Tại Trung Quốc, những người đàn bà nổi danh tài sắc trong lịch sử chính trị cũng như trong truyền kỳ dân gian, điển hình có tới hơn một trăm người.
Xuất thân từ ca kỹ như: Ngư Huyền Cơ, Ngọc Đường Xuân, Đỗ Hồng Nhi, Lý Hương Quân, Tiêu Phương Tiên.v.v...
Xuất thân tỳ thiếp như: Điêu Thuyền, Hồng Tuyến Nữ, Vương Triều Vân.
Xuất thân con nhà lương thiện như: Thu Hồ Thê, Lục Châu, Vũ Tắc Thiên, Mai Phi.
Xuất thân danh giá vọng tộc như: Sái Văn Cơ, Trác Văn Quân, Tô Tiểu Muội, Lâm Phượng Trinh.
Xuất thân đạo sỹ như: Đào Tam Xuân, Thu Cẩn.
Xuất thân hoàng thất như: Hoa Dương công chúa, Nga Hoàng Nữ Anh, Tôn phu nhân, Thiên Kim công chúa,.v.v…
Những người kể trên mỗi người đều có một cuộc sống lạ lùng say mê như trong tiểu thuyết, có thể vượt cả sức tưởng tượng của tiểu thuyết nữa. Tuy có điểm gần giống nhau là hồng nhan bạc mệnh, nhưng mỹ nhân cũng có muôn vàn sắc thái khác nhau để không cho nhân gian thấy tóc mình đã bạc.
Vợ vua Thuấn là bà Nữ Anh, vợ Thạch Sùng là nàng Lục Châu đã tự sát, bị giết như Dương Quý Phi, Triệu Phi Yến, Trương Lệ Hoa, Yêu Hậu. Phiêu dạt, bèo mây thì có Tây Thi, Lâm Tứ Nương.
Đến như tâm lý thì mỗi người mỗi vẻ biến hóa vô cùng, thật là lòng dạ đàn bà như chiếc kim dưới đáy biển khó biết làm sao?
Có người anh dũng thuộc loại cân quắc tu mi như Hoa Mộc Lan, Lương Hồng Ngọc, Tôn phu nhân.
Có người u nhàn trinh thục ôn nhu xứng đáng là hiền thê gương mẫu như bà Nga Hoàng Nữ Anh khóc chồng là vua Thuấn, lệ chảy thành vân trúc, nàng Mạnh Khương vạn dặn tìm chồng, biết tin chồng chết chôn ở Vạn Lý trường thành, khóc lóc bi thảm làm sập một góc tường thành.
Vương Bảo Xuyên nhẫn nại với đói rét hơn hai mươi năm chờ chồng.
Có người phóng lãng, dâm đãng như Tề Văn Khương, Tây Thái Hậu, Phan Kim Liên, Trương Lệ Hoa.
Có người đa sầu đa cảm như Lâm Đại Ngọc, Chu Thục Chân.
Có người đẹp mặt hoa đào mà lòng băng tuyết như Quan Miến Miến, Hoa Nhụy phu nhân.
Nữ nhân tâm, hải để châm, đến muôn đời đàn bà vẫn còn là bí ẩn đối với phái nam. Tuy nhiên đó không phải là quan niệm của người đã nắm được bí quyết huyền diệu của tướng pháp.
Đời người đàn bà bất hạnh hay hữu hạnh, hoàn toàn phụ thuộc với tướng cách của người đó.
Vũ Tắc Thiên khi còn nằm trong nôi, cha mẹ quý mến như hòn ngọc cho ăn mặc như con trai. Một vị danh sư về tướng số trông thấy mới than rằng:
- Nếu đứa trẻ này là con gái thì có thể lên ngôi cửu ngũ, rất tiếc.
Bất luận nam hay nữ, tạo hóa đều định đặt được cuộc đời mỗi người và đánh dấu cuộc đời mỗi người ngay trên thân hình, mặt mũi.
