Tỉnh giấc trưa hè bước ngại ngần
Ngại vòng lan can
Vẳng nghe làn điệu mới
Ong bay bướm lượn quanh lối
Giọng oanh đưa, tình sao vời vợi
Dưới hoa say mà chiều chưa tối
Nhẹ cuốn rèm châu
Vướng tua bông phơi phới
Tơ lòng bên trời quay từng sợi
Hôm nay đến nơi nao mong đợi?
Theo điệu "Điệp luyến hoa"
Đại phàm lòng người, tĩnh lắm lại muốn động, động nhiều lại mong tĩnh, khó mà có thể học được các bậc chân tu, luyện tính dưỡng tính, suốt ngày này sang ngày khác ngồi trên chiếc chiếu trong tĩnh tọa cho được. Nếu là đàn bà, con gái, thì lại còn khó hơn nhiều, chuyện giàu chuyện nghèo, việc già, việc trẻ, sớm tối xáo động tâm can, nên kẻ thích tĩnh rất ít, người muốn động lớn hơn nhiều. Cứ từ đây mà xem xét, cũng thấy ngay được ý chí, xu hướng của mỗi người vậy.
Quý Nhi bàn:
- Những khúc hát này, chỉ cần hát cho hay, chẳng có gì thú vị cả. Giữa cảnh mùa xuân rạo rực thế này, các chị trông phía trước từng dãy dương liễu xanh xanh, thật là đáng yêu. Mỗi người chúng ta, sao không tự tìm lấy tứ thơ, nhìn cảnh mà ca vịnh, làm một khúc "Dương liễu từ” có phải thú vị hơn không các chị?
Liễu Nương đáp:
- Như thế rồi lại phải tự mình hát. Ai mà hát hay sẽ được tặng thêm một viên minh châu ngọc. Hát không hay, thì phạt uống một cốc rượu, các chị xem có được không?
Cả bốn người đều đáp:
- Được đấy, được đấy!
Thỏa Nương nói:
- Đã làm rồi, lại còn phải hát nữa kia à?
Quý Nhi đáp:
- Không bắt buộc phải hát, viết vào giấy mà đọc cũng được chứ sao?
Nói chưa xong, Tuấn Nga đã nhẹ nhàng gõ phách, giọng trong như oanh hót, khẽ hát:
Dương liễu xanh xanh thật đáng yêu
Một giây, một sợi lạnh tan vèo
Chả cần đào lý tô xuân sắc ,
Đã tháng hai rồi gió ấm reo.
Tuấn Nga hát xong, mọi người đều khen ngợi:
- Chị Tuấn Nga hát như thế, thật là tuyệt diệu chẳng khác gì khúc "Dương Xuân Bạch Tuyết” (l) chị em chúng ta thật không dám mở miệng hát nữa.
1 Dương Xuân Bạch Tuyết: Trong bài “Trả lời câu hỏi của vua Sở” của Tống Ngọc đời Chiến Quốc có câu: “Khi mừng hát khúc “Dương Xuân Bạch Tuyết", thì người trong nước hòa theo chẳng qua chỉ được vài mươi người là cùng". (Điển cố văn học).
Tuấn Nga đáp:
- Xin các chị đừng chế giễu thế, nếu phải phạt một chén rượu cũng xin vâng!
Chưa nói xong thì Thỏa Nương đã lên tiếng, môi hồng khẽ nở, hàm răng trắng đẹp phô đều, tiếng du dương cất:
Dương liễu xanh xanh, xanh đến say
Cành la cành vỗng, những vui vầy
Hỏi rằng dệt được xuân nhiều ít
Chỉ ghẹo chim oanh tối lại ngày
Thỏa Nương ca xong, mọi người lại đều khen ngợi một hồi. Quý Nhi lấy giọng, hết ho lại hắng, mãi mới thành lời:
Dương liễu xanh xanh mấy vạn cành
Cành ôm cành ấp nhớ nhung tình
Trong cung ai gửi lòng mong nhớ
Chỉ có u sầu suốt trống canh.
Quý Nhi hát hết, tất cả đều nói:
- Chỉ có chị Quý Nhi hát là tình tứ hơn cả?
Quý Nhi cười đáp:
- Gượng mãi mới hát nỗi, tình tứ sao được?
Rồi đưa tay chỉ Liễu Nương cùng Bảo Nhi mà nói:
- Chúng ta hãy nghe hai vị này hát thì mới thật thú vị này.
Liễu Nương khẽ cười, cất giọng trong như sáo:
Dương liễu xanh xanh,xuân trói mình
Hình xuân lã lướt nhẹ tênh tênh
Ai ngờ cung cấm không sầu oán
Nghĩ đến xuân, riêng chết cũng đành.
Liễu Nương ca xong, mọi người khen:
- Thật là phong lưu, tao nhã, lại có cảm khái. Tất cả đều nên nhường cho khúc này vậy.
Liễu Nương đáp:
- Các chị đừng làm người khác xấu hổ. Xin hãy nghe tiếng vàng của Bảo Nhi.
Bảo Nhi vội đáp:
- Em mới học các chị cả. Làm sao mà hát được bằng các chị!
Cả bốn người đều khuyến khích:
- Chúng tôi đều hát linh tinh thôi. Chị mới thật là tài nghệ, xin đừng quá khiêm nhường.
