“Sáng lên! Sáng nữa lên!” ông ta yêu cầu. Ông đứng dậy và đi vòng quanh bàn ra đến rìa sân khấu, tay vẫn che mắt, nhìn lướt qua khán giả.
Một luồng sáng thô bạo chuẩn xác soi sáng vóc dáng khòm khòm của ông. Đến khi đó tôi mới ngạc nhiên thấy hóa ra ông chỉ có một tay. Cánh tay phải bị mất, cắt bỏ gọn ghẽ từ vai, giống như ông không bao giờ có nó vậy. Ông lại giơ cánh tay trái lên một cách oai nghiêm và nôn nóng.
“Sáng hơn nữa!” ông lại yêu cầu. “Tôi muốn quý vị nhìn được mọi thứ, để khỏi ai bảo, ‘chỉ là trò lừa thị giác bằng gương với khói mờ’. Kể cả vì thế mà quý vị nhìn thấy những nếp nhăn của tôi cũng được. Nhìn hết bảy nếp nhăn của tôi. Đúng, tôi già lắm rồi chứ gì? Gần như già đến mức không tin nổi. Thế đấy, nhưng tôi cũng đã từng là một đứa trẻ tám tuổi, tôi đã có cả đôi tay, như tất cả quý vị, và tôi đã muốn đi học ảo thuật. ‘Không, đừng dạy con thủ thuật’, tôi nói với thầy như thế. Vì tôi muốn thành ảo thuật gia, tôi không muốn học các thủ thuật. Nhưng thầy tôi, lúc ấy cũng già gần như tôi bây giờ, bảo rằng: ‘bước đầu tiên là phải học các thủ thuật đã’.”
Nhà ảo thuật xòe các ngón tay và chìa ra trước mặt như một cái quạt.
“Tôi dám nói với quý vị, vì giờ đây nó chẳng can hệ gì nữa, là những ngón tay của tôi đã có thời nhanh và linh hoạt đến tuyệt đỉnh. Tôi có một thiên bẩm tự nhiên và chẳng mấy chốc đã đi du hành khắp nước - đứa bé làm trò biến hóa, gần giống một thứ quái nhân trưng bày trong gánh xiếc. Nhưng đến mười tuổi thì tôi bị tai nạn. Hay có lẽ đó không phải một tai nạn. Khi tỉnh dậy, tôi đang nằm trên giường bệnh viện, và chỉ còn tay trái. Tôi, người muốn trở thành ảo thuật gia. Tôi, người thuận tay phải. Nhưng ông thầy già của tôi cũng ở đấy, và, trong khi cha mẹ tôi khóc lóc, ông chỉ bảo: ‘Đây chính là bước thứ hai. Có lẽ có ngày con sẽ thành ảo thuật gia.’ Thầy tôi đã mất, và không có ai cho tôi biết bước thứ ba là gì cả. Từ ngày ấy, mỗi lần lên sân khấu, tôi đều thắc mắc không biết có phải ngày ấy đã đến hay chưa. Có thể chuyện này chỉ có quý vị, các khán giả, mới nói được. Chính vì thế mà tôi luôn luôn đòi thêm ánh sáng, và tôi mời quý vị bước lên sân khấu này, đến tận nơi mà xem. Xin đi lối này.” Từng người một, ông mời cả nửa dãy ghế trên cùng tiến lên sân khấu và ngồi trên những chiếc ghế quanh ông. “Gần nữa, gần nữa vào. Tôi muốn quý vị nhìn kỹ tay tôi, không để mình bị bất ngờ, vì xin nhớ cho, hôm nay tôi không muốn biểu diễn thủ thuật gì cả.”
Ông đặt bàn tay trần trên mặt bàn, ngón cái và ngón trỏ cặp lấy một vật gì nhỏ và trăng trắng. Từ chỗ chúng tôi đang ngồi, tôi không thể nhìn ra đó là chất liệu gì.
“Tôi đến từ một đất nước người ta thường gọi là Rổ bánh mì của thế giới. Mẹ tôi vẫn nói, ‘Đừng ra đi, con trai ạ, con sẽ không bao giờ thiếu bánh mì ở nơi này.’ Tôi đã ra đi, nhưng tôi luôn luôn giữ mẩu bánh mì nhỏ này bên mình.” Ông lại chìa nó ra lần nữa giữa hai ngón tay, xoay vòng cho mọi người đều thấy, trước khi cẩn thận đặt nó xuống bàn. Ông dùng bàn tay ấn xuống trong động tác xoáy tròn, y như đang nhồi nặn nó. “Những dấu vết vụn bánh này thật kỳ lạ biết bao. Ban đêm lũ chim tha chúng đi để chúng ta không theo dấu lần trở lại được nữa. ‘Về lại đây, con trai,’ mẹ tôi vẫn nói, ‘con sẽ không bao giờ thiếu bánh mì ở đây đâu.’ Nhưng tôi không về lại được nữa. Những dấu vết vụn bánh này kỳ lạ biết bao! Những dấu vết ta có thể theo đó ra đi, chứ không thể trở về.” Bàn tay ông khoa vòng tròn như đang thôi miên phía trên mặt bàn. “Vì lý do đó tôi đã không dùng hết vụn bánh của mình trên đường. Và dù đi đến nơi nào, tôi sẽ luôn giữ được bên mình...” - ông đưa bàn tay lên và chúng tôi thấy tay ông cầm một ổ bánh mì nhỏ xíu đầy đủ hình dáng, hai đầu nhọn chìa ra khỏi nắm tay ông - “... một mẩu bánh mì.”
