Tôi hỏi:
- Có đáng tin cậy không?
- Không đáng tin lắm. Nhưng dù sao khi mọi điều còn chưa chắc chắn thì nó cũng có ích.
Tôi dừng lại ở chỗ đèn đỏ và liếc nhìn miếng hình ghép:
- Không được rõ lắm.
- Đúng.
- Đó có thể là Huenengarth, ngoại trừ bộ râu.
- Vậy sao?
- Huenengarth trẻ hơn người mà anh ta miêu tả, khoảng ba mươi thôi và mặt đầy đặn hơn. Nhưng anh ta béo và nét mặt cũng giống như vậy. Ria mép anh ta có thể rậm hơn từ tháng Ba đến giờ và cũng khó có thể nhận ra anh ta từ xa. Và anh ta có vẻ là một gã tội phạm cũ.
Đèn xanh và tôi rẽ vào đường về nhà.
Milo cười một mình.
- Có gì vậy? - Tôi hỏi.
- Không có gì, tôi chỉ đang suy nghĩ thôi. Nếu như giả thuyết về có kẻ đã giết chết Herbert là đúng thì rắc rối của chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi. Tôi sẽ phải đi lấy tài liệu về cô ta, phải dẫm chân vào lãnh thổ của Trung ương, rồi phải bảo vệ Gabray và bản thân tôi không đủ thẩm quyền để ra lệnh. Tôi quả là một nhân viên đáng nguyền rủa.
- Điều tra một vụ giết người không gây ấn tượng được với Sở cảnh sát hay sao?
- Không bằng sự phục tùng, nhưng khỉ gió, tôi nghĩ là tôi có thể làm được gì đó trong vụ này. Tôi sẽ đến gặp Gomez và Wicker, đút lót cho họ thứ gì đó vậy, phải làm cho họ thấy được vinh quang và một nửa cái huy chương vàng mới được. Có thể trong quá trình điều tra ta phải đặt Gabray vào vòng nguy hiểm. Thằng cha này cũng không hẳn là vô tội đâu. Phải xoay cho y ra bã mới được. Nếu những thông tin y đưa là thật thì y sẽ được yên.
Milo đặt hộp đựng ảnh xuống sàn xe:
- Nghe tôi nói chuyện cứ như một chính khách đáng nguyền rủa ấy nhỉ?
Đường chúng tôi trở về vắng tanh không một bóng xe cộ qua lại.
Chúng tôi về đến nhà đồng hồ đã điểm hơn ba giờ sáng. Milo lái chiếc Porsche về còn tôi nhẹ nhàng lên giường, cố gắng không để Robin thức giấc nhưng nàng vẫn tỉnh và lần tìm tay tôi. Chúng tôi cầm tay nhau và cùng ngủ.
Robin thức dậy, ra khỏi nhà trước tôi, không quên chuẩn bị cho tôi ổ bánh mỳ và ly trái cây vắt.
Trong khi ăn sáng, tôi chuẩn bị những công việc trong ngày của mình.
Buổi sáng nói chuyện điện thoại.
Buổi chiều đến nhà Jones.
Nhưng chuông điện thoại reo trước khi tôi hoàn thành kế hoạch của mình. Đó là Lou Cestare gọi.
- Chào Alex, anh đang đầu tư kinh doanh ngân hàng đó à?
- Chưa, thế chuyến đi du sơn của ông ra sao?
- Một chuyến du sơn thật dài. Tôi cứ nghĩ thằng bé nhà tôi sẽ mệt nhưng không phải vậy. Tại sao anh muốn tìm hiểu về Chuck Jones?
- Ông ta là Chủ tịch bệnh viện nơi tôi từng làm việc. Ông ta cũng quản lý danh mục vốn đầu tư của bệnh viện. Tôi rất thích vị trí này nhưng vấn đề tài chính của bệnh viện không được xuôi chèo mát mái. Đã có tin đồn Jones muốn phá quấy ban đó để giải tán nó nhằm chiếm dụng đất.
- Nghe không có vẻ gì là kiểu người của ông ta.
- Ông biết ông ta à?
- Tôi có gặp ông ta vài lần trong khi dự tiệc. Chúng tôi chỉ chào hỏi qua loa. Ông ta chắc là không nhớ tôi, nhưng tôi thì nhớ phong cách con người ông ta.
- Đó là gì?
