VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU

1. Ca Huế

Các lối ca khúc của ta.- Các lỗi ca khúc (những bài hát hòa với âm nhạc) của ta rất nhiều.Những đại thể ta có thể phân làm hai loại:

1) Các biến thể của hai thể lục bát và Song thất: cái đặc tính của các lối này là vừa có yêu vận vừa có cước vận. Trừ lối hát nói ta đã xét rõ phép tắc trong chương trên, còn có các lối xẩm (xẩm nhà trò, xẩm chợ), hề, điên, đò đưa chũng châm chước theo hai thể lục bát và song thất (Xem những Bài đọc thêm số 1, 2, 3, 4, 5)

2) Các biến thể của thơ có cái đặc tính là chỉ có cước vận, mà không có yêu vận. Các lối sau này gọi chung là ca Huế hoặc hát ; ý. Nay ta phải xét qua thể cách các lối này.

Nguồn gốc các lối ca Huế.- Về nguồn gốc các lối ca này có hai thuyết:

1) Nhiều người cho rằng các lối ca Huế là do ta phỏng theo các ca khúc của người Chiêm Thành mà đặt ra.

Nay xét trong Nam sử, thấy chép hai việc sau này: Năm 1044 (Thiên cảm Thánh-vũ nguyên niên), vua Lý Thái tôn đi đánh Chiêm thành, chém vua Chiêm là Sạ đẩu, rồi vào thành Phật-thệ (nay ở xã Nguyệt biều, huyện Hương-thuỷ, tỉnh Thừa-thiên), bắt vợ, thiếp cùng cung nữ của vua Chiếm biết múa hát khúc Tây Thiên về. Khi về, ngài sai làm cung riêng cho bọn cung nữ ấy ở (C.M.q.3, tờ, 8,9,10)

Lại năm 1202 Thiên gia Bảo-hữu nguyên niên), vua Lý Cao tôn sai nhạc công soạn ra nhạc khúc mới gọi là Chiêm thành âm, tiếng sầu oán thương xót, nghe đến phải khóc (C.M. 1.5 tr.28a)

Xem hai việc chép trong sử ấy thì biết ta có tiếp xúc với ca nhạc của Chiêm thành và chịu ảnh hưởng của nền ca nhạc ấy. Sau này khi dân tộc Chiêm-thành đã mất nước, nỗi buồn rầu, lòng cảm cựu thổ lộ trong giọng hát, cung đàn, nên có nhiều vẻ não nùng ai oán truyền sang nhạc của ta.

2) Có người lại cho rằng các ca khúc của ta là phỏng theo các từ khúc của Tàu mà làm ra,vì các lối ấy, cũng như từ khúc của Tàu, chỉ có cước vận và đã thành câu dài ngắn không đều nhau.

Xét ra thì các điệu ca Huế có thể chia làm hai loại: một là những điệu hát Nam (tự phương Nam lại); giọng réo rắt, như các điệu Nam ai, Nam thương, Nam bình, Vọng phu v.v.; hai là những điệu hát Bắc (tự phương Bắc lại). giọng vui vẻ như các điệu cổ bản, Kim tiền, Tứ đại cảnh, Phú lục, Lưu thủy, Hành vận, v.v. Các điệu hát Nam có lẽ chịu ảnh hưởng của ca khúc Chiêm thành, còn các điệu hát Bắc có lẽ phong theo từ khúc của Tàu mà làm ra.

Các điệu ca Huế.- Các điệu ca Huế rất nhiều. Nay kể các điệu chính như sau:

1) Cổ bản (bản cũ, điệu cũ) có 6 khổ, 6 vần. Thí dụ:

Tự tình

Số câu (1) số chữ (9)

1 9 Duyên thắm duyên càng đượn, vì giống đa tình.

2 7 Thêm nhiều ngày mặn nồng càng xinh

3 7 Bực khuynh thành thực là tài danh

4 9 Song duyên kia đừng phụ nào trách chi mình.

5 7 Chỉ non thề nguyện cùng trời xanh

6 5 Lòng dặn lòng cho đành

7 3 Nỗi kết mình (kết mình)

1 6 Thư nhạn đưa tin (đưa tin) tháng ngày,

2 7 Nguồn ái ân dám đâu vơi đầy

3 7 Thương càng bận, làm bận lòng đây,

4 6 Vấn vương tình tự vì đây.