Ông quay lại đưa ổ bánh cho người đầu tiên trên hàng ghế bán nguyệt.
“Đừng ngại. Mời lấy một ít.” Bàn tay, như kim đồng hồ, xoay sang người thứ hai và mở ra để lộ một đầu bánh tròn, nguyên vẹn. “Ông có thể lấy một mẩu lớn hơn. Mời, xin lấy thử một ít,” ông quay sang mỗi người trên dãy ghế, đến khi họ đều đã có một mẩu của chiếc bánh mì.
“Phải,” ông nói đầy vẻ tư lự khi đã xong. Ông mở bàn tay ra và chiếc bánh nhỏ vẫn nằm đó, nguyên vẹn. Ông duỗi dài các ngón tay trước khi từ từ nắm lại. Khi ông mở tay ra chỉ còn lại mẩu bánh nhỏ, mà ông đưa ra giữa ngón trỏ và ngón cái. “Ta không nên dùng hết vụn bánh của mình trên đường đi.”
Ông đứng lên đón nhận tiếng vỗ tay, và đứng ra bên lề sân khấu tiễn những người ngồi trên ghế xuống. Lorna và tôi nằm trong nhóm thứ hai được lên sân khấu. Bây giờ tôi đã nhìn rõ ông, với cái mũi khoằm, bộ ria đen nhánh giống như ria nhuộm, và mớ tóc rũ xuống bám vào sọ ông. Nhưng tôi bị ấn tượng mạnh nhất với bàn tay to, xương xẩu của ông, có những vết lang ở trên mu. Ông trượt bàn tay một vòng quanh chiếc ly rồi uống một ngụm nước trước khi tiếp tục.
“Tôi thích gọi mục biểu diễn này là ‘Chậm hóa’,” ông nói. Ông lấy trong túi ra một bộ bài rồi bắt đầu tráo nhanh kinh khủng bằng bàn tay duy nhất của mình. “Thủ thuật không lặp lại được, thầy tôi từng nói thế. Nhưng tôi không muốn biểu diễn thủ thuật, tôi muốn biểu diễn ảo thuật. Ta có thể lặp lại một phép ảo thuật không? Chỉ có sáu lá,” ông nói, lấy từng lá một khỏi cỗ bài, “Ba đỏ, ba đen. Đỏ và đen. Màu đen của đêm tối, màu đỏ sự sống. Có ai điều khiển được màu sắc không? Có ai áp đặt trật tự cho chúng được không?” Với một cái búng ngón cái, ông hất các lá bài ra trên mặt bàn, từng lá một, hướng lên trên. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Các lá bài nằm thành một dãy, đỏ và đen xen kẽ nhau.
“Bây giờ, nhìn vào tay tôi. Tôi muốn làm thật chậm,” ông với tay về phía trước nhặt lên từng lá theo thứ tự nằm trên bàn. “Có ai áp đặt trật tự cho chúng được không?” ông nhắc lại và phóng chúng xuống trở lại trên mặt bàn cũng với cái búng ngón cái. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen. Đen. Cái này không cách nào làm chậm hơn thế được,” ông nói, gom các lá bài lại. “Hay có lẽ... có cách.” Lần nữa, ông phóng những lá bài ra với màu sắc xen kẽ, cho chúng rơi xuống thật chậm. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Ông quay lại phía chúng tôi để chúng tôi nhìn rõ hành động của ông. Ông nhích bàn tay về phía trước, chậm chạp như một con cua, đụng vào lá bài đầu tiên bằng đầu ngón tay. Ông nhặt lá bài lên nhẹ nhàng tột độ, và khi ông ném chúng xuống bàn, màu sắc đã sắp xếp lại với nhau. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen, đen.”
“Nhưng quý ông trẻ tuổi này,” ông nói, bất thần quay cái nhìn sang tôi, “vẫn còn nghi ngờ. Có thể ông ấy đã đọc vài cẩm nang ảo thuật, và nghĩ là bí quyết nằm trong cách tôi nhặt bài lên, hay một tiểu xảo xoa bài. Phải, gặp phiên mình thì ông ấy sẽ làm như vậy. Tôi cũng đã từng làm như vậy khi còn có hai bàn tay. Mà có thể ngày nào đó tôi sẽ không còn bàn tay nào cả.” Ông liệng bài xuống bàn từng lá một. “Đỏ, đen, đỏ, đen, đỏ, đen.” Nhìn tôi lần nữa, ông ra lệnh: “Gom chúng lại đi. Và bây giờ, không để tôi chạm vào chúng, lật lên từng lá một.” Tôi làm theo. Và, khi tôi lật như vậy, những lá bài kia y như đã phục tùng theo lệnh của ông ta. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen, đen.”
