- Đã kết thúc chưa? - Cô hỏi và rảo bước nhanh hơn - Tôi bị giữ lại nên đến muộn.
- Kết thúc rồi. Nhưng cũng chẳng có gì nhiều để cô cảm thấy phải hối tiếc là đã không dự cuộc họp đâu. Dường như không ai có gì nhiều để nói về bác sĩ Ashmore. Cuộc họp đã biến thành cuộc đấu tố nhỏ chống lại ban quản trị. Rồi Plumb xuất hiện và khiến mọi người mất hết hứng bằng cách nhận sẽ thực hiện tất cả những yêu cầu của mọi người.
- Ví dụ?
- Tăng cường an ninh chẳng hạn - Tôi kể cho cô nghe về toàn bộ diễn biến cuộc họp, rồi chuyện tranh luận giữa Plumb và Kornblatt.
- Bức tranh sáng hơn rồi - Stephanie nói - Cuối cùng dường như chúng ta đã tìm thấy điều gì đó cụ thể với Cassie. Hãy xem đây.
Stephanie cho tay vào túi và móc ra một mẩu giấy. Tên của Cassie và số đăng ký ở bệnh viện được ghi ở trên cùng, phía dưới là một cột các con số.
- Mới tinh, được lấy từ phòng thí nghiệm vào sáng nay đấy.
Cô chỉ vào một con số.
- Lượng đường huyết thấp - hay giảm đường huyết. Điều này có thể là lời giải thích dễ dàng cho chứng bệnh nío chung của con bé rồi, Alex ạ. Điện tâm đồ không có khu tập trung và có rất ít các bất thường về sóng não. Bogner nói rằng đây là một trong những hồ sơ được đưa ra công khai để tìm câu giải thích. Tôi chắc là anh đã biết chuyện gì thường xảy ra với trẻ em rồi đấy. Vì vậy, nếu không tìm ra được chuyện con bé bị hạ đường huyết thì chúng tôi chắc chỉ còn đường chui xuống đất.
Stephanie đút mảnh giấy vào túi.
Tôi hỏi:
- Trong các xét nghiệm trước đó của con bé chưa từng phát hiện ra chuyện hạ đường huyết đúng không?
- Đúng, và tôi đã kiểm tra rất kỹ. Khi phát hiện ra hiện tượng co giật ở một đứa trẻ thì điều đầu tiên các bác sĩ thường xem xét là sự cân bằng canxi và đường trong máu. Người không có chuyên môn thì xem nhẹ chuyện giảm đường huyết nhưng ở trẻ nhỏ, giảm đường huyết có thể làm cho hệ thần kinh tổn thương nặng. Cả hai lần sau những cơn co giật, Cassie đều có mức đường huyết bình thường, nhưng tôi đã hỏi Cindy xem trước khi đưa con bé vào cấp cứu thì chị ta có cho nó uống gì không, chị ta nói rằng có cho uống nước sinh tố và soda. Cũng là chuyện đáng làm thôi. Khi thấy trẻ bị mất nước thì phải cho nó uống nước. Nhưng điều đó và quãng thời gian trên đường tới đây có thể làm cho các xét nghiệm không chính xác. Vì vậy, có khi con bé bị co giật ngay tại bệnh viện lại là chuyện tốt vì như vậy có thể làm ngay các xét nghiệm.
- Thế có biết tại sao lượng đường huyết của con bé lại thấp không?
Stephanie nhìn tôi nghiêm nghị:
- Vấn đề là ở đó, anh Alex ạ. Bệnh thiếu máu nặng đi cùng với co giật thường thấy ở trẻ sơ sinh nhiều hơn ở trẻ đã biết đi. Các trẻ sinh non, trẻ của những bà mẹ mắc bệnh tiểu đường thường bị những bệnh ảnh hưởng xấu tới tuyến tuỵ. Ở những trẻ khác, ta sẽ dễ dàng nghĩ ngay đó là do bị truyền nhiễm. Lượng bạch cầu của Cassie bình thường, nhưng có thể chúng ta chỉ thấy được những hiệu ứng còn lại thôi. Sự tổn thương dần dần tuyến tuỵ có thể do một bệnh truyền nhiễm cũ gây ra. Tôi cũng không thể loại bỏ các rối loạn về trao đổi chất, mặc dù đã kiểm tra khi con bé gặp vấn đề về hô hấp. Có thể con bé mắc một vấn đề hiếm về đường huyết mà chúng ta chưa từng gặp.
Cô ngước nhìn lên và thở dài:
- Cũng có khả năng là có khối u tuyến tiết insulin. Nếu vậy thì thật là tin không tốt.
- Thì chẳng có gì nghe có vẻ là tin tốt cả - Tôi đáp.
- Tất nhiên, nhưng ít nhất chúng ta sẽ biết mình đang làm gì.
- Thế cô đã nói với Cindy và Chip chưa?
- Tôi đã nói với họ rằng đường huyết của Cassie rất thấp và con bé có thể không có chứng động kinh kinh điển nào. Tôi thấy không cần thiết phải đi vào chi tiết trong khi chúng ta đang cố gắng chẩn đoán.
- Thế họ phản ứng ra sao?
- Cả hai người bọn họ đều thụ động - mệt mỏi. Giống như "hãy đấm thêm cho tôi một cú nữa vào mặt". Không ai trong số họ được ngủ ngon tối hôm trước cả. Người chồng liền đi làm việc ngay còn chị vợ thì lăn ra ngủ.
- Còn Cassie thì sao?
- Vẫn còn ngủ gà ngủ gật. Chúng tôi đang cố gắng để ổn định đường huyết của con bé.
