Vụ Án Trường Oxford

Chương 22

Chúng tôi đang ngồi trong quán Đại bàng và Đứa trẻ, và Seldom cùng với Lorna đang trêu chọc tôi vì uống quá lâu mới xong cốc bia.

Cái này không có cách uống chậm hơn được... hay có lẽ, có cách,” Lorna nói, bắt chước giọng trầm, hơi khàn khàn của nhà ảo thuật.

Chúng tôi đã vào gặp Lavand một lúc trong phòng thay áo của ông và Seldom cố công chèo kéo ông ta đi đến quán bia, nhưng không thành công. “À, phải, người hoài nghi của chúng ta,” nhà ảo thuật lơ đãng nói khi Seldom giới thiệu tôi, và sau đó, khi biết được tôi, cũng như ông, là người Argentina, ông nói bằng thứ tiếng Tây Ban Nha nghe giống như ông đã lâu không dùng đến. “Ảo thuật được an toàn nhờ có những người hoài nghi.” Ông thật rất mệt, ông cho biết, chuyển lại sang tiếng Anh. Ông đã cắt buổi biểu diễn ngày càng ngắn hơn nhưng vẫn không đánh lừa những khúc xương già của mình được.

“Chúng ta phải nói chuyện tiếp trước khi tôi đi khỏi,” ông nói với Seldom ở bên cửa. “Tôi hy vọng ông đã tìm được vài thứ xoay quanh việc ông hỏi tôi trong cuốn sách tôi cho mượn.”

“Ông hỏi nhà ảo thuật chuyện gì vậy? Ông ấy cho ông mượn sách gì?” Lorna hỏi đầy tự tin. Uống bia tạo ra một tác động lạ trên con người nàng, như thể một sự thân mật vừa được phục hồi mà tôi nhận thấy được trong cách nàng mỉm cười khi nàng và Seldom cụng ly, làm tôi thắc mắc không biết tình bạn của họ đã đi xa đến đâu.

“Tôi kể với ông ta về cái chết của người nhạc công,” Seldom nói. “Rồi tôi hỏi ông ấy về một ý tưởng có lúc tôi đã xem xét, khi nhớ lại chuyện bà Crafford đã chết như thế nào.”

“À, phải,” Lorna hồ hởi nói. “Vụ nhà thần giao cách cảm.”

“Đó là một trong những vụ án nổi tiếng nhất của thanh tra Petersen,” Seldom quay sang tôi nói. “Cái chết của bà Crafford, một quý bà rất giàu có cầm đầu nhóm tâm linh học ở địa phương này. Lúc bấy giờ cuộc thi vòng loại của giải vô địch cờ thế giới sắp được tổ chức ở Oxford. Một nhà ngoại cảm Ấn Độ rất nổi danh đang ở trong thành phố, thế là ông bà Crafford tổ chức một buổi dạ hội ở biệt thự của họ để thử nghiệm về thần giao cách cảm. Nhà Crafford ở ngay Summertown, gần khu của anh thôi. Nhà ngoại cảm thì ở đầu kia thành phố, chỗ cầu Folly. Khoảng cách ấy nghe nói được coi như một thứ kỷ lục. Bà Crafford đã rất vui lòng xung phong làm đối tượng thử đầu tiên. Với sự long trọng to tát, nhà ngoại cảm Ấn Độ mời bà ngồi giữa phòng khách, chụp một thứ mũ chỏm lên đầu bà rồi đi khỏi nhà đến chỗ cái cầu. Đến giờ đã định, họ tắt hết đèn đuốc. Chiếc mũ liền phát quang, chói lên trong bóng tối và cử tọa nhìn thấy một vầng hào quang có vẻ ma quái bao quanh khuôn mặt bà Crafford. Sau ba mươi giây họ bỗng nghe một tiếng hét khủng khiếp, kế tiếp là tiếng xèo xèo như trứng đang chiên trong dầu. Khi ông Crafford bật đèn sáng trở lại, họ nhìn thấy bà già kia đã chết trên ghế, cháy sém như bị sét đánh.”

