Tướng mệnh khảo luận

- Q -

Thuật xem tướng như chúng ta đã biết chia làm hai bộ môn: hình tượng và khí sắc.

Xem tướng khí sắc khó gấp bội hình tượng.

Hiện nay rất ít người đạt đến mức “thiện quan khí sắc”. Có chăng thì chỉ mới xem được sắc, chứ quan khí chưa chắc đã có.

Tượng dễ nhận hơn hình. Hình dễ nhận hơn sắc. Sắc dễ nhận hơn khí.

Nói về phép Vọng Khí đời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ có hai người là Thúc Phục quan nội sử Chu triều và Cô Bố Tử Khanh, làm quan đại phu nước Tấn.

Lúc Triệu Giản Tử nắm đại quyền ở Tấn, một ngày Cô Bố Tử Khanh gặp Giản Tử để xem con cái Giản Tử sau này có nối được sự nghiệp cha ông hay không? Giản Tử lúc này quyền còn hơn cả vua nữa, nên có dã tâm muốn cướp ngôi.

Các con Giản Tử đứa nào cũng được Cô Bố lần lượt ngắm nghía nhưng đều lắc đầu chê chẳng có đứa nào đáng bậc tướng quân đả thiên hạ.

Giản Tử hỏi:

- Nếu thế họ Triệu tôi hết thời rồi sao?

Cô Bố nói:

- Lúc vào đây, tôi thoáng trông thấy một đứa nhỏ tướng cách vượt hẳn mấy đứa này.

Cô Bố tả hình dáng. Giản Tử cho gọi vào thì ra đứa bé ấy là con riêng của Giản Tử là Vô Tuất, do một tì nữ hạ tiện sinh đẻ cho nên Giản Tử không xem Vô Tuất vào hàng công tử.

Cô Bố xem tướng cho nó xong nói:

- Tôi chỉ thấy nó đáng bậc tướng quân thôi.

Triệu Giản Tử bảo:

- Mẹ nó là con tiện tì mà nó cũng có quý tướng sao?

Cô Bố đáp:

 - Khí chất của nó bẩm thụ từ âm dương thiên địa, mẹ nó dù hạ tiện nhưng nó vẫn có quý khí.

Tin lời Cô Bố, từ đấy về sau, Giản Tử đàm đạo với các con để tìm ra đứa nào khả dĩ nối nghiệp mình.

Kết quả, Giản Tử nhận thấy Võ Tuất quả là thằng con thông minh nhất. Triều thị vốn là tôn thần của nhà Tấn, đời đời nối gót nhau ở ngôi vị khanh tướng nắm giữ đại quyền quốc gia. Cứ con trưởng thì được nối nghiệp cha. Trong trường hợp trưởng vô năng, cha có thể chọn trong đám con thứ đứa nào tài năng đức độ cho kế nghiệp.

Theo thường tình, tìm người nối dõi vẫn căn cứ vào sự yêu ghét. Riêng Giản Tử không lấy tình yêu ghét làm trọng, ông muốn chọn đứa con có tài.

Một hôm, ông tụ tập các con lại mà bảo chúng:

Cha có cái ấn ngọc dấu trên ngọn Thường Sơn. Các con đứa nào tìm được cái ấn ngọc ấy về đây, cha sẽ trọng thưởng.

Bọn chúng chia nhau đi tìm kiếm, suốt ngày chẳng ai tìm thấy ấn ngọc. Trở về, đứa nào đứa nấy mặt ngay đơ. Chỉ mình Vô Tuất nói:

 - Con có tìm thấy ấn ngọc đó.

Giản Tử ngạc nhiên hỏi:

 - Ấn đâu sao con không trình ra.

Vô Tuất điềm nhiên thưa:

 - Khi con lên đỉnh Thường Sơn tiếp cận với Đại Quận, con thấy có thể dùng Thường Sơn làm bàn đạp đánh chiếm Đại Quận.

Giản Tử vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Đúng rồi, thằng Vô Tuất mới thật là đứa con xứng đáng nối nghiệp. Đại Quận là nơi hiểm yếu của thế quân sự thời bấy giờ, chỉ ở Thường Sơn mới mong tấn công vào Đại Quận. Thằng bé đã sớm có con mắt quân sự thật tinh tường.

