UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA

Docsach24.com

ưu Mặc Lâm vì biết Trương Đình Ngọc có bệnh, giờ Thìn sáng ngày hôm sau mới tới tư dinh Trương Đình Ngọc. Suốt dọc đường ngồi kiệu, Lưu vén rèm che nhìn ra ngoài, trên phố mọi người bàn tán xôn xao tin Sử Di Trực thẳng tay vạch tội Niên Canh Nghiêu, có người nói: "Sử đại nhân đã trói Niên giải tới Ngọ môn, giờ Ngọ ba khắc (12 giờ 45) chém đầu ở Ngọ môn!". Có người nói: "Niên Canh Nghiêu đại tướng đích thân làm đao phủ chém người!"

Lưu Mặc Lâm cười nghĩ rằng, chém đầu ở Ngọ môn có từ đời tiền Minh, tới triều Thanh đã phế bỏ tục lệ này. Chỉ trong vụ bạo loạn của Ngô Tam Quế, hoàng đế Khang Hy trong buổi lễ duyệt binh tại Ngũ Phong lầu, đã chém con trai trưởng của Ngô Tam Quế là Ngô Ứng Hùng ở trước Ngọ môn để thị uy, quyết tâm thảo phạt nghịch tặc. Sử Di Trực phạm tội nhỏ nhoi, đâu xứng với nghi thức tế lễ to lớn đó? Mải suy nghĩ, kiệu đã tới nơi mà không hay. Lưu cúi người xuống kiệu, đưa danh thiếp cho quan gác cổng dinh Trương Đình Ngọc, quan gác cổng cười, nói:

- Tướng công dậy từ canh bốn, canh năm vào triều, thói quen này đã thành quy tắc vài chục năm nay rồi, việc của quý đại nhân, tối qua tướng công có dặn lại, mời đại nhân tới Thượng thư phòng.

Lưu Mặc Lâm thầm ca ngợi Trương Đình Ngọc vất vả cố gắng hoàn thành phận sự, chẳng trách được Ung Chính quý trọng, liền lệnh phu kiệu tới cửa Tây Hoa, đi qua Ngọ môn, xem Sử Di Trực. Ngày thường Lưu và Sử gặp nhau chỉ gật đầu qua quít, Sử Di Trực gặp nạn, tình cảm nhỏ bé đó sống dậy trong trái tim Lưu.

Kiệu Lưu Mặc Lâm đến Ngọ môn, dừng trước bia đá có dòng chữ "quan văn xuống kiệu, quan võ xuống ngựa", Lưu bỗng nhiên trù trừ do dự, trước mắt bản thân phải chịu sự điều tiết của Niên Canh Nghiêu, đặc cách tới thăm Sử Di Trực, liệu có đúng không?

Lưu đứng từ xa ngắm nhìn, quả thực Sử Di Trực đã bỏ mũ đội đầu xuống đất, quỳ trước Ngọ môn, cạnh đó có thị vệ đứng gác, thời khắc lúc này là trung tuần tháng Năm, hạn hán đã lâu trời không mưa, khoảng sân rộng ở Ngọ môn được lát loại gạch to Lâm Thanh, khí từ đất bốc lên mù mịt, theo gió cuốn mãi lên cao, bầu trời trong xanh không một gợn mây, mặt trời ngạo nghễ chiếu ánh nắng gay gắt xuống, mặt đất bốc hơi nóng hầm hập. Sắc mặt Sử Di Trực không hề biểu lộ tình cảm, chân quỳ, lưng thẳng, đầu ngẩng lên nhìn bầu trời xanh, Lưu Mặc Lâm bỗng thấy mủi lòng thương cảm. Đang lúc ngẩn ngơ, thì thấy Hình Niên dẫn vài tên thái giám, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lê chân bước tới trước mặt Sử Di Trực, nói:

- Có chỉ!

- Thần là Sử Di Trực!

- Hoàng thượng hỏi ngươi. - Hình Niên lắp bắp nói - Ngươi công kích thẳng thừng Niên Canh Nghiêu, là có hay không có âm mưu gì khác?

- Không có!

- Thế tại sao vừa rồi Tôn Gia Kiềm nói cũng giống như ngươi, liều chết để bảo vệ ngươi?

Sử Di Trực thực sự bị bất ngờ, ngoài sự suy nghĩ của mình, đầu hơi động đậy, nói:

- Tối qua Tôn Gia Kiềm mới về tới Kinh, thần tối qua mới được tiếp kiến hoàng thượng. Sau khi Tôn tới Bắc Kinh, thần chưa hề gặp, ngày thường, thần và Tôn không tiếp xúc với nhau, chính kiến của hai người có nhiều điểm không hợp nhau. Tôn bảo vệ thần ư, thần không hiểu và cũng không biết vì lẽ gì mà Tôn lại bảo vệ thần.

Hình Niên chỉ là người truyền chỉ, chứ nào có quyền phản bác, nghe xong chỉ gật đầu. Sử Di Trực lại nói:

- Hoàng thượng nói rằng, "trẫm rất thương khanh". Hoàng thượng còn truyền chỉ, chỉ cần ngươi tạ tội với Niên Canh Nghiêu, thì sẽ được tha tội.

Sử Di Trực vừa chỉ tay lên trời, vừa nói:

- Những hành vi bạo ngược của Niên Canh Nghiêu đã làm trời xanh nổi giận, dân tình ai oán. Nếu như thần tạ tội, đối với hoàng thượng sẽ là nịnh thần, còn đối với Niên thần sẽ là trợ thủ cái á hoàng thượng sao có thể tha cho thần được? Giết Niên Canh Nghiêu thì trời sẽ mưa!

Tinh thần khảng khái bất khuất của Sử, đã khiến các thị vệ cứ ngây người ra. Lưu Mặc Lâm cũng bất giác run run, mặt tái đi.