5 7 Tơ hồng khéo xe, thực là may,

1 4 Trăng gọi thềm hoa

2 4 Lầu ngọc sáng lòa

3 4 Hương thơm ngát nhà

4 3 Khắp gâầ xa

5 4 Tiếng đàn hòa ca

1 5 Ngâm vinh mấy chén quỳnh

2 4 Say sưa cùng mình

3 6 Sánh tày vai

4 8 Nhân ngãi (nhân ngãi) lâu dài

5 7 Thực là vui, dám nào phai

6 9 Tâm đầu ý hợp, như rứa mấy người

7 8 Ngọc vô hà, Biện Hòa mới hay.

8 5 Một ngày tương tri tình si, ấy là ai

7 8 Muôn vàng không ngại, mua ngay tiếng cười

8 5 Gọi mười người như mười

1 7 Anh hùng có đâu, có là đâu.

2 11 Thôi thôi đừng, thôi đừng năn nỉ, suy nghĩ thêm sầu

3 3 Mặc ai giầu

4 4 Lại hầu thương yêu

5 4 Mặn nồng bao nhiêu

6 3 Đường còn lâu,

7 3 Chút tình sâu,

8 8 Vui lòng ưng ý, danh lị chí cầu!

2) Kim tiền có hai khổ hai vần. Thí dụ:

Trai gái tự tình

1 5 Xa xôi gửi lời thăm

2 7 Lúc nhắn nhe đôi bạn sắt cầm

3 5 Mong kết nghĩa đồng tâm

4 4 Với người tri âm

1 6 Thương nhau hoài nhớ nhau mãi

2 8 Thương nhau hoài ai chớ phụ tình ai

3 4 Duyện vì trúc mai

4 8 Trúc mai hòa hợp, cùng bạn lâu dài

5 4 Đặng dài lâu dài

6 6 Thương thì xin đó đừng phai (thương thì xin đó đừng phai)

7 8 Ấy ai tình tự, tác dạ (tạc dạ) chớ phai

8 6 Chớ phai, hởi người tình tự!

3.) Tứ đại cảnh có bảy khổ. Thí dụ:

Gặp anh hùng

1 11 Cơn phong trần, tay khí võ, nay mới tỏ (mới tỏ) tài tình

2 7 Thôi thôi thực gặp buổi (danh) giương danh.

3 3 Ngắm trời xanh

4 4 Mở hội hoàn doanh

5 4 Bày cuộc đua ganh

1 3 Xui nên chuyện

2 3 Vang châu huyện

1 4 Lắm chuyện kỳ thay!

2 7 Ai là kẻ hào kiệt (tay) ra tay?

3 3 Nay mừng thay

4 4 Cờ mở gió bay.

5 4 Trống động trời lay,

1 3 Trông ra dạng

2 3 Nguy nga trạng

1 4 Chức trọng quyền cao

2 7 Nghiêng trời bể lừng lẫy (bao) xiết bao!

3 7 Xưa phỉ nguyền rày ước mai ao,

4 4 Ngày khát đêm khao

1 5 (Người) người đâu tung hoành thế?

2 6 Mới hay, biết tay anh hùng

3 3 Luống những mong

4 4 Lượng bể bao dong

5 4 Phận liễu đoái trông

6 3 Lòng lòng mong

7 5 Ân tình thắm, có xong

8 4 Có xong chăng là?

1 10 Mưa sa, chùm hoa sân ngọc rườm rạp (rườm rạp xuân) thêm xuân.

2 6 Tư quân mấy phận chung tình

3 7 Tin xét đến có chừng ấy chuyện

4 7 Xin ghi tạc có từng ấy câu

4) Lưu thủy (nước chảy) có bốn khổ. Thí dụ:

1 3 Kể từ ngày (từ ngày) gặp nhau

2 7 Trao lời hẹn cho vẹn vàng thau

3 7 Dây tơ mành xe chặt lấy nhau;

1 7 Xe không đặng, đem tình thương nhớ

3 7 Cảm thương người ngẫm nghĩ ba thu

3 7 Xa cách nhau đêm nằm vẫn thấy;

4 5 Thấy là thấy (là thấy) chiêm bao

5 7 Biết bao lại vấn vương bên mình,

6 5 Mình giật mình, giật mình, đôi cơn.

1 7 Biết đâu lại quan sơn một đường

2 6 Tình (tình) thương, tơ vương mọi đường

3 5 Xin cho trọn (cho trọn), cương thường.

1 7 Ai đơn bạc thì mặc lòng ai.

2 5 Xin cùng bạn (cùng bạn) trúc mai.

3 4 Trăm năm lâu dài.

Hành vân (mây di) có bốn khổ, bốn vần. Thí dụ:

Nhắn tri âm

1 3 Một đôi lời (một đôi lời)

2 4 Nhắn bạn tình ơi!

3 7 Thề non nước, giao ước kết đôi,

4 4 Trăm năm tạc dạ

5 10 Dần xa cách, song tình thương chớ phụ thì thôi

1 7 Niềm trọn niềm, xin đừng xao nhãng.

