Tướng mệnh khảo luận

Phần một - A -

Bài từ của Mông Chính viết:

Văn chương cái thế như Khổng Tử mà còn khốn ách ở nước Sái, nước Trần, vũ lực siêu quần như Lã Vọng đành ngồi câu cá nơi sông Vị. Thầy Nhan Hồi chết yểu đâu phải vì thầy là con người hung bạo. Bọn đầu trộm đuôi cướp lại sống lâu, chúng nào có lương thiện gì. Vua Nghiêu, vua Thuấn là những đấng minh quân sinh ra lũ con vô lại. Ông Cổ Tẩu tâm tính ngang ngược thì con cái toàn người hiếu thuận. Cam La 12 tuổi làm thừa tướng. Mãi Thần năm mươi được công khanh. Án Anh thấp bé vua Tề phong cho chức tể tướng. Hàn Tín trói gà không chặt lên ngôi vị thống súy Hán Triều. Lúc chưa gặp thời, cơm không đủ ngày 2 bữa, khi vận hanh thông đoạt tam ấn Tề Vương. Triệu Xong nắm giữ hùng binh nhiều nước, một sớm một chiều hết thời chết trong bụi rậm. Lý Quảng tay không đánh chết hổ suốt đời vô tước lộc. Phùng Đường tài an bang tế thế đến già vẫn chưa có chỗ dung thân.

Thượng cổ thánh hiền, chẳng ai trốn thoát vòng số mệnh âm dương.

Con người lúc sinh ra hấp thụ khí âm khí dương, chịu ảnh hưởng vận chuyển sinh khắc chế hoá mà thành số mệnh tướng cách khác nhau.

Số mệnh tướng cách khác nhau sinh ra chết sống, giàu nghèo sang hèn, bĩ thái cùng thông, thọ yểu thông qua thiên bẩm, cơ hội kết cục càng thêm muôn hình muôn vẻ.

Cổ nhân sau ngàn, vạn năm kinh nghiệm đã hạ bút đặt định nghĩa dứt khoát cho vấn đề bằng câu: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên”.

Những giọt lệ anh hùng xưa nay phần lớn liên hệ đến tướng mệnh. Sinh thời Khổng Minh thường hoài bão cái chí: “Ở đời khác thường, làm sự nghiệp phi thường, cùng thì tự tốt lấy ta, đạt thì đem hạnh phúc cho thiên hạ”.

Rút cuộc, sự nghiệp phi thường nửa đường đứt gánh, độc thiện kỳ thân chẳng xong, kiêm thiên hạ cũng hão huyền. Mặc dầu ông đã cố gắng hết mình cúc cung tận tụy đến chết mới thôi, cộng với cái tài lược hơn người, thế mà tâm trạng Gia Cát Khổng Minh lúc chết thật bi ai. Gượng bệnh sai tả hữu vực lên chiếc xe nhỏ ra trại đi xem các chỗ đóng quân. Gió thu thổi mạnh lạnh buốt tới xương, mới thở dài than rằng:

Từ đây ta không còn được ra trận đánh giặc nữa

Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi

Muôn việc chẳng qua do số vận

Người sao cưỡng được lòng trời”.

Cái lý do gây ra Cổ kim đa thiểu anh hùng lệ là tại anh hùng nan dữ mệnh tranh hoành (Anh hùng cũng khó chống lại số mệnh).

Việc đời thiên hình vạn trạng, sớm thay chiều đổi không đi ra ngoài vòng thiên số.

Bởi thế, cụ Trạng Trình mới dạy người sau:

Khôn cũng chết, dại cũng chết. Biết thì sống”.

Biết ở đây có nghĩa là Tri mệnh.

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỂ CHỨNG MINH HAI CHỮ TRI MỆNH

Chu Á Phu đương thời trọng nhậm chức Thái thú tỉnh Hồ Nam, đến nhờ Hứa Phụ xem tướng cho mình. Hứa Phụ nói:

Ba năm nữa ông được phong hầu.

Tám năm nữa ông là tể tướng.

Mười năm nữa thì ông chết đói.

Chu Á Phu cười mà rằng:

- Đã phú quý tột đỉnh như thế sao còn chết đói, xin tiên sinh chỉ dạy cho tôi biết tại sao?

Hứa Phụ nói:

- Pháp lệnh (hai vết từ mũi xuống cằm) chạy vào miệng, theo tướng pháp gọi là rắn lao vào trong miệng là tướng chết đói. Ông có tướng đó.

Quả nhiên chính trị biến động. Chu Á Phu bị giam cầm, năm ngày không ăn thổ huyết mà chết.

Hứa Phụ xem tướng cho Đặng Thông bảo pháp lệnh nhập khẩu thế nào cũng chết đói.

Vua Hán Văn Đế không chịu phán rằng:

- Đặng Thông là triều thần của trẫm, phú quý của Đặng Thông do trẫm định đoạt, trẫm có thể cho Đặng Thông cả núi đồng để đúc tiền.

Về sau, Đặng Thông chết đói trong nhà một nông dân đúng như Hứa Phụ tiên đoán.

Vua Hán Văn Đế gọi Hứa Phụ vào thưởng cho châu báu rất nhiều.

Hứa Phụ coi tướng Ban Siêu nói:

- Hàm én, đầu hổ bay mà ăn thịt thực là tướng vạn lý phong hầu.

Ít lâu sau, Ban Siêu bỏ văn theo võ, lập đại công uy chấn miền Tây Vực được phong làm Định Viễn Hầu.

An Lộc Sơn lúc nhỏ nghèo hèn, đi ở hầu cho Trương Thủ Khuê. Lúc rửa chân cho Khuê bỗng ngừng tay chăm chú nhìn. Khuê hỏi:

- Mày nhìn gì thế?

Lộc Sơn thưa:

- Tại tôi thấy bàn chân trái ngài có nốt ruồi lớn.

Khuê bảo:

- Đấy là cái tướng phất cờ khởi loạn của tao.

An Lộc Sơn vái chủ rồi nói:

- Thưa ngài cả hai bàn chân tôi đều như vậy.

Khuê hết sức ngạc nhiên.

Về sau An Lộc Sơn làm loạn đốt cháy kinh đô nhà Đường, khiến Đường Minh Hoàng phải bỏ chạy.

Thần Phóng ẩn cư nơi thôn dã đến thăm nhà tướng học uyên thâm Trần Hy Di.

Phóng cải dạng làm tiều phu. Trần Hy Di trông thấy cười mà rằng:

- Tiên sinh tiều phu, 20 năm nữa tiên sinh là bậc nhị phẩm nhân thần, thiên hạ ai cũng biết tiếng.

Đúng 20 năm sau, Thần Phóng làm giám nghị đại phu rồi thăng chức Công bộ thượng thư.

Đời Hậu Hán, Vương Mãng có tướng lạ, trán cao dô, mắt đỏ con ngươi vàng, tiếng nói oang oang, quyền cao, mũi lớn, miệng rộng.

Công Tôn Đề bảo Vương Mãng:

- Đầu hổ, miệng hổ, tiếng như beo nếu không ăn nổi người tất bị người ăn.

Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán không được bao lâu thì bị giết.

Ông Thánh Thán, nhà phê bình văn học danh tiếng đời Thanh.

Giao du rộng, bạn bè nhiều, có những tay tướng mệnh học tài giỏi thường ăn ngủ trong nhà Thánh Thán. Coi tướng cho Thánh Thán, người nào cũng tỏ ra thương tiếc, mười người xem thì cả mười người đều phê tướng cách Thánh Thán là sẽ bất đắc kỳ tử, lúc chết thây không toàn vẹn.

