Bốn giờ mình vào trực vẫn thấy chị trưởng khoa còn ở lại.
- Chị bàn giao cho em ca này, tuyến dưới chẩn đoán “phù phổi cấp, suy tim, suy thận giai đoạn cuối”, đã dùng Isoket và Dobu rồi chuyển lên. Chị thấy huyết áp thấp quá, đã ngưng Isoket rồi.
Mình đưa mắt nhìn thì thấy bệnh nhân đang thở khó nhọc với mask túi.
- Chị đã giải thích bệnh nặng cho người nhà chưa?
- Chưa, nãy giờ bệnh cấp cứu vô liên tục. Em xem nhịp tim bây giờ là 150 nên rất khó đo huyết áp!
Mình hết nhìn bệnh nhân rồi nhìn chị trưởng khoa. Không biết vì lí do gì người ta lại đẩy bác sĩ và bệnh nhân về hai phía đối kháng và đối phó với nhau. Trong khi những bác sĩ chân chính lúc nào cũng cố gắng cùng bệnh nhân vượt qua bao khổ đau bệnh tật, giữ cho bệnh nhân từng hơi thở từng nhịp tim.
Bệnh nhân trước mắt mình rất nghèo, người nhà lại chân phương quê mùa...
- Chị về đi, để đó em coi, đã sáu giờ chiều rồi.
Nhìn khuôn mặt chị đăm chiêu lo lắng với từng giọt mồ hôi lặng lẽ rơi mà thương.
Phải chăng ngay giây phút cấp cứu này mới giúp chúng ta hiểu, trân trọng tấm lòng và chuyên môn của người thầy thuốc đang cố gắng để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân, và tất cả những thứ còn lại, lương bổng, chức vụ, danh xưng... đều là vô nghĩa và phù phiếm?
Hơn ba giờ sau, bệnh nhân bớt khó thở và bứt rứt. Trên Monitor lúc này, huyết áp đã được nâng lên.
Mười giờ đêm, chị trưởng khoa gọi điện vào hỏi thăm: Đã ổn chưa em.
Mình cười trả lời: Ổn rồi chị. Và mình nghe có tiếng thở phào nhẹ nhõm mừng vui.
Một giờ sau, bệnh nhân nói thều thào qua mask túi: Bác sĩ... Bác sĩ...
- Ông đang mệt, hãy nghỉ ngơi đi.
- Tôi bớt mệt rồi... Cám ơn bác sĩ...
Từ lúc bác sĩ... bước vô phòng cấp cứu... tôi nhìn bác sĩ suốt. Bác sĩ trẻ quá... căng tràn sức sống... Bác sĩ... có một trái tim khỏe mạnh...
- Dạ?
- Tôi ước tôi... có thể đứng dậy... chạy tới chạy lui... như bác sĩ.
Mình thấy đôi mắt bệnh nhân ngân ngấn nước. Mình thầm nghĩ trong đầu: Khi người ta mất đi sức khỏe rồi, người ta mới chịu nhận ra nó đáng quí dường bao. Có sức khỏe là có tất cả.
Nghĩ tới đó bỗng nhiên tự giật mình, tháng ngày qua có bao giờ mình ngừng lại lắng nghe nhịp tim mình đâu.
Mình cứ lăng xăng mà quên cách giữ gìn cơ thể. Thân có an thì tâm mới lạc. Và ngược lại tâm có lạc thì thân mới có an.
Mình là bác sĩ mà còn như thế huống chi bệnh nhân.
Chẳng phải khi mình đi đứng sinh hoạt ăn uống được bình thường là nhờ trái tim hoạt động bình thường?
Bởi thế bạn ạ, trong cuộc sống dù có hối hả đến đâu, cũng nên dành ít phút buổi tối trước khi nhắm mắt ngủ để “lắng nghe lại trái tim” nhé. Đừng để là bệnh nhân rồi mới biết lo biết nghĩ.
“Trái tim cho ta nơi về nương náu
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều...”
Trái tim còn khỏe mạnh là còn hạnh phúc.
Khi bạn biết lắng nghe trái tim, bạn sẽ nhận thấy trái tim đã làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Nó phải bơm liên tục hàng ngàn lít máu cho từng tế bào cơ thể. Vậy mà... mình chẳng biết ơn, chẳng biết yêu thương trái tim. Mình muốn ăn gì thì ăn, muốn uống gì thì uống, muốn hút bao nhiêu thuốc lá thì hút... mình chẳng biết trái tim và cơ thể phải hoạt động ra sao với những thứ mình tọng vào đấy. Chưa kể, trái tim còn phải gánh gồng bao nhiêu thứ hờn giận, ghen tị, thù oán... và tham lam.
Có bao giờ bạn chú ý khi mình giận? Mỗi khi giận, chúng ta thường đỏ mặt tía tai, nhịp tim lại tăng lên.
Và trái tim nào chịu đựng nổi nếu cứ chồng chất nhiều khổ đau như thế?
Hãy lắng nghe để yêu lại trái tim mình nhé. Một khi mình đã yêu trái tim của chính mình rồi, mình sẽ biết làm cho trái tim bớt khổ nhọc, biết nên ăn gì uống gì, biết nghỉ ngơi ra sao. Và quan trọng hơn là biết buông bỏ bớt những tập khí tồn tại bấy lâu nay, đó là những sân hận, cạnh tranh và đố kị.
Cuộc sống này mình không cần biết mình sống được bao lâu, mà điều mình cần biết là mình có sống thật sâu chưa?
Mình có tiếp xúc được với phép nhiệm mầu của cuộc sống? Có biết lắng nghe lá gan, lá phổi, dạ dày đang hoạt động ra sao? Chỉ cần tiếp xúc được với phép nhiệm mầu cuộc sống ấy thôi, là tự nhiên mình có hạnh phúc. Khi mình có hạnh phúc bình an, thì mọi nơi mình đến mình chạm vào đều được như vậy! Hãy thử tưởng tượng xem nếu đôi mắt, đôi tai, gan, phổi mình có bệnh, mình sẽ ra sao?
Sao còn chưa biết cám ơn người bạn cuộc sống?