2 6 Trời kia định nợ ba sanh.

3 3 Đẹp duyên lành

4 7 Trọn niềm phu phụ bậc tài danh (tài danh)

1 6 Dầu tiên có tại non bồng

2 4 Kết mối tơ hồng

3 5 Ấy thời trông (thời trông)

1 3 Nghĩa sắt cầm

2 4 Hòa hợp trăm năm.

3 10 Bởi vì xa cách, nhắn nhe cùng bạn tri âm.

6) Nam ai (nam: phương Nam; ai: thương) có ba khổ ba vần. Thí dụ

Khuyến hiếu

1 10 Khuyên ai gắn bó đền công trình thầy mẹ

2 8 Ân nặng nhường sông, nghĩa chất non cao.

3 5 Ơn cúc dục cù lao.

4 6 Sinh thành lo sự xiết bao

5 5 Lo cơm bữa nhường nao

6 4 Ẳm bồng (vào) ra vào

1 8 Nâng niu bú mớm đêm ngày, xem tày vàng ngọc

2 8 Hay chạy hay đi, lúc nắng lúc mưa

3 4 Từ xưa đến giờ

4 4 Lúc hãy còn thơ.

5 3 Đến bây giờ,

6 3 Chịu nhuốc nhơ

1 4 Biết bao nhiêu mà

2 5 Trong năm trọn ngày qua.

3 6 Da mồi tóc bạc mây xa

4 5 Khuyên trong cõi người ta

5 4 Thảo ngay mới là.

7) Nam thương có ba khổ, ba vần. Thí dụ:

Tìm bạn

1 10 Tay mang khăn gói băng ngàn, vô hàng tìm bạn

2 9 Nguyên đồng học ngày xưa, cách trở mấy năm.

3 5 Nay nhớ bạn tri âm.

4 6 Băng ngàn bất quản sơn lâm

5 5 Nay nhớ nghĩa tình thâm

6 5 Xui trong dạ (thầm thương thầm)

1 8 Non cao suối hiểm, không nài, (không nài) khó nhọc

2 10 Trông cho gặp thai huynh, kẻo trong dạ tư lang.

3 4 Trăng kia xế tàn.

4 3 Núi bàn san,

5 3 Khôn thở than;

6 3 Nhớ bạn vàng,

7 4 Khó nỗi hỏi han

8 5 Nên chi tôi băng ngàn,

9 7 Nay băng ngàn cũng vì nhớ bạn

1 5 Nay anh gửi thư ra,

2 6 Thành hành bất quản đường xa

3 6 Xui trong dạ tôi bôn ba,

4 4 Phút đâu tới nhà

8) Nam bình hoặc Nam bằng có ba khổ, ba vần. Thí dụ:

Tình ly biệt

1 11 Ôi! Tan hợp xiết bao, tháng ngày đợi chờ non nước.

2 4 Ngàn dặm chơi vơi,

3 6 Mấy lời, nào dễ sai lời

4 7 Ai ơi! chớ đem dạ đổi dời

5 7 (Ưng tình ưa ý), ý ưng tình thêm càng ưa ý.

6 5 Thiệt là đặng mấy người

7 3 Lại sai lời

1 9 Tương tri cho đá vàng, thêm lại yêu vì

2 6 Nhớ khi cuộc rượu, câu thi

4 8 Thêm càng thương tiếc, phong lưu ai bì.

1 11 Nặng vì tình, tình đôi ta, duyên trao nợ rằng ai.

2 4 Buộc lại người sinh

3 4 Lời hẹn ba sinh

4 4 Vấn vương tơ tình.

Thể cách các lối ca Huế.- Đại khái thể cách các lối ca Huế như sau:

A) số câu và số nhịp.- Số câu trong bài không nhất định. Mỗi bài chia làm nhiều khổ, mỗi khổ tự hai đến chín câu, mỗi nhịp mỗi đổi vần.

B) Số chữ trong câu.- Số chữ trong câu không nhất định ngặn tự ba chữ, dài đến 11, 12 chữ. Mỗi câu chia làm hai, ba đoạn hiệp với cung bậc của bài đàn.

C) Cách gieo vần.- Các câu trong một nhịp hiệp theo một vần. Vần bao giờ cũng gieo cuối câu. Thường thì mỗi câu mỗi gieo vần, thỉnh thoảng có câu không gieo vần, thứ nhát khi nào chữ cuối câu ấy khác thanh với chữ cuối các câu kia.

Vần thường dùng vần bằng, gián hoặc dùng vần trắc.