Kết cuộc, Thánh Thán bị kết tội chém ngang lưng.

Tào Tháo sai thích khách đi ám sát Lưu Bị. Thích khách vào yết kiến Bị để bày kế diệt Tào. Bị rất hợp ý, nói chuyện thật tương đắc. Chợt Khổng Minh vào. Thích khách mặt biến sắc. Khổng Minh nhìn người khách lạ rồi ngồi yên lặng. Thích khách đi tiểu tiện. Lưu Bị bảo Khổng Minh:

- Đó là một kỳ sĩ, có thể giúp cho ông.

Khổng Minh thở dài bảo Lưu Bị:

- Người ấy sắc động thần huy, gian hình ngoại lậu tà tâm nội tàng. Tôi chắc hắn là thích khách của Tào Tháo sai phái tới đây.

Lưu Bị cho người đuổi theo bắt thì thích khách đã chạy trốn rồi.

Dương Quý Phi lúc nhỏ chạy chơi ngoài đồng ruộng. Có thầy tướng họ Trương trông thấy nói:

- Người đại phú quý sao lại ở đây?

Bạn hữu họ Trương hỏi:

- Con bé quý đến bậc tam phẩm không?

Trương đáp:

- Hơn thế nữa.

- Nhất phẩm?

- Hơn nữa.

- Thế chắc phải là Hoàng hậu?

- Cũng chưa đúng hẳn.

Dương Quý Phi là một trong bốn người đẹp nhất của Trung Quốc, từng làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đường.

THUỞ TRỜI ĐẤT NỔI CƠN GIÓ BỤI

Trời đất nổi cơn gió bụi là động cơ chính để xoay chuyển vận mệnh con người.

Một nhà trí thức rời Hoa Lục qua Hương Cảng sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc nắm chính quyền có làm bài thơ ngũ ngôn sau đây:

Danh sĩ kim trùy thạch

Tướng quân học tú hoa

Phu nhân cánh hạ hải

Tiểu thư diệc đảo sa

Bộ trưởng cam ti siển

Tài thần nhẫn xuất gia

Chỉ nhân đào họa loạn

Luân lạc đáo thiên nha”.

Nghĩa là:

Danh sĩ đi xay gạo giã thịt

Ông tướng cầm kim chỉ thêu gối thêu khăn lấy tiền

Các bà mệnh phụ xuống biển chở đò

Tiểu thư khuê các gánh nước, giặt thuê

Bộ trưởng làm anh bán vé xe điện

Phú ông lang thang đầu đường xó chợ

Tất cả chỉ vì chạy loạn

Nên mới lênh đênh góc biển chân trời”.

Thế sự là như vậy. Tất cả là biến dịch. Đời sống con người đưa đẩy trong cái dịch đó. Động biến, cùng, thông, sinh, tự hoá, đúng thời, đắc vị là căn bản cho xã hội nhân sinh.

Lý lẽ của tướng mệnh ở đấy mà ra.

Những hoàn cảnh: Bèo dạt hoa trôi, cúc tàn gặp mưa, cá ao thoát lưới, hổ về rừng, yến tiệc hoa đăng v. v..., nhất nhất cũng từ đấy mà thành.

Cơn gió bụi, tri loạn là gốc nguồn của khí số vận mệnh tạo nên vinh hoa, toả chiết, thất bại, hung tai, hỉ sự cho kiếp người.

QUAN HỆ TƯỚNG SỐ GIỮA TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN

Nói đến tướng lý và số lý, người ta thường gặp câu hỏi móc họng:

- Ối dào, tướng với số chỉ lắm chuyện. Thế cả cái tàu chìm ở ngoài khơi thì tất cả người trên tàu cùng một số một tướng chắc. Quả bom nguyên tử thả ở Hiroshima chết trong mười phút cả mấy trăm ngàn thì tướng với số ở đâu?

Móc họng như vậy thật cũng khó trả lời. Nhưng nếu cũng đem một câu hỏi móc họng khác ném ngược trở lại rằng:

- Vậy ở Hiroshima chết cả trăm ngàn nhưng có một số người cùng chung hoàn cảnh hệt như nhau mà thoát chết thì khoa học giải nghĩa ra sao?

Câu trên cũng chẳng dễ gì trả lời được. Nếu câu hỏi trước lôi người ta ra khỏi màng lưới của số mệnh tướng cách thì câu hỏi sau lại du người ta vào. Và cuộc cãi vã cứ giằng co mãi không phương cách gì chấm dứt.

Nhưng giữa khi đó thì bản thân số học và tướng pháp nảy sinh ra vấn đề: “Tướng tập thể”. Về “tướng số đông” này có một lối giải nghĩa khác nữa là “vận nước”.

Trong thời kỳ Trung Hoa kháng chiến chống Nhật bản, có 2 vị là Lâm Canh Bạch nhà đoán số nổi danh và Đào Bán Mai nhà xem tướng kỳ tài vốn bạn chơi rất thân với nhau, cho nên hai vị đã cùng nhau cộng tác để làm những thực chứng để mà giải đáp vấn đề. Xem tướng đoán số tập thể để đoán định thời cuộc.

Một hôm họ gặp nhau tại Bảo quán Tân Cương, Đào Bán Mai hỏi Lâm Canh Bạch đã phát hiện được ra điều gì mới lạ sau khi xem số cho nhiều người?

Họ Lâm nói:

- Về các yếu nhân trong chính phủ thì chưa thấy có gì khác lạ mới mẻ. Chỉ riêng có số của Thị trưởng Trùng Khánh là Ngô Quốc Trinh thì năm nay là năm đại bất như ý. Đồng thời xem cho đa số dân chúng Trùng Khánh thấy trong một trăm lá số có đến cả bẩy chục lá số rất xấu năm nay.

Đào Bán Mai mới căn cứ vào lời nói của bạn, mấy ngày hôm sau liền, ông tìm nơi công cộng lắm người đi lại mà sử dụng đến tài của mình. Trường hợp này, xem tướng giải quyết vấn đề tương đối dễ dàng hơn xem số. Bởi vì dù gặp người không quen, dù họ không mời vẫn đoán được như thường. Lạ thay, khi vận dụng nhãn lực với tướng pháp ra nhìn thiên hạ, Đào Bán Mai tiên sinh thấy khí sắc những người ở đây quá nửa là tướng chết bất đắc kỳ tử mà thảm hoạ sắp đến rồi, chỉ trong vòng 3 tháng. Sợ rằng đất Trùng Khánh này tai nạn đến nơi. Trong lúc chiến tranh, tai nạn không khỏi 2 điều: bị luân hãm hoặc bị máy bay ném bom. Đất Trùng Khánh tính trên chiến lược không thể nào bị luân hãm được, chỉ còn là vấn đề máy bay ném bom.

Đào tiên sinh nghĩ rất hợp lý. Vì nếu Trùng Khánh bị giặc chiếm, tất nhiên số mạng các yếu nhân chính phủ ít nhất dịch mã phải động, nghĩa là phải rời đi, nhưng theo như Lâm Canh Bạch thì không.

Còn số mệnh của ông thị trưởng Ngô Quốc Trinh thì bất quá chỉ là số mạng một cá nhân không quan thiết đến đại cục.

