Đó là khoảng thời gian vui sướng của tôi, thường xuyên ở trong rừng cùng bác sĩ Trelawney đi tìm mai vỏ sinh vật biển hóa thạch. Bác sĩ Trelawney là người Anh, sau một chuyến đắm thuyền, dạt vào được bờ vịnh chúng tôi, cưỡi trên một thùng rượu Bordeaux. Cả đời làm bác sĩ trên các con thuyền, ông đã trải qua những chuyến hải hành dài và nguy hiểm, có những lần cùng với thuyền trưởng Cook lừng danh, song ông chưa hề chứng kiến thế giới, bởi luôn luôn ở dưới boong tàu chơi bài ba-bảy [1]. Đắm thuyền tại xứ chúng tôi, ngay lập tức ông đã phải lòng cái tửu vị mang tên cay nồng vườn nhà [2] , thứ rượu chát nhất và sánh nhất của vùng chúng tôi, và thế là ông không thể thiếu nó, đến mức lúc nào cũng lủng lẳng một bầu túi đầy trên cổ. Ở lại xứ RạngĐông và trở thành bác sĩ của chúng tôi, song ông không chăm lo bệnh tật mà chăm lo các khám phá khoa học của mình, những điều giục giã ông – và tôi theo ông – ngày đêm rảo khắp đồng ruộng và rừng xanh. Đầu tiên là một chứng bệnh của loài dế, một thứ bệnh cực kỳ khó chẩn, chỉ xảy ra theo tỉ lệ một phần ngàn và không để lại di hại gì; bác sĩ Trelawney muốn tìm ra tất cả những con dế mang bệnh này và cách chữa trị thích hợp. Sau đó là tìm ra dấu vết của cái thời đất đai xứ chúng tôi còn chìm dưới mặt biển; thế là chúng tôi đi, tải đầy các viên đá cuội và đá lửa, mà bác sĩ nói thời đó từng là cá. Cuối cùng, niềm đam mê lớn gần đây nhất của ông: ma trơi. Ông muốn tìm ra phương thức thu góp và bảo quản nó, cho mục tiêu này, chúng tôi đã trải qua những đêm chạy ngược chạy xuôi trong khu nghĩa địa của vùng chúng tôi, trông chờ các đốm sáng chập chờn bật lên từ các ngôi mộ đất và các ngọn cỏ, rồi tìm cách thu hút chúng về phía mình, chọc cho chúng đuổi theo, và chụp bắt mà không để chúng bị tắt trong các vật chứa mà chúng tôi lần lần thử nghiệm: túi, chai, vại, lư, cái chao. Bác sĩ Trelawnay chọn nơi cư ngụ là một căn nhà nhỏ làm bằng đá cạnh cái nghĩa trang, lúc trước dùng làm chỗ ở cho người phu đào huyệt, trong cái thời đói kém, chiến tranh, và dịch bệnh ấy, quả là thuận tiện khi có một người phu chuyên làm công việc này. Bác sĩ đặt phòng thí nghiệm của mình tại đó, với những chiếc ống nghiệm đủ loại hình dạng, với những cái vợt lưới, kiểu vớt cá, để chụp ánh ma trơi; với những bình chưng cất, những chiếc nồi nung, để khảo nghiệm cách thức các tia sáng chập chờn phát sinh từ các mô đất mồ và chướng khí tử thi. Song vốn không phải là người miệt mài lâu dài trong các cuộc nghiên cứu, bác sĩ nhanh chóng bỏ dở, đi ra ngoài, thế là chúng tôi cùng nhau đi săn các hiện tượng mới của thiên nhiên.
Hồi ấy, tôi tự do như không khí, bởi tôi không còn cha còn mẹ, không thuộc đẳng vị người hầu, cũng chẳng thuộc đẳng vị chủ nhân ông. Chỉ do một thừa nhận muộn màng mà tôi trực thuộc gia đình nhà RạngĐông, tuy nhiên, tôi không mang họ này, và chẳng ai phải lo chuyện học hành cho tôi. Người mẹ đáng thương của tôi là con gái của tử tước Aiolfo, và chị của chú Medardo, song bà đã làm "ô uế" danh dự gia đình khi trốn đi cùng với một người thợ săn trộm sau đó trở thành bố tôi. Tôi sinh ra trong căn lán của người thợ săn trộm ấy, tại một bãi đất hoang sâu trong rừng; không lâu sau đó thì bố tôi bị giết trong một cuộc cãi nhau, và căn bệnh nứt da đã cướp đi cuộc sống cô đơn của mẹ tôi trong căn lán nghèo khổ ấy. Lúc đó tôi được đón nhận vào tòa lâu đài nhờ tình thương xót của cụ ông Aiolfo, và tôi lớn lên trong vòng tay chăm sóc của u già Sebastiana. Tôi nhớ, hồi chú Medardo đang còn là một cậu thiếu niên và tôi thì nhỏ xíu, có những lúc chú để tôi tham gia các trò chơi của chú như thể chúng tôi cùng địa vị; sau đó thì khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng gia tăng, và tôi ở lại với tiêu chuẩn người hầu. Giờ thì, ở bác sĩ Trelawney, tôi tìm được một người bạn mình chưa từng có.
Bác sĩ Trelawney đã sáu mươi tuổi, nhưng chỉ cao như tôi; gương mặt ông, bên dưới chiếc mũ ba góc và bộ tóc giả, xếp nếp như một hạt dẻ khô; cặp cẳng chân, với bộ ghệt ôm sát tới giữa bắp đùi, trông có vẻ dài hơn, theo cái tỉ lệ lênh khênh như của một chú dế, cũng vì ông sải những bước chân dài khi đi; ông khoác chiếc áo đuôi tôm màu lông chim bồ câu, viền ren đỏ, quàng trên đó là bầu túi rượu cay nồng vườn nhà.
Niềm đam mê ma trơi của ông đẩy đưa chúng tôi đến những chuyến đi dài về đêm tới các bãi tha ma ở những thôn làng lân cận, nơi đôi khi chúng tôi có thể trông thấy các tia sáng lớn hơn và đẹp hơn về màu sắc so với khu nghĩa địa bỏ hoang của chúng tôi. Tuy nhiên, quả là rất phiền nếu chuyến sục sạo của chúng tôi bị các nông dân phát hiện; có lần, chúng tôi bị một nhóm người trang bị dao quắm và đinh ba đuổi theo nhiều dặm đường, họ tưởng chúng tôi là kẻ ăn trộm đồ thờ cúng.
Tại một khu vực bãi đá và ghềnh thác, đang phải phong phóc tung bổng người từ mỏm đá này sang mỏm đá kia, tôi và bác sĩ Trelawney vẫn nghe ra cơn giận dữ của những người dân quê bám tới gần đằng sau. Tại một địa điểm gọi là VựcNhănRăng, có một cây cầu nhỏ kết bằng các thân cây bắc ngang một hẻm núi thăm thẳm. Thay vì đi qua cầu, chúng tôi chạy tới nấp đằng sau một nấc đá ngay sát miệng vực, rất đúng lúc, vì đã bị những người dân quê bén gót. Không thấy chúng tôi, họ hét vang:
– Bọn khốn kiếp ấy biến đi đâu rồi?