2. Hát bội

Các lối kịch của ta.- Văn kịch của ta chia làm hai lối: một là hát bội hoặc tuồng; hai là chèo.

1) Hát bội hoặc tuồng.- Chữ tuồng có người cho là bởi chữ tượng mà ra. Tượng nghĩa là hình trạng hiển hiện ra. Vậy tuồng là hình dung, dáng dập cử chỉ của người đời xưa. Lối tuồng thường diễn những sự tích oanh liệt hoặc sầu thảm, lời lẽ trang nghiêm, hùng hồn để làm cho người xem cảm động.

2) Chèo.- Chữ chèo có người cho là do chữ trào mà ra. Trào nghĩa là giễu cợt. Lối chèo thường diễn những sự việc vui cười, những tật rởm thói xấu của người đời, lời văn có nhiều giọng khôi hài, bông lơn để người xem buồn cười.

Cách kết cấu một bản tuồng của ta.-

A) Lối tuồng của ta không theo phép tam nhất trí (tam: ba; nhất trí: thu về một mối) như lối bi kịch của người PHáp. Nhiều khi một bản tuồng diễn những việc xảy ra ở nhiều nơi và trong một thời gian khá lâu (có khi một vai tuồng khi ra trò còn trẻ tuổi mà khi tan trò đã là người già); các tình tiết trong bản tuồng cũng phiền phức, chứ không tập trung vào một việc chính để đi tới kết cục.

B) Cách dàn xếp cũng không tách bạch ra từng hồi, từng cảnh như lối bi kịch Pháp. Vì cách bài trí trên sân khấu rất sơ sài (có khi diễn cả một bản tuồng chỉ dùng một cách bày trí) nên một bản tuồng chỉ chia ra làm hồi, chứ không chia ra làm cảnh. Gần đây các nhà soạn tuồng mới theo phép dàn xếp các bi kịch Pháp mà chia các hồi ra làm nhiều cảnh rõ ràng.

Các thể văn trong lối tuồng.- Trong lối tuồng, dùng ba thể văn:

1) Thế nói lối dùng để viết các câu nói chuyên, kể việc, thể này là thể văn hay dùng đến nhất trong lối tuồng.

2) Các thể văn vần, hoặc của ta như song thất lục bát (tức là hát Nam), hoặc của Tàu như thơ, phú (tức là hát Bắc).

3) Thể văn xuôi dùng để đặt những câu đệm lót thêm vào những câu viết theo hai thể trên cho rõ ý.

Các thể văn vần ta đã biết rồi, nay phải xét về cách thức thể nói lối.

Nói lối.-

A) định nghĩa. Nói lối là những câu nói có cách, có lối, có vần.

B) cách đặt câu.-Những câu nói lối tự 4 chữ đến 8 chữ đặt thành hai vế đi song đôi nhau; hoặc đối, hoặc không đối, cứ chữ cuối vế dưới vần với chữ cuối hoặc một chữ lưng chừng của vế trên câu tiếp theo sau. Về luật bằng trắc thì chữ cuối vế trên phải đối thanh với chữ cuối vế dưới (nghĩa là bằng đối với trắc, trắc đối với bằng): mỗi vế chia làm nhiều đoạn con thì cứ mỗi chữ cuối đoạn phải đổi thanh, nghĩa là nếu chữ cuối đoạn thứ nhất là bằng thì chữ cuối đoạn thứ nhì phải là trắc, v.v. Thí dụ.

Vế trên: Bên tường (b) thông hơi gió (t);

- dưới: Trước mặt (t) nức mùi hương(b)

Vế trên: Hay là (b) tuệ nhãn (t) dao quang (b)

- dưới: Lân mẫu (t) ngu tình (b) sở nguyện (t)

Vế trên: (Âu là ) đầu rút trâm (b), tay cổi xuyến (t)

- dưới: Chân thay dép (t), gót đôổ hài (b)

Vế trên: Bây giờ (b) vui rặng đá (t) đồi cây (b)

- dưới: Chẳng còn tưởng (t) lầu son (b) gác tía (t)

(Sơn hậu)

Lời chú.- Thể “nói lối” không những dùng trong văn tuồng, lại còn dùng để đặt nhiều câu tục ngữ, nhiều bài ca dao và những bài vè (một thể văn vần có 1 tính cách trào phúng để chế giễu một nhân vật hoặc một thói rởm nết hư nào).

Thí dụ:

a) Mấy câu tục ngữ đặt theo thể nói lối:

Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục,

Rắn già rắn lột, người gia người chột.

Ăn cây nào, rào cây ấy.

Biết sự trời mười đời chẳng khó.

Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.