Đàn bà chiếm một nửa nhân gian, đồng thời đàn bà cũng là một nửa phần đời (better half) của đàn ông. Theo Kinh Thánh của Ki-tô giáo thì thượng đế lấy chiếc xương sườn cụt của ông Adam để mà tạo nên người đàn bà. Cái xương cụt đó là điểm rất tế nhị của Thượng Đế. Ngài không lấy xương chân vì như vậy người đàn bà sẽ bị chà đạp. Chiếc xương sườn ở ngang thân vì như vậy được bình đẳng với người đàn ông, chỉ ở dưới một chút thôi dưới bàn tay che chở và gần trái tim người đàn ông yêu quý. Đàn bà ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của đấng mày râu. Nàng có thể cho hắn:
- Táng tâm điên cuồng.
- Xông vào chỗ chết hoặc cho hắn khuynh gia bại sản.
- Cung cúc tận tụy hoặc cho hắn thành thân trâu ngựa
- Quỳ mọp dưới chân hoặc cho hắn triều khí bột bột, kiên cường phấn đấu, hoặc cho hắn công thành danh toại, hoặc cho hắn thân bại danh liệt.
Sức mạnh của ảnh hưởng đó làm thành một mê lộ vòng vèo bao bọc chung quanh đàn ông.
Các nhà văn, các triết gia đã từng suy nghĩ để tìm cách thoát khỏi mê lộ này nhưng tất cả đều thất bại, cho nên Michelet phải thú nhận: Je ne puis me passer de Dieu, la femme est une religion, la femme est un autel (Tôi không thể vượt được Thượng đế, đàn bà là một thứ tôn giáo, một bàn thờ).
Và Goethe chỉ có thể nói được rằng:
- C’est ce perpétuel idéal (Đàn bà là lý tưởng bất diệt).
Ở Trung Quốc ngay từ đời cổ sử, người đàn bà đã lộng hành ghê gớm lắm.
Liền một hơi, ba triều đại Hạ, Thương, Chu đều vì đàn bà mà vong quốc.
Nhà Hạ mất vì nàng Muội Hỉ.
Nhà Thương diệt vì nàng Đát Kỷ.
Nhà Chu tàn vì nàng Bao Tự.
Bởi vậy, cái nhu cầu thoát khỏi mê lộ của nữ nhân lại càng cấp bách.
Họ đã đi tìm phương pháp để chế phục sức mạnh của đàn bà, đặt ra triết luận nam tôn nữ ti, nam cương nữ nhu. Nhu tất phải thuận tòng, tòng phụ, tòng phu, tòng tử. Họ tìm ra thuật phát hiện trước những cái họa mà người đàn bà mang trong người có hại cho đàn ông hoặc những cái hay tốt có lợi cho chồng con.
Thuật ấy là tướng pháp về nữ nhân vậy. Tây phương hoàn toàn không có thuật này, mãi đến cuối thế kỷ mười chín mới xuất hiện khoa phân tâm học để tìm hiểu tâm trạng nữ phái.
Qua tướng thuật, tất cả những ảnh hưởng lợi hay hại của phụ nữ cho bản thân họ cũng như cho nam phái không còn là một mê lộ nữa.
Sách tướng viết:
Lục châu thân trụy lâu tiền
Khả hận ấn đường nhất hãm, nhãn lệ uông uông.
Vào năm 310 Tây lịch, có người con gái họ Lương ở vùng Quảng Tây huyện Bạch Nhân, nơi sản xuất ra những ngọc trai quý. Tên nàng là Lục Châu mỹ nhân, nổi danh tài sắc đời Tấn. Cái tên Lục Châu do khách thương đi buôn ngọc đặt cho nàng bởi vì nàng đẹp như ngọc.
Đại phú thương Thạch Sùng yêu Lục Châu nên đã mua được nàng với giá ba đấu ngọc về làm thiếp. Nơi của Thạch Sùng ở gọi là Kim Cốc Viên, có hàng trăm mỹ nữ. Đến khi Lục Châu về, nàng sáng chói lọi, các người khác như những ánh lửa tàn.
