Cài chắc người trên yên con tuấn mã nhảy phong phóc, tử tước Medardo xứ Rạng Đông phi lên phóng xuống các dốc núi vào những thời khắc sớm sủa, vươn người quét con mắt thèm mồi trên thung lũng. Thế là chú trông thấy cô thợ chăn Pamela giữa cánh đồng cỏ cạnh đàn dê.
Tử tước thầm nhủ: "Ừ thì trong các tình cảm sắc lẻm của mình, không có gì tương ứng với điều mà kẻ nguyên-vẹn gọi là tình yêu. Và nếu đối với họ, một tình cảm ngờ nghệch như vậy mà lại mang tầm quan trọng lớn lao đến thế, thì đối với ta, cái tình cảm khả dĩ tương ứng ắt sẽ phải là hoa lệ và kinh hoàng". Thế là chú quyết định tương tư cô Pamela: bầu bĩnh, chân đất, trùm bộ áo vải thô đơn sơ màu hồng, nằm sấp trên cỏ, thiu thiu mơ màng, trò chuyện với bầy dê, và ngửi hoa.
Nhưng chúng ta không nên cả tin vào các ý nghĩ mà chú đã lạnh lùng hình thành. Ngắm nhìn Pamela, chú Medardo cảm thấy máu chạy rần rật mơ hồ, điều gì đó đã từ lâu nay chú không còn cảm nhận nữa, và các lập luận kia đã được chú viện đến một cách vội vàng hoảng hốt.
Ngược trên đường về, giữa trưa, Pamela trông thấy tất cả các đóa hoa cúc trên cánh đồng cỏ chỉ còn lại nửa số cánh, nửa kia đã bị vặt.
– Thôi rồi! – cô thầm nói – có biết bao cô gái trong thung lũng, sao lại rơi đúng lên đầu ta.
Cô hiểu rằng tử tước đã tương tư mình. Cô hái tất cả các đóa hoa cúc một-nửa, mang về nhà ép trong các quyển kinh xem lễ.
Xế trưa, cô đi tới Cánh đồng cỏ NữTu cho vịt ăn và thả chúng xuống ao. Cánh đồng phủ trắng hoa củ cải, nhưng chúng cũng chịu chung số phận với các đóa cúc, mỗi cụm cánh hoa như thể đã bị xỉa cắt bởi một nhát kéo.
– Chao ôi! Khổ thân mình rồi – cô thốt lên – đúng mình là người chàng ta đang thèm muốn.
Cô hái một bó nửa cụm cánh ấy về nhét quanh khung gương soi trên bàn tủ.
Sau đó, cô không nghĩ đến chuyện ấy nữa; cô cột khăn buộc đầu, cởi chiếc áo trùm, xuống tắm trong cái hồ nhỏ cùng với đàn vịt của mình.
Buổi chiều, khi Pamela về nhà, trên cánh đồng cỏ có vô số đóa bồ công anh, còn gọi là "quả thổi bay". Cô thấy chúng chỉ bị hụt một bên bông, như thể có người đã nằm dưới đất thổi lên một phía, hoặc chỉ thổi bằng nửa miệng. Pamela hái một số nửa quả cầu trắng đó, thổi lên chúng, và các cụm lông tơ mềm mượt bay bổng ra xa. "Chao ôi! Khổ thân mình rồi – cô tự nhủ – đúng mình là kẻ chàng ta đang thèm muốn. Rồi sẽ ra sao đây?"
Túp nhà tranh của Pamela nhỏ đến mức một khi đã lùa đàn dê vào gian trên và bầy vịt vào gian dưới thì không còn chỗ nữa. Ong bay quanh mọi thứ, bởi tổ của chúng cũng được giữ trong này. Gian dưới thì đầy kiến, chỉ cần đặt bàn tay vào bất cứ chỗ nào là tức khắc bị bu lúc nhúc đen sì. Vì tình trạng như vậy nên mẹ Pamela ngủ trong một ụ rơm, và bố cô thì ngủ trong một thùng tô nô rỗng, còn cô thì trên một cái võng giăng ngang cây sung và cây ôliu.
Pamela dừng lại trên ngưỡng cửa. Có một con bướm bị chết. Một cái cánh và một nửa thân bị một viên đá đè bẹp. Pamela kêu lên một tiếng thất thanh và gọi bố mẹ.
– Ai đã ở chỗ này? – cô hỏi.
– Tử tước của chúng ta mới ghé qua đây đấy – bố mẹ cô đáp lời – chàng ta bảo chàng ta đuổi theo một con bướm đã chích mình.