Cái đáng kể là Lâm Canh Bạch xem thấy nhiều số xấu rồi đến Đào Bán Mai trông thấy nhiều tướng xấu. Hai người bàn với nhau mà lo. Nhưng ai dám nói cho mọi người hay chuyện lạ khó lòng tin được ấy.

Hai ông bàn nhau: Tất nhiên nếu có thảm họa thì Trùng Khánh chỉ có thảm họa bị máy bay oanh kích. Nói đến máy bay oanh kích thì hơi khó xảy ra thảm họa to tát bởi vì hệ thống hầm hố ở Trùng Khánh rất chắc chắn. Vậy thì tướng số sai chăng? Không thể như thế được. Cá nhân còn có thể sai, chứ tập thể làm sao sai? Vả lại “tử vong khí sắc” Đào Bán Mai tiên sinh thấy càng ngày càng nặng thêm không giảm bớt chút nào.

Mối hoài nghi cứ dày vò mãi 2 nhà tướng số.

Không bao lâu sau, cách cuộc gặp gỡ của hai vị tướng số chừng 38 ngày thì thảm họa lịch sử Trùng Khánh xảy đến. Hàng vạn người chết chẳng phải vì dịch tễ, chẳng vì bom đạn mà vì chết ngạt ở dưới hệ thống hầm hố. Số người chỉ ngất xỉu đi thôi cũng bị vất lên xe đi chôn tập thể.

Tướng và số tập thể như vậy không phải là chuyện ngoa ngôn.

Đất nước chúng ta ngày nay nếu ai để ý ít nhiều tất sẽ thấy ngay trẻ con thuộc thế hệ người Việt lớp sau này đều đẹp đẽ sáng sủa hơn lớp trước mặc dầu chiến tranh miên man, mặc dầu rối loạn không ngừng. Tướng tập thể của lũ trẻ Việt đó báo hiệu một tương lai tốt cho giang sơn Việt Nam.

TƯỚNG TẬP THỂ ỨNG VÀO VIỆC THIÊN ĐÔ CỦA CHÍNH PHỦ KHÁNG CHIẾN

Ở Hồng Khẩu, trước kháng chiến 5 tháng, tướng gia Đào Bán Mai gặp người bạn mời ăn cơm trưa. Ông bạn này biết tài của họ Đào nên trước đông anh em, ông bạn yêu cầu tiên sinh xem tướng cho tất cả bọn.

Bữa tiệc có khoảng chừng bẩy tám chục người. Đào Bán Mai phát hiện tướng của họ đều chung một điểm giống nhau là sắc tướng có khí mờ ám và có dấu hiệu rời đổi chỗ ở.

Khí sắc mờ ám là có sự “bất như ý”, “tiểu phá tài”.

Khí sắc thiên di là chỉ trong nội một thời gian ngắn tất đổi rời nơi cư ngụ.

Tướng thì thế, nhưng sự thực thì khó lòng chứng minh quá. Ai nấy đều có công ăn việc làm thì dại gì mà đi đâu. Ấy vậy mới kỳ. Nghe Đào tiên sinh nói họ cười thầm. Nhưng họ cười chẳng bao lâu thì chiến tranh bùng nổ. Nhật ào ạt đổ lên Hồng Khẩu, toàn thể dân Hồng Khẩu “khăn gói gió đưa” lên đường tản cư.

Một nhà tướng số khác sau khi xem số và tướng cho các yếu nhân trong chính phủ như Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ, Lâm Xâm v. v... đã thi ra một điểm lạ. Trong cung thiên di của quá bán các yếu nhân đó đều thấy dịch mã nên quyết đoán như sau: Chính phủ tất phải rời Nam Kinh và đi về phía Tây. Quả nhiên chính phủ mấy tháng sau chuyển lên Vũ Hán rồi đến Trùng Khánh.

TRI NHÂN THIÊN NHIỆM - BIẾT NGƯỜI ĐỂ DÙNG NGƯỜI

Học tướng pháp để xem ai sẽ chết non, chết yểu hay thọ bẩy tám mươi, hoặc ai sẽ giàu có nứt đố đổ vách hay nghèo rớt mồng tơi. Nhưng đấy mới chỉ là phần tìm hiểu vận mạng một người.

Nhưng tướng pháp còn đem lại cho chúng ta một điều hữu ích khác là biết người để dùng người, biết người làm bạn, biết người để cùng mưu toan việc lớn.

Những độc giả nào đã đọc Tam Quốc Chí chắc chưa quên cái tướng Ngụy Diên chói xương phản chủ mà Khổng Minh Gia Cát biết trước để phòng trong cẩm nang giao cho Mã Đại xử tội.

Trong vở kịch của nhà đại văn hào Anh Shakespeare, vở César, có đoạn: César nhìn thấy Cassius bèn bảo cận thần của ông rằng:

- Các ngươi hãy canh chừng tên Cassius kia. Vóc nó gầy guộc với đôi mắt võ vàng của nhiều đêm không ngủ. Ta sợ những người như hắn. Hắn đang mưu toan hại ta đó.

Từ cổ xưa, lịch sử nhiều lần chứng minh rằng: Tất cả thành công hay thất bại quá nửa thu vào hai chữ dùng người.

Hán Cao Tổ Lưu Bang sau khi thành công rồi, một hôm hội họp quần thần lại mà hỏi:

- Các ngươi có biết tại sao từ áo vải chân trắng mà lên được ngôi thiên tử chăng?

Quần thần nịnh hót, tán nhảm tán nhí rằng ngài giỏi, ngài gan dạ, ngài anh minh, ngài quân tử.

Để cho tâng bốc hồi lâu, Lưu Bang mới vuốt râu cười khe khẽ nói:

- Không phải, các người nói sai bét, sai bét.

Đám quần thần thấy những câu nịnh của mình trật lất nên người nào người nấy ngồi ngẩn mặt ra.

Bấy giờ Lưu Bang mới chậm rãi phán rằng:

- Ta tài quyết liệu quân cơ không bằng Trương Lương, tài tính toán đôn đốc quân ngũ không bằng Tiêu Hà, tài chỉ huy chiến sĩ xông pha chiến trường không bằng Hàn Tín. Thế mà ta ngồi ở trên cao nhất chính là nhờ ta biết người và dùng người đúng chỗ vậy!

Ông Gia Cát Lượng khi còn nằm tại núi Ngọa Long đã viết ra thiên “Tri Nhân” (biết người) trong tập Tướng Uyên như sau:

- Tính người thật khó hiểu. Dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối. Kẻ trông hiền lành nhu thuận mà vô đạo, kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ. Kẻ trông rất hùng dũng nhưng lại nhát sợ (kiểu các cụ đồ thường nói là già gi... non hột, dọa đánh người rồi không dám đánh). Kẻ có vẻ thật tận lực mà rất bất trung.

Tuy nhiên, biết người cũng có bẩy cách:

a) Đem điều phải lẽ trái hỏi họ để biết chí hướng.

b) Lấy lý luận dồn họ vào thế bí để biết biến thái.

c) Lấy mưu trí trị họ để trông thấy kiến thức.

d) Nói cho họ những nỗi khó khăn để xét đức dũng.

e) Cho họ uống rượu say để dò tâm tính.

f) Đưa họ vào lợi lộc để biết tấm lòng liêm chính.

g) Hẹn công việc với họ để đo chữ tín.

Như thế, thuật “Tri Nhân” của Khổng Minh xây dựng trên 2 điểm căn bản:

1) Hình tướng (phải học tướng pháp để khỏi lầm cái hình dáng bên ngoài).