- Kiểu người muốn xây dựng chứ không muốn phá bỏ mọi thứ. Ông ta là một trong những người quản lý tiền giỏi nhất đấy, anh Alex ạ. Ông ta không thèm quan tâm tới những gì người khác làm và chỉ theo đuổi để mua được những công ty với giá rẻ mạt - một con người giỏi đàm phán, một tay đầu óc chứng khoán mà ai cũng mơ có được.
- Làm thế nào mà ông ta lại có được khả năng ấy chứ?
- Ông ta biết cách phân tích và đánh giá tình trạng làm ăn của một công ty. Nghĩa là ông ta biết cách tìm thông tin ngoài những báo cáo hàng quý của doanh nghiệp. Khi đã nhận thấy một cổ phhiếu mất giá trị có khả năng sẽ tăng lên thì ông ta lập tức bỏ tiền ra mua và chờ, sau đó bán, rồi lại mua và chờ, cứ như vậy. Thời gian ông ta căn thật hoàn hảo.
- Liệu ông ta có tìm cách moi tin nội bộ không?
- Ồ, mới buổi sáng mà anh đã nghĩ đến điều xấu rồi.
- Vậy là đúng thế rồi.
- Alex này, trong việc kinh doanh thì không có định nghĩa nào được xem là chuẩn mực cả.
- Thôi nào, ông Lou.
- Anh có định nghĩa chuẩn mực nào chăng?
- Có - Tôi nói - Sử dụng những dữ liệu mà người bình thường không có được để đưa ra quyết định có nên bán hay mua.
- Vậy thì nhà đầu tư đãi ngộ một công nhân then chốt của một công ty để biết được công ty đó làm ra sao thì anh gọi là gì? Một người thực sự dành thời gian để nghiên cứu những điểm mạnh yếu của công ty thì sao? Anh gọi đó là tội lỗi hay là sự cặn kẽ?
- Nếu sử dụng tiền để mua chuộc thì tôi xem đó là tội lỗi.
- Gì cơ, chỉ có đãi ngộ ăn uống thôi mà? Có khác gì một phóng viên chiêu đãi người cung cấp thông tin cho mình đâu? Mà kể cả cảnh sát cũng dùng tiền hay cà phê để khuyến khích nhân chứng nói ra sự thật đó thôi. Tôi không thấy có luật nào cấm việc ăn uống, chiêu đãi nhau giữa các doanh nhân. Về lý thuyết, tất cả mọi người đều có thể làm như thế nếu họ muốn. Không ai để ý cả đâu, Alex ạ. Đó là vấn đề đáng nói đấy. Ngay cả những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng dùng những biểu đồ, thống kê, con số mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Không mấy ai trong số họ đi tìm hiểu thực tế về doanh nghiệp mà mình đang nghiên cứu.
- Tôi cho rằng điều đó còn tuỳ thuộc vào những gì mà nhà đầu tư rút ra được từ việc chiêu đãi và mời rượu.
- Chính xác. Nếu giám đốc một công ty mà lại tiết lộ thông tin ai đó chuẩn bị mua một lượng lớn cổ phiếu vào ngày này hoặc ngày khác thì điều đó là bất hợp pháp. Nhưng cũng chính người đó nói rằng công ty đang trong tình trạng tài chính tồi tệ cần phải được sáp nhập thì điều đó lại là hợp lệ. Sự khác biệt ở đây rất mong manh, anh hiểu ý tôi muốn nói gì không? Chuck Jones chỉ làm công việc thông thường thôi. Ông ta quả là tay lì lợm.
- Tiểu sử ông ta thế nào?
- Tôi không nghĩ ông ta từng bước chân đến trường đại học. Chúng ta đang nói chuyện làm ăn. Tôi nghĩ ông ta đã từng chăn ngựa hay làm công việc gì đó tương tự khi còn là một đứa trẻ. Ông ta trở thành người anh hùng vì đã bán đổ bán tháo cổ phiếu trước khi nó hạ giá và chuyển sang đầu tư trái phiếu hay kim loại ngay cả khi ở thời điểm đó giá cổ phiếu của ông ta đang lên. Nếu ai đó biết chuyện họ có thể nghĩ rằng ông ta là lão già lẩm cẩm nhưng khi thị trường đổ bể thì ông ta đã có thể mua lại cổ phiếu và chuẩn bị cho phi vụ làm ăn mới.
- Tại sao không ai biết?