Hình Niên nói:

- Hoàng thượng nói: Khanh và Niên Canh Nghiêu đỗ tiến sĩ cùng một năm, lại được Niên cất nhắc chọn vào Đông cung.

Hình Niên truyền tiếp:

- Ngươi phải hiểu rằng, công lao của Niên Canh Nghiêu lớn lắm, trẫm cũng hiểu rằng, hết chim rồi thì phải cất cung. Trẫm khuyên Sử nên nhượng bộ. Quân thần hiểu nhau, ý đồ của khanh đã như vậy, chẳng lẽ trẫm không hỏi lại?

Hình Niên là thái giám Đại nội có tư cách nhất, đã từng tận mắt chứng kiến năm trước trung thần Quách Tú phê phán rồng rắn một lũ Diêu Đế Ngu, Đường Lại Thành đã có khuyết điểm phủi sạch khí thế đang lên của Nam Sơn. Tất cả các chi tiết về việc đó lần lượt hiện ra trước mắt Hình Niên, các loại chuyện tương tự như trên đối với Hình đâu phải là mới mẻ. Tính cách của Khang Hy rộng lượng, nhân từ, Ung Chính thì thâm trầm mưu lược, hai vị quân vương này không giống nhau, Sử Di Trực mạo phạm Ung Chính mà không hề sợ hãi, Hình Niên lo cho Sử Di Trực toát cả mồ hôi. Lưu Mặc Lâm nghe hết những lời chân thật đau lòng như róc xương xé thịt này, đồng thời mường tượng nét mặt Ung Chính khi xử phạt Sử Di Trực, bất giác ớn lạnh sống lưng. Sử Di Trực nói:

- Thần không biết việc Niên tiến cử, hôm nay mới được biết, thật là xấu hổ. Thần đỗ tiến sĩ, là do bảược chứ nhờ cậy ai, còn việc Niên tiến cử thần với dụng ý gì thì chưa rõ, song việc dùng thần là do hoàng thượng kia mà. Thần cho rằng hoàng thượng nên cân nhắc đúng sai, chứ không nên suy diễn áp tội cho thần!

Nói xong liên tục khấu đầu. Hình Niên lau nước mắt nói:

- Ngươi không chịu nhận tội, hoàng thượng lệnh cho ta truyền dụ. Ngươi là kẻ tiểu nhân, phải phơi nắng ở đây. Nắng thiêu chết ngươi, thì trời sẽ mưa!

Sử Di Trực thấy Hình Niên quay người chuẩn bị đi, bèn túm chặt vạt áo sau, kéo lại, nói:

- Đồ chó thiến già, về bẩm lại hoàng thượng, ta không phải là kẻ tiểu nhân!

Lời nói của Ung Chính như một nhát dao đâm sâu vào lòng tự trọng của Sử, khiến Sử vô cùng tức giận, mặt tái đi, nước mắt trào ra. Hình Niên cười, nói:

- Ta chỉ là người truyền chỉ, đồng thời việc này không liên quan gì tới ta. Ta thực sự khâm phục khí phách của quý đại nhân.

Nói xong, quay về Đại nội.

Ngẩn ngơ một lúc lâu sau, Lưu Mặc Lâm mới nhớ tới việc cần phải gặp Trương Đình Ngọc, sau đó gặp Niên Canh Nghiêu. Không trù trừ do dự nữa, vội vàng bước theo Hình Niên, qua cửa Tả Dịch vào cung. Hình Niên vào điện Dưỡng Tâm, Lưu Mặc Lâm tới Thượng thư phòng. Trương Đình Ngọc và Dương Minh Thời đang nói chuyện, Lý Phất ngồi bên cạnh đang phe phẩy quạt, dường như đang chờ tiếp kiến. Thấy Lưu Mặc Lâm bước vào, Ngọc chỉ gật đầu chào,

- Vốn dĩ dự định tiếp kiến ngươi đầu tiên, ấy thế mà đã tiếp được vài người rồi, ngươi mới đến. Chuyện trò với Minh Thời xong, ta cùng ngươi tới chỗ Niên Canh Nghiêu... Minh Thời, ngươi nói tiếp đi.

- Ở Vân Nam, Quý Châu, người Mèo và người Dao sống chung với nhau, không giống như ở nội địa. - Dương Minh Thời uống một ngụm trà đá, ung dung nói: - ở nội địa quan phủ nói là xong, còn ở nơi đó thổ ty mới nói được dân chúng. Hiện nay tướng quân Thái Đĩnh không qua hỏi dân chính. Trước đây Vương Di Chính với chính sách mềm dẻo, khó khăn lắm mới chỉ thuận được về lý. Nay hoàng thượng muốn cải thổ quy lưu 1, không phải là bỉ chức không chịu khó làm, đã làm điểm một vài địa phương, thú thực không quản nổi công việc của dân tộc Mèo và Dao. Trung đường thử mường tượng, từng bản làng đều ẩn mình trên núi cao, rừng sâu, có bản ở cao ngựa cũng không leo lên được, có bản hoang sơ chưa được khai hóa, ngôn ngữ lại bất đồng. Chế độ thổ ty đã có hàng ngàn năm nay, đời nọ truyền lại đời kia, nay bỗng chốc hủy bỏ, tránh sao khỏi oán giận. Mỗi nơi đều có chính quyền riêng, nếu tạo phản thì một bản trại tạo phản, một làng núi tạo phản, điều quân đến trấn áp, họ chui vào rừng rậm, hang sâu, quân lính rút đi, họ lại về chốn cũ. Có huyện đã được xác lập bao năm nay vẫn chưa có huyện lệnh, nha môn đều bị đổ sụp, có huyện chỉ có một người địa phương thay chính phủ giải quyết công việc, đó cũng chỉ là việc triệu tập hội nghị thổ ty, tuyên bố lệnh của chính phủ, trở về địa phương mình họ làm thế nào thì làm. Tướng công muốn thiết lập chính phủ ở đó thì phải điều động quan lại tới đó. Nơi đó rừng thiêng nước độc, mười người đi thì chín người không trở về, đa số họ từ quan chứ không đi. c này thực sự khó giải quyết, triều đình cũng nên tha thứ. Bỉ chức cho rằng, nên giữ nguyên hiện trạng, những việc tế nhị cần nhẹ nhàng mới giải quyết được.

