Vũ điệu quỷ

Chương 11

SPI là một phòng hẹp và dài đầy những giá kim loại xếp thành hàng dài từ sàn tới trần cùng những lối đi vừa cho một người. Những cái giá xếp đầy hồ sơ bệnh án. Mỗi hồ sơ bệnh án đều mang một dải đen. Hàng trăm dải đen liên tiếp nhau tạo thành những dòng màu đen dày khoảng 3cm lượn sóng khiến người ta có cảm giác những hồ sơ bị cắt ở giữa. Đường vào căn phòng bị chắn bởi cái bàn cao ngang eo. Phía sau cái bàn là một phụ nữ châu Á khoảng bốn mươi tuổi, mắt đang chăm chú đọc tờ báo lá cải tiếng châu Á. Những con chữ tròn - có lẽ là tiếng Thái hay tiếng Lào gì đó. Khi thấy tôi, chị ta liền đặt tờ báo xuống và nở nụ cười như thể tôi đang đem tới tin tốt lành.

Tôi xin phép được xem hồ sơ bệnh án của Charles Lyman Jones Đệ tứ. Cái tên đó dường như chẳng có gì nghĩa gì với chị ta. Chị ta với tay xuốn dưới ngăn bàn và chìa ra một tấm thẻ 3x4cm có ghi: Thẻ yêu cầu SPI. Tôi liền điền đầy đủ những thông tin cần thiết và đưa cho chị ta. Chị ta nhận lấy và cười:

- Jones à.

Nói rồi chị đi vào trong các hàng hồ sơ.

Chị ta tìm kiếm một lát, đi đi lại lại rồi lôi ra mấy tập hồ sơ, nhấc các dải vải và xem phiếu đi xem. Khi trở lại, chị ta không mang theo thứ gì trên tay.

- Không có ở đây, thưa bác sĩ.

- Chị có biết nó nằm ở đâu không?

Chị ta lắc đầu.

- Có lẽ ai đó đã lấy đi rồi.

- Chắc chắn là vậy, thưa bác sĩ.

- Hừm - Tôi thốt lên và tự nhủ không biết ai lại quan tâm tới hồ sơ bệnh án của một đứa bé hai tháng tuổi đã chết.

- Hồ sơ bệnh án này rất quan trọng - để nghiên cứu. Không biết có cách nào để tôi liên lạc được với người đã lấy nó đi không nhỉ?

Chị ta nghĩ ngợi một lúc rồi mỉm cười và lôi thứ gì đó ra từ ngăn kéo tủ. Đó là bao thuốc xì gà của EI Producto. Bên trong là mấy chồng mẫu kê khai yêu cầu SPI được gắn bằng kẹp. Có năm chồng. Chị ta bày tất cả lên mặt bàn. Những tấm thẻ trên cùng đều mang chữ ký của các nhà bệnh học. Tôi đọc tên các bệnh nhân, không thấy có sự sắp xếp theo vần chữ cái hay theo hệ thống phân loại nào cả.

Chị ta lại cười và nói:

- Xin ông cứ thử tìm xem.

Nói rồi chị ta lại dán mắt vào tờ báo.

Tôi tháo bỏ cái kẹp khỏi chồng thẻ và lục qua tất cả các mẫu yêu cầu. Chẳng bao lâu tôi phát hiện ra rằng nơi đây không hề tồn tại một hệ thống nào cả. Các tập phiếu được xếp theo ngày yêu cầu, mỗi chồng là một tháng, mỗi phiếu xếp theo thứ tự ngày. Có tất cả năm chồng phiếu bởi vì lúc này là tháng Năm.

Vậy là không thể làm tắt được, phải kiểm tra từng phiếu một. Và nếu hồ sơ bệnh án của Chad được lấy ra từ trước tháng Một thì phiếu yêu cầu đã bị bỏ đi khỏi đây rồi cũng nên.

Tôi bắt đầu đọc tên của những đứa trẻ xấu số, thấy rằng chúng chỉ là sự sắp xếp các chữ cái một cách bừa bãi.

Một phút sau, tôi đã có được thứ mình muốn tại chồng của tháng Hai. Một tấm thẻ có ghi ngày 14 tháng Hai đã được ai đó chữ rất xấu ký. Tôi xem xét kỹ từng nét chữ và cuối cùng đã luận ra tên của người đó là Herbert D.Kent Herbert, hay là Dr.Kent Herbert.

Ngoài chữ ký, ngày tháng, và số điện thoại nhánh của bệnh viện ra, dải giấy đó không còn là chữ gì khác; các thông tin như vị trí công tác, chức danh, khoa, lý do yêu cầu đều không được điền vào đầy đủ. Tôi sao lại phần điện thoại nhánh và cảm ơn người phụ nữ ngồi phía sau chiếc bàn.

- Thế là được rồi sao? - Chị ta hỏi.

- Chị có biết người này là ai không?

Chị ta nhìn vào tờ khai.

- Hebert à... Không. Tôi chỉ mới làm việc ở đây được một tháng - Nói rồi chị ta lại cười - Bệnh viện này tốt lắm - Chị ta vui vẻ nói.

Tôi bắt đầu tự hỏi không hiểu chị ta có biết mình đang làm gì ở đây không.

- Chị có danh bạ điện thoại của bệnh viện không?

Vẻ mặt chị ta đầy bối rối.

- Cuốn sách ghi các số điện thoại ấy... Cuốn có màu vàng ấy?

- À - Chị ta cúi xuống và lôi ra một cuốn từ phía dưới chiếc bàn.

Trong danh bạ điện thoại của bệnh viện không có ai tên là Herbert ạ. Phần sau là danh sách những người không phải nhân viên bệnh viện, tôi tìm thấy một cái tên Ronald Herbert với chức danh trợ lý giám đốc dịch vụ lương thực. Tuy nhiên, phần điện thoại nhánh lại không giống như ghi ở dải giấy, mà chẳng lẽ một người làm công tác phục vụ ăn uống lại quan tâm tới trường hợp đột tử của trẻ sơ sinh?

Tôi cảm ơn chị ta rồi ra về. Vừa kịp lúc cánh cửa đóng, chị ta nói với theo:

- Bác sĩ, ông lại nhà.