Bảo Nhi vốn là người biết trấn tĩnh, nên vẫn ung dung, tay cầm khăn hồng, khẽ mấp máy môi để lấy điệu, rồi phát ra những âm thanh đầu tiên rất thoải mái, nhưng đúng là du dương, trầm bổng, như quấn quýt lấy mọi người, tiếng ca tràn đầy cả hiên tây:
Dương liễu xanh xanh giữ cấm môn
Treo trăng đón gió, tưởng kinh hồn
Chớ khoe mình vẻ xuân tình lắm
Mưa móc ơn vua thấm tận nguồn.
Bảo Nhi hát xong, ai cũng khen. Quý Nhi nói:
- Nếu bàn chuyện ca có uyển chuyển không, âm luật có sai không, tiếng có rõ không, thì chẳng ai bằng Bảo Nhi. Nếu luận cái nghĩa thì ý không quên ơn chúa thượng ở bài từ của Bảo Nhi cũng rõ hơn cả, chúng ta đều không bằng. Chúng ta đều nên lấy ngọc minh châu tặng cho Bảo Nhi.
Bảo Nhi cười đáp:
- Xin các chị đừng cười. Đáng phải phạt rượu mới phải, đâu dám nhận minh châu. Thật là xấu hổ quá, xấu hổ quá?
Liễu Nương nói:
- Đúng là Bảo Nhi cả từ cả hát đều tuyệt diệu. Chúng ta đều đáng phải phạt cả.
Mọi người đang lúc sôi nổi bàn cãi, thì thấy Dượng Đế từ sau bình phong đi ra lại gần, vừa cười vừa nói:
- Các khanh thật là cả gan, làm sao dám trốn trẫm, ra đây ngồi thi hát?
Mọi người thấy Dượng Đế, đều cười đứng ngay dậy thưa:
- Bọn thiếp thi hát ở đây, để xem ai là người hát hay, từ giỏi nhất, không ngờ chúa thượng lại thấy được.
Dượng Đế phán:
- Trẫm đã nghe từ lâu kia!
Thì ra Dượng Đế ngủ dậy, không thấy Bảo Nhi, vội hỏi tả hữu, bọn này thưa:
- Chúng con thấy Viên Mỹ nhân ra phía hiên tây, cùng ca hát với các mỹ nhân.
Dượng Đế bèn lặng lẽ ra theo, đến gần hiên tây, nghe các mỹ nhân người nói, người cười, sợ làm họ mất thú riêng, nên vẫn đứng nép phía sau bình phong nghe từ đầu đến cuối, không sót một câu.
Dượng Đế lại phán tiếp:
- Các khanh chẳng cần phải bàn cãi nhiều. Hãy nghe ta phán xét đây.
Mọi người vội đứng thành hàng, trước mặt Dượng Đế lắng nghe.
Dượng Đế nhìn Quý Nhi, Tuấn Nga, Thỏa Nương cùng Liễu Nương rồi nói:
- Bốn khanh thì bài từ ý tứ phong lưu, lời hát trong trẻo, thật cũng khó kiếm cho được.
Rồi lại chỉ Bảo Nhi mà nói:
- Khanh là lớp đàn em, học hỏi chưa nhiều, nhưng cũng đã biết dùng lời đạt ý, lại xuất lộ được ý không quên ơn mưa móc của hoàng gia, đáng bậc thông minh, mẫn tiệp. Thật đáng mừng, đáng yêu!
Bảo Nhi cũng không biết thưa lại thế nào, chỉ cười.
Dượng Đế lại tiếp:
- Nhưng tất cả các khanh đều làm được một việc rất hay, đều đáng dược trọng thưởng!
Bèn gọi tả hữu, lấy gấm lụa vùng Ngô, cẩm vùng Thục thưởng cho mỗi người hai tấm, riêng Bảo Nhi thì thưởng thêm cho hai viên ngọc minh châu. Dượng Đế thưởng xong bèn phán:
- Khanh không quên ơn mưa móc của hoàng gia, thì hoàng gia cũng không quên ban ơn mưa móc thêm cho khanh.
Bảo Nhi cùng mọi người nhất tề tạ ơn:
- Chúa thượng bình luận rất thông minh.
Dượng Đế thích chí, sai bày yến tiệc, bỗng nghe cách tường tiếng người huyên náo, tả hữu vào tâu:
- Chúng phu nhân đến!
Dượng Đế cả cười nói với các mỹ nhân:
- Các khanh hãy giấu ta đi, chờ cho họ đến, thì nói rằng trẫm không có ở đây.
Tuấn Nga thưa:
- Chúa thượng dạy chúng thiếp giấu chúa thượng ở đâu bây giờ?
Quý Nhi vội nói:
- Ở phía đầu trái, có một tấm bình phong thấp, có thể trốn ở đấy!
Dượng Đế đáp:
- Chỉ sợ lộ phía dưới chân, không được?
Quý Nhi cười thưa:
- Bụi chuối ở phía hòn non bộ trốn là tốt nhất!
Dượng Đế lại cũng chê:
- Chỉ sợ một trận gió, thổi lật lá, trông thấy rõ cả cũng không tốt đâu!