Trương Đình Ngọc chau mày, trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu sau mới nói:

- Tước bỏ đặc quyền đặc lợi của thổ ty, trăm họ muôn dân nên lột áo mũ chúng mới phải chứ, chính phủ sẽ không thu thuế tạp dịch nữa, hoàng thượng có trái tim nhân từ lắm lắm!

Dương Minh Thời nghe xong, cười:

- Điều bỉ chức muốn nói là không làm được, chứ không phải không nên làm. Vùng Vân - Quý thuộc diện cao nguyên có lợi thế về cây chè, ấy thế mà vẫn nghèo đói triền miên. Có rất nhiều địa phương còn hiện tượng đốt nương tra tỉa rất thô sơ, việc đầu tiên bỉ chức làm là dạy họ cách làm ruộng, ăn mặc đầy đủ mới hiểu thế nào là vinh là nhục, bước đầu đã có người đọc "Tam tự kinh". Tiếp theo là việc trồng dâu nuôi tằm, dưỡng dục nhân tài tôn Khổng tôn Mạnh, khai hóa văn minh từ từ thiết lập chính phủ, thế mới đúng là "đập xong nước về". Dùng biện pháp cứng, bức bách quá họ tạo phản, mọi việc lại trở lại như cũ.

Ung Chính muốn "cải thổ qui lưu" được thực hiện, lúc đầu Trương Đình Ngọc cũng tán thành phương pháp này, nay nghe Minh Thời kể lại, đâm ra trù trừ do dự. Lúc lâu sau, Ngọc cười:

- Trâu không chịu uống nước, thì cứ ấn đầu xuống. Hoàng thượng còn muốn "cho trâu uống thuốc" nữa cơ, đáng tiếc trâu lại không hiểu thế sự? Lý Vệ gửi sổ sách về, hiện đang thí điểm chế độ ăn chung làm chung ở Giang Nam, nói ngươi không đồng ý?

- Bỉ chức và Lý Vệ chơi thân với nhau - Dương Minh Thời nói: - Song cái mà Lý đề xuất là không được, nó chỉ phù hợp với sự nôn nóng của hoàng thượng là làm sao bổ sung đầy đủ ngân khố chính phủ mà thôi. Chính vì thế mà bỉ chức chủ ý tham quan Lý Vệ tiến hành như thế nào. Xem ra ý kiến khó hợp nhau. Tài sản quy công, đối với những quan thanh liêm cuộc sống khó khăn, còn đối với bọn tham ô, luôn tìm cách đục khoét chiếm đoạt, tạo ra "danh mục" nọ "danh mục" kia, làm sao mà tra tìm nổi thủ đoạn của chúng. Hiện nay dùng "Sử trị" để trị thiên hạ, kết cục thế nào, tướng công rõ hơn bỉ chức. Mùa thu năm ngoái, bỉ chức bắt tri phủ Đại Lý Tang Thành Văn, vừa lột áo mũ xong, dân chúng lại đưa áo mũ cho Văn, vây quanh bảo vệ. Tang mỗ tham ô quỹ đen hơn một vạn lạng bạc, đây chỉ là số liệu qua kiểm tra tìm ra chứng cứ, chứ thực chất tham ô còn lớn hơn nhiều. Tại sao dân chúng lại bảo vệ Văn? Bỉ chức cảm thấy nghi ngờ, dò hỏi mãi mới rõ. Dân chúng nói rằng, năm nay họ vừa nộp tài sản vào công quỹ xong, đại nhân bắt ông ta, chúng tôi sẽ trắng tay, đã sung công rồi lấy lại sao được! Bắt rồi lại cử ông tri huyện khác đến, dân lành lại phải sung công một lần nữa. Ví như chó sói, chúng ta vừa cho một con ăn no xong, đại nhân lại phái một con chó sói đói khác đến! Trong lòng bỉ chức vô cùng tức giận, bèn về tỉnh xin lệnh bài Vương Mệnh Kỳ chém đầu Tang mỗ. Cử một quan khác đến, ông này sẽ không dám làm chó sói nữa! Cho nên dùng "Sử trị" để bổ sung ngân khố, bị hại sẽ là "sử", chứ không phải là "trị". Phương pháp của Lý Vệ vừa được tiến hành, tiếp theo đó sẽ đẻ ra muôn hình vạn trạng thứ kỳ quái về phương thức chiếm đoạt, kẻ bị hại lại vẫn là trăm họ. Giả thử tỉnh Giang Nam thí điểm thành công, các tỉnh khác đua nhau làm theo, hậu quả sẽ khôn lường!

Trương Đình Ngọc nghe xong, bất giác lo âu, những lời Minh Thời nói, Đình Ngọc hoàn toàn tin là thực, khốn nỗi Ung Chính đã mấy lần giục ông báo cáo kết quả, song sự việc trên đi, tốt xấu biến hóa liên tục, bản thân ông không thể nắm bắt được, tài sản sung công, cải thổ qui lưu, tiền riêng ruộng chung, thu tiền nạp lương.v.v... đều là chính sách lớn Ung Chính đã đặt ra và quyết tâm thực hiện, một số đại thần thân tín được cử đi khắp nơi để làm thí điểm, tất cả đều đứt gánh giữa đường. Có thể nói rằng từ ngày Ung Chính đăng quang đến nay, chính sách cải cách chính trị chưa thực hiện được, nó chỉ như một làn gió thoảng qua làm lay động cỏ cây mà thôi. Chớp thời cơ Doãn Tự liền hô gió gọi mưa, đẩy sóng lên cao, triệu tập hội nghị "Bát vương đội mũ sắt" phế truất Ung Chính, bản thân mình là tể tướng, biết làm thế nào đây? Như Dương Minh Thời, Lý Phất là vài trong những người thân tín được chính bàn tay Ung Chính cất nhắc, tập trung bàn bạc kỹ càng, thế mà bọn họ vẫn không tán đồng chính sách chính trị mới của Ung Chính đề ra, xem ra việc này thực sự khiến mọi người phải lo lắng. Trương Đình Ngọc vừa hỏi một câu:

- Theo ý Minh Thời, nên làm như thế nào?

