VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU

CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI

Như chương dẫn đầu đã nói, trước đời Hàn Thuyên, quốc văn ở nước ta chỉ có tục ngữ ca dao, nghĩa là loại văn bình dân truyền khẩu. Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên ông có thể coi là ông tổ văn nôm, loại văn bác học có theo qui tắc cũ nhất định. Vậy ta phải xét về việc ộng đã khởi xướng lên và các nhà đã mô phỏng ông mà làm các tác phẩm bằng tiếng Nam.

Hàn Thuyên

A) Tiểu truyên.- Ông vốn họ Nguyễn, người huyện Thanh lâm (nay là Phủ Nam sách, tỉnh Hải dương) đậu thái học sinh về đời vua Trần Thái Tôn (1225-1257)

Theo lời Sử chép (Cm.9,7 tr.26a), ông đương làm hình bộ thương thư, có con ngạc ngư (cá sấu) đến sông Phú lương (tức sông Nhị Hà) Vua sai ông làm bài văn vất xuống sông. Cá sấu tự đi. Vua cho việc ấy giống việc Hàn Dũ bên tàu (1) nên cho ông đổi họ Hàn.

Về bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu này, sử không chép rõ là viết theo thể văn nào và làm bằng Hán văn hay Việt văn; vậy ta cũng không nên vội cho – như ý kiến thông thường rằng bài ấy là một bài văn tế và viết bằng tiếng nôm. Chỉ khi nào tìm thấy nguyên bài văn ấy mới giải quyết được vấn đề ấy, mà hiện nay thì bài ấy không thấy chép ở sách nào cả.

B) Hàn luật.- Nhân việc đuổi cá sấu kể trên, Sử chép thêm rằng: Hàn Thuyên có tài làm thơ phú quốc ngữ; người đời ấy nhiều người bắt chước. Đời sau, thơ quốc âm gọi là Hàn luật là vì thế.

Ta phải nhận rằng Hàn luật không phải do ông sáng tác ra; đó chỉ là Đường luật (luật thơ phú của nhà Đường bên Tàu, sẽ nói rõ ở chương sau) mà ông đã biết ứng dụng vào việc làm thơ phú quốc âm thôi. Tuy vậy công ông không phải là nhỏ. Vì có ông biết theo Đường luật làm thơ phú nôm thì về sau mới có người bắt chước mà nền văn nôm ở nước ta mới thành lập từ đấy.

C) Tác phẩm—Theo sách H.ch (mục Văn tịch chí) q.34 thì ông có làm Phi sa tập (phi sa: phân cát ra; do câu Phi sa giản kim, bới cát chọn vàng) trong có nhiều bài thơ bằng quốc âm; tiếc rằng tập ấy nay đã mất.

Các nhà mô phỏng Hàn Thuyên - Việc ông làm gây thành một cái phong trào; đời bấy giờ chắc có nhiều người theo gương ông mà làm thơ văn bằng quốc âm, tiếc rằng sử sách không ghi chép tường tận. Hiện nay, chỉ còn truyền lại mấy nhà sau này:

1/ Nguyễn sĩ Cố. – Theo sử chép (Cm., q 8 tr.44a), ông có tài làm thơ quốc âm và khéo khôi hài, người đương thời ví ông với Đông Phương Sóc (2).

2/ Chu An (+1370)(3) – Theo Hch. (q.43) thì ông có làm Quốc ngữ thi tập.

--

(1) ông làm nội thị học sĩ đời vùa Trần Thánh tôn (1258-1278) và thiên chương học sĩ đời vua Trần Anh tôn (1293-1313) coi việc giảng Ngũ kinh.

(2) Đông Phương Sóc: người nhà Hán bên Tàu, khéo khôi hài, hoạt kê. Làm quan đời Hán Vũ Đế, thường đem tài trào phúng chữa lỗi cho vua.

(3) Chu An: Một bậc danh nho đời Nhà Trần, hiệu Tiều Ẩn người xã Quang liệt, huyện Thanh đàm (nay là xã Thanh liệt, huyện Thanh tri, Hà động). Đời vưa Trần Minh tôn (1314-1340) ông làm Quốc tử giám tu nghiệp và coi việc giảng kinh cho Thái tử; ông bèn soạn sách Tứ thứ thuyết ước. Đến đời Dụ tôn (1341-1368), ông dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần (Thất trảm sớ) vua không nghe,

--

C) Hồ Qui Ly là người tiếm ngôi nhà Trần làm vua năm 1400 cũng hay làm thơ nôm. Theo sử chép (Cm.q.11tr.3b), năm 1387 đời Trần Đế Nghiên, Thượng hoàng (tức là Nghệ Tôn) cho Quý Ly một thanh gươm trên có đề: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức. Ông làm thơ quốc ngữ để tạ ơn.

Đến năm 1437, vua Lê Thái tôn muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ. Nguyễn Trãi thu thập lục ra, được mấy chục thiên thơ văn quốc ngữ dâng lên ngài xem (Tth,. Q.11.tr.38a). Xem thế thì biết họ Hồ từng làm nhiều thơ văn bằng quốc âm.

Kết luận,- Hàn Thuyên bắt đầu làm thơ phú quốc âm, thực đã mở đường cho các nhà viết văn nôm của nước ta sau này. Tiếc rằng tác phẩm của ông cùng mấy nhà kể trên đều không truyền lại đến nay nữa, nên ta không được biết văn nôm buổi phôi thai thế nào.

Các tác phẩm để kê cứu.

1. R.A. Nos 49,53.

2. Chap.bibl,. 26,28.

3. Sources. Nos 32,20.