Đi học thầy đánh, đi gánh đau vai, nằm dài nhịn đói.

b) Một bài ca dao đặt theo thể nói lối:

Con công hay múa’

Nó múa làm sao

Nó rụt cổ vào

Nó xoè cánh ra

Nó đỗ ành đa

Nó kêu ríu rít;

Nó đỗ cành mít

Nó kêu vịt chè

Nó đỗ cành tre

Nó kêu bè muống

Nó đỗ dưới ruộng

Nó kêu tầm vông

Con công hay múa.

Một bài vè: Vè đánh bạc (trích lục mấy câu đầu)

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè đánh bạc

Đầu hôm xáo xác,

Bạc tốt như tiên

Đêm khuya không tiền

Bạc như chim cú

Cái đầu sù sụ,

Con mắt trõm lơ,

Hình đi phất phơ,

Như con có đói.

Chân đi cà khói,

Dạo xóm dạo làng

Quần rách lang thang

Lấy tay mà túm.

Các cách điệu trong lối tuồng.- Lói tuồng có nhiều điệu, nhưng tóm lại có thể chia làm hai cach: một là cách nói; hai là cách hát.

A) Cách nói.

- 1) Cách nói có hai điệu:

a) Hường là những câu chính, thét to, đặt theo thể nói lối.

b) Tán là những câu phụ, để đệm xuống dưới những câu hường cho ý được liên tiếp, cắn xát, bởi thế cũng gọi là “hàn”; những câu này nói nhỏ và đặt theo thể văn xuôi, dài ngắn tùy ý.

2)Cách nói dùng vào những câu hỏi sau này:

a) Giáo đầu là câu của trùm phường tuồng nói trước khi diễn trò để chúc tụng và kể đại ý bản tuồng, hoặc của một vai tuồng nói phủ đầu. Thí dụ:

Câu giáo đầu bản tuồng Giang tả cầu hôn:

Âu vàng rực rực,

Đuốc ngọc lầu lầu

Trên chín lần sánh gót Đường Ngu,

Dưới trăm họ vui lòng hoài cát

Gặp ngày khang cát,

Diễn tích người xưa:

Truyện Chu Du khéo đặt mưu mô,

Dùng Quận chúa để làm mồi cá.

Câu lấy Kinh Châu thiên hạ.

Làm cho Lưu Bị cô thân,

Phải Khổng Minh nhập quỉ xuất thần

Cho Triệu Tử cẩm nang diệu kế.

Ở cũng thế mà về cũng thế

Chối không xong mà bắt không xong.

Ngô hầu nổi trận đùng đùng

Đô đốc nát gan vàng đá,

Thế mới là:

Chu lang diệu kế an thiên hạ

Bồi liễu phu nhân hữu chiết binh.

Câu giáo đầu của vai Lương Diệc Thương trong bản tuồng Tân diễn Đệ bát tài tử hoa tiến ký Hoàng Tăng Bý.

Trời nam khai thán vận,

Đất Bắc nhạ tân trào,

Dòng Tiên Long miên duệ trường lưu

HỘi âu á văn minh tiêế bộ.

Cõi Tô châu trú ngụ,

Tôi biểu tự Diệc Thương;

Tự nghiêm quân chấp binh trung đường,

Nương từ khổn độc thư cố lý,

Như tôi, được đợi thuở giao đằng phụng khỉ.

(Nên chí) chưa vầy duyên lữ yến trù oanh.

(Tôi nghĩ lại); nếu chày Lam kiều không gắng sức thư sinh.

Thời động Vu giáp dễ gặp người tiên nữ!

(Phải phải), vào bẩm cùng từ mẫu,

Xin du học viễn phương;

Hoạ may giải cấu là duyên,

Ngõ đặng sắt cầm phỉ nguyện (a)

c) Xưng danh là câu của một vai nói họ tên, chức nghiệp của mình. Thí dụ:

Phù Tề thất tổ tiên khai sáng

Mỗ tính pHàn, biểu hiệu Định công;

Chỉ hiềm hai chữ hiếu trung

Giữ vững một câu nghĩa khí.

(Sơn hậu)

Phụng thánh chỉ bình nhung,

Ngã Địch Thanh nguyên suý,

(Tống Địch Thanh)

c) Câu nói là những câu nói chuyện hoặc kể việc. Thí dụ:

Trại Ba

Nga văn sắc biến,

Hốt thính tâm kinh

Có đâu nên nên nỗi sự tình,

(Ối thôi!) hẳn đã ra lòng chí khí (rồi)

(Phu quân ơi!) tâm khổ hĩ, tâm khổ hĩ,

Lệ nan can, lệ nan can.