Tôi lại men theo hành lang đường hầm, qua văn phòng của Laurence Ashmore. Cánh cửa vẫn đóng. Khi tôi dừng lại nghe ngóng thì chợt như nghe thấy tiếng chuyển động ở phía bên kia.

Tôi tiếp tục đi, mắt nhìn quanh để tìm buồng điện thoại. Cuối cùng, trời cũng không phụ công, tôi đã tìm được một buồng điện thoại ngay cạnh cầu thang máy. Tôi chưa kịp tới thì cánh cửa thang máy bật mở. Presley Huenengarth hiện ra, đứng đó và nhìn tôi chằm chằm. Lưỡng lự một lát rồi anh ta cũng bước ra. Quay lưng lại phía tôi, Huenengarth rút từ trong túi ra một bao Winstons và loay hoay bóc.

Cánh cửa cầu thang máy bắt đầu đóng lại. Tôi dùng tay chặn lại và bước vào. Điều cuối cùng tôi nhìn thấy trước khi cánh cửa đóng là cái nhìn chằm chằm lạnh lùng của nhân viên an ninh Huenengarth bị che phủ bởi đám khói thuốc.

Sau khi lên tới tầng hai, tôi sử dụng máy điện thoại cạnh phòng xạ trị để quay số nhánh tới D. Kent Herbert. Nhân viên tổng đài của bệnh viện trả lời máy.

- Bệnh viện Nhi đồng miền Tây đây.

- Tôi đang muốn gọi tới số nhánh 2506.

- Xin ông chờ một lát để tôi nối máy- Một loạt tiếng nhấn phím vang lên và rồi có tiếng đáp - Xin lỗi ông, số nhánh đó đã bị ngắt rồi ạ.

- Bị ngắt từ khi nào vậy?

- Tôi không rõ thưa ông.

- Anh có biết số nhánh đó là của ai không?

- Không thưa ông. Thế ông đang muốn kiếm ai vậy?

- D. Kent Herbert.

- Phải chăng đó là một bác sĩ?

- Tôi cũng không rõ.

Không có tiếng đáp lại trong giây lát, rồi:

- Vậy ông chờ một chút... Người có tên là Herbert duy nhất mà tôi có trong danh sách ở đây là ông Ronald Herbert, làm tại ban dịch vụ ăn uống. Ông có muốn tôi nối máy tới chỗ ông ấy không?

- Có chứ.

Năm tiếng chuông vang lên.

- Ron Herbert đây - Giọng nói khô khan.

- Chào ông Herbert, đây là phòng Hồ sơ bệnh án, muốn gọi ông để hỏi về bệnh án mà ông đã mượn.

- Ông nói sao?

- Hồ sơ bệnh án mà ông đã mượn vào tháng Hai ấy? Từ phòng hồ sơ ở SPI?

- Chắc là ông bạn nhầm với ai đó rồi. Đây là quán ăn tự phục vụ.

- Vậy là ông không mượn cuốn bệnh án SPI nào vào ngày 14 tháng Hai năm nay hay sao?

Trong máy có tiếng cười rất to.

- Buồn cười thật, tại sao tôi lại làm cái chuyện ngớ ngẩn ấy chứ?

- Vậy xin cảm ơn ông.

- Không sao. Mong ông tìm được điều ông muốn.

Tôi gác máy, đi cầu thang bộ xuống tầng trệt và hoà vào dòng người đang đứng lố nhố ở hành lang. Lách qua đám người đang chen chúc, tôi đi tới bàn thông tin và sau khi phát hiện ra một cuốn danh bạ điện thoại cạnh bàn tay của người thư ký tôi liền cầm lấy.

Người thư ký, một người phụ nữ da đen có mái tóc nhuộm vàng, đang trả lời các câu hỏi của người đàn ông nói tiếng Tây Ban Nha bằng tiếng Anh. Cả hai người bọn họ đều mệt mỏi và không khí đầy vẻ căng thẳng. Người thư ký thấy cuốn danh bạ trong tay tôi thì liền liếc mắt nhìn. Người đàn ông cũng nhìn theo. Hàng người phía sau anh ta nhốn nháo và rung lên như một con rắn khổng lồ.

- Ông không được lấy cái đó - Người thư ký nói.

Tôi cười, chỉ vào tấm phù hiệu và nói:

- Tôi chỉ muốn mượn một phút thôi.

Người thư ký trừng mắt nói:

- Chỉ đúng một phút thôi đấy nhé.

Tôi di chuyển về phía đầu kia của chiếc bàn và lật cuốn sách, mở ra trang đầu tiên, mắt đảo nhanh cùng với ngón tay trỏ xuống hàng những con số ở bên phải của mỗi trang, sẵn sàng tra tới hàng trăm con số nhánh cho tới khi tìm thấy số 2506. Nhưng chỉ vài trang tôi đã gặp được số cần tìm:

ASHMORE, L.W (TOX.) 2506.

Tôi trả lại cuốn danh bạ và cảm ơn người thư ký.

Chị ta lại liếc nhìn tôi, đưa tay giật lấy cuốn danh bạ và đặt ra xa.

- Mới được có nửa phút - Tôi đùa - Vậy tôi có được nhận lại phần thừa không đấy?

Khi nhìn thấy khuôn mặt méo xệch của những người đứng phía sau, tôi mới thấy ân hận vì câu bông đùa của mình.

Tôi đi cầu thang lên tới chỗ của Cassie, nhưng trên cửa phòng con bé có một tấm biển ghi "Xin đừng làm phiền"; người y tá trực nói với tôi rằng cả con bé và Cindy đang ngủ.

Trên đường ra khỏi bệnh viện, đột nhiên có tiếng người gọi tên tôi. Nhìn lên, tôi thấy một người đàn ông to cao, mép có ria đang tiến lại từ cửa chính. Người này xấp xỉ bốn mươi, mặc áo choàng trắng, kính không khung, quần áo bên trong kiểu đồng phục trường đại học. Ria mép là dấu huyền đen to như con sâu róm đậu dưới mũi. Có lẽ toàn bộ con người này nổi nhất ở điểm đó.