- Thế con bé cần phải làm gì nữa, tiếp tục theo các thủ tục điều trị, theo dõi?
- Còn phải xét nghiệm máu, chụp X-quang ruột con bé. Có thể cuối cùng lại phải mổ ra xem bên trong đó có gì không - để được tận mắt thấy tuyến tuỵ của nó hoạt động bình thường. Nhưng thời gian còn dài. Cần phải trở lại với Torgeson đã. Ông ta đang xem xét các phác đồ điều trị trong văn phòng của tôi. Hoá ra ông ta lại là người khá hay, không hề khách sáo tí nào.
- Thế ông ấy có xem xét cả phác đồ của Chad không?
- Tôi yêu cầu nhưng người ta không tìm thấy.
- Tôi biết - Tôi đáp - Tôi cũng đang tìm đây. Có ai đó tên là Kent Herbert đã lấy nó đi rồi. Người này làm việc cho Ashmore thì phải.
- Herbert à? - Cô ngạc nhiên - Tôi chưa từng nghe nói tới người này bao giờ. Tại sao Ashmore lại cần tới phác đồ chứ, mà ngay từ đầu ông ta có hứng thú với chuyện này đâu?
- Thật là một câu hỏi hay.
- Tôi sẽ tra xét kỹ việc này. Còn bây giờ, xin hãy tập trung vào hệ thống trao đổi chất của Cassie.
Chúng tôi cùng đi về phía cầu thang.
Tôi hỏi:
- Liệu hiện tượng giảm đường huyết có thể giải thích cho các vấn đề khác được không - vấn đề khó thở và đi ngoài ra máu ấy?
- Không trực tiếp, nhưng tất cả các vấn đề có thể là biểu hiện của quá trình nhiễm bệnh nói chung hay một hội chứng hiếm gặp. Những căn bệnh mới luôn luôn đến với chúng tôi - và mỗi lần phát hiện enzyme nào đó thì chúng tôi cũng lại tìm ra người không có thứ enzyme ấy. Cũng có thể đây là một trường hợp không điển hình của cái mà chúng tôi đã cố công tìm kiếm nhưng lại không có trong máu của con bé, vì lý do gì thì có trời mới biết.
Stephanie nói nhanh và to. Cô tỏ ra hài lòng khi nói về những vấn đề thường gặp trong bệnh viện.
- Cô có còn muốn tôi tiếp tục tham gia vào vụ này không? - Tôi hỏi.
- Đương nhiên là còn. Tại sao anh lại hỏi vậy?
- Có vẻ cô đã không còn trung thành với giả thiết về hội chứng tâm lý Munchausen nữa và nghĩ rằng đây là một căn bệnh có thật.
- Mong sao đó là một căn bệnh thật sự và có thể điều trị được. Nhưng ngay cả khi sự thật là như thế thì có lẽ chúng ta đang phải đối mặt với căn bệnh kinh niên. Vì vậy, họ có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ, nếu anh không phiền.
- Tất nhiên.
- Cảm ơn nhiều.
Sau khi xuống khỏi cầu thang tới tầng tiếp theo, tôi hỏi:
- Liệu Cindy hay ai đó khác có thể gây ra chứng hạ đường huyết cấp không?
- Tất nhiên là có. Chị ta chỉ cần tiêm cho con bé một mũi insulin vào nửa đêm thôi. Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó rồi. Nhưng việc đó đòi hỏi phải có những hiểu biết sâu sắc về cả thời điểm lẫn liều lượng thuốc sử dụng.
- Nghĩa là phải thực tập việc tiêm rất lâu phải không?
- Tiêm thẳng vào con bé thôi bởi vì Cindy cũng có rất nhiều thời gian bên con mình. Nhưng với phản ứng gay gắt của Cassie đối với kim tiêm thì nếu bà mẹ chọc kim tiêm vào nó thì liệu con bé có ngồi yên mỗi khi nhìn thấy mẹ nó không? Mà tôi là người duy nhất con bé đó sợ hãi... Hơn nữa, tôi chưa phát hiện ra vết tiêm bất thường nào trên cơ thể con bé.
- Liệu có dễ nhận ra những vết tiêm này không khi mà trên người con bé đã có bao nhiêu vết tiêm chích rồi?
- Tất nhiên là không dễ nhận ra, nhưng tôi luôn cẩn thận khi khám bệnh, anh Alex ạ. Lúc nào cơ thể con bé cũng được soi xét kỹ lưỡng.
- Liệu insulin có thể đưa vào cơ thể nó ngoài đường tiêm không?
Stephanie lắc đầu. Chúng tôi tiếp tục đi xuống.
- Đúng là có các chất uống vào làm cho đường huyết hạ xuống nhưng nếu có thì hội đồng độc tốt đã phát hiện ra rồi.
Nghĩ tới chuyện Cindy bị sa thải khỏi quân đội vì vấn đề sức khoẻ, tôi hỏi:
- Trong gia đình con bé có ai bị bệnh tiểu đường không?
- Anh nghĩ Cassie có cùng kiểu insulin như của ai đó à? - Stephanie lắc đầu - Ngay từ lúc đầu, khi xem xét hệ trao đổi chất của Cassie, chúng tôi đã yêu cầu luôn cả Cindy và Chip cùng làm xét nghiệm. Kết quả bình thường.
- Thôi rồi - Tôi nói - Vậy thì mong sao chúng ta gặp may trong việc tìm ra lời giải đáp.
Stephanie dừng lại và hôn nhẹ lên má tôi.
- Tôi rất cảm ơn về những nhận xét của anh, anh Alex ạ. Tôi rất thích thú được làm việc với vấn đề sinh hoá. Có lẽ tôi đang có nguy cơ bị giảm thiểu tầm nhìn rồi.