- Ông ta là con người bí mật. Chiến lược của ông ta chủ yếu dựa vào yếu tố này. Ông ta mua bán liên tục tránh những khoản giao dịch lớn và tránh giao dịch qua máy tính. Tôi cũng chỉ mới phát hiện ra điều này mấy tháng trước đây thôi.
- Làm thế nào mà ông phát hiện ra?
- Mọi người thường nhận ra muộn nhưng bọn tôi đã kịp hồi lại được.
- Làm thế nào ông ta lại biết sẽ có đợt tụt giá mạnh?
- Đó là do ông ta có khả năng dự đoán trước. Những tay chơi lão làng thường có được điều này. Đó là sự kết hợp giữa cơ sở dữ liệu khổng lồ và giác quan đặc biệt mà anh chỉ có thể có được khi đã chơi lâu năm. Đôi lúc tôi tưởng mình cũng có khả năng ấy nhưng tôi đã lầm. Nhưng Chuck Jones có đấy. Tôi không nói là ông ta không bao giờ bị thua. Tất cả mọi người đều bị thua nhưng ông ta thắng nhiều hơn thua rất nhiều.
- Hiện tại ông ta đang làm phi vụ gì?
- Tôi không biết, như tôi đã nói đấy, ông ta rất bí mật. Ông ta chỉ đầu tư một mình thôi. Nhưng tôi không nghĩ ông ta đầu tư bất động sản đâu.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì bất động sản đang là thị trường kém sôi động. Tất nhiên là không phải với một người như anh mong muốn tìm được một khoản thu nhập ổn định và mua nhà để dành. Tôi cũng mới rút khỏi thị trường này và chuyển qua cổ phiếu. Nhưng Jones khôn ngoan hơn tôi và ông ta còn rút trước cả tôi nữa cơ.
- Con trai ông ta sở hữu một khu đất rộng ở vùng Thung lũng.
- Ai nói sự khôn ngoan là bản năng di truyền chứ?
- Con trai ông ta là giáo sư trường đại học. Tôi không nghĩ ông ta có thể mua được đến năm mươi lô đất cho chính mình.
- Có thể đó là quỹ tín thác của anh ta - tôi không rõ lắm. Nhưng anh sẽ phải đưa thêm bằng chứng thì tôi mới dám tin Chuck đang đầu tư lớn vào bất động sản. Khu đất của bệnh viện là ở Hollywood có phải không?
- Vài mẫu được mua từ lâu rồi. Bệnh viện đó tồn tại đã được bảy mươi năm và có thể việc thanh toán đã hoàn tất. Vậy thì kể cả khi đất xuống giá thấp đi nữa thì bán vẫn cứ lãi chán.
- Chắc chắn rồi Alex, nhưng đó là về phía bệnh viện, còn động cơ của Jones thì sao?
- Ông ta hưởng hoa hồng từ số tiền bán đất.
- Khu đó có bao nhiêu mẫu và chính xác là ở đâu?
- Khoảng năm mẫu - Tôi nói luôn cho ông ta địa chỉ của Bệnh viện Nhi đồng miền Tây.
- Được rồi, thế thì vào khoảng mười lăm triệu, có thể là hai mươi. Khoảng đất này rất lớn và cần phải chia nhỏ ra thì mới bán được. Vậy là sẽ phải mất thời gian, sẽ phải điều trần, phải xin giấy phép của nhà quản lý, sẽ phải liên quan đến vấn đề môi trường. Phần lớn nhất mà Chuck có thể dành cho mình mà không gây ra tranh cãi là khoảng hai mươi lăm phần trăm - có lẽ mười phần trăm thì đúng hơn. Như vậy cũng có nghĩ là khoảng hai đến năm triệu sẽ rơi vào túi ông ta. Không, tôi không nghĩ là Chuck lại phải cậy cục như vậy để có được số tiền ít ỏi đó đâu.
- Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta có thể có ý khác với mảnh đất ấy? Nếu ông ta không chỉ đóng cửa một bệnh viện mà còn mở ra một bệnh viện mới trên phần đất của con trai mình thì sao?
- Có nghĩ là ông ta chuyển qua kinh doanh bệnh viện? Tôi nghi ngờ điều đó Alex ạ. Tôi không có ý chê bai nhưng lĩnh vực y tế cũng là một thị trường tồi. Bệnh viện cũng đang phơi bụng ra đấy thôi.