Anh ta đang vẫy tay gọi tôi.

Tôi lục lọi trong trí nhớ và rồi cũng nhớ ra tên anh ta.

Đó là Dan Kornblatt. Chuyên gia tim. Cựu bác sĩ nội trú trưởng của trường Đại học California San Francisco. Năm đầu tiên tại bệnh viện của anh ta cũng là năm cuối cùng của tôi. Mối quan hệ của chúng tôi hồi đó chỉ giới hạn ở những cuộc hội chẩn và những câu chuyện phiếm về Bay Area - Tôi đã từng theo một chương trình học bổng tại Langley Porter trong khi Kornblatt rất tâm đắc với lý luận của mình rằng tại phía nam Carmel không hề có văn minh. Tôi nhớ tới anh ta như một người hay lý luận dài dòng, kém khéo léo với các bậc cha mẹ, nhưng lại nhẹ nhàng với những bệnh nhân trẻ. Đi cùng anh ta lúc này còn có thêm bốn bác sĩ nữa, hai nam, hai nữ, tất cả đều còn rất trẻ. Cả năm người bọn họ đi rất nhanh, tay vung vảy - thật khoẻ mạnh và tỏ ra có mục đích. Khi họ tới gần, tôi nhận thấy mái tóc Kornblatt đã điểm bạc ở hai bên thái dương còn khuôn mặt dường như có thêm vài nếp nhăn.

- Alex Delaware, trời ơi, bạn của tôi.

- Chào anh Dan.

- Cơn gió nào đưa anh tới nơi này thế?

- Tôi tới đây để khám bệnh thôi.

- Thật thế ư? Anh đã làm tư rồi phải không?

- Từ vài năm trước cơ.

- Mở ở đâu thế?

- Ở bờ Tây.

- Thế gần đây anh có tới thành phố "khoái" ấy không?

- Gần đây thì không.

- Tôi cũng thế. Phải hai Giáng sinh nay rồi. Anh còn nhớ món Tadich Grill ấy không, là văn hoá của thành phố "khoái" đấy.

Anh ta liền giới thiệu những người đi cùng. Hai trong số bốn người ấy là bác sĩ nội trú, một người là đồng nghiệp khoa tim, còn người phụ nữ có nước da đen và lùn, có lẽ là người Trung Đông, là bác sĩ chuyên khoa trực. Tôi buộc phải tay bắt miệng cười với tất cả bọn họ một lượt. Bốn cái tên ấy nhanh chóng biến mất khỏi bộ nhớ của tôi.

Kornblatt nói:

- Anh Alex đây là một trong những chuyên gia hạng sao của chúng tôi hồi trước đấy, hồi mà bệnh viện vẫn còn sử dụng họ - Quay sang tôi, anh nói - À mà hình như tôi nghĩ các anh đã bị "loại khỏi vòng chiến đấu" ở nơi này rồi chứ. Hay là đã có gì đó thay đổi?

Tôi lắc đầu:

- Chỉ là một buổi thăm bệnh cho trường hợp đặc biệt thôi.

- A, vậy thì anh đang đi đâu đấy, định ra khỏi bệnh viện à?

Tôi gật đầu.

- Nếu anh không bận thì mời anh cùng đi với chúng tôi. Sắp có một cuộc họp nhân viên khẩn cấp. Anh còn là nhân viên ở đây không nhỉ? Chắc là có nếu anh còn đi khám bệnh thế này - Đôi lông mày anh ta nhíu lại - Làm thế nào mà anh tránh được cuộc tắm máu khoa Tâm lý nhỉ?

- Thì bằng kỹ thuật nho nhỏ thôi. Khoa tôi là khoa Nhi chứ không phải khoa Tâm thần.

- Nhi khoa à  - thật hay. Đúng là một tuyệt chiêu - Quay sang những người khác - Các bạn thấy đấy, ở đâu cũng có những lỗ hổng để ta ra chiêu.

Tám con mắt tỏ ra hiểu biết. Tất cả bọn họ đều còn rất trẻ, chưa quá ba mươi.

Kornblatt nói:

- Vậy anh đi cùng chúng tôi chứ? Cuộc họp này quan trọng lắm đấy - tất nhiên nếu anh còn quan tâm tới những gì đang xảy ra ở nơi này.

- Tất nhiên - Tôi đáp, và nghé miệng vào tai anh ta - Có chuyện gì thế?

- Đó là chuyện về sự suy thoái và cái chết của đế chế Bệnh viện Nhi đồng miền Tây. Bằng chứng cụ thể là cái chết của Larry Ashmore. Thực ra, đây là cuộc họp để tưởng nhớ tới anh ta - Kornblatt chau mày - Anh nghe người thư ký nói tới chuyện đã xảy ra với anh ta rồi chứ?

Tôi gật đầu:

- Thật khủng khiếp quá.

- Đó chỉ là biểu hiện của vấn đề thôi, anh Alex ạ.

- Biểu hiện của vấn đề gì?

- Của những gì đã xảy ra ở nơi này. Hãy để ý những gì mà ban lãnh đạo ở đây đã làm mà xem. Một bác sĩ bị giết mà chẳng ai buồn gửi thông báo tới mọi người. Còn những sắc lệnh, chỉ thị của họ thì có bao giờ họ chịu tiết kiệm giấy tờ đâu.

- Tôi biết - Tôi đáp - Tôi đã bất ngờ đọc được một bản thông báo, trên cửa thư viện.

Anh ta nhăn trán:

- Thư viện nào cơ?

- Đúng là thư viện thật đấy.

- Chết tiệt - Anh ta chửi thề - Thế mà cứ mỗi lần phải nghiên cứu, tôi đều phải lái xe tới tận trường y đấy.

Chúng tôi cùng bước qua hành lang và đến trước những hàng người. Một trong số các bác sĩ trông thấy bệnh nhân của mình đang đợi trong hàng, liền nói:

- Tôi sẽ gặp các ông sau.

Nói rồi cô ta rời khỏi nhóm và tới chỗ đứa bé.

