Múa bút trước thềm
Tay đưa liền
Nhất Trích Tiên
Sứ nước Phiên
Hoảng nhiên bái phục
Cởi giày, mài mực
Ấm ức hôm xưa
Giờ đây hết bực
“Thanh bình điệu" những du dương
Hãy xem một chữ nghìn vàng xứng chưa?
Thơ thần, rượu thánh say sưa
Màng chi phú quý, rượu thừa, quan sai.
Theo điệu "Điểm giáng thần"
Nay không nói chuyện Dương Quý Phi được Đường Minh Hoàng triệu vào cung, càng ngày càng được chiều chuộng hơn, mà hãy nói chuyện các châu quận bốn phương, nghe biết Quý Phi đắc sủng, thiên tử ngày càng xa hoa, đều tìm cách đón nịnh ý trời, kiếm đủ thức để dâng nạp. Thôi thì linh cầm dị thú vật lạ của hiếm, thức ngon, đặc sản từng vùng núi cao, biển rộng đủ điều. Huyền Tông hoan hỷ mười phần.
Bỗng lần kia có một Phiên quốc, tên gọi nước Bột Hải sai sứ sang, chẳng mang vật gì để tiến cống, mà chỉ có mỗi một bức quốc thư, xin được vào triều, trình lên thánh thượng. Các quan viên lần lượt tâu từ địa phương tới kinh đô, chẳng mấy chốc sứ giả tới Trường An, theo lệ chung, nghỉ tạm ở quán dịch. Hoàng đế liền sai thiếu giám Hạ Tri Chương ra quán dịch tiếp đón sứ giả, hỏi rõ nguồn cơn. Viên thông sứ (1) của sứ đoàn Bột Hải thưa rằng:
- Mọi chuyện quốc vương đã nói rõ trong quốc thư, sứ thần chúng tôi cũng không hiểu biết, xin thiên tử Trung Hoa hãy cứ mở thư xem thì sẽ rõ ràng mọi chuyện.
1 Thông sứ: như phiên dịch của các đoàn ngoại giao ngày nay.
Tới buổi chầu, Tri Chương dẫn sứ thần vào ra mắt Huyền Tông, trình quốc thư, các xá nhân nhận lấy, Huyền Tông lệnh đệ trước án Hoàng thượng. Cho Phiên sứ hãy tạm trở về quán dịch, chờ lệnh chỉ. Rồi cho tuyên tấu quan mở thư tuyên đọc.
Hôm ấy, đến lượt thị lang Tiêu Hoa làm tuyên tấu quan; Tiêu Hoa mở thư ra xem, không giấu nổi kinh hoàng, thì ra trên thư, chữ viết chính là:
Chẳng thảo, chẳng lệ, chẳng triện
Nét chữ kỳ quái hóa biến
Dẫu Tử Vân cũng chẳng biết
Phải hỏi đến thánh Thương Hiệt. (1)
1 Thảo, lệ, triện và chân: bốn cách viết khác nhau của chữ Hán. Tử Vân là tên của Dương Hùng đời Hán, giỏi về chữ cổ. Thượng Hiệt người thời Hoàng Đế, sau được tôn là thánh, tương truyền dựa theo vết chân chim mà chế ra chữ viết.
Tiêu Hoa xem qua, một chữ cũng chẳng nhận ra, chỉ đành dập đầu mà tâu:
- Chữ của nước Phiên này, đều như hình con nòng nọc, thần thật ngu muội, không tài nào nhận ra, xin chờ thánh ý.
Huyền Tông cười, phán:
- Nghe nói khanh đọc "lạp" ra "liệp", (1) bị bạn hè cười cho mãi, thế là đến chữ Hán còn nhiều chữ chưa thông, huống chữ Phiên. Hãy đưa cho Tể tướng xem có đọc được không?
1 Hai chữ này nhiều nét, một chữ 18 nét, một chữ 21 nét, một nửa giống nhau, nửa chỉ bộ ít nét khác nhau: Lạp là lễ tế vào tháng chạp, liệp là săn bắn.
Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung nhất tề cầm xem, đều như mắt mù, một chữ cũng chẳng hiểu được, người co dúm lại. Huyền Tông liền sai chuyển cho khắp trăm quan truyền tay nhau xem. Nhưng khắp triều văn võ, chẳng một người biết. Huyền Tông cả giận mắng:
- Đường đường thiên triều thế này, đông đủ bách quan văn võ, sao chỉ một thư từ của Phiên quấc, không biết lấy một chữ, để hiểu trong thư lời lẽ ra sao để còn trả lời, khỏi bị tiểu bang cười cho. Trẫm hạn trong ba ngày nếu không đọc ra, tất cả các quan viên trong triều, không kể lớn nhỏ, đều bị bãi chức ngay.
Buổi chầu tan, các quan buồn rầu ra về.
Hạ Tri Chương ra dịch quán tiếp đãi Phiên sứ, không hề đả động gì đến quốc thư, mãi tối về nhà, tíu nghỉu không vui. Lúc này Lý Bạch vẫn còn ở chơi trong dinh Tri Chương, thấy thế, liền hỏi ngay nguồn cơn, Tri Chương đem sự tình từ đầu chí cuối thuật lại tỉ mĩ, rồi tiếp:
- Nay hạn của thánh hoàng ra thật bức bách lắm rồi, làm thế nào bây giờ. Nếu có ai đọc được, chẳng cần hạng người nào, cũng phải tiến cử ngay để tránh cơn giận dữ của thánh thượng.