Bảo Nhi cười thưa:
- Có một nơi rất tốt, chỉ sợ chúa thượng không vừa ý lắm.
Dượng Đế cười đáp:
- Cái con bé trơn miệng này, nói mau xem nào? Còn cứ trù trừ mãi.
Quý Nhi vội đưa tay chỉ một cửa khép thông sang nhà bếp phía sau thưa:
- Ở trong ấy rất rộng rãi, phía bên lại có cả chắn song có thể nhìn ra phía ngoài, chẳng sợ ai trông thấy cả, chỉ cần một người theo hầu bệ hạ là có thể trốn được rất dễ dàng.
Dượng Đế nghe nói thế, liền gật đầu cười:
- Hay lắm, các khanh hãy mở rộng cửa ra, để trẫm sang trốn bên ấy!
Mọi người vội mở cửa, Dượng Đế nhẹ nhàng bước sang. Chúng mỹ nhân đóng cửa, cài cả then lại cẩn thận.
Ngay lúc đó, bảy tám vị phu nhân, tay dắt tay tiến vào hiên, chỉ thấy các mỹ nhân đứng đó, nhìn quanh một vòng, chẳng thấy Dượng
Đế đâu cả Dương phu nhân ở viện Minh Hà nói:
- Chúa thượng không có ở đây đâu!
Tần phu nhân ở viện Thanh Tu liền hỏi thẳng các mỹ nhân:
- Chúa thượng ở đâu?
Chúng mỹ nhân cũng đáp lững lờ:
- Chúng tôi không biết.
Chu phu nhân ở viện Thần Quang lý sự:
- Xe rồng đang còn đứng trước cửa viện. Bọn cung nữ còn đứng chờ trước hiên cả. Hay là chúa thượng có phép tàng hình, đến nỗi chúng ta không thấy được?
Lương phu nhân ở viện Cảnh Minh vừa cười vừa nói với Bảo Nhi:
- Những kẻ khác không thấy thì cũng thôi không đáng nói làm
gì. Em thì lúc nào cũng phải theo hầu hạ, làm sao lại không biết chúa thượng ở đâu. Nếu giấu ở nơi nào, nói ra ngay, không chúng ta sẽ có cách đối phó đây.
Bảo Nhi ra vẻ ngơ ngẩn đáp:
- Em là đứa ít tuổi nhất ở đây, làm sao mà dám giấu được chúa thượng ở đâu?
La phu nhân ở viện Nghênh Huy nói:
- Cái con bé này giỏi, chỉ sợ vài năm nữa, lại không thành bà già hay sao?
Chúng phu nhân nói cười ầm ĩ. Tiết phu nhân ở viện Thu Thanh nói:
- Thôi đừng nói linh tinh nữa. Thiếp đã có một cách rất hay đây rồi. Nếu họ cứ nhất định không chịu nói, chi bằng chúng ta bắt cóc con bé Bảo Nhi này đi. Chúa thượng bất kỳ lúc nào cũng phải có nó. Nay không thấy nó, chúa thượng tất phải tới chỗ chúng ta tìm, chẳng phải việc gì mà rối rít cả lên.
Chúng phu nhân reo ùa tán thưởng:
- Đúng đấy! Đúng lắm!
Ai nấy đang định xúm tay vào, thì Hoa phu nhân ở viện Thúy Hoa bỗng thấy bóng người thấp thoáng sau khe cửa, bèn vội la:
- Chúa thượng đây rồi. Thiếp tìm thấy rồi!
Rồi vội vàng men theo hàng cây rậm rạp, mở ngay cửa ra, chỉ nghe bên trong có tiếng cười ha hả, rồi thấy Dượng Đế nhảy ra, vỗ tay cười lớn:
- Giỏi thật, các khanh định bắt cóc con bé của trẫm phải không, như thế thì còn đạo lý nào nữa chứ?
Định phu nhân ở viện Văn An cười thưa:
- May mà có diệu kế của Tiết phu nhân, mới động được thiên nhan, vì vậy mới lộ mất chỗ ẩn bí mật. Nếu không thì ai mà tìm được ổ của chim phượng, vực của rồng thiêng ở đâu.
Từ các mỹ nhân đến các phu nhân được một phen nói cười huyên náo.
Dượng Đế lúc này mới hỏi chúng phu nhân:
- Các khanh cùng đi cả bọn, có việc gì mà lại tới đây?
Tần phu nhân thưa:
- Chúng thiếp đều có đôi tai rất tinh, biết ngay bệ hạ đang ở đây bình phẩm ca từ, nên chúng thiếp cũng muốn đến dự cho vui vẻ.
Tiết phu nhân tiếp:
- Tâu bệ hạ? Họ hát lời từ mới hay cũ?
Dượng Đế liền đem những bài "Dương liễu từ" ra kể lại một lượt Chu phu nhân nói:
- Họ làm việc này cũng hay đấy. Chúng ta cũng nên tìm một đề mục nào đó mà ngâm vịnh, cho vui cảnh xuân, chẳng hơn ngồi đánh cờ hoặc giải câu đố hay sao?
Dượng Đế cười phán:
- Không cần phải bị ràng buộc bởi đề mục. Chỉ cần các khanh tả được lòng mình, chí mình. Chả cứ gì cứ phải đi tìm những đề mục xa lạ làm gì.