- Đừng có quên cuộc họp đấy nhé - Kornblatt nói với theo cô ta, chân vẫn không hề dừng bước. Khi chúng tôi đã thoát khỏi đám đông, anh ta nói:

- Không có thư viện, không có khoa Tâm thần, không có ngân sách dành cho tiền thưởng, toàn bộ là tiền vay. Nay còn có thêm những lời xì xào về chuyện giảm biên chế ở tất cả các khoa - ngay cả ban lãnh đạo cũng sẽ bị giảm biên chế. Thật là loạn quá. Có lẽ mấy thằng con hoang định xé nát nơi này ra để bán bất động sản cũng nên.

- Không phải là ở thị trường này chứ?

- Tất nhiên là không rồi. Tôi đang nói nghiêm túc đấy, anh Alex ạ. Chúng tôi đã không còn có lờ lãi gì nữa và họ lại chính là những người nắm quyền ở đây. Giấu nhẹm đi và cho thêm nhiều chỗ đậu xe nữa.

- Ôi dào - Tôi nói - Họ có thể sẽ che đậy những cái bên kia đường cũng nên.

- Anh chớ có dại mồm. Chúng ta chỉ là cu li cho những gã này thôi, hay đúng ra chỉ là những công nhân làm công tác lao dịch thôi.

- Làm thế nào mà họ lại có được quyền lực thế?

- Thì ông Jones - Chủ tịch Hội đồng quản trị mới - là người kiểm soát tất cả các khoản đầu tư của bệnh viện. Nghe nói ông ta có những việc làm khá tốt, vì thế khi tình hình trở nên khó khăn, ban quản trị đã họp và đề ngị phải có một người mạnh về tài chính lên nắm quyền để vực bệnh viện dậy. Sau khi được bầu, ông ta liền cho những người trong bộ máy cũ về vườn cả và đưa đội quân lâu la của ông ta tới.

Một đám đông khác đang lố nhố cạnh các cánh cửa. Có rất nhiều tiếng chân bước rộn rã, những cái đầu mệt mỏi thò ra, những cú bấm vào nút thang máy bừa bãi. Hai trong số các thang máy đang bị mắc ở đâu đó trên tầng trên. Trên cánh cửa thang máy thứ ba có tấm biển ghi chữ "Thang hỏng".

- Nào tiến lên - Kornblatt hô, tay chỉ ra cầu thang bộ và rảo bước như chạy tới đó. Tất cả bọn họ đều phi nhanh qua cầu thang thứ nhất như những con tuấn mã. Khi họ tới đỉnh cầu thang, Kornblatt nhảy nhảy như vận động viên boxing.

- Nào, ta đi - Nói xong, anh ta đẩy cánh cửa mở tung.

Đi thêm một đoạn nữa đã tới sảnh đường. Cạnh cửa sảnh có hai bác sĩ đang vươn vai, ngáp ngủ, trên đầu họ đều có đeo dải băng chữ viết tay: Tưởng nhớ Ashmore.

Tôi hỏi:

- Chuyện gì đã xảy ra với Kent Herbert ấy nhỉ?

- Ai cơ? - Kornbatt hỏi lại.

- Herbert ấy. Một chuyên gia độc học. Có phải ông ta làm việc cùng với Ashmore không?

- Tôi không biết còn có ai đó làm việc với Ashmore... - Anh ta ngập ngừng - Herbert à. Tôi không thể nhớ nổi ông ta là ai.

Chúng tôi cùng tiến vào sảnh đường hình cái quạt lớn; những hàng ghế lót vải màu xám được sắp xếp theo một mặt sàn nghiêng tới bục thuyết giảng bằng gỗ. Chiếc bảng màu xanh lá cây được đặt trên mấy cái bánh xe đứng sau bục. Nơi tựa lưng của những cái ghế là cao su và chỗ ngồi có đệm. Tiếng nói chuyện rầm rì tràn ngập căn phòng.

Sảnh đường phải chứa tới 500 ghế ngồi nhưng không đầy mấy chục ghế có người. Mọi người ngồi không tập trung khiến nơi đây giống như một lớp thi lại. Kornblatt và đoàn người của anh ta tiến xuống phía trước của căn phòng, bắt tay và chào hỏi với mọi người trên đường đi. Tôi dừng lại và ngồi một mình ở hàng ghế sau cùng.

Rất nhiều những cái áo choàng trắng, họ là những người đã được biên chế chính thức của bệnh nhân. Nhưng còn những bác sĩ tư nhân đâu? Họ không thể tới dự do được thông báo quá muộn hay họ quyết định không tới? Bệnh viện Nhi đồng miền Tây luôn tồn tại sự căng thẳng giữa những người trong biên chế và những người còn làm hợp đồng, nhưng ngoài đời thì các bác sĩ này vẫn cứ tạo được mối quan hệ cộng sinh không đến nỗi nào.

Khi nhìn xung quanh, tôi lại phát hiện ra một điều thú vị: Có rất ít những cái đầu điểm bạc trong phòng. Vậy những người cao tuổi mà tôi từng biết đi đâu hết?

Trước khi tôi kịp trả lời câu hỏi đó thì một người đàn ông tay cầm chiếc micro không dây bước lên trên bục giảng và yêu cầu mọi người trật tự. Vậy là khoảng ba mươi lăm con người, mặt còn non trẻ dưới quyền chỉ huy của một người châu Phi to lớn có mái tóc màu vàng. Chiếc áo choàng trắng của người này dường như đã hơi ngả màu vàng còn khuôn mặt thì quá to. Bên trong chiếc áo choàng là áo sơ mi đen và caravat dệt kim màu nâu.

Anh ta nói:

- Xin mọi người trật tự.

Tiếng ồn ào nhỏ dần. Một vài tiếng kêu phát ra từ micro rồi cả căn phòng trở nên yên tĩnh.

- Cảm ơn tất cả các bạn đã có mặt tại đây hôm nay. Xin ai đó ra đóng cửa hộ tôi đã.

Những khuôn mặt ngoảnh lại phía sau. Tôi nhận thấy mình là người gần cửa nhất nên đứng dậy ra đóng cẳ lại.