Dương Minh Thời chưa kịp trả lời, thì thấy Tôn Gia Kiềm vênh mặt đi tới, liền nói:

- Gia Kiềm, về rồi à? Ngươi không nên đối đầu với hoàng thượng, không nên đến đó, nỗi khổ của hoàng thượng thế nào ta hiểu. Cứ đề xuất nữa đi, nhẹ nhàng thôi, được không?

Tôn Gia Kiềm nói:

- Bỉ chức tới đó chỉ là bảo bệ Sử Di Trực, chứ không đối đầu với hoàng thượng đâu. Đêm qua hoàng thượng ngủ không ngon giấc, tính tình nóng nẩy, vừa nghe bỉ chức tấu trình, vừa đi đi lại lại, xem ra có vấn đề gì đó khiến hoàng thượng phải do dự. Lát sau hoàng thượng gọi bỉ chức lại để nghe bỉ chức tự xử lý. Kính xin trung đườngử lý! - Nói xong cúi người cung kính chào.

Trương Đình Ngọc thở dài:

- Ngốc ạ! Hoàng thượng không xử lý ngươi, ta xử lý ngươi cái gì? Miệng quan mà, ngươi là ngự sử, nói năng còn thoải mái hơn cả ta.

Ngọc đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, nói:

- Ta muốn thông báo cho chư vị biết một câu: "Chính sách chính trị mới sửa đổi của Ung Chính" là chiến lược thâu tóm toàn cục của hoàng thượng. Là thần dân, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ, thực hiện bằng được chiến lược này, quyết không được gân cản trở. Nhân lúc quốc gia đang thịnh, không nhanh chóng chỉnh đốn "Sử trị", thì họa sẽ tới nhãn tiền! Theo ta biết, tầm nhìn của Ung Chính chắc như "gỗ đã vào mộng", nếu nôn nóng, đại sự sẽ không thành. Có nhiều người ngăn cản, nhiều lắm.

- Phương pháp trị nước của Thánh tổ cũng có sai lầm - Dương Minh Thời thuận mồm nói luôn: - Những năm cuối đời, có một số phương pháp của Khang Hy phải hủy bỏ, tệ nạn tham ô, bớt xén công quỹ không được ngăn chặn kịp thời. Vừa rồi trung đường có hỏi, giờ bỉ chức xin nói. Bắt giam tất cả bọn tham ô, bất luận thân, sơ, gần, xa; phú quý, thấp hèn, cao thấp, nhất nhất theo luật xử phạt bố cáo thiên hạ. Qua việc làm này sẽ chặn được nạn tham ô. Thời tiên đế đã ngự chế được ba mươi sáu điều, cáo thị khắp nơi, các quan được học tập trước, sau giảng giải cho dân, trung hiếu lễ nghĩa, đã tạo ra một thế hệ quan thanh liêm, từ mốc đó phát triển mãi lên, chứ không biến tướng như hiện nay là tranh công, chỉ biết cái lợi trước mắt, bỏ cái lợi lâu dài.

Trương Đình Ngọc xen vào một c

- Từ "biến tướng" là ta nói, hoàng thượng chưa bao giờ nói hai chữ "biến tướng". Chúng ta chỉ nói chuyện riêng với nhau thôi.

- Kỳ thực cũng định nói, đây chính là "biến pháp" - Dương Minh Thời ngang nhiên nói - chỉ là một danh từ, bản thân nó quan trọng gì? Tống Thần Tông - anh chúa; Vương An Thạch - anh tài. Biến pháp - biện pháp thay đổi như thế nào? Thay đổi thành loạn Tĩnh Khang 2 chắc.

Lý Phất là môn sinh của Trương Đình Ngọc, chỉ ngồi nghe không dám nói leo, lúc này cảm thấy không nên ngồi im, lễ phép nói:

- Dương huynh, câu đầu tiên trong Lã thị Xuân Thu - Sát Kim có viết: "Thượng hồ bất pháp tiên vương chi pháp? Phi bất hiền dã, Vi kỳ bất khả đắc nhi pháp!"> 3. Tình hình hiện nay khác xa thời kỳ Khang Hy, tham ô đã thành lệ, cải tổ chính trị rất là khó khăn. Nhưng mà, thưa thầy, trò cũng thấy sốt ruột lắm. Chính sách thì nhiều như vậy. nào là nhập điền, nhập tài sản qui công. Dân, quan cùng chui rọ, triều chính thì ý kiến bất đồng, cái sẩy nảy cái ung, loạn nổi lên đến nơi rồi! Giống như Văn Kính đấy thôi, bắt sạch các quan đứng đầu nha phủ tỉnh thành đem ra xử lý. Chỉ dựa vào một người, có ba đầu sáu tay, liệu có làm nổi không?

Lưu Mặc Lâm là "phái biến pháp" từ trước đến nay luôn tìm thời cơ để tranh luận với Dương Minh Thời, nghĩ tới hai chữ "ngăn cản", thì Lưu mới hiểu được ý nghĩa thực của Bàn về đảng bạn mà Ung Chính đã viết, đồng thời liên tưởng tới sứ mệnh mới của mình, mới thấy mình hiểu còn mù mờ lắm. Tiếp đến, Lý Phất lại nói về Niên Canh Nghiêu. Lưu cũng đang định nói, sau nghĩ thế nào lại thôi. Âm thanh của một tiếng sấm kéo dài lê thê, giống như cối xay lúa chạy không, ầm ì từ xa vọng lại Thượng thư phòng. Tiếp theo lại một tiếng nữa, âm thanh không cao, nhưng lại kéo dài hơn cả tiếng sấm trước, hình như ông trời cũng mệt quá rồi, mới phát ra tiếng than não nề lòng người. Tiếng sấm đã làm cho tất cả những người trong Thượng thư phòng phải ngơ ngác.