– Có đời nào mà một con bướm chích ai? – Pamela thốt lên.
– Biết làm sao đây, bố mẹ cũng tự hỏi.
– Sự thật là – Pamela nói – tử tước đã tương tư con và chúng ta phải sẵn sàng trước những tình huống tệ hại nhất.
– Này, này, đừng có mà tưởng bở, chớ có mà phóng đại – cặp vợ chồng già trả lời, như cách người già luôn luôn dùng để trả lời, khi người trẻ không trả lời như ý họ.
Ngày hôm sau, khi Pamela vừa tới hòn đá nơi mình thường ngồi trông đàn dê ăn cỏ, thì cô rú lên. Hòn đá vấy những vết tích rùng rợn: nửa con dơi, nửa con sứa, một vũng máu đen nhơm nhớp dinh dính, cùng với đám vật thể nhầy nhụa khác: một cái cánh xòe, và mớ tua mềm mềm sệt sệt. Cô thợ chăn hiểu rằng đây là một bức thông điệp. Nó truyền rằng: cuộc hẹn chiều nay sẽ là ở bờ biển. Pamela thu hết can đảm đi tới chỗ hẹn.
Trên bờ biển, cô ngồi tại một bãi đá, lắng nghe tiếng rì rào của những đợt sóng trắng xóa. Một lát sau, có tiếng lộp cộp trên đá cuội, tử tước Medardo phi ngựa dọc theo bờ biển. Dừng ngựa, cởi dây cài, chàng ta bước xuống từ trên yên.
– Pamela, ta đã quyết định yêu em – chàng ta nói.
– Và chính vì thế – Pamela giãy nảy – mà chàng đã hành hạ các sinh thể tự nhiên này ư?
– Pamela em! – tử tước thở dài – không có thứ ngôn ngữ nào khác để chúng ta nói chuyện với nhau đâu. Bất cứ một cuộc gặp gỡ nào giữa hai con người trên cõi đời cũng là một cuộc rứt xé lẫn nhau. Em hãy theo ta, ta có nhận thức về sự tai ác ấy và em sẽ an toàn hơn là với bất cứ kẻ nào khác; bởi ta làm điều tai ác như mọi người đều làm; song, khác với họ, bàn tay ta luôn luôn vững vàng.
– Thế rồi em cũng sẽ bị chàng hành hạ như các đóa hoa cúc hoặc những con sứa đã bị hành hạ hay sao?
– Ta chưa biết ta sẽ làm gì em. Chắc chắn sự thể ta có em sẽ đem đến cho ta các khả năng mà chính ta cũng không tưởng tượng ra. Ta sẽ mang em về tòa lâu đài và giữ em tại đó, không ai khác sẽ ngắm nhìn em, chúng ta sẽ có những ngày tháng để hiểu ra điều chúng ta sẽ phải làm và luôn luôn sáng tạo ra các phương thức mới ở bên nhau.
Pamela nằm trên bãi đá sỏi, Medardo quỳ xuống gần đó. Chàng ta vừa nói vừa khua cánh tay phớt quanh cô, song không chạm đến cô.
– Vậy thì em phải biết trước chàng sẽ làm gì em. Chàng có thể cho em thử biết ngay bây giờ, và em sẽ quyết định mình có tới tòa lâu đài hay không.
Tử tước từ từ đưa bàn tay mỏng hình lưỡi câu của mình tới gần má Pamela. Bàn tay run run và không hiểu đang được giơ ra để vuốt ve hay để cào cấu. Tuy nhiên, sắp chạm tới cô thì nó giật phắt lại.
– Ta thèm nàng tại tòa lâu đài – chàng ta nói trong lúc cài người vào yên ngựa – ta về sửa soạn cái tòa tháp nơi nàng sẽ tới ở. Ta cho nàng một ngày nữa để suy nghĩ, rồi nàng sẽ phải quyết định.
Nói xong, tử tước thúc ngựa rời đi trên bãi biển.
Ngày hôm sau, như thường lệ, Pamela leo lên cây dâu tằm hái quả mâm xôi, cô lắng nghe tiếng xào xạc và vỗ cánh giữa cành lá. Suýt nữa cô bị rơi xuống vì khiếp sợ. Có một con gà trống, cánh bị cột vào một cái cành trên cao, xác đang bị một đám sâu róm to tướng xanh lè đầy lông ngấu nghiến; một cái ổ của loài côn trùng dữ tợn này, đã thành ngài, vốn sống ở trên các cây thông, kết ra ngay trên cái mào.