(Phu quân nỡ bỏ em mà đi rằng đành),

Nỡ phụ thề bích thủy thanh san

Mà tếch dặm sơn nhai hải giác (cho đành)

(Như phu quân tôi), bạc nên quá bạc,

Chồng hỡi là chồng!

(Em đây dám hỏi): rượu giao hoan mùi đã mặn nồng

Tình phân ngoại cớ sao bạc bẽo?

(Khi nào) phu quân nói cùng em: một ở Đơn, hai ở Đơn, ba bốn cũng ở Đơn.

Dây dưới nguyệt đã đành dan díu,

Chim ven trời đòi đoạn cao bay (là cao bay mần răng cho đành, phu quân ơi)

Ôi thôi! Vô duyên thay chút phận thuyền quyên!

Bất tình bấy cho người quân tử!

(Ai đi), bỏ vợ đó không ừ hữ, mà tôi giận đã hết khôn;

(Như tôi bây giờ), mất chồng đi khó nỗi bôn chôn, mà tôi thương đà quá dại.

Hay là tôi theo chân? Người ta không tưởng tới mình, mình còn theo mà làm chi? Nhưng rứa mà nếu không theo thì mất chồng đi chứ (chẳng không): đó đã đành phụ nghĩa.

Đây há dám vong tình.

Giục vó lừa chỉ dăm non xanh.

Cắp bảo kiếm dò lần dặm tía.

(Tống Địch Thanh)

B) Bài hát.- Cách chia làm điệu hát Nam và điệu hát Bắc.

1) Điệu hát Nam. - Điệu hát Nam là những điệu đặt theo hai thể song thất và lục bát là những thể văn riêng của người Nam ta.

a) Hát Nam - Một bài hát Nam thường có những câu sau này:

Hai câu vỉa đặt theo thể song thất, nhưng câu đầu chỉ có 6 chữ và nhắc lại mấy chữ ở “câu nói” cuối cùng.

Hai hoặc bốn câu Nam đặt theo thể lục bát.

Một đôi khi, giữa những câu vỉa hoặc giữa câu vỉa và câu nam có xen vào những câu tán.

Tiếng nhà nghề gọi câu vỉa là câu sống; câu nam là câu mái và câu tán là câu con.

Điệu hát Nam dùng để đặt những câu văn tức là những câu hát tiếp với câu nói. Thí dụ: sau đoạn “câu nói: của Trại Ba đã dẫn trên, tiếp đến mấy câu “vãn” theo điệu hát Nam này:

Trại ba vãn viết:

(vỉa) Bảo liếm dò lần dặm tía,

Nguyện theho chồng vẹn nghĩa tòng phu

Hữu tình mà hoá vô tình,

Bơ vơ nỗi thiếp, lênh đênh dạ chàng.

(Nam) Cương thường một gánh nặng vai,

Cũng nguyền sông trải non trèo mà thôi.

(Tống Địch Thanh)

b) Hát Nam tẫu mã.- Hát Nam còn có một điệu nữa gọi là điệu Nam tẩu mã. Tẩu mã nghĩa là chạy ngựa; điệu này gọi thế vì giọng hát rất mau. Điệu này cũng đặt theo thể lục bát, lúc hát đệm thêm những tiếng ây ây vào.

Điệu này cũng dùng để đặt những câu tiếp với câu nói khi một vai tuồng chạy hoặc đi đâu nhanh. Thí dụ:

Trịnh Kiểm

Chừ bỗng nghe đấng chúa Nguyễn ngài kiến nghĩa

Sầm Châu, âu ta thử ruổi co ngựa hồ tới đó nên chẳng?

Hát Nam tẩu mã:

Khen ai tỏ nẻo đưa chừng (ây ây)

Cho ta lặn suối (ây ây) phá rừng đến đây (ây ây)

Nguyễn chúa phù Lê hoàng (IV.-N.P.số 117)

3) Điệu hát Bắc.- Điệu hát Bắc hoặc hát khách là những điệu đặt theo thể thơ, thể phú (lối câu song quan người hoặc cách cú) là những thể văn ta mượn của người Tàu.

I. Bạch là những câu của một vai nói khi mới ra trò; những câu này làm theo thể thơ (ngũ ngôn hoặc thất ngôn). Thí dụ.

Võ Tánh bạch viết:

Gia định tam hùng đệ nhất hùng

Trì chùng nan cửu khuất thần long

Nhất chiêu văn vũ thiên biên hiện,

Đặc chí phi đằng đáo cửu không

Hoàng Thái Xuyên

tượng kỳ khí xa, hồi I, đoạn I, cảnh 1

(Imprimerie Tokinoise, Hanoi)

II. Loạn là những câu để bổ ý hoặc thi hành câu nói. Những câu này làm theo thể thơ hoặc thể phú (lối câu cách cú). Thí dụ:

Loạn đặt theo thể thơ:

Nguyễn Chúa viết:

(Chư tướng) ta cùng chư tướng, đại giá thân chinh, do hải đạo kei6m trình, vọng Qui nhân tấn phát (a).

