Anh hùng mắc họa
Mạng gần nguy
Gặp người, phải thì
Việc kỳ
Người kỳ
Cứu lấy nam nhi
Ngày sau dẹp loạn giải nguy cho đời
Những phường đẹp mặt, tốt lời
Toan mê hoặc chúa một hai tin dùng
Biên cương chọn đứa gian hùng
Ắt là lửa loạn cháu bùng nay mai.
Theo điệu "Thái tang tử"
Từ xưa lập huân công đại nghiệp, vẫn là việc của bậc anh hùng hào kiệt, để rồi được tước cao lộc hậu. Có thể lúc đầu khốn khổ gian nguy, nhưng về sau thì giàu có vinh hiển, cũng bởi trời trao cho mệnh lớn, trị loạn giúp dời. Cũng không thiếu gì bậc đại tài nhưng không được dùng, thậm chí chẳng có nguyên cớ rõ ràng mà vẫn mang họa vào thân, tưởng như không còn đường sống, nào ngờ "tuyệt xứ phùng sinh", gặp được kẻ có mắt xanh, biết nhìn người nhìn đời, đem sức cứu đỡ may mà thoát nạn, thời cuộc chuyển dần, lập công kiến nghiệp, gia quan tiến tước, đến nỗi thiên hạ về sau, ca ngợi công lao một đời. Lúc ấy phải nhớ tới công ơn người quân tử đã cứu mình, biết tài, lân tài, vì đất nước mà chu toàn cho một bậc anh hùng cái thế.
Nếu là kẻ tiểu nhân thì hận thù nuôi mãi, thành ung, thành thư gặp dịp sẽ thả ưng, suýt chó lấy lời mỹ miều mà mê hoặc bề trên, mưu lợi cho mình, hại người khác, chẳng nghĩ đến tai họa cho quốc gia, thật là đáng giận đáng căm.
Họ Lý ngày càng chìm đắm trong chén rượu, cũng là cách để tránh ghen ghét. Bạn rượu, ngoài Hạ Tri Chương ra, còn có Nhữ Dương Vương Tiến, tả hữu thừa tướng Lý Thích Chi, rồi bọn Thông Tông Chi, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Toại, đều là những kẻ có tài rượu. Đỗ Công Bộ, đã từng làm "Bài ca tám ông tiên cùng uống rượu” - Ẩm trung bát tiên ca, sau đây:
Tri Chương (1) cưỡi ngựa như đi thuyền
Mắt hoa, ngả giếng vẫn ngủ liền
Nhữ Dương (2) ba hũ chầu kề bên,
Thèm nhỏ dãi khi gặp xe men
Tiếc chẳng làm quan nơi tửu tuyền
Tả tướng (3) một ngày tiêu vạn tiền
Rượu nốc như kình hút sông nghiêng
Vui cùng ông thánh, tránh ông hiền
Tông Chi (4) chững chạc bậc thiếu niên
Mắt trắng trời xanh nâng chén lên
Trước gió cây ngọc không ngả nghiêng
Tô Tấn(5) thờ phật, rằng ăn kiêng
Khi say những muốn trốn cửa thiền
Lý Bạch một vò, thơ trăm thiên
Li bì quán rượu ngủ đã quen
Vua đòi mà không chịu xuống thuyền:
“Thần là tiên rượu uống rượu tiên!”
Trương Húc(6) ba chén chữ thảo truyền
Trật mũ xõa tóc trước quan quyền
Vung bút quét giấy sinh mây thiêng
Tiêu Toại (7) năm hũ người thẳng lên
Cao đàm hùng biện vang xóm giềng.
1 Hạ Tri Chương: tự Quý Chân, xưng là "Tứ Minh cuồng khách", người miền Nam, không quen cưỡi ngựa, ngã vì say, rơi xuống giếng vẫn ngủ.
2 Nhữ Dương Vương, tên Tiến. Say rượu không thể đi từ trên điện xuống, vua phải nhờ người đỡ. Thấy hơi rượu, đồ nấu rượu đã thèm nhỏ dãi.
3. Lý Thích Chi, từ chức tể tướng về, suốt ngày uống rượu, gọi rượu trong là rượu thánh, rượu đục là rượu hiền.
4 Thôi Tông Chi: người đẹp, rượu vào càng đẹp chẳng khác nào cây bằng ngọc đứng trước gió.
5 Tô Tấn, ăn chay thờ Phật, thèm rượu bỏ chùa mà đi.
6 Trương Húc càng say viết chữ thảo càng đẹp, xõa tóc nhúng cả đầu vào nghiên mực, dùng đầu mà viết chữ, nên còn gọi là Trương Điên.