- Được rồi - Người đàn ông châu Phi nói tiếp - Theo trình tự, trước hết chúng ta hãy dành một phút im lặng để tưởng nhớ tới đồng nghiệp của chúng ta, bác sĩ Laurence Ashmore, xin mời mọi người đứng dậy.

Mọi người cùng đứng dậy, cúi đầu. Một phút mặc niệm trôi qua.

Người đàn ông châu Phi lên tiếng:

- Được rồi, xin mời mọi người ngồi xuống.

Nói xong, ông ta bước tới chiếc bảng, cầm mẩu phấn và viết:

Chương trình làm việc:

1. Tưởng niệm Ashmore.

2.................................

3.................................

4.................................?

Bước ra khỏi chiếc bảng, ông ta nói:

- Có ai muốn nói vài lời về bác sĩ Ashmore không?

Không có ai lên tiếng.

- Vậy thì tôi xin nói. Tôi xin thay mặt toàn thể chúng ta lên án hành động tàn bạo của kẻ đã gây ra cái chết của Ashmore. Chúng ta xin bày tỏ sự cảm thông với gia đình vị bác sĩ quá cố. Ngoài vòng hoa ra, tôi đề nghị chún ta cùng góp tiền lập một quỹ nhỏ để quyên cho một tổ chức mà gia đình lựa chọn. Hay cho tổ chức mà chúng ta lựa chọn nếu như bây giờ không tiện hỏi ý kiến gia đình. Chúng ta có thể quyết định ngay bây giờ, hay vào thời điểm muộn hơn cũng được. Có ai muốn nói gì thêm không?

Một người phụ nữ tóc ngắn ở hàng ghế thứ ba lên tiếng:

- Thế Trung tâm kiểm soát độc thì sao? Ông ấy là chuyên gia độc học mà.

- Trung tâm kiểm soát độc là ý kiến hay đấy - Người đàn ông châu Phi nói - Có ai còn có ý kiến khác nữa không?

Giữa căn phòng có một bàn tay giơ lên.

- Cảm ơn, Barb. Xin hãy xuống đây. Tất cả mọi người đều biết về gia đình của vị bác sĩ quá cố chứ? Chúng ta cần thông báo cho họ về kế hoạch của chúng ta.

Không có tiếng đáp lời.

Anh ta nhìn người phụ nữ đã đưa ra ý kiến.

- Barb này, chị có thể đảm nhận giúp việc thu tiền quỹ không?

Người phụ nữ gật đầu.

- Được rồi, thưa tất cả mọi người, xin hãy mang tiền quyên góp của mình tới văn phòng của bác sĩ Barb Loman tại khoa Khớp học và chúng ta sẽ làm sao cho Trung tâm kiểm soát độc có được tiền sớm. Có ý kiến gì khác nữa không?

- Dữ liệu - Có ai đó nghiên cứu - Chúng ta không hề có chút nào cả.

- Ông có thể đứng lên và nói rõ được không, thưa ông Greg? - Người châu Phi nói.

Một người đàn ông to béo, râu quai nón mặc sơmi kẻ sọc và đeo caravat hoa khổ rộng đứng lên. Tôi biết người này, khi còn là bác sĩ nội trú ở đây. Hồi đó ông ta không có râu quai nón, và cái tên nghe như kiểu Italia...

-... Thưa các quý vị, và anh John, điều tôi muốn nói là tình hình an ninh ở đây đã trở nên tồi tệ. Tai họa đã xảy ra với Ashmore đều có thể sẽ xảy ra với cả chúng ta, và vì cuộc sống của chúng ta đang ngàn cân treo sợi tóc nên chúng ta cần phải có được đầy đủ các thông tin. Tức là chúng ta phải biết chính xác điều gì đã xảy ra, tiến triển điều tra của cảnh sát ra sao cũng như những biện pháp có thể được tiến hành để đảm bảo an toàn của chính chúng ta.

- Không có tí an toàn nào cả - Một người đàn ông da đen đeo kính ở đầu phòng bên kia lên tiếng - Chỉ chừng nào chính quyền chịu cam kết thực sự bảo đảm an ninh cho chúng ta thì nơi này mới có. Cần phải có nhân viên bảo vệ 24/24 giờ tại tất cả các cửa ra vào khu đậu xe và mỗi cầu thang.

- Điều đó có nghĩa là phải chi thêm tiền đấy, Hank ạ - Người đàn ông râu xồm lên tiếng - Chúc anh may mắn nhé.

Người phụ nữ tóc đuôi sam màu nâu đứng dậy.

- Tiền sẽ có thôi, anh Greg ạ - Chị ta nói - nếu như họ chịu ưu tiên cho vấn đề này. Điều chúng ta không cần chính là kiểu bán quân sự chuyên chặn lối những bệnh nhân của chúng ta ở các hành lang. Điều chúng ta thực sự cần là cái mà anh và Hank đã nói: an ninh đích thực ấy, gồm các lớp tự vệ, karate, huấn luyện thể lực cá nhân, vân vân. Đặc biệt là đối với các nhân viên nữ. Hàng ngày các nữ y tá phải đối mặt với sự đe doạ từ ngoài đường phố, nhất là khi họ phải làm ca đêm - các anh đã biết về vụ hai nữ y tá bị tấn công rồi đấy, và...

- Tôi biết.

-... các khu đậu xe bên ngoài khuôn viên bệnh viện không hề có tí an ninh nào cả. Điều này thì tất thảy chúng ta đều đã biết, từng nếm mùi rồi. Sáng nay tôi phải vào bệnh viện lúc 5 giờ sáng vì một ca cấp cứu và xin nói rằng tôi cảm thấy rất đáng sợ. Tôi cũng phải nói thêm rằng thật là một sai lầm to lớn khi chỉ giới hạn cuộc họp hôm nay trong số các bác sĩ. Bây giờ không còn là thời đại phân biệt tầng lớp nữa. Chúng ta còn có các y tá và đội ngũ nhân viên phục vụ cũng đang phải đối mặt hàng này với những đe doạ như chúng ta; họ cũng phục vụ chung một mục tiêu như chúng ta. Tất cả chúng ta cần phải ngồi lại với nhau, động viên khích lệ nhau, đoàn kết với nhau chứ không phải kiểu chia bè chia phái như thế này.