Đồng loạn viết:

Vạn lý bin hxa cấp khải hành

Thử lai chỉ vị cứu cô thành

Tha thần cộng tế gian nan nghiệp

Y cựu thanh cao sáp Ngự bình

(Tượng kỳ khi xa, Hồi II, đoạn I, Cảnh II )

Loạn đặt theo thể phú:

Nguyễn Tấn Huyên viết:

(Dạ)

Đoạn viết:

Ngã võ duy dương, viễn tài cảm trí tam hiệp chí. Vương sư mạc dịch, tiền đồ giao vọng nhất điền khai.

(Tượng kỳ khí xa, Hồi I, Đoạn II, Cảnh II)

III> Xướng hoặc trần tình là những câu kể rõ đầu đuôi việc gì; những câu này làm theo thể phú (cách cú) có xen những câu lót bằng văn xuôi. Thí dụ.

NGUYỄN CHÚA xướng viết:

(Ta từ khi qua Xiêm, Xiêm vương cũng có lòng tử tế, cho hai tướng đưa ta về nước nhưng chẳng may cho ta khi đến Long Hồ lại phải thua cùng giặc, bởi vậy cho nên) binh bại Long HỒ. (lúc bấy giờ quân Xiêm thì chạy về Xiêm) tùng thử Xiêm nhân hoàn diện khứ. (Khi rứa chừ ta cùng tướng quân Nguyễn Văn Thành qua đây là cốt về Phú quốc để mà tìm thăm mẫu thân), địa tầm Phú đảo, (chẳng may đi đến đây lại gặp giặc đó mà), cự kỳ Điệp thạch hãm trùng vi.

(Tượng kỳ khí xa, Hồi I, Đoạn I, Cảnh II. )

Lưu Khánh trần tình viết:

(Số là): La hải cao tài dĩ d9ao5t liễu Tiên gia bảo bối;

Nguyên nhung hữu mệnh, sử hạ thần Đơn quốc cầu binh.

(Tống Địch Thanh)

IV. Than là những câu tỏ tình bi ai sầu thảm đặt theo hte63 thơ (tứ tự hoặc thất ngôn). Thí dụ.

Than đặt theo thể thơ tứ tự:

Võ Tánh than rằng:

(Hiền huynh ôi!) ai là không thác, đạo phải cho tròn.

Thương thay hiền hữu, lòng đỏ như son.

Vì nòi vì giống, vì nước vì non,

Dẫu nghìn năm nữa, bia miệng không mòn.

(Tượng kỳ khí xa, Hồi II, d9ao5n II, Cảnh V)

Than đặt theo thể thơ thất ngôn:

Nguyễn Chúa than rằng:

Mây trắng xa trông luống ngậm ngùi,

Một nhà mẫu tử rẽ đôi nơi

Những mong nghiệp chúa còn đem lại,

Hay cũng cơ trời chỉ thế thôi!

(tượng kỳ khí xa, Hồi I, đoạn II, cảnh II)

V. Ngâm là những bài thơ của một vai làm và đọc để tả tình ý của mình. Thí dụ:

Nguyễn Chúa ngâm viết:

(Ta nghĩ lại từ khi ta sai Võ Tánh ra trấn thành Bình Định cũng đã lâu ngày, sau mà không có tin tức gì đó mà)

Nhạn không tin tức cá không thơ. (Bởi vậy cho nên)

Thổn thức lòng ta luống đợi chờ. (Nhưng rứa mà xem ra lòng người hãy còn tư cựu đó mà).

Bởi chắc lòng người còn nhớ cũ.

Mong cho nghiệp chúa lại như xua.

(tượng kỳ khí xa, Hồi II, đoạn I, Cảnh II)

b) Hát Bắc tẩu mã.- điệu hát Bắc cũng có lối hát tẩu mã đặt theo thể thơ hoặc thế phú (cách cú). Thí dụ:

Hát Bắc tẩu mã theo thể thơ:

(Dương Thiên Hổ giả làm quân mọi, lọt vây mà ra) rồi nói: thấu dịch vi, may đã thoát thân; vọng kinh địa, kíp mau tiến bộ (a):

Hát tẩu mã:

Giang sơn niệm trọng cố thân khinh.

Trường lộ huy tiên khoái mã hành

Bào trạch tam quân ca địch khái

Khẳng dung xú loại tự tung hoành.