Họ hối hả chạy qua cầu. Một tiếng đổ sầm, rồi tiếng thét, họ sảy chân và bị nuốt chửng trong dòng thác đang chảy xiết dưới đáy vực.
Với tôi và bác sĩ Trelawney, nỗi thất kinh cho số phận của mình chuyển sang sự nhẹ nhõm vì đã thoát hiểm, rồi lại chuyển về nỗi thất kinh trước cái kết cục khủng khiếp xảy ra cho những kẻ truy đuổi chúng tôi. Chúng tôi chỉ dám thò đầu nhìn xuống cái bóng tối mịt nơi những người dân quê đã bị nuốt chửng. Ngước mắt lên, chúng tôi trông thấy phần còn lại của cây cầu: các thân cây vẫn gắn chặt vào nhau, chỉ có điều, chúng đều bị gãy ở giữa thân, như thể đã bị xẻ bởi một lưỡi cưa: sự thể các thân gỗ to ấy đã sập theo một nhát gãy sắc lẻm như thế có thể giải thích theo cách nào khác bây giờ?
– Có bàn tay của ai đó mà bác biết – bác sĩ Trelawney nói, và tôi cũng đã hiểu.
Thật vậy, văng vẳng tiếng vó ngựa khua nhanh, rồi trên bờ một hẻm núi, hiện ra con tuấn mã và một chàng kỵ sĩ nửa-người, quấn áo choàng đen. Chính là tử tước Medardo, nhếch nụ cười ba góc buốt lạnh, đang suy ngẫm về chiến công thảm khốc đạt được từ cái bẫy, có lẽ bất ngờ ngay cả đối với bản thân: chắc chắn chú đã muốn dùng nó để trừ khử cả hai chúng tôi; thế mà rồi chúng tôi đã bảo toàn mạng sống. Đang run lẩy bẩy, thì chúng tôi trông thấy chú phóng đi trên con ngựa gầy, nhảy bổng trên các mỏm đá như một chú dê con.
Vào khoảng thời gian đó chú tôi luôn luôn di chuyển trên lưng ngựa: chú bảo bác thợ cả ThạchĐầuĐinh chế ra một cái yên đặc biệt, một bên bàn đạp có đai da, cài chắc chú lại, bên kia thì gắn một vật nặng đối trọng. Thanh gươm và chiếc nạng thì được giắt bên yên ngựa. Thế là tử tước, đầu đội chiếc mũ lông rộng vành, phi ngựa băng băng, nửa thân người mất hút dưới phía cánh áo choàng luôn luôn phấp phới tung bay trước gió. Nơi nào có tiếng vó ngựa của chú thì thiên hạ tránh xa còn hơn tránh xa chuyến đi ngang của ông cùi Galateo, họ bồng bế con nít và lùa súc vật đi khỏi đó, họ lo sợ giùm cây cối, bởi ác tâm của tử tước không chừa một ai, và có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào bằng các hành vi bất ngờ và khó hiểu nhất.
Chưa từng bị bệnh, nên chú chưa từng cần đến sự chữa trị của bác sĩ Trelawney; song với một ca như thế này, tôi không biết bác sĩ sẽ phải đối phó ra sao, ông, người đã tìm mọi cách tránh chú tôi, ngay cả các câu chuyện về chú. Khi nghe kể về tử tước và sự tàn nhẫn của chàng ta, thì bác sĩ Trelawney lúc lắc mái đầu, bặm môi lầm bầm:
– Ôi chao, ối trời, úi chà! Zzt, zzt, zzt!
Như thể khi người ta nói với ông một câu chuyện không phải phép. Và để thay đổi câu chuyện, ông lao vào kể lại những chuyến hải hành của thuyền trưởng Cook. Có lần, tôi thử hỏi ông rằng, theo ông, làm sao mà chú tôi có thể sống mà bị đứt khúc như thế, song vị bác sĩ người Anh không biết nói gì hơn với tôi là:
– Ôi chao, ối trời, úi chà! Zzt, zzt, zzt!
Dường như từ góc độ y khoa, ca của chú tôi không kích gợi bất kỳ mối quan tâm nào ở vị bác sĩ; nhưng tôi bắt đầu nghĩ, có lẽ chỉ do áp đặt của gia đình hoặc vì thuận lợi mà ông đã trở thành một bác sĩ, và ông không hề quan tâm đến bộ môn khoa học này. Có thể sự nghiệp y khoa trên các chuyến tàu chỉ dựa vào cái tài chơi bài ba-bảy của ông, và qua đó, ông được làm bạn chơi bài với những nhà hàng hải danh tiếng, trước hết là thuyền trưởng Cook.
Một đêm, bác sĩ Trelawney, với cái vợt lưới, đang đi chụp tia ma trơi trong khu nghĩa địa cổ ở vùng chúng tôi, thì ông trông thấy tử tước xứ RạngĐông đang thả con tuấn mã gặm cỏ trên các ngôi mộ. Bác sĩ hết sức bối rối và lo ngại, song tử tước Medardo tiến lại gần và hỏi ông bằng một giọng phát âm hụt hạo từ cái khóe miệng bị chẻ đôi của mình:
– Này bác sĩ, ông đang đi săn bướm đêm à?
– Ồ! Thưa tướng công – bác sĩ thều thào trả lời – ấy, ấy, không đúng thực là bướm, tướng công ạ... Ma trơi, tướng công biết không? Ma trơi đấy...
– Ừ, ma trơi. Ta cũng thường tự hỏi về nguồn gốc của chúng.
– Thưa tướng công, từ ít lâu nay, đây là cái đối tượng nghiên cứu khiêm nhượng của tôi... – bác sĩ Trelawney nói, có phần mạnh dạn hơn nhờ giọng điệu muốn bắt chuyện của tử tước.
Medardo trẹo trọ cái khuôn mặt một-nửa, góc cạnh, nhếch một nụ cười, làn da căng lẳng ra như trên một cái sọ người.
– Trong cương vị một nhà nghiên cứu, ông xứng đáng được nhận mọi trợ giúp – chú bảo.
– Rất tiếc là cái nghĩa địa này, đang bị bỏ hoang như vậy, không phải là một khu vực thuận lợi cho ma trơi. Nhưng tôi hứa với ông rằng, chỉ trong vòng ngày mai thôi, tôi sẽ cung ứng cho ông mọi trợ giúp trong khả năng của mình.
Ngày hôm sau là ngày đã được ấn định cho việc thực thi pháp luật, và tử tước kết án tử hình khoảng một chục dân quê, bởi lẽ, theo cách tính của chú, họ đã không giao đủ phần thu hoạch phải nộp cho tòa lâu đài. Các xác chết được đem chôn tại khu mồ tập thể, thế là mỗi đêm ở khu đất mồ vô số tia sáng bừng nở. Bác sĩ Trelawney vô cùng thất kinh về sự trợ giúp này, dù thấy rằng nó rất có ích cho các nghiên cứu của mình.