7 Tiêu Toại: nói lắp, nhưng khi sai thi lại rất lưu loát, hùng biện. (theo Từ Hải, Thơ Đường).
Lý Bạch suốt ngày cùng bảy người này uống rượu ngâm thơ, bất giác ở kinh cũng khá lâu. Một hôm, sau cuộc rượu, gặp An Lộc Sơn ngay ở cửa khuyết, Lộc Sơn coi khinh là phường say, lấy lời để trêu chọc, rất là xấc xược. Lý Bạch nhân cớ đang say, chửi Lộc Sơn một trận nên thân. Lộc Sơn vô cùng tức tối, nhưng chẳng dám làm gì vì họ Lý đang được thiên tử kính yêu, không dám hại, chỉ đành nuốt giận.
Lý Bạch từ đó đã bị lũ đàn bà cùng tiểu nhân ganh ghét, nếu không bỏ quan mà đi, tất tai họa cuối cùng sẽ đến. Lại thấy Dương Quốc rung, Lý Lâm Phủ kết bè đảng lộng quyền, mê hoặc quân vương, chính sự ngày càng bại hoại, mình chẳng phải gián quan, chẳng thể dùng lời nói thẳng mà cứu vãn thời thế, thế thì giữ cái chức vô bổ làm gì, nên dâng sớ khẩn thiết xin từ quan trở về, Huyền Tông biết ý họ Lý đã quyết, triệu đến trước điện mà phủ dụ:
- Khanh đòi bỏ trẫm mà đi, cũng chẳng tiện giữ nhiều, thôi thì trẫm bằng lòng cho khanh tạm trở về với vườn ruộng. Khanh thảo chiếu bình phiên, thật có công với quốc gia, há lại tay không mà trở về. Nhưng trẫm cũng biết khanh cao nhã, tất chẳng đòi gì cả, cái mà khanh một ngày không thể thiếu, thì chỉ có là rượu.
Liền thân viết một sắc thư mà ban cho, đại ý như sau:
"Sắc ban cho Lý Bạch, làm Nhàn Tản Tiêu Dao Học sĩ. đến nơi nào, các quan tư phải chi cấp đầy đủ tiền. Văn võ quan viên cùng binh lính, dân chúng không được khinh mạn. Nếu thấy việc gì, nghe việc gì thì được phép dâng sớ tâu trình. "
Lý Bạch bái tạ nhận sắc lệnh. Huyền Tông lại còn ban cho áo gấm, đai vàng cùng ngựa tốt xe êm. Họ Lý vái lạy ra khỏi triều đường. Vốn không có gia quyến ở kinh, chỉ có mấy gia bộc đi theo, liền thu xếp hành trang, từ biệt bạn bè ra khỏi kinh sư.
Các quan trong triều, đều bày tiệc rượu ở trường đình tiễn biệt, chỉ Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ, An Lộc Sơn là mang nỗi tức tối nên không chịu ra. Hạ Tri Chương cùng mấy người nữa, tiễn đến hơn trăm dặm mới chia tay. Lý Bạch nhân thánh chỉ cho ngao du, ra khỏi kinh, không về quê ngay, hướng phía U Yên, thấy núi đẹp, sông sâu, thắng cảnh, mặc ý tha thẩn vui chơi, mặc sức lúc Bồng Châu, khi Lăng Uyển. Qua quận huyện được cấp tiền, gặp cảnh thì đề thơ, chọn nơi mà uống rượu, thoải mái tùy lòng.
Hôm ấy, đến địa phận Tinh Châu, các quan lại sở tại đều ra nghênh đón, Lý Bạch từ tạ, chỉ xin vào công quán chất hành lý, đem theo mấy tên người nhà, cưỡi ngựa ra ngoài thành để xem cảnh sông núi của Tinh Châu. Bỗng một đoàn lính, người nào người ấy cầm côn, áp giải một xe chở tù đi rất nhanh, thấy Lý Học sĩ cưỡi ngựa đi tới, đoàn người ngựa nép sang bên đường để tránh. Lý Bạch nhìn người từ trên xe, là một thanh niên khỏe mạnh, xem kỹ thì thấy:
Đầu to như chiếc đấu tròn
Tóc râu xõa rối, một khuôn chữ điền
Đôi mắt sáng, ngời ánh đèn
Đứng lên thân ắt là gần trượng cao
Vì đâu gặp vận lao đao
Xem tướng mạo quả anh hào, kém ai?