- Tôi biết, nhưng biết đâu Jones lại nghĩ ông ta có thể làm được tốt việc này, lội ngược dòng một cách ngoạn mục. Ông chẳng đã bảo rằng ông ta không quan tâm tới những việc mà người khác đang làm là gì.
- Tất cả mọi điều đều có thể Alex, nhưng anh phải chứng minh cho tôi điều đó. Do đâu mà anh lại có được những lý lẽ đó?
Tôi kể cho ông ta nghe về phát biểu của Plumb trong bài báo.
- A, một cái tên khác trong danh sách mà anh đưa cho tôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến anh ta. Vì vậy tôi đã lần tìm trong tất cả các danh bạ mà tôi có. Nhưng tôi nhận thấy anh có xu hướng tìm tới những nhà kinh doanh lớn: anh ta có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, học cao học để lên tiến sỹ, từng làm nhiều công việc quản lý bây giờ lại biết kinh doanh, quả thật anh ta đang trên đà thăng tiến đó. Công việc đầu tiên của anh ta là ở Hãng kế toán quốc gia Smothers & Crimp. Sau đó anh ta chuyển đến trụ sở chính ở một nơi khác.
- Ở đâu?
- Chờ tý, tôi đã ghi vào đâu đó... Đây rồi. Plumb, George Haverford: Ba mươi tư tuổi, lấy mary Ann Champlin; năm 1958 có hai con; năm 1960 có bằng cử nhân và làm cho Smothers & Crimp; từ 1960 đến 1963 chuyển công việc sang làm đối tác điều hành của Hãng Hardfast Steel ở Pittsburgh; 1963 đến 1965 là nhân viên điều hành và quan chức phụ trách hoạt động của Hãng sản xuất Readlite ở Pennsylvania, từ 1965 đến 1968 làm việc cho Hãng kế toán Baxter và ở đó đến tận năm 1971; từ 1971 đến 1974 làm cho Hãng quản lý chuyên gia Advent, thành lập nhóm Plumb; từ 1974 đến 1977 trở lại công việc kinh doanh; năm 1978 làm việc ở Hãng kế hoạch y tế Vantage cho đến tận năm 1981.
- Ông ta thay đổi rất nhiều công việc nhỉ.
- Không hẳn vậy đâu Alex, thay đổi liên tục thể hiện xu hướng kinh doanh của anh ta đấy. Đó cũng là lý do tại sao tôi rời bỏ gia đình sớm. Gia đình quả là địa ngục. Tôi cũng đã thay đổi rất nhiều công việc từ Vantage Health sau đó làm cho Hãng an toàn thực phẩm, ba năm làm cho hãng Arthur-McClennan, ba năm làm cho Neo Dyne Biologicals, sau đó là Hãng tư vấn sức khoẻ MGS-Pittsburgh là nơi anh làm tôi để ý đó.
- Ông thấy nơi đó thế nào?
- Một bệnh viện cỡ nhỏ đến trung bình chuyên điều trị các bệnh cấp tính ở những thành phố nhỏ và vừa, được thành lập năm 1982 bởi một nhóm bác sĩ, chính thức hoạt động năm 1985, lục đục nội bộ, hoạt động kém hiệu quả và năm sau bán lại cổ phần - một tay đầu cơ mua lại tất cả và đóng cửa bệnh viện.
- Tại sao tay đầu cơ đó lại mua nó và dừng hoạt động?
- Có nhiều lý do. Có thể họ phát hiện ra mua nó là một sai lầm và muốn giảm thiểu một cách nhanh chóng các thua thiệt. Hoặc có thể họ muốn các nguồn lực của công ty hơn là bản thân công ty đó.
- Đó là nguồn lực gì?
- Phần cứng, đầu tư, quỹ lương hưu. Còn hãng BIO-DAT mà anh hỏi đến chỉ là một chi nhánh của MGS thôi, đó là cơ quan phân tích dữ liệu. Trước khi được mua lại nó đã được bán cho Hãng Northern Holdings ở Missoula, Montana.
- Đó là một doanh nghiệp nhà nước à?
- Không, tư nhân.
- Còn những công ty khác mà Plumb đã từng làm việc? Ông có biết công ty nào không?
- Không phải một.
- Có công ty nào của nhà nước không?
- Chờ một lát tôi sẽ nói cho anh nghe... Anh muốn bắt đầu từ đâu? Từ Hãng Smothers hay hãng nào?
- Tùy ông nếu ông có thời gian.
- Hôm nay tôi rảnh hơn thường lệ. Chờ tôi một lát.