Địch phu nhân thưa:
- Đề mục như thế là tốt lắm. Nhưng hiện nay chúng thiếp ở đây chỉ mới có tám người, sao chúa thượng không triệu tất cả đến để cả mười sáu viện đều được tham dự ngâm vịnh, làm thành một thi xã hẳn hoi, có phải là hứng thú hơn không?
Dượng Đế đáp:
- Khanh bàn phải lắm!
Rồi gọi bọn cận thần phán:
- Mau đi gọi cả tám phu nhân các viện còn lại đến đây ngay!
Bọn này lĩnh mệnh, vội chạy như bay đi các nơi. Chính là:
Lan can, màn gấm, trướng đào
Gọn thu mây nước đưa vào từ chương.
Chẳng bao lâu, đã thấy các phu nhân, tô mày điểm mặt, thướt tha kéo đến, lại chào lạy Dượng Đế, chuyện trò với các phu nhân đến trước. Dượng Đế nhìn ra, thấy chỉ có sáu người, vẫn còn thiếu hai: Lý phu nhân ở viện Nghi Phượng và Sa phu nhân ở viện Bảo Lâm, liền hỏi:
- Tại sao Lý phu nhân không đến?
Hạ phu nhân ở Ỷ Âm cười thưa:
- Lý phu nhân chẳng làm sao cả. Chỉ vì bệ hạ chẳng chịu đến viện Nghi Phượng, cho nên phu nhân mắc bệnh tương tư không đến được.
Dượng Đế cười đáp:
- Các bệnh khác, trẫm không biết chữa, duy có bệnh tương tư, đến tay trẫm là bệnh khỏi ngay.
Lại hỏi tiếp:
- Còn Sa phu nhân nữa sao cũng không thấy đến?
Giả phu nhân ở viện Giáng Dương thưa:
- Phu nhân thưa, trong người không được bình thường, nên sợ không dám đến.
Rồi lại tiếp:
- Bệ hạ triệu chúng thiếp đến, có gì để sai bảo ạ?
Tần phu nhân nói:
- Chúa thượng thấy chúng mỹ nhân thi nhau làm từ, ca hát, nên cũng ra đề, để chúng ta cùng làm thơ, làm từ, hoặc tả cảnh hoặc tả tình cứ theo ý mình mà làm.
Phàn phu nhân ở viện Tích Châu tâu:
- Mọi người ngâm thơ vịnh nguyệt đã quen, riêng thiếp mới làm quen với bút nghiên, chỉ sợ làm bẩn mắt chúa thượng thôi!
Dượng Đế đáp:
- Đây cũng chẳng qua là cái thích ý một lúc, cứ làm một vài câu tiêu khiển. Phu nhân không việc gì phải quá khiêm nhường.
Tạ phu nhân ở viện Anh Văn thưa:
- Nếu đã làm văn thơ, thì xin bệ hạ phải có thưởng phạt rõ ràng.
Khương phu nhân ở viện Trí Nhân hỏi:
- Người chấm thi tất nhiên là chúa thượng rồi, thưởng thì thiếp đây chẳng mong đến phần, nhưng phạt thế nào đây?
Hoa phu nhân đáp:
- Ai làm hay thì được thưởng một viên ngọc minh châu, tặng chức khôi nguyên, phạt thì cứ đưa bệ hạ về viện, để bệ hạ "châm cứu” cho một đêm. Sau đó lại bắt thi lại.
Tần phu nhân cãi:
- Nói như thế, ai cũng làm thật dở, thì lấy đâu ra bài hay mà ngâm ngợi, ca hát nữa?
Khương phu nhân ở viện Hòa Minh bàn:
- Chi bằng thế này thôi. Nếu làm dở, thì bày một tiệc rượu, để chiều sẽ ăn mừng. Còn nếu có tứ hay, tưởng tượng giỏi, lời lẽ thanh tân, tất cả sẽ rước người chấm giải đến viện, hoan lạc một đêm.
Chu phu nhân cười nói:
- Cứ như Khương phu nhân nói, thì thiếp chẳng bao giờ biết đến ơn mưa móc của chúa thượng cả.
Dượng Đế nghe các phu nhân bàn cãi, cười mãi không thôi, rồi phán:
- Chúng phu nhân chẳng cần tranh luận nhiều. Cứ lo mà làm cho tốt, trẫm sẽ đối xử công bằng thôi.
Các phu nhân đều cười nói ầm ĩ, xin phép Dượng Đế ngồi xuống bàn, nhiều người lại tản ra chung quanh kiếm chỗ ngồi. Trên bàn giữa viện đã đặt sẵn nghiên bút, giấy hoa tiên, ai nấy yên lặng nghĩ ngợi. Dượng Đế ngồi chính giữa, xem xét chung quanh có người đưa tay chống má phấn, có người nhăn trán chau mày ngài, cũng có người cúi nhìn giải quần, có người ngửa mặt nhìn trời, có kẻ lại đứng dựa lan can, thêm cả người đứng lững thững dạo dưới hàng cây, rồi thì ngậm móng tay, khẽ ngâm, khẽ đọc, hai tay ôm gối, như dại như ngây. Dượng Đế thấy thế, lòng cũng không yên, đứng dậy dạo quanh, chẳng khác nào xem đèn đêm nguyên tiêu vậy, lúc thì mài mực khi thì đọc giấy, rồi ngồi dựa ghế nhìn ngắm khắp các dung nhan, chán thì bước ra hiên, nhìn cảnh ngoài vườn ngự, thật đúng là bậc thiên tử phong lưu không người bì kịp.