Giữa những cảnh ngộ thảm sầu này, bác thợ cả lão luyện ThạchĐầuĐinh đã cải tiến rất nhanh nghệ thuật làm giá treo của mình. Giờ đây chúng đích thị là những kiệt tác về nghề mộc và cơ học, không chỉ giá treo, mà còn những chiếc càng, những cuộn dây chão, những cái tời, và những dụng cụ tra khảo nhờ đó vị tử tước giật được những lời thú nhận từ các bị cáo. Tôi thường ở xưởng làm của bác ThạchĐầuĐinh, thật là tuyệt vời khi ngắm bác lao động với nhường ấy đam mê và khéo léo. Nhưng trong trái tim bác thợ đóng yên ngựa lúc nào cũng rơm rớm một nỗi giày vò. Cái bác làm ra là một đoạn đầu đài dành cho kẻ vô tội. Bác nghĩ: "Tại sao mình lại để họ giao cho mình kiến tạo ra cái điều mang tính sáng chế đến thế mà mục đích của nó thì lại khác hẳn như vậy? Thế thì mình sẵn lòng kiến tạo ra các cơ cấu mới lạ nào hơn hết đây?" Song thấy không thể thỏa đáp đến nơi đến chốn các nghi vấn này, bác thợ tìm cách xua đẩy chúng ra khỏi tâm trí, hăng say thực hiện những dàn dựng đẹp đẽ và tinh xảo nhất có thể được.
– Mình phải quên đi cái mục đích phục vụ của chúng – bác cũng nói với tôi – ngắm nhìn thuần như các cơ cấu, chúng sẽ đẹp xiết bao phải không cháu?
Tôi ngắm nhìn các kiểu kiến trúc xà rầm, các cách thức dây chão lên xuống, các kiểu kết nối cái tời và ròng rọc, và tôi cố gắng không hình dung tới những thi thể bị hành hình trên đó, song càng cố gắng tôi càng buộc phải nghĩ ngợi về chúng, tôi nói với bác ThạchĐầuĐinh:
– Cháu làm sao bây giờ, hả bác?
– Cậu ơi, còn bác thì làm sao đây? – bác đáp lại – còn bác thì làm gì, hở cháu?
Mặc dù nhục hình và khiếp sợ, khoảng thời gian đó vẫn có cái phần tươi vui của nó. Thời khắc đẹp nhất là lúc mặt trời mọc trên cao, biển óng ánh vàng, tiếng cục ta cục tác của các con gà mái đang đẻ trứng, rồi tiếng tù và của ông cùi vang lên trên con đường làng. Mỗi sáng, ông cùi đi xin của bố thí mang về cho các người đồng bệnh bất hạnh của mình. Tên ông là Galateo, cổ lủng lẳng chiếc tù và, thanh âm của nó báo hiệu cho biết ông đang tới từ đằng xa. Nghe thấy tiếng tù và rúc, các phụ nữ đem để trên góc tường rào: vài quả trứng, quả mướp, hoặc vài quả cà chua, đôi lúc, một chú thỏ con đã lột da; rồi họ chạy đi lánh mặt, mang theo con trẻ, bởi không ai được ở lại trên đường khi ông cùi đi qua: bệnh cùi có thể lây từ xa, thậm chí, nhìn thôi cũng nguy hiểm. Tiếng tù và vang tới trước, ông Galateo chầm chậm bước đi trên con đường làng hoang vắng, cây gậy dài trong tay, manh áo thụng rách bươm lê đất. Ông có mái tóc dài vàng hoe dính bíu lại với nhau, khuôn mặt tròn trắng hếu, đã có phần bị nhàu sệ bởi căn bệnh. Ông thu nhặt của bố thí, bỏ vào gùi, rồi với cái âm giọng ngọt như đường phèn của mình, thốt lên những lời cảm ơn về phía nhà của những người dân đang lánh mặt, luôn luôn kèm theo đôi lời bóng gió chọc cười hoặc bông đùa tinh quái.
Vào thời đó, ở những miền đất cạnh biển, bệnh cùi là một tai họa phổ biến, tại thôn BãiNấm gần vùng chúng tôi, nơi chỉ có người cùi cư ngụ, những kẻ mà chúng tôi lưu tâm gửi của bố thí và được ông Galateo thu nhặt hộ. Khi một dân chài hoặc một dân quê bị nhiễm bệnh cùi, họ sẽ từ giã người thân và bạn bè để đi tới thôn BãiNấm mà trải qua phần đời còn lại, chờ đợi căn bệnh tàn hủy mình. Thiên hạ bàn tán về những buổi vui chơi tưng bừng để chào đón mỗi thành viên mới: từ đằng xa người ta nghe thấy tiếng múa hát vọng tới từ các ngôi nhà người cùi cho đến tận đêm khuya.
Thiên hạ đồn thổi nhiều điều về thôn BãiNấm, mặc dù chưa ai còn lành lặn từng đến đó; và tất cả những lời đồn đại đều nhất trí ở điểm: cuộc sống tại đây là một cuộc liên hoan bất tận. Thôn này, trước khi trở thành chốn lưu đày của người cùi, từng là một ổ nhà thổ, nơi lui tới thuận tiện của các thủy thủ thuộc đủ mọi sắc tộc và tôn giáo; rồi dường như phụ nữ ở đây vẫn duy trì các thói quen phóng đãng của thời đó. Người cùi không làm đất, trừ một mảnh vườn nho làm rượu, một loại rượu nhẹ giữ họ quanh năm trong trạng thái chuếnh choáng lâng lâng. Hoạt động chính của người cùi: chơi các nhạc cụ lạ lùng do chính họ sáng chế ra, gảy các cây đàn hạc dây chằng vô số quả chuông nhỏ, ca hát bằng giọng mũi, tô vẽ các quả trứng với mọi sắc màu, như thể lúc nào cũng là lễ Phục sinh. Cho nên, các khuôn mặt méo mó, giữa những tràng hoa nhài, da diết nỗi niềm bằng các âm điệu cực kỳ ngọt ngào, quên đi cái cộng đồng cùng loài mà họ bị chia cắt vì căn bệnh của mình.
Chưa từng có vị bác sĩ nào của vùng chúng tôi muốn đảm nhận việc chữa trị người cùi, nên khi bác sĩ Trelawney đến định cư ở đây, có người hy vọng ông sẽ dành hiểu biết của mình để chữa lành bệnh dịch trên miền đất này. Chính tôi cũng chia sẻ niềm hy vọng ấy, vì một ý nghĩ trẻ con: đã từ lâu nay tôi rất muốn mò tới tận thôn BãiNấm để tham dự các buổi liên hoan của người cùi; và nếu bác sĩ có đi thử nghiệm các thứ thuốc với những kẻ bất hạnh ấy, có lẽ đôi lúc tôi sẽ được phép đi theo ông vào tận trong thôn. Song chẳng gì như thế diễn ra: vừa nghe thấy tiếng tù và của ông cùi Galateo, bác sĩ Trelawney đã ba chân bốn cẳng bỏ chạy, dường như không ai sợ lây nhiễm hơn ông. Thỉnh thoảng, tôi tìm cách hỏi ông về bản chất của căn bệnh, ông đưa ra những câu trả lời vô thưởng vô phạt và rối trí, như thể chỉ cần nghe thấy từ "cùi" là ông đã lúng ta lúng túng.