Trở lại tầng hai, tôi hỏi người lính gác nơi đặt văn phòng nhân sự của bệnh viện. Anh ta nhìn tôi từ đầu tới chân một lượt rồi mới cho biết nó ở ngay tầng hai này.
Hoá ra chính là nơi mà tôi vẫn còn nhớ chính xác. Hai người phụ nữ đang ngồi trước hai chiếc máy chữ. Người thứ ba đang xếp sắp giấy tờ. Người này đi lại chỗ tôi. Bà ta chừng năm mươi tuổi, tóc cứng, mặt lưỡi cày. Bên dưới tấm thẻ nhân sự của bà ta là cái phù hiệu hình tròn có vẻ đã cũ in hình con chó chăn cừu bù xù.
Tôi nói với bà ta rằng tôi muốn gửi thiệp chia buồn tới quả phụ của bác sĩ quá cố Ashmore và ngỏ ý xin địa chỉ của ông ta.
Bà ta đáp:
- Ôi, được. Thật kinh khủng phải không? Không biết nơi này sắp tới sẽ ra sao nữa?
Vừa nói bà ta vừa mở một chiếc kẹp tài liệu to bằng cuốn danh bạ điện thoại.
- Của ông đây, thưa bác sĩ - đường Bắc Whittier Driver, qua dãy Beverly Hills - một khu bất động sản lớn đáy. Dãy nhà số 900 ở ngay đường Sunset. Thật là đỉnh của các đỉnh. Ashmore đã sống không chỉ bằng tiền trợ cấp nghiên cứu đâu.
Người thư ký thở dài:
- Thật tội. Đấy, ông thấy không, ở đây thật không dễ tìm được sự an toàn.
Tôi hỏi:
- Thật thế sao?
- Chả thế là gì?
Chúng tôi cùng mỉm cười ý nhị với nhau.
- Con chó đẹp quá - Tôi nói và chỉ tay vào tấm phù hiệu.
Bà ta cười:
- Đó là cục cưng của tôi đấy - người bảo vệ cho tôi. Tôi nuôi toàn những con kiểu Anh cổ thực sự, vì nó có tính cách tốt và biết làm việc có ích.
- Nghe có vẻ ngồ ngộ nhỉ?
- Còn hơn thế nữa ấy chứ. Những con thú cho mà không hề mong đợi sẽ được đền đáp lại. Chúng ta có thể học được ở chúng khá nhiều điều đấy.
Tôi gật đầu:
- Tôi xin hỏi thêm một câu nữa. Bác sĩ Ashmore có làm việc cùng ai không - bác sĩ Kent Herbert gì đó phải không? Hiện đội ngũ nhân viên của bệnh viện muốn thông báo cho ông này về số tiền gây quỹ từ thiện được lập ra để tưởng nhớ tới bác sĩ Ashmore nhưng không ai biết ông ta đâu cả. Tôi đã được chỉ định tìm kiếm ông ta. Nhưng bản thân tôi, thú thực là cũng không chắc chắn ông ta còn làm việc tại đây. Vì thế, nếu bà có được địa chỉ của ông ta thì tôi rất lấy làm biết ơn.
- Herbert à - Bà ta nói - Vậy có phải ông cho rằng ông ta đã bỏ việc?
- Tôi không biết. Tôi nghĩ vào tháng Một và tháng Hai ông ta vẫn còn trong biên chế của bệnh viện. Hi vọng thông tin này có ích đôi chút cho bà.
- Rất có thể. Herbert à... để rồi xem.
Bà ta đi tới bàn làm việc của mình, lôi ra một tập hồ sơ dày cộp từ chiếc giá.
- Herbert hả, hiện tôi có hai người tên là Herbert nhưng chẳng ai trong số họ có vẻ là người mà ông nói tới. Herbert Ronald thì làm dịch vụ ăn uống còn Herbert Dawn thì trong ngành độc học.
- Có thể là Dawn. Độc học là lĩnh vực chuyên ngành của bác sĩ Ashmore mà.
Bà ta nhăn mặt:
- Dawn là tên của một người con gái. Tôi nghĩ là ông đang tìm kiếm một người đàn ông cơ đấy.
Tôi nhún vai hết ý.
- Có lẽ đã có sự nhầm lẫn - vị bác sĩ đưa cho tôi cái tên này không thực sự biết Herbert là ai, vậy nên cả hai chúng ta đều cho rằng người đó là một người đàn ông. Xin lỗi về sự nhầm lẫn này nhé.
- Ông đừng lo ngại về điều đó - Bà ta nói - Tôi không định làm to chuyện này đâu.
- Thế Dawn Herbert này có tên đệm bắt đầu bằng chữ "K" phải không nhỉ?
Bà ta nhìn xuống:
- Đúng rồi đấy.
- Thế thì đúng rồi - Tôi nói - Cái tên mà tôi được trao là D.Kent. Vậy công việc của người này thế nào?
- 533A - để tôi xem nào... - Bà ta lật qua một cuốn khác - Có vẻ như đây là một trợ lý nghiên cứu, bậc một.
- Liệu có thể nào cô ta đã được chuyển tới một khoa khác trong bệnh viện không?
Xem qua cuốn khác, bà ta nói:
- Không. Có vẻ như cô ta thôi không làm ở đây nữa.
- Thế hả... vậy bà có địa chỉ của cô ta không?
- Không, tôi không có. Chúng tôi thường bỏ đi những hồ sơ của cá nhân ba mươi ngày sau khi họ rời bệnh viện - thực sự ở đây chúng tôi đang thiếu chỗ lưu trữ.