Đang giữa lúc đắc ý như thế, một viên nội giám vào quỳ tâu:
- Tâu chúa thượng! Hoàng hậu thấy cây mộc lan ở vườn nở hoa rất nhiều, sai thần đến mời chúa thượng tới thưởng ngoạn.
Dượng Đế nghe thế liền phán:
- Cây mộc lan ở sân, từ ngày có Tây Uyển đến nay chưa ra xem. Nhưng nay lại gặp lúc chúng phu nhân làm thơ từ mà lại đi xem sao? Thôi, hãy chờ ngày mai vậy!
Nội giám thưa:
- Hoàng hậu đã đến sân trồng mộc lan rồi, đang chờ chúa thượng!
Địch phu nhân đứng dậy tâu:
- Chúng thiếp làm thơ, cũng chẳng có gì cần kíp. Chúa thượng nên đi xem mộc lan thì phải hơn. Đừng vì chúng thiếp mà làm hoàng hậu mất cả hứng thú.
Dượng Đế băn khoăn một hồi rồi phán:
- Nếu đã như thế, chúng phu nhân đi với trẫm có nên chăng?
La phu nhân thưa:
- Thế cũng không được. Hoàng hậu không truyền gọi chúng thiếp, bỗng dưng chúng thiếp đoàn đoàn lũ lũ kéo đến, đã không làm hoàng hậu vui, mà có khi còn mang vạ nữa không chừng.
Dượng Đế gật đầu:
- Nói thế cũng đúng, hãy đợi trẫm đến xem tình cảnh ra sao, rồi sẽ sai người triệu chúng phu nhân đến sau vậy. Còn bây giờ hãy cứ ngồi đây mà nghĩ tứ tìm lời làm cho xong thơ từ đi đã.
Nói rồi đứng dậy, chúng phu nhân tiễn ra hiên. Dượng Đế còn quay lại dặn:
- Chúng phu nhân ai lo phận người ấy, đừng làm hỏng cả bài thơ, bài từ của mình.
Chúng phu nhân vâng lời quay vào.
Dượng Đế lại thấy các mỹ nhân vẫn còn ở ngoài hiên bèn nói:
- Các khanh vẫn còn đứng đây cả sao? Hãy theo trẫm đến xem hoa mộc lan nhé!
Cả bọn Bảo Nhi năm người đều vui mừng đi theo. Dượng Đế lên xe rồng, qua viện Minh Hà, viện Thần Quang, sắp tới ngọn Ngọc Sơn của viện Thúy Hoa, thì thấy một chiếc xe nhỏ đi tới, Dượng Đế nhìn kỹ, thì ra là Lý phu nhân ở viện Nghi Phượng. Lý phu nhân thấy xe rồng của Dượng Đế, vội vàng xuống xe, quỳ trước xe rồng. Dượng Đế giơ tay dỡ dậy, rồi hỏi:
- Hay quá! Khanh trốn ở đâu bây giờ mới thấy? Hạ phu nhân nói rằng khanh mắc bệnh tương tư. Trẫm đang định tìm cách chữa chạy cho khanh đây!
Lý phu nhân cười thưa:
- Bệ hạ đừng rỗi hơi mà đến, thiếp chỉ thương hoa tiếc ngọc, tham giấc ngủ nên tới chậm. Cúi xin bệ hạ tha tội. Nhưng không rõ bệ hạ triệu thiếp tới đâu bây giờ?
Dượng Đế bèn đem chuyện các mỹ nhân thi ca từ, các phu nhân định thi thơ, nên gọi đủ người tới dự, rồi lại chuyện hoàng hậu mời tới xem mộc lan, không thể không đi, lại kể một lượt. Lý phu nhân thưa:
- Nếu như bệ hạ tới xem hoa cùng hoàng hậu, thì thiếp có tới viện Thúy Hoa cũng chẳng thú vị gì nữa. Chi bằng thiếp xin về Nghi Phượng, làm xong thơ đưa trình bệ hạ cũng được.
Dượng Đế bảo:
- Nếu như khanh không được khỏe, thì cũng chẳng làm thơ viết từ làm gì. Mai kia hãy làm cũng được, cũng chẳng cần vội vàng. Hay khanh cùng trẫm tới xem hoa mộc lan. Đêm nay trẫm sẽ về viện Nghi Phượng nghỉ ngơi, trẫm còn có chuyện muốn nói.
Lý phu nhân không dám chối từ, Dượng Đế kéo phu nhân cùng lên ngồi xe rồng, âu âu yếm yếm cùng nhau trò chuyện:
- Chẳng bao lâu đã đến nơi. Tiêu Hậu ra đón. Lý phu nhân chào Tiêu Hậu, Tiêu Hậu thưa:
- Thiếp thấy cây mộc lan trong sân, vạn hoa cùng nở, nên mới sai đến đón bệ hạ cùng thưởng thức.