- Trời sắp mưa rồi!

Trương Đình Ngọc mừng quá nhảy cẫng lên, chỉ vài bước nhảy đã ra khỏi phòng, nhìn trời, mặt trời trên đỉnh đầu vẫn chiếu ánh nắng gay gắt xuống mặt đất. Ngôi nhà Thượng thư phòng cửa mở về hướng đông, phía đông nắng vẫn gay gắt, nhìn sang phía tây, những đám mây đen kịt mang hơi nước nằng nặng từ phía tây từ từ rút ngắn khoảng cách giữa mặt trời và đám mây, đám mây dường như chuẩn bị phong tỏa cả một bầu trời trong xanh. Tia chớp như đường kim tuyến ngoằn ngoèo rắn lượn xuyên qua đám mây. Vẳng nghe có tiếng gió thổi, ngọn cây va vào nhau nghe xào xạc, làn gió mang hơi nước mát cuốn tung cát bụi bay lên không trung, xông vào cung điện, xông vào mọi ngóc ngách trong thành. Trương Đình Ngọc cảm thấy toàn thân mát mẻ, vừa nói xong câu:

- Lời Phương Bao linh nghiệm thật, thật là siêu phàm! - Thì nghe thấy một tiếng sấm to trời rung đất lở mặt đất như rung lên. Đầu tiên là những giọt mưa to như đồng tiền xu rơi ào xuống, ngừng một lát, liền nghe thấy tiếng mưa từ phía tây sang phía đông ào ào như sóng dậy mỗi lúc một gần, trong phút chốc toàn bộ cung điện nguy nga của Tử Cấm Thành, Long lầu, Phượng các chìm trong màn mưa. Nửa bầu trời phía đông vốn trong xanh không một gợn mây, nay cũng bị các đám mây đen kịt cuồn cuộn như sóng biển che phủ, sấm chớp liên hồi, có lúc chiếu sáng trắng xuống sân điện, có lúc như ẩn náu trong các tầng mây vần vũ, mưa như tấm màn che bao phủ lấy Tử Cấm Thành trăm năm tuổi. Trương Đình Ngọc như người bị thôi miên đứng dưới trời mưa, cứ để cho các hạt mưa luồn lách vào toàn thân ướt đẫm, mắt nhắm lại đầu ngẩng lên trời, dường như đang tận hưởng hương vị ngọt ngào của bầu trời ban tặng, và cũng giống như đang cầu khấn cái gì đó. Lý Phất thấy Ngọc đứng lâu ngoài trời, liền đội mưa chạy tới, nói:

- Tấm lòng của tướng công, ông trời đã ghi nhận rồi. Đứng dưới trời mưa lâu dễ bị cảm lạnh, mời ân sư về phòng... còn bao nhiêu việc cần ân sư giải quyết.

Trương Đình Ngọc khoan khoái hít thở không khí trong lành, Lý Phất dìu Ngọc vào Thượng thư phòng, vừa thay quần áo, vừa nói:

- Cơn mưa này trị được rất nhiều người, là hồng phúc của hoàng thượng! Ta cần gặp ngay chúa thượng! Các ngươi chờ ta ở đây, ta về sẽ...

Nói xong, mặc áo mưa vắt chân lên cổ đi thẳng, ra đến cửa, nhìn thấy sấm chớp nhằng nhịt trên không, vẫy tay gọi một viên quan thuộc phòng lưu trữ, ra lệnh:

- Ngươi lập tức tới bộ Hộ, điều động từ quan thượng thư trở xuống đi kiểm tra kho lương. Tới bộ Binh kiểm tra kho vũ khí, nơi nào dột thì cho lợp lại ngay. Không để mốc một hạt gạo, rỉ một binh khí. Cho người sang thông báo cho tri phủ Thuận Thiên, cần chú ý tới đê sông Vĩnh Định, ngoài ra còn cần kiểm tra ngôi nhà dân gian kinh sư tường đất mái tranh, phòng chống đổ tường đè chết người!

Nói xong, không chờ viên quan trả lời, đi luôn ra cửa Nguyệt Hoa, thẳng tới điện Dưỡng Tâm.

Ung Chính đang đứng trước cửa điện Dưỡng trầm trầm ngâm suy nghĩ. Thiên tính của Ung Chính là thích lạnh sợ nóng, mặc áo bào mỏng màu cánh gián, bên ngoài chỉ khoác một cái áo màu xanh rêu, không đội mũ, chân đi giày cao cổ bằng vải xanh điểm xuyến đen, đã bị ướt sũng bởi gió quẩn hất nước từ mái giọt gianh bắn vào, vẫn đứng im không hề động đậy, mắt chăm chú quan sát bầu trời. Phương Bao đứng sau Ung Chính, tay vuốt râu ra chiều suy nghĩ, liếc mắt nhìn thấy Trương Đình Ngọc đội mưa tới, liền lên tiếng:

- Đại tướng đến rồi.

- Ồ? ồ! - Ung Chính gật đầu, quay người vào điện, lệnh đặt đôn sứ hoa rồng ở cửa điện, vén vạt áo bào ngồi xuống, nói:

- Đại tướng không cần hành lễ. Đã gặp người rồi?

- Bàn vẫn chưa xong!

Cuối cùng thì Trương Đình Ngọc vẫn hành lễ theo kiểu quen thuộc, cúi người khoát tay một vòng chào, rồi đứng dậy nói:

- Trời cho trận mưa quý giá, dám chắc trong lòng hoàng thượng rất vui, nô tài tới đây để xin thay cho Sử Di Trực.