Lý Bạch nghe nói, khẽ cười, đáp:
- Chữ Phiên thì nào có khó chi. Chỉ tiếc Lý này không phải triều thần, để được xem qua quốc thư.
Tri Chương vừa kinh ngạc vừa vui mừng:
- Lý Bạch quả có đọc được cho Phiên sao, Tri Chương này sẽ tâu ngay lên chúa thượng.
Họ Lý cười không đáp. Sáng ngày hôm sau, Tri Chương tiến khỏi ban chầu tâu:
- Thần có một người bạn áo vải, vốn là kẻ sĩ ở Tây Thục, họ Lý tên Bạch, học rộng nhiều tài, đọc được chữ Phiên, xin bệ hạ triệu tới, sẽ đọc được quốc thư Bột Hải ngay.
Huyền Tông chuẩn tấu, lệnh cho nội thị đến nhà Tri Chương, triệu ngay Lý Bạch vào triều gặp vua. Họ Lý bái từ, nói với sứ giả rằng:
- Thần vốn là tiện sĩ ở phương xa, học thức nông cạn, không thể lấy chuyện chữ nghĩa làm đủ để vào ra mắt chúa thượng, vào triều gặp bách quan văn võ. Dẫu có ơn triệu tới, nhưng quả không dám vâng mệnh.
Nội thị cứ thế về phục chỉ. Hạ Tri Chương lại bước ra tâu:
- Thần vốn biết người này văn chương trùm trời đất, học vấn thật kinh người, chư tử bách gia chẳng sách gì là không đọc. Chỉ vì năm ngoái vào thi, bị quan ngoại trường sổ bỏ quyển thi, không đưa vào danh bạ, nên chẳng được đậu dù cuối bảng. Nay mặc áo vải vào triều, lòng cũng không khỏi hồ thẹn, vậy nên không dám vâng lời thánh triệu. Ngửa xin bệ hạ đặc ân, cho mũ đai, lệnh một triều thần tới ban, rồi triệu vào, vừa tỏ được việc cầu hiền hạ sỹ của thánh thượng.
Dương Quốc Trung cùng Cao Lực Sĩ nghe ra định ngăn trở, thì thấy Nhũ Dương Vương Tiến, Tả tướng Lý Thích Chi, kinh triệu doãn Ngô Quân, Tập hiền viện đãi chế Đỗ Phủ, đều đồng thanh tâu:
- Lý Bạch kỳ tài, chúng thần đều biết rõ, xin thánh thượng không phải ngờ vực gì, hãy cho triệu ngay vào triều kiến.
Huyền Tông thấy chúng dân đều khen tài Lý Bạch, liền truyền chỉ phong tước ngũ phẩm, ban cho mũ áo, gọi vào bệ kiến. Quốc Trung, Lực Sĩ không dám nói gì. Tri Chương phụng chỉ về dinh tuyên dụ Lý Bạch, nói rõ lòng trân trọng của thiên tử. Họ Lý không dám lại chối, lập tức mang đai, đội mũ vua ban, cùng Tri Chương cưỡi ngựa vào triều Tung hô, triều bái xong, Huyền Tông thấy Lý Bạch tướng mạo anh tài, phẩm độ phi phàm, mười phần vừa ý, ôn tồn phủ dụ:
- Khanh tài cao mà thi không đậu, nên mang lòng oán trách, nhưng trẫm cũng rõ khanh không bao giờ phải ẩn nhẫn suất đời đâu. Nay có sứ giả Phiên mang quốc thư tới, chữ nghĩa kỳ quái, chẳng ai đọc được Trẫm nghe khanh biết nhiều hiểu rộng, tất có thể giảng rõ cho trẫm.
Liền lệnh thị thần đưa quốc thư Bột Hải cho Lý Bạch, họ Lý cầm xem qua một lượt, tâu rằng:
- Chữ Phiên có nhiều loại khác nhau, đây chính là chữ nước Bột Hải. Nhưng lâu nay luật thiên triều định rõ, các thư biểu của Phiên quốc đều phải viết bằng chữ Trung Hoa, không được bỏ vào bao kín. Nay viết bằng chữ nước mình, lại dán kỹ như thế này, thì Bột Hải quả thật không một chút tuân theo nghi lễ, huống chi trong thư, lời lẽ thật ngạo mạn thật đáng giận, đáng cười.
Huyền Tông phán:
- Trong thư Bột Hải đòi những gì, nói năng ra sao? Khanh hãy đọc minh bạch cho trẫm nghe!