Lại nói với Lý phu nhân:
- Hôm trước được phu nhân sai người tới thăm hỏi đem cho xuyến hoa huệ, đeo thật vừa vặn, lại rất tinh xảo, mấy hôm nay vẫn nhớ. Nay cùng đến với chúa thượng, thật hợp ý ta.
Lý phu nhân thưa:
- Vật nhỏ mọn, gọi là tỏ lòng kính trọng hoàng hậu, đâu dám mong hoàng hậu thương đến.
Dượng Đế nói:
- Ta lâu lắm không đến sân mộc lan, cũng muốn nhìn lại, không ngờ hoàng hậu cũng có ý như vậy.
Cả ba vừa đi vừa trò chuyện, đã tới sân mộc lan, Dượng Đế nhìn tứ phía, chỉ thấy hoa lá đua tươi, muôn hồng nghìn tía.
Thật đúng là:
Hoàng gia phú quý nghiêng trời đất
Cung cấm phồn hoa quá vạn phương.
Dượng Đế cùng Tiêu Hậu đi loanh quanh một hồi, rồi quay vào trong sân uống rượu. Tiêu Hậu bây giờ mới hỏi:
- Bệ hạ đang làm gì trong Tây Uyển mà bị thiếp mời đến đây vậy?
Dượng Đế đáp:
- Trẫm ngủ trưa dậy, thấy bọn Chu Quý Nhi trốn ra hiên sau, thi ca hát, trẫm rình nghe hết. Kể cũng nhiều điều thú vị.
Tiêu Hậu hỏi:
- Có những gì thú vị?
Dượng Đế bèn đem chuyện chúng mỹ nhân ca hát ra sao, mình bình luận thế nào, kể lại tỉ mỉ. Tiêu Hậu nhìn bọn mỹ nhân rồi nói:
- Các khanh giỏi hát thế, sao không thử một vài bài để ta nghe, xem chúa thượng khen ngợi có đúng không nào?
Dượng Đế tán đồng ngay:
- Đúng lắm! Đúng lắm! Để giúp các khanh một tay, cứ mỗi khúc hát, trẫm với hoàng hậu mỗi người uống một chén rượu. Lý phu nhân cũng uống tiếp một chén.
Các mỹ nhân không dám chối từ, đành đem những khúc "Dương liễu từ" mới làm hát lại một hồi. Tiêu Hậu cũng hết lòng cổ vũ. Đến lượt Bảo Nhi, Dượng Đế định khen chuyện Bảo Nhi, không quên ơn sâu nghĩa nặng của hoàng gia, để lưu ý hoàng hậu, không ngờ Bảo Nhi vốn lanh lợi, thông minh, không chịu hát từ cũ, lại đặt ngay khúc mới để hát:
Dương liễu xanh xanh sắp nẩy hoa (1)
Vẻ mày non nớt, phận cung nga
Cửu trùng riêng có trời xuân đó
Đâu dám khoe mưa móc đậm đà.
1 cả sáu bài từ này, bài nào cũng mở đầu bằng bốn chữ "Dương liễu thanh thanh"... Chữ "Dương" này đồng âm với chữ "Dương" họ của vua Tùy, lại cùng đồng âm với Dượng (Dượng, cũng đọc là Dạng, là Dương).
Dượng Đế nghe xong, vừa ngạc nhiên, vừa thích chí khen rối:
- Hoàng hậu hãy xem con bé này, chuyện làm những điều không ngờ. Nó thấy có hoàng hậu ngồi đây, liền hát ngay:
Cửu trùng riêng có trời xuân đó
Đâu dám khoe mưa móc đậm đà.
Đúng là một con bé khiêm nhường, không bao giờ dám nghĩ tới được riêng ơn mưa móc cho mình.
Tiêu Hậu cũng cả mừng:
- Nó tuy tuổi còn ít, mà cũng đã có nhiều tài năng, lại biết dược thân phận của mình.
Liền gọi đến trước mặt, thân rót một chén rượu ban cho Bảo Nhi, rồi truyền:
- Khanh tuổi này còn ít, mà đã biết cao thấp, rõ ràng thân phận, công việc của mình, lúc nào cũng nhớ tới ơn chúa thượng, không dám khoe khoang, thật xứng đáng bậc thục nữ vậy!
Rút ngay một cành thoa của mình, thưởng cho Bảo Nhi. Bảo Nhi cúi đầu tạ ơn, chẳng dám nói gì chỉ ngây mặt ra cười.
Tiêu Hậu nói với Dượng Đế:
- Vừa rồi tay chân nói bệ hạ cùng làm thơ với chúng phu nhân ở viện Thúy Hoa, sao chẳng thấy đâu, chỉ có mỗi Lý phu nhân tới đây thôi.
Dượng Đế chỉ chúng mỹ nhân mà rằng:
- Nhân bọn này thi hát khúc mới, các phu nhân cũng vừa lúc tới, thấy thế, đòi trẫm ra đề mục, để làm cho vui. Lý phu nhân không thấy đến. Mãi tới lúc hoàng hậu vời trẫm tới đây, mới gặp ở Ngọc Sơn, nên cùng với Lý phu nhân tới đây xem hoa cho thêm vui.