Ung Chính ngạc nhiên hỏi:

- Sử Di Trực vẫn còn có tội. Sử loạn ngôn Niên Canh Nghiêu là gian thần, không chém Niên mỗ thì trời không mưa. Nay trời mưa rồi, Sử mắc tội nói năng xằng bậy. Vì việc thiện bắt hoặc thả, chỉ thiện không thôi chưa đủ làm an lòng công thần.

Trương Đình Ngọc cứ tưởng lần nàyy nói là xong, Sử Di Trực sẽ được thả, nào ngờ Ung Chính lại nói như thế nên không biết nói sao, liếc mắt nhìn Phương Bao, lát lâu sau nói:

- Vạn tuế anh minh. Song đạo trời vô thường, Sử Di Trực chỉ vì ước đoán mà có tội, nói thẳng bên cạnh vạn tuế có tiểu nhân, e rằng là chính xác. Hôm nay vạn tuế trừng phạt Sử Di Trực quỳ cả ngày trước Ngọ môn, dưới ánh nắng gay gắt như vậy, Sử liệu có thể quỳ được bao lâu nữa? Để cứu vớt các trung thần, trời xanh đã ban tặng một cơn mưa ngọt ngào chăng?

Phương Bao ngồi ở bên cạnh, nhếch mép cười, nói:

- Hoành Thần, vạn tuế biết hết cả rồi. Song tâm tư của người khác cũng cần phải chiếu cố đến chứ. Lần này Sử Di Trực vạch tội Niên Canh Nghiêu, Tôn Gia Kiềm lại ra sức bảo vệ Trực, sự việc liệu giấu nổi ai? Tôi vừa rồi có nói với Vạn tuế, gọi cơn mưa này là "mưa của phủ Chiêm sự", song căn cứ vào tình hình thực tế của triều đình hiện nay, chẳng qua chỉ cứu được mạng của Sử Di Trực mà thôi, số còn lại kể sao hết được. Cứ để đấy đã, vội gì nào? Mưa, chịu thêm một lúc không nổi sao?

Nghe xong những lời nói mập mờ của Phương Bao, tuy không nói toạc ra, cũng đủ biết trong lòng Ung Chính đang rối bời như thế nào, Ung Chính chưa chịu nói ra. Vua tôi ba người ngồi im lặng, cả sáu con mắt đổ dồn ra ngoài nhìn trận mưa to như trút nước.

- Đình Ngọc, bọn Dương Minh Thời báo cáo những gì? - Ung Chính ôm gối, nhìn ra chớp sáng ngoài sân hỏi.

- Lý Phất là môn sinh của thần, báo cáo không nhiều, thần thấy Lý Phất tán đồng báo cáo miệng của Dương Minh Thời. Dường như họ đều có cảm giác triều đình quá nôn nóng muốn thành công ngay, nên bước đi không vững chắc.

Nói xong, Ngọc liền kể lại tỉ mỉ những gì Dương Minh Thời đã nói cho Ung Chính nghe. Ung Chính rất chăm chú nghe từ đầu tới cuối câu chuyện, song không nói gì, đến khi Ngọc trần thuật xong, mới đứng dậy đi lại vài bước rồi quay sang nói với Phương Bao:

- Linh Cao tiên sinh, Thái Đĩnh là người rất có thành kiến với Dương Minh Thời, trong mật tấu có nói Dương "hành vi phẩm chất rất tốt, dân chúng mỏi mong trở lại"; Lý Phất, trẫm rất hiểu người này một cắc cũng không ham, còn Tôn Gia Kiềm cũng là người trung thực thẳng thắn. Nhưng xem ra, chính lệnh của trẫm, tất cả họ đều không nhất trí! Thật là đáng buồn... hiểu người thật khó, muốn người hiểu mình lại càng khó hơn! Họ dường như tách trẫm và Thánh tổ riêng ra để nói, để so sánh thời kỳ đầu của Ung Chính với thời kỳ đầu của Khang Hy, làm thế nào để họ hiểu được lòng của trẫm, hiểu được cái khó của trẫm?

Ung Chính thật sự xúc động, hai hàng lông mày như chụm vào nhau, đôi mắt rực sáng nhìn ra bên ngoài, như muốn chiếu xuyên qua màn mưa trắng xóa, mãi sau, bất lực thở dài. Phương Bao, Trương Đình Ngọc nghe xong không biết trả lời thế nào. Tâm tư của Ung Chính như thế nào, họ hiểu rất rõ, nhưng không thể giải thích nổi. Không thể nói chính sách của Khang Hy những năm cuối đời có sơ suất, đồng thời cũng không thể chê một số chính sách của Ung Chính không phù hợp. Muốn chỉnh đốn "Sử trị", cải cách chính trị, phải nói tới tính kế thừa, phát huy thành quả của tổ tông để lại! Dưới bầu trời này, không có vị quan nào là không tham ô, Ung Chính cho kiểm tra, đâu đâu cũng bưng bít kín mít, thế mà vẫn phải dựa vào họ để thực hiện chính sách cải cách mới. Làm hoàng đế thật khó, làm tể tướng nào có dễ gì. Lúc này điện Dưỡng Tâm lặng lẽ như tờ, chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi như thác đổ và tiếng sấm rền vang từ xa vọng lại, đột nhiên một sét cực lớn như một quả cầu lửa xuyên qua đám mây đen uỳnh, oàng phóng xuống đất, không hiểu sét đánh vào chỗ nào trong cung, mặt đất rung chuyển? Đang lúc sợ hãi, thì nghe thấy tiếng kêu ré lên, một quan thái giám vừa bò vừa lăn vào trong điện, mặt xám ngoét như người chết, quì trước cửa điện lắp bắp:

- Vạn.. vạn tuế... sét... sét...

Mặt Ung Chính tái mét, dằn giọng quát:

- Trời sập rồi à!