Giản Tử quyết định bỏ Bá Lỗ để đặt Vô Tuất vào ngôi thái tử.

Khi Giản Tử chết rồi, Vô Tuất đánh chiếm Đại Quận dương danh thiên hạ. Thời thế thay đổi, Vô Tuất tranh thiên hạ với Hàn Ngụy và lập nên nước Triệu và làm vua nước Triệu.

Một đứa nhỏ hình tượng sắc còn nhiều biến hóa nên chỉ có quan khí mới có thể đoán ra như Cô Bố Tử Khanh được.

TƯỚNG LỤC ÁC, LỤC TIỆN, THẬP SÁT, THẬP ĐẠI THIÊN LA CỬU ĐẠI KHÔNG VONG

Tướng lục ác (sáu cái ác) gồm có:

Dương nhãn (mắt con dê) nhìn ngạo ngược là người bất nhân.

Thần bất hô sỉ (môi không che được răng) là người bất hòa. (Nếu hô răng phải đâm xuống đều thì chất phác, răng đâm ngang hay ngưỡng lên, cực đểu giả).

Yết hầu (lộ hầu) dễ chiêu tai ách.

Đầu tiểu (dầu nhỏ) nghèo mạt vô lộc. - Tam đình bất quân (tam đình không đều) nghèo hèn.

Xà hành tước dược (đi oằn oèo như rắn, dướn dướn như chim sẻ nhẩy), bôn ba nghèo khổ.

Thơ rằng:

Lục ác chỉ nhân tính phi thường

Tâm như xà yết độc như lang

Như thử chỉ tướng hưu vấn phúc

Chung tửu vô phòng hữu họa ương.

nghĩa là:

Những người có tướng lục ác, tâm địa như rắn rết.

Có tướng đó là vô phúc thế nào cũng gặp tai ương.

Tướng lục tiện (sáu hạ tiện) gồm có:

- Không biết xấu hổ liêm sỉ.

- Trước việc hay cười ngây (si tiếu).

- Không biết tiến thoái.

- Tướng lùn bé, ưa đùa cợt. - thích khoe mình.

- Luôn luôn nói theo người khác.

Tất cả đều tiểu nhân.

Tướng thập sát đều có:

- Mắt như say rượu.

- Không có ai mà cứ nói một mình.

- Không có đờm mà nhổ hoài.

- Mắt đỏ dữ dằn.

- Tinh thần hôn trọc.

- Tiếng nói như sài lang.

- Có râu mà không ria.

- Cứ ăn là đổ mồ hôi.

- Mũi hếch.

- Người hôi hám.

Tướng thập sát dễ bị phá hoại, đau buồn, tai ương.

Thơ rằng:

Thập sát hình tướng tối khả lân

Bất hại kỷ thân hại lục thân

Nhãn tiền sán thực tuy tự cấp

Chỉ khủng nhật hậu thụ cô bần.

Nghĩa là: tướng thập sát thật đáng thương. Nếu không hại bản thân mình cũng hại cho người thân. Ăn uống hôm nay no đủ, nhưng mai lại thiếu thốn.

Cửu đại không vong gồm có:

- Trán nhọn là thiên không, vô quan vận, phá gia nghiệp, thiếu niên bất lợi.

- Cằm nhọn là địa không, tuổi già cô độc, vợ chồng chia cách, làm việc hay hỏng.

- Mũi lộ hếch là nhân không, trung niên phá bại, làm ăn vất vả.

- Sơn căn thấp hãm, vợ chồng anh em ghét bỏ, tình cốt nhục hủy hoại.

- Mặt không thành quách (không vuông vắn có bờ) vạn sự hư hao, có đấy rồi mất ngay đấy.

- Tóc ngăm khô mà quăn, tính tình cương ngạnh, con gái thường khắc phu.

- Lệ đường thâm hãm, hình thê khắc tử, suốt đời lo âu.

- Mắt không thần quang, ngu và yếu, dễ làm hỏng việc.

- Không có lông mày (hoặc lông mày quá nhạt) cô độc vất vả.

Thơ rằng:

Không vong nhân tướng tối kham liền

Túng hữu kỳ tài bất chu tiền

Nhất sinh sai thố vô kết quả

Tổng nhân tiền duyên giữ hậu duyên.

