Lục bát và biến thể lục bát. - Truyện là tiểu thuyết viết bằng văn vần. Các truyện nôm của ta viết theo hai thể:
I. Lục bát; 2- Biến thể lục bát.
1. Thể lục bát: Lục bát nghĩa đen là sáu tám, vì theo thể này cứ lần lượt đặt một câu sáu chữ, lại đến một câu tám chữ, muốn đặt dài ngắn bao nhiêu cũng được, miễn là phải dừng lại ở cuối câu tám.
Cách hiệp vần trong thể lục bát.- Cứ chữ cuối câu trên phải vần với chữ thứ sau câu dưới và mỗi hai câu mỗi đổi vần, mà bao giờ cũng gieo vần bằng. Theo lệ ấy thì chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu câu tám, rồi chữ cuối câu tám lại vần với chữ cuối câu sáu sau. Thành ra câu tám có hai vần: một yêu vận ở chữ thứ sáu và một cước vận ở chữ thứ tám.
Thí dụ: (yv = yêu vận; cv = cước vận):
Thành tây có cảnh Bích câu,
Cỏ hoa họp lại một bầu (yv) xinh sao (cv)!
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lưu phun lửa hạ, mai chào (yv) gió đông (cv)!
(Bích Câu kỳ ngộ)
Luật bằng trắc trong thể lục bát - Luật bằng trắc của thể lục bát theo thứ tự này:
Câu sáu: b B t T b B
Câu tám: b B t Tb B T B
(chữ bằng (B) hay trắc (T) viết hoa là buộc theo luật bằng trắc; còn chữ viết thường thì không buộc theo đúng luật, theo lệ “nhất, tam, ngũ bất luận” )
Lời chú.- Trong câu tám, tuy chữ thứ sáu và chữ thứ tám đều là tiếng bằng, nhưng không được cùng một thanh, nghĩa là nếu chữ thứ sáu thuộc phù bình thanh thì chữ thứ tám phải thuộc trầm bình thanh, hoặc trái lại thế. Thí dụ: (pht = phù bình thanh; tbt = trầm bình thanh)
Lựu phun lửa hạ mai chào (tbt) gió đông (pbt)
Cỏ lan lới mục, rêu phong (pbt) dấu tiều (tbt)
(Bích Câu kỳ ngộ)
Khi nào câu sáu chia làm hai đoạn dài bằng nhau, thì chữ thứ hai có thể đổi ra trắc được. Thí dụ;
Dù mặt lạ, đã lòng quen
(Bích Câu kỳ ngộ)
II. Biến thể lục bát
Biến thể lục bát.- Biến thể nghĩa là thể văn có biến đổi đi. Thể này tức cũng là thể lục bát, nhưng thỉnh thoảng có xen vào một ít câu mà cách hiệp vần và luật bằng trắc khác thể lục bát nói trên. Thể này thường dùng để viết các truyện có tính cách bình dân như Quan thế âm, Phạm Công Cúc Hoa, Lý Công, v.v...
Sự biến đổi trong cách hiệp vần và luật bằng trắc của lối biến thể lục bát. Nay lấy mấy câu trong truyện lý công làm mẫu:
Câu sáu: Khoan khoan chân bước lên đường.
Câu tám: Thấy chàng họ Lý ngồi đương ăn mày.
Câu sáu: Đầu thời đội nón cỏ may.
Câu tám: Mặt võ mình gầy, cầm sách giờ lâu.
Câu sáu: Dưới đất có bốn rồng chầu.
Câu tám: kiệu vàng, tàn tía trên đầu hào quang.
Câu sáu: thị Hương xem thấy rõ ràng,
Câu tám: Bước tới vội vàng, chào Lý thánh Quan.
Xét tám câu ấy, ta nhận thấy bốn câu in chữ đứng theo đúng phép tắc thể lục bát, còn bốn câu in chữ nghiêng là thuộc về biến thể lục bát.
1. Một điều biến đổi là ở cách hiện vần; chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ tư câu tám, chứ không vần với chữ thứ sáu như trong thể lục bát chính thức.