“Nhà ngoại cảm khốn khổ bị bắt giữ để phòng ngừa, đến khi ông ta giải thích được là cái mũ đó hoàn toàn vô hại, không hơn gì một mảnh vải sơn lân tinh chế ra để gây ấn tượng. Ông này cũng rối trí hệt như những người khác: ông ta đã biểu diễn thần giao cách cảm tại bao nhiêu quốc gia, dưới đủ mọi điều kiện thời tiết, mà ngày hôm ấy trời lại còn rất trong và nắng. Thanh tra Petersen tất nhiên xoay ngay sự nghi ngờ sang ông Crafford. Ai cũng biết là ông ta đang có chuyện ngoại tình với một người đàn bà trẻ hơn nhiều, nhưng nhìn quanh thì không có gì thêm nữa để buộc tội ông ta cả. Và khó mà hình dung ra ông ta đã làm chuyện ấy bằng cách nào. Petersen căn cứ vào một sự kiện duy nhất cho cả vụ án của mình: hôm ấy, bà Crafford đang đội cái mà bà ta gọi là “tóc giả để mặc áo dạ hội”, bên trong có một mạng dây đồng. Mọi người đều nhìn thấy ông Crafford hôn bà vợ rất tình tứ ngay trước khi đèn tắt. Thanh tra Petersen nhất quyết là đúng lúc ấy, Crafford đã nối dây điện vào bộ tóc giả để gí điện chết bà ta, rồi sau đó gỡ ra khi ông ta giả vờ đến cấp cứu. Chuyện đó không phải hoàn toàn không thể được, nhưng như về sau khi chứng minh trước tòa, làm như vậy cũng khá là khó khăn.

“Luật sư của Crafford, mặt khác, lại có một lời giải thích giản dị và theo cách riêng của nó, cực kỳ thông minh. Nếu anh nhìn vào bản đồ thành phố, chính giữa đường từ cầu Folly đến Summertown, anh sẽ thấy nhà hát Playhouse, nơi giải cờ vua đang diễn ra. Vào thời điểm cái chết của bà Crafford, trên dưới một trăm tay kỳ thủ đang tập trung tư tưởng một cách dữ dội vào bàn cờ. Bên biện hộ lập luận rằng năng lượng tinh thần phát xuất từ nhà ngoại cảm đã được kích lên bằng tất cả năng lượng của các kỳ thủ khi nó đi ngang qua nhà hát, phóng thẳng về tới Summertown như một cơn lốc xoáy. Điều đó giải thích tại sao cái mà lúc đầu chỉ là một luồng sóng não vô hại cuối cùng giáng trúng bà Crafford như một tia sét đánh. Phiên tòa Crafford đã chia đôi Oxford thành hai phe rõ ràng. Bên biện hộ mời ra làm chứng cả một đạo quân các nhà ngoại cảm và những người được gọi là chuyên gia về siêu hình, và họ, dễ dàng đoán trước được, đều hỗ trợ luận điệu của vị luật sư với đủ cách giải khôi hài, núp dưới loại thuật ngữ giả khoa học thường gặp. Cái kỳ quặc là ở chỗ luận điệu càng điên rồ, đoàn bồi thẩm - và cả thành phố - càng sẵn sàng tin vào đấy.

“Thời kỳ đó tôi mới bắt đầu công trình của mình về thẩm mỹ học trong lập luận, và tôi thấy thật kỳ thú, sức mạnh của một sự xác quyết sinh ra từ một ý tưởng hấp dẫn. Đúng, ta có thể cãi là đoàn bồi thẩm nhiều khả năng bao gồm những người không hề có trình độ khoa học, những người thích hợp để tin vào tử vi, kinh Dịch và bói bài hơn là để nghi ngờ các nhà nghiên cứu về siêu hình và nhà ngoại cảm. Nhưng thú vị là ở chỗ cả thành phố ôm lấy ý tưởng đó và muốn tin vào nó, không phải vì một cơn phi lý đột ngột, mà vì những cái được cho là lý luận khoa học. Theo cách riêng nó là một trận chiến ở giữa sự hợp lý, và lý lẽ về các kỳ thủ đơn giản là hấp dẫn hơn, xác định rõ ràng hơn, dồi dào cảm hứng, như các họa sĩ nói, hơn là lý lẽ về khung dây đồng bên trong bộ tóc giả.

