Lấy ai nuôi? Nó chỉ quẩn quanh ở đâu đây thôi.

Người đang ùn ùn vào chợ. Chợt, Sinh quay lại: "Ơ, cô Seo Say, đi đâu đấy?”. Cô Say đẹp quá, áo váy mới, vòng bạc mới rửa nước chua sáng trắng. Môi cô bĩu bĩu, cô coi Sinh như trẻ con. Sinh hỏi như quát: "Này, có thấy ông Giàng Súng…". Cô quay ngoắt đi, không đáp.

Sinh chìm trong dòng người, trôi ra cạnh chợ. Rặng đào già cạnh nương đậu răng ngựa cao vổng, nách đơm hoa, quả chổng ngược, mấy chục cái lồng chim hoạ mi mắc trên cành đào như mấy chục cái chuông đang reo. Cạnh đó, hai anh trai đang múa khèn. Những hợp âm khèn đầy đặn, vuốt ve. Tức hứng và kích động quá. Điệu thản chù, điệu xăng ti củ thổn thức não nuột, điệu kể chuyện rỉ rả, điệu đối đáp hóm hỉnh. Đôi chân Sinh không yên. Quên hết, Sinh rút cây sáo, đặt lên môi. Các cô váy xoè, xà tích dài thượt bá vai nhau đứng nghe.

Sáo Sinh hay chẳng kém khèn, trầm ấm, vang xa. Một anh bộ đội thon gọn, mặt nhẹ nhõm từ đâu đến, đứng ngay cạnh Sinh, ngẩn ngơ. Sáo Sinh ngừng một lần. Anh bộ đội khẩn khoản: “Thổi nữa đi, anh”. Sáo sinh lại pừ từ từ, pừ lê lê

Pừ lê lê… pừ từ từ

Tiếng sáo Hmông thả. Hồn Sinh thoát qua cái ống trúc, cuốn cả hồn anh bộ đội theo, bay bay, lượn lượn trên cái chợ đang vào cữ đông. Chợ đang cữ đông. Trên bãi đất bằng, người mua, người bán xoay tít trong một điệu vũ nhộn nhàng. Mảng đỏ chen mảng xanh, mảng đen, hoà sắc thật táo bạo và vui mắt. Xa xa, xanh lơ núi xếp nếp lớp lớp như phông màn trang trí. Mặt trời trên cao, loé sáng trên muôn ngàn ánh bạc của vòng cổ, vòng tay, xà tích, lập lắc, khoá bảo mệnh. Nhạc khèn, nhạc sáo vi vút hoà lẫn tiếng chim hoạ mi, chim khiếu thánh thót.

Trùm cái ô đen lấp mặt, chân đi giày vải, bít tất trắng, Giàng Súng cố giấu hình tích, len lỏi qua các dãy hàng chợ. Mắt không nghiêng nghé, tai không lọt tiếng người, tiếng nhạc, đi tới cuối chợ, lão mới dừng lại trước một căn nhà xây đá, sâu hun hút. Từ trong nhà vẳng ra tiếng hát ê a bài Đố bạc quen thuộc và tiếng người xóc cái cao rao: "Hối a…thín pài xám lục…Tài a…Xỉu a…". Rồi tiếng trống thùng thùng rền ba hồi báo giờ khắc mở gói chữ của trò chơi Hội hoa.

Sòng bạc ở phố chợ đang mở cửa. Giàng Súng không cụp ô. Đi qua cái cửa vòm, qua bàn đố chữ, hội hoa, qua chiếu tài sửu, tới một hành lang dài thẳm được chiếu sáng bằng một chiếc đèn lồng treo trên cao, lão nhận ra, trước lão, sau lão còn có mấy người nữa, cũng sùm sụp ô đen, cũng tất trắng cổ chân. Dừng bước, lão cụp ô và thấy mình đang đứng trong một căn hầm đá. Ba ngọn nến chiếu vừa đủ nhìn thấy mấy chục cái khăn bù xù. Thở phào lão thấy người thật nhẹ nhõm. Nơi hẹn hò kín đáo và tiện lợi quá. Lại toàn những mặt quen. Người Can Chư Sủ. Người Phéc Bủng. Người Lũng Phìn, Người Tả Van Chư… đủ hăm tám xã. Lại có cả đại biểu bên Pha Linh.

Tìm ghế ngồi, vừa đặt đít xuống, lão giật mình ngẩng lên: Có hơi người quen quá. Lão há hốc mồm:

- Anh Lử! Trời!

Lử bằng xương thịt thật. Lử đứng ngay trước mặt lão. Đầu mới cạo, khăn quấn hờ. Bộ ria đã mất, giờ lún phún xanh như rêu.

- Hè hè… Chúng nó tìm tôi nhiều lắm, hả? - Lử cười khẽ - Phẳi bắt đầu đi thôi, Giàng ly trang ạ.

Giàng ly trang ngây ngây. Lử đã bỏ đi. Xung quanh lão giờ là những tiếng trò chuyện rì rầm.

- Ờ, thua chỗ to thôi… Mà đâu có thua.

- Chúng mình đã học nhảy dù, đánh mìn! Sao lại chịu nhỉ!

- Ai bắt đầu trước, kẻ ấy khôn. Châu Quán Lồ bắt đầu chưa?

- Hừ, sao mãi không thấy tàu bay bố mẹ lên nhỉ?

- Ông có biết Xì Xám Mần không? Ông ấy về Vân Nam rồi.

Trời! Toàn những lời nghe mà háo hức quá. Ơ kìa, lai có cả ông nào hét toang toang như khát muốn không kìm hãm nổi nữa.

Ừ, cứ hét lên cho thoả. Không sợ. Ngoài kia, các con bạc reo hò che đậy cho ta bàn bạc mưu toan rồi. Không sợ, khởi sự đến nơi rồi! Tuy nhiên, tất cả đều đã đến giới hạn. Những tiếng lao xao và thét gào đang xổ lồng đã đến lúc xẹp xuống. Lử đã cất tiếng.

- Các anh nghe tôi nói đây.

Ôi chao, Lử! Sao lúc này Lử chững chạc, nghiêm trang thế! Cả giọng nói cũng thế, tỉnh, lạnh lùng và hết sức mạnh mẽ:

- Người Kinh cai quản ta như dây khiến trâu. Người Kinh là con nai đen, cỏ tốt nó đến ăn. Thuế ta phải đóng cho nó. Dân công phải đi cho nó. Xuống vùng thấp, nóng ta không chịu được, ta sẽ chết. Bây giờ, một là sống, hai là chết. Như tôi đây, một là bị Việt Minh Cộng sản giết, hai là giết Cộng sản Việt Minh để sống. Thế thôi! Có điều cần nói để mọi người yên tâm. Người Tây sẽ giúp ta. Nổi dậy đi, đừng sợ. Còn công tích, sau này ta sẽ tính thật công bằng. Thế! Khởi sự đi.

Đứng bật dậy khi Lử nói câu cuối cùng. Mặt Giàng Súng như có ánh lửa cháy giần giật.