Người tù này họ Quách, tên Tử Nghi, quê ở Hoa Châu, hình dáng khôi ngô, ôm tài thao lược, vốn có tài kiến công lập nghiệp, mang chí trung quân ái quốc, nhưng chưa gặp thời, nên tạm nương nhờ dưới trướng Tiết độ sứ Kha Thư Hãn Lũng Tây, làm một viên biên tướng. Nhân vâng quân lệnh, xem xét lương thảo của quân đội, nhưng không may thủ hạ có người vô ý làm cháy hết cả một kho lương lớn, tội đến người cầm đầu, nên cứ chính sách mà chịu chém đầu.
Lúc này Kha Thư Hãn đang đi tuần ở biên giới Tinh Châu, nên quan quân chính ty giải Tử Nghi tới đây để hành tội. Lý Bạch thấy Tử Nghi dung mạo đường đường, liền dừng ngựa hỏi nguồn cơn, Tử Nghi trả lời rõ ràng, tiếng nghe như chuông đồng. Lý Bạch nghĩ: "Nghi biểu như thế này, nhất định là bậc anh hùng hào kiệt, nay chính lúc thiên hạ sắp có nhiều việc, với tướng mạo thế này, chính là người có ích cho triều đình, sẽ là rường cột của quốc gia, sao lại có thể giết dễ dàng như thế này?". Liền nói với toán lính:
- Các ngươi hãy khoan giải tới tiết độ sứ, hãy đợi ta thân tới gặp tìm cách kêu khỏi tội chết cho Tử Nghi.
Ai nấy không dám không nghe theo. Lý Bạch quay ngựa, đi theo bọn giải tù. Vừa đi vừa hỏi chuyện Tử Nghi về quân cơ thao lược. Tử Nghi đối đáp như nước chảy, Lý Bạch càng thêm mười phần kính trọng.
Đến hành doanh của Kha Thư Hãn, Lý Bạch sai tay chân đưa danh thiếp vào trước, thưa thêm có Lý Học Sĩ tới thăm, quan coi cửa vào thưa. Kha Thư Hãn vốn là một viên danh tướng thời bấy giờ, thường vẫn kính mộ tài năng của Lý Bạch như sấm bên tai, nay thấy Lý hạ cố tới, lấy làm vinh hạnh không ngờ, lệnh mở rộng của doanh mời vào, chủ lễ chào xong cùng ngồi uống trà. Lý Bạch liền nói rõ nguyên do đến thăm, mong khoan giản cho tội của Quách Tử Nghi. Kha Tư Hãn nghe xong trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Học sĩ đã dạy thế, đáng ra phải theo lời ngay, nhưng tiểu nhân lâu nay điều khiển tướng sĩ bộ hạ, thưởng phạt đều phải theo đúng chữ tín. Nay Quách Tử Nghi lỡ để thiêu cháy cả quân lương, quân pháp không thể nào tha, bởi việc quan hệ đến kỷ cương, lý phải tâu với thiên tử, tiểu nhân quả không dám chuyên quyền, tự ý phóng thích. Vậy nên thế nào bây giờ?
Lý Bạch liền lên tiếng:
- Nếu như vậy, họ Lý này cũng không dám coi thường quân pháp, chỉ xin kéo dài thời hạn gia hình. Quan tiết độ cứ dâng biểu trình mọi việc. Họ Lý này sẽ viết sớ tâu rõ, cùng tiện một thể đưa về kinh đô, xin thánh thượng ra lệnh.
Kha Thư Hãn lập tức bằng lòng:
- Nếu cứ như vậy thì tình lý đều đầy đủ vậy!
Liền lệnh giam Quách Tử Nghi lại, đợi chỉ định đoạt. Lý Bạch từ tạ ra ngoài.