2) Tâm tướng (cách phát hiện tâm lý người khác trong khoảng khắc).

Đấy tướng pháp quan trọng như thế đó. Dù đi buôn bán, hùn vốn làm kỹ nghệ hay mọi công việc chỉ có hai người trở lên mà chỉ có chút phản tướng vào đấy thôi là tất cả hỏng hết. Nữa là làm chính trị!

Xin đưa vài tỷ dụ:

a) Người ”bé gan” thì mục châu (con ngươi) nhỏ mà vàng. Toàn mắt đen với vàng không rõ rệt nó lờ mờ. Mũi ngắn, thân hình dài hơn chân, nói lao xao nhưng không thực. Mặt trắng bệch, tính tình tham, thích thủ lợi (xin nhớ chỉ cần phạm vào một tướng trên đây cũng đủ).

b) Lông mày thưa, xương mặt dưới lông mày không gò lên mà lõm xuống. Hai mắt đột lộ lại đỏ. Trông bất cứ việc gì hoặc ngước lên hoặc gầm xuống không dám nhìn thẳng. Lưỡng quyền nằm ngang, quá cao ép bên cái mũi bất tương xứng. Mũi vẹo, mũi không đầy đặn, mũi như móc câu. Trên lưỡng quyền có những vết nhăn đi ngược, sách tướng gọi là văn loạn quyền phá là tướng của những tên phản trắc.

c) Tướng người hiếu sắc thì thần của 2 mắt lúc nào cũng lờ đờ như say rượu, gọi là tuý nhãn. Nếu sóng mắt lúc nào cũng rạt rào gọi là dâm nhãn. Mắt vui ưa nhìn nhưng chứa chất tính cách hỉ hoan tình ái gọi là đào hoa nhãn.

d) Tướng loại người gian điêu thì mắt không đau mà lúc nào cũng đỏ. Hai mắt khuyết hãm. Nhưng nguy hiểm nhất là tướng mũi khoằm tựa mỏ diều hâu, có điều là cái mũi ấy thường làm cho người khác hay tin nghe bởi vì nó còn là tướng biểu lộ tài “khéo chiều lòng”.

TỤC NHÃN VÀ TƯỚNG NHÃN VỚI CÁI THÚ XEM TƯỚNG

Đây là một câu chuyện nghiên cứu về tướng phụ nữ. Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường nói chữ “đẹp”. Chữ đẹp để chỉ đồ vật, phong cảnh, thái độ, thời tiết. Nhưng chữ đẹp hay dùng đến nhất là chữ đẹp chỉ định người đàn bà. Khi nói vào tướng số, người ta không thể áp dụng nghĩa chữ đẹp thường tình. Đẹp của con mắt tục khác và đẹp của con mắt tướng khác xa nhau.

Trước khi bàn đến cái đẹp của tướng nhãn, ta hãy nói qua cái đẹp của tục nhãn.

Phân biệt vẻ đẹp mỹ nhân, người phương Đông chia làm hai loại:

a) Liễu yểu mềm nhẹ như thanh liễu. Uyển chuyển có thể bay bổng lên được nếu gặp gió.

b) Đầy đặn mơn mởn như hoa mẫu đơn đượm sương mai.

Thực ra chẳng riêng người phương Đông phân biệt như vậy. Ở phương Tây cũng thế, đẹp “vamp” và đẹp mảnh khảnh như người Anh (beauté anglaisse).

Các nhà nho ngày xưa đã thêu dệt bằng chữ nghĩa những cô nàng vóc liễu mình mai bằng những câu:

Ngọc thụ lâm phong (cây bằng ngọc đứng trước gió)

Quỳnh lâm ánh nguyệt (rừng hoa quỳnh một đêm trăng sáng)

Thu vân thổ hỏa nguyệt (mây thu nhả hoa trăng)

Xuân phong phất lý hoa (gió xuân làm lay động hoa lý)

Các ông nhà nho khác ưa vẻ đẫy đà, đầy đặn thì nhả văn ca tụng bằng những câu:

Hải đường hàm thần lộ (hoa Hải đường ngậm giọt sương)

Đào lý ánh chiêu hà (bông hoa đào buổi bình minh)

Nhất tiếu bác mị sinh (nụ cười nở trăm vẻ duyên)

Ta vẫn nói: “Thấy người đẹp mà không biết rằng đẹp tức thị là hạng không có mắt”.

Tuy nhiên, đẹp là một vấn đề không dễ dàng như ta tưởng. Ta hãy nhìn vào lịch sử hội hoạ kể từ Léonard de Vinci cho đến Picasso, quan niệm về đẹp đã biến đổi khá nhiều. Còn riêng cái đẹp đàn bà thì tư tưởng càng cao, vẻ đẹp càng trở nên khó để tiến tới mức đẹp. Ấy là nói vào lĩnh vực trừu tượng. Kéo lùi về thế tục thì ta nhìn thấy người đàn bà đẹp, đấy mới chỉ là bước đầu. Bước thứ hai ta ngắm và lẽ dĩ nhiên, mức đòi hỏi của ta lên cao hơn, lúc bấy giờ ta nghĩ thêm: à đẹp thì đẹp thật, nhưng vô duyên, đẹp mà vô duyên là cái đẹp đần độn, lạnh nhạt. Bước thứ ba phê bình của ta sẽ thuộc về khứu giác, phàm đẹp thì phải thơm, thứ thơm tự nhiên thân thể tiết ra. Trong trường hợp nhờ vào thơm chế tạo thì kém rồi, chẳng khác gì nước dùng phở mang vị ngọt mì chính. Cứ như vậy đến bước thứ tư, thứ năm v. v...

Còn như vẻ đẹp đối với con mắt coi tướng thì đã đi vào chỗ huyền chí diệu, đôi lúc nó vượt hẳn, trái hẳn con mắt tục.

Nhìn xem trong chốn cao lâu, tửu quán, cô đầu, nhà nhẩy có biết bao nhiêu khuôn mặt đẹp. Nhìn xem phu nhân các ông to ông lớn có mấy bà mà không xấu như ma chôn ma vùi. Nhìn xem các ông quyền thế vợ xấu, đi lấy vợ nhỏ và gần như là định lệ, vợ nhỏ thường đẹp hơn vợ lớn. Nói xong quý bạn đặt một câu hỏi: Tại sao đẹp như sao băng lại đi làm đĩ lấy lẽ? Xấu như ma mút lại được ngôi vị quý phu nhân?

Và câu trả lời là như thế này:

- Đẹp của con mắt tục khác hẳn đẹp của con mắt tướng. Dù là “cây ngọc đứng chỗ gió” hay “xuân phong phất lý hoa” hay “hoa hải đường ngậm giọt sương” mà không đi kèm với cái đẹp về tướng nhãn thì cũng phải đứng đường làm đĩ như thường.

Dù có xấu như Chung Vô Diệm thì Chung Vô Diệm vẫn làm chánh cung của Vua Tề. Ăn nhau ở cái tướng là thế đó.

Sách tướng dạy rằng: “Mỹ nhân thường tác kỹ, mỹ trung hữu chí sú” (nghĩa là người đẹp thường đi làm đĩ vì trong vẻ đẹp có cái gì cực xấu).

