Vô Thường

Bạn Đời

Chị đưa mắt nhìn ra phía cửa sổ phòng bệnh, bầu trời thật xanh trong với những cụm mây trắng trôi bồng bềnh. Chẳng biết ai đã trồng nơi ban công này một giàn đậu biếc, để bây giờ nở hoa nhuộm tím cả hoàng hôn.

Chưa bao giờ chị thấy đất trời đẹp và yên bình đến vậy. Hay chăng khi gần đến những giây phút cuối của cuộc đời, người ta càng cảm nhận mọi thứ khác hơn?

- Anh tô môi son cho em nhé?

Chị mỉm cười với đôi môi nhợt nhạt. Căn bệnh ung thư làm chị khô gầy và xanh xao. Anh cầm cây son vừa tô vừa hát...

“Này em, ngày con gái

Môi son đừng biếng lười

Cho anh còn mãi mãi

Chút mùi phấn hương bay...”

Bao lâu rồi nhỉ, chị mới được nghe giọng hát trầm ấm của anh? Có lẽ đã lâu lắm rồi... Chị nhớ một thời anh hay hát mỗi khi chở chị trên chiếc xe đạp cũ qua những con đường vắng đầy hoa sao bay.

Rồi năm tháng qua đi, rồi tất bật mưu sinh, rồi gánh gồng nuôi ba đứa con... anh đã không còn hát cho chị nghe nữa những bài tình ca. Và anh cũng không còn nắm thật chặt đôi bàn tay gầy guộc của chị ở những nơi đông người.

Tự dưng khóe mắt chị hai dòng lệ lặng lẽ tuôn ra.

- Em đừng khóc, xấu lắm!

Có lẽ giây phút mà chị hạnh phúc nhất trong cuộc đời là giây phút này đây. Giây phút được nằm lặng im bên anh, được nhìn anh thật sâu, và được nghe anh hát... Được ngắm nhìn khóm hoa đậu biếc xanh thẳm ngoài kia, mơn mởn như sự sống.

Tất cả những điều còn lại mà tháng ngày qua chị cứ ngỡ có được nó là hạnh phúc, là đủ đầy... phút chốc chẳng còn ý nghĩa nữa!

Chị từ từ khép đôi mắt lại...

- Bác sĩ... Bác sĩ... Cấp cứu... Bác sĩ ơi... Cấp cứu...

Anh la lên hốt hoảng.

Khi mình chạy đến phòng thì chị đã trút hơi thở cuối cùng.

- Mau, đặt nội khí quản, Adrenalin tiêm mạch hai ống cho bác.

Mình vừa ra y lệnh vừa đặt hai tay lên trên xương ức của chị mà xoa bóp tim. Điều dưỡng đã gắn xong dụng cụ...

- Thôi, bác sĩ ơi... Ngừng đi... Đủ rồi, vợ tôi đã đau đớn lắm rồi...

Anh nói xong, ngã gập người xuống.

- Ba năm trời chống chọi với căn bệnh ung thư này. Lúc vợ tôi cắt bỏ hết tử cung và hai phần phụ là lúc vợ tôi ngỡ mình đã chết. Phụ nữ mà bác sĩ... Cô ấy sợ tôi bỏ đi, sợ tôi có người khác, không phải cô ấy nghĩ cho bản thân cô ấy đâu... Hức hức... Mà cô ấy lo cho ba đứa con... Không ai chăm sóc... Không ai bảo ban...

- Anh đã luôn đi cùng chị ấy đến tận phút cuối cùng mà!

- Bác sĩ không hiểu hết nỗi đau của người bị ung thư và gia đình họ đã trải qua đâu. Những đêm nằm võ vàng trong bệnh viện... Những cơn đau chết đi sống lại...

Mình ngồi lặng im nghe dòng tâm sự tuôn chảy nơi anh. Bốn mươi tuổi cho một cuộc ra đi. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống vốn dĩ vô thường…

- Dặm đường mà anh chị đã qua ấy, bên cạnh những nỗi đau xé lòng vẫn còn có những niềm hạnh phúc long lanh.

Được gặp nhau, được yêu, được sẻ chia... Đó chẳng phải là duyên là nợ hay sao?

Nếu không có những khó khăn, mất mát, bệnh tật, yếu đuối... thì làm sao chúng ta cảm nhận được tình yêu của chính mình và của người bạn đời, đúng không?

Có rất nhiều người suốt đời đi tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng may mắn có được.

Anh cám ơn mình xong, rồi lặng lẽ đẩy xác chị ra về.

Ngoài ban công vừa rụng một đóa hoa đậu biếc.

Mình quay sang nói khẽ với mấy em thực tập:

- Không phải bác sĩ lúc nào cũng cứu được người, em ạ. Có nhiều khi bác sĩ chỉ biết đứng nhìn bệnh nhân của mình vật vã trong đớn đau rồi chết. Sinh lão bệnh tử... vốn là quy luật của vạn vật, mà con người sống thì trùng trùng những phận, những duyên.