Kha Thư Hãn một mặt tâu về triều đình, một mặt Lý Bạch dâng sớ về, nói rõ tài thao lược của Tử Nghi, đáng mặt xông pha mũi tên hòn đạn khi quốc gia hữu sự, còn việc hỏa hoạn, chẳng qua là do sơ ý của tay chân, không phải tội Tử Nghi, kính xin chúa thưởng khoan ân, để dùng về sau. Cả hai đều giao cho dịch trạm, phi như sao băng về Trường An, Lý Bạch tạm thời lưu lại công quán của Tinh Châu chờ chỉ, ngày ngày rong chơi. Kha Thư Hãn cùng văn võ tùy tòng, quan viên sở tại ngày ngày mở tiệc thiết đãi, cùng họ Lý uống rượu ngâm thơ làm vui. Chẳng bao lâu thánh chỉ đã xuống, chuẩn cho lời tâu của Lý Học sĩ đem thủ hạ của Quách Tử Nghi, chính kẻ đã gây hỏa hoạn ra chịu chính pháp, tha tội cho Tử Nghi, cho được lập công chuộc tội.
Chính là:
Nhờ có mắt tinh của thi sĩ
Nên không uổng mạng một anh hùng
Khoan hồng mừng tạm hôm nay thế
Mừng thật chờ hôm lập đại công.
Tử Nghi cảm kích ơn cứu sống của Lý Bạch, thề kết cỏ ngậm vành đền ơn. Lý Bạch từ biệt Tử Nghi, Kha Thư Hãn cùng các quan tướng, du ngoạn các nơi, lúc chia tay, không quên dặn dò Kha Thư Hãn chiếu cố Tử Nghi. Từ đó, do có quân công, Tử Nghi dần dần được thăng thưởng cao, đó là chuyện sau này.
Năm trước Huyền Tông giết luôn một lúc ba con trai, Lâm Phủ khuyên nên lập Thọ Vương Mạo làm Thái tử, Huyền Tông lại nghe theo lời Cao Lực Sĩ, lập Trung Vương Dư làm Thái tử, Lâm Phủ lấy làm tức tối tìm cách chèn ép. Bấy giờ có quan hộ tào là Dương Thân, dựa thế Dương Quốc Trung tự nhận mình là cùng họ với họ Dương, lại cùng với La Hy Thích, Cát Ôn, đều là lũ chó săn của Lý Lâm Phủ. Lâm Phủ bàn mưu, bày bọn này dâng mật sớ, vu cáo cho hình bộ thượng thư Vi Kiên liên kết với tiết độ sứ Hoàng Phủ Duy Minh để tìm cách lật đổ ngai vàng, lập Thái tử lên ngôi, lại dẫn Dương Quốc Trung làm chứng cớ.
Vi Kiên nguyên là anh ruột của Vi Thị phi tử của Thái tử. Tiết độ sứ Hoàng Phủ Duy Minh, nhân một lần tới kinh sư, từng tới bái kiến Thái tử, trước mặt Thái tử lại chê bai tể tướng lộng quyền, vì vậy Lý Lâm Phủ mang trong lòng tức tối, tìm cách vu cáo, để lay đổi ngôi Đông cung. Huyền Tông xem sớ nổi giận, may được Cao Lực Sĩ giải bày, nhưng vẫn không thoát hẳn tội, mà đều bị giáng chức. Thái tử thấy vậy, hoảng sợ vô cùng, dâng biểu xin ly hôn với Vi Thị. Huyền Tông nhân được Cao Lực Sĩ khuyên can, không cho Thái tử làm việc này. Lý Lâm Phủ lại mật tâu xin giao cho Dương Thân cùng La Hy Thích, Cát Ôn tra xét chuyện này, thêm cả Dương Quốc Trung làm giám sát. Huyền Tông giáng chỉ bắt giết Vi Kiên cùng Hoàng Phủ Duy Minh, còn sự tình không cần tra xét lôi thôi, vì thế Thái tử mới khỏi lo lắng.
Chẳng bao lâu gặp lúc tướng Đổng Duyên Quang, vâng chiếu chinh phạt Thổ Phồn, không làm được việc, lại đổ tội cho Tiết độ sứ Sóc Phương là Vương trung Tự, vu cho Tự cản trở việc quân. Lý Lâm Phủ thừa cơ, vu cho Dương Quốc Trung tâu dèm pha Tự, để lấy quân tướng gây bè cánh cho Thái tử. Huyền Tông liền gọi Tự vào kinh, lệnh cho Tam ty tra xét, Thái tử lại một phen kinh hoàng. May là Tự vốn do Kha Thư Hãn tiến cử, Kha Thư Hãn hiện có uy tín với Huyền Tông, nhưng Huyền Tông chưa thấy mặt người này, nhân đó mới gọi Kha Thư Hãn vào triều ra mắt hoàng thượng, để hỏi rõ hư thực mọi chuyện. Kha Thư Hãn vâng chiếu, vội ngày đêm vào kinh, được bọn chân tay khuyên đem thật nhiều vàng ngọc vào kinh mà dùng, để còn cứu Vương Trung Tự. Kha Thư Hãn đáp:
- Ta không phải vì tiếc vàng lụa, nhưng nếu công lý, đạo đức mà còn, thì thánh thượng không để ai phải chết oan. Còn nếu không có công đạo thì dùng vàng lụa cũng có ích gì.