Thạch Sùng là con người giao du quảng bác, tiền bạc sánh ngang với ngân quỹ quốc gia. Về mặt văn học Thạch Sùng lại rất cao thâm.
Hàng đêm tại Kim Cốc Viên, các quan triều Đường, các bậc văn tài, thường tụ họp nghe ca hát, uống rượu, ngâm thơ.
Từ ngày có sự hiện diện của Lục Châu thì các cuộc vui thêm mười phần thích thú.
Lục Châu giỏi thổi ống tiêu, gẩy đàn thật tuyệt diệu. Trong số tân khách hay lui tới có Tôn Tú, người rất thân tín của Triệu Vương Tư Mã Luân. Triệu Vương đang mưu đồ phản nghịch nên nhờ Thạch Sùng giúp một tay. Thạch Sùng thoái thác nên Triệu Vương để tâm thù.
Tôn Tú quá say mê Lục Châu nên tìm mọi cách hại Thạch Sùng, nếu Thạch Sùng không gả Lục Châu cho hắn.
Thạch Sùng khẳng khái cự tuyệt lời yêu cầu của Tôn Tú. Ông chấp nhận mình có thể bị nhà tan cửa nát nhưng không chấp nhận phải xa Lục Châu.
Một đêm kia, Triệu Vương sai Tôn Tú đem đại binh vây Kim Cốc Viên bắt Thạch Sùng.
Lúc ấy Thạch Sùng và Lục Châu đang ngồi uống rượu trên lầu. Quân của Triệu Vương xông vào bắt được cả hai. Thạch Sùng bị lôi ra chém tức khắc. Còn Lục Châu gieo mình từ trên lầu cao xuống đất tự sát.
Cảm thương với thảm kịch Kim Cốc Viên, thi sĩ Đỗ Mục đời Đường đã có bài thơ:
Phồn hoa sự tán trục hương trần
Lưu thủy vô tình thảo tự xuân
Nhật mộ đông phóng oán đề điểu
Lạc hoa do tự trụy lâu nhân
Nghĩa là: Kim Cốc Viên ngày nay, cảnh phồn hoa đâu mất cả, chỉ còn lại hoang tàn tro bụi. Nước vẫn chảy đi vô tình, cỏ vẫn xanh mướt mùa xuân. Buổi chiều đến, gió đông thổi nghe tiếng chim kêu buồn bã. Hoa trên cành rơi xuống như người đẹp ngày xưa gieo mình.
Thi sĩ nhìn Kim Cốc Viên như thế. Tướng pháp chỉ hạ hai câu phú:
Nàng Lục Châu thân rơi từ trên lầu xuống
Chỉ tại ấn đường có hai chân mày giao nhau
Và mắt lúc nào cũng ướt buồn.
Dương Quý Phi hay Dương Thái Chân, một tuyệt đại mỹ nhân của Đường Triều,thuở nhỏ, 7 tuổi bố chết, nàng phải ở nhà người chú. Năm 17 tuổi được tuyển vào làm phi tần cho vua Đường Huyền Tôn.
Âm thầm trong cung 6 năm, nhờ tên thái giám Cao Lực Sỹ phát hiện ra sắc đẹp mê hồn của nàng đem dâng lên Đường Huyền Tôn.
Từ đấy nàng thoát khỏi tình trạng:
Thâm cung lạnh ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương treo.
Dương Thái Chân lên ngôi quý phi thì nàng sủng phi trước đây là Mai Phi hoàn toàn thất sủng.
Dương quý phi với sắc đẹp nhễ nhại, nõn nà đã làm đảo lộn hẳn quan niệm về sắc đẹp và văn học đời Đường và ảnh hưởng đến phong tục tập quán xã hội.
Trước kia, người đàn bà phải vóc liễu mình mai mới là tuyệt sắc. Nay giai nhân cần như đóa hải đường, mẫu đơn có da thịt, dầy dầy sẵn đúc.