- Điện Thái Hòa.. sét đánh trúng, đang bốc cháy!

Phương Bao, Trương Đình Ngọc đang ngồi, kinh ngạc bật cả dậy, cùng Ung Chính bước ra khỏi điện Dưỡng Tâm, căng mắt nhìn về hướng đông nam, không thấy lửa cháy, từng đám mây đen kịt sũng nước bay sà xuống thấp, gió thổi vù vù phân biệt không rõ đâu là khói, đâu là mây mù, thỉnh thoảng vọng lại tiếng gào thét, nghe không rõ đang kêu gì. Cao Vô Dung người ướt như chuột lột chạy tới báo tin:

- Lửa chưa kịp cháy đã bị nước mưa dập tắt, chúa thượng an tâm...

- Ngươi tới Ngọ môn truyền chỉ cho Sử Di Trực - Tiếng nói của Ung Chính trong tiếng mưa rơi bình tĩnh đến lạ thường - kinh sư hạn hán lâu ngày không mưa, vì cái đức của khanh mà trẫm tha cho, nếu như quả thật trời giáng tai ương, trách nhiệm thuộc về trẫm. Sử Di Trực dùng sự biến thiên của trời đất để gán tội cho công thần - ám chỉ Niên mỗ - học thuật tinh thông, bản chất nghiêm nghị, niệm tình mắc tội lần đầu, lại không có lòng phản nghịch, nay cách chức, không cho nghị sự, miễn giao bộ Lễ... Ngươi đi đi, cứ thế mà truyền chỉ!

Trương Đình Ngọc chỉ vì muốn cứu Sử Di Trực nên mới tới đây, nay nghe truyền chỉ, bất giác thở phào nhẹ nhõm. Song trong lời chiếu chỉ này có hàm ý người ra chiếu chỉ cũng liên đới có tội, Ngọc định nói nhưng không tiện, lúc lâu sau cười, nói:

- Hoàng thượng tự trách mình hơi quá một tí. Nói là hạn hán, chứ đâu phải tai ương. Nếu nói về trách nhiệm, tể tướng là trợ lý giúp vua giải quyết công việc triều chính, trách nhiệm thuộc về thần...

- Tấm lòng của khanh trẫm hiểu, hà tất phải nói - Ung Chính từ từ quay người - họ hiện đang chờ ở Thượng thư phòng, khanh còn phải làm việc, đi đi - Trương Đình Ngọc vội đáp lời, đang chuẩn bị lui ra, Ung Chính gọi lại - Dương Minh Thời, Lý Phất đều là người tốt, ý kiến bất đồng, nên cố gắng giảng giải cho họ hiểu. Khanh phải có chính kiến của mình, khuyên họ một lòng một dạ với trẫm. Bảo cho họ biết, trẫm là "nhân quân" chứ không phải "bạo quân". Về sau này, từ từ họ sẽ hiểu. Biện pháp của họ nếu như thí điểm làm tốt một tỉnh hay một khu vực, thì ta cũng không nên ngăn cản, cho phép họ tự giải quyết, chứ đừng học tập Sử Di Trực. Sử Di Trực rất không hiểu sự đời!

Đưa mắt tiễn Trương Đình Ngọc ra khỏi điện Dưỡng Tâm, sắc mặt Ung Chính hình như hơi mệt, lập cập đi tới lò sưởi đông ngồi xuống, qua cửa sổ kính pha lê nhìn ra ngoài trời mưa suy tư. Phương Bao đi tới, đứng ở bên cạnh một lúc lâu rồi lên tiếng:

- Cơn mưa này tốt quá!

Ung Chính gật đầu, nói:

- chưa biết chừng sẽ đến, trẫm đang chờ Niên mỗ sẽ nói vài lời về Sử Di Trực, có thể hôm nay sẽ tới đây cũng nên. - Mắt Ung Chính sáng lên, bỗng chốc tối sầm lại.

- Hoàng thượng, nhìn kìa! - Phương Bao chỉ tay lên bức tường phía bắc trên có dán một bức tranh thư bút, lát sau mới nói: - Mấy chữ đó là do tiên đế viết dành riêng cho hoàng thượng, giới cấp dụng nhẫn 4. Theo suy nghĩ của thần, hoàng thượng phải dùng chữ "nhẫn nại" suốt đời.

Ung Chính ngắm nhìn dòng chữ, nhìn Phương Bao, im lặng. Phương Bao cười, nói:

- Lý Vệ, Điền Văn Kính, Lý Phất, Dương Minh Thời, mỗi người có một cách làm riêng, hiện tại chắc phải như vậy thôi, nôn nóng quá cũng không có tác dụng gì. Bát da và Niên Canh Nghịêu như hai hòn đá chắn đường, chúa thượng lại muốn cải cách chính trị, nên nhẫn nại một tí, di chuyển từng hòn đá một, dùng để xây kênh mương dẫn nước, nước chảy dòng thông.

Hai tay Ung Chính ôm đầu gối, mắt nhìn chằm chằm vào bức thư họa, mãi sau mới lên tiếng:

- Trẫm lại nhớ tới người anh em thân thiết Quách Mục Hữu, dường như hai chúng ta đã có duyên tình từ trước. Từ ngày lên ngôi, có bao nhiêu người của Bát da được thăng chức? Chú ấy vẫn có cái tật ấy! Trẫm thấy Long Khoa Đa dựa vào Liêm thân vương, trẫm luôn phải làm một dì ghẻ cay nghiệt khi nói chuyện với họ, song không bao giờ hạ độc thủ! Dẫu họ có nhìn trẫm với con mắt "ngoài thì mạnh mẽ, bên trong yếu mềm"! Niên Canh Nghiêu vừa rời Bắc Kinh, trẫm lập tức triệu Doãn Tự tới Thượng thư phòng, xem ai là người mạnh mẽ?