- Bà có biết cô ta bỏ việc từ khi nào không?
- Tôi có thể giúp được ông việc này - Bà ta lật qua vài trang và chỉ vào một cái mã mà tôi không hiểu mô tê gì - Đây. Ông đã nói đúng. Cô ta ở đây khoảng trong tháng Hai. Nhưng đó cũng chính là tháng cuối cùng mà cô ta ở đây - lần cuối cùng cô ấy khai báo có mặt là vào ngày 15 tháng Hai và đến ngày 28 thì chính thức bị gạt khỏi bảng lương.
- Ngày 15 à - Tôi lẩm bẩm. Vậy là một ngày sau khi bệnh án của Chad bị lấy đi.
- Đúng ngày đó. Ông nhìn đây. 2 gạch chéo 15 (2/15) đúng không?
Tôi tiếp tục ngồi tán gẫu với bà ta thêm vài phút nữa, nghe bà ta nói chuyện về những con chó của mình. Nhưng đầu óc tôi lại hiện về những con vật hai chân.
Lúc tôi rời khỏi bệnh viện là 3 giờ 45. Cách đó vài bước chân, cảnh sát giao thông đi trên mô tô đang ghi vé phạt cho một y tá vượt ngang đường trái phép. Người y tá có vẻ rất tức giận còn khuôn mặt của viên cảnh sát thì lạnh như tiền.
Giao thông trên đường Sunset bị ngưng lại bởi vụ đâm nhau của bốn chiếc xe hơi. Phía sau là đám hỗn loạn những kẻ hiếu kỳ và những cảnh sát giao thông đang buồn ngủ. Phải mất gần một tiếng tôi mới tới được con đường xanh mướt hàng cây của đại lộ Beverly Hills.
Tôi lái qua những khu cỏ mọc rậm rì từng có ngôi nhà Arden. Cỏ bị khô héo còn cây cối trong khu đất đã chết. Cung điện Địa Trung Hải trước kia là nơi vui chơi của một vị vua Ả rập 20 tuổi rồi sau đó bị ai đó đốt mất. Dù lý do đốt cháy là gì thì người ta vẫn đồn đại rằng việc xây lại và phân chia thành từng khu cung điện đó phải tốn mất nhiều năm.
Một đoạn đường nữa thì tới khách sạn Beverly Hills nơi có những hàng dài xe Limo trắng đậu ở cửa. Có lẽ là trong khách sạn đang tổ chức đám cưới hay đang quảng bá cho một bộ phim mới.
Khi tới đường Whittier Drive, tôi quyết định tiếp tục đi không dừng lại. Nhưng khi mấy chữ trên tấm biển chỉ đường đập vào mắt, tôi lại rẽ sang phải và lái chầm chậm dần vào con phố rợp bóng cây.
Nhà của Laurence Ashmore ở cuối con đường, căn nhà kiểu Georgia bằng đá vôi cao ba tầng trên khu đất rộng ít nhất cũng 360mét vuông. Căn nhà liền một khối vững chắc và sạch sẽ. Một đường cho xe chạy lát gạch xuyên qua thảm cỏ cực kỳ bằng phẳng. Khung cảnh khá đẹp mắt, có cây khô, cây trà, và dương xỉ Hawaii - người Georgia thường thích trồng cây nhiệt đới. Một cây ô liu rủ bóng che kín một nửa bãi cỏ, nửa còn lại tràn ánh nắng vàng.
Bên trái nhà là lói cổng cho xe ra vào có mái che đủ dài để che kín một trong những hàng xe mà tôi nhìn thấy ở khách sạn. Phía sau cái cổng gỗ là những ngọn cây xanh cùng những đám hoa giấy đỏ rực.
Đúng là đỉnh của đỉnh. Dù đổ nát đi nữa thì giá ít nhất cũng là 4 triệu đôla.
Trong lối vào hình tròn dành cho xe hơi có đậu một chiếc xe, đó là con Olds Cutlass, đã năm hoặc sáu năm tuổi rồi. Trước và sau chiếc xe vài trăm mét đều là khoảng không trống rỗng. Không hề có những người mặc bộ đồ đen tưởng niệm hay những vòng hoa trên bậc cửa. Những cánh cửa sổ đều đóng kín; không dấu hiệu nào cho thấy rằng bên trong có người ở. Tấm biển của một công ty an ninh cắm trên bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng.
Tôi tiếp tục lái xe, vòng trở lại, đi qua căn nhà rồi về thẳng nhà mình.
Trong điện thoại chỉ có những cuộc gọi thường kỳ từ những dịch vụ mà tôi thuê; không thấy có tín hiệu từ Fort Jackson. Tôi liền gọi tới căn cứ và yêu cầu gặp đại uý Kart. Ngay lập tức anh ta có mặt.
Tôi nhắc lại cho anh ta biết tôi là ai và nói thêm rằng hy vọng tôi không làm gián đoạn bữa tối của anh ta.
Kart nói:
- Không sao đâu, thưa ông. Tôi cũng đang định gọi cho ông đây. Tôi nghĩ đã tìm ra cái mà ông muốn rồi.
- Thật tuyệt.
- Chờ tôi một giây nhé. Đây rồi. Bệnh cúm và bệnh viêm phổi trong mười năm qua, đúng thế không nhỉ?
- Chính xác rồi.
- Thế thì theo những gì tôi biết, chúng tôi chỉ có một đợt dịch cúm lớn - đó là loại bệnh dịch kiểu Thái ấy - xảy ra vào năm 1973. Nghĩa là trước thời gian mà ông yêu cầu tôi kiểm tra.