Không có ai lên tiếng.

Người phụ nữ tóc đuôi sam nhìn quanh phòng rồi ngồi xuống.

Người đàn ông châu Phi nói:

- Cảm ơn, chị Elaine, ý kiến của chị sẽ được chúng ta nghiêm túc xem xét. Dù sao, tôi cũng cần khẳng định rằng không hề có sự phân biệt nào cả đâu.

- Vậy thì - Người phụ nữ tóc đuôi sam lại đứng dậy và phản bác - có ai ngoài những bác sĩ được thông báo tới đây không?

Người đàn ông châu Phi cười:

- Đây là buổi họp riêng của đội ngũ bác sĩ trong bệnh viện thôi mà, chị Elaine, vì vậy đương nhiên chỉ có các bác sĩ tới...

- Anh nghĩ những người còn lại không quan tâm hay sao?

- Tất nhiên - Người đàn ông châu Phi đáp - Tôi...

- Những phụ nữ của Bệnh viện Nhi đồng miền Tây đều rất lo sợ. Hãy tỉnh ngộ đi, mọi người. Tất cả mọi người đều cần được khích lệ. Các bạn thử nhớ lại mà xem, nạn nhân của hai vụ tấn công trước đều là phụ nữ và...

- Đúng, tôi biết là như vậy, thưa chị Elaine. Chúng ta đều biết cả. Và tôi xin cam đoan với chị rằng trong trường hợp tổ chức các cuộc họp khác thì dĩ nhiên chúng ta sẽ mời những người khác nữa.

Elaine định tiếp tục cuộc tranh luận, nhưng rồi chị ta lắc đầu và ngồi xuống.

Người đàn ông châu Phi quay trở lại với chiếc bảng và dùng mẩu phấn để chỉ:

- Tôi nghĩ chúng ta nên nói tới phần tiếp theo. vấn đề an ninh của nhân viên, được chứ?

Một vài cái gật đầu. Rất dễ nhận ra sự bất đồng trong những người ở đây. Tôi nhớ lại những cuộc họp mấy năm trước. Toàn là những cuộc tranh cãi bất tận nhưng rất ít hoc hầu như không đi đến một quyết định nào.

Người đàn ông châu Phi đặt một dấu gạch chéo cạnh chữ Tưởng niệm Ashmore, viết tiếp dòng chữ An ninh nhân viên ở dòng tiếp theo, rồi quay lại đối mặt với toàn cuộc họp.

- Được rồi, quý vị còn ý kiến nào khác ngoài việc tăng thêm nhân viên an ninh và mở lớp karate không?

- Có - Một người đàn ông vai rộng, đầu hói lên tiếng - Chúng ta cần được trang bị súng.

Có vài tiếng tặc lưỡi.

Người đàn ông châu Phi cười khẩy:

- Cảm ơn, Al. Có phải ở Houston người ta thường xử lý  tình huống theo kiểu này không nhỉ?

- Anh nói đúng đấy, John, S. và W. ở mọi ngóc ngách để khám xét bí mật. Đó là Smith và Wesson, hiểu chưa.

Người đàn ông châu Phi đưa tay làm ra vẻ một khẩu súng, chỉ vào Bald và nháy mắt:

- Có gì khác nữa không hả anh Al để biến bệnh viện này thành một trại vũ trang?

Dan Kornblatt đứng dậy.

- Tôi rất ghét phải nói ra nhưng quả thực chúng ta đang rơi vào tình trạng thấy cây mà chẳng thấy rừng. Điều chúng ta cần làm là giải quyết các vấn đề lớn hơn cơ.

- Nghĩa là sao, anh Dan?

- Nghĩa là mục đích của chúng ta ấy - mục đích của bệnh viện này.

Người đàn ông châu Phi có vẻ bối rối.

- Chúng ta đã bàn xong vấn đề thứ hai chưa nhỉ?

Kornblatt nói:

- Tôi thì cho là đã xong rồi. An ninh chỉ là biểu hiện của một căn bệnh lớn hơn.

Người đàn ông châu Phi chờ một lát rồi gạch chéo dòng chữ An ninh nhân viên.

- Căn bệnh lớn hơn đó là gì vậy, Dan?

- Đó là căn bệnh trống rỗng về tình cảm kinh niên giai đoạn cuối, căn bệnh trống rỗng tình cảm của riêng tổ chức này. Hãy nhìn xem. Trong những nhân viên ở đây có bao nhiêu người là bác sĩ hợp đồng? Hai trăm ư? Hãy nghĩ xem có bao nhiêu phần trăm quan tâm đến việc hoãn lại việc làm hôm nay để tuyên bố trước mặt họ...

- Anh Dan...

- Hãy để tôi nói hết đã. Có lý do để rất ít bác sĩ hợp đồng có mặt ở đây. Và đây cũng chính là lý do để họ tránh giới thiệu bệnh nhân của họ tới nơi này một khi tự tìm được cơ sở địa phương nào đó ổn ổn một chút. Cũng do nguyên nhân này mà rất nhiều bác sĩ dày dạn kinh nghiệm của chúng ta đã tìm đến nơi khác. Chúng ta đã bị xem là một đứa con nuôi - một bệnh viện thất bại. Và cộng đồng nhận thức được điều này bởi vì ban giám đốc và ban quản trị đã không quan tâm tới bệnh viện. Cả chúng ta cũng thế. Tôi đảm bảo rằng chúng ta đều có đủ khả năng tâm lý để biết cảm giác của một đứa trẻ ra sao khi nó luôn bị coi là kẻ thất bại. Nó sẽ bắt đầu tin đúng là như thế. Điều tương tự đúng với...

Cánh cửa bật mở. Những cái đầu quay lại. George Plumb bước vào, tay vuốt thẳng caravat, áo sơ mi trắng và bộ complê màu xám sáng. Đôi giày gõ vào sàn nhà khi ông ta đi xuống phía bục thuyết giảng. Khi tới nơi, ông ta đứng cạnh người đàn ông châu Phi, như thể đó là nơi của ông ta mới đúng.