- Niên Canh Nghiêu dám? - Phương Bao vuốt bộ râu vểnh, lạnh lùng nói. Khẩu khí của Phương thâm trầm, hòa vào tiếng sấm, tiếng sét từ xa vọng lại, hòa quyện vào nhau, nghe rõ đến lại thường, Ung Chính bất giác rùng mình, mặt bỗng tái đi. Không biết bao lâu sau, Ung Chính mới nói:

- Vẫn chưa tới lúc? - Niên Canh Nghiêu hồi ở Phan dinh là người gác cổng cho trẫm, trẫm hiểu Niên mỗ, bề ngoài khiêm tốn, bên trong thì kiêu ngạo, coi mọi người dưới tầm con mắt, cuồng vọng lớn, nhưng nói tới mưu nghịch tạo phản, Niên vẫn chưa có cái ý định ấy, mà cũng không đủ sức. Lần này về Kinh lại được đón tiếp long trọng, nhận được nhiều ân sủng...

Phương Bao cười:

- Xin tha thứ cho thần nói thẳng, cái mà hoàng thượng biết được ở Nghiêu chỉ là vỏ ngoài mà thôi. Theo thần, tính cách của Niên Canh Nghiêu bó gọn ở hai chữ... hồ nghi... hồ li 5 qua sông đóng băng, đi được vài bước dừng lại lắng tai nghe động tĩnh dưới lớp băng, đâu dám phá băng mở thành sông, chỉ vài bước chân đã tót sang bờ bên kia sông rồi!

Sắc mặt Ung Chính ngày càng tái đi, bỗng nhớ lại năm đó... Khang Hy hai lần phế truất thái tử, Niên mỗ đã từng vào kinh thành do thám gia quyến các a-ca, dựa vào Doãn Tự dò xét nội tình, may mà có Ô Tư Đạo phòng bị nghiêm ngặt, cảnh cáo Niên mỗ "chớ đùa với lửa", hắn mới miễn cưỡng dừng tay không quay mũi giáo vào lưng chủ. Nghĩ tới đây Ung Chính không tự chủ được nữa, im lặng một lúc lâu, rồi nói tiếp:

- Nếu xảy ra thật như vậy, không hiểu sẽ đối phó với Niên như thế nào? Liệu việ có xảy ra không? Nhạc Chung Kỳ đang ở Thanh Hải, Nhạc nghe theo Niên không? Còn lương thực, tiền bạc? Nếu như, ngày nay giang sơn đã quy về một mối, tên tướng này chắc nổi tiếng lắm nhỉ?

- Niên Canh Nghiêu đã tính sai nước cờ, đáng lẽ không nên tranh công với Nhạc Chung Kỳ. Hai người vốn thân thiết nhau, bản thân Niên đã tự chia rẽ.

Trong con mắt Phương Bao ánh lên nét gian giảo.

- Bên này, bệ hạ rung trà Bát da, bên kia Niên sẽ nhảy, thế là "hữu danh" rồi. Bộ hạ của Bát da hiện tại đều là: đốc, phủ, đề, trấn, có chức có quyền ở tất cả các tỉnh. Bệ hạ muốn "cách tân sử trị", trước tiên hãy "cách tân" một số người này trước đi, họ sao lại không hận bệ hạ? Con cáo tinh ranh Niên Canh Nghiêu đã qua sông rồi, lương thực tiền bạc đối với Niên mỗ chẳng là cái gì cả. Thần nói thêm một lần nữa, nỗi lo của Niên Canh Nghiêu về sau này chỉ còn là Nhạc Chung Kỳ! Niên mỗ một đảng, Long mỗ cũng là một đảng, còn Bát da hà tất phải nói. Hiện tại Long Khoa Đa không dám thực sự ra tay, không phải là sợ Mã Tề, Tất Lực Tháp, kỳ thực họ đang theo dõi từng bước đi của Niên mỗ!

Một là: vạn tuế uy nghiêm bẩm sinh, lại có Thập tam da trung thành phò tá; hai là: đã mở rộng được thanh thế trong đợt úy lạo ba quân vừa rồi, nếu không có hai cái đó thì đại loạn lâu rồi. Vạn tuế! Bao nhiêu là cáo, chuột đang ngồi chễm chệ trên cao, bệ hạ phải phòng hộ giữ mình, ngày đêm cảnh giác, thử hỏi thực hiện làm sao nổi chính sách mới, ruộng đất, thuế má và một số chế độ khác được?

Một tia chớp lóe lên, trong ngoài điện phút chốc sáng lóa mắt, tiếp theo là một tiếng sấm lớn như bổ củi giáng xuống, âm thanh kéo dài lê thê, nhỏ dần, nhỏ dần

- Tiên sinh vì trẫm mà lo tính kế sách vất vả. Tiên sinh cùng ở với Kháp thân vương, tiện cho việc chăm sóc sức khỏe - Mặt Ung Chính nhìn vào lò sưởi tối, lưng quay ra cửa sổ, nên không rõ sắc mặt Ung Chính lúc này ra sao. Ung Chính nhấn mạnh từng chữ một, nói:

- Mật tấu từ miền tây chuyển tới, tiên sinh xem trước đi, dù là nửa đêm, gà gáy, bất kể lúc nào gặp trẫm cũng được.

Cơn mưa đổ nước suốt đêm, tới rạng sáng chỉ còn mưa nhỏ li ti, tạo thành lớp sương mù trùm lên thành phố Bắc Kinh, đường phố ngập đầy trong nước.

--------------------------------

1

2

3

4

5

Tức là thiết lập chính phủ chính quy, thay thế chính trị thổ ty (tác giả).

Niên hiệu của vua Khâm Tông thời Tống (1126 - 1127)

Nếu như hoàng thượng chưa có phép trị nước, thì sử dụng phép trị nước của Tiên đế, nếu không, có tôi hiền thì phép đó cũng không thực hiện được (Người dịch).

Đề phòng sự nóng vội, dùng sự nhẫn nại.

Cách nói chơi chữ từ đồng âm. Hồ li là con cáo.