Lý Bạch vâng mệnh, cầm thư Phiên trong tay, đứng trước ngự điện, dịch ra âm Đường của Trung Hoa, tiếng nghe sang sảng khắp sân chầu. Trong thư đại lược nói rằng:
"Vua Đại Khả Độc nước Bột Hải
Thư gửi tới Hoàng đế Đường triều,
Từ ngày hoàng đế xâm chiếm Cao Ly, tiến sát tới biên giới nước ta, quân đội nhiều phen xâm phạm vào lãnh thổ ta, nghĩ rằng đều bởi ý của hoàng đế mà có vậy. Vì vậy nay ta không thể nhẫn nại nữa, sai quan đem thư này tới tuyên cáo rằng: Phải đem cả một trăm sáu mươi thành của Cao Ly nhường lại cho nước ta, ta sẽ có vật quý cống lễ hàng năm: Thỏ của Tháp Bạch Sơn, vải côn của vùng Nam Hải, trống của Sách Thành, hươu của Phù Dư, lợn của Giao Hiệt, ngựa của Tản Vân, bông của Yêu Đã, cá diếc của vùng Hà Đà Mi, mận của Cửu Đô, lê của Lạc Du... những thứ này của các vùng hàng năm tiến cung một lần, nước các ngươi cũng sẽ có phần.
Nhược bằng không nghe, nước ta sẽ khởi binh tàn sát, hãy chờ xem thắng bại về ai!
Văn vũ quan viên, thấy Lý Bạch đọc thư Phiên dõng dạc trôi chảy, không ai không kinh ngạc. Huyền Tông nghe lời lẽ trong thư, mặt rồng buồn rầu, hỏi trăm quan:
- Nước Phiên vô đạo, định cùng ta tranh chiếm Cao Ly, thì thật là hao người tốn của, nay nên ứng phó ra sao?
Lý Lâm Phủ tấu:
- Người Phiên chẳng qua nói cho oai, nhưng xem ra binh lực làm sao có thể chống lại thiên triều. Nay nên cảnh báo các tướng ỡ biên phòng thủ nghiêm ngặt, nếu chúng xâm phạm, phải dẫn binh tiêu diệt ngay.
Dương Quốc Trung tâu:
- Cao Ly xa xôi, vốn là vùng nằm ngoài biên giới, việc binh đao năm này qua năm khác liên miên, thật là với tay khó với tới. Bằng hãy bỏ quách mấy thành xa xôi, rồi dồn mọi tướng sĩ, binh lính, cố sức mà giữ lấy thành ở bên trong biên giới là tốt hơn cả.
Lúc này Tiết lộ sứ Sóc Phương là Vương Trung Tự cũng đang trong sân chầu. Nghe họ Lâm họ Dương, liền tiến đến tâu:
- Thuở xưa Thái Tông Hoàng đế ba lần chinh phạt Cao Ly, sức người sức của đều khô cạn, đến thời Cao Tông Hoàng đế, đại tướng Tiết Nhân Quý đem hàng mấy vạn hùng binh; lớn nhỏ đánh nhau hàng mấy chục lần, mới định yên được. Nay sao lại dễ dàng bàn chuyện bỏ đi. Nhưng lâu nay yên hòa mãi, người người quên cả chuyện đao binh, nếu bằng không muốn chuyện xảy can qua, thì dành ngồi chịu nhẫn nhục nhìn bọn nước nhỏ khinh thị thôi.
Các quan bàn luận mãi không xong, Huyền Tông cũng trầm ngâm việc chưa dám quyết. Lý Bạch bèn tâu:
- Việc này thật không để thánh thượng lo phiền đến thế. Thần nghĩ rằng vua Phiên buông những lời xấc xược như vậy, chẳng qua là để thăm dò động tĩnh của thiên triều ra sao. Ngày mai xin hãy triệu sứ Phiên vào triều, lệnh cho thần ngay trước mặt, thảo thư trả lời, lấy một thứ giấy quý, dùng ngay văn tự của Bột Hải, nói có ân có uy, để làm cho vua Phiên vừa sợ vừa phục, có thể khiến cho Khả Độc phải chắp tay mà hàng thuận.
Huyền Tông cả mừng, hỏi thêm:
- Khả Độc có phải là tên vua của nước Bột Hải chăng?
Lý Bạch thưa:
- Nước Bột này xưng vua là Khả Độc, cũng giống như vua Hồi Hột xưng là Khả Hãn, Thổ Phồn vua xưng là Tán Phổ, Nam Di là Chiếu, Khả Lăng xưng là Thái Mạc Uy, cũng đều do tục quen của từng nước mà ra vậy.
Huyền Tông thấy họ Lý đối ứng không cùng, rất là vừa lòng, liền ban chức Hàn lâm học sĩ, cho dự yến ở Kim Hoa điện, gọi nhạc công cùng con hát đến góp vui. Đêm đó lại cho ngự ngay trong điện.
Các quan thấy Lý Bạch được nhà vua yêu quý, đều không giấu dược lòng kính trọng, ao ước. Chỉ có Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ trong lòng không vui, nhưng cũng không biết làm thế nào.
Sáng ngày hôm sau, Huyền Tông lên điện sớm, trăm quan đã có mặt đầy đủ. Hạ Tri Chương dẫn sứ Phiên vào triều đợi chỉ. Lý Bạch đội mũ sa đen, mặc áo bào tía, cầm hốt bằng ngà voi hình cá vàng, ung dung trước điện, phong thái chẳng khác gì bậc thần tiên, đầy vẻ thanh cao, một tay cầm quốc thư của nước Bột Hải nhìn sứ giả mà rằng:
- Tiểu bang dâng thư, ngôn từ ngạo mạn, chậm ư vô lễ, lẽ nên hưng binh trừ diệt. Nay hoàng thượng ta, đức thánh ngang trời, không theo thói ngược nghịch, sẽ có chiếu thư trả lời, nhà ngươi hãy yên lặng kính cẩn mà nghe.