Rồi cứ thế, với hành lý rỗng không lên đường, vào kinh ra mắt Huyền Tông. Huyền Tông trước tiên hỏi công việc biên cương, Kha Thư Hãn nhất nhất tâu bày, Huyền Tông rất bằng lòng. Kha Thư Hãn lại hết lòng giải bày nỗi oan khuất của Vương Trung Tự, cùng việc Thái tử bị vu cáo lời lẽ thống thiết. Huyền Tông nhận ra, bèn phán:
- Khanh hãy lui ra, để trẫm nghĩ kỹ!
Ngày mai, liền gọi cả Tam ty vào, hiểu dụ:
- Con ta ngồi trong cung sâu, làm sao có thể tư thông với bên ngoài biên giới, đấy chẳng qua chỉ là những lời bậy bạ, các khanh chẳng cần phải lục vấn. Còn việc Vương Trung Tự cản trở quân cơ, nên giáng quan tước, để trách phạt.
Liền chuyển Tự làm thái thú Hán Dương, tướng Đổng Duyên Quang cũng bị giáng chức, Kha Thư Hãn trở về Tinh Châu. Thái tử thoát tội, phủ phục khóc lóc tạ ơn trước điện, Huyền Tông dùng lời ngọt ngào an ủi, từ đó tình phụ tử trở lại hình thường. Chỉ đáng giận cho lũ Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, mưu toan đổi triều đình, theo dõi từng việc to nhỏ ở Đông cung, bày đặt đủ loại chứng cớ, may mà Thái tử là do Cao Lực Sĩ khuyên Huyền Tông lập nên họ Cao luôn vì Thái tử mà che chở cho trước Huyền Tông. Lại thêm Thái tử vốn nhân hiếu cẩn thận, chưa từng đắc tội với Dương Quý Phi, nên chẳng có hiềm khích gì bọn người nhà, anh em, chị em họ Dương, lại chỉ dựa thế Quý Phi mà kiêu sa, ngang ngược ngày càng quá quắt. Lúc này trong dân gian ta có câu ca rằng:
Sinh trai ai chớ hội mừng
Dẫu đẻ gái cũng xin đừng vội lo
Trai lêu lổng, gái lấy vua
Xe hương, lọng thắm, biển cờ đầy sân.
Dương Quốc Trung, Dương Tiêm cùng với Hàn, Quắc, Tần ba vị phu nhân nhà cửa dinh thự đều ở ngay phường Nghi Dương, lầu son san sát, chẳng thua gì cung khuyết. Quốc Trung cùng ba vị phu nhân nguyên chẳng họ hàng anh em gì. Trong số ba phu nhân, riêng Quắc phu nhân hơn hẳn về chuyện xa hoa dâm đãng, mỗi lần làm dinh làm lầu, tiền không dưới bạc vạn, nếu thấy dinh thự ai mà hơn, lập tức phá dinh cũ, làm cái mới, công việc thổ mộc chẳng lúc nào yên. Nhà ở của phu nhân, liền cung dinh của Quốc Trung, đi lại rất gần, vô cùng thuận tiện, nên cùng Quốc Trung tư thông. Quốc Trung vào triều có khi cùng kiệu của phu nhân song song mà đi, dân chúng tha hồ mà cười mà chửi rủa, nhưng cả hai điềm nhiên không còn biết hổ thẹn.