2. Một điều biến đổi nữa là ở luật bằng trắc:
a) Luật của câu tám: vì chữ yêu vận trong câu tám đổi chỗ, nên luật bằng trắc của câu ấy cũng phải đổi cho hợp. Câu tám trong thể lục bát bắt đầu bằng bằng thì trong lối biến thể lại bắt đầu trắc trắc để cho chữ thứ tư là chữ vần đặt được tiếng bằng. Luật cả câu ấy là:
t T b B t T b B
b) Luật của câu sáu:- Nhiều khi luật của câu sáu cũng thay đổi và bắt đầu trắc trắc theo thứ tự này:
t T b B T B
Thí dụ:
Thuở ấy có vua Bảo vương,
Sinh ra công chúa phi phương lạ lùng (Lý công truyện)
3. Ngâm
Song thất lục bát – Ngâm là một bài văn vần tả những tình cảm ở trong lòng, thứ nhất là những tình buồn, sầu, đau, thương. Các ngâm khúc trong văn ta làm theo thể song thất lục bát, thường gọi tắt là song thất.
Số chữ trong câu của thể song thất.- Song thất lục bát, nghĩa đen là “hai bảy, sáu tám”,. Phép đặt câu trong thể này cứ hai câu bảy chữ, rồi đến một câu sáu chữ, một câu tám chữ. Cứ bốn câu thành một đoạn con, muốn đặt dài ngắn tùy ý, miễn là phải đặt cho trọn từng đoạn. thể này cũng gọi là lục bát gián thất nghĩa là câu sáu, câu tám có xen vào những câu bảy.
Cách hiệp vần trong thể song thất.- Chữ cuối câu 7 trên vần với chữ thứ năm câu bảy dưới, đều là vần trắc. Chữ cuối câu bảy dưới vần với chữ cuối câu sáu, đều là vần bằng. Chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu câu tám mà là vần bằng (theo như thể lục bát). Chữ cuối câu tám lại vần với chữ thứ năm câu bảy trên của đoạn sau mà cũng là vần bằng. thành ra mỗi đoạn bốn câu có bốn vần: một vần trắc và ba vần bằng. Trừ câu sáu không kể, các câu kia mỗi câu đều có hai chữ vần; một yêu vận và một cước vận. Thí dụ: Tám câu đầu trong chinh phụ ngâm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi (cvt)
Khách má hồng nhiều nỗi (yvt) truân chuyên (cvb)
Xanh kia thăm thẳn từng trên (cvb)
Vì ai gây dựng cho nên (yvb) nỗi này (cvb)!
Trống Trường thành lung lay (yvb.1) bóng nguyệt (cvt2).
Khói cam tuyền mờ mịt (yvt.2) thức mây (cvb.3)
Chín tầng gươm báu trao tay °cvb.3)
Nửa đêm truyền hịch định ngày (yvb.e) xuất chinh (cvb.4)
Luật bằng trắc trong thể song thất.- Hai câu sáu tám theo đúng luật của thể lục bát đã nói trên. Đến hai câu bảy thì trừ chữ thứ nhất không kể, muốn đặt tiếng gì cũng được, còn sáu chữ sau chia làm ba đoạn mỗi đoạn hai chữ. Trong câu bảy thì có đoạn đầu trắc trắc; đến câu bảy dưới thì luật trái lại: đoạn đầu bằng bằng. Vậy luật bằng trắc trong thể song thất theo thứ tự này (0=chữ đầu câu bảy gác ra ngoài không kể; những chữ thường (t,b) không cần theo đúng luật, theo lệ “nhất, tam, ngũ bất luận “đã nói trước):
Lời chú. - Nếu hai câu bảy đặt thành hai câu sóng nhau hoặc đối, hoặc không đối thì đoạn đầu câu bảy trên (hai chữ 2,3) theo lệ phải đặt trắc trắc có thể đổi làm bằng bằng được. Thí dụ;
Chàng thì đi cõi xa mưa gió (1)
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn (2)
((1) và (2) đối nhau)
(Chinh Phụ Ngâm)
Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm (1)
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon (2)
(1) và (2) đối nhau
(Cung oán ngâm khúc)
Chàng từ đi vào nơi gió cát (1)
Đêm trăng này, nghỉ mát phương nao? (2)
(1) và (2) không đối.
(Chinh phụ ngâm)
2. Hát nói
Hát nói là một trong các lối hát ả đào hay đào nương ca (1). Hát ả đào gồm những lối ca trù do đào nương (hoặc cô đào) hát, đối với lối hát trai hay Hà nam do giáp công (hoặc kép) hát.