Xét cho cùng, tôi không biết tại sao chúng tôi cứ khăng khăng coi ông là bác sĩ: ông hoàn toàn dành mối quan tâm của mình cho muông thú, đặc biệt là các con vật nhỏ nhất, cho các loại đá, cho các hiện tượng tự nhiên, còn con người và bệnh tật của họ, thì dìm ông trong ghê tởm và hoảng hốt. Kinh sợ máu, ông chỉ chạm đầu ngón tay vào người bệnh, trước những ca trầm trọng, ông bịt mũi bằng chiếc khăn tay lụa tẩm giấm. Thẹn thùng như một cô gái mới lớn, ông đỏ mặt tía tai khi nhìn thấy một thân thể trần truồng; và nếu đó là một phụ nữ, thì ông cúi gằm cặp mắt rồi lắp ba lắp bắp; và đàn bà à: suốt những chuyến hải hành dài băng qua các đại dương, dường như ông chưa bao giờ biết đến. May mà ở vùng chúng tôi vào thời đó, chuyện sinh nở là việc của bà đỡ chứ không phải của bác sĩ, nếu không thì không biết ông sẽ phải đối phó ra làm sao.
Ý tưởng gây hỏa hoạn nảy ra trong óc chú tôi. Trong đêm, đột nhiên bốc cháy: một vựa cỏ khô của nông dân nghèo khó, một thân cây làm củi, hoặc toàn bộ một cánh rừng. Thế là mọi người thức đến sáng, chuyền tay nhau các xô nước để dập tắt ngọn lửa. Nạn nhân luôn luôn là những kẻ khốn khổ đang ta thán vị tử tước, vì vài quy định ngày càng khắt khe và bất công, hoặc sưu thuế cao gấp đôi. Chưa hài lòng với việc đốt cháy tài sản, chú bắt đầu thiêu rụi chỗ ở: dường như chú tới vào ban đêm, quăng các búi lửa lên những mái nhà, rồi phi ngựa bỏ đi; song chưa bao giờ chú bị ai bắt quả tang. Có lần một cặp vợ chồng già bị chết; lần khác còn lại một cậu bé lòi sọ như bị lột da đầu. Nỗi căm ghét trong các dân quê ngày càng tăng. Đối tượng chống đối gan lì nhất là các gia đình tín đồ Huguenot [3], sinh sống trong các ngôi nhà lụp xụp ở xóm ĐồiHoang; ở đó, trọn đêm mọi người thay phiên nhau phòng ngừa hỏa hoạn.
Chẳng cần lý do khả dĩ nào, một đêm, chú tới tận dưới những mái nhà ở thôn BãiNấm, được lợp bằng rơm rạ, rồi quẳng nhựa và lửa lên đó. Người cùi có cái đặc điểm này, lửa sém họ không thấy rát bỏng, nên nếu đang ngon giấc mà lọt trong đám cháy, thì chắc mẩm họ khỏi tỉnh dậy nữa. Thế mà trong lúc phóng ngựa rời đi, tử tước nghe ra tiếng đàn vĩ cầm réo rắt vọng đến từ cái thôn đang cháy: cư dân của nó đã thức dậy, đang mải mê trong cuộc vui chơi của mình. Tất cả đều bị bỏng, song không thấy đau đớn, họ vui chơi thỏa thích theo tinh thần của mình. Họ nhanh chóng dập tắt đám cháy; ngay cả những ngôi nhà của họ, có lẽ cũng vì đã thấm đẫm bệnh cùi, nên ngọn lửa không gây hư hại là bao.
Ác tâm của chú Medardo còn nhằm vào tài sản của chính mình: tòa lâu đài. Lửa bốc lên từ cánh tòa lâu đài nơi cư ngụ của người hầu, lan đi giữa tiếng gào thét thất thanh của kẻ bị kẹt trong đó, trong lúc bóng vị tử tước thấp thoáng phi ngựa băng ra đồng. Đó là vụ mưu sát mà chú nhằm vào người u già, vú nuôi Sebastiana. Bằng tính kiên định đầy thẩm quyền mà người phụ nữ kỳ vọng duy trì trên những kẻ họ biết rõ thuở còn bé u già Sebastiana không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trách mắng tử tước trước mỗi hành vi tai ác, ngay cả khi mọi người đều tin chắc bản chất của chàng ta giờ đây đã giao phó cho tính tàn bạo bệnh hoạn và vô phương cứu chữa. U già Sebastiana được lôi ra khỏi các bức tường đã cháy rụi thành than trong tình trạng mê man, u phải nằm liệt giường nhiều ngày để các vết bỏng lành lặn.
Một buổi chiều, cánh cửa phòng nơi u đang nằm bật mở, tử tước hiện ra ngay bên cạnh giường.
– Này u già! gương mặt u mang những vết gì vậy? – chú Medardo hỏi, tay chỉ vào các chỗ bỏng.
– Dấu tích tội lỗi của cậu đấy, cậu ơi! – u già bình thản trả lời.
– Da u bị lốm đốm và nhàu xới; bệnh gì vậy u già?
– Cậu ơi! Chả là gì so với sự đau đớn đang đón chờ cậu dưới hỏa ngục, nếu cậu không tu sửa lại mình.
– U cần phải nhanh chóng lành lặn: con không muốn thiên hạ rỉ tai nhau về cái căn bệnh mà u đang mang...
– U có đang đi tìm một tấm chồng đâu mà phải lo lắng đến sắc diện. U chỉ cần lòng thành. Mong cậu cũng nói được như thế.
– Vậy mà ý trung nhân của u đang chờ u đấy, để điệu u đi với ông ta, u chưa biết à?
– Cậu ơi, tuổi trẻ của cậu đã bị thương tổn. Xin cậu đừng giễu cợt tuổi già.
– Này u già, con không đùa đâu. U nghe đây: vị hôn phu của u đang gọi u từ dưới cái cửa sổ kia đấy...
U Sebastiana dỏng tai và nghe ra tiếng tù và của ông cùi vẳng đến từ bên ngoài tòa lâu đài.
Hôm sau, chú Medardo sai người đi gọi bác sĩ Trelawney.
– Không biết bằng cách nào mà những vết đốm đáng nghi lại xuất hiện trên khuôn mặt một bà hầu già nhà chúng tôi – chú nói với bác sĩ. Mọi người đều lo sợ đó là bệnh cùi. Này bác sĩ, chúng tôi trông cậy vào ánh sáng tri thức của bác sĩ đấy.