Nghĩa là: Những người có tướng không vong dù là bậc kì tài cũng khó thành đạt. Ấy là bởi tiền duyên tiền kiếp vậy.

Tướng thập đại thiên la gồm có:

- Đầy mặt sắc đen là tử khí thiên la.

- Đầy mặt sắc trắng đục là tang khốc thiên la.

- Mặt xanh lét là ưu trệ thiên la.

- Mặt vàng lè là tật bệnh thiên la.

- Mặt như bôi mỡ là hư hoa thiên la.

- Mắt đảo lộn trông nhanh là gian dâm thiên la.

- Mắt khô như hơ lửa là quan ti thiên la.

- Mặt như say rượu chưa tỉnh là hình ngục thiên la.

- Đầu mũi lấm chấm như bám ghét là thoái bại thiên la.

TAM HÀN VÀ TỨ THẬP NHẤT KỴ

Tướng cô hàn của mỗi người rõ rệt nhất có ba điều, sách tướng gọi đó là tam hàn.

Thứ nhất là mi hàn:

Người mang tướng mi hàn lúc nào lông mày cũng cau lại, đăm chiêu tư lự, tướng mi nhăn nhúm líu díu với nhau.

Thứ hai là thanh hàn:

Người mang tướng thanh hàn khi nói như khúc xương chẹn ngang cổ họng, nói không ra lời.

Thứ ba là cân hàn:

Cân là gân, người mang tướng cân hàn hay ngồi co ro, rụt đầu, co lưng, so vai, bó gối mặc dầu trời nóng bức, rét ở trong rét ra.

Phàm ba tướng trên đây dù diện mạo đẹp tốt cũng khó lòng phấn phát.

Viên Liễu Trang thu thập biên thành 41 kỵ tướng cho đàn ông gồm có:

- Đầu kỵ lệch nhỏ – Tóc kỵ thô nặng – Mi kỵ quặp xuống – Tai kỵ nở hoa – Con ngươi kỵ lộ – Sống mũi kỵ bẹp – Sống mũi kỵ gãy khúc – Đầu mũi kỵ nhọn – Cằm kỵ nhọn – Lỗ mũi kỵ hoác – Cánh mũi kỵ mỏng – Nhân trung kỵ có vết – Miệng kỵ dúm dó - Hàm kỵ vát – Cổ kỵ lộ cốt – Trán kỵ mọc lông – Ngực kỵ gồ lộ – Lưng kỵ có rãnh - Vú kỵ trắng bệch – Bụng kỵ to bên trên – Đầu gối kỵ lệch lẹo – Mắt chân kỵ lộ gân - Bắp chân kỵ quắt queo – Ngón tay kỵ thô cứng – Đầu kỵ teo tắt – Tiếng nói kỵ thấp nhỏ – Cánh tay kỵ lộ cốt – Bàn tay kỵ mỏng dẹp – Ngón tay kỵ dài mà cong queo - Răng kỵ nhỏ thưa – Bước đi kỵ như rắn trườn – Tinh thần kỵ ô trọc – Sắc kỵ nhờn như dầu – Thở kỵ thô tục – Thịp kỵ nhẽo nổi – Tai kỵ thô – Máu kỵ ám trệ – Tóc kỵ lởm chởm như bụi cỏ – Rốn kỵ ví trí quá thấp và đổ xuống.

VẤN ĐỀ KHẮC PHỤC ÁC VẬN

Ác vận là những khoảng thời gian bất như ý trong đời người lao đao, tai nạn, thiếu tiền, thất bại.

Nhân sinh bất đắc ý sự thường bát cửu, nghịch cảnh bao giờ cũng nhiều hơn thuận cảnh.

Lão Tử chẳng đã nói:

- Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu.

Cuộc đời như cụ Nguyễn Gia Thiều tả:

Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ

Đường thế đồ gót rỗ khi khu.

Thuận cảnh chỉ có thể gặp chứ không thể tìm hay cầu xin (khả ngộ bất khả cầu).

Không Tử bảo rằng nếu như có thể cầu được phú quý thì ta bằng lòng làm tên chăn ngựa.

Nghịch cảnh theo tướng pháp tuy không ngăn cản được nó nhưng có thể khắc phục được nó phần nào.

Tại sao?