Một nhà tướng số danh tiếng tại Trung Hoa kể lại chuyện dưới đây:

- Mùa xuân năm ấy tôi đi dự bữa tiệc tại Cẩm Hoa Viên thết nhân ngày sinh nhật của Ngô bội Phu, một chính khách quân nhân quyền thế khuynh quốc ở Bắc Kinh. Họ mời tôi đến cốt để xem tướng. Bởi vì họ muốn thử mặc dầu họ rất tin tướng số, vì nếu không có tướng số thì làm sao dốt ngu như họ mà lại làm to vậy. Nhưng họ vẫn hồ nghi cho nên thường hay thử tài thầy tướng số, nếu thầy tướng số quả là chân tài thì đoán đúng, họ sẽ vui sướng yên chí.

Khách đến dự thật đông nhất là phái nữ. Đối với tôi dịp này rất may, tôi có cơ hội tốt để thử lại tài học về tướng pháp.

Tay cầm cốc rượu đi tha thẩn trong hoa viên, tôi mỉm cười trông những con “thiêu thân” đang vui vẻ hạnh phúc hết sức vô tư qua mặt giả tạo mà trong đó tôi đã nắm chắc kẻ nào sắp mất cơ nghiệp, kẻ nào lừa chồng dối vợ, kẻ nào ăn cắp làm giàu, kẻ nào tàn ác giết người. Tướng pháp thật kỳ, nó có phép thần để đưa người nào nắm được nguyên lý của nó đi ra ngoài đường tục.

Bỗng người bạn là Đàm tiên sinh đến báo:

- Này bác, tại căn phòng phía Tây có một người đàn bà, chừng trung tuần hơi đẫy đà, da ngăm đen, bác thử coi xem tướng bà ta thế nào?

Ban đầu tôi nghĩ người này chắc phải đẹp lắm nhưng tới nơi mới hay đây chỉ là một nhan sắc cực bình thường. Lúc ấy tôi cùng đi với mấy người bạn rành tướng số nữa. Chúng tôi ngắm nghía chừng mười phút thì ông bạn họ Kha của tôi nói:

- Tướng cách tốt lắm, nhất phẩm phu nhân.

Ông bạn họ Viên cười mà rằng:

- Đi vào đây để đoán tướng nhất phẩm phu nhân thì dễ ợt còn gì.

Ông họ Kha hơi cáu cãi lại:

- Đành thế nhưng bác nên nhớ rằng cách nhất phẩm cũng chia làm nhiều hạng, với người này tôi đoán vào bậc “thượng thượng”, nhất phẩm phu nhân của người đàn bà này không nên đem so bì với những hạng nhất phẩm khác.

Tôi đồng ý với ông bạn họ Kha vì người đàn bà xấu xí về nhan sắc quả là có những tướng cực tốt như: mũi nở, lưỡng quyền rộng và đầy, hàm lớn mà nặng, dáng đi ẩn nhẹ, tiếng nói êm ấm.

Tôi chưa kịp phát biểu thì ông bạn họ Đàm đã nói:

- Kha tiên sinh đoán hay lắm. Người đàn bà ấy chính là Ngô Bội Phu phu nhân đó.

Sau đấy chúng tôi bàn với nhau, chia ra mỗi ngả đi săn “tướng” và cùng đưa ra ý kiến là: không cần xem kỹ tướng (tướng kỹ nữ?) và quý tướng ở chốn này vì đương nhiên ở đây loại tướng ấy chẳng thiếu gì.

Phân công xong mỗi người đi mỗi ngả.

Phần tôi, ngay trong bốn mươi lăm phút đầu, tôi đã khám phá ra sáu người đàn bà, lẽ ra phải luân lạc làm kỹ nữ nhưng hiện thời thì đang ở vận nhất thời tôn quý. Tìm hiểu xa hơn nữa, tôi thấy ở đây đa số là kỹ nữ xuất thân mà rất ít tướng cách thực thụ là phu nhân, chỉ hao hao giống phu nhân mà thôi. Tôi còn thấy năm người nữa, tuy hiện tại là phu nhân nhưng không lâu, chắc lại phải trở về làm điếm, con hát. Dĩ nhiên ở đây cũng có cả những tướng cách dâm loạn, ngoại tình giết chồng, sắp tái giá và chồng sắp chết v. v... Chỉ một buổi dạ hội này thôi mà chúng tôi thu thập biết bao nhiêu kinh nghiệm.

Xem xong chúng tôi về họp với nhau và phân ra làm tám loại:

1) Quý cách suốt từ tấm bé đến lớn.

2) Trước làm kỹ nữ sau làm phu nhân nhất thời.

3) Vĩnh viễn làm phu nhân.

4) Đã nhiều đời chồng.

5) Sắp tái giá.

6) Dâm loạn.

7) Có con.

8) Không con.

Theo con số thống kê thì trong hơn bốn chục người, có tới 31 người là đĩ điếm xuất thân. Chúng tôi ghi lại và giao Đàm tiên sinh phối kiểm với bà họ Trương, một người giao thiệp rộng biết nhiều, hơn nữa, bà ta cũng chính là một kỹ nữ xuất thân, bà họ Trương rất tin tướng số, tính thật thà.

Quả nhiên kế hoạch của chúng tôi rất hoàn hảo. Bà họ Trương cho chúng tôi những tin tức đúng phong phóc.

Nhờ buổi dạ hội này, chúng tôi công nhận tướng pháp mỹ nhân thường tác kỷ của cổ nhân là rất đúng.

Chúng tôi chưa kịp đưa ra lập luận: mỹ nhân có bộ mặt đẹp, nhưng bộ mặt đẹp không nhất định là phúc tướng. Nhưng cũng không là ác tướng hay bẩn tướng. Vậy tại sao lại phải luân lạc vào nghề đĩ điếm ca kỹ? Câu hỏi này đưa chúng ta đến định lý mỹ trung hứa chí sú. Trong vẻ đẹp ẩn chứa một cái gì cực xấu. Như vậy gọi là phá tướng.

Phá tướng là những gì?

Tỉ dụ: Mặt người con gái ấy đẹp nhưng tiếng nói lại ồm oàm như cái lệnh vỡ.

- Thế thái, dung nhan người đàn bà ấy thật là điệu mà đi như người đàn ông.

- Mặt trắng nhưng da thịt toàn thân lại gợn đen như có ghét

- Tay èo ọt như không có xương.

- Thịt mềm như bông.

- Tóc cứng như rễ tre.

- Da nhám như có sạn bụi.

Hết thảy đều là phá tướng.

Tướng làm đĩ cụ thể nhất là nhìn vào vầng trán.

Trán hẹp, trán thấp, trán nhọn, trán lõm, trán rô, trán lệch, thiên sương hãm, ấn đường nhỏ. Phàm con gái từ 15 đến 22 tuổi đi vào vận của cái trán, nếu cái tướng trán mà xấu tất chẳng tránh khỏi luân lạc vào nghề kỹ nữ.

Thoát khỏi vận trán, đi vào vận khác, tốt thì sẽ hoàn lương, lấy chồng làm ăn tử tế. Ông trời quái ác thật, đánh dấu cuộc đời ngay trên trán con người, thế mà hồ dễ đã mấy ai nhìn thấy.

Khi nhìn ra cảm thấy một cái thú vô song như người được mang chiếu yêu kính mà xem ma cười quỷ khóc trước mặt.

QUÝ, TIỆN, CỐT CÁCH, KHÍ CHẤT

Mười năm đèn sách, mười năm nuôi khí chất là phép tu dưỡng của người xưa.

Cốt cách và khí chất rất quan trọng cho đời người. Anh hùng hào kiệt, chân nhân quân tử là những người có khí chất tốt, cốt cách. Thành công, có địa vị là những người có hình tướng hiển đạt.