Hát ả đào kể có nhiều lối như dâng hương, giáo trống, gửi thư, thét nhạc, vân vận. Nhưng chỉ có lối hát nói là thông dụng nhất là có văn chương lý thú nhất.
Hát nói có thể coi là một biến thể của hai thể lục bát và song thất.
Đủ khổ, dôi khổ và thiếu khổ.- Mỗi bài hát nói chia làm nhiều đoạn gọi là khổ bài. Mỗi khổ có bốn câu, trừ khổ cuối chỉ có 3 câu.
Theo số khổ, hát nói chia làm ba thể:
1) Đủ khổ là những bài có ba khổ (khổ đầu 4 câu, khổ giữa 4 câu, khổ xếp 3 câu) cộng là 11 câu. Thể này là chính thức.
2) Dôi khổ là những bài có hơn ba khổ (khổ dôi ra là khổ giữa)
3) Thiếu khổ là những bài thiếu một khổ (thường là khổ giữa) chỉ có 7 câu.
Hai thể sau là biến thức.
1. Đủ khổ
Các câu trong bài đủ khổ.- theo tiếng nhà nghề, 11 câu trong bài đủ khổ có tên riêng là:
Khổ đầu: hai câu 1-2 là lá đầu; hai câu 3-4 là xuyên thưa.
Khổ giữa: hai câu 5-6 là thơ; hai câu 7-8 là xuyên mau.
Khổ xếp: câu 9 là dồn; câu 10 là xếp; câu 11 là Keo.
Số chữ trong câu hát nói:- Số chữ không nhất định.
Thường đặt những câu 7,8 chữ; nhưng có khi đặt những câu ngắn hơn chỉ cõ, 5 chữ, hoặc dài tới 12, 13 chữ.
Duy có câu cuối bao giờ cũng đặt 6 chữ và hai câu 5-6 đặt thành hai câu thơ thì phải theo thơ ngũ ngôn (5 chữ) hoặc thất ngôn (7 chữ). Nhưng hai câu 5-6 không đặt theo thể thơ và có số chữ so le cũng được. Thí dụ: (hai câu 5-6 trong bài Rõ mặt tu mi của Nguyễn Công Trứ):
Đố kỵ sá chi con Tạo.
Nợ tang bồng quyết trả cho xong.
Cách gieo vần trong bài hát nói.- Cách gieo vần phải theo các lệ sau này:
1. Trong bài hát nói, dùng cả hai thứ vần; vần bằng và vần trắc. Khi nào trong một câu đang vần bằng đổi sang vần trắc hoặc trái lại thế, thì vừa có yêu vận và cước vận. Những câu ấy là các câu chẵn, trừ câu thứ sáu là câu thơ nên chỉ có cước vận thôi.
2. Trong mỗi khổ, cước vận của câu đầu và câu cuối phải dùng tiếng trắc, cước vận của hai câu giữa phải dùng tiếng bằng. Còn yêu vận của câu thứ hai thì dùng tiếng trắc mà của câu thứ tư thì dùng tiếng bằng để có thể chuyển vần trắc sang vần bằng hoặc vần bằng sang vần trắc được.
3. Yêu vận gieo vào chữ cuối đoạn thứ nhì (về sự chia đoạn, xem rõ Mục sau)
Luật bằng trắc trong bài hát nói.- Đại khái luật bằng trắc các câu trong mỗi khổ bài hát nói là như sau (những chữ thường) không cần theo đúng luật, theo lệ (nhất, tam, ngũ bất luận):
Câu thứ nhất: t T b B t T
- thứ nhì: b B t T b B
- thứ ba: b B t T b B
- thứ tư: t T b B t T
Nên nhận: Câu đầu và câu cuối theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần trắc; hai câu giữa đều theo một luật vì hai câu ấy đều gieo vần bằng.
Lời chú: 1. Khổ xếp chỉ có ba câu thì theo luật của ba câu đầu kể trên
2. Những câu 5-6 và những câu khác trong bài hát nói, nếu đặt thành câu thơ, thì phải theo đúng luật thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
3. Những câu 6 chữ theo đúng luật kể trên. Còn những câu dài hơn 6 chữ thì, đói với việc ứng dụng luật ấy, phải chia làm ba đoạn con, mỗi đoạn 2 chữ, hoặc 3, 4 chữ hay dài hơn nữa. Trong mỗi đoạn, chỉ kể chữ cuối là phải theo luật bằng trắc, những chữ trên gác ra ngoài không kể, muốn đặt tiếng gì cũng được.