Câu tục ngũ “Họa tòng khẩu xuất, đa ngôn đa quá”, có ý nói nếu kìm giữ mồm miệng thì đỡ phiền lụy, điều này đâu phải không có lý?

Kế cuối của 36 Kế là Tẩu vi thượng sách.

Chạy, chờ thời không xuẩn động là một hành vi khắc phục ác vận trên chính trị.

Căn cứ vào triết lý nhân sinh thì thuận cảnh hay nghịch cảnh đến với người ta qua 4 nguyên nhân:

a) Do thiên tai chi họa, họa gây nên bởi hiện tượng tự nhiên: lụt lội, hạn hán mất mùa, núi đổ, dông bão, tai nạn.

b) Do con người không thích ứng được với hoàn cảnh tự nhiên, với chế độ xã hội, với cuộc sống mới.

c) Do sự tranh sống tương tàn tương sát.

d) Do cá nhân dục vọng quá nhiều đến nỗi bị sa lầy như mê cờ, mê bạc, tự tử hay vong gia bại sản vì gái.

Nếu nhân loại không khắc phục được thiên tai nhân họa, kiến lập xã hội mới, chế ngự dục vọng quá nhiều thì đương nhiên nghịch cảnh nhiều hơn thuận cảnh.

Thế cho nên mới có thể nói rằng:

“Tam phần nhân sự thất phần thiên”.

Ác vận tới, con người khả dĩ khắc phục ác vận để giảm bớt mũi nhọn của ác vận.

Vô luận bọn dung tục phàm phu hay anh hùng hào kiệt ai ai cũng đều có thể nghịch cảnh và thuận cảnh. Mỗi người đứng một chỗ khác nhau nên Sở Ngộ không thể giống nhau.

Sinh ra đời vào lúc thái bình thịnh thế tất cuộc sống đỡ bấp bênh chìm nổi.

Sinh ra đời gặp lúc tao loạn nhiễu nhương tất cuộc sống đầy bất trắc.

Là con cái nhà phú hào thì thành thiên kim tiểu thư và công tử ấm sinh. Là con nhà nghèo đói thì luốc lem, rách rưới.

Đêm qua vừa được nói chuyện với tình nhân sáng ngày tỉnh dậy, vũ trụ nở muôn hoa. Tối hôm trước bị chó cắn sáng ngày tỉnh dậy đau đớn u sầu. Nghịch cảnh với thuận cảnh thật thiên hình vạn trạng. Đối với việc khắc phục ác vận nhà triết học Nietzsche chủ trương sức mạnh của nghị lực (volonté de puisssance) dũng cảm xông pha tạo thành con người siêu nhân. Nó cũng là triết lý lạc quan của hầu hết người phương tây mà sau này ta thấy ở các tác phẩm của Joseph Conrad, Jack London, Hemingway v.v…

Ngược lại với triết lý lạc quan siêu nhân ấy là tâm tư Kafka.

Còn ở phương Đông thì không bao giờ quên cái lẽ tùy thời, thời hành tắc hành thời chỉ tắc chỉ. Khắc phục ác vận là tiến thoái tồn vong cho nó hợp với cảnh ngộ.

Tướng pháp đề ra hai cách:

Xử thế thoái nhất bộ vi cao (xử thế lùi một bước là khôn).

Thiên bạc ngã dĩ phúc, ngô hậu ngô đức dĩ bồi chi (Trời làm mỏng phúc phận của ta, ta làm dày công đức để bù lại).

Suy ngẫm hai cách trên đây sẽ thấy cái triết lý nhân sinh của tướng mệnh học thật là thâm thúy vậy.

Thoái nhất bộ để tìm hiểu nguyên nhân thất bại rất cần thiết cho việc bầy keo khác.

Hậu ngô đức cốt để tranh thủ sự trợ lực của nhân tâm mà thực hiện phương châm lợi nhân tức là nền móng thực sự vững của lợi kỷ.

Ác vận ở đâu đến?