An Lộc Sơn cũng có dạo đi lại với Quắc Quốc phu nhân rất thân thiết, lại còn tặng riêng Lộc Sơn một vòng ngọc mà hàng ngày phu nhân rất quý. Lộc Sơn rất mừng, lúc nào cũng đeo ở bên người. Không ngờ trong một lần dự yến, Lộc Sơn thay áo, Quốc Trung thấy được. Lâu nay Quốc Trung ghét Lộc Sơn dám kiêu ngạo cả với mình, trong lòng đã bất bình, nay lại thấy vòng ngọc, nhận ra ngay là vật của Quắc Quốc phu nhân, mới biết hai bên có tư tình lại càng căm ghét Lộc Sơn đến tận xương tủy. Trong nói năng hằng ngày, thỉnh thoảng vẫn ám chỉ chuyện đi lại của Lộc Sơn quá lộ liễu, ngang nhiên, coi thường mọi sự bàn tán, chỉ sợ đến tai thánh thượng, thì tai họa nhất định không nhỏ. Quý Phi nghe Quốc Trung nói, trong lòng vừa nghi ngờ vừa sợ hãi.
Chính là:
Bởi Quý Phi chẳng quý mình
Cấm sao được chúng, phẩm bình nhặt thưa
Lạ gì quán chợ sớm trưa
Khen chê bia miệng ngàn xưa để đời.
Một hôm, Huyền Tông ngồi nhàn trong Chiêu Khánh cung, Lộc Sơn đứng hầu một bên. Thấy bụng Lộc Sơn to che kín cả đầu gối, Huyền Tông chỉ mà đùa rằng:
- Thằng con này bụng to như cái chum. Chẳng biết bên trong chứa những gì?
Lộc Sơn chắp tay mà thưa:
- Trong này không có gì khác chỉ có tấm lòng son, thần đã nguyện đem tấm lòng này mà thờ bệ hạ rồi.
Huyền Tông nghe xong trong lòng rất khoan khoái nào có ngờ:
Giấu kín trong lòng
Ai mà biết được
Miệng khoe lòng son
Bụng đen như mực.
Huyền Tông coi Lộc sơn như kẻ tâm phúc. Lộc Sơn đối với Huyền Tông, trái lại chỉ có lòng phản trắc, lòng lang dạ sói. Kẻ biết ra chỉ giận chưa mổ bụng y, ăn thịt y cho hả dạ, thế mà y vẫn dám mở miệng nói tới lòng son tới con đỏ. Buồn cười cho Huyền Tông vẫn chẳng hay biết gì cả, vẫn một dạ tin là y thành thực, không hề một chút ngờ vực.
Nhân nói chuyện vơ vẩn, Huyền Tông quay ra hỏi tả hữu:
- Quý Phi ở đâu?
Bây giờ là cuối mùa xuân, thời tiết đã ấm áp, Quý Phi đang trong cung hậu, tắm rửa bằng nước lan, cung nga quay ra tâu:
- Nương nương vừa mới tắm xong!
Huyền Tông khẽ cười:
- Người đẹp vừa tắm xong, chẳng khác gì đóa phù dung vừa ra khỏi nước. Cung nga hãy mời Quý Phi ra đây ngay, không cần phải trang điểm gì cả!
Chẳng mấy chốc, Quý Phi đã tới, mới tắm xong, hình dung thế nào, có bài từ "Hoàng oanh nhi" sau đây tả rất hay:
Như trứng gà bóc
Long lanh như ngọc
Da ngát hương thơm
Lả lướt mây đơm làm tóc
Quần là bước hở bước che
Tà áo mỏng, ánh nắng hè lướt qua
Phù dung trong nước hiện ra
Vẻ kiều diễm hãy kém xe Ngọc Hoàn.
Quý Phi lúc này lười chưa trang điểm, chưa khoác đủ áo, tha thướt đi tới, càng lộ vẻ đẹp khác thường. Huyền Tông trông ra, mặt đầy rạng rỡ, lại gặp lúc ngoại quốc vừa tiến cống loại son thơm dị thường liền truyền lấy ban cho, lệnh soi gương thoa ngay, Huyền Tông lại sát bên gương để ngắm cho rõ.
Quý Phi thoa son xong, còn dư một ít ở tay, liền xoa ngay lên ngực, chiếc áo vừa rộng vừa chưa buộc hết giải, trễ ngay ra, hé rõ cả hai vú. Huyền Tông thấy thế, liền xuýt xoa:
- Tuyệt vời! Mềm mềm như miếng phao gà nóng!
Lộc Sơn đứng ngay bên, bất giác buột miệng nói theo:
- Mịn mịn còn hơn tảng sữa đông!