Sang hèn (quý - tiện) không phải chỉ căn cứ vào mũ cao áo dài, quan to bổng hậu mà còn phải căn cứ vào khí chất con người.

Cuối đời Minh, tổng đốc hai tỉnh Tô Châu và Liêu Đông là Hồng Thừa Đào, có thầy tướng xem đã phê rõ ràng vào tướng cách của Đào ngày ấy tháng ấy sẽ chết. Nhưng đến đúng ngày ấy, tháng ấy Hồng Thừa Đào lại không chết khiến vị thầy tướng hết sức ngạc nhiên không hiểu tại sao?

Đời sau mới khám phá ra lý lẽ. Đào vốn là con người có danh có vị thời bấy giờ. Quân nhà Thanh sang xâm lược Trung Quốc bắt được Hồng Thừa Đào chính vào ngày thầy tướng phê tận số. Bởi chưng, Hồng Thừa Đào tham sống hàng giặc, đi làm quan cho giặc, làm Hán gian nên không bị giặc giết. Đào từ bỏ khí chất quý đáng lẽ ra phải có của một vị nhất phẩm nhân thần để chấp nhận tai tiếng ti tiện thành thử phát sinh biến tướng.

- Nếu căn cứ vào quyền thế, danh vọng Hồng Thừa Đào lúc bấy giờ Minh triều còn qua đến Thanh triều mà bảo như vậy là quý thì lầm. Chữ quý chứa chất trong nó cái nghĩa đẹp tốt, đức hạnh. Trường hợp Hồng Thừa Đào hàng giặc, làm quan cho giặc phải gọi là Tiện chứ không thể nói rằng Quý.

Ca dao có câu:

Sáo đói thì sáo ăn da

Phượng hoàng lúc đói cứt gà cũng ăn”.

Phượng hoàng loại Hồng Thừa Đào là thế.

Có kẻ hiển đạt mà ti tiện hèn hạ thì ngược lại cũng có những người đói khổ mà cao quý. Tỉ như Vũ Huấn đời Thanh nguyên là lão ăn mày rồi đột nhiên ông ta tụ tập tranh đấu thiết lập tổ chức Nghĩa học, dạy các em nghèo biết chữ, tạo thành phong trào đi học rộng lớn.

Tuy nhiên, riêng thân phận ông ta vẫn là một lão ăn mày.

Hình tướng tốt mà không có khí chất tốt vẫn kể là bất túc.

Sách tướng viết: “Cốt vi quân nhục vi thần, xương là vua thịt là bầy tôi”. Xương với khí chất đi liền với nhau cho nên ta có thể gọi là khí chất hay cốt khí hoặc cốt chất đều được cả.

Ngụy Diên đời Tam Quốc có cái xương chồi sau gáy, Khổng Minh coi cái xương đó là tướng tài giỏi nhưng phản trắc. Cốt chất thế nào, khí chất như thế. Cốt chất xấu, khí chất tất hẹp hòi, gian tà, ti tiện. Cốt chất tốt độ lượng, bao dung, sang trọng. Chỉ có tướng da, tướng thịt ngoại hình hiển đạt mà không có cốt tướng hiển đạt thì sự hiển đạt không lâu bền. Chỉ có tướng da tướng thịt ngoại hình quyền cao chức trọng mà cốt chất hèn hạ thì quyền cao chức trọng thật chưa vẹn toàn. Trái lại, tướng da tướng thịt ngoại hình cô hàn bần bạc mà cốt chất cao quý thì thân phận tuy thấp kém nhưng danh đức độ ít người theo kịp.

Cho nên phép xem tướng trước phải xem cốt cách.

Chương tổng luận sách “Thần Tướng Toàn Biên” có chép lời của Thành Hoà Tử giảng như sau:

- Tướng mạo thanh cổ, cử động cẩn thận, lễ độ, đàng hoàng, tính tình trầm tĩnh, thanh thản, ăn nói đâu ra đấy, dõng dạc, tinh tế. Đấy là cốt chất của chính nhân quân tử.

- Hình mạo cổ quái, cử chỉ âm độc, ăn nói đi đứng tà dâm, thường có sát phạt chỉ tâm. Đấy là cốt chất của loại người bất thiện.

- Hình mạo tú lệ, cử động phong nhã, thông minh sáng suốt, tính tình hòa nhã, ưa học hỏi tu luyện. Đấy là cốt chất của thần tiên.

Những lời trên đây, Thành Hòa Tử muốn cho người đọc thấy hình dung của cốt chất. Đọc kỹ và suy ngẫm sẽ có thể nhận và thấu đáo được.

Để cho rõ hơn xin xem lại lịch sử nước nhà thời hai vị vua Thành Thái và Duy Tân. Cả hai ông chấp nhận từ bỏ ngôi báu chịu thân phận kẻ lưu đầy chứ không làm vua bù nhìn cho bọn Pháp thực dân. Đấy là cốt chất bậc minh quân. Đem so sánh với vua Lê Chiêu Thống sang khóc lóc với Thanh triều rước voi về dầy mồ. Đấy là cốt chất của hôn quân.

Địa vị có thể ngang nhau mà cốt chất khác nhau thì quý tiện cũng khác hẳn.

Địa vị cao thấp, hơn kém nhau nhưng cốt chất khác nhau thì quý tiện phải đặt vào sự nghiệp tiếng tăm,, chứ không phải đặt ở mũ cao áo dài.

Vấn đề cốt chất hay khí chất xong rồi.

Bây giờ nói về hình tướng của xương cốt.

Cốt vi quân, nhục vi thần.

Xương là chủ thể, thịt da là khách thể.

Xương thịt cần phải tương xứng. Thịt nhiều xương nhỏ không được. Thịt ít xương thô không được. Tối kỵ người lúc nào cũng co ro như rét, sách tướng gọi là cốt hàn. Tướng cốt hàn thì nghèo, hèn chết non.

Về tướng xương, sách Khâu Ngọc Quảng viết:

- “Đốt xương ví như kim thạch, cần vút cao lên chớ ngang ngạnh ra, tròn trịa đừng thô. Người mập nên béo lẳn không lộ thịt, người gầy nên vững chắc không khẳng kheo lộ xương. Xương thịt tương xứng khí sắc tương hòa là tốt. Cốt hàn xương co quắp phi yểu tắc bần”.

Sách “Thông Tiên Ngữ” viết:

- “Quyền cốt (xương gò má) cao, nở rộng với ngọc trẩm (xương sau ót giữa gáy và đỉnh đầu) u lên là làm quan to trong triều đình”.

Ông Thành Hòa tử nói:

- “Quyền cốt cao nhưng thô, mặt mày nở nhưng thịt mỏng hoạn lộ lao đao. Da dầy xương nặng, khí tục là nông phu. Xương quá lớn là thợ thuyền”.

Sách “Cửu Cốt Ca” viết:

Phong long quang nhuận khí bột bột

Tiên lập triều ban chấp ngọc hốt”.

Phong long quang nhuận nghĩa là xương vững chắc, đầy đủ, cân đối, sáng sủa trông đẹp như một tác phẩm điêu khắc. Khí bột bột nghĩa là còn thấy nó có lực chưa hết, chưa tàn, trông khỏe như cành cây, thân cây được chăm non vun bón.

Cũng sách “Cửu Cốt Ca” có những câu:

- Có thịt không xương thì đi hầu.

- Có xương không thịt không ngôi vị.

- Quyền cốt chạy dài đến thái dương được dịp là làm loạn.