4. Những câu 4, 5 chữ chỉ chia làm hai đoạn thì đoạn thiếu là đoạn đầu không kể, còn hai đoạn dưới theo đúng luật. Thí dụ: Câu đầu bài Chơi thuyền Hồ Tây của Nguyễn Khuyến:
Thuyền(b) lan(b) nhẹ(t) nhẹ(t).
Câu đầu bài Cái thú say rượu của Nguyễn Công Trứ (?)
Say (b) chưa?(b) say(0) mới(t) thú(t).
5. Những câu lấy chữ sẵn không theo đúng luật bằng trắc. Thí dụ: Câu thứ hai của khổ xếp trong bài này Mộng sự với chân thân của Cao Bá Quát (?)
Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai.
(Câu này là câu lấy chữ sẳn ở trong bài Tương tiến tửu của Lý Bạch)
Lời chú.- Lệ gieo vần và luật bằng trắc tuy như đã kể trên, những một đôi khi nhà làm văn không theo đúng hẳn cũng được, miễn là câu đặt có thể hát lưu loát thì thôi.
Một bài hát nói đủ khổ làm mẫu: nợ nam nhi của Nguyễn Công Trứ (0=chữ gác ra ngoài luật; b = bằng; t = trắc; yv = yêu vận; cv = cước vận; (hết một đoạn);
II. Dôi khổ
Cách làm bài hát nói dôi khổ.- Trong những bài dôi khổ, khổ đầu, vẫn ở trên, khổ xếp vẫn ở dưới, còn khổ giữa thì làm dôi ra thành hai ba khổ hoặc nhiều hơn nữa tùy ý.
Trong những khổ dôi ra, số câu, số chữ, cách gieo vần và luật bằng trắc cũng theo như các khổ chính. Thí dụ: phong cảnh Hương sơn của Chu Mạnh Trinh (xem phần thứ nhì, bài số 133)
III. Thiếu khổ
Những bài thiếu khổ.- Một đôi khi bài hát nói thiếu hẳn đi một khổ, thường là khổ giữa, chỉ còn lại có 7 câu.
Thí dụ:
Tiễn biệt
Ngán cho nỗi xoay vần thế cục,
Sum họp này chả bỏ lúc phân ly!
Hởi ông tơ! Độc địa làm chi!
Bắt kẻ ở người đi mà nỡ được!
Thôi đã trót cùng nhau nguyện ước,
Duyên đôi ta chẳng trước thì sau,
Yêu nhau nhớ lấy lời nhau!
Cung Thúc Thiêm
IV. Mưỡu
Định nghĩa.- Mưỡu là những câu làm theo thể lục bát đi kèm với bài hát nói, hoặc ở trên (mưỡu đầu), hoặc ở dưới (mưỡu hậu).
Không phải bài hát nói nào cũng có mưỡu; có nhiều bài không có. Lại có bài chỉ có mưỡu đầu hoặc mưỡu hậu; có bài có cả mưỡu đầu và mưỡu hậu.
Mưỡu đầu.- Mưỡu đầu có thể đặt một cặp câu lục bát (Mưỡu đơn) hoặc hai cặp câu lục bát (mưỡu kép).
Những câu mưỡu đầu bao giờ cũng đặt trùm trên bài hát nói. Câu mưỡu cuối không phải hiệp vần với câu đầu bài hát nói. Thí dụ:
Mưỡu đơn: Đồng tiền.
Hôi tanh chẳng thú vị gì.
Thế mà ai cũng kẻ vì, người yêu.
Tạo vật bất thị vô để sử
Bòn chài ra một thứ quấy chơi
Đủ vuông tròn tượng Đất, tượng Trời.
Khẳm họa, phúc, nguy, yên, tử, hoạt.
Chốn kim môn nơi tử thát,
Mặc phao tuồng không kẻ phòng nhàn
Đương om sòm chớp giật, sấm ran,
Nghe xốc xách, lại gió hòa mưa ngọt
Kẻ tài bộ đã vào phương vận đạt,
Không ngươi, cùng ải với cỏ cây.