Sẽ rất ý nghĩa, nếu bác sĩ có thể giúp bệnh nhân của mình hiểu được điều đó và đồng hành với họ một chặng đường. Bác sĩ cũng bệnh, cũng chết như bệnh nhân.

Đâu đó vang vọng câu hát của nhạc sĩ Vũ Thành An...

“Có một lần mất mát

Mới thương người đơn độc...

Có một đời khóc than

Mới hiểu đời đã vàng...”

***

- Cho tôi gặp bác sĩ Trực ngay đi.

- Dạ, chị muốn gặp em à? Có chuyện gì vậy?

Một phụ nữ khoảng 45 tuổi ném cuốn sổ bệnh án lên bàn, vẻ mặt căng thẳng.

- Bác sĩ điều trị cái giống gì vậy, con tôi về nằm sốt mê man, máu từ chỗ kín chảy hoài không cầm.

- Chị đợi một chút.

Người bác sĩ tên Trực vội lật cuốn sổ, thấy có ghi Bệnh nhân Nguyễn K L, 18 tuổi. Và trang trong ngay phần y lệnh đã bị xé phía trên, chỉ còn lại tên và chữ kí của mình phía dưới.

- Nó nói bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng tiểu.

Chị y tá vội gõ máy vi tính, tên tuổi bệnh nhân, trên màn hình hiện ra: Bệnh nhân đến khám vì thấy nặng vùng hạ vị và buồn nôn. Kết quả siêu âm: Có một thai sống trong lòng tử cung, khoảng mười tuần. Chuyển khám thai tại Bệnh viện X.

- Bác sĩ bảo sao? Ăn nói thì phải cẩn thận, con tôi mới có 18 tuổi, đang học lớp 11, làm sao có bầu được. Đúng là... Cái đồ lang băm... Nếu con tôi mà đưa phong bì chắc điều trị hết bệnh rồi.

- Chị phải bình tĩnh lại đã. Có khi nào chị hay phản ứng như thế, con chị không dám tâm sự và tự đi phá thai một mình rồi bị nhiễm trùng không?

- Ơ... Tôi... Không thể nào, nó còn đi học. Nó ngoan lắm.

- Em nghĩ chuyện đó cũng đâu khó lí giải. Khi người ta yêu nhau, quan hệ rồi có thai là chuyện hết sức bình thường. Chỉ có bất thường khi mà ta không chấp nhận điều đó.

- Nhưng nó còn đi học mà...

Đôi mắt người phụ nữ bắt đầu nhoè nước, khuôn mặt hằn học dữ dội lúc nãy đã hòa dịu hơn.

- Đúng là... chuyện không nên xảy ra. Nhưng nghĩ kĩ lại, là lỗi do chúng ta, không biết nuôi dạy mà hướng dẫn cho con cái của mình thật kĩ. Đôi khi chúng ta tất tả việc mưu sinh mà ít khi ngồi lại tâm sự, sẻ chia với con.

- Bác sĩ, bây giờ tôi phải làm sao?

- Chị nên đưa cháu đến bệnh viện phụ sản khám lại cẩn thận để điều trị. Thay vì trách mắng thì hãy yêu thương và chăm sóc. Cuộc đời ai không lầm lỡ?

- Bác sĩ... Tôi... Tôi xấu hổ với bác sĩ và cô y tá... Tôi... Xin lỗi...

Bác sĩ Trực lặng nhìn dáng chị ấy bước ra khỏi phòng khám mà chạnh lòng.

Trong giao tiếp hằng ngày rất dễ xảy ra va chạm và xung đột, có những chuyện đáng, có những chuyện không.

Có thể chị đã sai khi chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện đã mắng xối xả bác sĩ. Nếu bác sĩ có tức giận cũng là chuyện bình thường. Nhưng đó không phải là cách cư xử của một người hiểu biết và nhân hậu.

Và cách cư xử ấy cũng chẳng phải tỏ ra hơn người, mà đó là biểu hiện của tình thương.

Chỉ có tình thương mới hóa giải được mọi thù oán trên đời này.

Bất cứ người mẹ nào cũng thương yêu và lo lắng cho con của mình, thậm chí có thể hóa điên hay sẵn sàng lao vào biển lửa để cứu con. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nổi nóng khi nghe chuyện bất bình, dễ dàng đổ lỗi cho người khác khi chuyện không như ý muốn xảy ra.

Sư ông dạy rằng: Phải lắng nghe sâu mới hiểu thấu đáo. Trách cứ và buộc tội người khác thì ai cũng làm được. Nhưng để hiểu, để tha thứ và giúp đỡ người khác... chỉ có những người trí tuệ và từ bi mới làm được.