Bác sĩ Trelawney cúi gập người, lắp bắp nói:
– Thưa tướng công, đây là nhiệm vụ của tôi... lúc nào cũng xin được thừa lệnh tướng công...
Bác sĩ xoay người, bước ra cửa, lách ra ngoài tòa lâu đài, quàng theo bầu túi rượu cay nồng vườn nhà, và khuất dạng vào rừng. Suốt tuần lễ không ai gặp ông. Khi quay về, u già Sebastiana đã bị gửi đi thôn người cùi.
U rời tòa lâu đài trong một chiều hoàng hôn, y phục đen, khăn trùm đầu, tay móc bị đồ. U biết số phận mình đã an bài: phải đi con đường dẫn đến thôn BãiNấm. U từ bỏ căn phòng nơi mình bị giữ chân cho đến lúc này, trên các hành lang, trên các bậc thang: không một bóng người. U bước xuống, băng qua cái sân trong, đi ra ruộng đồng: tất cả hoang vắng, ở mỗi chỗ u đi qua thiên hạ rụt người trốn lánh. U nghe thấy tiếng chiếc tù và săn bắn ngân nga cái cung điệu mời gọi u trầm trên hai nốt đơn độc: trước mặt u, trên con đường làng, ông Galateo đang chĩa miệng nhạc cụ của mình lên trời cao. U già chầm chậm tiến bước; con đường dẫn về phía mặt trời đang ngả bóng chiều tà; ông Galateo đi trước một quãng xa, thỉnh thoảng dừng lại: như thể để chiêm ngắm lũ ong bắp cày vo ve trên lá cây, nâng chiếc tù và, gióng lên một điệu thức sầu đau; u đứng nhìn các luống rau, bờ đất mình để lại; u nghe ra tiếng những người đã tránh xa u vọng đến từ sau các hàng giậu, rồi tiếp tục bước đi. Đơn độc, theo sau ông Galateo từ một khoảng cách, u tới thôn BãiNấm, hai cánh cửa đầu thôn khép lại đằng sau, cùng lúc các cây đàn hạc và vĩ cầm bắt đầu trỗi tiếng.
Bác sĩ Trelawney khiến tôi rất thất vọng. Ông cứ im thin thít, để mặc u già Sebastiana bị ép buộc vào trại cùi, dù biết rằng các vết đốm của u không phải do bệnh cùi; đó là một dấu hiệu của sự ươn hèn, thế là lần đầu tiên tôi cảm thấy mất thiện cảm với ông. Thêm nữa, khi trốn biệt vào rừng ông đã không mang tôi đi theo, dù biết rằng tôi ắt rất có ích trong cương vị thợ săn lũ sóc và tìm quả mâm xôi. Giờ đây đi săn ma trơi cùng với ông tôi không còn thấy thích như trước, tôi thường thơ thẩn một mình, tìm kiếm bạn đồng hành mới.
Hấp dẫn tôi nhất lúc này là các tín đồ Huguenot đang định cư ở xóm ĐồiHoang. Họ là một cộng đồng chạy trốn khỏi Pháp nơi nhà vua cho chặt thành khúc tất cả những ai theo đạo của họ. Trong chuyến băng vượt các rặng núi, họ đã đánh mất hết sách vở và hiện vật thờ phụng, giờ thì họ không có Kinh Thánh để đọc, lễ bái để tỏ, thánh ca để xướng, cũng như các bài cầu nguyện để ngâm. Hồ nghi như tất cả những ai đã trải qua bức hại, sống giữa những người có đức tin khác nhau, họ không muốn đón nhận bất cứ một thứ kinh sách giáo lý nào nữa, cũng chẳng muốn nghe các lời khuyên về phương thức cử hành lễ bái. Nếu có ai tìm đến bảo rằng mình là một anh chị em tín hữu Huguenot, thì họ sợ, có lẽ đây là một đặc phái viên giả dạng của giáo hoàng, thế là họ chìm trong im lặng. Cho nên, họ hợp quần cấy trồng đất đai xóm ĐồiHoang, vắt sức làm việc, nam cũng như nữ, từ buổi sớm tinh mơ cho tới tận hoàng hôn tàn lụi, nuôi hy vọng được ân sủng soi sáng. Không mấy chuyên sâu về chuyện tội lỗi là do đâu, để tránh sai lầm, họ nhân lên sự cấm đoán, rồi tự co cụm giám sát lẫn nhau bằng cặp mắt khắt khe, dò xét từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất, xem có nhuốm một chủ ý phạm tội nào không. Lộn xộn nhớ lại các cuộc tranh biện trong giáo hội, họ kiêng không nhân danh Đức Chúa Trời và mọi biểu đạt khác về tôn giáo, vì sợ nói mà báng bổ thánh thần. Thế là họ không thực hành bất kỳ một quy tắc lễ bái nào, và đương nhiên cũng không dám bày tỏ suy nghĩ của mình về các vấn đề thuộc đức tin, dù luôn luôn giữ gìn một thái độ nghiêm trọng đắm đuối như thể đang suy ngẫm về chúng. Trái lại, các quy tắc đồng áng nhọc nhằn, với thời gian, đã đạt được một giá trị như cái giá trị của mười điều răn, và thế là: các thói quen thắt lưng buộc bụng phải noi theo, các đức hạnh nội trợ phụ nữ.
Đó là một đại gia đình đông đúc những người cháu và những cô con dâu, tất cả lòng ngòng và xương sẩu, lao động trên các thửa đất, lúc nào cũng mặc bộ y phục dự lễ màu đen, khuy áo kín cài, nam mũ xụp rộng vành, nữ nón nắp trắng tinh. Đàn ông để râu dài, súng hỏa mai lúc nào cũng quàng trên vai khi ra ngoài, thế mà thiên hạ bảo rằng, trừ chim sẻ, chưa ai trong họ từng lẩy cò, do bị các điều răn cấm đoán.
Từ nền đất vôi, nơi khó nhọc mọc lên vài giàn nho còi cọc và vài mẩu ruộng lép kẹp, cụ Ezechiele bật ra tràng tiếng quát cùng với hai nắm đấm vung cao trên bầu trời, chòm râu bạc rung rinh, tròng mắt đảo xoay dưới chiếc mũ chỏm:
– Dịch bệnh và đói kém! Dịch bệnh và đói kém!
Cụ đôn đốc những người nhà đang lom khom lao động:
– Này Giona! Cuốc nhanh lên.
– Kìa Susanna! Tiếp tục nhổ cỏ đi.
– À Tobia! Rải phân ngay.
Cụ buông ra hàng loạt mệnh lệnh và lời mắng mỏ gay gắt của kẻ nhằm vào một bụm người thiếu dũng khí và lãng phí, và mỗi lần, sau khi đã hét to loạt sự việc họ phải làm để ruộng đồng không đi đến cảnh điêu tàn, thì đích thân cụ lao vào làm, sục đẩy những người khác xung quanh, miệng liên tục quát to:
– Dịch bệnh và đói kém!