- Kể từ đó tới nay không có chuyện gì à?
- Có vẻ là vậy, thưa ông. Và cũng không có bệnh viêm phổi đâu, chấm hết. Tất nhiên những trường hợp cá biệt bị bệnh thì chúng tôi cũng có, nhưng không nghiêm trọng đến mức gọi là dịch đâu. Và chúng tôi cũng lưu giữ các tài liệu cẩn thận lắm. Điều duy nhất chúng tôi thường xuyên lo lắng về mặt bệnh truyền nhiễm là bệnh viêm màng não vi khuẩn. Chắc ông cũng biết căn bệnh này nguy hiểm thế nào ở trong một môi trường kín thế này rồi đấy.
- Tất nhiên rồi - Tôi đáp - Thế đã từng xảy ra trận dịch viêm màng não nào chưa?
- Có một vài trận. Cách đây hai năm thôi. Trước đó là vào năm 1983, rồi 1978 và 1975 cũng có. Có vẻ tôi là người hơi bi quan khi nghĩ về chuyện này. Có lẽ nên nghiên cứu về bệnh này thì hơn, biết đâu ai đó lại có thể phát hiện ra mô thức bệnh học của nó cũng nên.
- Thế những trận dịch ấy có nghiêm trọng không?
- Tôi chỉ được chứng kiến có một trận duy nhất cách đây hai năm và thực sự là nghiêm trọng. Có mấy quân nhân đã bị chết.
- Thế còn các biến chứng, tức là bị tổn thương não bộ hay những chứng rối loạn gây co giật thì có ai mắc không?
- Rất có thể. Tôi không có dữ liệu cụ thể trong tay nhưng có thể kiếm được. Hay ông muốn thay đổi đề tài nghiên cứu.
- Vẫn chưa - Tôi nói - Tôi chỉ hơi tò mò chút thôi.
- Vậy thì - Anh ta nói - tò mò cũng là một điều hay đấy. Chí ít thì cũng không sao trong thế giới dân sự.
Stephanie đã có những dữ liệu cụ thể của cô, và tôi cũng có dữ liệu của riêng mình.
Vậy là Cindy đã nói dối về việc chị ta bị loại khỏi quân đội.
Có thể Laurence Ashmore cũng đã biết được một vài dữ liệu. Biết đâu khi ông ta trông thấy tên Cassie trong giấy nhập viện và giấy ra viện nên đã tò mò.
Vậy thì chuyện gì đã khiến ông ta phải tiếp tục xem xét hồ sơ bệnh án của Chad Jones?
Bây giờ thì Ashmore đã không có cơ hội để giải thích, nhưng còn người phụ tá của ông ta thì sao?
Tôi gọi tới số 213, 310, 818 để xin một danh sách các tên Dawn Kent Herbert nhưng không tìm được gì. Tôi gọi tiếp tới các số 805, 714, và 619 nhưng cũng nhận được kết quả tương tự. Cuối cùng, tôi gọi cho Milo tại Trung tâm Parker. Anh nói:
- Tối qua tôi đã nghe về vụ án giết người mà anh nói tới rồi.
- Tôi đang ở bệnh viện thì chuyện đó xảy ra - Tôi kể lại cho anh nghe về cuộc thẩm vấn và cảnh tượng trong hành lang cũng như cảm giác bị theo dõi khi tôi lái xe ra khỏi khu đậu xe.
- Anh phải cẩn thận, anh bạn ạ. Tôi đã nhận được lời nhắn của anh và kiểm tra chồng của Bottomley nhưng không hề có dữ liệu nào về chuyện họ gọi tới cảnh sát vì có những xung đột bạo lực trong gia đình. Trong dữ liệu của Trung tâm Tội phạm Quốc gia cũng không có ai là chồng của bà ta. Nhưng đúng là cuộc sống của bà ta đang gặp một vài khó khăn. Reginald Douglas Bottomley làm trong ngành xử lý chất thải D.O.B năm 1970. Có thể đây là con trai hay là cháu trai hư hỏng của bà tay đấy.
- Thế nó đã làm chuyện gì khiến bà ấy khó xử vậy?
- Rất nhiều. Hồ sơ của nó đủ dài để phủ kín một chiếc giường của Abdul - Jabbar. Có hồ sơ phạm tội vị thành niên, uống rượu rồi lái xe, chứa chấp hàng cấm, trộm cắp cửa hàng, ăn cắp vặt, trộm đêm, cướp giật, tấn công người khác. Rất nhiều vụ phá phách, đã từng bị kết án vài lần, có một thời gian ngắn ở tù, tại nhà tụ quận hẳn hoi. Tôi đã phải viện tới một thanh tra cảnh sát của Foothill để có được thông tin về bà ta đấy. Thế chuyện gia đình của Bottomley có liên quan gì tới đứa trẻ?
- Tôi cũng chưa biết được - Tôi đáp - Chỉ muốn xem có yếu tố stress nào khiến bà ta có hành động bất thường không thôi. Cũng có thể do bà ta đã làm tôi bực mình nên tôi muốn tìm hiểu về bà ta. Tất nhiên, nếu vì bà Vicki đã đánh đập khiến thằng Reginald trở nên tồi tệ thì chúng ta cũng có được chút manh mối đấy. Bản thân tôi đang có một vài thông tin rất có giá trị. Cindy Jones đã nói dối về việc chị ta bị đuổi khỏi quân đội. Tôi đã nói chuyện với Fort Jackson và vào năm 1983 không hề có trận dịch viêm màng phổi nào xảy ra ở đó.
- Thế ư?