“Nhưng rồi, ngay giữa lúc mọi việc đang tiến triển theo ý Crafford, tờ Thời báo Oxford đăng tải bức thư từ một cô gái tên là Lorna Craig, người có niềm say mê lớn lao với các tiểu thuyết trinh thám.” Seldom tiếp, ra hiệu về phía Lorna bằng chiếc ly của mình. Hai người mỉm cười, như đang cùng nhắc lại một chuyện đùa cũ. “Bức thư chỉ nêu ra là trong một ấn bản cũ của tờ tạp chí Trinh thám của Ellery Queen, có một câu chuyện về cái chết từ thần giao cách cảm tương tự như vậy, chỉ khác ở chỗ là thay vì sóng não đi qua một căn phòng đầy kỳ thú, thì lần này qua một sân bóng đá ngay trước phút đá phạt đền. Buồn cười một lẽ là trong truyện, lý lẽ về sóng não, hiện giờ đang được luật sư của Crafford nêu ra, được coi như là đúng sự thật và giải đáp cho điều bí ẩn. Nhưng bản chất con người quả thật quay quắt như chong chóng: người ta vừa phát hiện ra là có khả năng Crafford đã sao chép lại ý tưởng này, thế là họ đều quay ra chống lại ông ta. Luật sư cố sức thuyết phục bồi thẩm đoàn là Crafford không đọc sách gì nhiều lắm, và nhiều khả năng là không hề biết đến câu chuyện, nhưng không tác dụng gì cả. Ý tưởng của ông ta, bị lặp đi lặp lại mãi, đã mất bớt sự hấp dẫn và đến lúc này nghe lại có vẻ khôi hài, như một chuyện chỉ có các nhà văn mới nghĩ đến được. Đoàn bồi thẩm, gồm những con người có thể sai lầm như Kant nói, kết tội Crafford dù là chẳng tìm ra được bằng cớ nào khác chống lại ông ta. Chúng ta có thể nói thế này: bằng chứng duy nhất được trình bày trong cả phiên tòa là một câu chuyện hoang đường mà ông Crafford tội nghiệp kia chưa bao giờ đọc.”

“Ông Crafford tội nghiệp đã thiêu chết vợ ông ta!” Lorna thốt lên.

“Anh thấy đấy,” Seldom bật cười, “có những người đã hoàn toàn kết luận là ông ta có tội và không cần bằng chứng. Dù sao đi nữa, tôi nhớ lại vụ án trong đêm hòa nhạc. Nếu anh còn nhớ, người nhạc công đã bị ngạt thở ngay đúng lúc bản nhạc đạt tới cao trào. Rồi, thế là tôi đã hỏi Lavand về loại tác động có thể tạo ra từ khoảng cách xa và ông ta cho tôi mượn một cuốn sách về thôi miên thuật. Tôi chưa có thời giờ để nhìn qua nó nữa.”

Một cô dọn bàn đến để chúng tôi gọi món ăn. Lorna nói tôi nên ăn cá và khoai tây chiên, rồi đứng dậy để vào phòng vệ sinh. Sau khi Seldom đã gọi món và cô dọn bàn đi khỏi, tôi đưa trả phong bì có những tấm hình cho ông.

“Anh có nhớ lại được gì không?” ông hỏi. Khi thấy cái nhìn nghi hoặc của tôi, ông nói, “Khó lắm phải không? Trở lại lúc bắt đầu như anh không hề biết gì. Rũ sạch khỏi đầu óc những gì xảy ra sau đó. Anh có thấy cái gì trước đó mình không nhận ra không?”

“Chỉ mỗi chỗ này: khi chúng ta thấy xác bà Eagleton, chân bà ấy không có tấm chăn nào.”

Seldom ngả người vào ghế và xoa xoa cằm.

“Cái đó... có thể cũng rất thú vị. Phải, giờ anh đã nhắc đến, tôi nhớ lại rất rõ, bà ấy luôn có một tấm chăn kẻ ô vuông phủ lên chân. Ít nhất là khi bà ấy ra ngoài.”

“Beth cả quyết là khi cô xuống cầu thang lúc hai giờ thì bà nội vẫn có tấm chăn ấy. Cảnh sát đã lùng khắp trong nhà nhưng không tìm ra nó. Thanh tra Petersen không hề nói gì về chuyện này với mình cả,” tôi nói, hơi phật ý một chút.

“Ồ,” Seldom đáp, giọng chế giễu nhẹ nhàng, “ông ta là viên thanh tra cảnh sát phụ trách vụ án. Có lẽ ông ta không thấy cần phải báo cáo tỉ mỉ mọi chi tiết cho chúng ta lắm.”

Tôi bật cười.

“Nhưng chúng ta biết nhiều hơn ông ta,” tôi nói.

“Chỉ theo cái nghĩa là chúng ta quen thuộc với định lý Pythagoras thôi.”

Mặt ông tối sầm lại, như thể điều này bất thần gợi lại cho ông những nỗi lo sợ tồi tệ nhất. Ông nhoài ra phía tôi và nói kiểu tâm tình.