Tiêu Hậu nói:
- Lý phu nhân đến đây, hoa thêm vẻ đẹp. Chỉ sợ làm dứt mất hứng thú chấm thơ thưởng từ của bệ hạ chăng?
Mọi người cười nói, Dượng Đế có vẻ như say, muốn đứng dậy tìm chỗ nghỉ ngơi, bèn đi vào phía trong thì thấy trên tường treo một bức họa lớn, đường nét xanh vàng óng ánh, cũng có lâu đài điện các, có cả làng xóm nhà cửa. Dượng Đế đứng ngẩn ra nhìn. Tiêu Hậu thấy thế, sợ xảy ra chuyện gì không hay cho nhà vua chăng, liền sai Bảo Nhi mời Dượng Đế lại bàn uống rượu. Báo Nhi lại mời, nhưng Dượng Đế không chịu lại, vẫn đứng ngây ra nhìn. Tiêu Hậu gọi Bảo Nhi bưng đến cho Dượng Đế một chén trà Long Đoàn mới pha xong. Dượng Đế cũng chỉ nhìn bức tranh, không chịu uống.
Tiêu Hậu thấy Dượng Đế lạ lùng như thế, vội vàng đứng dậy, kéo Lý phu nhân đến bên, khẽ hỏi:
- Đây là nét vẽ tuyệt vời của bậc danh họa, có lẽ bệ hạ vì quá yêu thích, đến nỗi không rời mắt được nữa hay sao?
Dượng Đế đáp:
- Đây là bức họa vẽ cảnh Quảng Lăng, trẫm thấy cảnh này, bỗng nhớ tới phong cảnh Quảng Lăng trước đây, lòng lưu luyến không dứt ra được?
Tiêu Hậu thưa:
- Không biết giữa cảnh thực bên ngoài với cảnh trên bức họa này giống nhau nhiều ít?
Dượng Đế đáp:
- Nếu nói về cảnh sơn thanh thủy tú, liễu biếc hoa kiều, thì bức tranh này sao miêu tả được. Nhưng nếu chỉ nói đến đến chùa điện các thì trông cũng như được thấy trước mặt cảnh Quảng Lăng vậy!
Tiêu Hậu vừa đưa tay chỉ vừa hỏi:
- Con sông này là con sông gì, mà lại có những cánh buồm vòng vèo như thật vậy?
Dượng Đế thấy Tiêu Hậu hỏi, vội lại gần xem kỹ, lấy tay trái đặt lên vai Tiêu Hậu, còn tay kia chỉ lên bức tranh mà giảng giải:
- Đây không phải sông đào, mà chính là sông Dương Tử, sông này chảy từ Tây Trúc về, qua hơn vạn dặm núi cao rừng rậm, chảy thẳng ra biển. Vì vậy nó là đường phân giới nam bắc, từ xưa tới nay đều cho rằng chính tay thượng đế bày đặt, nên sông này càng trở nên nổi tiếng vậy.
Lý phu nhân hỏi:
- Men theo sông là những dãy núi gì mà nhiều đến thế, trình bệ hạ?
Dượng Đế đáp:
- Dãy chính giữa là Cam Tuyền Sơn, dãy bên trái là Phù Sơn, ngày xưa vua Đại Vũ trị thủy cũng đã từng qua đó. Ngày nay ở trên núi vẫn còn miếu thờ Đại Vũ. Dãy bên phải chính là dãy Đại Đồng Sơn Thời nhà Hán, Ngô Vương đã từng luyện đồng để đúc tiền ở đấy, nên mới có tên Đại Đồng. Phía sau là một dãy thấp hơn, gọi là Hoành Sơn, Thái tử Lương Chiêu Minh đã từng đọc sách ở vùng núi này. Bốn phía chung quanh, thì là Qua Bộ Sơn, La Phù Sơn, Ma Ha Sơn Lăng Sơn, Cô Sơn, đều là cửa ngõ của vùng Quảng Lăng cả.
Lý phu nhân lặng lẽ gọi Quý Nhi rót hai chén trà đặc lại. Lý phu nhân bưng một chén mời Tiêu Hậu, còn một chén thì thong thả mời Dượng Đế. Dượng Đế đón lấy, Tiêu Hậu trả lại chén rồi hỏi tiếp:
- Trong này có những thành nào, thuộc vùng nào thưa bệ hạ?
Dượng Đế uống xong chén trà, liền đáp:
- Đây chính là Vu Thành cũng gọi là Cổ Hàn, Câu Thành, chính là kinh đô xưa của vua Ngô Phù Sai thời Chiến Quốc, phía bên có sông nhỏ, chính cũng là sông do vua Ngô đào, để bảo vệ Vu Thành. Tòa thành này án ngữ vùng Quảng Lăng, lại được núi sông gìn giữ. Ngày trước trẫm từng cai quản Dương Châu, ý cũng định xây dựng kinh đô ở đây, để thu hút được tú khí của non sông vậy.
Lý phu nhân hỏi:
- Một tòa thành nhỏ như vậy, làm sao đủ cho bậc thiên tử lập nghiệp, kiến đô?
Dượng Đế cười đáp:
- Phu nhân nhìn trong bức họa thì nhỏ như thế thôi, nhưng ở ngoài thực thì rất mênh mông, tha hồ mà vùng vẫy.