Sứ Phiên run sợ, đứng như con sếu dưới thềm son. Huyền Tông truyền bày thất bảo án thư, ngay bên cạnh điện, đủ văn phòng tứ bảo, ban cho Lý Bạch được ngồi ngay trên đôn phủ gấm thêu để thảo chiếu. Họ Lý liền tâu:
- Đôi hài thần hiện mang, sợ không sạch sẽ, lo làm bẩn mất thảm quý, cúi xin bệ hạ gia ân, thần xin cởi hài rồi mới dám bước lên điện.
Huyền Tông truyền chỉ, lấy ngay loại hài vân màu đỏ của vùng Ngô Lăng, vua vẫn dùng lâu nay. Tiểu nội thị mang ra, giúp Lý học sĩ thay. Họ Lý lại tâu:
- Thần có một lời, xin bệ hạ tha cho tội cuồng vọng, mới dám tâu để bệ hạ nghe.
Huyền Tông bằng lòng phán:
- Trẫm xin ưng lời tâu của khanh?
Lý Bạch tiếp:
- Thần dạo trước vào ứng thi, chẳng may gặp phải tả tướng Dương Quốc Trung cùng thái úy Cao Lực Sĩ đuổi ra. Hiện nay có hai người đang đứng hầu trước mặt bệ hạ. Thần những thấy mà ấm ức, nay vâng mệnh bệ hạ thảo chiếu thư, thay lời thánh chúa mà tuyên dụ nước ngoài, không gì có thể so được. Cúi xin bệ hạ sai Dương Quốc Trung mài mực, Cao Lực Sĩ cởi hài, để thấy được lòng trân trọng khác thường của bệ hạ, sau nữa là để sứ Phiên ở nơi xa xôi không dám khinh chiếu thư, mà tự nhiên đem lòng quy phục vậy.
Huyền Tông thấy đang lúc cần người, vả lại trong lòng yêu tài Lý Bạch, liền y cho. Họ Dương, họ Cao đều thầm nghĩ: "Hôm trước trong trường thi, sĩ nhục hắn ta, nay nhân cơ hội này mà báo thù. Dẫu chúng ta có căm gan tím ruột đi nữa thì thư Phiên mãn triều văn võ không người đọc được, chúa thượng chỉ còn nhờ vào hắn ta, chúng ta có không tuân cũng chẳng được nào”. Thế rồi một cởi hài cho Lý Bạch, một thì mài mực, cả hai đứng hầu hai bên. Lý Bạch thấy thế mới nghiễm nhiên ngồi xuống, nâng bút lông thỏ, tay không một lúc dừng. Chẳng mấy chốc thảo xong chiếu thư, lấy một tờ giấy khác viết chữ đề ngoài, rồi đem tất cả trình lên long án của Huyền Tông.
Huyền Tông xem xong vui mừng phán:
- Trông thật đường hoàng, nhất định sẽ làm cho kẻ ở xa xôi kia mất vía.
Lại cầm giấy bao ngoài xem qua, xuýt xoa ngợi khen, thấy cùng thứ chữ với quốc thư Bột Hải gửi tới, nên một chữ chẳng ai đọc được, chỉ tấm tắc ngạc nhiên khen ngợi. Huyền Tông phán:
- Học sĩ hãy tuyên đọc cho Phiên sứ nghe, rồi sau đó hãy dùng quốc ấn đóng vào mà niêm phong luôn.
Lại sai Cao Lực Sĩ thay hài cho Lý Bạch. Họ Lý xuống điện, gọi Phiên sứ lại nghe chiếu, rồi dõng dạc tuyên đọc.
Chiếu viết:
"Hoàng đế Đại Đường ban chiếu dụ Khả Độc nước Bột Hải:
Bản triều theo mệnh trời mà mỡ nước, phủ dụ bốn biển, vừa dùng ân vừa dùng uy, trong ngoài đều vâng theo.
Hiệt Lợi xưa bội ước, lập tức bị trói. Nên nỗi Tân La dâng lụa cẩm mà ngợi ca, Thiên Trúc thì dâng chim biết nói, Ba Tư tiến cống rắn biết bắt chuột, Phất Lâm thì dâng chó biết dắt ngựa, Khả Lăng dâng chim anh vũ trắng, Lâm Ấp đem mừng ngọc dạ quang, Cột Lợi hãn nạp ngựa tốt, Nề Ba La thì hiếu thuận bằng gỏi cá diếc. Đại phàm các nước xa xôi, đều có dâng cống đặc sản địa phương, cũng bởi do sợ uy mà kính đức vậy. Cũng là một cách chuộc lấy sự yên bình.
Cao Ly chống lại mệnh trời, lập tức mấy phen tiễu trừ, có kể hàng trăm lần, đến nỗi cả triều bị diệt, đấy chẳng phải là tấm gương lớn về tội nghịch thiên bạo địa hay sao?
Huống chi ngươi là nước nhỏ, phụ vào Cao Ly, so với Trung Hoa chẳng qua chỉ bằng một quận, binh tướng, giáp mã, lương thực không được một phần của muôn vạn, mà vẫn học thói bọ ngựa giơ càng chống xe, ngỗng mái đọ trời cao, thì khi thiên binh kéo tới, ngọc đá đều thành tro, vua sẽ bị trói như Hiệt Lợi, nước sẽ theo gót như Cao Ly.
