VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

Dân tộc ta trước khi nội thuộc nước Tàu, có thứ chữ riêng để viết tiếng Nam hay không; đó là một vấn đề, hiện nay vì không có di tích và thiếu tài liệu, không thể giải quyết được. Duy có một điều chắc là khi các bậc học giả trong nước muốn làm thơ văn bằng tiếng Nam, vì không có chữ Việt, phải đặt ra một thứ chữ để viết tiếng: tức là chữ nôm là thứ chữ đã dùng để viết các tác phẩm bằng Việt văn cho đến khi ta biết dùng chữ quốc ngữ. Vậy ta phải xét lịch sử và cách chế các thứ chữ ấy thế nào.

Chữ nôm là gì? Chữ nôm là thứ chữ hoặc dùng nguyên hình chữ nho, hoặc lấy hai ba chữ nho ghép lại, để viết tiếng Nam.

Chữ nôm có tự bao giờ?

A) Chữ nôm đặt ra tự bao giờ và do ai đặt ra, đó là một vấn đề chưa thể giải quyết được. Nhiều người thấy sử chép: Hàn Thuyên là người bắt đầu biết làm thơ phú bằng quốc âm, vội cho rằng chữ nôm cũng đặt ra từ đời ông, nghĩa là vào cuối thế kỷ thứ XIII về đời nhà Trần. Đó là một sự sai lầm, vì Sử chỉ ghi việc ông làm thơ phú bằng tiếng nôm, chứ không hề nói ông đã đặt ra chữ nôm, hoặc chữ nôm đã đặt ra về đời ông. Đành rằng muốn viết văn nôn, tất phải dùng đến chữ nôm; những biết đâu chữ ấy lại chả có từ trước đời Hàn Thuyên rồi ư? Ta chỉ có thể vịn vào việc ấy mà nói rằng chữ nôm đến cuối thế kỷ XIII đã dùng để viết văn nôm rồi.

B) Hiện nay, về gốc tích chữ nôm, chỉ có hai điều sau này là xác thực:

1) Theo Sử chép, cuối thế kỷ thứ VIII (794) Phùng Hưng là người nước ta nổi lên đánh quan Đô hộ Tàu thua và giữ việc cai trị trong ít lâu; sau ông được dân trong nước tôn là “Bố cái đại vương. Hai chữ Bố cái là tiếng Nam thuần tuý, nếu đã đem hai tiếng ấy mà đặt danh hiệu cho một vị chúa tể trong nước, thì có lẽ phải có chữ để viết hai tiếng ấy, mà chữ ấy tất là chữ nôm; vậy có lẽ chữ nôm đã có từ cuối thế kỷ thứ VIII rồi.

2) Người ta đã tìm thấy ở Hộ thành sơn thuộc tỉnh Ninh bình một tấm bia đề năm 1343 (Trần Dụ Tôn, Thiệu phong thứ 3) trên có khắc hai mươi tên làng bằng chữ nôm: đó là cái tự tích chắc chắn về chữ nôm còn truyền lại đến giờ.

Cách chế tác chữ nôm.-

A) Tiếng Nam ta gồm có:

1. Những tiếng gốc ở chữ nho mà cách đọc:

a) hoặc giống hẳn chữ nho. Thí dụ: dân, tỉnh.

b) hoặc hơi khác âm chữ nho một chút. Thí dụ: côi (do chữ cô) cuộc (do chữ cục)

2. Những tiếng có lẽ cũng gốc ở chữ nho, nhưng âm đã sai lạc nhiều, chỉ còn nghĩa là đúng. Thí dụ: nhà (với gia) ghế (kỷ)

3. Những tiếng không phải gốc ở chữ nho, nhưng âm hoặc giống hẳn hoặc na ná với âm một chữ nho. Thí dụ: một (chỉ số) đồng âm với chữ một (có nghĩa là mất); là, âm na ná với chữ la.

4. Những tiếng không phải gốc ở chữ nho mà cũng không đồng âm với chữ nho nào. Thí dụ: đến, nói, trời.

Những tiếng thuộc về hạng thứ nhất bao giờ trong chữ nôm, cũng dùng một chữ nho để viết; những tiếng thuộc hạng thứ nhì và thứ ba thường cũng dùng một chữ nho; còn những tiếng thuộc hạng thứ tư phải dùng hai hoặc ba chữ nho mà ghép lại.

B) Vậy sự viết chữ nôm có thể chia làm ba cách như sau:

1. Dùng nguyên hình chữ nho để viết:

a) Những tiếng gốc ở chữ nho, âm và nghĩa không đổi.

Thí dụ: tài; mệnh.

b) Những tiếng gốc ở chữ nho, âm hơi sai nhưng nghĩa không đổi. thí dụ (cô) = côi, (cục)= cuộc.

c) Những tiếng có lẽ cũng gốc ở chữ nho, nhưng âm khác nhiều, chỉ có nghĩa là giống. Thí dụ (kỷ) = ghế, quyển = cuốn.

d) Những tiếng khác hẳn âm nhưng đồng âm với chữ nho ấy. Thí dụ: một, qua.

e) Những tiếng khác hẳn âm những cùng nghĩa với chữ nho ấy. Thí dụ (vị) = mùi, (dịch)= việc.

2. Ghép hai chữ nho thành một dấu hiệu riêng.

a) Thông lệ - Xét các chữ nôm đặt theo cách này thì cái thông lệ là mỗi chữ có hai phần: một phần chỉ ý và một phần chỉ âm.