- Sống mũi cao thẳng lên trán quan cư thượng phẩm.

- Sau gáy xương nổi như cái trứng gà (ngọc trẩm) thông minh, minh mẫn.

- Quý cốt thiếu niên thị đế đình,

Vô quý cốt giả chung bạch đinh.

(Có xương quý thành công sớm, không có thì suốt đời làm bạch đinh).

Cốt tướng lấy đầu làm chủ cho nên xem tướng chỉ cần xem xương sọ. Xương đầu đã hỏng thì các xương khác không đáng kể nữa.

Về sau, những giang hồ thuật sĩ lập ra một lối xem tướng sờ xương dành cho những người mù. Để thêm phần quan trọng, họ nắn cả từng xương ngón tay ngón chân. Thật ra chỉ cần nắn xương sọ là đủ.

Giết tướng giặc, đám giặc phải tan. Đầu cũng như ông tướng giặc của thân thể. Nhìn một người nếu thấy người đó đầu quả muỗm, nhỏ mà thiếu góc cạnh, chẳng cần coi thêm, ta có thể hạ ngay một câu: Tướng chung thân bần khổ.

BÀN VỀ THẦN KHÍ - KHÍ SẮC

Đọc Tam Quốc Chí diễn nghĩa, người ta thấy câu chuyện này:

“Tào Sảng nghe lời Hà Yến không dùng Tư Mã Ý. Từ khi Tư Mã Ý thác bệnh thì Tào Sảng và Hà Yến chủ quan không lo gì nữa.

Sảng mỗi ngày cùng bọn Hà Yến uống rượu, dùng uy quyền hống hách để đi chim gái. Những đồ quý báu trong cung, những thóc gạo của dân đều cướp bóc làm của riêng.

Thấy địa vị chẳng tài cán gì mà có nên Hà Yến rất tin tướng số. Hà Yến biết tiếng Quản Lộ ở Bình Nguyên tinh nghề thuật số cho mời đến bàn nghĩa kinh dịch. Lúc bấy giờ có Đặng Dương cùng ngồi đấy nhân mới hỏi Quân Lộ rằng:

- Ông thử bói cho tôi một quẻ xem có làm tới tam công được không? Tôi lại mộng thấy vài mươi con ruồi xanh đậu trên mũi, đó là điềm gì?

Lộ nói:

- Ngày xưa Nguyên Khải giúp vua Thuấn, Chu Công giúp nhà Chu, cùng có đức tốt mà được hưởng phúc, nay quân hầu ngôi cao quyền trọng nhưng người mến đức thì ít mà kẻ sợ oai thì nhiều, đó không phải là lối cầu phúc. Vả lại mũi là cái núi, núi cao mà không đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều, thêm chỗ ít, điều gì phi lẽ chớ làm. Như thế ngôi tam công mới đến tay mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.

Đặng Dương giận, gắt rằng:

- Lời nói láo, ra cái quái gì.

Quản Lộ cũng bực mình đứng dậy đi ra. Đặng Dương bảo với Hà Yến: “Thằng ấy thật là đồ cuồng sĩ”.

Lộ về nhà thuật cho cậu nghe. Cậu giật mình nói:

- Hà, Đặng là hai người đang quyền thế hống hách, sao mày dám nói trêu chọc đến họ?

Lộ nói:

- Tôi cùng với người chết nói chuyện còn ngại gì nữa?

Cậu hỏi tại sao thì Lộ nói:

- Đặng Dương gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, ngồi đứng ngả nghiêng, hình như không có chân tay đó gọi là tướng quỷ tao. Hà Yến không tươi được sắc mặt, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô, đó là tướng quỷ u. Hai người nay mai tất có vạ diệt, mình can gì mà sợ.

Quả nhiên khi Tư Mã Ý vùng dậy, bắt chém cả Hà lẫn Đặng. Quản Lộ nói về Hà Yến tinh thần bất định, nói về Đặng Dương ngồi đứng ngả nghiêng là xem về khí sắc, thần khí.

Thần khí, khí sắc, khí vận là những điều căn bản của khoa Tướng Mệnh.

Bộ vị xương cốt muốn tốt đẹp đến đâu mà thiếu thần khí, thiếu khí sắc cũng là bỏ.

Ngược lại, dù bộ vị, cốt hình tuy xấu mà thần khí hào sảng linh lợi thì lại dễ lập những kỳ công.

Thế nào là thần khí?

“Thiên thập quan sách thần tướng toàn biên” viết:

- Uy nghi như hổ hạ sơn, trăm giống thú đều kinh như chim ưng vọt bay lên khiến cáo, thỏ đều sợ. Không cần giận mà vẫn oai.

Như vậy là thần khí. Chẳng phải vì hình hài của hổ hay hình hài của chim ưng mà muông thú kinh sợ mà vì khí thế oai thần do hổ, ưng vẫn có trong rừng núi. Bây giờ nếu con hổ ốm khặc khừ nằm đấy, con chim ưng gẫy cánh treo trên cành cây thì muông thú nào sợ.

Đọc truyện “Đông Chu Liệt Quốc” hồi Kinh Kha mưu sát Tần Thuỷ Hoàng. Cùng đi với Kinh Kha là Tần Vũ Dương tay không đấm chết trâu. Kinh Kha không khoẻ bằng. Khi đến trước mặt Tần Thuỷ Hoàng, Kinh Kha tiến lên bình tĩnh, còn Tần Vũ Dương mặt tái đi, chân tay run lập cập. Tại sao vậy?

Tại Tần Vũ Dương chỉ có lực dũng mà không có thần dũng như Kinh Kha. Thần ở đâu mà có?

Khí tự du hề, thần tự đăng

(Khí là dầu, thần là ngọn đèn).

Du thanh nhiên nhi hậu đăng phương minh

(Dầu sạch trong nên ngọn đèn mới sáng).

Như vậy thần do khí mà ra.

Khí sắc là gì?

Nhập môn hưu vấn vinh khô sự

Đản kiến hình dung tiện đắc tri”.

Nghĩa là: Bước vào nhà chưa cần phải hỏi chủ nhân làm ăn khá hay không, chỉ nhìn hình dung là đủ biết.

Theo Tướng Mệnh học thì hình dung tức là nhìn hình thái sắc mặt hay nói khác đi là quan sát khí sắc.

Sắc mặt là biểu hiện của khí chất ở bên trong. Khí chất tốt sắc đẹp mịn màng óng ả (quang nhuận).

Dưới đây là một câu chuyện về tướng khí sắc:

Khi quân Nhật chiếm lĩnh Thượng Hải, Nam Kinh, Nhật giao cho Đường Thiệu Nghi lập chính phủ bù nhìn. Những nhà chính trị chuyên nghiệp làm tay sai xôn xao bàn tán.

Nhà xem tướng danh tiếng Đào Bán Mai có hai người bạn họ Cố và họ Sái. Cả hai đều quen biết Đường Thiệu Nghi nên Nghi mời vào nội các. Bình nhật hai người không tin tướng số, lần này muốn thử tài Đào tiên sinh nên đến nhờ xem tướng. Họ dấu nhẹm câu truyện mời mọc của Đường Thiệu Nghi và chỉ hỏi Đào Bán Mai tiên sinh đoán về “quan vận” ra sao và có phải đi đâu xa không?

Đào Bán Mai quan sát hai người hồi lâu rồi nói:

- Quan vận sắp tới nhưng phải ba tháng nữa mới thực hiện. Còn như đi đâu xa thì không vì không thấy dịch mã động.