Nay trẩm thể theo lòng hiếu sinh của đất trời, tha cho ngươi tội cuồng ngạo, hãy mau mau hối cải, tay rửa ruột gan, cống nạp hàng năm, đừng nghĩ đến nỗi nhục trước mắt, thì khỏi được nỗi lo diệt vong sau này, để đến nỗi mua cười cho bọn đồng loại. Vừa rồi dâng thư không chịu theo điển lệ của thiên triều, may mà vòng đất đai của ngươi ở, vốn là chốn hoang dã xa xôi bỉ lậu, chưa từng được thấy văn hiến Trung Hoa, vì vậy trẫm ban ơn mà viết chiếu thư, đóng thêm quốc ấn, lại dùng thứ chữ của nước ngươi, tưởng cũng là để ngươi biết vậy.
Hãy kính cẩn mà đọc kỹ
Không được xem làm thường.”
Lý Bạch đọc, tiếng nghe sang sảng, sứ Phiên phủ phục lắng nghe, không dám ngẩng nhìn. Nghe xong, nhận chiếu thư, ra khỏi triều đường. Hạ Tri Chương đưa tiễn ra tận cổng kinh thành. Sứ Phiên hỏi riêng:
- Học sĩ là chức quan gì, mà Tả thừa tướng phải mài mực, quan Thái úy phải cởi hài?
Tri Chương đáp:
- Quan đại thần Tả thừa tướng, quan cận thần Thái úy, chẳng qua cũng chỉ là học quan cao quý trong trần gian này thôi. Còn vị học sĩ họ Lý kia vốn là vị tiên trên thượng giới bị giáng xuống trần gian, dạo qua nhân thế, giúp rập triều đình, cho nên thứ bậc phải khác nhau đến thế.
Sứ Phiên tròn mắt thán phục mà từ giã, về đến bản quốc, gặp quốc vương, tâu lại rõ ràng mọi việc. Khả Độc xem chiếu thư gắn dấu son thì kinh hãi, liền thương nghị cùng các quan trong triều:
- Thiên triều quả có thần tiên giúp đỡ, làm thế nào mà địch được?
Bèn viết ngay một biểu xin hàng, sai sứ giả vào triều tạ tội, tình nguyện đến kỳ tiến cống, không dám đổi ý, đó là chuyện sau này.
Chính là:
Chẳng cần gươm giáo, người xa phục
Tờ giấy tài hơn vạn đội binh.
- Thần cả đời chỉ thích tiêu dao nhàn tản. Làm chức cung phụng ngay trong triều, như Đông Phương Sóc đời nhà Hán cũ, chi bằng ngày nào cũng được rượu ngon uống cho thật say sưa thì hơn.
Huyền Tông liền hạ chiếu cho Quang lộc tự, ngày ngày phải dâng đủ rượu ngon, không trói buộc làm việc gì, tùy ý họ Lý du lãm, uống rượu làm thơ, luôn triệu vào cung khuyết, thưởng hoa ban yến.
Lúc này trong cung vốn rất quý loại hoa thược dược, vùng Dương Châu tiến cống, chính là loài mẫu đơn ngày nay, có nhiều loại khác nhau: đỏ thắm, tím đen, phớt vàng, hồng nhạt, trắng toát. Các loại này đều được trồng rất nhiều ở phía đông hồ Hưng Khánh, ngay dưới thềm Trầm Hương đình.
Gặp lúc thời tiết trong trẻo, ấm áp, thược dược nở rộ, Huyền Tông truyền cho nội thị bày yến trong dinh, cùng Dương Quý Phi thưởng ngoạn. Quý Phi ngắm hoa rồi thưa:
- Hoa này quả là vua trong các loài hoa, thực đáng để bậc đế vương thưởng thức.
Huyền Tông cười phán:
- Hoa tuy đẹp nhưng không biết nói, sao bằng được Quý Phi là hoa biết nói.
Đang cười nói thì nhạc công Lý Quý Niên dẫn một đội mười sáu Lê Viên đệ tử mới tuyển, tay xách nhạc cụ theo lệnh vào hầu, lạy chào xong, liền chờ chúa thượng cùng Quý Phi Nương nương uống rượu để tấu nhạc. Huyền Tông phán:
- Khoan đã, hôm nay cùng Quý Phi thưởng hoa, có lẽ nào lại dùng từ khúc cũ sao?
Rồi lập tức sai Lý Quy Niên:
- Lấy ngựa Ngọc Hoa tông trẫm thường cưỡi, lập tức triệu Lý Bạch vào đây, làm ngay một bài từ mới để cho toàn bích.
Lý Quy Niên vội chạy như bay ra khỏi cung, nhảy lên ngựa, kéo theo Ngọc Hoa tông mã, cùng mấy nhạc công khác, đến nha môn hàn lâm viện tuyên triệu Lý Học sĩ. Thấy nha dịch trong viện nói rằng:
- Lý Học sĩ sớm nay ăn mặc xuềnh xoàng, một mình ra chợ Trường An tìm quán uống rượu rồi.