- Có thể cô ta đã bị bệnh viêm phổi, nhưng không hề nằm trong trận đại dịch nào cả. Vấn đề là chị ta lại nhấn mạnh tới trận đại dịch để giải thích lý do ra khỏi quân đội.
- Thật là một chuyện ngớ ngẩn để đem ra mà nói dối.
- Đó là trò chơi của những người bị Munchausen đấy - Tôi đáp - hoặc có thể chị ta đang che đậy điều gì đó. Nên nhớ, chuyện ra khỏi quân đội là một đề tài nhạy cảm với chị ta - khi nói tới chuyện này, chị ta đỏ mặt và lấy tay vấn tóc. Viên sỹ quan quân y ở căn cứ ấy nói rằng vào năm 1983 đúng là có một trận đại dịch - có thể là vào thời gian ấy Cindy đang còn ở trong quân ngũ. Nhưng đó lại là dịch viêm màng não, nghĩa là có thể dẫn tới co giật. Điều này cho chúng ta manh mối dẫn tới một hệ thống nội tạng khác mà con bé Cindy đang gặp vấn đề. Thực ra, tối qua, con bé đã có một trận co giật rất mạnh. Ngay tại bệnh viện.
- Đó là trận co giật đầu tiên ở bệnh viện đấy nhỉ.
- Đúng thế. Lần đầu tiên có người ngoài Cindy được chứng kiến.
- Lúc đó còn có ai chứng kiến nữa?
- Bottomley và người y tá trực phòng. Nhưng điều thú vị là ở chỗ: ngày hôm qua Cindy cứ khăng khăng với tôi về việc Cassie luôn mắc bệnh ở nhà và rồi nhanh chóng khỏi khi đến bệnh viện. Vì vậy mà mọi người cứ nghĩ chị ta điên. Và rồi vài tiếng sau đó thì có chuyện. Các xét nghiệm tại phòng thí nghiệm khẳng định rằng con bé bị hạ đường huyết cấp. Stephanie cũng khẳng định rằng tình trạng của con bé đúng là có bệnh. Nhưng anh Milo ạ, bệnh hạ đường huyết lại có thể làm giả được bằng cách thay đổi lượng đường trong máu, chẳng hạn tiêm vào đó một liều insulin thôi. Tôi đã thắc mắc điều này với Stephanie nhưng tôi cho rằng cô ta không để ý tới. Lúc này cô ta như người say ấy, cố tìm xem có căn bệnh hiếm thấy nào trong hệ trao đổi chất không.
- Cô ta thay đổi ý kiến hơi nhanh nhỉ - Milo nói.
- Tôi không trách gì cô ấy. Sau mấy tháng phải đối mặt với tình trạng này, cô ấy đâm ra chán nản và muốn làm điều gì đó thực sự là chữa trị chứ không muốn theo đuổi trò chơi suy đoán tâm lý nữa.
- Còn anh thì khác...
- Đầu óc tôi hơi đen tối, anh bạn ạ - vì có quá nhiều thời gian bên anh đấy.
- Đúng thế, anh bạn - Milo nói - Mà này, tôi nghĩ chắc anh cho rằng bà mẹ đã mắc căn bệnh viêm màng não đúng không? Co giật - chắc anh nghĩ mẹ nào con ấy chứ gì? Nhưng bản thân anh đâu có rành về cái đó. Và nếu như cô ta có điều gì đó muốn che giấu thì tội gì cô ta phải khơi ra chuyện bị ra khỏi quân đội làm gì?
- Thế tại sao những người bị thẩm vấn của anh lại bịa chuyện? Nếu chị ta là con bệnh Munchausen thì chắc chị ta muốn đùa tôi với một nửa sự thật. Có lẽ cũng cần phải lấy được hồ sơ bị đuổi ra khỏi quân đội của chị ta, anh Milo ạ. Cần phải tìm hiểu kỹ chuyện gì đã xảy ra với chị ta ở Nam California.
- Tôi có thể thử làm chuyện này, nhưng tốn thời gian đấy.
- Còn nữa. Hôm nay tôi đi kiếm hồ sơ khám nghiệm tử thi của Chad Jones nhưng nó đã bị lấy đi. Một phụ tá nghiên cứu cũ của Ashmore đã lấy đi vào tháng Hai và chị ta không trở lại nữa.
- Ashmore à? Có phải người đã bị giết không?
- Chính là người đó. Ông ta là chuyên gia về chất độc. Một năm trước, chính Stephanie đã yêu cầu ông ta xem xét hồ sơ bệnh của Chad Jones khi mà cô ấy bắt đầu thấy nghi ngờ về trường hợp của Cassie. Ông ta đã làm nhưng rất miễn cưỡng - đúng là một nhà nghiên cứu chính cống nên không muốn dính dáng tới bệnh nhân. Và ông ta đã báo cáo lại cho Stephanie rằng ông ta không tìm tấhy vấn đề gì cả. Vậy thì tại sao ông ta lại lấy hồ sơ bệnh án đó làm gì chứ, trừ phi ông ta đã phát hiện ra điều gì đó mới về Cassie?
- Nếu ông ta không dính dáng tới các bệnh nhân thì làm sao ông ta lại biết về Cassie được chứ?