Bấy giờ chính phủ dân quốc Trung Hoa tuy đã thiên đô vào sâu nội địa nhưng vẫn lưu lại ở Thượng Hải một bộ phận cứu tế và địa hạt công tác. Đào Bán Mai cho rằng chính phủ dân quốc sẽ giao công tác cho hai người chăng? Nhưng theo tiên sinh biết thì cả họ Cố lẫn họ Sái đâu có gì quan hệ với tập đoàn chính trị dân quốc. Nghĩ vậy nên Đào Bán Mai mới nói thẳng hai người có ý định tham gia chính phủ bù nhìn Đường Thiệu Nghi không?

Trước câu hỏi đột ngột, cực chẳng đã, Sái và Cố đều thú nhận về ý định với Đường Thiệu Nghi rồi nói:

- Cứ theo tướng bác thì ba tháng nữa mới thực hiện quan vận trong khi chính phủ Đường Thiệu Nghi chừng hai mươi ngày nữa thành lập xong. Bác giải thích làm sao?

- Tôi chỉ biết tướng hiện ra thế nào tôi nói thế. Tôi đoán chắc trong vòng hai tháng nữa, hai bác nhất định không thể “xuất chính” được. Giải thích ra sao thì tôi cũng chỉ giải thích bằng tướng pháp hay mạng vận thôi. Biết đâu Đường Thiệu Nghi lại không vì lý do nào đó mà không tổ chức xong chính phủ. Tôi không làm chính trị cũng chưa được xem tướng cho Đường Thiệu Nghi nên tôi chỉ dám đưa ra hoài nghi ấy thôi.

Sái và Cố nghe Đào Bán Mai nói liền bàn với nhau mời Đào Bán Mai đến xem tướng cho Đường Thiệu Nghi.

Họ gặp nhau tại Tân Á đại tửu điếm. Đào Bán Mai gặp Đường Thiệu Nghi chừng hơn mười phút đã vội cáo từ về ngay. Phần Đường Thiệu Nghi bận việc nên cũng đi luôn. Thế là bữa tiệc bất thành. Sái và Cố chạy theo ông bạn Đào Bán Mai gặng hỏi:

- Tại sao bác vội vàng thế? Sao chưa nói chi với Đường huynh đã bỏ đi ngay?

Đào Bán Mai trả lời:

- Không thể nói ngay ở đây được. Chúng ta về nhà hẵng hay.

Họ Cố và Sái nghe họ Đào nói cũng lấy làm kỳ quái, chắc hẳn Đào Bán Mai có tâm sự chi lạ lùng lắm.

Cả ba thuê xe về nhà.

Chưa bước lên thuyền, hai người đã tới tấp hỏi Đào Bán Mai:

- Thế nào? Bác phát hiện ra điều gì trên vóc tướng Đường Thiệu Nghi?

- Nguy hiểm vạn trạng. Các bác đừng đến gặp hắn ta nữa. Chỉ trong vòng năm ba ngày trở lại thôi.

-???

- Thần sắc hắn ta lúc này như người đã chết một nửa rồi. Hắn ta sẽ chết bất đắc kỳ tử không biết lúc nào. Các bác hãy nghe tôi. Đừng đi đâu nữa. Chỉ trong vòng năm ngày.

- Bác nói chi mà như đinh đóng cột vậy? Dù tướng số thì cũng phải một thời gian nó mới hiện ra được chứ? Hơn nữa, Đường Thiệu Nghi đi đâu đó có bộ hạ hộ tống đàng hoàng, làm sao xảy ra chuyện bất đắc kỳ tử? Trừ phi là ông ta ngộ gió độc?

Đào Bán Mai thấy hai người vẫn hồ nghi, cũng chẳng nói thêm, ông lặng lẽ xuống bảo gia nhân làm cơm thết bạn.

Gần buổi chiều chừng năm giờ, bỗng ngoài phố huyên náo hẳn lên, người nhà về cho hay hiến binh Nhật đang bủa vây Tân Á Tửu điếm, cùng với cái tin động trời Đường Thiệu Nghi bị đặc công của Trùng Khánh ám sát chết. Đường thiệu Nghi đang ngồi uống trà ở Tân Á tửu điếm cùng với mấy viên sỹ quan Nhật Bản thì một người ăn mặc rất sang trọng bước vào tới. Không ai lưu ý chi hết. Người kia đến bàn Đường Thiệu Nghi nét mặt tươi cười bình tĩnh. Nhưng vụt một cái, anh ta rút trong mình ra chiếc búa lưỡi sáng quắc và nhanh như cắt chém mạnh vào sọ Đường Thiệu Nghi. Nghi ngã vật xuống đất, liền đấy mấy trái lựu đạn khói nổ tung, khách hàng nhốn nháo. Cổ Đổng, đặc viên công tác của chính phủ Trùng Khánh, người vừa xử tử Hán gian Đường Thiệu Nghi trốn thoát.

Sớm hôm sau, các báo đăng tin lớn: Đường Thiệu Nghi đã từ trần.

Thần do khí sinh ra. Sắc cũng do khí sinh ra. Vậy khí là gì?

Câu hỏi hắc búa nhất vì khó giảng vô cùng. Vì từ y học, triết học, văn học cũng đều có danh từ khí. Tỉ dụ nói: văn người ấy chải chuốt nhưng vô khí: khí tán rồi người ấy nay mai là chết, trông người ấy không có sinh khí: cái khí hạo của nhiên của người quân tử...

Đọc nhiều nghe nói nhiều, người ta có thể hiểu bằng cách “ý hội” chứ không hiểu vì nghe giảng nghĩa. Bởi thế, mỗi lần Tây Phương tìm hiểu Á Đông, cứ hễ đến danh từ khí là chịu chết không làm sao dịch cho đúng, không làm sao giảng cho hiểu.

Triết sử gia Tiền Mục giảng “khí” như sau:

Khí có hai hàm nghĩa:

a) Cực vi (nhỏ lắm).

b) Luôn luôn động.

Vạn vật trong vũ trụ đều do chất tố cực vi chuyển động mà thành

Nếu giảng như thế để áp dụng cho tướng mệnh học thì nó có vẻ lạc đề. Cho nên, cách tốt nhất để hiểu thần khí, khí sắc và khí là tìm hiểu bằng cách hội ý. Cũng như không thể giảng bức tranh đẹp như thế nào. Khi ý thức mỹ học cao lên sẽ hội ý được cái đẹp. Một cái cây ta trông thấy cành lá tốt tươi mà kỳ thực rễ nó đã thối nát thì ít bữa lá rụng cành khô. Một cây khác ta trông thấy lá úa, cành trơ trụi, kỳ thực rễ nó rất khỏe thì ít bữa cành lá sẽ xanh tươi. Khí ví như cái rễ vậy.

Trần Đồ Nam nói:

- Có da thịt mà vô khí khác nào cây gỗ bị mối ăn bên trong đã mục nát, gió mạnh là gẫy đổ.

Có thần khí mà vô thần nhục (da thịt, hình tướng) ví như cây có rễ, chưa phát ra cành lá, đợi mùa xuân đến, tất đâm cành nảy nụ.

Ông Khổng Minh hình tựa cây tùng khô nhưng thần khí sáng sủa linh lợi, một sớm một chiều danh mãn thiên hạ.

Ý hội phải từ từ, cho nghĩa thấm dần. Bạn đọc sẽ trở lại với khí sắc, thần khí qua những chương khác.