Lý Quy Niên liền bảo nha dịch trong viện cầm theo áo mũ, đai ngọc, hốt ngà của Lý Bạch, cùng ra chợ, tìm khắp ngõ ngách, mãi mới thấy ở tòa cao lâu phía trước, vẳng lại giọng ngâm như người cuồng:
Ba chén hiểu đạo lớn
Một vò hợp tự nhiên
Cứ say cho túy lúy
Làm kẻ tỉnh thà điên.
Lý Quy Niên nghe ra, nói:
- Giọng ngâm oang oang thế này, chẳng Lý Học sĩ thì còn ai vào đó nữa?
Xuống ngựa, cùng mọi người xông vào cao lâu, nhảy ngay lên gác, thì quả Lý Bạch, đang ngồi chiếm cả bàn lớn trông xuống đường phố, vò rượu trên bàn còn cắm thêm một bông hoa tú cầu, riêng một mình trước hoa uống rượu, cũng đã say nghiêng ngửa rồi mà tay vẫn còn nâng chén chưa chịu buông.
Lý Quy Niên đến ngay trước mặt Lý Bạch, cao giọng:
- Phụng thánh chỉ triệu ngay Lý Học sĩ vào Trầm Hương dinh kiến giá .
Khách rượu ngồi đầy xung quanh lúc này mới chắc đó là Lý Trích Tiên, lại biết có thánh chỉ, vội đứng dẹp sang bên. Lý Bạch ngược lại hoàn toàn thản nhiên, lặng lẽ đặt chén xuống bàn, nhìn Lý Quy Niên, đọc một câu thơ của Đào Uyên Minh:
Ta say muốn ngủ, bạn biến cho.(1)
1 Đào Uyên Minh: tức Đào Tiềm người đời Tấn, quê Tầm Dương, làm huyện lệnh Bành Trạch. Thanh tra đến, ông thở dài: “Ta không nên vì năm đấu gạo mà gãy lưng". Bỏ quan về nhà, rất thích rượu (Tầm Nguyên từ điển). Nguyên văn: "Ngã túy dục niên, quân thả khứ”. Chữ "Quân", hiểu là vua cũng được.
Ngâm xong, quay ra ghế định ngủ, Lý Quý Niên không biết làm thế nào, đành giục bọn người đi theo xúm lại khiêng Lý Bạch xuống lầu nâng lên ngựa Ngọc Hoa tông, rồi cả đoàn trước sau hộ tống, Lý Quy Niên theo không dám rời mắt.
Đến trước Ngũ Phượng lâu, đã có nội thị chờ sẵn truyền chỉ: cho phép Lý Học sĩ cứ cưỡi ngựa mà vào cung. Quy Niên vội mang đai mũ, áo bào, khoác vào cho Lý Bạch ngay trên ngựa, vì vậy giải áo thắt cũng chẳng hết. Qua hồ Hưng Khánh, vào thẳng Trầm Hương dính, mới đỡ Lý Bạch xuống ngựa, vẫn còn say không thể làm lễ bái mạng, Huyền Tông lệnh trải thảm lông màu tím ngày ở thềm đình cho Lý Bạch nằm nghỉ một lát, tự thân Huyền Tông lại chăm sóc, cởi ngự bào đắp lên mình, thấy miệng chảy nước dãi, thân lấy ống tay áo chùi cho. Dương Quý Phi thưa:
- Thiếp nghe nói lấy nước lạnh rảy vào mặt có thể tỉnh rượu.
Liền sai nội thị lấy nước hồ Hưng Khánh, truyền cho Niệm Nô, ngậm nước hồ mà phun vào mặt. Lý Bạch mới bàng hoàng khẽ mở đôi mắt, thấy ngay ngự giá, hoảng hốt đứng dậy, phủ phục dưới thềm tâu:
- Thần tội đáng chết vạn lần!
Huyền Tông thấy Lý Bạch vẫn còn ngơ ngác, như chưa tỉnh hẳn, sai tả hữu đỡ cho ngồi ngay thêm trước. Mặt khác truyền cho ngự trù Quang lộc tự bào nhân (1) đem chả cá tươi của nước Việt cống, làm ngay ba bát thang giải rượu.
1 Bào nhân: người làm bếp, ngự trù: nhà bếp nấu riêng cho vua. Quang Lộc tự: nơi đặc trách lo việc ăn uống, tiệc tùng của vua.
Chẳng mấy chốc, nội thị bưng thang giải rượu đựng trong bát vàng đến. Huyền Tông thấy hơi nóng còn bốc nghi ngút, tự tay cầm hốt ngà khẽ quạt khá lâu, rồi ban cho Lý Bạch. Lý Bạch ăn xong, đã thấy tâm thần tỉnh táo, liền dập đầu tạ ơn:
- Thần quá tham rượu ngon, đến mức điên đảo không còn biết trời đất. Bệ hạ đã không bắt tội kẻ điên này, mà lại còn gia ân đến thế, thần thật lấy làm hổ thẹn. Mai này ruột gan có lầy bùn đất, cũng không đủ báo muôn một ơn sâu nặng của bệ hạ hôm nay.
Huyền Tông phán:
- Hôm nay triệu khanh vào đây, cũng chẳng có việc gì lạ...
Rồi chỉ dưới thềm đình mà tiếp:
- Chỉ bởi mấy cây thược dược này thịnh khai, trẫm cùng Quý Phi thưởng ngoạn, không muốn nghe điệu nhạc cũ, nên bảo nhạc công hãy chờ khanh vào làm một bài từ mới vậy.