Tôi chờ và nghe rõ tiếng gõ bàn phím.
- Được rồi, chúng ta sẽ tìm kiếm... đây rồi... Không có gì trên thị trường New York. Không có tên nào như vậy được niêm yết cả. Để tôi tìm trên thị trường Nasdaq xem thế nào.... Cũng không có gì cả. Chờ một lát nữa Alex, để tôi kiểm tra danh sách các công ty tư nhân... Hình như không có hãng nào cả, Alex ạ.
- Có nghĩa là không hãng nào trong số đó còn hoạt động?
- Có thể như vậy.
- Ông có thấy điều đó bất thường không?
- Lạ thật, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải đóng cửa chiếm tỷ lệ rất cao và dường như gã Plumb này đến đâu thì nơi đó đều bị đóng cửa.
- Chuck Jones thuê ông ta điều hành bệnh viện đó Lou ạ. Ông nghĩ gì về ý đồ của ông ta?
- Tôi nghĩ anh ta là tên phá hoại.
- Thế còn những hãng mà Plumb đã từng hợp tác?
- Sẽ khó tìm đấy. Đó toàn là những hãng nhỏ, và nếu là của tư nhân thì sẽ không có chi nhánh về cổ phiếu, có rất ít hoặc không có thông tin trên các báo thương mại.
- Thế còn báo địa phương?
- Nếu đó là hãng lớn của địa phương sa thải nhiều công nhân thì có thể có. Dù sao thì cũng chúc anh may mắn sớm tìm được thông tin này.
- Được rồi, cảm ơn ông.
- Có thực sự quan trọng không Alex?
- Tôi cũng không rõ.
- Nếu biết được những manh mối rồi thì đối với tôi việc tìm kiếm sẽ dễ hơn nhiều - Ông ta nói - Thôi, tôi chơi Tarzan cái đã.
Sau khi nói chuyện với Lou, tôi gọi điện đến Virginia và có số điện thoại của Viện nghiên cứu y tế Ferris Dixon. Một giọng phụ nữ trả lời:
- Viện Ferris Dixon đây, tôi có thể giúp gì được ông không?
- Tôi là bác sĩ Schwietzer của Bệnh viên Nhi đồng miền Tây ở Los Angeles. Tôi là cộng sự của bác sĩ Laurence Ashmore.
- Xin ông vui lòng chờ một lát.
Tiếng nói trở lại:
- Vân thưa bác sĩ Schweitzer, ông cần gì ạ?
- Viện của cô tài trợ cho nghiên cứu của bác sĩ Ashmore?
- Vâng.
- Tôi rất buồn thông báo là ông ấy đã qua đời rồi.
- Ô... vậy sao? - Cô ta thốt lên nhưng nghe giọng nói thì không có gì ngạc nhiên cả - Nhưng tôi nghĩ người có thể giúp ông thì lại không có mặt ở đây.
Tôi không định yêu cầu gúp đỡ nhưng thuận chiều tôi nói luôn:
- Thế ai có thể giúp được tôi?
- Ồ xin lỗi, tôi không rõ, để tôi kiểm tra lại.
- Phiền cô.
- Không có gì, xin ông vui lòng chờ giây lát. Nếu không ông có thể cho tôi số và tôi sẽ gọi lại.
- Tôi phải đi ngay bây giờ. Tôi có thể đến chỗ cô được không?
- Rất hân hạnh được gặp ông, thưa bác sĩ.
- Ồ, xin lỗi, cô có thể cho tôi biết một chút về Viện được không? Tôi muốn làm công việc nghiên cứu của riêng mình.
- Ông muốn biết gì thưa bác sĩ Schweitzer?
- Những dự án nào thì Viện của cô ưu tiên tài trợ?
- Câu hỏi này vượt quá phạm vi của tôi, thưa ông, xin lỗi tôi không thể trả lời câu hỏi đó được.
- Cô có thể gửi cho tôi một cuốn sách nhỏ giới thiệu không? Ví dụ như danh sách các dự án trước đây mà Viện của cô đã tài trợ?
- Tôi e là cũng không được. Cơ quan của chúng tôi mới thành lập.
- Vậy sao? Được bao lâu rồi?
- Xin chờ một lát, thưa ông.
Lại có tiếng nhạc chuông, rồi cô ta quay trở lại:
- Xin lỗi vì quá lâu, thưa ông. Tôi không thể tiếp tục được nữa, tôi còn mấy cuộc điện thoại đang gọi đến. Hay là lát nữa ông gọi lại vậy nhé, tôi nghĩ sẽ có người có thể giúp được ông đấy.