Nhà thơ Lý Bạch có nhiều thơ ca ngợi Dương Quý Phí.
Bước thêm bước nữa, Dương Quý Phi sử dụng sắc đẹp của mình để ảnh hưởng vào chính trị bằng cách đem anh là Dương Quốc Trung vào nắm hết quân quyền. Dương Quý Phi là người đàn bà cực dâm dật khiến cho Đường Huyền Tôn không còn lúc nào mở mắt được với cái dâm dật đó, cho nên việc triều đình đành phó mặc cho anh em Dương Quý Phi mặc tình làm mưa làm gió.
Dân chúng ai oán, các quan trong triều chán nản gây thành loạn An Lộc Sơn. An Lộc Sơn cũng là người mê đắm sắc đẹp của Dương Quý Phi. Hắn gây loạn đem quân về kinh đô để cướp trang giai nhân tuyệt sắc. Lúc An Lộc Sơn vây Trường An, Đường Huyền Tôn mang Dương Quý Phi chạy, đến Mã Ngôi Pha, quân sỹ đứng lại không chịu tiến nữa.
Đường Huyền Tôn phải hạ lệnh chém Dương Quốc Trung để tạ lỗi với thiên hạ. Quân đội vẫn không chịu đòi giết Dương Quý Phi.
Cuối cùng, Đường Huyền Tôn phải khóc mà trao người yêu giải lụa trắng để cho nàng tự ải.
Thảm kịch Mã Ngôi Pha tạo thành một tác phẩm văn học bất hủ, bài đường thi “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị.
Tại sao mà cái cảnh:
Thiên trường địa cửu hữu thời tận
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.
Sách tướng trả lời:
Dương Quý Phi hiếu sắc đoản mệnh
Vì mắt lộ quang thiển.
Đời Hán Tuyên Đế có Vương Chiêu Quân bị tuyển nhập vào cung. Nàng thông tuệ và đẹp. Thời ấy, mỗi lần hoàng cung muốn vời phi tần thường trông bức họa, hễ ai đẹp thì gọi. Cho nên các phi tần đua nhau hối lộ họa công nhờ thêm thắt cho nhan sắc thêm kiều diễm hơn để được ân sủng. Chỉ có Vương Chiêu Quân không chịu hối lộ, bởi vậy đã hai năm ở trong cung mà vẫn:
Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Để gầy bông thắm để sơ nhụy vàng.
Nàng chẳng một lần nào được trông thấy mặt vua.
Và lúc giặc Hung Nô cầm đầu bởi Đan Vu, có ý đe dọa Hán Triều. Vua Hán không muốn gây can qua nên thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo. Để lấy lòng Đan Vu, Hán Nguyên Đế sai chọn trong cung cấm một mỹ nữ đem cho Đan Vu. Vương Chiêu Quân là người bị tuyển chọn.
Khi lên từ biệt Hán Nguyên Đế thì vua ngẩn ngơ với sắc đẹp tuyệt vời của nàng. Nhưng muộn mất rồi, vì không thể thất tín với Đan Vu được.
Ở ngôi hoàng hậu bên cạnh Đan Vu, Vương Chiêu Quân sinh được một trai hai gái.
Khốn nỗi, lòng sầu nhớ nước của nàng Chiêu Quân không lúc nào khuây khỏa, chẳng bao lâu nàng mang bệnh nặng rồi chết.
Chết rồi, trên mộ nàng, theo truyền thuyết thường thấy luôn luôn có tụ những đám mây buồn và sương lạnh vào những sáng sớm hoặc buổi chiều tàn.
Tại sao nàng phải chịu một nấm mồ xanh với sầu vân oán vụ như thế?
Sách tướng giải:
Vương Chiêu Quân Bắc Phiên thân vẫn
Khẩu tiểu, ngách ám nha tiêm.
Nghĩa là: Sở dĩ nàng Chiêu Quân chết bên rợ Phiên vì nàng miệng quá nhỏ, trán ám và răng nhọn.