Lý Bạch vâng lệnh, chẳng cần nghĩ ngợi gì, làm ngay một khúc từ "Thanh bình điệu" trình lên:
Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng
Gió xuân, dìu dắt, giọt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông!
Huyền Tông đọc xong, mặt rồng hớn hở khen ngợi:
- Học sĩ quả là có tài của bậc tiên vậy!
Lệnh ngay cho Lý Quy Niên đem bài từ phổ nhạc, sai Lý Mộ thổi sáo Khương, còn Hoa Nô thì đánh trống Yết Thất, Hạ Hoài Trí gõ sênh, Trịnh Quan âm gảy đàn tỳ bà, Trương Dã Cô thổi kèn, Hoàng Phiên Sước gõ phách làm nhịp, tất cả cùng hòa tấu, quả nhiên nghe thật du dương êm ái. Tiếng nhạc dừng, Huyền Tông phán?
- Bài từ của khanh hay lắm, đang lúc thích nghe thì lại đã hết rồi. Học sĩ đại tài, hãy vì trẫm mà vẫy bút thêm một khúc nữa.
Lý Bạch tâu:
- Thần vốn chỉ thích rượu, xin bệ hạ lấy chén thừa ban cho, để giúp thêm cho hứng vậy!
Huyền Tông hỏi:
- Khanh vừa mới tỉnh rượu, sao lại đòi uống, sợ lại say nữa, thì làm thơ thế nào được!
Lý Bạch thưa:
- Thẩn đã có thơ rằng: "Thèm rượu ước cạn biển, Cuồng ca muốn lên trời!". Thần cũng đã mắc tội cao ngạo mà xưng là "Ông tiên trong làng rượu”, khi say, hứng thơ lại càng bay bổng, hào hùng vậy!
Huyền Tông cả cười, truyền nội thị lấy ngay Bồ đào mỹ tửu của châu Tây Lương vừa tiến cống, rót ban cho Lý Bạch một đấu bằng vàng. Lý Bạch cúi nhận, uống một hơi cạn sạch, lại nâng ngay bút lông thỏ, viết tiếp:
Hương đông móc đượm, một cành hồng
Non Giáp mây mưa những cực lòng
Ướm hỏi Hán cung ai mảng tượng
Điểm tô nàng Yến tốn bao công!
Huyền Tông xem xong, lại càng rạng rỡ mặt rồng, nức nở khen:
- Thật là mới mẻ, lạ lùng, thanh thoát. Không nên để cho bọn nhạc công này làm tạp nhiễm đi mất.
Lệnh cho Niệm Nô có giọng trong trẻo thử hát, còn tự mình thì thổi ngọc địch họa theo, nghe thật thánh thót, tinh khiết. Khúc vừa dứt, Huyền Tông lại cười nói với Lý Bạch:
- Trẫm thật đang hứng chí, phiền học sĩ hãy làm thêm một khúc nữa, để cho trọn vẹn niềm vui của ngày hôm nay.
Truyền lấy ngay nghiên mực ngự dụng Thụy Khê nghiên, bắt Dương Quý Phi hai tay nâng lên để xin chữ của bậc đại gia. Lý Bạch mấy lần từ tạ, rồi phút chốc, lấy đẫm mực vào bút lông thỏ, lại đề ngay một bài dâng lên. Bài từ viết:
Sắc nước hương trời, khéo sánh đôi,
Quân hương nhìn ngắm, những tươi cười
Sầu xuân man mác tan đầu gió
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi. (1)
1 Cả ba bài "Thanh bình điệu" này theo bản dịch của Ngô Tất Tố. Thơ Đường.
Huyền Tông xem rồi, càng hớn hở, phán:
- Bài này đem mặt người đối với bóng hoa, cả hai đều tả được vẻ rực rỡ, thật là tuyệt diệu không nói hết. Lần ca này, tưởng Quý Phi cũng nên đóng góp tài năng của mình chứ.
Truyền ngay Vĩnh Tân, Niệm Nô đồng ca, Huyền Tông tự thổi ngọc địch, sai Quý Phi gảy đàn tỳ bà họa theo. Hòa xong, lại lệnh Lý Quy Niên đem cả ba khúc hòa nhạc. Quý Phi thân rót rượu mời. Huyền Tông cũng thổi ngọc địch họa theo lần nữa. Mỗi khúc lại phổ theo một điệu khác nhau, để bài ca láy đi láy lại mãi không hết. Khúc hát ngừng, Dương Quý Phi bái tạ, Huyền Tông cười phán:
- Không phải trẫm, hãy tạ ơn Lý Học sĩ kia!
Quý Phi liền lấy cốc pha lê, rót dầy rượu mời Lý Bạch, khẽ khàng tạ ơn ý thơ ngọt ngào. Lý Bạch lùi không kịp, vội quỳ xuống uống một hơi cạn cốc rượu, rồi cúi đầu tạ Quý Phi.
Huyền Tông lại truyền lấy Ngọc Hoá tông mã đưa Lý Học sĩ về Hàn Lâm viện. Từ đấy, danh tiếng, tài năng Lý Bạch càng nổi, chẳng những Huyền Tông yêu quý, mà Dương Quý Phi cũng rất kính trọng.