- Xin chào tất cả các quý vị - Ông ta nói.

Kornblatt nói:

- Chúng tôi đang bàn về vấn đề trống rỗng tình cảm  của bệnh viện, thưa ông George.

Plumb tỏ vẻ nghĩ ngợi, một nắm tay đặt dưới cằm.

- Tôi có cảm giác đây là buổi lễ tưởng niệm bác sĩ Ashmore.

Người đàn ông châu Phi đáp:

- Đúng là như vậy, nhưng chúng tôi muốn kết hợp bàn luôn một số vấn đề.

Plumb quay lại và nhìn lên bảng.

- Dường như đang bàn những vấn đề lớn đấy. Tôi có thể nói thêm một chút về bác sĩ Ashmore không?

Cả phòng im lặng. Rồi có những cái gật đầu. Vẻ mặt đầy tức giận, Kornblatt đành ngồi xuống.

- Trước tiên - Plumb nói - tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của ban giám đốc và ban quản trị về cái chết của bác sĩ Laurence Ashmore. Bác sĩ Ashmore là nhà nghiên cứu giỏi giang và ông mất đi để lại sự thương tiếc sâu sắc. Thay vì hoa, bà Ashmore đã yêu cầu tất cả các quỹ quyên góp được chuyển cho UNICEF. Văn phòng của tôi sẽ sẵn sàng đảm nhận tất cả việc quyên góp tiền bạc. Thứ hai, tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng đã có những tiến bộ trong viẹc làm thẻ đậu xe mới. Các thẻ đã có rồi và có thể lấy tại Ban an ninh từ ba giờ đến năm giờ ngày hôm nay và ngày mai. Chúng tôi rất xin lỗi sự bất tiện này. Tuy nhiên, tôi đảm bảo tất cả các quý vị đều nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi chìa khoá. Có câu hỏi nào không?

Người đàn ông to béo râu quai nón tên là Greg nói:

- Thế còn các biện pháp an ninh thật sự thì sao - tức là bổ sung nhân viên gác tại các cầu thang?

Plumb cười:

- Tôi đang định nói tới điều đó, thưa bác sĩ Spironi. Vâng, cả cảnh sát và nhân viên an ninh của chúng ta đều thông báo cho chúng tôi biết rằng các cầu thang là một vấn đề, và mặc dù chi phí sẽ kh á cao nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng duy trì nhân viên an ninh 24/24 giờ tại các cầu thang, mỗi người một ca đối với mỗi tầng của khu đậu xe dành cho các bác sĩ cũng như một nhân viên an ninh mỗi ca cho ba khu tự do bên kia đường. Vậy tổng số nhân viên an ninh dành cho khu đậu xe là mười lăm, có nghĩa là phải đưa thêm mười một người nữa vào đội ngũ bốn người hiện nay. Chi phí, cả trợ cấp và bảo hiểm, sẽ lên tới gần 400 ngàn đôla.

- 400 ngàn! - Kornblatt đứng bật dậy và kêu lên thất thanh - Vậy là phải trả tới gần 40 ngàn đôla cho một cảnh sát sao?

- Nhân viên an ninh chứ không phải cảnh sát, thưa bác sĩ Kornblatt. Cảnh sát thì còn phải trả nhiều hơn thế nữa ấy chứ. Như tôi đã nói rồi, con số này bao gồm tiền trợ cấp, bảo hiểm, bồi dưỡng, hậu cần, thiết bị, và cả các chi phí phụ trội ngoài lương khi phục vụ ở những vị trí nhất định chẳng hạn như những người làm công tác hướng dẫn và huấn luyện. Công ty mà chúng tôi ký hợp đồng có nhiều tiếng tăm tốt và họ đã đề nghị huấn luyện tự vệ và chống tội ác cho toàn bộ đội ngũ nhân viên của bệnh viện. Ban quản trị cảm thấy không nhất thiết phải tiết kiệm trong vấn đề này, thưa bác sĩ Kornblatt. Tuy nhiên, nếu anh muốn tìm kiếm nơi nào đó có giá cả cạnh tranh hơn thì xin cứ tự nhiên. Chỉ xin nhớ rằng thời gian là vấn đề lớn - chúng ta cần phải lập lại an ninh, đem lại niềm tin và sự an toàn tính mạng cho mọi người - trong thời gian ngắn nhất.

Chống tay vào cạnh sườn, Plumb nhìn Kornblatt.

Vị bác sĩ tim mạch nói:

- Lần trước tôi đã kiểm tra, công việc của tôi là điều trị cho những đứa trẻ, thưa ông George.

- Chính xác - Plumb nói. Quay lưng lại phía Kornblatt, ông ta nói:

- Còn câu hỏi nào nữa không?

Một phút im lặng giống như lúc mặc niệm Ashmore.

Kornblatt đứng dậy và lên tiếng:

- Tôi không biết các vị thế nào chứ tôi có cảm giác như đang bị câu thúc ấy.

Plumb hỏi:

- Câu thúc à? Nghĩa là sao, thưa bác sĩ Kornblatt?

- Này nhé, George, đây lẽ ra là cuộc họp của các bác sĩ nhưng ông đã ngang nhiên đi vào và còn chiếm luôn vị trí điều khiển buổi họp.

Plumb lấy tay xoa cằm, nhìn các bác sĩ một lượt, cười rồi lắc đầu.

- Thật ra - Ông ta nói - đó không phải là ý định của tôi.

- Có thể là không, George ạ, nhưng thực tế ông đã hành động như thế.

Plumb bước lên phía trước tới hàng ghế đầu, chọn một chiếc ghế trống và ngồi xuống, khuỷu tay đặt trên đầu gối, bàn tay đỡ cằm trông giống như một "triết gia" đang suy nghĩ.

- Câu thúc - Ông ta nói - tôi thực sự khẳng định điều đó không phải là ý đồ của tôi.

Người đàn ông châu Phi nói:

- Thưa ông George, điều Dan muốn nói...

- Không cần phải giải thích nữa, thưa bác sĩ Runge. Sự việc bi thảm xảy ra với bác sĩ Ashmore đã khiến tất cả chúng ta rất căng thẳng.