- Người có thể giúp được tôi sao? - Tôi hỏi lại.
- Vâng thưa bác sĩ. Chúc ông một ngày vui vẻ.
Cô ta gác máy. Tôi gọi lại nhưng đường dây bận. Tôi yêu cầu cô nhân viên tổng đài nối cho tôi vào đường dây khẩn cấp và chờ cho đến khi cô ta xuất hiện trở lại:
- Xin lỗi, thưa ông, số máy đó đang bị hỏng.
Tôi tiếp tục nghe được giọng nói dễ chịu của cô nhân viên. Giọng nói thật êm... chắc là phải luyện tập khá nhiều.
Một thông tin mà cô ta cung cấp khiến tôi thấy gờn gợn: "Cơ quan chúng tôi mới thành lập".
Dù từ "cơ quan" để gọi một doanh nghiệp tư nhân thì thật là hơi lạ.
Tôi thử quay lại số đó nhưng vẫn không liên lạc được.
Tôi kiểm tra lại những nghiên cứu đã được Viện này tài trợ.
Zimberg, Walter William. Đại học Maryland, Baltimore.
Có gì đó liên quan tới thống kê khoa học.
Hay ông này ở trường y, khoa Toán hay khoa Y tế cộng đồng gì đó?
Tôi lấy số điện thoại của trường đại học này và liên lạc. Không có tên Zimberg nào trong khoa Y cũng như khoa Toán của trường.
Tôi liên lạc với khoa Y tế cộng đồng. Một giọng nam trả lời:
- Xin cho tôi gặp giáo sư Zimberg?
- Xin lỗi, không có ai là giáo sư Zimberg ở đây.
- Xin lỗi, có lẽ tôi đã nhầm thông tin. Xin hỏi chỗ anh có danh sách nhân viên các khoa không?
- Xin chờ một lát... Có, ở đây có giáo sư Zimberg nhưng ông ấy làm việc ở khoa Kinh tế.
- Xin anh vui lòng nối máy cho tôi nói chuyện với ông ấy.
Một tiếng tách nhỏ vang lên và một giọng phụ nữ trả lời:
- Khoa kinh tế xin nghe.
- Xin cho tôi gặp giáo sư Zimberg.
- Xin ông chờ một lát.
Lại một tiếng tách và giọng phụ nữ khác:
- Văn phòng của giáo sư Zimberg xin nghe?
- Phiền cô cho tôi gặp giáo sư Zimberg.
- Giáo sư Zimberg ra khỏi thành phố rồi thưa ông.
Tôi đoán bừa:
- Liệu ông ta có ở Washington không?
- Xin lỗi, ông là ai ạ?
- Tôi là giáo sư Schweitzer, đồng nghiệp cũ của giáo sư Zimberg. Xin hỏi có phải ông ấy đi họp rồi không?
- Họp gì cơ, thưa ông?
- Cuộc họp của Hội những nhà thống kê sinh học bên đồi Hilton. Tôi có nghe nói ông ấy chuẩn bị trình bày vài dữ liệu mới về phí giới hạn. Nghiên cứu do Viện Ferris Dixon tài trợ.
- Hừm. Giáo sư có thể sẽ sớm gọi lại cho ông. Xin ông vui lòng để lại số của ông, tôi sẽ nói giáo sư gọi lại cho ông.
- Rất cảm ơn cô nhưng tôi sắp phải lên máy bay rồi. Vì vậy tôi không đến cuộc họp được. Xin hỏi giáo sư có để lại bản tóm tắt trước khi ông ấy đi không?
- Xin ông vui lòng hỏi giáo sư về chuyện đó.
- Khi nào ông ấy trở lại?
- Ông ấy đang nghỉ phép thưa ông.
- Ông ấy không báo trước à? Tôi không nghe nói về chuyện đó... Ông ấy nghỉ ở đâu vậy?
- Rất nhiều chỗ, thưa giáo sư...
- Tôi tên là Schweitzer.
- Rất nhiều chỗ, thưa giáo sư Schweitzer. Tuy nhiên, ông ấy thường xuyên gọi điện lại. Ông nên để lại số và tôi sẽ nói với ông ấy gọi cho ông.
Cô ta nhắc lại từng câu từ vừa nói trước đây mấy phút.