Thí dụ:

Chữ đến gồm có chữ (nghĩa là đến) là phần chỉ ý và chữ (đọc là điển) là phần chỉ âm;

Chữ năm gồm có chữ (đọc là nam) là phần chỉ âm và chữ (nghĩa là năm) là phần chỉ ý;

Chữ trăm gồm có chữ (nghĩa là trăm) là phần chỉ ý và chữ (nghĩa là lâm) là phần chỉ âm.

Còn cái địa vị của hai phần ấy thì không nhất định: khi thì phần chỉ ý ở bên trái (thí dụ thứ nhất); khi thì phần ấy ở bên phải (thí dụ thứ hai): khi thì phần áy ở trên (thí dụ thứ ba).

Lời chú. Phần chỉ ý có khi là những chữ thường (như trong mấy thí dụ trên), có khi những chữ bộ trong tự điển Tàu. Khi dùng chữ bộ ấy, thì chữ ấy đặt ở bên trái hoặc ở trên. Thí dụ: chữ nói có bộ khẩu (nghĩa là miệng) chỉ ý vã chữ nội (đọc là nội) chỉ âm.

Các bộ hay dùng đến là:

[nhân ] (người )

[khẩu] (miệng)

[thổ] (đất)

[thủ] (tay)

[thủy] (nước)

mộc (cây)

[thảo] (cỏ)

[nhục] (thịt)

[trúc] (tre

[mịch] (tơ)

b) Biệt lệ - Trái với thông lệ, có khi hai phần của một chữ nôm đều chỉ ý cả. thí dụ: chữ trời có hai phần là chữ [thiên] (nghĩa là trời) và chữ [thượng] (nghĩa là trên), đều chỉ ý cả.

3. Ghép một chữ nho (chỉ ý) với một chữ nôm (chỉ âm). Thí dụ: chữ nhời hoặc lời do chữ nôm [khẩu] là chữ nhỏ nghĩa là miệng (chỉ ý) và chữ [trời] là chữ chữ nôm đọc là trời (chỉ âm) ghép lại mà thành.

Khuyết điểm của chữ nôm. – Xem cách viết chữ nôm đã kể trên này thì thứ chữ ấy không phải là không có phép tắc. Những chữ nôm chưa thành được một thứ văn tự hoàn toàn vì còn mấy khuyết điểm sau này:

1/ Có khi một chữ nho mà dùng để viết hai tiếng khác nhau một tiếng cả âm và nghĩa giống chữ nho, một tiếng chỉ có nghĩa giống chữ nho. Thí dụ chữ (bản)

a) có khi đọc là vốn, như trong câu: Vốn dòng họ Hoạn danh gia (Truyện Kiều)

b) Có khi đọc là bản, như trong câu: Bản sư rôồ cũng đến sau (Truyện Kiều)

2/ Có khi cùng một tiếng mà có hai cách viết khác nhau.

Thí dụ: tiếng đến có thể viết:

a) gồm hai phần: [chí] nghĩa là đến] chỉ ý và [điển] chỉ âm.

b) gồm hai phần: [chí] (nghĩa là đến chỉ ý và chữ [đán] chỉ âm.

3/ Có nhiều chữ nho không viết nguyên hình mà viết tắt.

Thí dụ: chữ cối [âm khác là hội) viết tắt để ghép với bộ mộc thành chữ cội.

4/ Các nguyên âm và phụ âm trong tiếng Nam nhiều hơn chữ nho, thành ra chữ nho thiếu chữ để phiên âm nhiều tiếng cho thật đúng, phải dùng những chữ có âm na ná thôi. Như trong chữ Nho không có hai phụ âm G và R cùng những nguyên âm kép AU, EO, EN, ON, v.v.

5/ Số thanh trong tiếng Nam nhiều hơn số thanh của chữ nho, nên khó tìm được chữ phiên âm đúng thanh tiếng Nam. Nhiều khi, muốn cho người đọc biết rằng một chữ phải đọc khác thanh với chữ nho, có người thêm ở góc tay phải chữ ấy các dấu nháy (<) hoặc ở góc trên tay trái chữ [khẩu] nhỏ.

Vì các khuyết điểm ấy, nên muốn đọc một bài văn viết bằng chữ nôm, nhiều khi phải xem cả toàn thiên hoặc cả câu mà đoán; tuy vậy, cũng có khi không được chắc chắn lắm.

Kết luận: Sở dĩ chữ nôm còn nhiều khuyết điểm và chưa có chuẩn đích, là vì xưa kia chữ ấy không được triều đình công nhân, nên không được sửa đổi cho thành hẳn quy củ nhất định, mỗi người mỗi ý, không được nhất trí. Vì khiến có người am hiểu thanh âm nhân đó mà sửa đổi quy định các thể thức phân mình, rồi ra một cuốn tự vị ai nấy theo đó mà viết mà đọc, thì thứ chữ có thể soạn ra thứ văn tự hoàn toàn không khác gì chữ Hòa văn của Nhật bản cũng là mượn các bộ phận của chữ nho mà đặt ra.

CÁC TÁC PHẨM KÊ CỨU

1) G Cordier, Les trois écritures utilisées en Annam: chữ nho, chữ nôm et quốc ngữ, Conférence faite à l’ École coloniale à Paris le 28 mars 1925, in Bul. De la Soc. D’Enseignement mutuel du Tonkin, t.XV Nos 1 pp: 113-122.

2) Nguyễn Văn Tố, Langue et littérature annamites, Notes criliques I, est du B.E.F.E.O. t.XXX. Nos 1-2 pp 144-145 (4-5) 6-12.

3) Dương Quảng Hàn, Le chữ nôm ou écriture démotique, Son Importance dans l’étude de l’ancienne litérature annamite, in Bulletin général de l’Instruction publique, mars 1942, partie générale, pp 277-280