Trái lại, cụ bà Ezechiele không bao giờ lớn tiếng, và dường như khác với mọi người, cụ an tâm trong cái tính chất tôn giáo thầm kín của mình, quy định ở từng chi tiết nhỏ nhất, mà cụ chẳng đề cập với ai dù chỉ một lời. Cụ chỉ cần chú mục cặp con ngươi to tròn của mình và mím môi nói:
– Này Rachele! Thế có đúng không?
– Này Aronne! Thế có được không?
Để mà những nụ cười hiếm hoi tan biến trên các khóe miệng người thân và mọi biểu lộ quay về với trang nghiêm và chăm chú.
Tôi tới xóm ĐồiHoang vào một buổi chiều khi các tín đồ Huguenot đang cầu nguyện. Họ không rầm rì thành lời, cũng không chắp tay hoặc quỳ gối; họ đứng nghiêm, sắp hàng trong vườn nho, đàn ông một bên, đàn bà một bên, cụ Ezechiele ở tít cuối, râu dài đến ngực. Họ nhìn thẳng ra đằng trước, nấm tay lủng lẳng trên những cánh tay dài nhiều mắt mấu , nhưng mặc dù có vẻ miệt mài, họ vẫn không kém nhận biết chuyện xung quanh, chị Tobia vươn một tay nhặt con sâu bướm từ một cây nho, chú Rachele giập gí gót giày đinh lên một con ốc sên, và chính cụ Ezechiele cũng bất chợt ngả mũ phẩy lũ chim sẻ sà đậu trên đám lúa.
Sau đó, họ bắt giọng hát lên một bài thánh vịnh. Họ không nhớ lời mà chỉ nhớ điệu, và ngay cả điệu họ cũng không nhớ rõ, thường có người lạc giọng, hoặc có lẽ tất cả lúc nào cũng lạc giọng, nhưng họ không bao giờ ngừng, vừa xong một tiết đoạn này thì bắt ngay vào một tiết đoạn khác, chẳng bao giờ phát âm ra ca từ.
Tôi cảm thấy có ai giật kéo tay mình, đó là cu cậu Esaù, nó ra dấu bảo tôi im lặng và đi theo nó. Esaù cùng tuổi tôi; nó là cậu con út của cụ Ezechiele; chỉ giống bố mẹ ở cái nét mặt cứng rắn và căng thẳng, song ẩn bên dưới là một tính cách tinh quái ma mãnh. Chúng tôi bò qua rặng nho rời đi, nó nói với tôi:
– Họ còn kéo thêm nửa tiếng nữa, chán quá! Tới xem hang ổ của tao đi.
Hang ổ của Esaù được giữ bí mật. Nơi nó lánh mặt để bố mẹ không thể tìm ra mà bắt nó lùa dê đi ăn cỏ hoặc nhặt ốc sên tại các vườn rau. Chúng tôi trải qua trọn những ngày nhàn hạ ở đó, trong lúc bố nó thì la hét tìm kiếm khắp vùng quê.
Esaù trữ sẵn thuốc lá, và treo cất hai chiếc tẩu sành dài trên vách. Nó nhồi đầy một chiếc và kêu tôi hút. Nó dạy tôi mồi và rít những hơi dài với một sự ham háu mà tôi chưa bao giờ thấy ở một cậu bé. Lần đầu tiên hút thuốc, tôi cảm thấy chóng mặt tức thì, nên dừng ngay. Để động viên tôi, Esaù lôi ra một chai rượu mạnh, rồi rót cho tôi uống một ly khiến tôi ho ằng ặc và buồng bụng quặn xót. Còn nó thì nốc như nốc nước lã.
– Tao mà say thì rượu hơi bị tốn đấy – nó bảo.
– Thế mày đào đâu ra của này để giữ trong hang ổ của mày vậy? – tôi hỏi.
Esaù bật ra một động tác xòe tay hùng hổ:
– Đánh quả.
Nó đứng ra làm thủ lĩnh một băng nhóc theo đạo Công giáo để tiến hành những chuyến càn quét ở các vùng quê xung quanh; chúng không chỉ bứt trụi những ngọn cây ăn quả mà còn xâm nhập các ngôi nhà và chuồng gà chuồng vịt. Chúng chửi thề văng tục thậm chí còn ồm ồm hơn và thường xuyên hơn bác thợ cả ThạchĐầuĐinh: chúng biết mọi câu của dân Công giáo, của các tín đồ Huguenot, và sử dụng thay đổi.
– Tao còn phạm rất nhiều tội khác – nó giãi bày với tôi – tao làm chứng dối, tao quên tưới cây đậu, tao không vâng lời bố mẹ, tao về nhà khuya khoắt. Giờ thì tao muốn phạm tất cả các tội lỗi trên đời; ngay cả những tội lỗi mà họ bảo tao chưa đủ nhớn để hiểu.
– Tất cả các tội lỗi – tôi nói với nó – cả giết người nữa à?
Nó nhún vai:
– Lúc này chuyện giết người tao thấy không hợp và cũng chẳng giúp ích gì cho tao.
– Chú tao giết người và ra lệnh giết người vì sở thích đấy, thiên hạ bảo thế – tôi nói, để từ phía mình có cái gì mà đối trọng với Esaù.
Esaù nhổ nước bọt.
– Sở thích của kẻ ngu ngốc – nó nói.
Thế rồi, bên ngoài cái hang, trời nổi sấm và bắt đầu mưa.
– Nhà mày sẽ gọi mày về cho mà xem – tôi nói với Esaù.
Còn tôi thì chẳng bao giờ có ai gọi tôi, mà lại thấy các đứa trẻ khác luôn luôn được bố mẹ gọi về, đặc biệt là khi thời tiết xấu, và tôi tin rằng chuyện này ắt là quan trọng.
– Ngồi đây chờ trời tạnh mưa đi – Esaù nói – trong khi chờ chúng ta chơi đổ xúc xắc.
Nó móc ra các hột xúc xắc và một xâu tiền. Tôi không có tiền, nên chơi bằng cây sáo, con dao, và chiếc ná cao su, và tôi thua sạch trơn.
– Ê đừng nản! – chơi xong Esaù mới bảo tôi – mày biết không: tao trổ ngón đấy.
Ngoài trời sấm nổ ầm ầm và mưa tuôn xối xả. Hang ổ của Esaù mỗi lúc một ngập nước. Nó dọn cất thuốc lá và các thứ đồ đạc khác của mình, rồi bảo:
– Trời sẽ dội nước cả đêm, ta nên chạy về nhà trú thì hơn.
Ướt đẫm và nhớp nháp bùn đất, chúng tôi về tới căn nhà lụp xụp của cụ Ezechiele. Các tín đồ Huguenot đang ngồi xung quanh một cái bàn, dưới ánh sáng của một cây đèn dầu nhỏ, họ đang tìm cách nhớ lại vài hồi đoạn trong Kinh Thánh, hết sức cẩn trọng kể lại như những sự kiện họ cho là mình đã có lần đọc qua, song bấp bênh về ý nghĩa và tính chân lý.