(Tân diễn Đệ bát tài tử hoa tiên ký, Hồi thứ nhì)

Hát Bắc tẩu mã theo thể phú:

Trại Ba hát tẩu mã:

Bạc nghĩa vô tình, đông vãng tây chinh hình đắc ảnh.

Địch Thanh hát tẩu mã:

(Công chúa mà cho tôi đi phen này là): Đại ân bất tận địa dung thiên tải cảm hà thâm.

Trại Ba hát tẩu mã:

(Lưu Khánh mày hể mày): Quái nễ thất phu, đoạn ngã nhất sinh ân ái.

Lưu Khánh hát tẩu mã:

(Nguyên soái theo tôi, tối đố bà): Cảm lai a1cp hụ, xung khai vạn l1y trường đồ

(Tống Địch Thanh)

Nói tóm lại, lối tuồng cổ của ta chỉ có cách nói lối và các điệu hát Nam và hát Bắc; gần đây, trong lối “tuồng cải lương: người ta mới thêm vào các lối ca Huế và ca Sài Gòn.

CÁC BÀI ĐỌC THÊM

1. Một bài xẩm nhà trò

Ôm cầm.

(Bên thì trời), chị em ai lận đận bên th2i trời,

Non cao nước chảy ấy ai người tri âm

Lúc đêm thanh ngồi dậy cố ôm câầ

Lòng tơ tơ tưởng ẩm thầm tiếng tơ

Khúc đàn này vẫn khúc ngày xưa

Mà người đoái khúc bây giờ đâu xa?

Nhớ đầu xanh con đương độ mười ba

Cười trắng bóng xế thương hoa thu tàn.

Thế mà cái phận hồng nhan?

(Nguyễn Khắc Hiếu - Khối tình con, quyển thứ hai – nhà in Văn Minh Hải phòng)

2. Một bài xẩm mới

Sông kia nước chảy đôi dòng,

Đèn khêu đôi ngọn, anh trông ngọn nào?

Muốn tắm mát lên ngọn sông Đào,

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.

Đôi tay vịn cả đôi cành,

Quả chín thì hái quả xanh thì đừng

Ba bốn năm nay, anh ăn ở trên rừng,

Chim kêu vượn hót, anh nửa mừng nửa lo.

Sa chân lỡ bước xuống đò.

Gieo mình xuống sập còn lo nỗi gì?

Gặp nhau thiên tải nhất thì.

(Vô Danh)

3. Một bài hề

Con Chim xanh

Con chim xanh, tang tình em ơi, nó lặn, con cá vàng nó rạch, phú lý nọ lên non.

Cô Thúy Kiều, xưa kia còn, má phấn môi son;

Lầu xanh chưa mãn, cô mới ở lại bon sang ở chùa

Cái phận đàn bà, em ơi, nghĩ đến thế mà lo;

Làm thân bây giờ con gái, sao cho phú lý nọ sớm chồng.

Sự trăm năm, ông trời kia, đã kết có dải đồng;

Du duyện dù nợ cái đức tam tùng em cũng phải cho ngoan.

Lấy chồng bây giờ, em mơi, gánh láy mà giang san;

Mẹ cha trông xuống chứ để thế gian có trong vào,

Mặc ai tối mận mai đào.

(Nguyễn Khắc Hiếu – sách kể trên)

4. Một bài điên

Ào ào gió thổi,

Liệng liệng cò bay

Hay hỡi là hay!

Lạ ơi là lạ!

Giữa rừng rừng rụng tử rơi hồng.

Cảm thương con chịm nhạn vợ chồng bắc nam.

Mịt mờ khói tỏa động Lam

Triết vương khuất mặt, cổ am lạnh lùng.

Tơ lý hồng, tơ lý hồng, hồng tơ, hồng tơ lý hồng.

Phương này có sông, sông nhị hà, sông Nhị hà, sóng kêu dồn dã...

Phương này có núi, núi Ba vì, núi Ba vì, khuất ngả lầu tây.

đấy mong chồng, cho đây nhớ vợ.

Mảnh chung tình phân trở đôi nơi.

Đôi nơi chung dưới một trời;

Lúc sầu, lúc oán, lúc giận, cười, ới bỡi lại tươi.

(Nguyễn khắc HIếu – Sách kể trên)

5. Một bài hát đò đưa.

Sông thu ngược gió xuôi thuyền,

(Thuyền thì xuôi) thuyền xuôi gió ngược cho phiền lòng anh.

(Ta trót) đem nhau lên thác xuống ghềnh,

Trăm năm đòi chữ chung tình ta chớ quên.

(Nguyễn Khắc Hiếu - Khối tình con)