Y nói xong rồi, mới thấy mình quá đường đột, rất dễ bị chết tươi. Quý Phi cũng kinh hãi bởi sự lỡ lời đó, chỉ sợ Huyền Tông lấy làm quái dị, nên toát cả mồ hôi. Bọn cung nga đứng xung quanh cũng nghe rõ những lời này, mặt mày đều hoảng hốt, xanh xám. Huyền Tông riêng vẫn chẳng để ý, lại còn tươi cười chỉ mặt Lộc Sơn mà rằng:
- Thật buồn cười, thằng con tộc Hồ này cũng biết món sữa đông sao?
Nói xong cười ha hả. Quý Phi mới cười theo, tiếp đó là cả bọn cung nga cũng cười hi hi.
Cũng bởi là:
Trừ phi tay đã từng qua lại
Sao biết mềm hơn tảng sữa đông?
Cứ rằng, lòng son lòng đỏ mãi
Cười xòa một tiếng, thêm xong.
Cũng bởi Lộc Sơn thường ngày đùa cợt riêng với Quý Phi đã quen thói, nay ngay trước mặt Huyền Tông, bất giác cũng buông lời bỡn cợt, may mà Huyền Tông không nghi ngờ. Quý Phi vốn đã được Quốc Trung báo trước việc này, nên cũng sợ lộ chuyện, từ đó về sau, mỗi lần gặp Lộc Sơn đều dặn phải cẩn thận, ra vào phải để ý.
Lộc Sơn cũng biết Quốc Trung ghen ghét, trước sau gì Quốc Trung cũng tìm cách trừ khử mình, nhưng lại tính rằng Quốc Trung chưa đáng sợ, mà kẻ gian hùng đáng kiềng mặt hơn cả là Lý Lâm Phủ kia. Hiện nay họ Dương họ Lý đang thân thiết với nhau, cả hai đứa này mà cùng lo việc diệt trừ mình, thì khó mà chống đỡ nổi, chi bằng hãy kiếm một chức gì đó ở bên ngoài, tạm nương náu qua thì, lo công nghiệp lâu dài sau này vậy. Nhưng chỉ sợ Quý Phi cùng Quắc Quốc phu nhân chưa chắc đã chịu cho mình ra, chính vì vậy mà trù trừ chưa quyết.
Dương Quốc Trung thì thầm nghĩ: "Lộc Sơn mai kia nhất định sẽ cùng mình tranh giành quyền hành, ta phải tìm cách trừ chẳng trước thì sau. Khổ nỗi nay y đang được thiên tử yêu vì, lại được Quý Phi cùng Quắc Quốc phu nhân nâng đỡ, không thể một lúc mà có thể xô đổ y cho được. Trước mắt, làm sao mà đẩy y ra khỏi kinh thành, tốt hơn cả là bày mưu chuyển y ra trông coi vùng phiên trấn phương Bắc, rồi sau đó hãy tính việc trừ cho tiệt giống". Toan tính như vậy rồi, gặp ngay lúc Lý Lâm Phủ dâng sớ, nên dùng người Phiên làm các tiết độ sứ phiên trấn.
Nguyên là theo thể chế nhà Đường, các tiết độ phiên trấn, đều dùng người tài lược, cổ uy danh thuộc hàng văn thần. Một khi làm việc này có công huân, sẽ được đưa vào triều làm tể tướng. Nay Lý Lâm Phủ chuyên quyền, định cắt đường các phiên trấn về triều ở ngôi tể tướng, nên Lâm Phủ mới dâng sớ, tâu rằng các văn thần ra chốn biên cương, không quen xông xáo mũi tên hòn đạn, dễ là mối lo cho triều đình, chi bằng dùng người Phiên, vừa dũng lược, vừa thạo chinh chiến, dễ trở thành chỗ dựa cho quốc gia. Huyền Tông chuẩn tấu vì vậy tiết độ sứ phiên trấn lúc này đều dùng người Phiên.
Quốc Trung nhân cơ hội này để đuổi Lộc Sơn ra khỏi triều đình, mới tâu rằng:
- Hà Đông là đất hiểm yếu, cần phải có người Phiên thật thân tín làm chủ, nhưng lại phải có tài thao lược. Ngoài An Lộc Sơn ra khó có người đảm. đương nổi trọng trách này.
Huyền Tông nghe thế, thấy cũng hợp lý, liền triệu Lộc Sơn vào mà phán rằng:
- Khanh đây một lòng son thờ trẫm, đáng ra nên lưu lại nội cung làm thị vệ, nhưng Hà Đông là vùng trọng địa không ai bằng khanh; nay khanh hãy tạm ra trị nhậm ít lâu, rồi lại có dịp sẽ về triều hầu hạ trẫm sau vậy!