Vẫn tiếp tục tư thế của một triết gia suy tư, Plumb quay lại nói với Kornblatt:

- Tôi phải nói điều này, thưa bác sĩ, rằng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nghe những câu nói đầy bè phái đó từ miệng anh phát ra. Nếu tôi nhớ không lầm thì tháng trước chính anh đã thảo ra bản ghi nhớ kêu gọi tăng cường giao tiếp giữa ban quản trị và đội ngũ nhân viên chuyên môn. Tôi nghĩ từ mà anh đã sử dụng là "thụ tinh chéo" có đúng không?

- Tôi đang nói về chuyện đưa ra quyết định ở đây, thưa ông George.

- Thì đó cũng chính là điều tôi đang muốn làm tại đây, thưa bác sĩ Kornblatt. Đó là "thụ tinh chéo" đối với các quyết định về an ninh. Theo tinh thần đó, tôi muốn nhắc lại quyết định về an ninh - với tất cả mọi người: Hãy đưa ra đề xuất an ninh riêng của mỗi người. Nếu ai có được giải pháp toàn diện như của chúng tôi mà chi phí lại rẻ hơn hoặc bằng thì ban quản trị và ban giám đốc sẽ rất vui lòng xem xét để áp dụng. Tôi chỉ muốn nói như vậy thôi. Tôi nghĩ không cần phải nói với quý vị về tình hình tài chính của bệnh viện hiện nay. Số tiền 400 ngàn đôla đó chắc là phải lấy từ đâu đó rồi.

- Chắc chắn là đánh vào khoản chăm sóc bệnh nhân thôi - Kornblatt nói.

Plumb cười:

- Như tôi đã nói rồi, việc giảm các khoản chăm sóc bệnh nhân luôn là giải pháp bất đắc dĩ không ai muốn. Nhưng mỗi tháng chúng ta phải trả nhiều chi phí. Điều này chẳng phải lỗi của anh cả mà là một thực tế hiện nay. Thực ra, có lẽ có tốt hơn nếu tôi bỏ qua vấn đề cái chết của bác sĩ Ashmore và bàn bạc vấn đề này trong một diễn đàn mở. Nói chung, vấn đề tài chính và an ninh luôn đi kèm với nhau - cả hai đều bắt nguồn từ các vấn đề dân số nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả chúng ta.

- Vậy là phí cộng đồng không thu được nữa à? - Spironi hỏi.

- Thật không may, thưa bác sĩ, phí cộng đồng đã không còn tồn tại nữa.

- Vậy ông có đề xuất gì? - Elaine nói - Đóng cửa ư?

Plumb quay ngoắt ánh mắt sang chị ta.- Ông ta đứng dậy vuốt chiếc caravat cho thẳng ra và thở dài:

- Điều tôi đề nghị, thưa bác sĩ Eubanks, là chúng ta cùng phải nhận thức đầy đủ cho dù hơi đau đớn về những thực tế, dù muốn dù không, đang kìm hãm chúng ta. Những vấn đề riêng của từng bệnh viện làm tồi tệ thêm tình hình vốn đã tồi tệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ của thành phố này, bang này và về một phương diện nào đó là cả đất nước này. Tôi đề nghị tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hợp sức trong một khuôn khổ thực tế để duy trì sự hoạt động cầm chừng của cái bệnh viện này.

- Cầm chừng ư? - Kornblatt hỏi - Nghe có vẻ như thu nhập của chúng tôi sắp tới sẽ bị cắt giảm đi ấy, thưa ông George. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, lại cắt giảm biên chế, giống như đã làm đối với khoa Tâm thần ư? Hay sẽ phải cắt giảm ở tất cả các khoa, giống như những tin đồn mà chúng tôi đã nghe thấy lâu nay?

- Tôi thực sự cho rằng lúc này chưa thích hợp để bàn về việc đó một cách chi tiết - Plumb đáp.

- Tại sao chưa chứ? Đây là một diễn đàn mở rộng cơ mà.

- Đơn giản vì lúc này chưa có số liệu gì cả.

- Vậy là ông không phản bác ý kiến cho rằng sẽ có một vài cắt giảm trong thời gian tới đúng không?

- Tôi không phản đối, Daniel ạ - Plumb đáp, hai tay chắp sau lưng - Nếu tôi phủ nhận ý kiến đó thì tôi là người không nói thật. Tôi không phủ nhận nhưng cũng không khẳng định gì, bởi vì dù khẳng định hay phủ nhận ý kiến đó đều là một hành động tổn thương đến quý vji và đến tổ chức của bệnh viện. Lý do tôi tới dự cuộc họp này của quý vị là để tưởng nhớ bác sĩ Ashmore và để bày tỏ sự đoàn kết của tôi cũng như của tập thể bệnh viện nói chung với người quá cố. Bản chất chính trị của cuộc họp này không hề được thông báo trước cho tôi và nếu tôi biết rằng mình có hành động không nên không phải thì tôi đã tránh xa trước rồi. Vậy nên xin quý vị tha thứ cho sự đường đột của tôi. Còn bây giờ, nếu tôi không nhầm thì hình như bên ngoài có mấy vị tiến sỹ đang đợi tôi - Ông ta liếc nhanh sang tôi - Chúc quý vị một ngày tốt lành.

Ông ta vẫy tay chào và lao nhanh về phía cầu thang.

Người đàn ông châu Phi nói:

- Kìa ông George - à bác sĩ Plumb?

Plumb dừng bước và quay lại:

- Có chuyện gì thế, bác sĩ Runge?

- Chúng tôi - tôi xin thay mặt toàn bộ những người ở đây nói điều này với ông - rằng chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của ông hôm nay.

- Cảm ơn anh, John.

- Có lẽ nếu như cuộc họp này tạo ra được sự giao tiếp nhiều hơn giữa ban giám đốc, ban quản trị và đội ngũ bác sĩ thì cái chết của bác sĩ Ashmore đã có được một chút ý nghĩa.

- Chúa sẵn lòng giúp chúng ta như vậy, John ạ. - Plumb đáp và ra đi.