- Có thể ông ta đã nhìn thấy tên con bé trên danh sách nhập viện và xuất viện. Ngày nào danh sách này chẳng được thông báo và mỗi bác sĩ đều nhận được một bản. Chắc nhiều lần nhìn thấy cái tên này nên ông ta cảm thấy tò mò muốn xem xét lại cái chết của anh trai con bé. Người nữ phụ tá của ông ta là Dawn Herbert. Tôi đã cố liên lạc với cô này nhưng cô ta đã rời khỏi bệnh viện ngay sau khi lấy hồ sơ của Chad đi - đúng là đã có sự chọn lựa thời điểm. Và rồi Ashmore lại bị giết nữa. Tôi không muốn bàn tới chuyện có âm mưu gì ở đây nhưng rõ ràng chuyện này thật khó hiểu, phải không? Herbert là người có thể làm cho mọi chuyện rõ ràng nhưng không hề có địa chỉ hay số điện thoại nào được đăng ký theo tên của cô ta từ Santa Barbara cho tới San Diego.
- Dawn Herbert - Milo đáp - Có phải chữ H trong Hoover không?
- Tên đệm là Kent, K giống như trong từ Duke ấy.
- Được rồi. Tôi sẽ cố tìm xem sao trước khi hết giờ làm.
- Thế thì cho tôi cảm ơn trước.
- Anh hãy cảm ơn tôi bằng một chầu nhậu đi.
- Tôi xin đồng ý.
Tám giờ Milo tới nhà tôi, tay cầm chiếc hộp màu trắng. Bên ngoài cái hộp các tông có hình một người Ai Len đang cười toe toét, tay xoay xoay đĩa bột nhào.
- Bánh pizza à? - Tôi hỏi.
- Ừ, còn anh hãy chờ người ta mang hoá đơn đến để thanh toán nhé.
Milo mang chiếc hộp vào trong bếp, dùng móng tay để cắt dải buộc, nhấc cái nắp lên và lấy một miếng bánh ra đứng ăn tại bàn. Ăn xong, anh lại lấy thêm miếng nữa đưa cho tôi và một miếng cho mình.
Tôi nhìn miếng bánh trên tay, nào là pho mát chảy, lác đác có ít nấm, hạt tiêu, cá bống, xúc xích và rất nhiều thứ mà tôi không xác định nổi là gì.
- Cái gì thế này - dứa nữa à?
- Và cả xoài nữa đấy. Còn đây là thịt Canada, xúc xích lợn và xúc xích Tây Ban Nha. Đấy chính là pizza Pogo-Pogo chính cống đấy. Món ăn của dân chủ thực sự - một bài học về dân chủ trong ẩm thực.
Anh vừa ăn vừa phồng mồm trợn má nói:
- Có một gã người Indonesia bán thứ bánh này ở cái quán ven đường. Nhiều người xếp hàng để mua.
- Và cũng rất nhiều người xếp hàng để nộp phạt vì đậu xe sai quy định đấy.
- Anh nên nói cho đúng chủ đề đi, anh bạn - Nói đoạn, Milo lại tiếp tục chúi mũi vào đống pizza, một tay đặt bên dưới để hứng những giọt pho mát chảy xuống.
Tôi tới tủ và lấy ra hai chiếc đĩa giấy và khăn ăn để lên bàn.
- Chu cha, thật là tốt - Lấy tay lau cằm, anh hỏi tiếp - Uống tí gì chứ nhỉ?
Tôi đem hai lon Coca-Cola từ tủ lạnh.
- Cái này được chưa?
- Nếu lạnh thì được rồi.
Sau khi ăn hết miếng bánh thứ hai, Milo liền mở lon Coca-Cola và uống ừng ực.
Tôi ngồi xuống và cầm một chiếc bánh lên ăn.
- Thật không tồi đâu.
- Milo biết thứ đồ nào là đồ ngon mà - Anh lại uống thêm chút Coca-Cola nữa - Còn về cô Dawn Kent Herbert của anh ấy, tôi chẳng thấy có lệnh bắt hay lệnh truy nã nào với cô ta cả. Đây lại là một cô gái đồng trinh đấy.
Milo cho tay vào túi và lôi ra một tờ giấy đưa cho tôi. Trên tờ giấy có nét chữ đánh máy: Dawn Kent Herbert, làm trong ngành xử lý rác thải độc hại, sinh ngày 13 tháng 12 năm 1963, cao 1mét 65, nặng 60kg, da nâu, tóc nâu, đi xe Mazda Miata.
Bên dưới dòng chữ đó là một địa chỉ ở đường Lindblade, thành phố Culver.
Tôi cảm ơn anh và hỏi xem liệu anh có thông tin gì mới về vụ giết hại Ashmore không.
Anh lắc đầu nói:
- Có vẻ như một vụ cướp vẫn thường thấy ở Hollywood.
- Đúng là một người đáng để mà cướp đấy. Ông ta rất giàu có - Tôi mô tả ngôi nhà ở Bắc Whittier cho Milo.
- Không biết bên nghiên cứu có trả lương hậu hĩnh cho ông ta không? - Anh hỏi.
- Chưa bao giờ những người làm nghiên cứu được trả lương hậu hĩnh cả. Chắc Ashmore phải có nguồn thu nhập nào khác. Điều đó lý giải tại sao bệnh viện này lại thuê ông ta vào thời điểm họ đang cố gắng sa thải các bác sĩ và giảm tiền trợ cấp nghiên cứu. Có lẽ việc ông ta đên đấy đã đem theo một vài món hời nào đó cho bệnh viện.
- Có nghĩa là ông ta đã trả tiền để được vào đó làm việc?
- Chuyện đó không thể loại trừ.
- Vậy tôi hỏi anh điều này nhé - Anh nói - là chuyện anh đặt ra giả thiết Ashmore đã tò mò về trường hợp con bé ấy. Cassie đã ra vào bệnh viện đó ngay từ khi nó sinh ra. Vậy tại sao ông ta phải đợi mãi tới tận tháng Hai mới bắt đầu theo dõi?
- Thật là câu hỏi hay - Tôi khen - Xin chờ cho một giây nhé.