– Dịch bệnh và đói kém!
Cụ Ezechiele hét vang, đập một nấm tay lên bàn, làm tắt ngấm ngọn đèn, khi cậu con Esaù và tôi xuất hiện tại khung cửa.
Răng tôi bắt đầu va lập cập. Esaù nhún vai. Bên ngoài trời dường như trút dội toàn bộ sấm sét lên xóm ĐồiHoang. Trong lúc ngọn đèn đang được mồi lại, cụ Ezechiele giương cao hai nắm đấm, liệt kê các tội lỗi của cậu con như là những gì đồi bại nhất mà con người chưa từng bao giờ phạm phải mà cụ chỉ biết một phần nhỏ. Cụ bà lặng thinh tán đồng; tất cả những người con khác, rồi con rể, con dâu, và các đứa cháu đều lắng nghe, cằm gục xuống ngực, mặt úp trong lòng bàn tay. Esaù cắn một miếng quả táo như thể những lời thuyết giáo ấy không can dự tới mình. Phần tôi, giữa tiếng sấm sét và giọng quát của cụ Ezechiele, thì run lên như cầy sấy.
Cuộc quát mắng bị gián đoạn vì những người canh gác lục đục trở về, đầu đội túi, tất cả ướt như chuột lột. Các tín đồ Huguenot thay phiên nhau cảnh giới suốt đêm, trang bị súng hỏa mai, dao quắm, cây xỉa xúc cỏ, nhằm ngăn chặn các chuyến đột nhập mưu mô của tử tước, giờ đây là một kẻ thù công khai của họ.
– Thưa cha! thưa cụ Ezechiele! – các tín đồ Huguenot nói. Đêm nay là đêm của chó sói. Chắc chắn cái gã CàKhật ấy sẽ không tới. Chúng con có thể rút về nhà được không ạ?
– Thế quanh đây không có dấu hiệu gì của cái chàng QuèCụt đó à? – cụ Ezechiele hỏi.
– Thưa cha, không ạ, nếu trừ cái mùi khét lẹt mà các cú sét để lại. Đêm nay không phải là đêm của tay ThuiThủi này.
– Thế thì tất cả hãy ở nhà và thay quần áo đi. Mong giông tố mang lại bình an cho kẻ HụtHông và cho chúng ta.
Gã CàKhật, chàng QuèCụt, tay ThuiThủi, kẻ HụtHông là vài danh hiệu mà các tín đồ Huguenot dùng để chỉ chú tôi; tôi cũng chưa bao giờ nghe họ gọi chú bằng cái tên thật của chú. Qua các cách gọi này, họ phô ra một kiểu tự tin trước tử tước, như thể họ đã biết tỏng về chú rồi, hầu như chú là một kẻ thù truyền kiếp. Họ bắn cho nhau những câu nói ngắn gọn, kèm theo cú nháy mắt và tiếng cười khúc khích.
– Ha ha, cái chàng QuèCụt... Khà khà, thì ra vậy, cái tên ĐiếcDở...
Như thể, với họ, các cơn điên cuồng hắc ám của chú Medardo đã quá rõ và lường trước được.
Đang nói chuyện như thế, thì lẫn trong tiếng giông tố có tiếng đập của một nắm tay.
– Ai gõ cửa vào thời tiết này vậy? – cụ Ezechiele nói. Ra mở cửa cho người ấy nhanh lên!
Cửa được mở, và trên ngưỡng cửa: đó là vị tử tước, thẳng tắp trên cái ống chân duy nhất, chiếc áo choàng cuốn quanh nhểu nước, mũ lông vũ sũng mưa.
– Ta đã buộc con tuấn mã trong chuồng của quý vị – tử tước nói. Xin quý vị cũng hiếu khách với ta. Kẻ lữ thứ trong đêm đen hiểm nghèo.
Mọi người nhìn cụ Ezechiele. Tôi núp dưới gầm bàn để không bị chú tôi phát hiện là mình đã lui tới nhà kẻ thù.
– Mời ông ngồi xuống cạnh bếp lửa – cụ Ezechiele nói – nhà này luôn luôn rộng cửa đón khách.
Gần ngưỡng cửa có chất một xấp khăn, dùng để trải dưới những gốc ôliu khi thu hoạch; chú Medardo nằm xuống đó, rồi thiếp vào giấc ngủ.
Trong bóng tối, các tín đồ Huguenot xúm xít xung quanh cụ Ezechiele.
– Thưa cha, giờ đây gã CàKhật đang nằm gọn trong tay chúng ta – họ nói khẽ. Chúng ta sẽ để hắn vuột khỏi tay à? Chẳng lẽ chúng ta cứ cho phép hắn phạm thêm tội ác lên đầu người vô tội hay sao? Cụ Ezechiele, đây chưa phải là lúc tên HụtMông này trả giá ư?
Vung hai nắm tay lên trần nhà, cụ hét lên:
– Dịch bệnh và đói kém! – nếu có thể bảo là cụ hét, người mà khi nói thì hầu như đang thì thào, dẫu đã dồn hết sức lực. Tại nhà chúng ta chưa từng bao giờ có vị khách nào bị đối xử không đúng phép. Chính ta sẽ bảo vệ giấc ngủ cho ông ta.
Thế là với khẩu súng hỏa mai quàng vai, cụ trấn ngay bên tử tước đang nằm. Con mắt chú Medardo hé mở.
– Cụ Ezechiele, cụ làm gì vậy?
– Ông khách quý ạ, tôi đang bảo vệ giấc ngủ cho ông. Rất nhiều người không ưa ông đấy.
– Tôi biết chứ – tử tước nói – tôi không ngủ ở tòa lâu đài bởi tôi sợ các gia nhân sẽ thủ tiêu tôi trong giấc ngủ.
– Trong nhà này cũng thế, chúng tôi không yêu thương gì ông đâu, ngài Medardo ạ! Tuy nhiên, đêm nay thì không ai sẽ đụng đến ông.
Tử tước im lặng một lúc, rồi nói:
– Cụ Ezechiele, tôi muốn chuyển sang đạo của cụ.
Cụ Ezechiele không nói gì.
– Xung quanh tôi là những kẻ bội bạc – tử tước Medardo tiếp tục. Tôi muốn tống khứ hết bọn họ, và mời quý vị đến tòa lâu đài. Chính cụ, cụ Ezechiele ạ, cụ sẽ là mục sư của tôi. Tôi sẽ tuyên bố RạngĐông là lãnh thổ của tín đồ Huguenot và khai chiến với các lãnh chúa Công giáo. Cụ và gia đình cụ sẽ làm thủ lĩnh. Cụ Ezechiele, cụ có đồng ý vậy không? Cụ có thể cải đạo cho tôi được không?
Cụ Ezechiele đứng bất động, quai súng chéo ngang vòm ngực rộng.