Lại đưa tay chỉ góc tây bắc rồi nói tiếp:
- Chỉ riêng vùng này, cũng đã có tới hơn hai trăm dặm, so với Tây Uyển, cũng suýt soát bằng nhau rồi. Trẫm mà xây đô ở đây, thì cũng có thể dựng đủ mười sáu viện, chẳng kém gì Tây Uyển cả.
Rồi đưa tay chỉ cả các vùng xung quanh:
- Vùng này có thể xây đài, chỗ này có thể dựng lầu, đây thì phải làm cầu, còn đây là có thể đào hồ được.
Dượng Đế thao thao hứng chí tay chân vung vẩy loạn xạ. Tiêu Hậu thấy thế liền cười:
- Bệ hạ mới nói mà đã hứng thú đến thế. Sao không sai người làm nhanh lên, để tiện thiếp, cùng chúng phu nhân, mỹ nhân du ngoạn một chuyến cho thỏa?
Dượng Đế đáp:
- Trẫm vốn đã có ý đó, chỉ giận là đường bộ tuy cũng có ly cung biệt quán, cũng là trạm dịch (1). Nhưng rất khó nhọc phiền toái, lại nhiều phi tần, cung nữ theo sau, rồi đường sá xa xôi, rơi rụng dọc đường, không thể nào mà đi được đâu?
1 Ly cung, biệt quán: Nơi dành riêng cho vua chúa trong khi đi tuần du. Trạm dịch: trạm dành cho quan lại, đi lại và chuyển công văn giấy tờ.
Lý phu nhân thưa:
- Sao không tìm đường thủy, đóng nhiều thuyền rồng, để chúng thiếp cũng có thể tham dự mà vẫn nhàn nhã?
Dượng Đế cười đáp:
- Nếu có đường thuỷ như thế, thì chẳng phải chờ đến ngày nay.
Tiêu Hậu hỏi:
- Nếu không có đường sông nào khác, thì cũng có thể theo sông Dương Tử mà đi không được sao?
Dượng Đế đáp:
- Như thế thì quá xa, mà cũng không có đường thông đâu?
Tiêu Hậu lại gợi ý:
- Bệ hạ chẳng nên nhất quyết đến thế. Ngày mai hãy vời các quan bàn bạc xem sao. Biết đâu có đường thủy nào đó mà chưa biết thì sao. Giờ thì hãy cứ uống rượu đi đã, việc gì mà mua sầu chuốc não vội.
Dượng Đế liền kéo tay Tiêu Hậu, ba người lại ra trước sân ngồi uống rượu. Người này một chén, người kia một chén, uống cho đến khi lên đèn, Lý phu nhân đứng dậy, xin phép Dượng Đế và Tiêu Hậu về viện. Dượng Đế không đáp, chỉ quay lại nhìn Tiêu Hậu. Tiêu Hậu biết ý Dượng Đế, lại thêm tính tình Lý phu nhân vốn hiền lành, ngày thường vẫn thường luôn tới cung thăm hỏi vì vậy được Tiêu Hậu đối xử rất thân thiết, nên Tiêu Hậu bèn giữ lại:
- Phu nhân chứ có phải ai khác đâu, hãy ở lại với ta đêm nay, có gì phải nghi ngại. Phương chi bệ hạ cũng có ở đây, không để phu nhân phải lạnh lùng đâu?
Dượng Đế cười đáp:
- Hoàng hậu có chỗ không rõ, Lý phu nhân mấy hôm nay trong người không được khỏe, trẫm phải đưa tới đây để khuây khỏa ít nhiều.
Tiêu Hậu liền cười:
- Người không được khỏe, cũng chẳng có gì dáng ngại cả. Cứ ở lại đây chờ chốc nữa hoàng hôn xuống, ta sẽ nói với bệ hạ cho một lá bùa, nhất định sáng mai tinh thần sảng khoái hơn ngay thôi mà!
Lý phu nhân chỉ đành bưng miệng mà cười, lại thấy Tiêu Hậu ân cần, uống thêm mấy chén rượu, rồi cùng Dượng Đế, Tiêu Hậu vào cung nghỉ ngơi.
Đuốc hoa hai ngọn nhà vàng
Đồng tâm kết giải, buộc ràng đuốc hoa.
Ngày hôm sau, Dượng Đế thiết triều, quần thần cũng bàn bạc, tìm đường thủy thông thẳng tới Quảng Lăng, để vua tuần du. Quần thần đều tâu:
- Đường bộ đã có, chúng thần chưa từng nghe có đường thủy nào có thể thông thương được?
Dượng Đế cứ nhất định bắt quần thần phải nghĩ cách đào một con sông đào. Các quan mặt ngẩn nhìn nhau, không biết thưa bẩm thế nào, ai nấy bàn cãi một hồi, rồi đành tâu lưỡng lự:
- Chúng thần ngu muội. Xin bệ hạ hãy khoan khoan, để chúng thần còn bàn bạc với các bộ, các châu quận xem sao, rồi sẽ xin tâu trình chu đáo.
Dượng Đế bằng lòng, truyền chỉ bãi chầu, quay vào hậu cung.
Chính là:
Sằng này tiếp bậy kia
Dục vọng ôm kè kè
Non sông dù như đá
Cũng phải tan tành cả!