Người yêm yêm đành một phận trầm mai,
Có gã, lại trổ ra sừng gạc.
Dốc đầy túi, mặt Nguyễn lang ngơ ngác,
Trổng đầu giường, gan tráng sĩ làu bàu.
Để đoàn ấm á càu nhàu,
Khiến lũ tài danh vơ vẫn.
Khả quái tầm thường “a đồ vật”
Khước giao đáo để đại thần linh
Đương đồ ai chẳng chuộng gia huynh.
Thù thế, kể lấy làm đệ nhất.
Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất
Thần cũng thông, huống nữa là ai?
Long đồ nghĩ cũng nực cười.
(Nguyễn Công Trứ.)
Mưỡu kép: Hồ Hoàn Kiếm.
Lênh đênh dưới nước trên trời,
Quanh thuyền trăng gió một vài ông thơ,
Bút nghiên để sẵn bao giờ
Đề câu tuyệt duyệt còn nhờ tay ai?
Thu phong thu nguyệt.
Cảnh Kiếm hồ bao xiết vẻ phong quang.
Soi biết bao lợi tẩu danh trường,
Kìa vân cẩu mảnh gương còn mãi đó.
Nước biếc khôn tìm gương Thái tổ.
Đá xanh hầu mốc chữ Phương đình.
Chẳng quản chi người chí nhục, kẻ chí vinh,
Lấy sơn thủy hữu tình làm khế hữu.
Khi bình hoa, khi đối tửu.
Kho trời chung phong nguyệt của riêng ta:
Chơi đi kẻo nữa mà già.
Hoàng Cảnh Tuân.
Mưỡu hậu.- Mưỡu hậu bao giờ cũng là mưỡu đơn. Mưỡu hậu thường đặt ở câu xếp và câu keo; nhưng cũng có khi đặt ở dưới câu keo, nghĩa là đặt hẳn xuống cuối bài hát nói. Nếu hai câu mưỡu hậu đặt xen vào giữa câu xếp và câu keo, thì câu lục phải ăn vần với câu xếp ở trên mà câu bát phải buông vần xuống cho vần câu keo ở dưới bắt vào. Thí dụ: Cầm kỳ thi tửu của Nguyễn Công Trứ (xem phần thứ nhì, Bài số 102)
Một bài hát nói có thể vừa có mưỡu đầu và mưỡu hậu.
Thí dụ:
Vịnh Tiền Xích bích
Gió trăng chứa một thuyền đầy.
Của kho vô tận biết ngày nào vơi
Ông Tô tử qua chơi xích bích,
Một con thuyền với một túi thơ
Gió hiu hiu mặt nước như tờ,
Trăng chếch chếch đầu non mới ló.
Thuyền một lá xông ngang ghềnh bạch lộ,
Buông chèo hoa len lỏi chốn sơn cương.
Ca rằng:
Quế trạo hề lan tương
Kích không minh minh hề tố lưu quang.
Diễu diểu hề dư hoài
Vọng mĩ nhân hề thiên nhất phương
Người ỷ a réo rắt, khúc cung thương
Tiêng kêu lẫn tiếng ca vang đáy nước
sực nhớ kẻ quay ngọn giáo vịnh câu thơ thuở trước
Nghĩ sự đời nên cảm nỗi phù du.
Đành hay trời đất dành cho
Hai kho phong nguyệt nghìn thu hãy còn.
Còn trời, còn nước, còn non.
(Nguyễn Công Trứ)
Các Tác Phẩm để kê cứu
1) Phan Kế Bính, Việt hán văn khảo
2) Ưu Thiên Bùi Kỷ, quốc văn cụ thể: Tân Việt Nam thư xã Hà Nội.
3) Đông châu, Cổ xuý nguyên âm, cuốn thứ nhì
4) Ôn như Nguyễn văn Ngọc, Đào nương ca tập 1, Hát nói và hát mưỡu. Việt Nam thư xã, Vĩnh Hưng Long thư quán Hà nội.
5) Phạm văn Duyện, Hát ả đào, Q. thứ nhất. Imp. du Trung Bac tan van Ha-noi.
6) Hoàng Tăng Bý, Văn ca trích cẩm 200 bài hát ả đào, Tân dân thư quán Hà Nội.
7) Phạm Quỳnh, Văn chương trong hát ả đào P.N.t XII số 69, tr.171-188.