– Tôi đã quên quá nhiều điều về tôn giáo của chúng tôi – cụ nói – nên không dám cải đạo cho một ai. Tôi sẽ ngụ trong mảnh đất của tôi theo lương tri của tôi. Còn ông thì trong mảnh đất của ông theo lương tri của ông.
Tử tước chống khuỷu tay nhỏm dậy:
– Cụ Ezechiele, thế cụ có biết tôi vẫn chưa báo cáo về sự hiện diện của kẻ tà đạo trong lãnh thổ của tôi cho Tòa án Dị giáo hay không? Rồi cụ không hiểu là nếu thủ cấp của quý vị mà đem gửi làm quà cho vị Giám mục vùng này, thì ắt là tôi sẽ lập tức được trở về trong ân sủng của Tòa thánh hay sao?
– Thưa ông, đầu của chúng tôi vẫn đang dính vào cổ của chúng tôi – cụ nói – song có những cái còn khó dứt ra khỏi chúng tôi hơn nữa.
Tử tước Medardo bật đứng dậy và mở cửa.
– Thà tôi ngủ dưới gốc cây sồi dưới kia còn hơn là ngủ tại nhà một kẻ thù. Rồi chú nhún gót băng vào trong mưa.
Cụ Ezechiele kêu mọi người lại:
– Này các con, y như lời phán, gã CàKhật đã ghé vào đây thăm viếng chúng ta trước. Giờ thì gã đã rời khỏi đây; lối đi nhà chúng ta đã thông; đừng tuyệt vọng, các con ạ: rồi một hôm sẽ có người lữ khách tử tế hơn ghé qua.
Các tín đồ Huguenot nam, râu quai nón, và các tín đồ Huguenot nữ, tóc búi ngược, cùng cúi đầu.
– Ngay cả khi không có ai tới – bà Ezechiele thêm vào – chúng ta sẽ ở tại chỗ của chúng ta.
Đúng lúc đó thì một tia chớp rạch trên bầu trời, rồi tràng sấm ầm ầm rung chuyển mái ngói và các viên gạch trên tường. Chị Tobia la lớn:
– Sét đã đánh trúng cây sồi! Nó đang bốc cháy kia kìa.
Mọi người xách đèn chạy ra ngoài, họ trông thấy cái cây lớn, một nửa bên, từ ngọn xuống gốc, đã bị cháy thành than, trong khi nửa bên kia, còn nguyên. Từ đằng xa trong mưa, văng vẳng tiếng vó ngựa lộp cộp, và nhờ một tia chớp, họ thoáng thấy hình bóng chàng kỵ sĩ lều khều quấn áo choàng.
– Thưa cha, cha đã cứu chúng con – các tín đồ Huguenot nói.
– Cám ơn cụ Ezechiele.
Trời hừng đông quang mây, buổi bình minh bắt đầu.
Esaù kêu riêng tôi ra:
– Mày thấy họ ngốc nghếch thế nào chưa – nó nói nhỏ với tôi – còn muốn biết tao đã làm gì, mày nhìn đây.
Và nó giơ ra một nắm đồ vật lấp lánh.
– Tao đã tháo tất cả khuy tán nạm vàng trên cái yên khi con ngựa đang bị buộc ở trong chuồng. Đấy, mày thấy họ ngốc nghếch thế nào chưa, không thể tưởng tượng được.
Tôi không ưa kiểu hành động của Esaù, còn kiểu của bố mẹ nó thì tôi cảm thấy tù túng. Thế là tôi làm chuyện mình thích: ra bờ biển nhặt con sao hoặc bắt cua. Đang ở trên một mỏm đá truy bắt một con cáy, thì tôi thấy trên mặt nước phẳng lặng phía dưới có phản chiếu một lưỡi gươm trên đầu mình, sợ quá, tôi rơi tọt xuống biển.
– Này, cháu hãy bám lấy!
Chú tôi nói, bởi chính chú là kẻ tới gần sau lưng tôi. Chú muốn tôi nắm lấy thanh gươm, đằng lưỡi.
– Không ạ, chú để mặc cháu – tôi trả lời, rồi bám lấy cái mũi ngách, đượcc một nhánh nước tách biệt hẳn ra với phần còn lại của mỏm đá.
– Cháu đang tìm cua à? – chú Medardo hỏi – còn chú thì đang tìm mực đấy.
Và chú giơ cho tôi thấy mẻ mực bắt được. Đó là những con mực to màu nâu và màu trắng. Chúng đã bị chặt đôi bởi các nhát gươm, nhưng vòi vẫn tiếp tục động đậy.
– Ta có thể chẻ đôi như thế, bất cứ thứ gì còn nguyên-vẹn.
Từ trên mỏm đá, chú gằm mặt xuống nói, vừa nói vừa vuốt ve các nửa con mực đang ngọ nguậy.
– Để mà mỗi người có thể bước ra khỏi sự nguyên-vẹn cùn nhụt và ngu xuẩn của mình. Chú đã từng nguyện-vẹn và mọi sự đối với chú thì tất nhiên và hỗn độn, lãng nhách như không khí; chú đã tin là mình nhìn thấy toàn bộ, thế mà đó chỉ là cái vỏ. Nếu trường hợp cháu trở thành một-nửa của chính cháu, chú cầu chúc đấy, chú bé con à, thì cháu sẽ hiểu các sự việc ở bên kia trí tuệ thông thường của các bộ não nguyên-vẹn. Cháu sẽ mất đi một-nửa của cháu và của thế giới, song nửa còn lại thì sẽ ngàn lần sâu sắc và quý báu hơn. Và cháu ắt cũng sẽ muốn mọi sự đều bị chẻ đôi và hành hạ theo trí tưởng tượng của mình, bởi cái đẹp, sự khôn ngoan, và công lý chỉ hiện diện trong những gì đã bị băm ra thành mảnh.
– Ố ồ – tôi thốt lên – chỗ này có khối cua!
Tôi giả vờ hoàn toàn chú tâm vào cuộc bắt cua, để tránh xa lưỡi gươm của chú. Tôi chỉ quay trở lại bờ biển khi chú đã bỏ đi với mẻ mực của mình. Song âm hưởng lời lẽ của chú tiếp tục gây bồn chồn trong tôi, và tôi không biết phải trú vào đâu trước cái cơn sốt chẻ đôi này. Quay về bất cứ hướng nào, thì hoặc là bác sĩ Trelawney, hoặc là bác thợ cả ThạchĐầuĐinh, hoặc là các tín đồ Huguenot, hay là các người cùi, tất cả, đều ở dưới cái ách của một con người bị chẻ đôi, vị chủ nhân ông mà chúng tôi phục vụ, và chúng tôi lọt trong vòng cương tỏa đó.
1 Tiếng Ý: "tresette", một trò chơi bài phổ biến ở Ý.
2 Tiếng Ý: "cancarone".
3 Huguenot: danh xưng dùng để gọi các tín đồ thuộc Giáo hội Cải cách Kháng cách tại Pháp (thế kỉ 16-18), chấp nhận thần học Calvin.