Nhưng Cao Lực Sĩ thì giận họ Lý, thầm nghĩ: "Ta nay được thánh chúa yêu mến, uy thế lẫy lừng, Hoàng Thái tử còn gọi bằng anh, các bậc vương bá hữu đều gọi ta bằng ông, hoặc còn gọi là cha. Chỉ riêng cái thằng học sĩ họ Lý này, dám nhớ đến mấy lời sĩ nhục của ta trước kia, mà lợi dụng dịp may để làm ô uế ta trước điện vàng. Hiện nay thiên tử đang mười phần kính trọng họ Lý, ngay cả đến Dương Nương nương cũng rất khâm phục tài năng của lão học sĩ điên khùng này. Vạn nhất mà người này được dùng vào việc lớn, thì thật là tai họa cho bọn ta. Nay phải tìm cách nào, cản trở đường tiến của họ Lý mới xong".
Lại đắn đo thêm: "Ta phải tìm trong bài "Thanh bình điệu", ý nào đó lắt léo, rồi bẻ ngoặt sang mà đánh vào lòng nghi kỵ của Dương Nương nương, dù thiên tử có muốn dùng đi nữa, cũng không thể nào đánh ngã được lòng ghen ghét của Dương Nương nương, thì chẳng còn cách nào để cứu họ Lý khỏi bị lạnh nhạt vậy?".
Kế sách đã định, Cao Lực Sĩ liền vào cung, gặp lúc Quý Phi đang một mình dựa lan can ngắm hoa, miệng lẩm nhẩm hát "Thanh bình điệu", thỉnh thoảng lại gà gật đầu tắm tắc đắc ý. Cao Lực Sĩ thấy xung quanh không ai, thừa cơ tâu ngay rằng:
- Theo ý nô tài này, thì nương nương phải căm tức bài này mới phải, cớ sao lúc nào cũng thầm hát là sao?
Quý Phi kinh ngạc hỏi:
- Tại sao lại phải căm tức?
Cao Lực Sĩ thưa:
- Họ Lý nói rằng: "Điểm tô nàng Yến tốn bao công!", là có ý so sánh nương nương với Triệu Phi Yến. Thử hỏi thuở xưa Phi Yến làm được những việc gì, nếu đã như thế, thì sẽ thấy rõ ý khích bác ở đây, sao nương nương lại không thấy ra!.
Nguyên là Huyền Tông từng đọc "Triệu Phi Yến ngoại truyện", nên biết Phi Yến thân hình nhỏ gầy, đứng trước gió, chỉ sợ bay đi mất, thường trêu Dương Quý Phi:
- Nếu là ái khanh thì gió thổi mạnh yếu thế nào cũng chẳng sợ.
Chính là để trêu Quý Phi béo tốt. Quý Phi vốn đẫy đà, đã từng bị Mai Phi rủa là "Con tiện tỳ phì nộn", cho nên từ đó Quý Phi rất căm những ai kia nói mình béo. Lý Bạch đem Phi Yến so với Quý Phi, thực ra cũng chẳng có ý xấu, mà còn là ý tốt nữa kia; nhưng nay bị Cao Lực Sĩ xuyên tạc, lại ngầm chỉ ra rằng Phi Yến thì tư thông với Yến Xích Phượng, giống như Quý Phi có tình riêng với An Lộc Sơn, lại cũng nhằm bới móc một lần nữa vậy. Những lời này của Cao Lực Sĩ, đánh trúng những chỗ khuyết tật của Quý Phi, cho nên dần dần Quý Phi cũng chuyển sang giận dữ, cho đến khi lòng riêng đầy thù hận.
Từ đó, trước mặt Huyền Tông, Quý Phi thường nói Lý Bạch là kẻ cuồng ca, rượu chè phóng túng, du đãng; không chịu tuân theo nghi lễ vua tôi. Huyền Tông nhiều lần định cất nhắc, đều bị Quý Phi cản trở. Dương Quốc Trung còn cái nhục mài mực, nên cũng góp thêm không ít lời bới móc. Huyền Tông vẫn kính yêu họ Lý, bởi trong cung không ai thích, cũng chẳng muốn triệu vào ban yến trong nội cung nữa, cũng chẳng còn chuyện giữ lại ngủ trong nội điện như ngày nào.
Lý Bạch hiểu ngay giọng lưỡi của bọn tiểu nhân, nên dâng sớ xin về nghỉ. Huyền Tông đời nào bằng lòng cho họ Lý về, ban chỉ an ủi khuyến khích, mà không cho. Lý Bạch từ đấy về sau, chỉ càng thêm phát cuồng, lúc nào cũng uống rượu say tràn rồi ngâm hết bài thơ này đến bài khác:
Chính là:
Mong trong núi chứa ngàn ngày rượu
Túy lúy say cho đến thái bình. (1)
Không rõ sự thể về sau ra sao, hãy xem hồi sau phân giải.
1 cổ thi nguyên văn: "Ân đắc sơn trung thiên nhật tửu; Minh nhiên trực đáo thái bình thi”. Theo "Tửu sử": Lưu Huyền Thạch, đi vào núi Trung Sơn mua được "Thiên nhật tửu”, rượu uống một lần, say nghìn ngày mới tỉnh. Lại theo "Sưu thần ký": Đích Huy, người Trung Sơn, nấu được "Thiên nhật tửu” cũng uống một lần say nghìn ngày như thế!