Để trả lời xin đọc một bài phú của Trần Di Hi:

Xét tâm thấy ngay kẻ thiện người ác

Nhìn hình có thể biết họa phúc

Ăn ở bất công con cháu vô lộc

Ngôn ngữ phản phúc sẽ chết vì phản phúc

Len lét, giâu giấu loại gian tham

Phổi bò ruột ngựa chẳng đáng anh hào

Tâm bình khí hòa con cháu tôn vinh

Tính chấp nhất tài thiên lệch thường gặp đại họa

Vô tình bội bạc dễ bần cùng

Luôn luôn nhớ gốc được nhiều dịp may

Trọng giàu khinh nghèo loại bất nhân

Kính già yêu trẻ tương lai tốt đẹp

Hay nói liều khó có tuổi thọ

Vong ân lại hay nhớ tiểu oán công danh nan thành

Đại phú đại quý không làm động tâm, phúc thọ vô cương

Lừa dối lừa gạt dù cho giàu sang cũng sớm tàn

Công bình chính trực chết làm thần

Mê hoa luyến tửu khổ vợ con

Chỉ biết lợi mình mà hại người, con cái bất hiếu

Ngu si ăn nói cục cằn khinh bạc, suốt đời bần cùng

Thông minh ngôn ngữ văn nhã thường dễ thông lọt

Trong lúc hoạn nạn biết tự thủ, chịu đọc sách

Có thể là trụ thạch triều đình

Hà tiện, chịu khó sẽ tiểu phú quý nếu có đởm lượng.

  Xa xỉ, hoang tàn có thể là kỳ nhân nếu tài ba lỗi lạc

Làm chậm mà chắc không vội vã, người đáng tin cậy

Làm nhanh mà sáng suốt người tài cao tảo phát

Tri túc và tự mãn là hai thái độ khác nhau

Một kiêu căng nên tai họa, một khiêm nhường nên đắc phúc

Tài lớn với tài vặt không giống nhau

Một xông xáo hay thất bại, một ẩn trọng nên công thành

Quá cương việc thành nhưng dễ gặp họa

Quá nhu mọi sự khó thành nhưng sống yên ổn

Ở chỗ vui mà lộ vẻ buồn nhất sinh tân khổ

Lúc đang giận mà cười là gian tà thủ đoạn

Ưa khoe tài, khoe giỏi, lật đật đường công danh

Thích chê bai luôn luôn bị ghét

Chỉ trách người mà không trách mình loại khó chơi

Công cho người, lỗi mình nhận, mới là bạn tốt

Uốn ý mình cho việc đời được chu toàn, hậu vận hay

 Cứ ý ta xông bừa bãi rồi sẽ gặp hung vong

Mặt dễ biến sắc, bạc phước

Kiên trì, nhẫn nại, hanh thông

Mừng giận vô lối, nhất sự vô thành

Chửi chê, không đâu tri giao đoạn tuyệt

Giúp người nghèo, đỡ người hoạn, tuy bây giờ nghèo nhưng phúc ở trời giáng xuống

Cam chịu bị người lừa dối, có con hốt nhiên đại phát

Thường nghĩ đến sự nhường một bước, cả đời an lạc

Hỷ nộ bất bình ư sắc thành danh còn lập đại công

Tuy nhiên kẻ đại gian cũng hỷ nộ bất bình hư sắc

Bị kiếm đâm dao chém bởi vì người quân tử quá cương cường và kẻ tiểu nhân tự đắc

Gieo mình xuống sông, thắt cổ tự ải bởi vì con trai

Tài kém gặp hiểm nguy, con gái khí thịnh mà bị áp bức

Tại sao đoản triết thân vong?

Tại nói lời bạc, làm điều bạc, lòng bội bạc sử sự bạc bẽo

Tại sao hung tai ác tử?

Vì đã âm tư hành động lén lút.

Tại sao về già không con nối dõi?

Vì tính tình quái dị, cô độc

Tại sao thành niên chôn con?

Vì tâm địa độc ác

Tại sao bị bệnh tật chết mau?

Vì sắc dục không hư.

Tại sao được bái tướng phong hầu?

Vì hoài bão cát trí trùm thiên hạ

Tại sao được ở nhà ngọc, cưỡi ngựa vàng?

Vì hành động thanh nhã, hình dung tú lệ.

Tại sao chỉ làm anh lại quèn?

Vì khí tướng tầm thường, gan dạ nhỏ bé

Họa phúc chẳng qua chỉ bởi người gọi đến, thiện báo ác báo như bóng theo hình, trồng đậu nên đậu trồng dưa thành dưa.