“Con gái ông ta nói với tôi là ông ta dạo này về đêm sinh ra khó ngủ. Cô ấy thấy ông bố thức giấc vào lúc sáng sớm nhiều lần, cố thử đọc sách toán học. Ông ta lại gọi tôi sáng nay. Tôi nghĩ ông ta, cũng giống tôi, lo lắng là thứ Năm có thể quá trễ.”

“Nhưng ngày kia đã là thứ Năm rồi,” tôi nói.

Pasado mañana,” Seldom nói. “Ngày kia. Vấn đề là ở chỗ, ngày mai không phải một ngày bình thường. Chính vì thế mà Petersen mới gọi. Ông ta muốn gửi vài người của mình theo đi Cambridge.”

“Ngày mai có chuyện gì ở Cambridge vậy?” Lorna đã quay lại, mang theo bia của chúng tôi.

“Tôi có cảm giác có chuyện này là vì cuốn sách tôi cho Petersen mượn, thuật lại một cách ly kỳ câu chuyện về định lý Fermat. Đó là bài toán chưa được giải cổ xưa nhất trong toán học,” ông nói với Lorna. “Các nhà toán học đã vật lộn với nó suốt hơn ba trăm năm qua, và, ngày mai ở Cambridge, có lẽ họ đã tìm được cách chứng minh cho nó. Cuốn sách lần lại xuất xứ của ức thuyết về những bộ ba Pythagoras, một trong những bí mật vào những năm đầu tiên của giáo phái, trước vụ cháy, khi mà như Lavand nói, ảo thuật và toán học vẫn còn liên quan chặt chẽ với nhau. Những người theo Pythagoras tin rằng các tính chất và quan hệ trong những con số biểu thị cho một con số bí mật của một vị thần linh mà người trong giáo phái phải giữ bí mật. Họ có quyền phát tán những định lý để dùng vào đời sống hàng ngày, nhưng không bao giờ phát tán chứng minh, hệt như các ảo thuật gia thề độc không tiết lộ thủ thuật của mình. Các thành viên của giáo phái trừng phạt tội phá vỡ điều luật này bằng cái chết.”

“Cuốn sách tôi cho thanh tra Petersen mượn phán là chính Fermat cũng nằm trong một giáo phái gần thời nay hơn nhưng không kém bề nghiêm ngặt so với giáo phái Pythagoras. Ông tuyên bố trong lời ghi chú nổi tiếng của mình bên lề cuốn Đại số học của Diophantus là ông đã có chứng minh cho ức thuyết của mình, nhưng, sau khi ông chết, cả chứng minh đó lẫn những cái khác của ông đều không hề được tìm thấy trong các giấy tờ. Tôi cho rằng sự kiện đã đánh động Petersen chính là có một số những cái chết kỳ lạ liên quan tới câu chuyện về định lý này. Rất nhiều người đã chết, dĩ nhiên thôi, suốt ba trăm năm qua, trong đó có những người đã tiến gần đến chỗ tìm được chứng minh cho định lý. Nhưng tác giả cuốn sách rất nhạy bén, và anh ta đã tìm được cách làm cho vài cái chết đó có vẻ thực sự đáng ngờ - vụ tự sát của Taniyama cuối những năm 50 chẳng hạn, cùng với lời nhắn kỳ lạ ông ta để lại cho vị hôn thê.”

“Trong trường hợp đó những vụ giết người coi như là...”

“Một lời cảnh cáo,” Seldom nói. “Một lời cảnh cáo cho giới toán học. Như tôi đã nói với Petersen, tôi cho cái âm mưu được vẽ vời ra trong sách có lẽ chỉ là một mớ chuyện nhảm nhí đầy bịa đặt. Nhưng có cái này làm tôi lo ngại: bảy năm qua Andrew Wiles đã làm việc hoàn toàn trong bí mật. Không ai biết manh mối gì về phép chứng minh của anh ta cả. Anh ta chưa bao giờ cho phép tôi nhìn vào giấy tờ gì của mình. Nếu có chuyện gì xảy ra cho anh ta trước buổi trình bày và những giấy tờ đó mất tích, có thể phải mất thêm ba trăm năm nữa trước khi có ai lặp lại được phép chứng minh này. Vì thế, trái với điều tôi nghĩ, Petersen muốn gửi người đi đến Cambridge không phải một ý kiến dở. Nếu có chuyện gì xảy ra cho Andrew,” ông nói, và khuôn mặt ông lại tối sầm xuống một lần nữa, “tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.”