Chắc chắn đây là một trong những bức thông điệp kinh khiếp nữa của tử tước. Và Pamela diễn giải: "Sớm tinh mơ ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau trong rừng".
Viện lý do cần nhặt đầy một bị quả thông, Pamela đi lên rừng, thế là từ đằng sau một thân cây, Medardo chống nạng bật ra.
– Vậy là – chàng ta hỏi Pamela – em đã quyết định tới tòa lâu đài?
Pamela nằm xuống đám lá kim.
– Em đã quyết định là không – cô nói, mặt hơi ngoái lại – nếu chàng muốn em, chàng hãy tới tìm em tại đây trong khu rừng này.
– Em sẽ tới tòa lâu đài. Tòa tháp chỗ em ở đã được sửa soạn và em là vị chủ nhân duy nhất đấy.
– Chàng chỉ muốn giữ em làm tù nhân trong đó, rồi hẳn là để em bị cháy rụi trong lửa hoặc bị lũ chuột gặm dần. Không, không thể được. Em đã nói: nếu chàng muốn, em sẽ thuộc về chàng, song chỉ tại nơi đây trên đám lá kim.
Tử tước đã lụi khụi tới cạnh đầu cô. Cầm một nhành lá kim gí vào cổ cô, rồi vờn qua vờn lại. Pamela nổi da gà, nhưng nằm yên. Cô trông thấy khuôn mặt cúi gằm xuống của tử tước, cái đường nét vẫn như khi nhìn trực diện, hai nhúm nửa hàm răng nhếch ra một nụ cười hình lưỡi kéo. Chú Medardo bóp chặt nhánh lá kim trong nắm tay, vò vụn nó. Đứng dậy.
– Vậy thì sẽ kín cửa trong tòa lâu đài, báo cho em biết đấy: kín cửa trong tòa lâu đài!
Pamela, hiểu rằng mình đang gặp nguy, cô vừa vung chân đạp tới tấp trên không trung vừa nói:
– Tại nơi rừng xanh này à, em sẽ nói được thôi; còn kín cửa trong phòng ư, có chết em cũng không.
– Ta sẽ có cách – chú Medardo nói, trong lúc đặt tay lên lưng con ngựa, nó đang ở sát ngay bên cạnh chú, như thể đã tình cờ ghé vào. Chú trèo lên yên và thúc ngựa rời đi trên con đường rừng.
Đêm đó Pamela ngủ trên chiếc võng của mình, giăng giữa cây ôliu và cây sung, và sáng ra, ôi kinh khiếp! Cô thấy xác một con thú nhỏ bê bết máu nằm trên lòng. Đó là nửa thân một con sóc, bị bổ dọc như mọi khi, song cái đuôi xòe thì còn nguyên.
– Chao ôi! Khổ thân con – cô nói với bố mẹ – chàng tử tước này sẽ chẳng tha cho con.
Người bố và người mẹ chuyền qua chuyền lại cho nhau cái xác nửa con sóc.
– Tuy nhiên – người bố nói – cái đuôi thì chàng ta giữ nguyên-vẹn. Có lẽ là một dấu hiệu tốt...
– Có thể chàng ta bắt đầu trở nên hiền lành... – người mẹ nói.
– Chàng ta luôn luôn bổ đôi tất cả – người bố bảo – song cái đuôi, bộ phận đẹp nhất của con sóc, thì tôn trọng...
– Thông điệp này có lẽ hàm ý rằng – người mẹ nêu lên – cái gì tốt và đẹp của con, thì chàng ta sẽ tôn trọng...
Pamela vò đầu:
– Bố mẹ ơi! Con không thể tin vào tai của mình. Tử tước đã rủ rỉ cái gì đó với bố mẹ sau lưng con...
– Rủ rỉ thì không – người bố xen vào – song chàng ta đã tìm cách bảo cho bố mẹ biết là chàng ta muốn ghé thăm bố mẹ và quan tâm đến tình cảnh nghèo khổ của gia đình ta.
– Thưa bố, nếu chàng ta đến nói chuyện, bố cứ mở cái đõ ong rồi lùa chúng ra mà đón chàng ta.
– Con gái ơi! Có lẽ tướng công Medardo đang trở nên cao đẹp... – người mẹ bảo.
– Thưa mẹ, nếu chàng ta đến thưa chuyện với bố mẹ, bố mẹ hãy trói chàng ta lại bên cạnh cái tổ kiến, rồi mặc xác chàng ta.
