Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, người Hà Nội lại bâng khuâng, náo nức trước nhịp quay của thời gian, sự chuyển vần, giao hòa của trời đất. Thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người đều hướng về chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm. Đó là hồ Hoàn Kiếm, hay thường gọi là Hồ Gươm.
Sự phân định của thiên nhiên, địa lý cho miền Bắc cái rét về mùa đông với những cánh đào thắm; cái nắng nồng cho phương Nam mai vàng khoe sắc. Cũng nhờ thiên tạo mà giao thừa ở Hà Nội, đặc biệt là ở Hồ Gươm mang một sắc thái, phong vị rất riêng, không giống bất cứ nơi đâu.
Đêm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa thật thiêng liêng, nhuốm màu tâm linh, lễ hội với mọi người dân thủ đô. Người Hà Nội đi đón giao thừa, chơi giao thừa đồng nghĩa với đến Hồ Gươm.
Những ngày trước Tết, Hồ Gươm đã được trang hoàng lộng lẫy. Các hàng cây ven hồ được khoác tấm áo muôn sắc bởi các sắc đèn tỏa sáng. Khi tấm voan sương mùa đông bắt đầu buông bóng, cả không gian Hồ Gươm hiện lên rực rỡ, lung linh, huyền ảo đến ngỡ ngàng. Tháp Rùa lộng lẫy mà tao nhã, bồng bềnh như trong mơ, xa xa về hướng bắc rực rỡ mà trang nghiêm hiện lên một quầng ánh sáng, là đảo Ngọc Sơn với đình Trấn Ba và đền Ngọc Sơn. Vắt như dải lụa cong, như vành trăng khuyết, như chiếc lược mềm chải vào mái tóc - nước hồ, là dáng đỏ đến thổn thức, lay động của cầu Thê Húc... Cả một không gian huyền ảo như mơ mà thực, mà náo nức vẫy gọi người Hà Nội đến với giao thừa Hồ Gươm.
Cái giá rét của mùa đông không làm vợi đi lòng người đến với Hồ Gươm vào thời khắc trời đất giao hòa, trái lại như một chút men say khiến lòng người thêm rộn rã, lâng lâng... Sau bữa cơm Tất niên chiều tối 30, sau mọi lo toan của công việc làm ăn trong năm với những tất bật mua sắm ngày giáp Tết, người Hà Nội thảnh thơi, ung dung đi đón giao thừa, chơi giao thừa. Cái rét xứ Bắc mang theo cả mùa xuân ẩm ướt vào dịp chớm xuân, khiến thời khắc của đêm giao thừa Hồ Gươm mỗi năm mỗi khác: Năm thì khô ráo, se se lạnh; năm vừa mưa phùn vừa rét đậm đến cắt da cắt thịt...