Tôi phóng tới phòng đọc và tìm kiếm mấy tờ giấy mà tôi đã ghi chép được về quá trình điều trị của Cassie. Milo đã ngồi xuống bàn và chúng tôi cùng lật từng trang một.
- Đây rồi - Tôi nói - Ngày đó là mười tháng Hai. Bốn gnày trước khi Herbert lấy đi hồ sơ bệnh án của Chad. Đó là lần nhập viên thứ hai của Cassie vì đau bụng. Chẩn đoán kết luận con bé bị đau bụng vì lý do không rõ ràng, có thể là do vi trùng - biểu hiện chủ yếu là đi ngoài ra máu. Có lẽ điều này đã khiến Ashmore nghĩ tới kiểu đầu độc nào đó. Có thể chuyên môn của ông ta đã không để ông ta khoanh tay trước tình huống này được.
- Nhưng sự thôi thúc ấy không đủ lớn và để ông ta nói chuyện với Stephanie.
- Đúng vậy.
- Vậy nên có thể ông ta đã tìm kiếm nhưng không thấy được gì.
- Thế tại sao không trả hồ sơ bệnh án? - Tôi hỏi.
- Kém trong quản lý gia đình thôi. Lẽ ra Herbert phải mang trả nhưng đã không làm như vỵâ. Cô ta biết mình sắp đi rồi và quên luôn cả những chuyện hồ sơ, giấy tờ đã mượn.
- Khi nào gặp cô ta tôi sẽ hỏi xem sao.
- Hay. Ai mà biết được, biết đâu cô ta lại cho anh được ngồi lên chiếc Miata của cô ta cũng nên ấy chứ.
- Thế anh có gì mới về Reginald Bottomley không?
- Vẫn chưa có gì. Fordebrand - viên cảnh sát điều tra ở Foothill - đang đi nghỉ vì thế tôi đã phải gửi lại lời nhắn cho gã tạm đảm nhận công việc của anh ta. Hy vọng gã này sẽ hợp tác.
Anh đặt lon nước xuống, nét mặt căng thẳng. Tôi hiểu anh đang nghĩ gì. Anh e ngại nếu viên cảnh sát kia biết được anh là người thế nào thì chắc gã sẽ chẳng thèm trả lời điện thoại.
- Cảm ơn anh nhiều - Tôi nói - về mọi thứ mà anh đã làm.
- Không có gì cả - Anh lắc lắc lon Coca-Cola. Cái lon đã trống rỗng. Anh liền chống cả hai khuỷu tay lên bàn, mặt đối mặt với tôi.
- Có chuyện gì à? - Tôi hỏi.
- Nghe anh nói có vẻ rất chán nản, thất vọng.
- Tôi nghĩ đúng là tôi đang thất vọng đây. Suốt ngày tôi chỉ đưa ra những lý thuyết suông trong khi Cassie lại đang gặp nguy hiểm hàng giờ.
- Tôi hiểu ý anh rồi - Anh đáp - Tốt nhất chúng ta nên tập trung, không nên bị đẩy ra quá xa vấn đề. Với những trường hợp ít có khả năng giải quyết thì nhận chúng quả là hơi liều lĩnh. Mà có trời mới hiểu, với tôi thì những chuyện như thế lại đâu có ít. Đầu tiên anh sẽ cảm thấy bất lực, rồi đến đấm không khí một cách điên cuồng mà vẫn không tìm ra được lời giải nào sáng sủa hơn. Cuối cùng, bản thân anh lại già đi mất mấy tuổi.
Một lát sau, Milo ra về. Tôi gọi điện tới phòng của Cassie. Lúc đó là sau chín giờ nên bệnh viện cắt tất cả các liên lạc trực tiếp với bệnh nhân. Tôi phải khai rõ danh tính của mình với nhân viên tổng đài mới được nối máy. Có tiếng Vicki đáp lời.
- Xin chào, tôi là bác sĩ Delaware đây.
- A... vâng, tôi có thể giúp gì được cho anh không?
- Mọi chuyện ở đó thế nào, thưa bà?
- Vẫn ổn, anh ạ.
- Bà đang ở phòng Cassie phải không?
- Không - ở bên ngoài.
- Tình hình Cassie ra sao rồi?
- Vẫn ổn.
- Nghĩa là đang ngủ à?
- Ư hừ.
- Thế còn Cindy?
- Cô ấy cũng ngủ.
- Thật là một ngày vất vả cho tất cả mọi người nhỉ?
- Ư hừ.
- Gần đây có thấy bác sĩ Eves tới không?
- Bà ấy đến lúc khoảng tám giờ - anh có cần tôi nói chính xác thời gian không?
- Không. Cảm ơn bà. Có gì mới về tình trạng đường huyết của con bé không?
- Có lẽ anh nên hỏi bác sĩ Eves mới phải.
- Thế không có đợt co giật nào mới chứ?
- Không.
- Được rồi - Tôi nói - Hãy nói với Cindy rằng tôi đã gọi tới nhé. Tôi sẽ tới vào ngày mai.
Bà ta cúp máy. Dù biết bà ta hơi kình địch với mình nhưng tôi vẫn có cảm giác kỳ lạ, gần như là sa sút về sức mạnh. Bởi vì tôi biết quá khứ bất hạnh của bà còn bà thì không hề nhận ra điều này. Rồi tôi nhận ra rằng đìêu đã biết khiến tôi không hề lại gần hơn chút nào với sự thật cả.
Thậm chí còn xa vời là khác. Đúng như Milo đã cảnh cáo.
Tôi ngồi đó, cảm nhận sức mạnh của mình đang dần dần biến mất.