Chỉ ban ra phong Lộc Sơn làm Bình Lư, Phạm Dương, Hà Đông Tiết độ sứ, tước Đông Bình Quận vương, lập tức lên đường phó nhiệm. Lộc Sơn nghe mệnh, thấy cũng hợp với tính toán riêng liền đập đầu lĩnh chỉ, vào cung từ tạ Dương Quý Phi, dùng dằng không nỡ rời tay. Quý Phi kéo vào buồng kín, cầm tay mà thì thầm:
- Lộc Sơn đi chuyến này, đều do việc ghen ghét của anh ta mà ra cả đây. Ta cùng Lộc Sơn ái ân hoan lạc đến thế, một sớm xa nhau, thật là khó mà sống nổi. Nhưng Lộc Sơn ở kinh đã lâu, dễ gây lòng ghen ghét với xung quanh nay được ra phiên trấn, không phải là không may đâu, Lộc Sơn hãy cố mưu đồ mai sau, ta sẽ cho người tâm phúc thường xuyên đưa tin, sớm tối trước mặt chúa thượng lưu tâm chiếu cố Lộc Sơn. Hãy đi mà mưu lấy công nghiệp riêng cho mình đừng lo lắng gì?
Lộc Sơn gật đầu ưng thuận, đang dặn dò to nhỏ, cung nga vào thưa:
- Ba vị phu nhân đều đã vào!
Quý Phi đón vào chào hỏi xong, Lộc Sơn cũng ra làm lễ. Quắc Quốc phu nhân nghe nói Lộc Sơn ra đi, rất lấy làm bực bội, nhưng mệnh vua đã ban, chẳng làm thế nào khác. Lộc Sơn cũng thấy không tiện ở nội cung lâu, liền xin cáo thoái. Đến lúc lên đường, Huyền Tông còn gọi vào ban yến. Lộc Sơn tạ ơn, cúi lạy lên đường.
Lý Lâm Phủ cũng bày tiệc rượu tiễn hành, trong lúc nâng chén, Lâm Phủ cất tiếng:
- An tiết độ, ra trấn một vùng biên cương rộng lớn trách nhiệm thật không nhỏ, công việc nên thận trọng, hợp tình hợp lý. Lâm Phủ này tuy ở trong triều, nhưng các việc to nhỏ ngoài phiên dậu đều lấy làm lo lắng, theo dõi hàng ngày. Nay ba trấn lớn được đại nhân làm tiết độ sứ thật sẽ là bình phong vững chắc cho triều đình, xin hãy gắng lo toan.
Những lời này, vừa như cảnh cáo, vừa như tán dương. Lộc Sơn hàng ngày vẫn sợ Lâm Phủ, nghe xong đầy vẻ kính cẩn, từ tốn đáp lại:
- Lộc Sơn này tài sơ, lại lỗ mãng, nay ra coi một vùng rộng lớn, thấp thỏm lo không tròn trọng trách, xin cố nghe theo lời dạy bảo. Việc gì không nên không phải, xin về lâu về dài được sự bảo ban của quan tể tướng.
Nói xong chắp tay kính cẩn van lạy từ biệt lên đường.
Trước đó một ngày, Dương Quốc Trung cũng làm tiệc rượu tiễn hành, mời An Lộc Sơn, Lộc Sơn kiếm cớ chối từ. Hôm nay, Quốc Trung cũng thản nhiên tới đưa tiễn. Lộc Sơn vẫn còn tức tối, mang mặt cao ngạo không thèm đáp lễ. Quốc Trung giận dữ, từ đó thù oán hai bên càng sâu.
Lộc Sơn đến nhiệm sở mới, tra xét người ngựa lương tiền, huấn luyện sĩ tốt tích trữ quân dụng, hành doanh đặt ở Phạm Dương, coi sóc cả vùng Bình Lư, Hà Đông, Phạm Dương, từ Vĩnh Bình phía đông, kéo tới Thái Nguyên phía tây, một khu lợi hại Đông Bắc, đều thuộc quyền cai quản, thanh thế ngày càng rộng lớn, uy quyền ngày càng lừng lẫy, bản thân ngày càng kiêu ngạo.
Người sau có thơ rằng:
Người Phiên nổi loạn nát rào phên
Là tại vua tôi phận đảo điên
Cọp dữ xổng chuồng khôn nhốt lại
Chờ xem đất ngửa với trời nghiêng