Khi chúng tôi trở về ghế ngồi giữa lúc khán giả vẫn còn đang vỗ tay tán thưởng, tôi hiểu ra tại sao Seldom kiên quyết muốn tôi xem buổi biểu diễn này. Mỗi màn kế tiếp đều giống như những màn trước, giản dị lạ thường và đồng thời cũng tinh thuần lạ thường, y như ông già này đã thực sự đạt đến một cảnh giới hoàng kim khi ông không cần dùng đến tay nữa. Và có vẻ như ông vui thú khi phá vỡ những quy tắc của nghề mình, từng cái một. Ông lặp lại các thủ thuật, ông cho người ngồi sau lưng mình suốt buổi, ông tiết lộ những kỹ thuật mà các ảo thuật gia khác bao thế hệ qua đã tạo ra cùng một ấn tượng. Có một lần tôi quay ra đằng sau và thấy Seldom đang hoàn toàn bị mê hoặc, sung sướng lạc trong sự thán phục, như một đứa trẻ không bao giờ biết chán xem đi xem lại một kỳ tích. Tôi nhớ lại ông đã nghiêm túc như thế nào khi nói rằng ông ưa giả thuyết bóng ma hơn cho vụ án mạng thứ ba, và tôi thắc mắc không biết ông có thật tin vào những chuyện như vậy không. Nhưng thật khó mà không bị nhà ảo thuật lôi kéo: kỹ năng của mỗi màn trình diễn nằm trong sự giản dị từ bản chất và cách giải thích duy nhất luôn luôn là một điều không thể có thật. Suốt buổi không có một khoảng thời giờ trống nào, và vô cùng đột ngột, ông tuyên bố màn diễn cuối cùng.
“Quý vị hẳn đã thắc mắc,” ông nói, “lý do tôi lại có một ly nước lớn thế này trong khi đến giờ tôi mới uống có một ngụm nhỏ. Trong này còn đủ nước cho một con cá bơi lội vòng quanh.” Ông lấy ra một chiếc khăn tay lụa đỏ và chậm rãi lau chiếc ly. “Có lẽ,” ông nói, “nếu ta lau ly cho sạch rồi tưởng tượng ra những viên sỏi nhỏ nhiều màu, có lẽ, như trong bài thơ của Prévert, chúng ta sẽ câu được một chú cá.” Khi ông lấy chiếc khăn về, quả thật có một con cá vàng bơi lội vòng quanh bên trong ly và những viên sỏi nhỏ có màu ở dưới đáy.
“Như quý vị biết, các nhà ảo thuật chúng tôi đã từng bị đày đọa tàn nhẫn qua bao thời đại, kể từ trận lửa trong đó các thuật sĩ theo Pythagoras, những tiền bối của chúng tôi, đã tiêu vong. Đúng thế, toán học và ảo thuật có những gốc gác chung, và trong một thời gian dài chúng bảo vệ cùng một bí mật. Chúng tôi đã bị đày đọa dã man nhất sau cuộc tranh đấu giữa Peter và Simon Thuật sĩ, khi mà những người Thiên chúa giáo chính thức cấm chỉ ảo thuật. Họ sợ rằng sẽ có người cũng biết biến bánh và cá thành ra nhiều. Chính lúc ấy, các nhà ảo thuật đã sáng tạo cái mà ngày nay vẫn còn là chiến lược sinh tồn của họ: họ viết những cẩm nang giải thích các thủ thuật hiển nhiên nhất và phát tán cho dân chúng, đồng thời họ dùng những cái hộp và gương vớ vẩn trong biểu diễn của mình. Dần dần họ đã thuyết phục được dân chúng rằng đằng sau mỗi màn ảo thuật là một thủ thuật. Họ trở thành những nhà ảo thuật xa lông, không phân biệt nổi với những kẻ làm trò tầm thường, và bằng cách đó đã có thể tiếp tục trong bí mật việc biến bánh mì và cá thành ra nhiều ngay trước mũi những kẻ đày đọa họ.”
“Phải, thủ thuật ảo diệu và lâu dài nhất chính là thuyết phục mọi người rằng ảo thuật không tồn tại. Như tôi đây vừa sử dụng chiếc khăn tay này. Nhưng đối với các nhà ảo thuật chân chính, chiếc khăn tay không che giấu một thủ thuật, mà là một bí mật cổ xưa gấp bội. Vì vậy hãy nhớ giùm,” ông nói với một nụ cười tinh quái, “hãy luôn luôn nhớ giùm rằng: ảo thuật không có thật.” Ông bật ngón tay và một con cá vàng nữa nhảy vào trong nước. “Ảo thuật không có thật.” Ông bật ngón tay lần nữa và con cá thứ ba nhảy vào ly. Ông phủ cái khăn lên ly, và khi ông lấy ra, bên dưới đã không còn cả sỏi, cá, hay ly. “Ảo thuật... không có thật.”