Đêm đó, ụ rơm nơi bà mẹ ngủ thì bén lửa, còn thùng tô nô chỗ ông bố ngon giấc thì tự bửa tung. Sáng ra, khi hai ông bà đang lặng nhìn tàn dư của tai họa, thì chàng tử tước xuất hiện.
– Ta rất tiếc đêm qua đã làm ông bà hoảng sợ – chàng ta nói – nhưng ta không biết phải dạm chuyện bằng cách nào. Sự thể là ta thích cô con gái của ông bà, và ta muốn điệu cô về tòa lâu đài. Vậy ta trân trọng xin được hỏi cô làm vợ. Cô sẽ đổi đời, và ông bà cũng thế.
– Thưa tướng công! Thế thì quý hóa quá – người chồng nói. Nhưng tướng công biết đấy: cái khí chất của con gái chúng tôi. Ngài hình dung được không, nó tính điệu ong từ đõ ra hầu ngài đấy...
– Ngài cứ thử nghĩ đi... – người vợ nói – nó đã đề cập đến chuyện trói ngài trên ổ kiến.
May là Pamela hôm đó về nhà sớm. Cô thấy bố mẹ đang bị trói gô lại, nùi giẻ nhét miệng, ông, trên đõ ong, bà, trên tổ kiến. May là ong đã quen với ông bố còn kiến thì đang bận chuyện khác nên không đốt bà mẹ. Thế là cả hai ông bà đều thoát hiểm.
– Đấy, bố mẹ thấy chàng ta đã trở nên tốt như thế nào chưa? – Pamela hỏi.
Nhưng hai ông bà cụ đang ấp ủ điều gì đó. Sáng hôm sau, họ trói và nhốt Pamela tại nhà cùng với các con vật; họ đi tới tòa lâu đài và nói với tử tước rằng, nếu muốn thì cứ gửi người tới giải con gái họ về, rằng họ đã sẵn sàng giao cô cho chàng ta.
Song Pamela biết nói chuyện với những con vật của mình. Vịt thì dùng mỏ tháo dây, dê thì húc sừng mở toang cửa. Pamela bỏ chạy đi, mang theo con dê và con vịt chơi thân với mình nhất; cô đi vào rừng sống. Cô trú tại một cái hang mà chỉ có cô và một cậu bé biết, cậu bé ấy mang thức ăn và tin tức đến cho cô.
Cậu bé ấy chính là tôi. Với Pamela, cuộc sống trong rừng tươi vui. Tôi mang đến cho cô: trái cây, pho mát và cá nướng, để trao đổi, cô tặng tôi vài bát sữa dê, dăm ba quả trứng vịt. Khi cô xuống tắm tại một đầm nước hay dòng suối, thì tôi là người canh chừng không để ai thấy.
Chú tôi nhiều lúc đi ngang khu rừng, song tránh không vào, và biểu lộ sự hiện diện của mình qua cái cung cách u buồn thường lệ. Có lúc, một loạt đá cuội sụt lở, sượt lên người Pamela và hai con vật của cô; có khi, một thân cây thông bị đổ khi cô tựa lưng vào, vì những nhát rìu đã đẽo dưới gốc; thỉnh thoảng, một con suối nhiễm bẩn bởi thây thú vật bị giết.
Chú tôi bắt đầu đi săn với một cái nỏ mà chú đã thành công trong việc thao tác bằng cái cánh tay duy nhất của mình. Tuy nhiên, chú ngày càng trở nên ảm đạm và mỏng teo, như thể cái phần thân thể còn lại của mình đang bị các nỗi đau đớn mới rỉa dần rỉa mòn.
Một hôm, bác sĩ Trelawney và tôi đang băng ngang một cánh đồng thì tử tước phi ngựa chạy ngược lại, suýt đâm sầm vào ông, khiến ông bị ngã. Con ngựa khựng lại, một vó giậm lên ngực vị bác sĩ người Anh, và chú tôi nói:
– Này bác sĩ, ông hãy giải thích cho tôi chuyện này: tôi có cảm giác là cái cẳng chân không có của tôi y như thể đã bị mệt mỏi vì đi bộ đường xa. Sao vậy ông?
Bác sĩ Trelawney hoang mang, và như mọi khi, miệng ông lúng ba lúng búng, thế là tử tước thúc ngựa bỏ đi. Song câu hỏi ắt đã rúng động vị bác sĩ, hai tay ôm đầu, ông chìm trong suy nghĩ. Chưa bao giờ tôi thấy ở ông có mối quan tâm như thế với một vấn đề bệnh lý con người.